VAI TRÒ CÁC ĐOÀN THỂ CÔNG GIÁO TRONG VIỆC GIÁO DỤC ĐỨC TIN

(Đây là bài tham luận của Hội Đồng Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, TGP Huế)



Trong ngày gặp gỡ truyền thống giữa các Hội Đồng Giáo Xứ (HĐGX) của Địa phận, thật là vinh dự cho Giáo xứ ĐMHCG chúng con khi được Ban Tổ Chức phân công trao đổi với toàn thể quý vị về Vai trò của các Hội đoàn Công giáo trong giáo dục Kitô giáo theo tinh thần Thư Chung 2007 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Với khả năng còn hạn chế, và nhiều thiếu sót trong kinh nghiệm phục vụ Giáo xứ, nhưng tin vào Ơn Chúa giúp, chúng con xin mạnh dạn trình bày hiểu biết nhỏ bé và kinh nghiệm của chúng con trong vấn đề này.

Theo tư liệu gợi ý thảo luận, trong phần này có 3 tiểu mục :

  • 1. Định nghĩa các thuật ngữ : Hội đoàn và Cộng đoàn Giáo Hội cơ bản.
  • 2. Hội đoàn công giáo và Cộng đoàn Giáo hội cơ bản là môi trường giáo dục Kitô giáo như thế nào ?
  • 3. Chỗ đứng của các Hội đoàn và Cộng đoàn giáo hội cơ bản trong giáo xứ ra sao ?
Chúng con xin mạn phép sắp xếp lại thứ tự trên như sau để tiện thảo luận :

  • 1. Định nghĩa các thuật ngữ : Hội đoàn và Cộng đoàn Giáo Hội cơ bản.
  • 2. Chỗ đứng của các Hội đoàn và Cộng đoàn giáo hội cơ bản trong giáo xứ ra sao ?
  • 3. Hội đoàn công giáo và Cộng đoàn Giáo hội cơ bản là môi trường giáo dục Kitô giáo như thế nào ?
A.Định nghĩa các thuật ngữ “Hội đoàn Công giáo” và “Cộng đoàn Giáo hội cơ bản”.



1.Hội đoàn Công giáo là gì ?



-Ở đây có hai (2) vế : đó là Hội đoàn là gì ? Và Hội đoàn Công giáo là gì ?

a. Hội đoàn, hay đoàn thể là gì ?

Hội đoàn (hay đoàn thể) là tập hợp một nhóm người cùng chung một ý hướng, một mục đích đã xác định rõ ràng nhằm thực hiện những ước vọng chung đó. Ví dụ : Hội các Bác sĩ Ngoại khoa, Hội những nhà doanh nghiệp, Hội Chữ thập đỏ …

Trong xã hội, người ta thường chia Hội đoàn thành hai nhóm : Nhóm thứ nhất là các Hội đoàn có lợi nhuận như Hội những nhà doanh nghiệp…; nhóm thứ hai là các Hội đoàn phi lợi nhuận như Hội Chữ Thập đỏ …. Đó cũng là lẽ tự nhiên ! Vì thế, mỗi hội đoàn sẽ có nội quy và chương trình làm việc riêng biệt, nhằm hướng dẫn và liên kết các thành viên trong hội đoàn để thực hiện tiêu chí mà Hội đoàn đã đề ra.

Vậy, chữ Hội đoàn trong thuật ngữ “Hội đoàn Công giáo” phải được hiểu theo nhóm Hội đoàn thứ hai, nghĩa là “tập hợp một nhóm người cùng chung một ý hướng, một mục đích đã xác định rõ nhằm thực hiện những ước vọng chung, nhưng hoàn toàn không có tính lợi nhuận”.

b.Hội đoàn hay đoàn thể Công giáo là gì ?



Theo chúng con hiểu, Hội đoàn hay đoàn thể công giáo là “những tập hợp một nhóm giáo dân công giáo được giáo quyền chuẩn nhận. Nhóm giáo dân này có chung một ý hướng, một mục đích đã xác định rõ ràng là : Với đặc sủng của Hội đoàn, mọi thành viên giáo dân công giáo của Hội đoàn “họp nhau lại nhân danh Đức Giêsu Kitô” để thực hiện ước vọng chung là gặp gỡ Đức Kitô, cầu nguyện, rồi“tuyên xưng, làm chứng và loan báo Đức Kitô đã chết, Đức Kitô đã sống lại và Đức Kitô sẽ lại đến” (Lm. Mark Link S.J., The Catholic Vision) bằng cách thực hành nội quy cùng chương trình làm việc riêng biệt của mỗi hội đoàn đã được giáo quyền chuẩn nhận. Ví dụ : Hội Legio Mariae, Hội Vinh Sơn … Đây là đặc tính mà Đức Cố Giáo Hoàng Yoan-Phaolô II gọi là “Quy Kitô”.



*Ngoài đặc tính phi lợi nhuận của Hội đoàn Công giáo đã trình bày ở trên, theo chúng con Hội đoàn công giáo có một đặc trưng hết sức quan trọng (mà các hội đoàn khác ít hoặc không có !), đó là : Hội đoàn công giáo là Hội đoàn giúp và đòi hỏi các hội viên phải ước ao và phấn đấu “làm thánh”. Nghĩa là, các thành viên các Hội đoàn công giáo – dù khác nhau về cách thể hiện các đặc sủng của mỗi hội đoàn -, nhưng tất cả đều có chung một mục đích tối hậu là “Nên thánh như Cha trên Trời là Đấng Chí Thánh”. Đây là nét độc đáo, và là hãnh diện riêng của hội đoàn công giáo.



*Nơi hội đoàn Công giáo, ý hướng, mục đích, cách thực hành cùng chương trình làm việc thường được gọi là Linh Đạo (nghĩa là Đường thiêng liêng). Tại sao gọi là Linh Đạo ?. Suy tư điều này, chúng con lại khám phá ra thêm một nét đặc trưng nữa của Hội đoàn Công giáo, đó là : thông thường, các linh đạo riêng của các đoàn thể công giáo đều được Thánh Thần khởi xướng, nghĩa là Hội đoàn công giáo là tác phẩm và là công trình của Chúa Thánh Thần trong lòng Hội Thánh với nổ lực cộng tác không ngừng của các đấng sáng lập và các hội viên.



*Một hệ quả bất khả phân ly của đặc trưng này là Hội đoàn Công giáo phải mật thiết gắn bó, hiệp nhất với Giáo Hội, là Mẹ và là Thầy.



Tạ ơn Chúa đã thực hiện những điều này vì lợi ích con người chúng ta.

2. Cộng đoàn Giáo hội cơ bản là gì ?

Trong trang web Tiếng nói giáo dân, mục Nhật ký truyền giáo có đăng một bài viết như thế này : “Cà Mau, …1993. 6giờ 30’ chiều nay, mình đứng trước cửa chờ một người dự tòng đến học giáo lý. Chờ mãi vẫn chưa thấy. Một nhí gái rề rề tới :

- Thưa ông cố mạnh giỏi.

- Con đi đâu vậy ?

- Thưa ông cố, con đi tập hát.

Cứ chuyện nọ xọ chuyện kia, không đầu không đuôi. Bỗng nó khoe :

- Nhóm chúng con góp được gần hai chục ngàn rồi.

- Nhóm gì ?

- Nhóm chúng con có chín đứa, góp tiền tiết kiệm, khi nào được hai chục ngàn, thì chúng con qua bên chợ chia tiền cho người cùi, người ăn xin.

- Thế nhóm chúng con không có tên hả ?

- Nhóm chúng con là nhóm bác ái.

- Ai biểu chúng con lập nhóm ?

- Chúng con lập nên.

Bỗng mình ứa lệ. Nó là con của mình mà chính mình lại không biết nó đang hoạt động tông đồ. Thậm chí mình cũng chưa hướng dẫn nó nữa. Chúa Thánh Thần tác động trong nó. Nó là niềm hãnh diện của mình. Nó chính là “cộng đồng cơ bản” đang nảy sinh ngay trong giáo xứ của mình. Tạ ơn Chúa. Mình trở về phòng, ngồi khóc một mình, khóc vì sung sướng.” (http://www.tiengnoigiaodan.net).

Cố gắng tìm hiểu về thuật ngữ này, chúng con càng thấy Chúa làm việc quá ư là tuyệt vời.

Thượng Hội Đồng Giám mục Thế Giới năm 1985 có nhận định như sau : “Vì Giáo Hội là hiệp thông, các cộng đoàn cơ bản mới, nếu thật sự hiệp nhất với Giáo Hội, mới là thật sự thể hiện mối hiệp thông này và mới là phương tiện kiến tạo nên một mối hiệp thông sâu xa hơn. Có thế, những cộng đoàn giáo hội cơ bản ấy mới là nguồn hy vọng dồi dào cho đời sống của Giáo Hội. ”



Vậy, “các cộng đoàn giáo hội cơ bản” là gì mà Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới quan tâm và có nhận định như thế ?



Cộng đoàn giáo hội cơ bản là “những nhóm Kitô hữu, những người ở bậc gia đình hoặc trong hoàn cảnh hạn chế tương tự, cùng đến với nhau để cầu nguyện, đọc Thánh Kinh, học giáo lý và thảo luận với nhau về những vấn đề con người (nhân bản) cũng như giáo hội với ý hướng dấn thân hoạt động chung” (theo Báo cáo của THĐGMTG 1985). “Những cộng đoàn này phân nhỏ cộng đồng giáo xứ và làm nên cộng đồng giáo xứ, một cộng đồng mà họ vẫn gắn bó. Họ đi sâu vào những miền kém may mắn và quê mùa làng mạc, để trở nên men của đời sống Kitô giáo, của việc chăm sóc người nghèo, kẻ bị bỏ rơi, cũng như của việc dấn thân làm cho xã hội được biến đổi”. “Những cộng đoàn này là dấu sinh động trong Giáo Hội, là công cụ đào tạo và Phúc âm hóa, cũng là một khởi điểm vững vàng cho một xã hội mới được xây dựng trên “nền văn minh tình thương”. (Theo Báo cáo của THĐGMTG 1985).

Trong thực tế, với những tiếp xúc giáo dân trong giáo xứ chúng con và các giáo xứ bạn, chúng con cũng được biết : hiện tượng này cũng đang phát triển nhanh nơi các giáo xứ. Chẳng hạn như, ở Loan Lý, chúng con có quen biết các anh chị trong nhóm Gia đình trẻ Loan Lý, họ thường quy tụ nhau để chầu Mình Thánh Chúa hằng tuần, lần hạt chung với nhau tại nhà thờ xứ hoặc tại tư gia, rồi thường giúp nhau trong công việc làm ăn sinh sống cùng việc bác ái. Nhóm này có thể được gọi là “cộng đồng giáo hội cơ bản”.

Hoặc ngay trong giáo xứ ĐMHCG chúng con, cũng có một số anh chị gia đình trẻ, dù phải bận rộn lo mưu sinh và lo chu toàn nhiệm vụ trong các Hội đoàn Công giáo ở giáo xứ, họ còn nhóm với nhau để quyên góp áo quần hoặc tiền bạc của nhau, rồi sau đó đi giúp người nghèo ở A Lưới, Nam Đông hay ở những xứ, những nơi nghèo hơn chúng con.

Hoặc nơi các em Thiếu Nhi Thánh Thể mà giáo xứ chúng con thường gọi là Lễ Sinh, cũng tồn tại một số em hy sinh hãm mình để nhịn phần ăn sáng hoặc tiêu xài cá nhân, để gom góp tiền bạc hoặc đồ vật cụ thể trong suốt một năm, rồi vào dịp lễ Giáng Sinh, các em đó mua quà rồi đem về các nơi nghèo tổ chức vui Noel với các bạn cùng trang lứa.

Như thế, các anh chị gia đình trẻ Loan Lý, các anh chị gia đình trẻ trong nhóm từ thiện tự nguyện không có tên ở giáo xứ chúng con và các em Lễ Sinh trong Ban Lễ Sinh kể trên vừa là những Hội viên của các Hội Đoàn Công giáo lại vừa là Đồng Sáng Lập viên các “cộng đoàn giáo hội cơ bản”, nhưng họ lại không tách rời các hội đoàn công giáo, và tách rời khỏi cộng đồng giáo xứ.

Quả thật, Chúa Thánh Thần đang hành động ở giữa chúng ta.

Giờ đây chúng con xin được chuyển qua mục thứ hai, đó là “chỗ đứng của các Hội đoàn công giáo và các cộng đoàn giáo hội cơ bản trong giáo xứ ra sao ?“

B.Chỗ đứng của các Hội đoàn công giáo và các cộng đoàn giáo hội cơ bản trong giáo xứ ra sao ?

Như nhận định của THĐGMTG năm 1985, các Hội đoàn công giáo và các cộng đồng giáo hội cơ bản “luôn gắn bó với cộng đồng giáo xứ “ nhưng lại có những đặc trưng riêng mà chúng con đã trình bày ở trên, nghĩa là :

1.Các Hội đoàn công giáo và cộng đoàn giáo hội cơ bản luôn mật thiết gắn bó, hiệp nhất với Giáo Hội địa phương và Giáo Hội hoàn vũ bằng những hành động cụ thể như : hằng tuân phục giáo quyền, cùng cộng tác với anh chị em đồng đạo trong việc xây dựng giáo xứ, chuyên tâm tham dự các hoạt động chung của giáo xứ.

2.Các hội đoàn công giáo và cộng đoàn giáo hội cơ bản luôn tự nhắc nhở rằng : mình là thành phần phân nhỏ của cộng đồng giáo xứ và làm nên giáo xứ, vì thế phải luôn nhắc nhở, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các thành viên hướng về mục đích tối hậu của công giáo tính là “Quy Kitô”, là “Nên Thánh”, là “Đức Kitô cần lớn lên, còn tôi phải hóa nhỏ lại”. Có vậy, các Hội đoàn công giáo và cộng đồng giáo hội cơ bản mới thật là “đang đóng một vai trò tích cực và được khích lệ” trong giáo xứ.

3.Các Hội đoàn công giáo và công đồng giáo hội cơ bản không thể và không bao giờ được lãng quên cầu nguyện, đọc Thánh Kinh, học giáo lý, truyền giáo … và nhất là không được lãng quên Bí Tích Thánh Thể là “Tuyệt đỉnh của mọi hoạt động công giáo”. Có vậy, các Hội đoàn công giáo và các cộng đoàn giáo hội cơ bản mới thật là “điểm sáng lôi cuốn một cách khiêm tốn” nhưng không kém phần mãnh liệt các thanh thiếu niên và cả người trưởng thành vào công việc sống và làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh.

4.Các hội đoàn công giáo và các cộng đoàn giáo hội cơ bản, khi đã tuân phục và hiệp thông với giáo quyền sở tại, quả thật họ là những cánh tay nối dài của Giám mục, linh mục trong công việc làm rạng rỡ mọi nét tuyệt vời của Đức Kitô cho giáo dân, cho con người hôm nay.

Trong phạm vi của bài này, chúng con xin trình bày mục thứ ba : “Các hội đoàn công giáo và các cộng đoàn giáo hội cơ bản là môi trường giáo dục Kitô giáo như thế nào?”

C. Các hội đoàn công giáo và các cộng đoàn giáo hội cơ bản là môi trường giáo dục Kitô giáo như thế nào?

Qua Bí tích Rửa tội, các thành phần Dân Chúa trong giáo xứ được dự phần vào ba chức vụ Tư tế, Tiên tri, Vương giả của Đức Kitô. Mọi hoạt động trong giáo xứ đều nhằm đến việc khích lệ và tạo điều kiện để giáo dân thể hiện ba chức vụ này cách cụ thể và hữu hiệu.

Nhưng người giáo dân kitô cũng là con người, nên “Trước khi là Con Chúa, họ phải là con người đích thật”.

Bởi thế, Giáo xứ là môi trường lớn để giúp giáo dân là Người và là Người-Con-Chúa.

Các hội đoàn công giáo và các cộng đoàn giáo hội cơ bản, cùng với các gia đình – với sự hiệp thông cộng tác cùng giáo xứ, phải là môi trường để giáo dân trở thành con-người và trở thành người-con-Chúa.

Nếu gia đình là nơi đầu tiên các con em chúng ta học nói những lời đầu tiên (kể cả những lời ca tụng Chúa đầu tiên), nếu gia đình là nơi đầu tiên con em chúng ta cảm nhận những yêu thương đầu tiên (kể cả tình thương của Chúa), nếu gia đình là nơi đầu tiên các con em chúng ta có những ứng xử yêu thương với tha nhân (kể cả với Thiên Chúa), thì các hội đoàn công giáo và các cộng đoàn giáo hội cơ bản là nơi các con em chúng ta – lần đầu tiên – nói lời ca tụng Chúa, cảm nhận yêu thương của Chúa và cả những ứng xử yêu thương đối với Chúa, nhưng với tính cách công giáo, với tính cách cộng đồng. Chính ở trong các hội đoàn công giáo và các cộng đoàn giáo hội cơ bản mà con em chúng ta học được cách sống cộng đồng (với nhiều mối liên hệ khác nhau); chính trong các hội đoàn công giáo và các cộng đoàn giáo hội cơ bản mà con em chúng ta học được được cách thể hiện niềm tin Kitô sống động theo nhịp Phụng vụ, với việc phục vụ; chính trong các hội đoàn công giáo và các cộng đoàn giáo hội cơ bản mà con em chúng ta học được cách trình bày Đức Kitô cho người chung quanh trong tình bác ái công giáo; và, chính trong các hội đoàn công giáo và các cộng đoàn giáo hội cơ bản mà con em chúng ta học được cách nhìn nhận những giá trị đích thật trong nấc thang giá trị nhân bản và đạo đức tâm linh, các con em chúng ta sẽ nhận ra đâu là những giá trị phù du, chốc lát đem đến hư vô thất vọng, đâu là những giá trị vĩnh cữu, trường tồn hằng đem đến hạnh phúc thật.

Vậy, các hội đoàn công giáo và các cộng đoàn công giáo cơ bản phải làm gì để trở thành “môi trường giáo dục Kitô giáo”?

Chúng con đề nghị ba việc phải làm như sau :

1.Các Hội đoàn công giáo và các cộng đoàn giáo hội cơ bản cần xem xét lại chương trình đào tạo và sinh hoạt sao cho có đủ hai phần : nhân bản và đạo đức. Số 12 của Thư Chung HĐGMViệtNam 2007 có viết :”Điều cũng đáng quan ngại là bất cập trong phương cách giáo dục. Hình như người ta chỉ quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế mà coi nhẹ chiều kích phẩm cách làm người.” Các Giám mục đã nhìn ra điều bất cập đó trong giáo dục hiện nay, thì chúng ta, người công giáo phải là những người quan tâm đầu tiên đến việc đào tạo nhân bản cho con em. Đồng thời, không quên giáo dục đức tin cho thế hệ trẻ. Cụ thể hơn, thiết nghĩ các hội đoàn công giáo và các cộng đoàn giáo hội cơ bản hãy bỏ thời gian cầu nguyện, nghiên cứu, tổng kết để đề ra một nội dung chương trình đào tạo và sinh hoạt chi tiết thật cụ thể về cả hai phần nhân bản và đạo đức. Làm thế nào để chúng ta có được “những người giáo dân chu toàn sứ mệnh của Giáo Hội nơi trần gian : trước tiên bằng đời sống hòa hợp với đức tin, để nhờ đó họ trở thành ánh sáng thế gian; bằng đời sống lương thiện trong bất cứ công ăn việc làm nào để làm cho mọi người yêu mến sự thật, sự thiện và cuối cùng đưa họ tới Chúa Kitô và Giáo Hội; bằng đời sống bác ái huynh đệ qua việc họ thực sự chia sẻ với anh em trong hoàn cảnh sống, trong đau khổ cũng như trong mọi ước vọng, và như thế họ âm thầm chuẩn bị cho ơn cứu rỗi hoạt động trong tâm hồn mọi người; bằng cuộc sống ý thức đầy đủ về vai trò của mình trong việc xây dựng xã hội, họ cố gắng chu toàn hoạt động nơi gia đình, ngoài xã hội, trong nghề nghiệp với lòng quảng đại Kitô giáo.” (Sắc lệnh Tông đồ “Apostolicam Actuositatem”, số 13b)

2.Các Hội đoàn công giáo và các cộng đoàn giáo hội cơ bản cần dành nhiều quan tâm hơn nữa đến việc nuôi dưỡng, đào tạo thế hệ kế tục, vì việc thông truyền đức tin trước tiên là chuyển giao đức tin cho các thế hệ. Trước tình trạng số người trẻ tham dự Phụng vụ trong nhà thờ giáo xứ có ít đi, ngay cả trong các sinh hoạt của giới trẻ và giáo lý, thiết nghĩ các hội đoàn công giáo và các cộng đoàn giáo hội cơ bản cần để ý đến vấn đề thế hệ kế tục này. Một mặt chúng ta luôn cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ, mặt khác chúng ta nên có chương trình cụ thể như : chọn ai ? nuôi dưỡng như thế nào ? đào tạo riêng như thế nào ? huấn luyện trong thời gian ngắn hạn, trong thời gian dài hạn ra sao ? những trợ giúp nào cần thiết cho những nhân sự tương lai này ?...

3.Các Hội đoàn công giáo và các cộng đoàn giáo hội cơ bản cần chú trọng hơn nữa đến đời sống nội tâm của từng thành viên : mục dích tối hậu của mọi sinh hoạt công giáo là đưa con người đến gần Thiên Chúa nhất, là giúp con người tiếp xúc ngày càng thân mật và thâm sâu với Thiên Chúa nhất qua và nhờ nhịp sống phụng vụ của Giáo Hội. Đồng thời, luôn tôn trọng, hợp tác và học hỏi cái hay hoặc những kinh nghiệm của nhau trong đời sống chứng tá cho Đức Kitô

Trên đây là những tìm hiểu cùng những suy tư nhỏ bé của chúng con. Chắc chắn sẽ có nhiều thiếu sót vì khả năng có hạn, xin quý vị cùng góp ý chia sẻ để chúng con và chúng ta được lớn lên nhiều hơn nữa trong công việc phục vụ cộng đồng giáo xứ với tư cách là HĐGX.

Xin cám ơn.

Huế, Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam