Suy nghĩ về một vài động thái của Nhà Nước Việt Nam từ sự kiện Tòa Khâm Sứ Hà Nội

Dùng một từ thật đúng để gọi tên của những việc làm tại Tòa Khâm Sứ Hà Nội trong thời gian qua quả thực là không đơn giản. Một hành vi rất thánh thiện, rất tôn nghiêm để nối nỗi giữa những ước vọng của con người và Thánh ý từ trời cao mà gọi là "Chiến dịch thắp nến cầu nguyện…", "Xuống đường…" hay "Biểu tình bất bạo động…", nghe như phong trào của một tổ chức chính trị, thật ra đã tục hóa sự kiện mất rồi. Người viết muốn dùng cụm từ "Những buổi cầu nguyện" của bà con giáo dân Giáo phận Hà Nội để giữ lại những giá trị thuần túy tôn giáo của nó. Đồng thời cũng muốn góp một tiếng nói, một lối nhìn, một cách nhận định về một vài động thái của Nhà nước Việt Nam trong sự kiện này.

Đã có lần, tôi cùng hai người bạn ngồi nhâm nhi tách cà-phê vào một ngày Chủ nhật đẹp trời tại thành phố Vinh, và chúng tôi bàn luận nhiều thứ chuyện; nào là chuyện đầu tàu kinh tế Mỹ đang trên đà suy thoái, sự thực của vấn đề? Chuyện giá cả leo thang, chuyện lạm phát, chuyện tăng lương, chuyện nỗi khổ của người nông dân Việt Nam phải oằn lưng gánh chịu những khoản quỹ vô lý do những ông cường hào địa phương áp đặt… Bạn tôi nêu ra ý kiến: Chúng ta phải có tiếng nói thay cho người dân cùng khổ của quê nghèo Hà Tĩnh chứ! Một ý kiến rất đáng quan tâm và trân trọng về tình thương của bạn giành cho người dân nghèo. Nhưng ông bạn kia lại nói lên ý kiến khác với giọng điệu đầy tính bi quan: Làm sao mà kêu thấu tai mấy ông ngồi ở vườn hoa Ba Đình được!?

Có hàng ngàn vụ việc đáng ra các cấp chính quyền phải giải quyết để đưa lại quyền lợi cho người dân lao động mà các bố vẫn cứ ngồi im như không hề có chuyện gì xảy ra, như muốn nói với thế giới rằng Việt Nam vẫn luôn giữ vững được sự ổn định chính trị - giữ vững bằng cách dùng công an trấn áp người dân và khoá miệng những phần tử muốn nói lên sự thật; hay những chuyện đó chẳng can hệ gì đến cơm áo gạo tiền, chẳng làm liên lụy đến vợ con bồ nhí của các ông, nên cứ mặc kệ. Có những sự kiện rõ ràng tường tận, nhưng khi kêu đến các ông thì lại bảo là do cấp dưới làm sai, rồi cấp dưới cũng chỉ chịu một vài câu khiển trách kiểu như "buông lỏng quản lý…" là cùng. Đó là hậu quả của thứ "Văn hóa đùn đẩy". Chuyện người nông dân phải nộp đủ các thứ quỹ vô lý mà cấp trên không hay biết thì thật thiếu trách nhiệm với dân biết chừng nào!

Hệ thống chính trị vận hành theo cơ chế công an trị chỉ rình mò chực chờ những ai có biểu hiện muốn nói thật với Đảng về những vết loét của xã hội để tóm cổ tống ngục mà thôi, còn quan chức địa phương - tay chân của các ông - thì mặc sức cho đè đầu cưỡi cổ dân mà hút máu. Bạn tôi dận dữ: Có lẽ phải nhờ đến B52 của Mỹ mà nói chuyện với chúng nó thôi! Một giải pháp không còn hợp thời và bất khả thi. Một giải pháp tiêu cực, nhưng lại nói lên một thực tế, là: Mọi kênh thông tin từ tầng lớp người dân thấp cổ bé miệng, một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, không mấy khi đến được với các cấp chính quyền; hoặc có đến thì cũng bị xếp vào sọt rác. Và vì thế, chỉ có bạo động và dùng thứ "lý luận bằng vũ khí" mới có thể đánh thức trái tim gỗ đá của những hình nhân bất động và vô tâm ấy mà thôi!

Với cơ chế độc đảng này người dân có kêu ở cơ quan ban ngành nào thì chung quy cũng tập trung về một mối: Dân chủ tập trung mà! Tòa tuyên án, dĩ nhiên không ngoài cáo trạng của Viện kiểm soát và ý kiến chỉ đạo của cấp uỷ: Án điểm, án bỏ túi! Vậy thì ai là người thật sự đại diện cho dân đây? Người mà dân gửi gắm tâm tư nguyện vọng của mình cũng phải qua cái "sàng mặt trận", qua vài ba vòng hiệp thương, để mặt trận xúm lại đấu tố loại bỏ những ai không làm vừa lòng đảng.

Với cộng đồng Công giáo, chẳng ai bỏ phiếu bầu ông Phan Khắc Từ, ông Nguyễn Tấn Khóa…, mà đảng cử họ ra ngồi ở Quốc hội, và họ chấp nhận sắm vai trong màn kịch dân chủ cho đảng để có chút mà chấm mút. Một cơ chế chính trị như thế mà đảng vẫn cao rao là chế độ ta dân chủ gấp ngàn lần Tư Bản chủ nghĩa, vẫn nói không ngượng mồm về tính ưu việt của CNXH. Đảng vẫn coi "Tuyên ngôn cộng sản đảng" là Kinh thánh của thời đại và tin rằng Tư Bản sẽ tự đào mồ chôn nó, thế mà nguyên Thủ tướng Khải và Chủ tịch Triết vừa qua đã phải sang Hoa Kỳ ngửa tay xin viện trợ, thật vô liêm sỉ hết chỗ nói!

Ông Nguyễn Văn An trong bài phát biểu tại Quốc hội đợt từ nhiệm chức chủ tịch đã nói: Cần phải giáo dục cho cán bộ của ta có tính liêm sỉ; giáo dục như các tôn giáo đã làm… Nghĩa là ông đã thừa nhận sự vô liêm sỉ của con người cán bộ cách mạng, được dày công học hỏi lý thuyết đấu tranh giai cấp của Mác-Lênin và cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh, và thừa nhận tính thiện nơi con người có tôn giáo.

Nguyên nhân sâu xa của những thối nát này có nguồn gốc từ một nền giáo dục chủ trương tuyên truyền sự giả dối và kích động bạo lực cách mạng, nói đúng ra là dạy cho con người tính ác và cách phỉnh gạt lẫn nhau. Câu chuyện "Em bé đuốc sống" là một dẫn chứng. Lê Văn Tám là sản phẩm bịa đặt của ông Bộ trưởng Bộ tuyên truyền Trần Huy Liệu. Thế mà bao thế hệ con em chúng ta đến trường vẫn tâm niệm rằng, có một gương thiếu niên anh dũng kiên cường, dám hy sinh mạng sống mình vì độc lập dân tộc. "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch" là của chính ông Hồ Chí Minh dựng lên để tự huyễn hoặc và tô điểm trang hoàng cho chức lãnh tụ của mình, nhưng cũng không tránh khỏi những ấu trĩ và gian trá của nó. Muôn người dân Việt vẫn cứ đinh ninh rằng, câu nói: "Vì sự nghiệp 10 năm trồng cây; Vì sự nghiệp 100 năm trồng người" là của Bác Hồ kính yêu mà không hay biết Bác chúng ta là một tên đạo văn, đã lấy của Quản Trọng [1] - nhà quân sự, nhà chính trị Trung Hoa, biến thành của mình. Đảng ta vẫn hằng tụng câu kinh "Nhà nước của dân, do dân và vì dân" [2] và tự nhận đó là sáng tạo của đảng trong quá trình lãnh đạo tài tình sáng suốt của mình.

Từ một mớ hỗn độn những lý thuyết chính trị mà "cha già dân tộc" qua bao năm đi khắp tứ phương thiên hạ mang về, rồi trong bối cảnh đất nước nghèo đói người dân thất học, ông đã tự nhận là của mình và được tầng lớp thuộc hạ xào xáo thành thứ sản phẩm bát nháo có tên là Tư Tưởng HCM, chúng ta bắt gặp được những con người thật, sự việc thật hôm nay.

Hôm tôi đọc bản tin trên VietcatholicNews tại một dịch vụ Internet, tường thuật về chuyến viếng thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Tòa tổng Giám mục Hà Nội, một người đứng phía sau tôi thấy bài viết và nói: "Ông Dũng cáo già lắm đó, tin sao được". Tôi giật mình và bị ám ảnh bởi câu nói đó, vì tôi thấy động thái của vị Thủ tướng có thể mở ra cho Giáo phận Hà Nội một đường hướng tốt đẹp hơn. Nhưng… hóa ra ông Dũng cũng chỉ là một Mã Văn Tài, ăn thua với địch thủ của mình là Lương Sơn Bá, bằng những thủ đoạn bỉ ổi. Ông đã cho bọn đàn em giả trang làm cướp, xông vào nhà người ta đánh chém cướp của, rồi ông cho quân lính đến dẹp loạn cứu người hòng lấy lòng con gái nhà người ta.

Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ số Báo Nhân Dân Chủ Nhật ra ngày 11/03/2001, một tác giả lấy tên là Thợ Xây đã làm một bài thơ có nhan đề "Lý Gian" để chửi Cha Lý. Nói đến Thợ là nói đến Công - Nông liên minh, hai giai cấp nền tảng của Nhà nước Cộng Hòa XHCN VN. Vì là Thợ nên ăn nói theo kiểu của thợ, và không thuộc tầng lớp trí thức nên thô lỗ tục tằn. Chúng ta đành phải thông cảm cho những ông Thợ! Cũng có những cán bộ khoác áo chùng thâm của tổ chức ngoại vi mà đảng đã dày công rèn luyện để làm hậu thuẫn cho mình, thì cần phải có chiến dịch bóc trần sự thật, lột mặt nạ của những giáo gian này, vì họ cũng chính là đầu mối của mọi rắc rối đang xảy ra cho Giáo hội.

Danh có chính thì ngôn mới thuận, do vậy "Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo" mà không đại diện gì cho Công giáo, lại gây chia rẽ, rồi còn làm mật vụ cho đảng cộng sản cũng đã bị lòi đuôi. Đảng CSVN đã dùng lực lượng tôn giáo trá hình này làm một kênh phản biện cho mọi quyết sách của đảng. Của Xê-da trả cho Xê-da, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa. Giáo hội Công giáo không chấp nhận những ông linh mục quốc doanh làm chính trị cho đảng CS theo kiểu văn nô bồi bút như vậy đâu!

Chú thích:
[1] Quản Trọng (725-645 trước Công Nguyên) là một chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu (-685).
Trong sách Quản Tử có nói một câu sau này được Hồ Chí Minh dùng lại:
"Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc
Thập niên chi kế mạc như thụ mộc
Chung thân chi kế mạc như thụ nhân
Nhất thu nhứt hoạch giả, cốc dã
Nhất thu thập hoạch giả, mộc dã
Nhất thu bách hoạch giả, nhân dã".

Tạm dịch:
"Kế một năm, chi bằng trồng lúa
Kế 10 năm, chi bằng trồng cây
Kế trọn đời, chi bằng trồng nguời.
Trồng một, gặt một, ấy là lúa
Trồng một, gặt mười, ấy là cây
Trồng một, gặt trăm, ấy là người"


[2] Đây là câu nói của vị Tổng thống Hoa kỳ A. Lincoln về chế độ dân chủ.