HUẾ - Thời kỳ đầu thế kỷ 20, Đức cha Allys Giám mục Giáo phận Huế thấy rõ nhu cầu cấp thiết của xã hội thời bấy giờ là nền giáo dục thiếu thốn, nhất là đối với nữ giới, quan niệm trọng nam khinh nữ in hằn trong tâm thức của người dân Việt, đối với người dân Huế thì lại càng rõ nét hơn nữa. Từ đó, ngài thao thức và quyết định thành lập một dòng nữ để đào tạo những nhà sư phạm hầu chăm lo việc giáo dục cho thanh thiếu niên.

Ngày 8.9.1920, lễ sinh nhật Đức Maria được tổ chức tại nguyện đường Dòng Kín Camêlô là ngày khai sinh Hội dòng Con Đúc Mẹ Vô Nhiễm.

Cơ sở được lập tại vườn Tòa Giám mục cũ ở làng Phú Xuân, do đó từ khi thành lập cho đến cả ngày nay mọi người đều quen gọi là Dòng Phú Xuân Huế. Cha Chabanon bề trên Đại chủng viện Huế là một cộng sự đắc lực của Đức cha Allys là vị bề trên tiên khởi đồng sáng lập Hội Dòng và sau này là Giám mục Giáo phận Huế. Ngài huấn thị cho các nữ tu: “Đặt niềm tin cậy và mến yêu Mẹ, nhận mình là con Đức Mẹ chẳng hề mắc tội tổ tông, cần phải giữ tâm hồn luôn vẹn sạch chẳng chút bợn nhơ.” Chỉ 5 năm sau ngày thành lập, trong kỳ thi sơ học yếu lược đầu tiên được tổ chức tại Huế năm 1925 đã có 22 nữ tu trúng tuyển trong số 24 nữ tu dự thi. Những năm sau đó, nhiều người đã đỗ tốt nghiệp Élémentaire và Diplome khởi đầu cho sứ vụ truyền giáo và giáo dục thanh thiếu niên. Hội Dòng bắt đầu phát triển dần và tỏa đi khắp nơi trên các cánh đồng truyền giáo. Hội Dòng đã lập được các cộng đòan ở Kontum (1969), Đà Nẵng (1970), Đà Lạt (1972), mở ngôi trường trung học Mai Khôi ở Gia Hội Huế vào năm 1974. Lúc này Hội Dòng đã có 60 cộng đòan khắp nơi để giáo dục văn hóa, nâng cao trình độ nhận thức cho giới trẻ.

Sau năm 1975, các nữ tu li tán khắp nơi nhưng nhờ Chúa Quan phòng, nên ở mỗi nơi các nữ tu đến cư ngụ đều thiết lập được những cộng đòan mới. Mặc dù khó khăn vất vả, vừa phải lao động vừa giúp đỡ chăm sóc người nghèo khó và giúp mục vụ trong các Giáo xứ sở tại, các cộng đòan này đến nay đã vững mạnh.

Trải qua 88 năm thăng trầm nhưng luôn có Mẹ chở che, Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm giờ đây đã vững mạnh, một phần cũng nhờ sự giúp đỡ của các vị ân nhân trong và ngoài nước. Nổi bật là những họat động từ thiện xã hội được các cấp chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá cao. Trong đợt viếng thăm và làm việc của phái đòan Tòa Thánh tại Huế vào ngaỳ 12 tháng 6 vừa qua, ông Ngô Hòa Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tường trình những đóng góp điển hình như:

Trường mầm non tư thục Anh Đào: nguyên là trường tiểu học tư thục Thánh Mẫu giao cho Đòan An Dưỡng 40B của Quân Khu 4 mượn sau ngày giải phóng miền Nam và được hòan trả vào năm 1994. Chỉ sau hai năm tu sửa và xây dựng, Hội Dòng bắt đầu mở nhà trẻ và được UBND thành phố Huế cấp giấy phép thành lập vào năm 2003. Với tinh thần yêu thương phục vụ, các nữ tu đã ân cần chăm sóc từ sức khỏe đến việc dạy dỗ cho các cháu. Dần dần nhà trường đã được xây dựng mới khang trang, đầy đủ cơ sở vật chất và các phòng chức năng, có máy vi tính để các cháu tập làm quen và sử dụng thành thạo. Trong các hội thi dành cho cô giáo và trẻ do thành phố và tỉnh tổ chức, trường đã nhiều lần đạt giải. Năm 2006 trường được công nhận là trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Trong dịp về dự lễ hội Festival Huế 2008, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đến thăm hỏi chúc mừng và tặng quà cho trường. Hiện nay, trường Mầm Non Tư Thục Anh Đào có 10 lớp gồm 2 lớp trẻ và 8 lớp mẫu giáo với gần 400 cháu và 30 giáo viên, cô nuôi.Trong đó hầu hết là con em cán bộ công nhân viên. Theo nữ tu Nguyễn Thị Thu Bích hiệu trưởng nhà trường cho biết: tất cả những nỗ lực của trường mầm non Anh Đào là nhờ Hội Dòng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và các trang thiết bị với mục đích đào tạo cho tương lai đất nước những con người đầy đủ nhân cách đạo đức và kiến thức rộng rãi hầu phục vụ lợi ích tòan xã hội theo tôn chỉ của Hội Dòng.

Phòng khám từ thiện Kim Long: được thành lập từ năm 1992 do nữ tu bác sĩ Nguyễn Thị Điền phụ trách. Với định kỳ mỗi tuần 3 ngày khám và cấp thuốc, mỗi ngày trên 150 bệnh nhân. Phòng khám có đầy đủ những máy móc hiện đại như: X-quang, điện tim đồ, siêu âm...kịp thời phát hiện những căn bệnh hiểm nghèo chuyển vào bệnh viện trung ương Huế điều trị, giúp đỡ mọi kinh phí hoặc một phần cho những bệnh nhân có hòan cảnh khó khăn. Với đội ngũ y bác sĩ là những con người đầy nhiệt huyết không vụ lợi, họ chỉ biết đem tình thương yêu để san sẻ cho những người nghèo khổ không phân biệt lương giáo. Ngòai những ngày khám định kỳ, phòng khám còn tổ chức khám điều trị ngọai viện ở những vùng sâu vùng xa như Lộc Thủy, Bình Điền, A Lưới. .. Phòng khám còn là trạm xá lưu động thường trực tại Thánh Địa La Vang trong những kỳ hành hương và Đại Hội. Không những khám chữa bệnh, phòng khám còn có sự cộng tác đắc lực của nhóm hướng thiện gồm những anh chị em thiện nguyện chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS và thường xuyên tổ chức sinh họat gặp gỡ và tặng quà đối với gia đình các bệnh nhân.Khi có bệnh nhân HIV/AIDS qua đời, nhóm thiện nguyện đã lăn xả vào để gánh vác việc tẩm liệm và mai táng, một công việc mà hiếm có ai dám nhận.

Cơ sở chăm sóc trẻ khuyết tật và nuôi dạy trẻ mồ côi: tiền thân là cô nhi viện Nước Ngọt thuộc xã Lộc Thủy huyện Phú Lộc. Sau ngày giải phóng miền Nam tạm gián đọan một thời gian và họat động trở lại vào năm 1976, dần dần đi vào họat động có chất lượng và được sở LĐ-TB-XH tỉnh cấp phép họat động. Hiện nay Hội Dòng đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tương đối ổn định. Cơ sở hiện chăm sóc bán trú cho 53 em khuyết tật do chất độc da cam, bệnh Down, bại liệt và câm điếc, hàng ngày các em được xe đưa đón. Hằng tháng, các nữ tu còn tổ chức gặp gỡ gia đình các cháu để động viên giúp đỡ tạo điều kiện cho gia đình chăm sóc vào ban đêm để các cháu được hòa nhập với cộng đồng. Ngòai ra, Trung tâm còn nuôi dạy nội trú 20 em cô nhi, trong đó có những em là người dân tộc. Do điều kiện đưa đón các em có phần khó khăn, nên Hội Dòng đã tách ra một chi nhánh tại cộng đòan thuộc giáo xứ Thủy Yên do nữ tu Lê Thị Trọng phụ trách mang tên là Nhà Khuyết Tật Mái Ấm Thiên Ân. Nhờ sự trợ giúp của Caritas CHLB Đức và hội Lilian-fond mà trung tâm làm tốt việc chăm sóc trẻ khuyết tật và nuôi dạy trẻ mồ côi.

Theo ông Ngô Hòa Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế báo cáo với phái đòan Tòa Thánh thì lãnh đạo chính quyền tỉnh luôn ưu tiên tạo mọi điều kiện để các tổ chức phi chính phủ giúp đỡ vật chất để các cơ sở từ thiện xã hội có thể họat động tốt hơn.