1. Lực lượng vũ trang Ukraine bắn hạ 18 trong số 20 máy bay không người lái kamikaze trong ngày qua

Đích thân Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi cho biết rằng Lực lượng vũ trang Ukraine đã phá hủy 18 máy bay không người lái Shahed-136 kamikaze trong 24 giờ qua.

“Trong ngày qua, các lực lượng và phương tiện phòng không đã tiêu diệt 18 trong số 20 máy bay không người lái Shahed-136 được sử dụng chống lại các cơ sở hạ tầng quan trọng của nhà nước chúng ta”.

Diễn biến này khiến nhiều người tin rằng quân Ukraine đã thủ đắc được các kỹ thuật mới hay các thiết bị mới để chống lại máy bay không người lái của Iran.

Phó đại diện thường trực của Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Khrystyna Hayovyshyn tuyên bố tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm rằng cuộc điều tra về việc Iran cung cấp máy bay không người lái cho Nga cần được khởi động ngay lập tức.

Đáp lại, ngoại trưởng Iran tiếp tục đưa ra cùng một câu nói đã được ông ta lặp đi, lặp lại nhiều lần: “Cáo buộc Iran gửi hỏa tiễn cho Nga để sử dụng chống lại Ukraine là không có cơ sở. Chúng tôi có hợp tác trong các vấn đề quốc phòng với Nga, nhưng việc gửi vũ khí và máy bay không người lái chống lại Ukraine chắc chắn không phải là chính trị của chúng tôi.”

Cho đến nay Bộ Ngoại giao Iran vẫn quyết liệt phủ nhận, bất kể các bằng chứng không thể chối cãi là xác các máy bay không người lái bị bắn hạ. Trong cuộc phản công giành lại các lãnh thổ trong khu vực Kharkiv, quân Ukraine còn tịch thu được tại Kupiansk, các máy bay không người lái Shahed-136 còn nguyên vẹn.

Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, tiết lộ rằng ông khá ngạc nhiên vì trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với phía Iran, Bộ Trưởng Ngoại Giao nước này là Hossein Amir-Abdollahian, vẫn tiếp tục khẳng định rằng “Chính trị của chúng tôi là chúng tôi phản đối chiến tranh và sự leo thang chiến tranh ở Ukraine”.

Tưởng cũng nên nhắc lại, sáng 27 tháng 10, quân đội Ukraine đã phá hủy bốn máy bay trực thăng Ka-52 và một máy bay cường kích Su-25 của Nga ở vùng Kherson.

2. Lực lượng Ukraine bắn hạ 4 trực thăng Ka-52, máy bay cường kích Su-25 của đối phương

Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 28 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết sáng 27 tháng 10, quân trú phòng Ukraine đã tiêu diệt một máy bay cường kích Su-25 và bốn trực thăng tấn công Ka-52 của đối phương.

Số lượng máy bay trực thăng bị bắn hạ đã tăng mạnh trong những ngày gần đây sau khi Ukraine loan báo nhận được các hệ thống phòng không tiên tiến của Đức.

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết cụ thể như sau:

“Vào khoảng 08:00 ngày 27 tháng 10, một đơn vị của lữ đoàn hỏa tiễn phòng không Kherson của Bộ Tư lệnh Không quân miền Nam đã bắn rơi một máy bay trực thăng tấn công Ka-52 của Nga”, báo cáo viết.

“Vào khoảng 08:40, một đơn vị thuộc lữ đoàn hỏa tiễn phòng không Odesa thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không miền Nam đã bắn rơi một máy bay cường kích Su-25 của Nga.”

“Buổi chiều cùng ngày, một đơn vị thuộc Trung đoàn 59 Súng Trường Cơ Giới ở Kherson đã bắn rơi thêm 3 máy bay trực thăng của Nga.”

Theo báo cáo của Ukrinform, vào tối ngày 26 tháng 10, kẻ thù đã tấn công Ukraine bằng hơn hai chục máy bay không người lái kamikaze do Iran sản xuất. 19 chiếc trong số đó đã bị quân đội Ukraine bắn hạ: 15 chiếc máy bay không người lái bị phá hủy ở vùng Odesa, 3 chiếc ở vùng Mykolaiv và một chiếc ở vùng Vinnytsia.

3. Không quân Ukraine mở 14 cuộc tấn công vào các cụm quân Nga ở Kherson

Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 28 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết không quân Ukraine đã mở 14 cuộc không kích vào các cụm nhân lực, vũ khí, và các kho đạn của quân Nga trong ngày thứ Năm. Đáp lại, đối phương đã thực hiện ba cuộc không kích và ba cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn hàng loạt.

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân xâm lược cố gắng nắm giữ các vùng lãnh thổ tạm thời chiếm được, tập trung nỗ lực vào việc kiềm chế các hoạt động của Lực lượng Phòng vệ trên các hướng nhất định, trong khi tiếp tục các hoạt động tấn công ở các hướng Bakhmut và Avdiivka.

Bộ Tổng tham mưu lưu ý rằng quân đội Nga tham gia trực tiếp vào các cuộc chiến trên lãnh thổ Ukraine có vấn đề về hậu cần. Do đó, theo những thông tin có được, việc thiếu quần áo ấm đã dẫn đến số vụ trộm cắp và cướp bóc ngày càng tăng của các quân nhân thuộc Lực lượng vũ trang Nga trên lãnh thổ vùng Kherson bị chiếm đóng tạm thời.

Ngoài ra, các quân nhân được điều động đến khu vực để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu không được đào tạo thích hợp và thiếu kỹ năng thực hành trong việc sử dụng các loại vũ khí cơ bản. Điều này dẫn đến tổn thất nhân lực của đối phương đáng kể.

Bộ Tổng tham mưu xác nhận đã phá hủy hai kho đạn của đối phương và một cầu vượt bằng thiết bị quân sự ở vùng Kherson trong những ngày gần đây. Quân Nga đã tung một lực lượng máy bay lớn trên bầu trời Kherson để yểm trợ cho tàn quân tháo chạy sang bờ đông sông Dnipro. Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine thừa nhận nhiều quân Nga chạy thoát vì pháo binh Ukraine hạn chế không tấn công bằng HIMARS. Các loại xà lan này có bị trúng HIMARS cũng có thể sửa chữa được, tổn thất của quân xâm lược không bù đắp được giá của hỏa tiễn. Quân Ukraine chủ yếu dùng trọng pháo, nhưng khó bắn trúng đích trong điều kiện xà lan của quân Nga đang di chuyển.

4. Putin cáo buộc giới tinh hoa phương Tây chơi “trò chơi nguy hiểm, đẫm máu và bẩn thỉu”

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện một số hành động quen thuộc nhắm vào Hoa Kỳ và các đồng minh trong bài phát biểu hôm thứ Năm, cáo buộc “giới tinh hoa phương Tây” chơi một “trò chơi nguy hiểm, đẫm máu và bẩn thỉu” và tìm cách đổ lỗi cho họ về nhiều vấn đề của thế giới, bao gồm cả cuộc xâm lược Ukraine của chính ông ta.

Phát biểu tại diễn đàn thảo luận của Câu lạc bộ Valdai ở Mạc Tư Khoa, ông cũng đổ lỗi cho các chính phủ phương Tây, nhiều người trong số đó đã đề nghị hỗ trợ Kyiv khi đối mặt với cuộc xâm lược vô lý và vô cớ của Mạc Tư Khoa, nhằm tìm kiếm sự thống trị toàn cầu và cố gắng kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới.

“Quyền lực trên toàn thế giới là thứ mà cái gọi là phương Tây đang dựa vào trong trò chơi của chính họ. Nhưng đây là một trò chơi nguy hiểm. Đó là một trò chơi đẫm máu và đó là một trò chơi bẩn thỉu. Nó phủ nhận tất cả chủ quyền của các quốc gia, và tính độc nhất của chúng, nó không tính đến lợi ích của các quốc gia khác”, ông Putin nói như trên bất chấp thực tế là chính ông ta phủ nhận chủ quyền của Ukraine và tính chất độc nhất của dân tộc Ukraine.

Putin tiếp tục cáo buộc phương Tây “dàn dựng… các cuộc cách mạng màu” ở các nước khác, “chẳng hạn như cuộc cách mạng ở Ukraine năm 2014” và tuyên bố các quốc gia phương Tây đã “mất thế thượng phong” trong các vấn đề toàn cầu.

Tổng thống Nga cũng nói rằng không ai có quyền bảo Nga phải xây dựng xã hội của mình như thế nào: “Phương Tây có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với các cuộc diễn hành của người đồng tính nhưng họ không nên ra các quy tắc tương tự cho Nga”. Putin đã nhiều lần chống lại các mối quan hệ đồng giới trong nỗ lực duy trì những gì mà chế độ của ông coi là các giá trị gia đình truyền thống.

Bài phát biểu của ông tại Mạc Tư Khoa được đưa ra vài giờ sau khi các nhà lập pháp Nga phê chuẩn một dự luật cứng rắn chống lại việc tuyên truyền đồng giới, cấm tất cả các hình thức quảng bá hoặc ca ngợi các mối quan hệ đồng giới hoặc công khai gợi ý rằng đó là điều bình thường.

Phiên bản ban đầu của luật được thông qua vào năm 2013 đã cấm “tuyên truyền về quan hệ tình dục phi truyền thống” ở trẻ vị thành niên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm tuyên bố rằng Mạc Tư Khoa chưa bao giờ “cố ý nói bất cứ điều gì” về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng nói rằng chừng nào vũ khí còn tồn tại, thì việc sử dụng chúng luôn có nguy cơ xảy ra.

Và ông phủ nhận rằng Nga đang có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine.

“Chúng tôi chưa bao giờ cố ý nói bất cứ điều gì về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi chỉ đáp lại bằng những gợi ý về các mối đe dọa hạt nhân từ từ các nhà lãnh đạo phương Tây, “

Ông Putin đã một lần nữa tấn công cựu Thủ tướng Anh Liz Truss, và cáo buộc rằng Liz Truss cùng các nhà lãnh đạo phương Tây khác đã tham gia vào cái mà ông gọi là “vụ tống tiền hạt nhân” chống lại Nga.

Ông cũng cáo buộc phương Tây “đưa ra luận điểm rằng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân” để gây ảnh hưởng đến các nước trung lập chống lại Mạc Tư Khoa. Ông nhấn mạnh rằng học thuyết quân sự của Nga chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân cho mục đích “phòng thủ”.

Ông Putin cũng nhắc lại những tuyên bố vô căn cứ của Nga rằng Ukraine đang chế tạo một quả bom bẩn để sử dụng trên lãnh thổ của mình và đổ lỗi cho Mạc Tư Khoa; và tuyên bố đã ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu gọi cho các Bộ trưởng Quốc phòng các nước phương Tây.

Nga cáo buộc Ukraine có kế hoạch sử dụng một loại bom bẩn, kết hợp chất nổ thông thường như thuốc nổ và chất phóng xạ như uranium. Kyiv và các đồng minh phương Tây nói rằng cáo buộc này không đúng sự thật và Mạc Tư Khoa có thể đang tiến hành một chiến dịch cờ giả.

Ukraine đã mời các chuyên gia từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đến thăm hai cơ sở mà chính phủ Nga cho rằng - không có bằng chứng - có liên quan đến kế hoạch chế tạo bom bẩn.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hôm thứ Tư rằng hậu quả đối với Nga nếu nước này sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến với Ukraine đã được chuyển tải tới ông Putin.

Blinken cũng bác bỏ tuyên bố mới nhất của Nga rằng Ukraine đang tính đến việc sử dụng “bom bẩn”. Blinken khẳng định rằng đó là “một sự ngụy tạo khác của Nga và cũng là đỉnh cao của sự vô trách nhiệm đến từ một cường quốc hạt nhân”. Blinken nhắc lại rằng Mỹ đang theo dõi “rất cẩn thận thanh kiếm hạt nhân của Điện Cẩm Linh”.

Bất chấp những lo ngại gia tăng, các quan chức Mỹ vẫn chưa thấy bằng chứng về các hành động của Nga cho thấy Mạc Tư Khoa đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.

5. Ứng cử viên tổng thống và là con gái đỡ đầu của Putin bỏ trốn đến Lithuania

Cô Agnė Bilotaitė, Bộ trưởng Nội Vụ Lithuania đã xác nhận rằng nhà báo, kiêm nhân vật truyền hình Nga Ksenia Sobchak - con đỡ đầu của Vladimir Putin - đã trốn sang Lithuania. Diễn biến này xảy ra sau khi cảnh sát ở Mạc Tư Khoa đột kích một trong những ngôi nhà của cô.

Là một nhân vật truyền thông nổi tiếng ở Nga, Sobchak lần đầu tiên nổi tiếng với vai trò người dẫn chương trình truyền hình trước khi dấn thân vào sự nghiệp báo chí. Cô cũng tranh cử Tổng thống Nga vào năm 2018, một động thái mà những người chỉ trích cô cho rằng là một diễn xuất công khai nhằm giúp Điện Cẩm Linh tạo ấn tượng về các cuộc bầu cử có cạnh tranh chứ không phải trò độc diễn của Putin.

Cô là con gái của cựu thị trưởng St Petersburg Anatoly Sobchak, người mà trước đây Putin đã mô tả là người cố vấn của mình. Cô được đồn đại là con đỡ đầu của Putin, và mặc dù điều đó chưa đủ để xác nhận gia đình cô có mối quan hệ với tổng thống Nga, nhiều nhân vật trong phe đối lập đã có sự dè dặt với cô.

Truyền thông Nga cho biết Sobchak đã trốn khỏi Nga vào tối thứ Ba, qua biên giới Belarus-Lithuania sau khi lừa chính quyền Nga bằng cách mua vé máy bay từ Mạc Tư Khoa đến Dubai qua ngã Istanbul.

Bộ trưởng Nội Vụ Lithuania không cho biết thêm nước này sẽ cấp tư cách tị nạn cho Sobchak hay chỉ cho cô ta quá cảnh.

6. 20 UAV chiến đấu được bàn giao cho quân đội Ukraine

20 UAV chiến đấu khác của Warmate, được mua trong khuôn khổ dự án Army of Drone, đã được bàn giao cho các quân nhân Ukraine.

“Vào mùa hè, Monobank và UNITED24 đã quyên góp được 64 triệu tiền Ukraine cho Đội quân máy bay không người lái. Chúng tôi đã sử dụng số tiền này để mua 40 máy bay không người lái Warmate kamikaze. Một nửa số máy bay không người lái đã được gửi đến tiền tuyến vào tháng trước. Hôm nay, 20 Chiến hữu nữa sẽ tăng cường sức mạnh cho Lực lượng vũ trang Ukraine”, Mykhailo Fedorov, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine cho biết như trên.

Fedorov làm rõ rằng các máy bay không người lái này thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu rất lợi hại. Người điều khiển đánh dấu một điểm trên bản đồ, cung cấp dữ liệu cho máy lái tự động, sau đó nó độc lập đánh trúng mục tiêu. Máy bay không người lái tấn công thiết bị, hệ thống phòng không, hệ thống tác chiến điện tử và các đối tượng cực kỳ quan trọng khác của đối phương.

Như đã đưa tin, dự án Army of Drone do Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang và Bộ chuyển đổi kỹ thuật số khởi xướng. Đây là một chương trình toàn diện cung cấp việc mua máy bay không người lái có hệ thống, sửa chữa chúng, cũng như đào tạo các chuyên gia có liên quan. Dự án được ra mắt vào ngày 1/7.

7. Các đảng viên cấp tiến trong Đảng Dân chủ đang làm lợi cho Putin như thế nào

Trong một diễn biến gây hoang mang cho nhiều người Ukraine, hơn hai chục thành viên Hạ viện của đảng Dân Chủ dẫn đầu bởi Dân biểu Pramila Jayapal đang kêu gọi Tổng thống Joe Biden chuyển hướng trong chiến lược Ukraine của mình và theo đuổi chính sách ngoại giao trực tiếp với Nga, phớt lờ Ukraine, để đưa cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng đến hồi kết thúc.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “How Progressive Democrats Are Playing Into Putin's Hands”, nghĩa là “Các đảng viên cấp tiến trong Đảng Dân chủ đang rơi vào tay Putin như thế nào.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Hai học giả đã đề cập với Newsweek về lá thư của nhóm Dân chủ cấp tiến tại Hạ viện kêu gọi Tổng thống Joe Biden thương thảo trực tiếp với Điện Cẩm Linh để đạt được lệnh ngừng bắn ở Ukraine.

Hôm thứ Ba, Dân biểu Pramila Jayapal, trưởng nhóm và là tác giả chính của bức thư, đã rút lại bức thư và nói rằng nó đã được soạn thảo nhiều tháng trước khi nó được công bố “nhưng rất tiếc đã được nhân viên phát hành mà không kiểm tra,” và thừa nhận thời điểm công bố;à không tốt.

Bà viết: “Vì tính thời điểm, thông điệp của chúng tôi đang được một số người cho là tương đương với tuyên bố gần đây của Lãnh đạo Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy đe dọa chấm dứt viện trợ cho Ukraine nếu Đảng Cộng hòa thắng thế”.

“Sự gần gũi của những tuyên bố này đã tạo ra một diện mạo đáng tiếc rằng đảng Dân chủ, những người đã ủng hộ mạnh mẽ và nhất trí và bỏ phiếu cho mọi gói hỗ trợ quân sự, chiến lược và kinh tế cho người dân Ukraine, bằng cách nào đó liên kết với đảng Cộng hòa, những người đang tìm cách kéo người Mỹ khỏi sự ủng hộ dành cho Tổng thống Zelenskiy và các lực lượng Ukraine”.

Jayapal nhấn mạnh rằng bức thư được ký bởi 30 nhà lập pháp, không có ý định cắt hoặc giảm viện trợ quân sự cho Ukraine.

“Mọi cuộc chiến đều kết thúc bằng ngoại giao, và cuộc chiến này cũng sẽ như thế sau chiến thắng của Ukraine. Bức thư được gửi ngày hôm qua, mặc dù nêu lại nguyên tắc cơ bản đó, đã bị nhầm lẫn với sự chống đối việc ủng hộ Ukraine bảo vệ chủ quyền quốc gia của họ. Như vậy, đó là một sự phân tâm vào thời điểm này và chúng tôi rút lại lá thư,” cô ta viết.

Phản ứng dữ dội được tạo ra bởi bức thư, được công bố vào hôm thứ Hai, là dấu hiệu đầu tiên của sự bất đồng giữa các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội về cuộc chiến ở Ukraine và vai trò của Washington với tư cách là người ủng hộ chính của Kyiv. Đối với nhiều người, bức thư được coi là làm suy yếu sự ủng hộ của chính quyền Biden đối với Ukraine và gieo rắc chia rẽ trong đảng Dân chủ chỉ hai tuần trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.

“Yêu cầu này thực sự cho thấy sự chia rẽ”, Tiến sĩ Marina Miron từ Khoa Nghiên cứu Quốc phòng của Đại học King's College London, nói với Newsweek.

Bà nói: “Sự chia rẽ đã tồn tại ngay từ đầu, đáng chú ý nhất là giữa các nhà lãnh đạo Âu Châu và các đối tác Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, nhưng giờ đây, chúng ta nhận thấy sự chia rẽ nội bộ trong quốc gia tài trợ lớn nhất. Và những sự chia rẽ này rất có thể sẽ bị lợi dụng bởi chiến tranh thông tin, các chiến dịch sai lệch thông tin và tuyên truyền của Nga nhằm tạo ra một khoảng cách lớn giữa hai phe và để chống lại những người ủng hộ của mỗi phe.”

Kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, Quốc hội đã thông qua hơn 60 tỷ Mỹ Kim viện trợ cho Kyiv.

Miron lo ngại rằng bất kỳ sự do dự nào của Mỹ trong việc giúp đỡ Ukraine, do Hoa Kỳ đang tập trung vào việc chống lạm phát trong nước, có thể ảnh hưởng đến các chính trị gia Âu Châu và việc họ ra quyết định vì họ cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu Mỹ giảm sự giúp đỡ của mình, biết rằng hiện tại họ đang ở bên bờ vực thẳm và sẽ không thể gánh vác được gánh nặng”.

Bất kỳ hành động lừng khừng nào từ Mỹ cũng có nguy cơ châm ngòi cho những tiếng nói chính trị ở Âu Châu, những người luôn phản đối việc giúp đỡ Ukraine.

Bà Miron nói: “Vì vậy, đối với các đồng minh, sự chia rẽ này ở Mỹ có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng mà Nga sẽ cố gắng khuếch đại trong phổ thông tin, có thể kích động bất ổn trong nước – là điều mà các chính trị gia Âu Châu đã biết và đang chuẩn bị đối phó”.

“Nếu điều đó xảy ra trên quy mô lớn, vẫn còn phải xem điều gì sẽ được đặt lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự chính trị của họ. Ukraine rất có thể sẽ hạ giảm các ưu tiên của mình”.

Kenton White, một giảng viên về Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Reading, nói với Newsweek rằng bức thư trực tiếp làm suy yếu mục đích đã nêu của Biden là ủng hộ cuộc kháng chiến của Ukraine.

“Loại 'lời kêu gọi' này sẽ xuất hiện đối với một số quốc gia không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến vì sự chia rẽ trong các quốc gia ủng hộ Ukraine. Các quốc gia như Trung Quốc sẽ ra sức tuyên truyền về các sự kiện như vậy. Ông Antony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao, trước đây đã nói rằng Mỹ sẽ sát cánh với Ukraine trong thời gian lâu dài,” ông nói.

“Sự mâu thuẫn giữa quan điểm của Chính quyền và bức thư này sẽ không thể bỏ qua bởi nhiều quốc gia sẵn sàng đứng ngoài lề hoặc tích cực ủng hộ Nga.”