PHAN THIẾT - Ngày 25.7.2009, Tòa Thánh đã công bố thư chấp thuận đơn xin nghĩ hưu của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám Mục Phan thiết.

Hôm nay, nhân ngày 11.8, lễ kỷ niệm thụ phong Giám mục của Đức cha Phaolô và Đức Cha Nicolas, Giáo phận Phan thiết tổ chức lễ Tạ Ơn Chúa và tri ân hai Đức Cha cùng Đức Ông Tổng Đại Diện. Linh mục đoàn, đại diện các dòng tu, các chủng sinh, ban thường vụ các HĐGX, Giáo họ, đại diện các đoàn thể trong Giáo phận đã chung lời tạ ơn và tri ân.

Mở đầu thánh lễ, cha Phêrô Phạm Tiến Hành, Hạt trưởng hạt Hàm tân đọc lời tri ân.

Nhân ngày kỷ niệm tấn phong Giám mục của hai Đức Cha, chúng con đại diện cho cộng đoàn dân Chúa Giáo phận cùng chia sẻ niềm vui và chúc mừng hai Đức Cha. Nhưng đặc biệt hôm nay chúng con biết rằng: Tòa thánh đã chấp nhận đơn xin nghỉ hưu của Đức cha Phaolô vào ngày 25.7 vừa qua, nên cộng đoàn dân Chúa giáo phận tập họp nơi đây để bày tỏ lòng tri ân cảm tạ Đức cha sau 4 năm làm giám mục phó (Đức Cha đã sát cánh với Đức Cha Nicolas) và 4 năm Giám Mục Chính Tòa. Đức cha đã thực hiện bao công trình lớn cho giáo phận. Phải kể đến công trình Đức Mẹ Tàpao, (tuy chưa được hoàn chỉnh), rồi đến nhà Tĩnh tâm ba tầng đầy đủ tiện nghi cho các cha nghĩ hưu, kế đến nhiều giáo họ đã được nâng lên hàng giáo xứ và nhiều nhà thờ được xây mới… Ấy là chưa nói đến các công tác từ thiện bác ái xã hội mà Đức cha đã hoàn tất trong 8 năm làm giám mục.

Trọng kính Đức cha, thời gian tuy không lâu, nhưng các công trình Đức Cha để lại cho giáo phận thật ấn tượng. Chúng con xin hiệp ý với Đức cha tạ ơn Chúa và Đức Mẹ, đồng thời chúng con xin dâng lên Đức cha món quà nhỏ gói ghém lòng chân thành tri ân cảm mến của chúng con. Xin Đức cha thương nhận.


Tiếp đó Cha Hạt trưởng hạt Hàm Tân cũng cám ơn Đức Ông Tổng Đại Diện như sau:

Theo giáo luật, khi Đức Cha chính tòa đã nghỉ hưu, thì Đức Ông cũng không còn quyền Tổng Đại Diện nữa. Bởi thế, nhân dịp này, cộng đoàn dân Chúa giáo phận cũng xin gửi đến Đức Ông lòng tri ân chân thành, vì những hy sinh đóng góp của Đức Ông đã cộng tác với Đức Cha Nicolas, và là cánh tay mặt của Đức Cha Phaolô. Nhờ sự khôn ngoan và đạo hạnh, Đức Ông đã cùng với hai Đức Cha lèo lái con thuyền giáo phận trong những năm qua, khắc phục những khó khăn, đạt được những thành quả đáng kể. Hơn nữa Đức Ông đã giúp giải quyết vấn đề hôn phối, thường hay đi thăm các giáo xứ và cộng đoàn nữ tu, chứng tỏ mối quan tâm của người mục tử nhân lành. Chúng con xin hiệp ý cùng hai Đức Cha và Đức Ông dâng lời cảm tả Thiên Chúa và xin Đức Ông nhận nơi đây lòng chân thành tri ân của chúng con. Chúng con đồng bái tạ.

Tiếp theo, Đức Cha Phaolô đáp từ với giọng nói nhẹ nhàng đầy xúc động:

Thưa Đức Ông, quý cha và Anh Chị Em, Tôi đã được Chúa gọi để phục vụ giáo phận từ ngày 11.8.2001, với bốn năm làm Giám mục phó giúp Đức cha già Nicolas và bốn năm thay thế ngài để điều hành giáo phận. Tôi biết tuổi mình đã lớn, khả năng có giới hạn. Sở dĩ tôi chấp nhận lãnh trách nhiệm này dù chẳng đem lại được gì nhiều cho giáo phận, nhưng ít ra tạm thời cáng đáng mọi công việc mục vụ để giáo phận khỏi thiếu người. Vì vào lúc đó tìm được người được cả Tòa Thánh và nhà nước thuận thỏa rất là khó khăn.

Bây giờ được Tòa Thánh cho nghĩ hưu là hạnh phúc cho tôi và cũng là hạnh phúc cho giáo phận vì có được vị Giám Mục mới trẻ trung và nhiều khả năng lãnh đạo.

Nhìn lại tám năm phục vụ, tôi thấy phải biết ơn quý cha, quý tu sĩ nam nữ đã giúp tôi chu toàn trách nhiệm của mình. Nhưng con người bao giờ cũng còn nhiều thiếu sót, nên trong việc điều hành có lúc va chạm hoặc chưa chu toàn hết trách nhiệm của mình. Tôi chân thành xin mọi người rộng lòng tha thứ.

Tôi cũng biết ơn chính quyền các cấp đã giúp tôi tạo nên cuộc đối thọai hài hòa để thỏa mãn những nhu cầu của giáo phận, và như vậy tôi cũng được dễ dàng thi hành trách nhiệm của mình. Chúc quý vị nhiều thành công.

Ngày bàn giao công việc hay là ngày lễ nhậm chức của Đức giám mục mới sẽ là ngày 3.9.2009. Phần tôi sau khi bàn giao công việc, tôi sẽ trở lại Tu đoàn Bác ái xã hội để tiếp tục công trình phục vụ người nghèo và anh em lương dân. Đó là lý tưởng của cả đời tôi: “Tin mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,18). Cầu chúc anh chị em ngày càng thêm mạnh mẽ trong Đức Tin, vững vàng trong Đức Cậy và nhiệt thành trong Đức Mến.


Giảng trong thánh lễ, Đức cha Phaolô chia sẽ Tin mừng (Mt 18,1-5; 10-14) như sau:

Ai là người lớn nhất trong Nước Trời? Nếu có ai hỏi tôi như vậy, tôi sẽ trả lời rằng: đó là Thiên Chúa Ba Ngôi, vì trong Nước Thiên Chúa thì có Thiên Chúa Ba Ngôi, có Đức Mẹ, có các thánh, có các thiên thần. Vậy mà Chúa Giêsu, Ngài là hiện thân của Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngài không tự xưng là người lớn nhất, mà Ngài lại đem một em bé đang chơi ngoài sân, đưa nó vào giữa họ để làm biểu tượng cho người lớn nhất trong Nước trời.

Trong tinh thần đầy tính thế tục, các tông đồ đang coi cái chức danh, cái địa vị, cái quyền lực là quan trọng. Nhưng đối với Đức Giêsu, Đấng là Ánh Sáng, là Chân Lý, đem Sự Thật đến rao giảng cho mọi người, Ngài lại có câu trả lời làm cho mọi người phải bỡ ngỡ. Hãy khoan nói chuyện ai là người lớn nhất trong Nước trời, mà trước hết phải hỏi mình có được ở trong Nước Trời không đã. Đừng có tưởng mình là Tông đồ, là Giám mục, là Linh mục, là người có đạo đi lễ hàng tuần là được ở trong Nước trời rồi. “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước trời”.

Chúa nói cho họ biết trong Nước Thiên Chúa, chức danh là cái gì nếu không phải là tình cha, là nghĩa con, là yêu thương phục vụ, anh em là làm sáng danh Cha, là sống theo ý Cha, như Kinh Lạy Cha đã dạy.

Hãy biết làm con Cha như em bé trong tay cha mẹ nó. Chính Chúa Giêsu đã đi con đường đó. Ngài xác định sự chọn lựa cho cả cuộc đời là yêu thương phục vụ, phục vụ cho đến hiến cả mạng sống mình theo thánh ý Cha. Ý Cha trở thành lương thực hằng ngày của Ngài. Ngài từng nói với các tông đồ: lương thực của Thầy là thi hành ý muốn Đấng đã sai Thầy. Lúc đó Ngài đang bận tâm loan báo Tin Mừng cho dân làng ở Samari.

Ngài muốn làm một em bé ngoan trong nhà cha. Em bé ngoan đó hiền như con chiên, là bạn hiền của đám mục đồng nghèo khổ, là người thợ mộc dễ thương với xóm làng Nazarét, là tấm bánh bẻ ra cho muôn người nơi Bí tích Thánh Thể, là một tử tội vì muốn gánh lấy tội lỗi cả nhân loại mà chiết đi trong khoan dung tha thứ. Giêsu em bé là như vậy.

Cho nên khi các tông đồ đánh giá hạnh phúc con người là quyền hành thật lớn, giàu sang tột bực, thì Ngài lại chỉ cho họ: hãy làm đứa con thơ bé trong nhà Cha. Hãy biết ngoan ngoãn, hãy biết yêu mến, hãy để cho Chúa Cha dìu dắt đời mình. Trên thập giá Ngài công bố: “mọi sự đã hoàn tất”. Hoàn tất cuộc đời theo ý Cha. An bình dâng hiến mạng sống mình.

Ngài lấy em bé làm biểu tượng cho mọi quyền hành. Biểu tượng đó đánh đổ mọi thứ kiêu căng bá chủ quyền ăn trên ngồi trước, mọi thứ trục lợi ích kỷ, mọi thứ hưởng thụ phè phỡn mà người đời đang khao khát.

Biểu tượng đó mời gọi chúng ta hãy đặt mọi thứ hạnh phúc, danh dự của cuộc đời trong bàn tay Cha. Đơn sơ, tin tưởng, dễ thương, mong được Chúa yêu, Chúa ẵm vào lòng, Chúa hôn vào má. Đó mới là hạnh phúc thật của chúng ta.

Giêsu em bé đã được Cha ban tặng mọi quyền hành trên trời dưới đất vì đã sống một cuộc đời hạ mình tột độ, hy sinh tột độ, yêu mến tột độ.

Nhân câu chuyện quyền hành và em bé, Chúa lại nói đến giá trị vô song của con người. Dù đó là em bé, là bào thai, là người khuyết tật, là người ăn xin bên vệ đường, là người nghèo khổ bị bỏ rơi: ai là người cũng mang hình ảnh Thiên Chúa, là nơi cư trú của Chúa Phục Sinh, là giá máu của Chúa đổ ra để cứu chuộc.

Xã hội càng văn minh, càng giàu có lại càng dễ kinh người, càng dễ loại trừ người thấp cổ bé miệng, càng có khuynh hướng đánh đổ quyền lợi người khác, càng dễ giết người, càng dễ phá thai…

Chúa đã cổ vũ cho một xã hội huynh đệ, đề cao giá trị vô song của mọi người. Lời giảng dạy của Chúa đặt trên tảng cơ bản. Những người bé nhỏ nghèo hèn là nơi Chúa chọn để làm ngai tòa ngự trị của Ngài. Những người bé nhỏ lại là nhân vật lớn trứơc mặt Thiên Chúa, có thiên thần của Thiên Chúa là các vị uy linh ở trên trời đến làm người bảo vệ họ. Những người bé nhỏ, dù là những người yếu đuối lầm lỡ tội lỗi, dù đời có kinh bỉ thì Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ công trình tác phẩm của Ngài. Chính Chúa Con đã phải bỏ cả Thiên đàng để đi vào trần gian khổ ải để đi tìm những con chiên lạc đó. Cho dù cuộc đi tìm đó là đêm khuya tăm tối, là nước mắt đau khổ vất vả, mọi người đều có một giá trị vô song, mà chỉ có Thiên Chúa, mới biết tỏ.

Nói đến giá trị một vị thánh có lẽ ta dễ hiểu, dễ công nhận. Thế nhưng khi nhìn nhận giá trị của một người ma túy, một bào thai bị giết, một người hay ăn gian nói dối chúng ta khó mà công nhận. Giá trị người tội lỗi ở đâu? Chỉ có Chúa biết. Và Ngài mời gọi chúng ta hãy tin Ngài. Ngài đang chết đi cho người tội lỗi để phục hồi giá trị vô song của họ.

Ai là người lớn nhất trong Nước trời? Theo Chúa Giêsu, trở nên trẻ nhỏ không những là một điều kiện để trở nên cao cả trong Nước Chúa mà còn là một đòi hỏi cần thiết để được nhận vào nước đó. Trẻ em luôn nhỏ bé yếu ớt cần sự giúp đỡ về mọi mặt, không có gì và cũng không nói gì trong cộng đoàn người lớn. Tẻ 2m như những người nghèo khó chỉ nhận lãnh cáhc vui vẻ cái mà người khác mang đến cho. Trẻ nhỏ luôn nhận biết mình phải tùy thu6ọc hoàn toàn vào người hkác, nhất là cha mẹ. Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ thái độ sơn sơ, khiêm tốn, nhạy cảm trước việc lãnh nhận những hồng ân Chúa ban. Cầu chúc anh chị em luôn sống Lời Chúa dạy hôm nay.

Tiệc mừng ban trưa tại TGM gói trọn tình hiệp thông mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận.

Sau tám năm phục vụ Giáo phận, Đức cha Phaolô đã hoàn thành sứ vụ trong tuổi thọ đáng kính. Ngài thanh thản an hưởng tuổi già bên đàn con cái trong Tu Đoàn Bác ái xã hội do Ngài sáng lập. Các tu sĩ gọi Ngài bằng lời thân thương “Bố”. Giờ đây “Bố” về bên đàn con, vui trong tuổi già hạnh phúc.

Đức cha Phaolô là vị Mục tử nhân lành. Ngài là con người độ lượng bao dung, hiền lành và đơn sơ. Ngài là con người của công việc. Nghĩ hưu là chuyển tiếp công việc tâm đắc cả một đời Linh mục và Giám Mục “Tin mừng cho người nghèo”.

Kính chúc Đức Cha trường thọ và khang an trong cánh tay Chúa và Mẹ Maria, hạnh phúc bên những người nghèo và đàn con cháu thân thương.