Khởi đầu sự khủng hoảng lý trí

(Wilhelm von Ockham: Summa Logiae)


Các nhà chuyên môn đều nhất trí cho rằng bên cạnh những nhà đại trí thức thuộc trường phái kinh viện như Tôma Aquinô (1224-1274) và Johannes Duns Scotus (1266-1308), Wilhelm von Ockham (William of Occam) (1285/95-1349/50), nhà hậu kinh viện, là một trong những triết gia có ảnh hưởng nhất của phái kinh viện. Tuy nhiên, việc Ockham – vốn cất tiếng chào đời tại một ngôi làng ở phía tây nam Luân Đôn – được liệt vào hàng ngũ những nhà đại tư tưởng, là nhờ được chính ngôn ngữ triết học thời hậu tân tiến làm sống động lại một cách đặc biệt, và nhờ thế trong những thập niên vừa qua, người ta thực sự đã ý thức được điều đó hơn.

Thật ra, về gốc gác và thân thế của Ockham, người ta biết được rất ít, đến nỗi không một ai có thể quả quyết được một cách chắc chắn ông đã lớn lên trong vùng lãnh thổ nói tiếng Anh hay tiếng Pháp nữa; và mãi cho tới năm 1310, cũng không một ai biết rõ được về việc trau dồi triết học của ông ra sao, vì có rất ít tài liệu để lại. Nhưng một điều mà người ta có thể biết được một cách chắc chắn là trước tiên ông đã được theo học tại một ngôi trường thuộc Dòng Thánh Phan-xi-cô; và từ năm 1310 trở đi ông đã dành hết tâm lực theo học và nghiên cứu khoa thần học.

Từ năm 1321, ông dạy triết học và đồng thời bắt đầu soạn thảo tác phẩm «Bình luận đệ nhất về luận lý». Vào năm 1322, sau khi ông bị chỉ trích nặng nề là đã đưa ra những lý thuyết lệch lạc về tôn giáo và đã bị tố cáo trước tòa án Phủ Giáo Hoàng, Ockham đã quyết định rời bỏ Anh Quốc và sang trú ngụ tại dinh thự cũ của Đức Giáo Hoàng ở Avignon thuộc miền nam Pháp Quốc. Nhưng tại đây ông cũng không ở lại lâu, bởi vì sau khi mối quan hệ giữa ông với Đức Giáo Hoàng bị đổ vỡ do sự bất đồng quan điểm về vấn đề đức khó nghèo nói chung và về lý tưởng khó nghèo của Dòng Phan-xi-cô nói riêng mà ông bênh vực một cách đầy xác tín, - đến nỗi ông khẳng định rằng quan điểm cho rằng Đức Giêsu và các môn đệ Người cũng đã từng chiếm giữ của cải vật chất là một tà thuyết, - ông đã phải lợi dụng một đêm đầy sương mù để trốn đi khỏi Avignon vào năm 1328. Trước hết, ông đi sang nước Ý, về sau ông tiếp tục chuyển sang München thuộc miền nam Đức Quốc và ông đã định cư tại đây trong suốt quãng đời còn lại của ông.

Vào thời đại bấy giờ, Ockham đã tham gia vào việc khởi xướng và ủng hộ mạnh mẽ nhiều cuộc cải cách tinh thần sâu rộng. Nổi bật nhất là quan điểm của ông trong cuộc tranh cãi lừng danh về năm ý niệm nền tảng trong cách tư duy của phái Kinh Viện vào thời trung cổ, nói cách khác: Trong vấn nạn, liệu ý niệm tổng quát hay ý niệm thuần tuý trừu tượng có mang lại một thực tại cụ thể nào đó hay không. Dựa vào quan điểm duy danh của ông (nominalistische Position) - ngoài tư duy ra không có sự hiện hữu thực tiễn -, Ockham đã đưa ra lập trường chống lại chủ thuyết thực tiễn của Tôma Aquinô (1225-1274) và của Albertô Cả (1200-1280).

Một phần lớn những suy luận hợp lý cần thiết cho sự tranh luận đó, người ta có thể tìm thấy trong tác phẩm thời danh «Summa Logiae» (Tổng luận luận lý) của ông, một tác phẩm mà người ta phỏng đoán là đã soạn thảo xong vào năm 1324 khi ông còn ở Luân Đôn. Tác phẩm «Summa Logiae» được viết ra theo nhu cầu đòi hỏi của công trình trau dồi triết học như một điều kiện bất khả kháng trước khi chính thức theo học thần học, và cũng là tác phẩm tương ứng với lược đồ luận lý của Aristote. Tác phẩm gồm ba phần này – phân tích ý niệm, quy luật về việc đặt câu và dẫn chứng lô-gích – cung cấp một phương tiện hết sức bao quát và đầy đủ cho việc phân tích ngôn ngữ.

Dĩ nhiên Ockham đã không xây dựng tác phẩm thời danh của mình từ hư không, nhưng ông đã sử dụng truyền thống sâu rộng về luận lý trong các thế kỷ XIII và XIV như một phương tiện cần thiết, đó là truyền thống trước hết bắt đầu từ triết gia Boethius và qua triết gia này tiến lùi mãi cho tới Aristote. Do đó, mãi cho tới ngày nay, tác phẩm «Summa Logiae» vẫn được coi là một trong những công trình độc lập nhất trong lãnh vực luận lý nói chung. Ai đã một lần hiểu được ngôn ngữ đầy phức tạp thuộc lãnh vực khoa học, mới hy vọng thành công trong việc nghiên cứu nguyên tắc tri thức tổng quát trong tư tưởng Ockham.

Chắc chắn rằng quan điểm chủ yếu của học thuyết về sự giả thiết của Ockham là: Tự bản chất, một ý niệm xác định không biểu thị một sự vật xác định, nhưng nó chỉ có được ý nghĩa xét theo toàn diện câu nói. Đó cũng là điều được áp dụng cho các từ «thật»«giả», là những từ chứa đựng những ý niệm rất hàm súc bao quát. Ngoài ra, trong khi tất cả những sự vật hiện hữu thì thực tiễn và vì thế mang tính cách đặc thù, còn cái phổ quát lại chỉ là một cái giả tưởng mà thôi, nghĩa là «một điều chỉ hiện hữu trong tư tưởng». Cái tổng quát và cái đặc thù đều trình bày cùng một đối tượng, chỉ khác biệt ở cách thế chiêm ngưỡng của trí năng con người mà thôi. Đẳng cấp hay các phạm trù suy tư vì thế không phải là điều chi thực tiễn, nhưng chỉ là sản phẩm của tư duy con người mà thôi. Sự qui hồi của tất cả các nhận thức được dựa trên những kinh nghiệm thực nghiệm như thế, trước hết phi bác sự chiêm ngắm các linh tượng của học thuyết Platon trong từng đối tượng riêng rẽ. Ở đây chúng ta có thể nói được rằng Ockham muốn dùng «con dao cạo» (Summa Logiae) nổi danh sắc bén của mình để cắt xén «bộ râu của Platon» (bộ môn siêu hình học).

Một lý thuyết về sự nhận thức như thế sẽ mang theo những hậu quả hệ trọng thuộc lãnh vực lý thuyết của sự tri thức và những hậu quả thuộc nhân chủng học: Bởi vì, chân lý do cảm nghiệm cung cấp thì tự giới hạn trong khoảnh khắc tiếp thu nhanh chóng các sự vật bên ngoài và luôn luôn lệ thuộc vào sự chủ quan tính. Nhưng như thế, hậu quả sau cùng là các giác quan trở thành nguyên tắc cho mọi tri thức. Việc làm cho lý trí con người trở nên thông minh và tiếp thu nhanh chóng mà không cần đến phép tổng hợp, thì không những là một phê bình gay gắt chống lại lý thuyết «thần cảm» hay «giác ngộ» (illumination) của Augustinô cho rằng Thiên Chúa chiếu giãi ánh sáng thần linh của Người vào trong tâm hồn con người, nhưng còn loan báo một nguyên tắc tri thức mới mà những thế kỷ sau này sẽ hòa nhập vào trong chủ nghĩa duy lý Tây phương và sau cùng khi nó đã đạt tới hình thức tột đỉnh của mình thì đã gây ra một cuộc khủng hoảng lý trí trầm trọng.

Tiếp đến, lý thuyết về sự nhận thức này không chỉ tạo ra tính cách lý hội mới của lý trí con người, nhưng còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự tương quan của luận lý và thần học, của tri thức và tư duy. Sự khác biệt không nằm trong các đề án khác nhau, nhưng nằm trong những lý do khác nhau của sự đồng thuận. Điều đó còn đưa đến nhiều hậu quả nữa: Sự tri thức và sự mặc khải, triết lý và thần học bỗng nhiên tách biệt khỏi nhau. Vì thế, người ta không lấy làm ngạc nhiên khi phải chứng kiến một trong những chỉ trích hợp lý và đầy khả tín chống lại Ockham là ông đã xúc tiến việc phá đổ thiên nhiên và con người trong toàn bộ trật tự rộng lớn.

Nhưng xét về mặt khác, một sự nhận thức thực tại mới mẽ như thế cũng đã tạo nên nền tảng cho những khoa học tự nhiên sau này và đưa ra vấn nạn là nếu như sự tri thức chân lý mặc dù bị lệ thuộc yếu tố chủ quan, thì đối với Ockham còn là một nhận thức khách quan theo nghĩa khoa học tân tiến nữa hay không. Một vài dẫn chứng xem ra đứng biện hộ cho điều đó. Thật ra theo Ockham, khả năng của con người chỉ có tác dụng trên một sự tri thức khả thông tri về các sự vật, khi sự phát biểu chỉ dành sử dụng cho những sự vật mà thôi, nhưng lại không đồng hóa vơi những sự vật đó. Tuy nhiên, sự tri thức của con người là một tri thức về những sự vật, nghĩa là một sự tri thức được dựa vào những khả năng hay nội dung của sự ý thức (la tenue de la conscience), nhưng đàng khác, những khả năng hay nội dung của ý thức lại phải có những sự vật thực tiễn làm điều kiện. Sự tương quan về ý nghĩa được trình bày như thế sẽ nối kết ngôn ngữ với thế giới, và chính nhờ nó trí năng tham phần vào thế giới thực tại và cụ thể.

Với khuynh hướng triết lý đầy tính cách mâu thuẫn mới mẽ như thế, ngay khi còn sinh thời Ockham đã tỏ ra là nhà tư tưởng đầy tự tín và tự lập, đến nỗi khiến các giai cấp lãnh đạo khó lòng gây được ảnh hưởng trên quan điểm của ông. Bởi vậy, người ta không lấy làm ngạc nhiên là mặc dù Ockham có ảnh hưởng sâu rộng trong lãnh vực triết học và thần học, học thuyết của ông luôn luôn phải trực diện với mọi đối kháng. Trong khoa học luận, tức khảo luận về các phương pháp của khoa học (Épistémologie), chính các đồ đệ thân cận nhất của ông, như Adam de Wodeham (vào khoảng 1300-1358) cũng gặp phải nhiều khó khăn trong việc theo chân vị sư phụ đáng kính của mình.

Mãi cho đến thời tân đại, toàn ý nghĩa các lược khảo triết học của ông mới được nhìn nhận và được trích dẫn. Đúng vậy, John Locke (1632-1704), triết gia người Anh thuộc trường phái duy nghiệm, đã nối kết duy danh thuyết (nominalisme) mang tính cách bài thực tiễn của ông – trong đó nội dung và phạm vi của ý niệm tổng quát không còn tách rời nhau – với vấn đề giữa khái niệm thuyết và duy danh thuyết mà Ockham chưa giải quyết xong một cách rõ ràng. Về những âm hưởng sâu xa của khoa luận lý của ông, người ta còn tìm thấy đầy dấu vết trong tác phẩm nổi danh «Leviathan» (Hải Quái) của Thomas Hobbes (1588-1679), triết gia người Anh, được viết vào năm 1651.Và cuối cùng, Ockham đã đóng góp một phần quyết định trong việc làm cho môn luận lý tam đoạn luận và luận lý hình thái đạt được những bước tiến khá xa hay luận lý tiền trí từ có được hình thức như chúng ta thấy ngày nay.

Đứng trước tầm quan trọng của những tác phẩm của Ockham đối với lối tư duy thời tân đại như thế, người ta không khỏi ngạc nhiên là các tác phẩm đó ngoài vùng lãn thổ thuộc Anh ngữ ra, rất ít được phiên dịch ra các ngôn ngữ khác. Nếu không, các tác phẩm của Ockham đã mang lại một sự thay đổi cần thiết, không những cho triết học về ngôn ngữ, nhưng còn cho một sự nhận thức rộng rãi về lịch sử tinh thần của lục địa Âu Châu cũng như của toàn thế giới.

______________________

Sách tham khảo:

Wilhelm von Ockham: Summa Logiae, 2 Bände, St. Bonaventure, New York, 1957 und 1962; der erste Band ist übersetzt im Felix Meiner Verlag, 1999.