Incomprehensible
Không thể hiểu được, bất khả thấu đạt. Là điều gì không thể hiểu được trọn vẹn. Trong một nghĩa, không điều gì có thể hiểu được đầy đủ bởi con người, vì con người không là nguyên nhân đầu tiên của mọi sự. Nhưng nói một cách đúng nghĩa, chỉ có Chúa được cho là không thể hiểu được trọn vẹn, bởi vì Chúa là hòan hảo vô cùng và không tâm trí hữu hạn nào có thể hiểu được tâm trí vô cùng được. Giáo hội dạy rằng Chúa là bất khả thấu đạt (Denzinger 800). Tuy nhiên, có một sự khác biệt giữa sự bất khả thấu đạt của Chúa ở dưới trần gian này và ở trên thiên đàng. Ở dưới thế này, Chúa là bất khả thấu đạt bởi vì Chúa chỉ được biết qua đức tin; trên thiên đàng Chúa vẫn còn là bất khả thấu đạt, vì Chúa là vô cùng, mặc dầu trong phúc kiến chúng ta sẽ nhìn thấy Chúa trong yếu tính của Chúa. Mặc dầu là bất khả thấu đạt, Chúa không là bất khả nhận thức. Chúa có thể được biết, dưới thế này bằng đức tin và trên trời bằng chiêm ngắm. Nhưng ở dưới đất cũng như sau này trên trời, người ta không thể hiểu hòan tòan Chúa trong sự viên mãn của việc Chúa hiểu chính Chúa trọn vẹn. “Chúa có Hữu thể là vô cùng, là có thể biết được cách vô cùng. Tuy nhiên không có sự hiểu biết nào của thụ tạo có thể biết Chúa trong một cách thức vô cùng” (Thánh Tôma Aquinas, Summa Theologica, I, 12, 7).
Incontinence
Hoang dâm, không tiết dục, vô tiết dục. Là sự thất bại trong việc kiềm chế các thôi thúc tình dục của mình trong dây hôn phối hợp pháp.
Incorruptibility
Sự không thể hư nát, vô hoại, bất hủ. Là không thể tiêu diệt hoặc phân rã. Điều này có thể là tuyệt đối, chẳng hạn Chúa, là Đấng hòan toàn không thay đổi được do bản tính; hoặc là tự nhiên, như thiên thần và linh hồn, là các hữu thể thiêng liêng, không thể bị tan rã do sự phân hủy; hoặc là bản thể, như trong thiên nhiên vật lý, với các phần tử có thể tái kết hợp bằng nhiều cách khác nhau, nhưng không bị tiêu diệt trong các thành phần cuối cùng của chúng.
Increase Of Merit
Gia tăng công đức. Là các yếu tố làm gia tăng công trạng siêu nhiên của một người, do các việc lành người ấy đã làm trong tình trạng ân sủng. Có bốn yếu tố như thế, đó là: 1. mức độ ơn thánh sủng trong đó một người thực hiện việc lành luân lý; 2. cường độ của ý chí để cho việc lành được thực hiện; 3. sự cao cả của việc lành đã làm; và 4. tình yêu thuần khiết hoặc tính không ích kỷ tác động sự thực hiện việc lành. Khó khăn của những điều trên tự thân không làm gia tăng công đức siêu nhiên, nhưng bởi vì sự khó khăn không là đáng tội, nó thường đòi hỏi một nỗ lực thêm vào của ý chí, và do đó gián tiếp thêm vào cho công đức các việc lành luân lý được thực hiện trong tình trạng ân sủng.
Inculpable
Vô tội. Là không chịu trách nhiệm luân lý về hành vi xấu một cách khách quan. Nó thừa nhận rằng một người làm điều gì xấu nhưng do không biết, hoặc do áp lực tình cảm hay sự ép buộc, nên người ấy thực sự không mắc tội trước mặt Chúa. Sự vô tội này được đồng hóa với tội cứ sự, để phân biệt với tội cố tình.
Incumbent
Người giữ nhiệm vụ. Là người đặc trách một cơ quan hay một bổng lộc trong Giáo hội, chẳng hạn một giáo phận, một giáo xứ hoặc một tu viện.
Ind
Ind, Index. Mục lục, chỉ số.
Ind
Ind, Indictio -- Chu kỳ 15 năm, sự triệu tập định kỳ
Indefectibility
Bất khả mai một, bất khả khuyết tính, trường tồn. Là sự trường tồn không hư mất và sự bất biến của Giáo hội cho đến tận thế. Công đồng chung Vatican I tuyên bố rằng Giáo hội sở hữu “một sự ổn định không thể bị xâm chiếm” và “được xây dựng trên tảng đá, Giáo hội sẽ tiếp tục vững bền cho đến tận thế” (Denzinger 3013, 3056). Do đó sự trường tồn của Giáo hội có nghĩa là Giáo hội hiện là và luôn luôn sẽ là một định chế cứu độ, do Chúa Kitô thành lập. Điều này khẳng định rằng Giáo hội là cốt yếu không thay đổi trong giáo huấn, cơ cấu và phụng vụ. Nhưng điều này không loại trừ các sửa đổi vốn không ảnh hưởng đến bản chất của Giáo hội, và không loại trừ sự suy tàn của các giáo hội địa phương hoặc một số giáo phận.
Independence
Độc lập. Là sự tự do của hiện hữu hoặc hành động. Nó hàm ý sự tách biệt hay phân cách khỏi vật khác hay người khác, và không cần vật khác hay người khác, cũng như không cần sự hỗ trợ của vật khác hay người khác. Áp dụng vào Giáo hội, độc lập có nghĩa là Giáo hội không lệ thuộc vào Nhà Nước, mặc dầu có tùy thuộc vào Nhà Nước để hiện hữu, quản trị hoặc thực thi sứ vụ. Về phần mình, Nhà Nước cũng được tin là độc lập với Giáo hội, trong những gì liên quan đến phúc lợi thế tục của công dân, nhưng Nhà Nước không độc lập với luật tự nhiên hoặc tôn giáo.
Indeterminism
Thuyết bất định, thuyết phi tất định. Là nguyên lý của một triết học cho rằng ý chí con người, trong một số hành động của mình, là tự do; rằng ý chí không bị xác định tuyệt đối bởi di truyền, giáo dục, hoặc môi trường bên ngoài con người, và cũng không bởi ý tưởng, cảm tình và ước muốn bên trong con người. Đôi khi con người hành động như là họ vừa lòng, bất chấp mọi yếu tố khác, ngoại trừ yếu tố duy nhất là ý chí tự do của họ.
Index Expurgatorius
Index Expurgatorius, Danh mục sách cấm. Là danh sách các sách phải bị kiểm duyệt trước khi cho tín hữu Công giáo đọc. Lúc đầu danh mục này được tách rời, sau đó được nhập chung vào Index Librorum Prohibitorum (Thư mục Sách cấm.)
Index Of Forbidden Books
Thư mục sách cấm, cấm thư. Là danh sách các sách mà người Công giáo bị giáo quyền cấm đọc hoặc cấm lưu giữ mà không có phép. Các sách bị lên án này bị xem là lạc giáo, nguy hiểm cho luân lý hoặc đáng chê trách. Danh mục sách này do bộ Thánh vụ công bố. Sau Công đồng chung Vatican II, việc công bố và xuất bản bị gián đọan, nhưng một lọat qui định mới được Tòa thánh công bố, đưa ra các qui phạm đặc biệt về việc đọc các sách vốn là nguy hiểm cho đức tin Công giáo hoặc luân lý Kitô giáo.
Indiction
Chu kỳ 15 năm, sự triệu tập định kỳ. Là chu kỳ tài chính 15 năm do Hòang đế Constantine (khỏang năm 274-337) đã chọn. Đây là thời kỳ xếp theo thứ tự thời gian được dùng trong các văn bản giáo hòang và các tài liệu khác. Vì mục đích của Giáo hội, thánh Giáo hòang Gregory qui định ngày 1-1-313 là ngày khởi sự đầu tiên của chu kỳ 15 năm, và vẫn còn dùng trong niên lịch Roma. (Từ nguyên Latinh in-, trong + dicere, nói: indictio, tuyên bố, chỉ định, nhất là chỉ định thuế.)
Indifference
Thờ ơ, lãnh đạm, dửng dưng, trung lập, không thiên vị. Là trạng thái không được xác định để hành động hay không hành động, hành động cách này hơn là hành động cách khác. Nơi con người, sự lãnh đạm tích cực là khả năng tự xác định cho một chuỗi hành động đã làm; còn sự lãnh đạm tiêu cực là khả năng bị lay chuyển hoặc bị quyết định bởi người khác. Trong thần học tu đức, sự dửng dưng là một trạng thái thóat khỏi các sự dính bén hoặc ước muốn sai trái, giúp cho con người tận hiến hoàn toàn cho Chúa. Chính sự tự do nội tâm cho phép linh hồn tự hiến một cách không dè dặt để đi theo Chúa Kitô.
Indifferentism
Lãnh đạm, dửng dưng, học thuyết phủ nhận việc tôn thờ Chúa, chủ thuyết đồng hóa các tôn giáo. Là sự phủ nhận rằng việc thờ phượng Chúa hoặc việc giữ đạo là một trách nhiệm nặng nề của con người, với tư cách là thụ tạo, họ bị lệ thuộc hoàn tòan vào Chúa. Học thuyết phủ nhận này là thực tiễn, khi một người hành động theo cách ấy, mà không cần thiết phủ nhận rằng Chúa đáng được tôn vinh và phụng sự. Trong khi đó chủ thuyết dửng dưng bất khả tri, tức chủ thuyết đồng hóa các tôn giáo, là thái độ cho rằng các tôn giáo là tốt như nhau, bởi vì thuyết nói rằng không có cách nào chứng minh sự khác biệt được cả.
Indirect Suicide
Tự tử gián tiếp. Là tự cho phép mình chết mà không có ý định ấy một cách trực tiếp. Như thế một người không muốn chết, nhưng cho phép cái chết đến trong sự theo đuổi một mục tiêu đáng khen nào đó, mà người ấy biết là sẽ rất nguy hiểm cho sự sống của mình. Trong số các lý do được xem là đủ để cho phép tự tử gián tiếp là công ích, thí dụ, binh lính chiến đấu cho đất nước, hoặc ích lợi thiêng liêng, chẳng hạn một linh mục ban bí tích cho những người bị bệnh truyền nhiễm.
Indirect Temporal Jurisdiction
Quyền thế trần gián tiếp. Là quyền của Đức Giáo hòang trong các vấn đề thế tục ngòai các Lãnh địa Giáo hòang, hoặc bây giờ là Nhà Nước Vatican. Ngọai trừ trong lãnh địa này, Đức giáo hòang không có quyền đời thuần túy nào, do thần quyền sở hữu trực tiếp. Tuy nhiên, trong quyền hạn Giáo hòang là người trọng tài tối cao của đức tin và luân lý, để bảo vệ tinh thần và cứu độ siêu nhiên cho đòan chiên của mình, Đức Giáo hòang sở hữu quyền thế trần gián tiếp để thực thi, khi nào hành động của chính quyền đe dọa lợi ích vĩnh cửu của tín hữu. Trong thời cận đại, thuyết này được mô tả rõ ràng trong Luận chiến của thánh Robert Bellarmine. (1542-1621).
Indirect Voluntary
Cố ý gián tiếp. Là hệ quả, không dự tính nhưng thấy trước, của điều gì đó được cố ý mong muốn. Hệ quả này không được mong muốn là cùng đích hay phương tiện, nhưng người ta thấy rằng người ta không thể có điều gì đó mà lại không có nó. Người ta muốn nguyên nhân, nhưng đó lại là hiệu quả cần thiết của nguyên nhân ấy.
Indissolubility
Bất khả phân ly tính, không thể đọan tiêu. Là sự bền vững của hôn nhân, không thể bị tháo gỡ bởi việc rút sự đồng ý của đôi bên hôn phối hoặc của chính quyền dân sự. Hôn nhân Kitô giáo là bất khả phân ly tuyệt đối, như Công đồng chung Trent đã định nghĩa khi lên án một người nào nói rằng “Giáo hội sai lầm khi Giáo hội khắc sâu và tiếp tục khắc sâu cho phù hợp với lời dạy Tin Mừng và giáo huấn tông đồ, rằng dây hôn phối không thể bị tháo gỡ bởi lý ngọai tình về phía một trong hai người, hay về phiá cả hai người, thậm chí người ngây thơ không nêu ra lý do ngọai tình, cũng không thể kết hôn lần nữa, trong khi người phối ngẫu mình còn sống; và rằng người đàn ông lấy vợ khác, sau khi bỏ người vợ ngọai tình của mình, là phạm tội ngọai tình, và người đàn bà lấy chồng khác, sau khi bỏ người chồng ngọai tình của mình, là phạm tội ngọai tình” (Denzinger 1807).
Indissoluble Marriage
Hôn nhân bất khả phân ly. Là hôn nhân Kitô giáo, giữa hai người đã rửa tội và đi vào một hợp đồng có hiệu lực, và hoàn hợp hôn nhân của mình bằng việc giao hợp tự nhiên, không thể bị tháo gỡ bởi bất cứ quyền lực nào của con người, dù là dân sự hay Giáo hội.
Individual
Cá nhân, cá thể. Là bất cứ hữu thể đơn lẻ nào, nhất là con người, vốn không thể bị phân chia mà không mất căn tính (đồng nhất tính) của mình. Hai yếu tố cần thiết để tạo nên một cá nhân là căn tính riêng của người ấy và tính phân biệt so với người khác.
Individualism
Cá nhân chủ nghĩa. Là triết lý đặt quyền lợi của cá nhân lên trên công ích xã hội. Đây là sự tùy thuộc của công ích nhiều người vào lợi ích riêng của cá nhân. Trong thực tế, đó là sự hy sinh của các giá trị xã hội cho tham vọng cá nhân của những người quá đòi hỏi rằng xã hội phải công nhận sự tự do cá nhân của họ.
Individuality
Cá nhân tính, cá biệt tính, cá tính. Là phẩm chất của một vật làm cho nó là một hữu thể rõ ràng, chứ không phải là hữu thể khác. Nhiều thuyết được đề xuất. Thuyết phổ biến nhất, theo thánh Tôma Aquinas, là đặt nguyên lý cá nhân tính trong phần vật chất của bản thể thân xác. Như thế vật chất là nền tảng của cá thể hóa. Một số thuyết khác, theo Duns Scotus, xem cá nhân như là một “sở ngã tính’ đặc biệt, vốn phân biệt từng vật riêng lẻ trong vũ trụ. Đối với một số triết gia, mỗi hữu thể cụ thể tạo nên một cá nhân tính riêng. Và sau cùng một số người chủ trương rằng sự hiện hữu một vật, khác với yếu tính của nó, giải thích cá nhân tính của mỗi thụ tạo.
Individuation
Cá thể hóa. Là lý do triết học cơ bản phân biệt một thụ tạo với tòan tạo vật, và với các cá thể khác trong lòai với nó. Nơi lòai người, cá thể hóa là chủ yếu do sự việc rằng mỗi người có một linh hồn bất tử riêng và được sáng tạo riêng.
Indolence
Sự lười biếng, sự biếng nhác. Là yêu thích quen thói sự thỏai mái và tiện nghi, và là một tâm tính tránh hoạt động thể lý hoặc hoạt động tâm trí hay ý chí. (Từ nguyên Latinh in-, không + dolere, cảm thấy đau: indolentia, tự do khỏi đau, không xúc cảm.)
Induction
Qui nạp. Là nguồn gốc hợp lý của các luật phổ quát hoặc nguyên lý phổ quát từ các trường hợp cá nhân. Là lý luận từ cái riêng đi đến một kết luận chung; là đi đến định nghĩa một yếu tính từ sự hiểu biết các nét chung của các cá thể. Đây là một lý luận đi từ kinh nghiệm, qua đó chúng ta rút ra suy diễn liên quan đến chủ thể phổ quát, từ các nét diễn tả đặc biệt của chủ thể này hoặc lọai này. Trái nghĩa với quy nạp là diễn dịch. (Từ nguyên Latinh in-, trong + ducere, dẫn dắt: inductio, dẫn vào.)
Indulgentiarum Doctrina
Tông huấn Indulgentiarum Doctrina (Giáo lý ân xá). Là tông huấn của Đức Giáo hòang Phaolô VI về giáo huấn của Giáo hội liên quan đến ân xá, vốn được dựa vào mặc khải của Chúa, và hiện nay Giáo hội sửa đổi đôi chút về cách thức lãnh nhận ân xá. Hai mươi qui định mới nhấn mạnh rằng “các ân xá là liên kết với việc tín hữu làm, chứ không tòng vật hoặc tòng sở, vốn chỉ là dịp để hưởng ân xá mà thôi” (ngày 14-2- 1966).
Indult
Đặc quyền, đặc pháp, đặc miễn. Là một đặc ân tạm thời mà Tòa thánh ban cho các giám mục để cho phép các ngài làm một điều đáng là phải xin phép. Sau một thời gian qui định, đặc quyền này phải được thẩm quyền Giáo hội cho phép lại. Do đó theo Giáo luật, linh mục phải có đặc miễn để làm công việc giải phẫu, và một nữ tu dòng kín phải có đặc pháp để đi ra ngoài nội cấm.
Ineffable
Khôn tả, khó tả nên lời. Là điều không thể diễn tả hết bằng lời nói. Chỉ có Chúa là Đấng khôn tả, bởi vì Chúa không thể được hiểu thấu hết bởi tâm trí hữu hạn của con người. Do tri thức xác định sự diễn tả, sự khôn tả của Chúa là kết quả của sự bất khả thấu đạt về Chúa. Thánh Âu Tinh diễn tả ý này như sau: “Đúng hơn lời nói của chúng ta về Chúa là việc chúng ta suy nghĩ về Chúa, và đúng hơn sự suy nghĩ của chúng ta về Chúa là Hữu thể của Chúa” (De Trinitate, VII, 4, 7).
Inefficacious Graces
Ân sủng không công hiệu, vô hiệu sủng. Là các hiện sủng vừa đủ để thực thi một việc lành siêu nhiên. Chúng là không công hiệu bởi vì chúng gặp sự chống đối của ý chí con người. Các nhà Cải cách Tin lành và phái Đạo lý khắc khổ (Jansen) chối bỏ các ơn này, bởi vì theo quan điểm của họ, ân sủng thực hiện một ảnh hưởng cần thiết trên ý chí con người. Mọi ân sủng là công hiệu; nếu không, như Calvin nói, chúng không phải là ân sủng.
In Extremis
In Extremis, giờ lâm chung, giây phút cuối cùng. Một người vào giờ chết, khi mọi luật tích cực của Giáo hội đều phụ thuộc vào trách nhiệm ưu tiên là chuẩn bị cho người hấp hối có đủ điều kiện đi vào hạnh phúc đời đời.
Infallibility, Episcopal
Bất khả ngộ tính của hàng Giám mục, sự vô ngộ của hàng Giám mục. Là sự gìn giữ khỏi bị sai lầm của các Giám mục Giáo hội Công giáo. Các ngài là bất khả ngộ khi mọi Giám mục của Giáo hội họp lại trong một Công đồng chung, hoặc khi tản mát trên thế gian này các ngài đưa ra một giáo huấn đức tin hay luân lý, mà mọi tín hữu cần phải tuân giữ. Các ngài cũng được bảo đảm khỏi sai lầm khi các ngài hiệp nhất với Giám mục Roma, và giáo huấn của các ngài tùy thuộc vào quyền bính của Giám mục Roma. Mục đích của bất khả ngộ tính này, cũng như bất khả ngộ tính của Đức Giáo hòang, không chỉ bao gồm các chân lý mặc khải, nhưng bất cứ giáo huấn nào, ngay cả các sự kiện lịch sử, các nguyên lý triết học, hoặc các chuẩn mực của luật tự nhiên, vốn được liên kết với mặc khải của Chúa.
Infallible Book
Cuốn sách bất khả ngộ, cuốn sách vô ngộ. Một từ ngữ đôi khi được áp dụng cho Kinh thánh bởi những người chỉ trích giáo phái Tin mừng (Tin lành), bởi vì họ tin rằng Kinh thánh chứa lời Chúa không thể sai lầm.
Infamy
Ô danh, nhục nhã, bỉ ổi. Là vết ô nhục của một người và ngăn người này không hưởng một số quyền lợi hoặc đặc quyền, cho tới khi nguồn gốc sự ô nhục ấy bị cất đi. Nó có thể là một tội ác bề ngòai của một người và gắn với tính tình người ấy (infamia facti, ô danh chiếu sự), hoặc có thể nó là kết quả của một hình phạt của Giáo hội, do luật hoặc giáo quyền áp đặt (infamia juris, ô danh chiếu luật).
Infancy
Tuổi thơ ấu, thời thơ ấu. Theo truyền thống luật Giáo hội, là những người dưới bảy tuổi hoặc những người chưa đến tuổi khôn.
Infant Baptism
Rửa tội trẻ em, rửa tội trẻ thơ. Giáo huấn vững bền của Giáo hội Công giáo là các trẻ em nên được rửa tội sớm sau khi sinh. Lý do là trẻ em ra đời với tội tổ tông, mà trong sự quan phòng bình thường của Chúa, tội này không thể bị xóa bỏ trước tuổi khôn, ngoại trừ khi trẻ em được rửa tội bằng nước. Nhờ bí tích rửa tội, trẻ em nhận ơn thánh sủng, các nhân đức thiên phú là đức tin, đức cậy và đức mến, và các ơn Chúa Thánh Thần.
Infanticide
Sát nhi, sát tử, giết trẻ con. Tội ác này được phân biệt với việc phá thai trực tiếp, cũng là sát nhân, bởi sự việc đứa trẻ đã ra đời, còn sống, và bị cố ý làm cho chết. (Từ nguyên Latinh infans, trẻ nhỏ, em bé; nghĩa đen là chưa thể nói năng + -cidium, giết chết: infanticidium, sát nhi.)
Infants
Trẻ thơ, trẻ nhỏ. Là trẻ em chưa đến tuổi khôn và mặc dầu đã được rửa tội, các em vẫn chưa phải tuân giữ các luật Giáo hội thuần túy.
Infants, Anointing Of
Xức dầu trẻ thơ. Trẻ em có thể được ban bí tích xức dầu bệnh nhân, cả trước khi lên bảy tuổi, miễn là các em đã đến tuổi khôn. Nền tảng tín lý cho việc này là việc xức dầu có thể ban hợp lệ cho bất cứ ai đã được rửa tội, và người này đã có khả năng đưa ra một quyết định luân lý và do đó đã phạm ít nhất mội tội nhẹ.
Infants, Eucharist To
Trẻ em rước lễ. Trong một số lễ điển của Giáo hội Công giáo, trẻ em được cho rước lễ sau khi chúng đã rửa tội. Tại Công đồng chung Trent, Giáo hội định nghĩa rằng tập tục này là không cần thiết. Trong lễ điển Latinh, trẻ em chỉ được cho rước lễ sau khi chúng đã đến tuổi khôn, miễn là chúng có thể phân biệt Bánh thánh với bánh thưòng.
Infants, Unbaptized
Trẻ thơ chưa rửa tội. Giáo huấn chung của Giáo hội Công giáo là trẻ nhỏ nào chết khi chưa rửa tội thì không hưởng phúc kiến trên thiên đàng, nhưng đi vào một tình trạng hạnh phúc tự nhiên trọn vẹn, thường gọi là lâm bô.
Inference
Suy diễn, quy kết, suy luận. Là một tiến trình lý luận khởi đi với một mệnh đề xét là đúng, và đi đến một kết luận cũng xét là đúng, bởi vì nó đã hàm chứa mặc nhiên trong giả định gốc. Quy kết có thể là suy diễn hoặc quy nạp, nghĩa là bắt đầu từ cái tổng quát đến cái riêng biệt, hoặc ngược lại, từ cái riêng đến cái chung.
Infidel
Lương dân, người vô tín ngưỡng. Là người không tin đạo nào. Trước đây từ ngữ này áp dụng cho mọi người ngòai Kitô hữu, nhưng hiện nay chỉ dùng cho ngưởi vô tín ngưỡng, nghĩa là người tuyên bố là vô thần hay người theo bất khả tri thuyết. (Từ nguyên Latinh in-, không + fidelis, trung thành: infidelis, người không có niềm tin.)
Infidelity
Bất trung, không trung thành, bội bạc, bội tín, vô tín. Hoặc là thiếu đức tin hoặc thiếu sự trung thành. Trong trường hợp vô tín (thiếu đức tin), nó có thể là cố cách (cố tình), khuyết cách (tiêu cách) hoặc khiếm cách (vô tội). Vô tín cố cách nghĩa là một người đã rửa tội và được giáo dục trong đức tin Kitô giáo, nhưng từ bỏ đức tin bằng sự từ chối bất cứ chân lý mặc khải nào của Chúa. Vô tín khuyết cách là sự chểnh mảng có tội, do không xem xét nền tảng của mặc khải hoặc nhìn nhận nghĩa vụ giữ đức tin, một khi các nền tảng ấy được xem là khả tín. Còn vô tín khiếm cách là sự thiếu niềm tin vào Kitô giáo của người đã có niềm tin khác, và mặc dầu họ không có lỗi, họ không được giới thiệu Tin mừng một cách hợp lẽ. Trong khi đó bất trung là thiếu sự trung thành, thường liên quan đến hôn nhân.
Infidelity, Marital
Sự không chung thủy, bất trung vợ chồng. Là sự không trung thành với lời hứa hôn phối, bằng cách quan hệ tình dục với một ngưởi không phải là người phối ngẫu hợp pháp của mình. Việc này là tương đương với sự ngoại tình. Theo truyền thống vững bền của Giáo hội, sự không chung thủy là nền tảng đủ cho việc ly thân và thậm chí việc ly dị dân sự, nhưng không phải là sự ly dị với quyền tái hôn.
In Fieri
In Fieri, đang hình thành, lúc chuyển thành, đang biến dịch. Là trong một trạng thái đang thay đổi hay đang hình thành, chẳng hạn một số tổ chức được nói là in fieri, nghĩa là đang trong quá trình hình thành.
Infinite
Vô biên, vô tận, vô cùng. Là cái gì không có biên giới hoặc không có giới hạn. Một điều được gọi là vô biên hay vô tận bằng nhiều cách khác nhau. Nó có thể là vô biên thật sự, nghĩa là một thực tại tích cực không có giới hạn. Nó có thể là hòan hảo vô biên, khi nó không giới hạn trong sự hoàn hảo của hữu thể hoặc của hoạt động; khi nó có sự hoàn hảo nguyên tuyền trong mọi cách và trong mọi cấp độ hoàn hảo. Nó có thể là vô biên cách tiềm thể, khi với tư cách là một thực tại hữu hạn, nó có thể có sự gia tăng thực tế hoặc thuộc khái niệm mà không có hạn chế nào; như vậy cái vô biên tiềm thể có thể được tăng lên nhiều lần không giới hạn, nhưng trong thực tế nó là hữu hạn và bị giới hạn. Vì lợi ích của tính không giới hạn của các hạn định, nó còn được gọi là vô cùng. Cuối cùng, một điều có thể là vô biên cách tương đối hay vô biên cách tuyệt đối. Vô biên cách tương đối là vô biên về mặt nào đó hay về sự hoàn hảo đặc biệt nào đó; còn vô biên tuyệt đối là vô biên trong mọi mặt. Chỉ có Chúa là vô biện thật sự và vô biên tuyệt đối, vì chỉ mình Chúa là hoàn hảo vô cùng. (Từ nguyên Latinh in- không + finis, kết thúc: infinitus, vô tận; vô biên.)
Infinity Of God
Tính vô biên của Chúa, vô cùng tính của Chúa. Là sự hoàn hảo vô biên vô tận của Chúa. Theo giáo huấn của Giáo hội, Thiên Chúa là “vô biên trong trí tuệ, trong ý chí và trong mọi sự hoàn hảo” (Công đồng chung Vatican I, khóa III, Chương I). Trong Chúa, không có tiềm thể mà chỉ có hiện thể thuần túy. Điều này có nghĩa là còn hơn khẳng định rằng Chúa không có giới hạn. Chúa có trong chính Ngài sự tràn trề của mọi hoàn hảo, dù là tri thức hoặc quyền lực hoặc hiện hữu.
Infirmus Cum Ecclesia
Sắc lệnh Infirmus Cum Ecclesia. Là sắc lệnh của Thánh bộ Phụng tự, đưa ra nghi thức mới cho việc ban bí tích xức dầu bệnh nhân, được Đức Giáo hoàng Phaolô VI chuẩn y ngày 7-12-1972.