RƯỢU BỒ ĐÀO (PORTO) ĐÃ NHẮM VÀ ĐÃ SAY
Trong những ngày qua, báo chí và diễn đàn điện tử trên Internet tràn ngập những bài ca tụng đội tuyển bóng đá Việt Nam vừa đoạt chiếc cúp AFF Susuki Cup 2008 danh giá Đông Nam Á, mà người Việt Nam đã chờ đợi trên 40 năm qua. Nhân dịp nầy ông Henrique Calisto, huấn luyện viên Bồ Đào Nha, cũng đã được ca tụng hết lời vì đã góp công lớn đưa đội bóng đạt được thành quả trên. Hình ảnh ông Calisto đã được công kênh trên đường phố. Tên ông được mọi người biết đến và Việt Nam hóa ra Tô, thầy Tô, nghe rất thân thương. Trong các lời ca tụng vị huấn luyện viên quê Matosinhos, vùng gần thành phố Porto với loại rượu Bồ Đào (Porto) danh tiếng, câu nói của ông Chủ tịch Công ty Gạch Đồng Tâm Võ Quốc Thắng rất đáng được lưu ý. “Nếu đất nước Bồ Đào Nha có viện trợ cho VN cả trăm triệu đôla cũng chẳng ai nhớ. Nhưng nếu ông làm cho đội tuyển VN thành công. Hàng chục triệu người người dân VN sẽ rất quý mến đất nước Bồ Đào Nha. Không có điều gì quảng bá cho đất nước tốt bằng điều đó.”
“Ông Henrique Calisto đã mềm lòng và gật đầu đồng ý..” (Trích báo Tuổi trẻ số thứ sáu, ngày 2 tháng giêng Dương lịch năm 2009, trang 11.)
Để đạt đến ngày vinh quang trên, thời gian trước đó, huấn luyện viên Calisto đã bị công kích rất nhiều.
Trong những ngày cuối năm tháng 12, 2008, đội tuyển bóng đá quốc gia và ông Calisto đã góp phần tạo cho người Việt Nam một đêm Mừng Chúa Giáng Sinh 2008 và đón chào năm mới 2009 tuyệt vời.
Khi nhìn thấy ông quàng lên mình quốc kỳ Bồ Đào Nha, tổ quốc ông, tôi bất chợt nhớ đến bao nhiêu gương mặt Bồ Đào Nha khác đã từng sinh sống, làm việc trên đất nước Việt Nam nầy.
Đó là linh mục Diogo Carvalho (1578-1624) người đã cùng linh mục người Napoli (Ý) Francesco Busomi, đến Đàng Trong năm 1615. Nhưng ngay năm sau đó, đã can đảm quay về Nhật Bản và tử đạo tại Sendai Nhật Bản ngày 22-2-1624.
Đó là linh mục Gaspar Luis (1586- sau năm 1648) người đã viết bản tường trình Đàng Trong năm 1621 và soạn cuốn Từ Vựng tiếng Việt (nhưng bị thất lạc do đắm tàu). Đó là Amaral, Barbosa soạn thảo từ điển tiếng Việt, rất tiếc, các văn bản trên chưa được tìm thấy.
Nhưng trước hết và trên hết là công trạng của linh mục Francisco Pina. (1585-1625). Quê hương ngài là Guarda, Bồ Đào Nha, chịu chức linh mục năm 1616 để rồi năm sau, 1617, đến Đàng Trong. Ngài thường trú tại Hội An (Quảng Nam), rồi Nước Mặn (Qui Nhơn) nhưng cuối cùng, từ năm 1622, định cư tại Dinh trấn Thanh Chiêm (Dinh Chăm). Tại đây ngài đã mua nhà, trau dồi văn hóa Á Đông và áp dụng phương pháp ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh. Bản phúc trình của ngài viết vào những năm 1623, 24 đã được tiến sĩ Roland Jacques OMI (tức Dương Hữu Nhân) phát hiện tại thư viện Ajuda của thủ đô Lisboa, Bồ Đào Nha, và đã được công bố. Hãy đọc vài câu:
“... Về vấn đề học ngôn ngữ thì ở Kẻ Chàm là nơi luôn luôn tốt nhất. Đây là kinh đô của triều đình. Ở đây người ta nói hay. Nhiều người trẻ quy tụ về đây. Họ là sinh viên...Về phần con, con đã soạn xong một tiểu luận về chính tả, về các thanh điệu của ngôn ngữ nầy, và con đang lao vào ngữ pháp...Con phiên âm theo chữ Bồ Đào Nha sao cho người chúng ta có thể đọc và học các từ đó thuộc lòng...” (Trích Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt Ngữ học, Roland Jacques, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội-2007, trang 43, 44)
Trước đây, khi chưa biết các tài liệu nầy, chúng ta thường chỉ chú trọng đến linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) là người có công lớn trong việc xuất bản hai tác phẩm chữ Quốc ngữ rất quan trọng là “Tự điển Annam- Bồ Đào Nha- Latinh” thường gọi tắt là Từ điển Việt- Bồ- La và Phép giảng tám ngày tại Rôma, năm 1651. Nhưng chính cha Đắc Lộ, người đến Đàng Trong tháng 12 năm 1624 (theo cha Đỗ Quang Chính, tháng 2,1625) cho biết mình đã học tiếng Việt với cha Pina.
Kể từ khi bản sao viết tay của cha Pina được phát hiện và được linh mục Dòng Tận hiến Đức Bà Vô Nhiểm Dương Hữu Nhân tức Roland Jacques công bố, cái nhìn về buổi đầu lịch sử hình thành chữ quốc ngữ đã thay đổi nhiều.
Thật ra, cha Pina không tự mình nghĩ ra phương pháp ghi chú nầy mà phải nói đó là công trình của nhiều người Bồ Đào Nha sinh hoạt ở Nhật Bản và Trung quốc trước đó. Từ thế kỷ 16, các linh mục Dòng tên đã sáng chế hệ thống La tinh hóa tiếng Nhật gọi là rômaji, thực ra phải nói Bồ Đào Nha hóa vì ngôn ngữ Bồ rất gần với hệ thống La tinh. Từ đó, các sách viết tay và các bản in theo phương pháp Âu Châu, thay vì mộc bản, đã được tiến hành. Từ năm 1591 cho đến năm 1598 ít nhất có bảy cuốn sách đã được in ấn (Xem sách dịch Lịch sử công giáo Nhật Bản của Joseph Jennes, CICM, Nhà Xuất Bản Tôn giáo, 2008 trang 124 tt..)
Tại Trung quốc, loại sách phiên âm trên cũng khá phổ biến. Sách dùng chủ yếu giúp các người Bồ Đào Nha và Âu Châu không biết chữ Hán và cho sinh viên Nhật Bản, Trung Hoa làm quen với ngôn ngữ Âu Châu.
Chính từ những kinh nghiệm trước đó mà cha Francisco Pina đã bắt đầu Bồ Đào Nha hóa chữ Việt tại Thanh Chiêm (Dinh Chăm), Quảng Nam với sự tiếp tay của nhiều nhà sư, nho sĩ, thông dịch viên và học sinh.
Ông Nguyễn Phước Tương, một nhà nghiên cứu chuyên viết về địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng đã tóm lược công trình trên qua bài viết khá súc tích “Hội An - Thanh Chiêm. Cái nôi ra đời của chữ quốc ngữ “đăng trên Văn Hóa Hội An số đặc biệt Xuân Mậu Tý 2008, trong đó, sau khi dẫn chứng nhiều tài liệu ông đã đi đến kết luận “Như vậy, chính Giáo sĩ Bồ Đào Nha Francesco Pina...cùng với các trí thức và phiên dịch người Việt tại cảng thị Hội An và Dinh trấn Thanh Chiêm đã phát minh đầu tiên chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ 17, loại văn tự hiện đại của Việt nam. Đây là một sự kiện lịch sử - văn hóa vô cùng vĩ đại mà nhân dân Hội An và nhân dân Thanh Chiêm ngày nay có quyền tự hào.
Thế nhưng, trong những năm qua...chúng ta chưa có một hình thức sinh động để giới thiệu với nhân dân địa phương, nhân dân cả nước và khách du lịch quốc tế để họ biết rằng nơi đây trong quá khứ đã từng ra đời sự kiện vĩ đại đó” (Văn Hóa Hội An, số đặc biệt Xuân Mậu Tý 2008, trang 54 -58)
Ông Phạm Thông, một người đã từng du học tại Bungari, trong báo Khoa học và Sáng tạo, đã lên tiếng yêu cầu hình thành một lễ hội tôn vinh chữ Quốc ngữ. Trong bài viết: “Lễ hội dành cho chữ Quốc ngữ?”, sau khi ghi nhận công trạng của linh mục Francisco Pina, ông viết “Thiết nghĩ, chữ Quốc ngữ đối với chúng ta hiện nay và mãi mãi sau nầy, quý báu và cần thiết như cơm gạo, như không khí, ánh sáng mặt trời vậy. Ngày nay và mai sau, mỗi người Việt Nam của chúng ta khi cầm trên tay một trang sách tiếng Việt, cầm trên tay cây bút ký tên mình bằng chữ Quốc ngữ, phải nhớ đến nguồn gốc của nó như từ đâu ta có bát cơm ăn.” Từ đó ông đưa ra ý kiến “.. tôi thiết nghĩ chữ Quốc ngữ và những tiền nhân có công khai sinh, phát triển và truyền bá nó, không kể họ là ai, ngoại quốc hay là Việt, lương hay là giáo cũng cần được tôn vinh trong lòng mỗi người dân Việt. Lễ hội chữ Quốc ngữ nếu được khai sinh trên cái nôi hình thành Thanh Chiêm, Hội An là một sự ứng xử đúng đạo lý nhất của người Việt, của người Quảng Nam là ‘uống nước nhớ nguồn’, ‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây’. Và lễ hội chữ Quốc ngữ sẽ là một điểm nhấn quan trọng góp phần làm hiển lộ ngày càng rõ nét nền văn hóa đặc thù Đất Quảng” (Báo Khoa học và Sáng tạo, số 69 (tháng 10/2008, trang 10,11)
Tháng 12 năm nay, dân tộc Việt Nam tự hào về chiến thắng đương kim vô địch Singapore và Thái Lan trên đấu trường bóng đá, nhờ công sức của ông Henrique Calisto, một người Bồ Đào Nha, nhưng không ai nhớ đến một người Bồ Đào Nha khác, Francisco Pina, đã chết đuối trên biển Quảng nam Đà Nẵng ngày 15 tháng 12 năm 1625, mười ngày trước lễ Chúa Giáng Sinh, khi vừa tròn 40 tuổi, với bao ước mơ chưa thành hình.
Nhân vật đó đã mãi mãi nằm xuống tại mảnh đất Việt Nam nầy, đã đặt nền tảng ban đầu cho một di sản khổng lồ là nền văn học chữ quốc ngữ. Qua bốn nghìn năm văn hiến, chúng ta còn lại bao nhiêu văn bản Hán Nôm? Chứa được bao nhiêu căn phòng? Còn chữ Quốc ngữ, tuổi chưa đầy 400 năm, nhưng nếu hôm nay nhà nước xây dựng bảo tàng chữ Quốc ngữ, chắc chắn phải cần một tòa nhà đồ sộ mới chứa hết.
Công trạng của linh mục Francesco Pina quá lớn, nhưng ngay một ngôi mộ xứng đáng, dân tộc nầy cũng chưa dành cho ngài, ấy là không kể những người dùng chữ Quốc ngữ để phỉ báng chữ Quốc ngữ như là công cụ “thực dân, đế quốc”?!
Chưa đầy 10 năm khi những trang chữ Quốc ngữ xuất hiện trên Internet mà nay ai cũng nhận ra khả năng tuyệt vời hội nhập thế giới của lối chữ nầy. Chữ Quốc ngữ giúp dân tộc ta vượt qua nhiều dân tộc trên thế giới về chất lượng và số lượng website. Hãy gỏ một từ Quốc ngữ trên công cụ tìm kiếm Google hoặc Yahoo bạn sẽ thấy rỏ ngay.
Cha Pina ơi, cha đang nằm ở đâu trên mảnh đất vinh quang và đau thương nầy?
Người Việt Nam đã quên cha nhưng rồi sẽ phải nhớ ơn cha. Huấn luyện viên Calisto, người đồng hương của cha đã làm cho dân tộc Việt Nam tự hào trong một vài năm, nhưng cha mới là người Bồ Đào Nha mà người Việt cần phải biết ơn lâu dài, cha mới là hương vị thơm ngon, ngọt ngào, say nồng của rượu Bồ Đào (Porto), không chỉ trăm năm mà chắc chắn sẽ là mãi mãi với công trình sáng tạo chữ Quốc ngữ.
Hội An, ngày 03 tháng 1 năm 2009.
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng, Quản xứ Hội An.
Trong những ngày qua, báo chí và diễn đàn điện tử trên Internet tràn ngập những bài ca tụng đội tuyển bóng đá Việt Nam vừa đoạt chiếc cúp AFF Susuki Cup 2008 danh giá Đông Nam Á, mà người Việt Nam đã chờ đợi trên 40 năm qua. Nhân dịp nầy ông Henrique Calisto, huấn luyện viên Bồ Đào Nha, cũng đã được ca tụng hết lời vì đã góp công lớn đưa đội bóng đạt được thành quả trên. Hình ảnh ông Calisto đã được công kênh trên đường phố. Tên ông được mọi người biết đến và Việt Nam hóa ra Tô, thầy Tô, nghe rất thân thương. Trong các lời ca tụng vị huấn luyện viên quê Matosinhos, vùng gần thành phố Porto với loại rượu Bồ Đào (Porto) danh tiếng, câu nói của ông Chủ tịch Công ty Gạch Đồng Tâm Võ Quốc Thắng rất đáng được lưu ý. “Nếu đất nước Bồ Đào Nha có viện trợ cho VN cả trăm triệu đôla cũng chẳng ai nhớ. Nhưng nếu ông làm cho đội tuyển VN thành công. Hàng chục triệu người người dân VN sẽ rất quý mến đất nước Bồ Đào Nha. Không có điều gì quảng bá cho đất nước tốt bằng điều đó.”
“Ông Henrique Calisto đã mềm lòng và gật đầu đồng ý..” (Trích báo Tuổi trẻ số thứ sáu, ngày 2 tháng giêng Dương lịch năm 2009, trang 11.)
Để đạt đến ngày vinh quang trên, thời gian trước đó, huấn luyện viên Calisto đã bị công kích rất nhiều.
Trong những ngày cuối năm tháng 12, 2008, đội tuyển bóng đá quốc gia và ông Calisto đã góp phần tạo cho người Việt Nam một đêm Mừng Chúa Giáng Sinh 2008 và đón chào năm mới 2009 tuyệt vời.
Khi nhìn thấy ông quàng lên mình quốc kỳ Bồ Đào Nha, tổ quốc ông, tôi bất chợt nhớ đến bao nhiêu gương mặt Bồ Đào Nha khác đã từng sinh sống, làm việc trên đất nước Việt Nam nầy.
Đó là linh mục Diogo Carvalho (1578-1624) người đã cùng linh mục người Napoli (Ý) Francesco Busomi, đến Đàng Trong năm 1615. Nhưng ngay năm sau đó, đã can đảm quay về Nhật Bản và tử đạo tại Sendai Nhật Bản ngày 22-2-1624.
Đó là linh mục Gaspar Luis (1586- sau năm 1648) người đã viết bản tường trình Đàng Trong năm 1621 và soạn cuốn Từ Vựng tiếng Việt (nhưng bị thất lạc do đắm tàu). Đó là Amaral, Barbosa soạn thảo từ điển tiếng Việt, rất tiếc, các văn bản trên chưa được tìm thấy.
Nhưng trước hết và trên hết là công trạng của linh mục Francisco Pina. (1585-1625). Quê hương ngài là Guarda, Bồ Đào Nha, chịu chức linh mục năm 1616 để rồi năm sau, 1617, đến Đàng Trong. Ngài thường trú tại Hội An (Quảng Nam), rồi Nước Mặn (Qui Nhơn) nhưng cuối cùng, từ năm 1622, định cư tại Dinh trấn Thanh Chiêm (Dinh Chăm). Tại đây ngài đã mua nhà, trau dồi văn hóa Á Đông và áp dụng phương pháp ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh. Bản phúc trình của ngài viết vào những năm 1623, 24 đã được tiến sĩ Roland Jacques OMI (tức Dương Hữu Nhân) phát hiện tại thư viện Ajuda của thủ đô Lisboa, Bồ Đào Nha, và đã được công bố. Hãy đọc vài câu:
“... Về vấn đề học ngôn ngữ thì ở Kẻ Chàm là nơi luôn luôn tốt nhất. Đây là kinh đô của triều đình. Ở đây người ta nói hay. Nhiều người trẻ quy tụ về đây. Họ là sinh viên...Về phần con, con đã soạn xong một tiểu luận về chính tả, về các thanh điệu của ngôn ngữ nầy, và con đang lao vào ngữ pháp...Con phiên âm theo chữ Bồ Đào Nha sao cho người chúng ta có thể đọc và học các từ đó thuộc lòng...” (Trích Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt Ngữ học, Roland Jacques, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội-2007, trang 43, 44)
Trước đây, khi chưa biết các tài liệu nầy, chúng ta thường chỉ chú trọng đến linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) là người có công lớn trong việc xuất bản hai tác phẩm chữ Quốc ngữ rất quan trọng là “Tự điển Annam- Bồ Đào Nha- Latinh” thường gọi tắt là Từ điển Việt- Bồ- La và Phép giảng tám ngày tại Rôma, năm 1651. Nhưng chính cha Đắc Lộ, người đến Đàng Trong tháng 12 năm 1624 (theo cha Đỗ Quang Chính, tháng 2,1625) cho biết mình đã học tiếng Việt với cha Pina.
Kể từ khi bản sao viết tay của cha Pina được phát hiện và được linh mục Dòng Tận hiến Đức Bà Vô Nhiểm Dương Hữu Nhân tức Roland Jacques công bố, cái nhìn về buổi đầu lịch sử hình thành chữ quốc ngữ đã thay đổi nhiều.
Thật ra, cha Pina không tự mình nghĩ ra phương pháp ghi chú nầy mà phải nói đó là công trình của nhiều người Bồ Đào Nha sinh hoạt ở Nhật Bản và Trung quốc trước đó. Từ thế kỷ 16, các linh mục Dòng tên đã sáng chế hệ thống La tinh hóa tiếng Nhật gọi là rômaji, thực ra phải nói Bồ Đào Nha hóa vì ngôn ngữ Bồ rất gần với hệ thống La tinh. Từ đó, các sách viết tay và các bản in theo phương pháp Âu Châu, thay vì mộc bản, đã được tiến hành. Từ năm 1591 cho đến năm 1598 ít nhất có bảy cuốn sách đã được in ấn (Xem sách dịch Lịch sử công giáo Nhật Bản của Joseph Jennes, CICM, Nhà Xuất Bản Tôn giáo, 2008 trang 124 tt..)
Tại Trung quốc, loại sách phiên âm trên cũng khá phổ biến. Sách dùng chủ yếu giúp các người Bồ Đào Nha và Âu Châu không biết chữ Hán và cho sinh viên Nhật Bản, Trung Hoa làm quen với ngôn ngữ Âu Châu.
Chính từ những kinh nghiệm trước đó mà cha Francisco Pina đã bắt đầu Bồ Đào Nha hóa chữ Việt tại Thanh Chiêm (Dinh Chăm), Quảng Nam với sự tiếp tay của nhiều nhà sư, nho sĩ, thông dịch viên và học sinh.
Ông Nguyễn Phước Tương, một nhà nghiên cứu chuyên viết về địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng đã tóm lược công trình trên qua bài viết khá súc tích “Hội An - Thanh Chiêm. Cái nôi ra đời của chữ quốc ngữ “đăng trên Văn Hóa Hội An số đặc biệt Xuân Mậu Tý 2008, trong đó, sau khi dẫn chứng nhiều tài liệu ông đã đi đến kết luận “Như vậy, chính Giáo sĩ Bồ Đào Nha Francesco Pina...cùng với các trí thức và phiên dịch người Việt tại cảng thị Hội An và Dinh trấn Thanh Chiêm đã phát minh đầu tiên chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ 17, loại văn tự hiện đại của Việt nam. Đây là một sự kiện lịch sử - văn hóa vô cùng vĩ đại mà nhân dân Hội An và nhân dân Thanh Chiêm ngày nay có quyền tự hào.
Thế nhưng, trong những năm qua...chúng ta chưa có một hình thức sinh động để giới thiệu với nhân dân địa phương, nhân dân cả nước và khách du lịch quốc tế để họ biết rằng nơi đây trong quá khứ đã từng ra đời sự kiện vĩ đại đó” (Văn Hóa Hội An, số đặc biệt Xuân Mậu Tý 2008, trang 54 -58)
Ông Phạm Thông, một người đã từng du học tại Bungari, trong báo Khoa học và Sáng tạo, đã lên tiếng yêu cầu hình thành một lễ hội tôn vinh chữ Quốc ngữ. Trong bài viết: “Lễ hội dành cho chữ Quốc ngữ?”, sau khi ghi nhận công trạng của linh mục Francisco Pina, ông viết “Thiết nghĩ, chữ Quốc ngữ đối với chúng ta hiện nay và mãi mãi sau nầy, quý báu và cần thiết như cơm gạo, như không khí, ánh sáng mặt trời vậy. Ngày nay và mai sau, mỗi người Việt Nam của chúng ta khi cầm trên tay một trang sách tiếng Việt, cầm trên tay cây bút ký tên mình bằng chữ Quốc ngữ, phải nhớ đến nguồn gốc của nó như từ đâu ta có bát cơm ăn.” Từ đó ông đưa ra ý kiến “.. tôi thiết nghĩ chữ Quốc ngữ và những tiền nhân có công khai sinh, phát triển và truyền bá nó, không kể họ là ai, ngoại quốc hay là Việt, lương hay là giáo cũng cần được tôn vinh trong lòng mỗi người dân Việt. Lễ hội chữ Quốc ngữ nếu được khai sinh trên cái nôi hình thành Thanh Chiêm, Hội An là một sự ứng xử đúng đạo lý nhất của người Việt, của người Quảng Nam là ‘uống nước nhớ nguồn’, ‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây’. Và lễ hội chữ Quốc ngữ sẽ là một điểm nhấn quan trọng góp phần làm hiển lộ ngày càng rõ nét nền văn hóa đặc thù Đất Quảng” (Báo Khoa học và Sáng tạo, số 69 (tháng 10/2008, trang 10,11)
Tháng 12 năm nay, dân tộc Việt Nam tự hào về chiến thắng đương kim vô địch Singapore và Thái Lan trên đấu trường bóng đá, nhờ công sức của ông Henrique Calisto, một người Bồ Đào Nha, nhưng không ai nhớ đến một người Bồ Đào Nha khác, Francisco Pina, đã chết đuối trên biển Quảng nam Đà Nẵng ngày 15 tháng 12 năm 1625, mười ngày trước lễ Chúa Giáng Sinh, khi vừa tròn 40 tuổi, với bao ước mơ chưa thành hình.
Nhân vật đó đã mãi mãi nằm xuống tại mảnh đất Việt Nam nầy, đã đặt nền tảng ban đầu cho một di sản khổng lồ là nền văn học chữ quốc ngữ. Qua bốn nghìn năm văn hiến, chúng ta còn lại bao nhiêu văn bản Hán Nôm? Chứa được bao nhiêu căn phòng? Còn chữ Quốc ngữ, tuổi chưa đầy 400 năm, nhưng nếu hôm nay nhà nước xây dựng bảo tàng chữ Quốc ngữ, chắc chắn phải cần một tòa nhà đồ sộ mới chứa hết.
Công trạng của linh mục Francesco Pina quá lớn, nhưng ngay một ngôi mộ xứng đáng, dân tộc nầy cũng chưa dành cho ngài, ấy là không kể những người dùng chữ Quốc ngữ để phỉ báng chữ Quốc ngữ như là công cụ “thực dân, đế quốc”?!
Chưa đầy 10 năm khi những trang chữ Quốc ngữ xuất hiện trên Internet mà nay ai cũng nhận ra khả năng tuyệt vời hội nhập thế giới của lối chữ nầy. Chữ Quốc ngữ giúp dân tộc ta vượt qua nhiều dân tộc trên thế giới về chất lượng và số lượng website. Hãy gỏ một từ Quốc ngữ trên công cụ tìm kiếm Google hoặc Yahoo bạn sẽ thấy rỏ ngay.
Cha Pina ơi, cha đang nằm ở đâu trên mảnh đất vinh quang và đau thương nầy?
Người Việt Nam đã quên cha nhưng rồi sẽ phải nhớ ơn cha. Huấn luyện viên Calisto, người đồng hương của cha đã làm cho dân tộc Việt Nam tự hào trong một vài năm, nhưng cha mới là người Bồ Đào Nha mà người Việt cần phải biết ơn lâu dài, cha mới là hương vị thơm ngon, ngọt ngào, say nồng của rượu Bồ Đào (Porto), không chỉ trăm năm mà chắc chắn sẽ là mãi mãi với công trình sáng tạo chữ Quốc ngữ.
Hội An, ngày 03 tháng 1 năm 2009.
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng, Quản xứ Hội An.