Bài điểm phim “2012”



1- Sơ lược truyện phim

Năm 2009, nhà địa chất người Mỹ tên Adrian Helmsley gặp bạn là Bác sĩ Satnam Tsurutani ở Ấn độ. Bác sĩ này đã khám phá ra rằng những hạt sơ cấp (neutrinos) từ một khối sáng mặt trời khổng lồ đang hoạt động như những sóng vi ba, gây nhiệt độ trong ruột trái đất tăng cao nhanh chóng. Adrian thông báo cho viên chánh văn phòng tòa Bạch ốc Carl Anheuser và Tổng thống Mỹ Thomas Wilson rằng sự việc này sẽ gây nên một chuỗi những thảm họa thiên nhiên kinh hoàng. Tại cuộc họp thượng đỉnh các quốc gia trong khối G8 năm 2010 các vị quốc trưởng và thủ tướng chính phủ các nước khác đã được thông báo về tình huống này. Họ bắt đầu một dự án bí mật nhằm bảo đảm cho nhân loại được cứu sống, chọn lựa 400 ngàn người đem lên một loạt những chiếc tầu khổng lồ được đóng trong vùng núi Hy mã lạp sơn. Để tài trợ cho dự án này, có thêm những cá nhân được phép mua vé tầu lên đến 1 tỷ đồng euro mỗi vé.

Vào năm 2012, Jackson Curtis là một nhà văn ở Los Angeles đang làm việc bán thời gian là lái xe limousine cho một thương gia giầu có người Nga tên Yuri Karpov. Vợ cũ của Jackson là Kate cùng hai đứa con Noah, Lily sống với bạn trai tên Gordon Silberman, một nhà giải phẫu thẩm mỹ đồng thời cũng là một phi công nghiệp dư. Jackson đem hai con đi chơi cắm trại tại Công viên quốc gia Yellowstone. Nơi đây anh gặp Charlie Frost, một lý thuyết gia có những âm mưu đang sống ẩn dật, chủ trì một chương trình phát thanh vô tuyến phát từ công viên. Charlie tin vào một giả thuyết nói rằng người Mayans đã tiên đoán là ngày tận thế sẽ xảy ra vào năm 2012, và cho hay đã biết có một dự án “tầu không gian bí mật” cũng như bản đồ ghi địa điểm của các tầu đó. Jacskson cùng hai con trở về nhà giữa lúc có những vết nứt xảy ra trong vùng Đứt gãy địa chất San Andreas (San Andreas Fault) ở California, và động đất ở vùng Vịnh San Francisco. Sau khi được hai đứa con song sanh của thương gia Nga Yuri cho biết rằng chúng có vé đi chuyến tầu đặc biệt, Jackson sinh lòng ngờ vực liền thuê một chiếc máy bay đi cứu gia đình cùng Gordon, giữa khi những vùng rạn vỡ trên trái đất bắt đầu chuyển dịch, rồi sụp đổ xuống Thái bình dương khi gia đình anh thoát ra khỏi Los Angeles.

Lúc hàng triệu người bị chết trong các trận động đất trên thế giới thì nhóm này bay được đến Yellowstone để lấy bản đồ của Charlie. Cả nhóm thoát chết trong gang tấc khi núi lửa trong vùng Yellowstone Caldera phun. Charlie ở lại để truyền thanh về vụ núi lửa phun, đã bị chết do vụ nổ. Được biết tin các chiếc tầu hiện đang ở Trung quốc, nhóm hạ cánh xuống Las Vegas, nơi đây họ gặp Yuri, hai con ông, bạn gái Tamara và phi công Sasha. Bọn này gia nhập nhóm và lên được một chiếc phi cơ chiến lược Antonov An-225, trốn khỏi Las Vegas giữa lúc đô thị này bị tàn phá tan hoang. Cả nhóm bay đi Trung quốc, ngang qua Hawaii khi đảo này bị hủy diệt vì những ngọn núi lửa đang phun.

Cũng trên đường bay tới các tầu là phi cơ Air Force One, trên đó có Anheuser, Adrian, đệ nhất phu nhân Laura Wilson. Tổng thống Wilson chọn ở lại Washingotn D.C. và ngỏ lời với quốc dân lần chót, thông báo cho dân chúng thế giới về những tàn phá sắp xảy đến. Ông bị giết bởi một làn sóng thần khổng lồ xô đẩy chiến hạm USS John F. Kennedy của Hoa kỳ đập vào tòa Bạch ốc. Với tin Phó tổng thống đã chết, chủ tịch Hạ viện mất tích, Anheuser tự bổ nhiệm mình làm quyền tổng thống.

Khi đến được Trung quốc, máy bay hạ cánh bị đụng, giết chết Sasha. Yuri và các con được đưa vào tầu, bỏ lại gia đình Curtin, Gordon và Tamara, là những người không có vé. Sau khi rời khỏi khu vực máy bay đụng, nhóm người này được một nhà sư Phật giáo tên Nima giúp. Cả bọn chui vào được một chiếc tầu qua phòng thuỷ lực, nhờ được em của nhà sư tên Tenzin hướng dẫn. Tenzin làm thợ hàn trong dự án đóng tầu.

Trong khi đó Satnam và gia đình bị lạc ở Ấn độ vì máy bay chở họ không tới đón. Vào những giây phút cuối cùng, Satnam gọi cho Adrian, báo rằng một cơn sóng thần bất ngờ đang nuốt trửng cả nước Ấn và đang hướng về phía các con tầu. Anheuser ra lệnh đóng cửa các tầu lại, làm cho hàng ngàn người bị kẹt ở ngoài không vào được. Adrian thuyết phục các nhà lãnh đạo khối G8 để cho số người còn lại lên tầu. Khi cửa tầu được hạ xuống và rồi nâng lên, Yuri bị té chết sau khi đã đưa được hai con lên tầu. Gordon rơi giữa các bánh răng cưa ở cửa tầu và chết. Một mũi khoan lớn rơi xuống kẹt giữa các trục răng cưa, làm cho cửa tầu không đóng lại được và máy tầu không thể khởi động. Cơn sóng thần bắt đầu tràn nước vào tầu, nó trôi bềnh bồng. Tamari chết trong một căn phòng bị ngập nước, miệng khóc than kêu cứu. Jackson và Noah chuyển được mũi khoan ra khỏi hệ thống máy đóng cửa tầu. Thủy thủ đoàn lấy lại được khả năng điều khiển con tầu, ngăn chận được cuộc đụng chạm tàn khốc vào núi Everest.

Khi nước lụt từ những cơn sóng thần rút xuống, các dữ kiện vệ tinh cho biết châu Phi đã trồi lên trên ngang mặt nước biển, và giờ đây những ngọn núi Drakensberg trong tỉnh KwaZulu Natal là địa điểm cao nhất trên trái đất. Giữa lúc ba chiếc tầu di chuyển về phía Mũi Hảo vọng (Cape of Good Hope), Jacskon hòa giải với gia đình, còn Adrian thì bắt đầu cuộc tình với Laura. Ngày tháng lúc này là 27 tháng giêng năm 0001.

(Thuật theo Wikepidia)

2- Nhận xét của Lm. ROBERT BARRON về cuốn phim

Một vị giáo sư thông tuệ của tôi, Đức ông Robert Sokolowski, đã có lần bình phẩm rằng, cùng với sự phát triển của đạo Tin lành và của thời đại tân tiến, đạo Công giáo thuần khối đã nổ tung và những mảnh vụn nay nằm rải rác cả khung cảnh trí thức thời hiện đại.

Khi tôi thăm dò khung cảnh văn hóa ngày nay, tôi thường nghĩ tới nhận xét đó của Sokolowski: người ta có thể thấy đạo Công giáo ở khắp nơi, nhưng dưới hình thù kỳ quặc và bị biến dạng. Chứng minh rõ rệt cho suy nghĩ này là cuốn phim mới của Roland Emmerich “2012”.

Cốt truyện phim giả thiết rằng những khối lớn nổ ra từ mặt trời đã làm cho ruột trái đất quá nóng, gây nên những trận động đất, thảm họa núi phun lửa, các đại lục chuyển rời: tóm lại, như chúng ta biết, đó là ngày tận cùng của nền văn minh. Một nhóm các nhà khoa học và chính trị gia biết trước được thảm họa sắp tới, đã tổ chức một chiến dịch cứu trợ - đó là một đội gồm những chiếc tầu – để cho phần còn lại của nhân loại, nền văn hóa cao, và thế giới súc vật, có thể được bảo tồn. Như diễn tiến phim cho thấy, thế giới bị nổ tung, trong lúc một gia đình gan dạ cố tìm cách đến được những chiếc tầu.

Ý niệm về thảm họa ngày tận thế, dĩ nhiên, là ở trong Kinh Thánh. Chúng ta nghe điều đó trong truyện kể về chiếc tầu của Noê, cũng đã được tiên đoán trong sách của tiên tri Daniel, và rõ rệt nhất là được thuật trong sách Khải huyền, cuốn sách kết thúc bộ Kinh Thánh. Có hai nguồn gốc lớn về trực giác có tính tôn giáo của ngày thế mạt.

Trước nhất, tất cả chúng ta đều biết rất rõ theo trực giác rằng thế giới này là triệt để bất tất (hay ngẫu nhiên, contingent, nghĩa là không cần hiện diện), và nó không mang trong chính nó lý do để hiện hữu. Sự vật có đó, nhưng chúng không bó buộc phải có; chúng mang trong chính chúng cái di sản bất hữu thể (non-being), và do đó chúng mỏng dòn, dễ bị tàn phá.

Cảm ứng khác đối với ngày tận thế là ý thức rõ rệt về tội lỗi. Chúng ta biết mọi người đều là kẻ có tội và những cung cách xấu xa của chúng ta đã làm ô nhiễm mọi thứ: các định chế, các hệ thống chính trị, gia đình, xã hội và văn hóa. Và vì thế, chúng ta cảm thấy rằng thế giới phải bị xét xử và đợi chờ một cuộc thanh tẩy.

Điều quan trọng phải chú ý là cả hai trực giác đó đều liên quan chặt chẽ với niềm tin vào Thiên Chúa. Chính tính bất tất của vũ trụ chỉ cho ta thấy sự hiện hữu của một thực tại không ngẫu nhiên (non-contingent) nâng đỡ cho thế giới mỏng manh này được tồn tại, và tội lỗi của nhân loại chỉ hiểu được khi tham chiếu với những tiêu chuẩn tuyệt đối về điều thiện hảo.

Những gì chúng ta thấy trong phim của Emmerich là một ngày thế mạt theo nghĩa trần tục, một câu chuyện Kinh Thánh được tái thuật, nhưng không có Thiên Chúa hoặc bất cứ điều gì siêu việt nào được đề cập tới. Quả vậy, Thiên Chúa không những chỉ vắng bóng, mà còn bị loại trừ một cách hung hãn. Khi trái đất vỡ ra từng mảng, một số người trong phim “2012” quay qua Thiên Chúa để cầu xin, nhưng họ, chẳng được miễn trừ, cũng bị tiêu diệt. Một nhà khoa học theo Ấn giáo, nhờ nghiên cứu, được đầu tiên khám phá ra ngày thế mạt sắp tới, chắp đôi tay lại để nguyện cầu, nhưng một làn sóng thủy triều đã dâng cao nuốt trôi ông và cả gia đình.

Tổng thống Hoa kỳ ở lại trong tòa Bạch ốc để kêu cầu Thiên Chúa cứu giúp trong lúc các nhân viên khác trong chính phủ được chuyển ra các tầu. Ông ta lên đài truyền hình để thông báo cho cả nước về tình trạng nguy khốn, và mời gọi mọi người cùng đọc Thánh vịnh 23, nhưng khi ông đọc đến câu “Đức Chúa là đấng chăn dắt tôi, tôi không lạc bước” thì thình lình truyền thông bị cắt đứt.

Các vị hồng y Giáo hội Công giáo quỳ cầu nguyện sốt sắng trong nguyện đường Sistine, và trước khi tòa nhà sụp đổ vùi lấp họ, họ chứng kiến một vết nứt chạy ngang qua trần nhà, đi ngay giữa những ngón tay của Chúa và Adam trên bức bích họa, tách rời Thiên Chúa và nhân loại. Và trong cảnh tượng sẽ được ghi vào biên niên sử những hoạt động phim ảnh chống Công giáo, cho thấy chính Đức giáo hoàng đang hướng dẫn kinh cầu nguyện từ chiếc ban công nhà thờ Thánh Phêrô giữa lúc cả một đoàn người đông đảo nhìn lên. Mái tròn vương cung thánh đường lung lay, nghiêng đổ và lăn rơi xuống hàng ngàn người ở công trường phía dưới! Nếu chúng ta chưa rõ được ý đồ, thì Emmerich còn chỉ cho chúng ta thấy pho tượng lừng danh Chúa Kitô, đứng sừng sững uy nghiêm trên đỉnh đồi nhìn xuống thành phố Rio de Janeiro, sụp đổ tan tành thành những mảnh vụn.

Trong khi đó, chẳng ai trong những kẻ tìm cách đến được những chiếc tầu đả động gì đến Thiên Chúa cả. Họ chuyện trò nhiều về khoa học, về lòng nhân ái, về bảo toàn văn hóa, nhưng không ai trong nhóm cầu nguyện hoặc suy luận về tai họa trải qua bằng ý niệm thần học. (Có một tôn giáo dường như gặp được sự chấp thuận của ông đạo diễn: đó là một nhà sư Phật giáo trẻ tuổi đưa được gia đình lên một trong những chiếc tầu. Nhưng dĩ nhiên, Phật giáo là một tôn giáo không thờ thần linh (non-theistic). Người phật tử cho rằng thực thể tối thượng không phải là một Thượng đế sáng tạo vũ trụ và quan phòng, nhưng là một đồng sáng tạo khởi thuỷ (co-origination) phụ thuộc lẫn nhau của mọi loài mọi vật.

Đúng lúc cảnh tượng xấu xa nhất của cơn khủng hoảng qua đi, chúng ta nhìn thấy những chiếc tầu di chuyển trên vùng biển tĩnh lặng, trên màn ảnh hiện lên một ngày mới: Năm 1 (Year One). Đây là một chuyện ảo tưởng xa vời ít nhất cũng xưa cũ như thời Cách mạng Pháp: một khi thế giới cũ được rửa sạch khỏi dấu vết tôn giáo, người ta có thể được đi ra ngoài hệ thống ghi ngày tháng không còn hợp thời nữa, đó là hệ thống bắt đầu với sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế. Thế rồi chúng ta được nghe rằng đại lục duy nhất không bị cảnh tàn phá kinh khủng của ngày thế tận là Phi châu; quả thực, các nhà khoa học tuyên bố rằng lục địa này đã trồi lên và dân chúng được bảo tồn.

Về chuyện đó bây giờ bạn muốn gì thì nói, nhưng cái đã làm tôi ngạc nhiên là điều trớ trêu nào đó ngoài ý muốn của họ: đại lục nơi mà Thiên Chúa giáo, đặc biệt là Công giáo, đang phát triển mạnh mẽ nhất hiện nay, không phải là châu Âu hay miền Bắc Mỹ, nhưng là châu Phi. Khi đoàn người thế tục cao quý đó đến được đất hứa, họ sẽ không được đón tiếp bởi những người hoài nghi của châu Âu mà bởi hàng triệu hàng triệu người Kitô hữu!

Thêm nữa, nếu bạn còn có chút hoài nghi nào cho rằng tôi tưởng tượng ra tất cả mọi chuyện về tình cảm bài tôn giáo này, hãy nhìn vào tiểu sử của Roland Emmerich. Tôi xin chỉ cho bạn một tin nhỏ nhưng lý thú: trong nhà ông ta, có một bức tượng lớn bằng người thật, đó là Gioan Phaolô II đang cười cợt khi đọc chính bài điếu văn cho mình.

Vậy thì đừng đi coi phim này. Mà hãy đọc sách Khải huyền. Sách này, dĩ nhiên, phong phú hơn về phương diện thần học, và cũng ít nhàm chán hơn nhiều.

Nguồn: FATHER ROBERT BARRON/Catholic Education Resource Center