Supernatural Theology
Thần học siêu nhiên. Là sự trình bày một cách khoa học các chân lý về Chúa, như Chúa được biết bởi đức tin vào mặc khải của Chúa, và với sự trợ giúp của ơn Chúa. Thần học là một khoa học đích thực bởi vì khoa học này dùng các nguyên tắc dựa vào lời mặc khải của Chúa, và rút ra kiến thức mới nhờ sự suy tư về các nguyên tắc này, và kết hợp toàn bộ vào một hệ thống chặt chẽ và có tính khoa học.
Supernatural Words
Lời siêu nhiên. Là sự tỏ lộ của tâm trí Chúa cho các giác quan bên trong hay bên ngòai, hoặc cho trí tuệ cách trực tiếp. Lời siêu nhiên khác với nhãn quan trí tuệ trong điều này là các lời siêu nhiên được tiếp nhận và qua các lời này, một số tư tưởng được nhận biết. Lời siêu nhiên có thể hướng trực tiếp tới tai người nghe, và sau đó là lời nói vào tai, hoặc vào tai của trí tưởng tượng và đó là lời tưởng tượng, hoặc trực tiếp vào tâm trí và đó là lời trí tuệ. Thánh Gioan Thánh gía (1542-91) phân biệt các hình thức này của ngôn ngữ siêu nhiên bằng cách gọi đó là lời liên tiếp, lời hình thức và lời thực chất. (Lên núi Cát Minh, II, 26-29).
Supplied Jurisdiction
Thẩm quyền được ban cấp. Trong luật Giáo hội, là một hình thức ủy quyền được Giáo hội ban cấp, giúp một linh mục vốn không có năng quyền được giải tội cách thành sự cho các hối nhân trong bí tích Xá giải. Thẩm quyền này được ban cấp trong trường hợp lầm lẫn chung (khi người ta nghĩ rằng linh mục có năng quyền giải tội); khi ngờ vực về luật hoặc sự việc, cho rằng sự nghi ngờ này là thành thật; và nếu năng quyền của một linh mục đã hết hạn bất ngờ.
Support Of Religion
Hỗ trợ tôn giáo. Bổn phận của một người Công giáo là góp phần giúp đỡ giáo xứ và các công tác của tôn giáo, tùy theo khả năng của mỗi người. Đây là một nghĩa vụ được tuyên bố hơn một lần trong Kinh Thánh (Đnl 14:23: I Cr 9:14). Mục đích của việc này là để Chúa được tôn kính và thờ phượng cách xứng hợp hơn, và vương quốc Giáo hội của Chúa được mở rộng.
Supposit
Supposit, bản thể, bản vị. Là một hữu thể đầy đủ trong chính nó, và do đó không thể thông chuyển được. Nó hiện hữu trong chính nó và hành động trong chính nó. Nếu bản thể được ban thêm lý trí, đó là một người; nếu không, đó là một vật. (Từ nguyên Latinh suppositum, vật gì đặt ở dưới, được đón nhận, bản thể cá nhân.)
Supralapsarians
Thuyết tiền sa ngã. Là thuyết của các môn sinh của Gioan Calvin (1509-64), chủ trương rằng việc Chúa quyết định cho một số người xuống hỏa ngục là tuyệt đối, và không bị điều kiện hóa bởi sự Sa ngã. Chúa cũng phải kết án những người ấy xuống hỏa ngục, dầu ông Adam (A-đam) không phạm tội. Đây là lập trường của ông Calvin.
Supreme Dominion
Quyền cai trị tối cao. Là quyền không giới hạn của Chúa về cai trị mọi loài thụ tạo, và Chúa đòi loài có lý trí phải vâng phục Chúa không dè dặt. Quyền làm chủ của Chúa trên vũ trụ là thuộc về Chúa, vì Chúa đã sáng tạo muôn loài và cứu chuộc nhân loại.
Supreme End
Cùng đích tối cao. Là sự thiện hảo mà một thụ tạo có lý trí khát mong, và nhờ ơn Chúa, hy vọng đạt tới được. Đây là summum bonum (sự tối thiện), thỏa mãn hoàn toàn mọi khát vọng chính đáng của con người, tức là sở hữu Chúa trong phúc kiến.
Supreme Evil
Sự dữ cao nhất. Là điều gì được xem là mất mát lớn nhất hoặc sự bị tước đọat lớn nhất. Các triết lý khác nhau quan niệm sự dữ này theo cách khác nhau, tùy vào quan niệm của họ về sự tối thiện là như thế nào. Trong bất cứ tôn giáo hoặc hệ thống tư tưởng nào, sự dữ cao nhất thường có nghĩa là mất sự tối thiện. Trong Kitô giáo, sự dữ khách quan cao nhất là tội trọng; còn sự dữ chủ quan cao nhất là hỏa ngục, hoặc sự mất đời đời được chiêm ngắm Chúa.
Surplice
Áo các phép. Áo dài ngang lưng có ống tay áo thật rộng, may bằng vải hoặc vải lanh, không có dây thắt lưng, đôi khi được thêu thùa ở ống tay và đường viền áo. Là chiếc áo không phụng vụ được mọi giáo sĩ mang trong ca đoàn kinh sĩ, khi rước kiệu, và khi ban các bí tích. (Từ nguyên Latinh superpellicium [là áo nguyên thủy được giáo sĩ các quốc gia phía bắc mang ngoài áo khoác da của họ].)
Surrogate
Người đại diện, người thay thế. Là một người làm nhiệm vụ thay thế cho cha mẹ của một người. Việc các sự thay thế như vậy xảy ra trong cuộc sống thật và, đối với một số người trong mộng tưởng, đã được người ta biết đến nhiều. Đây là một trong các định đề của thuyết vô thần hiện đại, cho rằng Chúa chỉ là một người đại diện vũ trụ cho nhân loại, là sự chiếu hình ảnh người cha cho loài người thế giới này.
Sursum Corda
Sursum Corda, “Hãy nâng tâm hồn lên”, là câu được linh mục sử dụng khi nói với các tín hữu trong Kinh Tiền tụng của Thánh lễ. Câu này cũng được dùng như một khẩu hiệu trong huy hiệu Kitô giáo.
Suscipe
Kinh Suscipe Domine (Lạy Chúa, xin hãy chiếm lấy). Là lời kinh do thánh Ignatius (I-nhã) Loyola sáng tác trong cuốn Linh thao của ngài, được xem là một hành động hoàn toàn tận hiến cho Chúa. Kinh đọc là: “Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có và những gì thuộc về con. Mọi sự ấy Chúa đã ban cho con; lạy Chúa, con xin dâng lại Chúa hết thảy. Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng Chúa, vì được như thế là đủ cho con.”
Suspension
Vạ huyền chức. Là vạ phạt theo giáo luật qua đó một giáo sĩ bị đuổi khỏi chức vụ hoặc một bổng lộc hoặc cả hai. Vạ huyền chức khỏi chức vụ có thể cấm giáo sĩ này thi hành bất cứ quyền chức thánh nào đã nhận khi được truyền chức thánh, và bất cứ quyền tài phán nào, dù là thông thương hay là ủy thác. Vạ huyền chức khỏi bổng lộc có thể, với một vài ngoại trừ, tước khỏi giáo sĩ các hoa lợi của bổng lộc ấy.
S.V.
S.V., Sanctitas Vestra—Trọng kính Đức Thánh Cha
Swastika
Swastika, chữ thập ngoặc, hình chữ vạn. Là tượng trưng của Thánh giá, đôi khi được gọi là crux gammata, được tạo từ bốn mẫu tự gamma Hi Lạp ráp lại với nhau. Nó có nguồn gốc từ tiếng Phạn và có nghĩa là “điềm tốt.” Nó có nhiều ý nghĩa được công nhận, như mặt trời quay, bốn điểm của la bàn. Đôi khi nó được xem như là chữ thập ngoặc. Nó là biểu tượng của phe Đức Quốc Xã (Nazi) trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Hiếm khi nó được Kitô hữu dùng trước thế kỷ thứ ba, và rồi chỉ dùng nó để che giấu Thánh giá với người vô tín ngưỡng.
Sweet Quietude
Sự tĩnh mịch êm dịu. Là trạng thái linh hồn được thánh nữ Têrêsa thành Avila (1515-82) nhắc đến trong cuốn “Lâu đài Nội tâm” của ngài như là Căn phòng Thứ tư. Ngài gọi đây là cầu nguyện của các thích thú êm dịu hoặc thiên linh, bởi vì chính ở đây sự hiện diện của Chúa được cảm nhận lần đầu tiên với sự thích thú thiêng liêng. Cũng còn gọi là cầu nguyện thinh lặng và có ba giai đọan: 1. hồi tâm thụ động, với ơn Chúa trực tiếp hành động lên các năng lực con người; 2. sự tĩnh mịch, với tâm trí và ý chí vui mừng với sự hiện diện của Chúa trong tĩnh lặng và nghỉ ngơi; 3. các năng lực ngủ ngon, với tâm trí và ý chí được Chúa nắm giữ; trí tưởng tượng và trí nhớ, mặc dầu họat động, bị suy yếu và không hiệu quả. Giai đọan cuối này là chuẩn bị cho sự kết hiệp hòan tòan của linh hồn với Chúa.
Swiss Guards
Cận vệ Thụy Sĩ. Là cảnh sát và cận vệ chính thức của Đức Giáo hòang. Là các binh lính Thụy Sĩ phục vụ Tòa thánh từ thế kỷ 14, họ được Đức Giáo hòang Julius II thành lập thành một đội quân riêng biệt năm 1505. Việc tuyển chọn họ dựa vào một thỏa thuận từ nhiều thế kỷ giữa Tòa thánh và chính quyền dân sự ở Thụy Sĩ. Sự kiện đáng ghi nhớ nhất của họ trong lịch sử là bảo vệ anh dũng Đức Giáo hòang Clement VII trong vụ cướp phá thành Roma năm 1527, khi 147 người bị giết chết và chỉ còn 42 cận vệ đưa Đức Giáo hòang an tòan về dinh Castel Sant'Angelo. Chức năng chính của đội cận vệ là bảo vệ bản thân Đức Giáo hòang và giữ an ninh cho các dinh điện, nhất là khu vực cửa ra vào Vatican.
Sword
Gươm, kiếm. Là một biểu tượng rất phù hợp với thánh Phaolô do giáo huấn sắc sảo và cách thức ngài bị chết. Gươm của Thần khí được giải thích là Lời Chúa (Ep 6:17). Gươm cũng là biểu tượng của ơn can trường do Chúa Thánh Thần ban, và là tượng trưng của tổng lãnh thiên thần Micae, nhắc lại việc Ngài gặp gỡ Quỷ Lucifer. Gươm còn là biểu tượng của thánh Giacôbê Tiền và thánh Giuđa.
Sword, Flaming
Lưỡi gươm sáng lóe. Là biểu tượng của của thiên thần, được nhắc đến như là một trong các Thần Hộ giá (Cherubim) được Chúa sai đến Vườn Eden (Địa Đàng), “để canh giữ đường đến cây trường sinh" (St 3:24) sau khi ông Adam (A-đam) và bà Eve (E-và) bị trục xuất khỏi Vườn. Chỉ trong các ngụy thư và đôi khi trong nghệ thuật, thiên thần này được gọi tên là Jophiel.
Syllabus Of Pius IX
Bản quyết nghị (cáo trạng) của Đức Giáo hoàng Piô IX. Một loạt 80 mệnh đề bị kết án là nêu ra các sai lầm lớn nhằm làm băng hoại xã hội, luân lý và tôn giáo. Mỗi người Công giáo cần tỏ ra sự đồng ý bên ngòai và bên trong với việc Giáo hội lên án các sai lầm trong bản quyết nghị này.
Syllabus Of Pius X
Bản quyết nghị (cáo trạng) của Đức Giáo hoàng Piô X. Là một loạt mệnh đề đã bị Bộ Thánh Vụ kết án, và được Đức Giáo hòang xác nhận trong thông điệp Lamentabili (ngày 3-7-1907). Bản quyết nghị tố cáo các chủ trương của thuyết Duy Tân và bài bác các sai lầm ấy. Nền tảng của các thuyết sai lầm này là thuyết khoa học giả tạo về sự tiến bộ trong tri thức và niềm tin của con người. Trong một tự sắc, Đức Giáo hòang đã khẳng định bản quyết nghị trên bằng cách công bố “Lời thề chống thuyết Duy Tân (ngày 1-9-1910).
Syllogism
Tam đoạn luận. Trong triết học, là một lập luận được sắp xếp là nếu hai câu đầu (tiền đề) được chấp nhận thì câu thứ ba (kết luận) xảy ra cách cần thiết. Trong thần học, khi câu đầu là một chân lý mặc khải, câu thứ hai là một sự kiện hoặc một sự thật được biết bằng lý trí, thì câu thứ ba được cho là một kết luận thần học. Các kết luận như thế thường là đối tượng của huấn quyền không thể sai lầm của Giáo hội. (Từ nguyên Hi Lạp syllogismos, tính tóan gộp vào.)
Symbol
Biểu tượng, ký hiệu. Nói chung, là bất cứ vật gì tượng trưng hoặc diễn tả một vật khác. Một cách đặc biệt hơn, đó là dấu hiệu qui ước do sự thỏa thuận, minh nhiên hoặc mặc nhiên, giữa những người sử dụng dấu hiệu ấy. Các dấu hiệu tôn giáo còn gọi là biểu tượng, vì chúng tượng trưng cho một chân lý thánh hoặc một mầu nhiệm đức tin. (Từ nguyên Hi Lạp symbolon, dấu hiệu, lời nguyền; một dấu hiệu nhờ đó người ta suy ra một việc khác.)
Symbolism
Biểu tượng, ý nghĩa tượng trưng. Là gán cho các vật bên ngoài hoặc hành động bên ngoài một ý nghĩa bên trong. Hiệu quả của biểu tượng tùy thuộc vào chiều sâu của sự gắn bó cá nhân với sự thật bên trong của biểu tượng, và khả năng của biểu tượng diễn tả ý nghĩa bên trong. Biểu tượng thời Kitô giáo sơ khai xuất hiện một phần là do cuộc bách hại đạo. Người ta cần che giấu các niềm tin bằng biểu hiện và hình ảnh. Một yếu tố góp phần khác là ước vọng tự nhiên của con người, để gói ghém cuộc sống cá nhân và tập thể vào các biểu hiện và vật nhắc nhở niềm tin của họ. Theo dòng thời gian, mọi chi tiết trong nghệ thuật và kiến trúc của Giáo hội, của phụng vụ và việc đạo đức riêng tư, đều mang ý nghĩa tôn giáo rõ ràng. Biểu tượng là ngôn ngữ phổ quát cho mọi tôn giáo. Đặc biệt biểu tượng là phong phú trong Giáo hội Công giáo, một phần do sự khuyến khích của Giáo hội, nhưng chủ yếu vì các mầu nhiệm đức tin là quá sâu xa đến nỗi không bao giờ hiểu hết được. Biểu tượng giúp tâm trí hiểu được các mầu nhiệm ấy với suy tư cầu nguyện, và sự hiểu biết ngày càng nhiều hơn.
Symbols, Christian
Ký hiệu, biểu tượng tôn giáo. Là dấu hiệu hoặc biểu tượng của chân lý tôn giáo. Chúng là các phương tiện cảm nhận bằng giác quan, qua đó các mầu nhiệm mặc khải có thể được hiểu ít hay nhiều hơn. Chúng có thể được viết, hay nói, hay diễn tả bằng hình dạng đồ hoạ. Trong một dạng đặc biệt là các Bí tích, vốn không chỉ là biểu tượng một chân lý mặc khải, mà còn trao ban điều các bí tích ấy diễn nghĩa.
Sympathy
Đồng cảm, thiện cảm, thương cảm. Là phẩm tính của hữu thể chịu ảnh hưởng của cảm nghiệm của người khác, nhất là trong sầu buồn hoặc thử thách, với tình cảm tương tự như trong chính mình. Sự giống nhau trong khổ đau là sự đồng cảm thật sự. (Từ nguyên Latinh sympathia; từ chữ Hi Lạp sumpatheia, từ chữ sympath_s, ảnh hưởng bởi tình cảm: sun-, giống như + pathos, cảm xúc, tình cảm.)
Syn
Syn, Synodus—công nghị, thượng hội đồng, hội nghị.
Synagogue (Biblical)
Hội đường Do thái (trong Kinh thánh). Là trung tâm của cộng đoàn Do thái, nơi hướng dẫn việc học hỏi và trình bày Cựu Ước. Mặc dầu chức năng chính của hội đường là tôn giáo, hội đường cũng được dùng làm nơi tổ chức cho đủ loại sinh hoạt của cộng đòan—tang lễ, hội họp và chuyện làm ăn. Một hội đồng chức sắc điều hành hội đường, hướng dẫn các nghi thức, và theo dõi các chương trình giáo dục.
Synaxis
Synaxis, cộng đồng phụng tự, cộng đoàn tham dự, tập họp Thánh thể, Đồng bàn. Là cuộc nhóm họp cho bất cứ công việc tôn giáo nào trong thời Giáo hội sơ khai, tương tự như hội đường Do thái, là nơi nhóm họp tôn giáo của người Do thái. Trong Giáo hội Đông phương, nó còn có nghĩa là một cộng đồng phụng tự, trong đó có Thánh lễ. Trong Giáo hội Tây phương, từ ngữ này được dùng để chỉ các công việc ngoài Thánh lễ, như đọc Thánh vịnh, hay đọc kinh, từ đó Kinh nhật tụng được khai triển. Cộng đoàn tham dự cũng là tên trong Nghi lễ Byzantine dành cho một số lễ trọng, khi vào các lễ ấy tín hữu tụ tập vào một nhà thờ đặc biệt, tương tự như các nhà thờ chặng trong Nghi lễ Latinh. Cũng thế, trong một tu viện Byzantine, hội đồng các vị trưởng lão trợ giúp cho tu viện trưởng được gọi là một nhóm Đồng Bàn (Synexis).
Syncretism
Hòa hợp, hòa đồng chủ nghĩa. Là nỗ lực nhằm thống nhất các học thuyết và tập tục khác nhau, nhất là trong tôn giáo. Các sự thống nhất hoặc sự pha trộn như thế là một phần của lịch sử văn hóa, và là đặc trưng cho điều xảy ra cho mọi nền văn hóa của thế giới ngoài Kitô giáo. Hòa hợp cũng áp dụng cho các nỗ lực đại kết giữa các Giáo hội Kitô giáo ly khai, và bên trong đạo Công giáo chữ hòa hợp áp dụng cho nỗ lực nhằm kết hợp các yếu tố hay nhất của các trường phái thần học khác nhau. Nhưng trong những năm gần đây, từ ngữ hòa hợp dùng để chỉ các chủ trương lệch lạc cho rằng sự hiệp nhất tôn giáo có thể được thực hiện, mà không cần biết các dị biệt giữa các tôn giáo, khi nói rằng mọi niềm tin xét cho cùng cũng chỉ là một và giống như nhau. (Từ nguyên Hi Lạp synkr_tizo, kết hợp các yếu tố rời rạc thành một tổng thể hòa hợp; từ chữ synkr_tizmos, liên hiệp các thành phố đảo Creta.)
Synderesis hoặc Synteresis
Lương năng. Là thói quen biết các nguyên tắc căn bản của luật luân lý; là kiến thức về các nguyên lý phổ quát đầu tiên của một trật tự thực tiễn. Đôi khi nó được áp dụng cho lương tâm, vốn là sự áp dụng thực tế của tâm trí cho các nguyên tắc đã biết, phán đoán về sự lành sự dữ của một hành vi đặc biệt của con người. (Từ nguyên Hi Lạp synteresis, tia sáng lương tâm.)
Syndic, Apostolic
Người quản lý tông tòa. Là một giáo dân hay người quản lý, có nhiệm vụ quản trị tài sản do Dòng Anh Em Hèn Mọn và Dòng Anh Em Lúp Vuông (Capuchin) sử dụng, nhưng tài sản ấy thuộc về Tòa thánh. Cuộc sống xã hội hiện đại đòi hỏi Tòa thánh làm chủ tài sản, tặng vật, di vật..., được tích lũy bởi các Dòng tu bị cấm có của cải chung do lời khấn của họ. Mỗi tu viện có một người quản lý chịu trách nhiệm gìn giữ và quản lý các của cải ấy.
Syndicalism
Chủ nghĩa công đoàn. Là một phong trào cách mạng ở tầng lớp lao động, nhằm cho công nhân kiểm soát ngành công nghiệp, dựa trên một tổ chức của công nhân công nghiệp. Là một phương tiện để đạt mục tiêu này, chủ nghĩa công đoàn bênh vực việc tổng đình công và phá hoại. Nguồn gốc của nó là từ năm 1895, khi Tổng Liên đòan Lao động (the Confédération Général du Travail) được thành lập tại Pháp, và phong trào sớm lan qua các quốc gia khác. Những người bênh vực bạo động trong công đoàn lao động gọi là người ủng hộ chủ nghĩa công đoàn.
Synod
Hội nghị, hội đồng, công nghị, thượng hội đồng. Là hội nghị của các giáo sĩ, không nhất thiết là mọi giám mục, được giáo quyền triệu tập để thảo luận và quyết định các vấn đề liên quan đến giáo lý, kỷ luật, hoặc phụng vụ thuộc thẩm quyền của họ. Các từ ngữ Hội đồng và Công đồng là đồng nghĩa với nhau trong nhiều thế kỷ, và chúng vẫn có thể hóan đổi cho nhau. Theo Công đồng chung Trent, Công nghị là hội nghị của giáo phận, được tổ chức cứ mỗi năm một lần. Trong Bộ Giáo luật, công nghị giáo phận phải được tổ chức ít nhất cứ 10 năm một lần, trong đó chỉ có Giám mục có quyền lập pháp, còn mọi người khác có quyền tư vấn mà thôi. (Từ nguyên Latinh synodus; từ chữ Hi Lạp synodos, gặp gỡ: sun-, cùng nhau + hodos, đường đi, hành trình.)
Synod Of Bishops
Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Là một hội nghị các Giám mục, được chọn từ khắp nơi trên thế giới, họp tại Rome cứ nhiều năm một lần để “giúp đỡ vị Chủ Chăn Tối Cao của Giáo Hội cách đắc lực hơn nơi Hội Ðồng có tên riêng là ‘Thượng Hội Ðồng Giám Mục’; Thượng Hội Ðồng này đóng vai trò của toàn thể hàng Giám Mục Công Giáo, đồng thời nói lên rằng tất cả các Giám Mục, trong sự hiệp thông phẩm trật, cùng chia sẻ nỗi lo âu của toàn thể Giáo Hội” (Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội, Christus Dominus, I, 5). Mặc dầu bản chất của Thượng Hội đồng là thường xuyên, Thượng Hội đồng thực thi nghĩa vụ trong một thời gian và khi được triệu tập mà thôi. Thông thường hoạt động như một cơ quan tham vấn, để thông tin và cố vấn cho Đức Giáo hòang, Thượng Hội Ðồng Giám Mục có thể có quyền quyết định, khi được Đức Giáo chủ trao quyền, và chính Ngài trong mọi trường hợp phải phê chuẩn các nghị quyết của Thượng Hội đồng, có như thế các nghị quyết mới có tính hiệu lực.
Synoptic Problem
Vấn đề nhất lãm. Là vấn đề cách thức các Tin Mừng theo Mátthêu, Máccô và Luca có liên quan với nhau, bởi vì một số lớn nội dung của ba Tin mừng này nói về cùng một chủ đề, thường với từ ngữ giống nhau, nhưng đôi khi có những dị biệt rất khác. Không có một giải pháp riêng nào cho Vấn đề Nhất lãm cả. Nói chung, các học giả Công giáo ủng hộ truyền thống căn bản, đã có từ thế kỷ thứ hai, rằng Tin mừng mang tên các thánh Mátthêu, Máccô và Luca đều được viết bởi thánh Mátthêu Tông đồ, Máccô môn đệ của Phêrô, và Luca môn đệ của Phaolô; rằng bản gốc Tin mừng theo thánh Mátthêu là bằng tiếng Aramaic, sau đó được dịch sang tiếng Hi Lạp; rằng các điểm tương đồng giữa ba Tin mừng Nhất lãm là do các Tin mừng ấy trình bày các dữ liệu lịch sử giống nhau, còn các khác biệt nhau là do quan điểm, tính cách và mục đích của mỗi vị khi viết một Tin mừng riêng. Nơi người Tin lành, Vấn đề Nhất Lãm thường được giải quyết bằng cách đặt Tin mừng theo thánh Máccô làm Tin mừng thứ nhất và căn bản, và hai Tin mừng kia dựa vào đó, cùng với các nguồn khác, nhất là nguồn Q chưa được biết đến, nhưng chỉ có thể dựa vào bằng chứng bản văn để suy diễn mà thôi.
Synoptics
Tin mừng nhất lãm. Là ba Tin mừng đầu, gồm Tin mừng theo thánh Mátthêu, Tin mừng theo thánh Máccô và Tin mừng theo thánh Luca. Được gọi là nhất lãm, bởi vì ba Tin mừng này có một bố cục tổng quát giống nhau và phản ảnh nhiều điểm tương đồng trong các sự kiện trình thuật, và giống nhau ngay cả trong lối diễn tả văn chương. Ba Tin mừng này đưa ra một cái nhìn toàn diện về cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô.
Synthesis
Tổng hợp. Là hành vi trí tuệ, nhờ đó các ý kiến đơn giản được phối hợp thành các ý kiến phức tạp hơn. Như thế đó là sự tổng hợp các yếu tố riêng lẻ để làm thành một tổng thế chắc chắn dựa trên nguyên tắc hợp nhất. (Từ nguyên Latinh synthesis; từ chữ Hi Lạp synthesis, ghép chung lại.)
Syriac
Ngôn ngữ Syria. Là một nhánh của ngôn ngữ Aramaic, được nói ở Edessa (một thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) và vùng phụ cận trước kỷ nguyên Kitô giáo. Nó được sử dụng nhiều trong thời Giáo hội sơ khai, chẳng hạn các bản dịch Kinh thánh Diatessaron và Peshitta. Sau các cuộc chia rẽ tôn giáo trong thế kỷ thứ năm, ngôn ngữ Syria vẫn là tiếng nói của người Syria ở Đông và Tây. Nhưng sau khi tiếng Ả rập trở thành ngôn ngữ thông dụng, tiếng Syria đã trở thành ít nhiều một ngôn ngữ nhân tạo.
Syrian Rite
Nghi lễ Syria. Tại Đông Phương, nghi lễ này còn gọi tên là Nghi lễ Chaldean (Can-đê), Nghi lễ Assyrian (Át-sua), hoặc Nghi lễ Ba Tư, được người Công giáo và Kitô hữu Đông phương ly khai sử dụng. Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Syria hoặc Aramaic. Nơi giáo phái Nestor ở Syria, chỉ có năm Bí tích, vì các bí tích Hòa giải và Xức dầu không được biết tới trong thực tế. Ở Tây Phương, Nghi lễ Syria cũng được sử dụng bởi người Công giáo, Kitô hữu không Công giáo, giáo hội Maron và giáo phái Jacobite. Riêng trong Giáo phái Jacobite, nghi lễ này có chen thêm một số kinh bằng tiếng Ả rập.
Systems Of Probability
Các hệ thống cái nhiên thuyết. Là các thuyết về mức độ nghi ngờ hoặc cái nhiên, vốn sẽ miễn trừ cho một người khỏi bổn phận đối với một luật hồ nghi. Năm hệ thống đã được phát triển (trong đó hệ thống đầu và cuối là lý thuyết hơn là thực hành), đó là đại xác cách thuyết, thuyết đại xác suất, đồng cái nhiên thuyết, cái nhiên thuyết và phóng thứ thuyết. Theo đại xác cách thuyết (tutiorism), một người phải là chắc chắn hoặc gần như chắc chắn (tutior, an toàn hơn) rằng luật hồ nghi không có tính cách ràng buộc; và phóng thứ thuyết chủ trương rằng một lý do cái nhiên hồ nghi cổ vũ sự tự do cho một người miễn giữ một luật hồ nghi. Thuyết đại xác suất nói rằng bằng chứng chống lại một luật hồ nghi phải là rõ ràng hơn so với điều ngược lại. Đồng cái nhiên thuyết chủ trương rằng bằng chứng phải là cái nhiên ngang bằng với điều ngược lại. Cái nhiên thuyết cho rằng bất cứ lý luận cái nhiên vững chắc nào, chống lại sự hiện hữu hoặc sự áp dụng của một luật hồ nghi, là đủ để không bị ràng buộc tuân theo luật ấy.