HÀNH HƯƠNG VỀ THÁNH GIÁ

(Suy niệm Lễ Suy Tôn Thánh Giá 14-9)

Tương quan chặt chẽ giữa đoạn trích sách dân số (Ds 21,4b-9) và đoạn tin mừng hôm nay (Ga, 3,13-17) là cùng nói về Thánh Giá Chúa Giêsu. Bên Cựu Ước là hình ảnh con rắn đồng được treo lên và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn con rắn đồng thì được cứu sống (Ds 21,9). Bên Tân Ước thì “Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga,3,14b-15).

Rắn cắn



Trong cuộc hành trình qua Sa mạc về Đất Hứa, Dân Thiên Chúa đã kêu trách Chúa và phàn nàn vị Đại Diện của Chúa là Ông Môi sê. Họ luyến tiếc những bữa rượu thịt thơm ngon khi còn ở đất Ai Cập. Việc làm nô lệ nơi đất khách quê người không còn là một sỉ nhục đối với họ, miễn là họ được an thân và có cái ăn ngon lành. Họ nhàm chán Manna, Bánh Từ Trời, và cho là vô vị. Và họ bị rắn cắn. Đã có nhiều người phải chết.

Tôi nhớ có lần, anh em Huynh Trưởng Thiếu Nhi ThánhThể Giáo Phận chúng tôi nói với nhau rằng “Huynh Trưởng Thiếu Nhi” mà bỏ “Thánh Thể”, thì coi như xong đời. Nếu dân Chúa bị rắn cắn vì kêu trách Chúa đã cho cái ăn là Manna vô vị; thì thời nay, cũng không thiếu người bị rắn cắn vì xem thường Thánh Thể Chúa, vì không tha thiết, không khao khát của ăn thường sinh, vì quá chú trọng, quá lo lắng, quá thèm thuồng những của ăn phần xác.

Con rắn thời xưa không được ăn học, mù chữ, nên còn ngu đần lắm. Nó cắn ai thì người ấy chết ngay. Ma quỷ thời nay tinh thông hơn nhiều, mưu mánh và có những chiêu bài độc hại đến nỗi làm cho người ta không nghe thấy đau, không biết mình đang bị rắn cắn, và cũng không làm cho ai chết liền, nhưng làm cho người ta chết dần chết mòn từ trong lục phủ ngũ tạng mới ra đến bán thân tê liệt rồi toàn thân bất toại. Quả thật, con người ta càng ngày càng khó nhận ra mình đang chấp nhận một sự nô lệ, nô lệ phương tiện, tiện nghi, chủ thuyết, khoa học mà chính con người làm ra để phục vụ chỉ cho đời sống trần thế, đời sống của Đất Ai Cập. Ý thức sử dụng những “chiếc bánh” văn minh mà Thiên Chúa ban cho để phục vụ cho hành trình về Đất Hứa hãy còn quá ít. Nọc độc của con rắn thời nay lại là sự ngọt ngào hấp dẫn, là hạnh phúc mơ hồ nhưng cũng là hạnh phúc đủ khiến con người ta không còn màng đến Thiên Đàng hay Đất Hứa. Sự sống vĩnh cửu và khái niệm đời sau không có chỗ đứng trong con người do nọc độc của chủ nghĩa duy vật.

Lễ Suy Tôn Thánh Giá trước tiên cho ta cơ hội kiểm tra sức khỏe xem có đang bị nhiễm độc hoặc đang tiến dần đến chỗ chết, đang cần, thực sự cần thiết đến con rắn đồng, đến Thánh Giá Chúa Giêsu, để được cứu sống. Và chắc hẳn, khi chìm trong thinh lặng của cõi lòng, nhờ Thánh Thần soi rọi, ai trong chúng ta cũng đều là người đang bị nhiễm độc của rắn,của thần dữ, của ma quỷ- nhất thiết phải nhờ đến ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu trên Thánh Giá.

Nhìn và Tin

Chúa Giêsu chắc chắn không vô tình khi sử dụng động từ “tin”, bổ sung cho động từ “nhìn” và “được sống muôn đời” bổ sung cho “được cứu sống” trong sách dân số. Dân Thiên Chúa chỉ cần nhìn con rắn đồng là được cứu sống. Còn chúng ta, con người của thời Tân Ước, Chúa Giêsu đòi hỏi không chỉ nhìn mà còn phải tin, hoặc nhìn bằng đức tin chân thành tuyệt đối.

Thánh Giá Chúa Giêsu không phải là một món đồ trang sức như thời đại hôm nay có người vẫn sử dụng với ý nghĩa ấy.

Thánh Giá Chúa Giêsu là giá cứu chuộc, cái giá phải trả cho Thiên Chúa Cha, để nhân loại được lại sự sống siêu nhiên, sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa mà tổ tiên loài người đã đánh mất vì nguyên tội. “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17). Hằng ngày, nhìn lên Thánh Giá với lòng tin cậy mến, chính là Suy tôn Thánh Giá - bổn phận của một nghĩa tử đối với Thiên Chúa mà chúng ta gọi là Cha, vì chính Cha cũng đã “siêu tôn Con của Người” và “mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2, 9-11). Chúng ta suy tôn Thánh Giá là suy tôn cả một Mầu nhiệm Cứu Chuộc, Suy Tôn một Tình Yêu Khiêm Hạ, như Thánh Phao lô xác quyết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-9)

Nhìn và tin. Trong kỳ tĩnh tâm anh em Phan sinh chuẩn bị nhập gia và tuyên khấn, người hướng dẫn đã mời gọi anh em thinh lặng nhìn lên Thánh Giá với lòng tin cậy mến. Không nói với Chúa điều gì, chỉ nhìn và tin thôi, rồi hãy lắng nghe Chúa chịu đóng đinh nói. Có người hôm sau kể rằng: “Mình thấy Chúa Giêsu nghiêng đầu qua bên phải, nhìn mình như nhìn ông ăn trộm năm xưa, và hình như mình nghe Chúa nói: Hôm nay ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng với ta. Mừng quá, sợ nữa, vì rõ ràng mình là người ăn trộm, ăn trộm đủ thứ trên đời, ăn trộm của người, ăn trộm của Chúa….”

Ông cụ Dominico Nguyễn Văn Thanh, đi tập kết ra Bắc, sau 1975 về sống lại đời sống Công Giáo với gia đình. Ông thường cầm Thánh Giá trong tay khi đi ra đường, đặt Thánh Giá trên bàn ăn trong những bữa ăn, đặt Thánh Giá bên mình trong lúc ngủ… và đến đầu tháng 8 ông bệnh nặng. Ngày 22-8-2007, bệnh viện trả ông về. Ông bảo đưa Thánh Giá cho ông cầm, ông khôi hài nói : “ Anh nầy rắc rối lắm nè, cực khổ, bắt bớ, kiểm điểm, hạ lương,mất việc… cũng do ảnh mà ra. Nhưng cũng nhờ ảnh, mà hôm nay mới được thoải mái”. Sau đó khoảng 2 tiếng, ông đã tắt hơi. Thọ 87 tuổi. Câu nói khôi hài vui vẻ về Thánh Giá Chúa Giêsu ấy, cho thấy một niềm tin đơn sơ mà mãnh liệt, một lòng yêu mến chân thành làm cho những người giữ kẻ liệt và bà con chung quanh giường bệnh của ông thật ngậm ngùi, mà kính phục.

Chúng ta hãy ước muốn mỗi người là một nữ tu Dòng Mến Thánh Giá để mỗi ngày được đặt mình trước Thánh Giá Chúa và thân thưa với Chúa: “Đức Giêsu Kitô Chịu đóng đinh, là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con”.

Hành hương về Thánh Giá

“Con người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga, 3,14b-15)

Phong trào hành hương đang rộ lên khắp trong nước. Đức Mẹ La vang, Trà Kiệu, Tà Pao, Trinh Phong…., Cha Phanxico Trương Bửu Diệp …nơi nào cũng nô nức người đến hành hương và xin ơn. Đây là một việc đạo đức thật tuyệt hảo của cộng đoàn dân Chúa. Nhưng thiết tưởng, trước khi thực hiện các cuộc hành hương ấy, mỗi người nên hành hương về Thánh Giá Chúa mỗi ngày, để suy tôn Thánh Giá Chúa, và để nghe thấu tiếng gọi yêu thương từ Thánh Giá Chúa và bao nhiêu ân lộc mà Chúa Giêsu chịu đóng đinh ban cho.

Có một bản kinh tuy cũ, nhưng có thể nói, tóm lược được tất cả mầu nhiệm Thánh Giá, mà chúng ta vẫn thường đọc khi cầu hồn, khi đưa đám tang… Thiết tưởng, ta có thể đọc mỗi ngày trong phút hành hương về Thánh Giá:

“A Rất Thánh Giá, chúng con kính mừng cây Thánh Giá, là cây đã chuộc muôn dân đặng rỗi, cho kẻ có phước đặng phần vui mừng; cho kẻ có tội đặng lòng trông cậy; cho kẻ yếu đuối đặng nhờ sức mạnh; cho kẻ khốn nạn đặng sự an lành.

Khen cây Thánh Giá ở giữa rừng phàm, nên giống báu lành, nên cây sang trọng, nên đơn linh nghiệm, nên tàu vượt qua biển hiểm thế nầy.

Cây Thánh Giá thật là gươm giáo dẹp giặc linh hồn, khử trừ đánh diệt tam cừu oan gia, sát phạt tà ma thịt mình thế tục.

Vì cây Thánh Giá là như chìa khóa mở cửa Thiên đàng cho chúng con được vào đến nơi quê thật.

Cây Thánh Giá tốt lành rất mực dìm dà êm mát, bóng che thiên hạ khỏi khốn hỏa hình. Cội rễ, nhành lá búp bông hoa quả. Từ xưa nhẫn nay, cây nào dám ví bằng cây Thánh Giá, từ cây Thánh Giá chở mình Chúa Cả đóng đinh chịu chết trên cây Thánh Giá.

Vậy cây Thánh Giá nên giống báu lành vô lượng vô biên, lưỡi khen chẳng xiết, bút ngợi không cùng. Tài Thánh Giá ai dám ví bằng ? Sức Thánh Giá vô số chẳng cùng. Rày con trong cậy Thánh Giá. Con nhớ Chúa con là Chúa Giêsu cực cao cực cả, đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội con.

Vậy nên con phải hết lòng khiêm nhượng, cám ơn thờ phượng, con kính con lạy, con mừng Thánh Giá, ngửa nhìn Thánh Giá, thật giống chữa con, chuộc con đặng rỗi, tha hết tội con. Con cầu đã phỉ, con nguyện đã đáng. Con đặng cậy nhờ đau thì liền đã, nghèo xảy lại an.

Vậy con trông cậy Thánh Giá, xin đưa chúng con qua khỏi gian nan, tới nước Thiên đàng đặng ở chốn an chẳng còn khốn khó. Amen.” (Sách Mục Lục GP. Qui Nhơn, trang 108)