Thường thấy, người đời quản lý nhân sự theo nguyên tắc: “mua người bằng tiền, giữ người bằng tình”.

Nơi các cơ sở làm ăn, không ít trường hợp, trong khi quản lý nhân sự, các ông chủ luôn chuẩn bị tâm lý đối phó với tình huống nhân viên của mình có thể ra đi bất cứ lúc nào theo tiếng gọi của đồng lương hậu hĩnh nơi những sở làm khác.

Thiên Chúa không quản lý nhân sự theo cách người đời, nhưng bằng lời mời gọi phi thường.

I. Vào bờ

Tin Mừng thánh Mác-cô xác định Đức Giê-su làm nghề thợ mộc (Mc 6, 3). Vậy mà, hôm nay, tại bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, Đức Giê-su lại chỉ dạy cho những ngư phủ chuyên nghiệp như Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê cách bắt cá. Ngạc nhiên chưa!

Đức Giê-su đã hấp dẫn các ngư phủ bằng gương sáng tuyệt vời thể hiện qua lời giảng dạy và chỉ thị quyết đoán: “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5, 3-4).

Vâng theo lời chỉ dạy của Đức Giê-su, những ngư phủ này đã ra khơi thả lưới (Lc 5, 5) và đã thành công với mẻ cá nhiều đến nỗi “hầu như muốn rách cả lưới” (Lc 5, 6). Đánh bắt được nhiều cá, những ngư phủ Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê đã cùng với những người bạn chài thu dọn đưa cá vào bờ.

Theo lý thường, khi biết được bí quyết làm ăn, cụ thể là cách đánh bắt được nhiều cá, những ngư phủ sẽ tiếp tục nghề nghiệp của mình mới phải. Đàng này, các ông lại quyết định vào bờ và lập tức giải nghệ.

Những ngư phủ của biển hồ Ghen-nê-xa-rét đã cảm nhận được quyền năng của Thiên Chúa “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37). Từ nay, các ông sẽ gắn bó cuộc đời và mạng sống mình với Đức Giê-su Đấng các ông tin tưởng tuyệt đối. Sự gắn bó ấy mãnh liệt hơn bất cứ sự gì khác. Đã đến lúc các ông từ bỏ nếp sống cũ để bắt đầu một cuộc sống mới.

II. Bỏ mọi sự

Thế là các ngư phủ của biển hồ Ghen-nê-xa-rét đã từ bỏ mọi sự, đi theo một người mang tên Giê-su để xuôi ngược khắp đất nước Do Thái và sau này ra tận hải ngọai. Ra đi không hẹn ngày về!

Các ông đã từ bỏ quá khứ ghi dấu biết bao kỷ niệm trong đời: con thuyền nhỏ, bờ hồ thân quen, làng quê yêu dấu, người thân gia đình… Quá khứ ấy có lúc bần hàn khốn khổ, nhưng không ít lần vang son oanh liệt. Tất cả lui lại sau lưng để phía trước được mở ra cho một tương lai mới của cuộc đời.

Các ông từ bỏ hiện tại với thành công của mẻ cá nhiều đến nỗi hai thuyền chở đầy ắp cá muốn gần chìm (Lc 5, 7). Thuyền đầy ắp cá cũng chỉ là một dạng thành công vật chất nhất thời chóng qua. Các ông cần phải đổi đời, phải bước ra khỏi làng quê chật hẹp, phải có tầm nhìn rộng lớn, để hướng tới muôn nơi theo như sứ vụ tông đồ đòi hỏi.

Các ông từ bỏ những cố tật tự phụ về khả năng của mình “chúng tôi đã vất vả thức suốt đêm” (Lc 5, 5) để hoàn toàn vâng phục ý Chúa “vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5, 5), nhận ra tình trạng giới hạn và tội lỗi của con người “ Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5, 8).

Từ nay, những ngư phủ của biển hồ Ghen-nê-xa-rét sẽ “quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3, 13) để theo Giê-su Cứu Thế, mang lấy sứ mạng của Người, trở thành những Tông Đồ “thu phục người ta” (Lc 5, 10).

III. Theo người

Những ngư phủ đã từ bỏ mọi sự trong tầm tay để sống ơn gọi tông đồ: “thu phục người ta” (Lc 5, 10). Ơn gọi ấy không bồng bột nông nổi và là một trải nghiệm của: ơn biến đổi, kinh nghiệm và quyền năng.

- Biến đổi: Các Tông đồ đã được ơn biến đổi để thi hành nhiệm vụ như ngôn sứ I-sai-i-a (Bài đọc I: Is 6, 1-2a.3-8).

Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, ngôn sứ I-sai-i-a ý thức về sự bất xứng, tội lỗi của mình với suy nghĩ e ngại sợ hãi “ Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế” (Is 6, 6), nhưng được Chúa biến đổi: “tha tội và xá tội” (Is 6, 6). Cũng thế, trước quyền năng của Chúa, thuyền trưởng Phê-rô cũng đã ý thức tình trạng tội lỗi của mình “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5, 8). Nhờ ơn Chúa, những con người yếu đuối thậm chí tự nhận mình tội lỗi như I-sai-i-a, Phê-rô… đã được biến đổi trở nên người “thu phục người ta” (Lc 5, 10)

- Kinh nghiệm: Kinh nghiệm sống với Thiên Chúa làm người đã làm nên lời rao giảng của các Tông Đồ. Thánh Phao-lô chứng thực điều này (Bài đọc II 1Cr 15, 1-11).

Tiếp nối sứ vụ của Chúa Giê-su, các Tông Đồ ra đi khắp nơi loan báo tin vui cứu độ. Tin Mừng, các ông rao giảng không do con người tự sáng tác, không phải là một mớ lý thuyết mà là kinh nghiệm, là những xác quyết đức tin do được lãnh nhận từ việc: theo, đến, xem và cùng sống với Vị Thiên Chúa làm người mang tên Giê-su, và nhất là do được Chúa Giê-su Phục Sinh hiện hiện đến củng cố niềm tin và ban sức mạnh (1Cr 15, 5). Thế nên, đi đến đâu, các Tông Đồ cũng rao giảng nội dung căn bản về Đức Ki-tô: Chết - Mai táng – Phục sinh. Chính kinh nghiệm ấy đã trở thành lời rao giảng tiên khởi của các Ngài, hầu “cứu thoát” muôn người (x. 1Cr 15, 1-2).

- Quyền năng: Lời uy quyền của Chúa: “Đừng sợ” (Lc 5, 10) đã giúp các Tông Đồ đã can đảm nhận nhiệm vụ “thu phục người ta” (Lc 5, 10)

Trong khi thi hành nhiệm vụ rao giảng, các Tông Đồ luôn đối diện với muôn ngàn khó khăn thách đố. Tuy nhiên, các Tông Đồ hằng luôn ý thức Thiên Chúa không kêu gọi theo tiêu chuẩn xứng đáng hay kiến thức mà “tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15, 10). Chúa gọi ai thì Người sẽ ban ơn cần thiết để thi hành điều Người muốn. Rao giảng là nhiệm vụ từ Thiên Chúa trao ban chứ không phải từ người phàm. Thế nên, một khi đã được Thiên Chúa tín nhiệm và ban ơn các Tông Đồ sẽ không làm ơn Chúa ra “vô hiệu” (1Cr 15, 10).

KẾT

Tình người thường mong manh, hợp rồi tan, tan rồi hợp.

Tình Chúa luôn vĩnh cửu. Người không từ khước thiện chí của ai và luôn mời gọi theo Người “thu phục người ta”.

Trong ân sủng và tình thương Thiên Chúa sẽ ban khả năng cho người Chúa chọn. Lịch sử đã chứng kiến từng lớp lớp Tông Đồ dấn thân phục vụ đến hy sinh cả mạng sống…