1. Cảnh sát đã giải cứu một cậu bé tám tuổi có cha mẹ thiệt mạng trong các cuộc tấn công bằng đạn pháo của Nga ở Bakhmut.

Iuliia Mendel, phát ngôn viên của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết mẹ của Bohdan, cậu bé 8 tuổi vừa được giải cứu, đang mang thai 7 tháng khi bà chết “trên đường phố”, cùng với cha em.

Cậu bé ở một mình trong khu vực gần như không ai có thể đến được.

Đức Cha Pavlo Honcharuk, Giám Mục của Kharkiv-Zaporizhzhia cho biết Caritas Ukraine đã nhận nuôi cậu bé mồ côi tội nghiệp này và ngài cử hành một thánh lễ tạ ơn vì cậu bé được cứu sống trước khi chết vì đói, khát, và lạnh lẽo.

Trước tin tức đáng buồn này, Thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki, đã nói rằng tài sản của Nga và tài sản của các nhà tài phiệt Nga là một “hũ vàng khổng lồ” nên được sử dụng để tái thiết Ukraine.

“Chúng ta phải bảo đảm rằng kẻ phạm tội phải trả tiền để tái thiết”. Hôm thứ Ba, trong phát biểu tại một hội nghị ở Berlin nhằm xây dựng sự hỗ trợ quốc tế để tài trợ cho việc phục hồi sau chiến tranh của Ukraine, Thủ tướng Morawiecki nhắc đến câu chuyện này và nói nhiều người Ukraine đang tá túc trên đất nước ông đã kể về những câu chuyện đau lòng tương tự.

Ông đưa ra một nhận xét rằng cay đắng rằng Âu Châu ở một mức độ nào đó đã từng là “một con hổ giấy” mặc dù mạnh hơn nhiều so với Nga.


Source:Euro Maidan

2. Linh mục sau chuyến thăm Ukraine: Đó là một nơi của hy vọng!

Ukraine là một nơi của hy vọng. Đây có lẽ là điều đáng ngạc nhiên trong tâm trí chúng ta khi chúng ta xem tin tức hoặc nghe các cuộc trò chuyện nghiêm túc trên TV. Nhưng thật ngạc nhiên đối với tôi, Ukraine vào tháng 9 năm 2022 đã bộc lộ mình là một nơi hy vọng.

Một: Lviv

Thành phố cổ kính này chịu tác động của nhiều nền văn hóa trong hàng trăm năm đã chào đón tôi với thời tiết ngoạn mục. Mặt trời tháng 9 hoàn hảo với một màu sắc hoài cổ của “giờ vàng” Hollywood gần như không thể diễn tả được. Ai đó biết rất rõ về thành phố này đã dẫn tôi đến nhà thờ cổ kính của người Công Giáo Byzantine. Tòa nhà giống như chứng nhân của hàng triệu lời cầu nguyện trong suốt lịch sử lâu đời của nó. Khi chúng tôi bước vào, chúng tôi thấy một linh mục ẩn sau những cánh cửa được trang trí công phu của bàn thờ phía đông, đang xức dầu Thánh cho các bệnh nhân. Mùi hương và hợp âm của bài thánh ca Byzantine tràn ngập khắp không gian, giống như thời gian tự nó dừng lại ở chính nơi này, hoặc có thể đúng hơn là Đấng vượt thời gian và vượt không gian đang hiện diện mà không có ý định di chuyển.

Hai: Bucha

Những người bạn của tôi đã dẫn tôi đến một thị trấn nhỏ. Trời mưa và bầu trời xám xịt. Người hướng dẫn yêu cầu tôi đi bộ qua một bãi cỏ ướt bên cạnh tòa nhà đang xây dở của một nhà thờ phương Đông hiện đại. Tại bãi cỏ này, chính quyền Ukraine đã tìm thấy thi thể đàn ông, phụ nữ và trẻ em sau khi quân xâm lược Nga phải rút lui và từ bỏ hy vọng kiểm soát Kyiv. Có thể nói gì ở một nơi Chúa cũng ngậm ngùi như thế này, ngoài lời cầu nguyện? Làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu nắm bắt được tầm quan trọng của sự kiện vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của mọi người? Ai đó đã mang đến một tác phẩm điêu khắc bằng đá nhỏ về Đức Mẹ Maria, Người Mẹ Sầu Bi, đang ôm Con của mình theo phong cách rất Byzantine.

Ba: Borodyanka

Ở giữa thị trấn cách đây chỉ vài tháng còn là một bãi chiến trường với những tòa nhà bị đốt cháy và tượng đài bị bắn, một người phụ nữ qua đường đang đưa một đôi tất mới cho một người phụ nữ mắc bệnh tâm thần với ba con chó. Cử chỉ tự nó tạo ra một hình ảnh cảm động, nhưng ở đây ở Borodyanka còn nhiều điều hơn thế nữa về câu chuyện đó. Người phụ nữ bị bệnh tâm thần và những con chó của cô ấy đã tìm kiếm những người bị chôn vùi dưới đống đổ nát của các tòa nhà bị phá hủy, và khi họ không thể đào lên và lực lượng tuần tra của Nga ngăn cản bất cứ ai giúp đỡ, cô ấy sẽ bí mật mang theo nước và thức ăn. Bây giờ những người hàng xóm đang trả ơn bằng cách chăm sóc cô ấy, dù chỉ bằng những cử chỉ nhỏ nhặt như thế này.

Bốn: Fastiv

Cung thánh của nhà thờ với các biểu tượng đáng ngạc nhiên của Thánh Martin de Porres và Mẹ Teresa của Calcutta. Ở nơi này nhiều năm trước, những linh mục, tu sĩ Dòng Đa Minh sống trong các container khi các công nhân xây dựng bắt đầu xây dựng lại một nhà thờ và tạo ra một trại trẻ mồ côi cho trẻ em địa phương. Giờ đây, nhiều năm sau, những đứa trẻ đã lớn và dưới sự chỉ đạo không mệt mỏi của Cha Misha, đã xây dựng Ngôi nhà Martin de Porres. Ngôi nhà này trong thời chiến tranh đã trở thành nơi nương tựa, hy vọng của hàng trăm con người và vẫn tỏa đi khắp vùng với tình nguyện viên, lương thực, vật dụng, với những lễ hội rong ruổi khắp các làng để cho con cháu có chút tuổi trẻ. Họ thậm chí còn có một xe tải thực phẩm phục vụ bánh mì kẹp thịt!

Đây chỉ là bốn bức ảnh tôi chụp khi đến thăm Ukraine vào tháng 9 năm 2022. Chúng cho đất nước này theo cách tôi nhìn thấy - bị ảnh hưởng bởi chiến tranh với cảm giác sợ hãi kéo dài, với sự tàn phá to lớn, đối mặt với vô số câu hỏi đầy thách thức, nhưng vẫn mạnh mẽ đứng lên giữa lịch sử và niềm tin của chính nó và thống nhất trong hy vọng bất ngờ về tương lai chung.
Source:Aleteia

3. Khảo sát cho thấy 77% linh mục Hoa Kỳ đang 'thăng hoa' trong ơn gọi của các ngài

Một cuộc khảo sát gần đây về các linh mục Công Giáo Hoa Kỳ cho thấy rằng trong khi phần lớn các linh mục hạnh phúc trong ơn gọi của mình, gần một nửa đang có dấu hiệu sớm bị kiệt sức do khối lượng công việc gia tăng do số lượng các linh mục đang giảm dần. Nghiên cứu “Hạnh phúc, Niềm tin và Chính sách trong Thời kỳ Khủng hoảng: Những điểm nổi bật từ Nghiên cứu Quốc gia về Linh mục Công Giáo,” được thực hiện bởi The Catholic Project, đã khảo sát 3,516 linh mục từ 191 giáo phận Công Giáo Hoa Kỳ.

Dự án này đã đo lường sự hài lòng của các linh mục Hoa Kỳ thông qua danh sách 10 câu hỏi bao gồm các khía cạnh chính của hạnh phúc. Chúng bao gồm: hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống, sức khỏe tinh thần và thể chất, ý thức và mục đích, tính cách và đức tính, và các mối quan hệ xã hội gần gũi. Điểm hạnh phúc trung bình là 82% đối với các linh mục và 83% đối với các giám mục.

Nhìn chung, 77% linh mục và 81% giám mục có thể được phân loại là “phát triển mạnh mẽ” trong ơn gọi của các ngài. Mặc dù ý nghĩa và mục đích trong ơn gọi của họ là yếu tố góp phần quan trọng vào hạnh phúc của các vị, nhưng điều này không có nghĩa là các linh mục không có những tác nhân gây căng thẳng cho họ. Người ta thấy rằng 4% linh mục đang dự tính rời bỏ chức tư tế và nhiều người khác đang có dấu hiệu suy nhược tinh thần có thể dẫn đến “kiệt sức” trong các chức vụ linh mục của họ.

Để đánh giá khả năng “kiệt sức” của một linh mục, Dự án đã kiểm tra ba chỉ số bao gồm: sự hoài nghi, cảm thấy cạn kiệt cảm xúc và cảm thấy mệt mỏi sau công việc thánh chức.

Người ta phát hiện ra rằng 45% các linh mục trả lời thể hiện ít nhất một dấu hiệu cho thấy sự tiêu hao bản thân trong thánh chức của các ngài. Nghiên cứu cho thấy nhóm có tỷ lệ báo cáo chỉ số “kiệt sức” cao nhất là các linh mục triều (50%), tiếp theo là các linh mục dòng (33%). Chỉ 9% được phát hiện có biểu hiện “kiệt sức nghiêm trọng”, có nghĩa là biểu hiện nhiều chỉ số.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng các linh mục trẻ tuổi có nhiều khả năng “kiệt sức” hơn nhiều so với các đồng nghiệp lớn tuổi của các ngài. Khoảng cách này có thể thấy rõ nhất ở các linh mục triều, nơi 60% linh mục dưới 45 tuổi có dấu hiệu kiệt sức, với 8% báo cáo “kiệt sức trầm trọng”. Khoảng cách thu hẹp khoảng 45% ở nhóm tuổi 45-60 và tiếp tục giảm ở các nhóm lớn hơn tuổi này.

Tin tưởng vào các giám mục

Nghiên cứu đề xuất một số giải thích cho mức độ cao của các chỉ số “kiệt sức” giữa các linh mục Hoa Kỳ, với sự thiếu hụt linh mục gây ra khối lượng công việc gia tăng là mối quan tâm đặc biệt. Một yếu tố khác mà cuộc khảo sát cho thấy làm giảm cảm giác hạnh phúc của các linh mục là quan điểm của các ngài đối với các giám mục.

Ít hơn một nửa (49%) linh mục giáo phận bày tỏ sự tin tưởng vào giám mục của chính họ và chưa đến một phần tư (24%) nói rằng họ “tin tưởng vào sự lãnh đạo và ra quyết định của các giám mục” nói chung.

Nghiên cứu đã lưu ý rằng “sự xói mòn lòng tin” giữa các giám mục và linh mục có thể làm giảm 11.5% cảm giác hạnh phúc của một linh mục. Người ta cũng thấy rằng cảm giác tin tưởng cao vào giám mục của linh mục có thể ảnh hưởng rất nhiều đến cảm giác hạnh phúc của linh mục. Những người báo cáo tin tưởng chắc chắn vào giám mục của họ được cho là làm tốt hơn nhiều so với những người khác.

Về phần mình, 92% giám mục trả lời cho biết các ngài sẽ giúp đỡ một linh mục trong những khó khăn cá nhân với khả năng tốt nhất của các ngài.
Source:Aleteia

4. Người Công Giáo có nên nói chuyện với những người thân yêu đã khuất của họ không?

Trong bộ phim “Coco” của Disney-Pixar, phát hành năm 2017, nhân vật chính, Miguel, vô tình đi qua vùng đất của người chết vào Ngày Các Đẳng Linh Hồn trong khi cố gắng hòa giải tình yêu âm nhạc của mình với sự cấm đoán của gia đình.

Trong bộ phim “Coco”, Miguel tình cờ gặp các thành viên gia đình đã khuất của chính mình, và tìm hiểu lịch sử gia đình thực sự của anh ta. Miguel được cho biết rằng người chết chỉ có thể đến thăm những người thân yêu của họ vào ngày lễ đó nếu có ảnh của họ trên bàn thờ tổ tiên của gia đình.

Người Việt Nam ta không xa lạ với bàn thờ tổ tiên của gia đình, tiếng Anh gọi là “ofrenda”. Đó là một bàn thờ có ảnh của những người thân yêu, những đồ trang trí đầy màu sắc và những món ăn, thức uống yêu thích và những vật lưu niệm của người đã khuất. Tuy nhiên, bàn thờ tổ tiên là một khái niệm khá xa lạ với nhiều người Tây phương.

Mặc dù trải nghiệm của Miguel là hư cấu, bộ phim “Coco” đã khích lệ nhiều người dựng các bàn thờ tổ tiên, là điều đáng khuyến khích, nhưng vấn đề còn đi xa hơn khi nhiều người tìm đến các nhà ngoại cảm để dùng đến thuật chiêu hồn.

Không có gì lạ khi những người thân yêu đau buồn trải qua điều mà các nhà tâm lý học gọi là “Giao tiếp sau khi chết”, trong đó tang quyến tin rằng họ nhìn thấy, nghe thấy giọng nói hoặc thậm chí ngửi thấy mùi của những người thân yêu đã khuất của họ.

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra những trải nghiệm này, đôi khi được gọi là “ảo giác về người mất”, có thể chữa lành và an ủi cho những người đau buồn.

Nhưng người Công Giáo nên thận trọng khi “giao tiếp” với người chết, hai nhà tâm lý học Công Giáo nói với CNA, và khuyên họ nên giao tiếp bằng lời cầu nguyện.

Dana Nygaard là một người Công Giáo và là một cố vấn tâm lý, tư vấn cho những người vừa mất người thân. Nygaard nói với CNA rằng nhiều người Công Giáo hiểu sai về những gì xảy ra với linh hồn sau khi chết, nên cô ấy khuyến cáo hãy thận trọng khi nói về ý nghĩa của việc nói chuyện với những người thân yêu đã khuất. Cô cho biết nhiều người Công Giáo đã gặp các nhà ngoại cảm để dùng các thuật chiêu hồn.

Theo Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, “tất cả các hình thức bói toán đều bị cấm” bao gồm cả việc “gọi hồn người chết”.

Tuy nhiên, Giáo hội khuyến khích người Công Giáo cầu nguyện cho người chết như một trong những việc làm của lòng thương xót về phần hồn.

Sách giáo lý Công Giáo nêu rõ:

“Ngay từ đầu, Giáo Hội đã tôn kính việc tưởng nhớ những người đã chết và dâng những lời cầu thay nguyện giúp cho họ, trên hết là hy tế Thánh Thể, để nhờ đó, họ được thanh tẩy, có thể được hưởng kiến thánh nhan Chúa. Giáo hội cũng tuyên dương những việc bố thí, ân xá và các công việc đền tội được thực hiện thay cho những người đã chết”.

“Chúng ta đừng ngần ngại giúp đỡ những người đã chết và cầu nguyện cho họ.”
Source:Catholic News Agency