BẮC NINH:- Sáng ngày 26/06/2010, Đức Cha Cosma đã viếng thăm giáo họ Yên Lễ và dâng thánh lễ mừng kính thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh.

Xem hình ảnh

Đức Cha Cosma đã đến giáo họ Yên Lễ vào lúc 7g00 sáng, cùng đến hiệp dâng thánh lễ với ngài có cha quản hạt Bắc Giang Giuse Nguyễn Huy Tảo, cha xứ Đaminh Bùi Văn Sáu, cùng một số cha trong và ngoài giáo hạt Bắc Giang.

Ngỏ lời với cộng đoàn dân Chúa nơi đây trong bài giảng, Đức Cha Cosma đã nói đến điểm đặc biệt của thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh: “Ngài là vị thánh duy nhất được sinh ra, lớn lên, làm việc và chịu tử đạo ở Bắc Ninh”. Đức Cha nhắc đến mẫu gương anh dũng hy sinh ngài: Dù tuổi già sức yếu, cụ lang Cảnh vẫn giữ lòng trung kiên, vui lòng chấp nhận mọi hình khổ, không than van, không oán trách. Những lần quan bắt bước qua Thánh Giá cụ quỳ xuống hôn tượng Chịu Nạn và thầm thĩ đọc kinh…. Trên đường ra pháp trường, ngài cùng với cha Phêrô Nguyễn Văn Tự mặt mày hớn hở vui mừng, vừa đi vừa đọc kinh, chẳng hề sợ sệt gì cả.

Trong ngày lễ hôm nay, Đức Cha cũng nhắc nhở mọi người Kitô hữu hãy bắt chiếc mẫu gương anh dũng hy sinh của Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh: Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh là thầy lang, ngài đã làm việc tận tụy để nuôi sống bản thân, gia đình và giúp đỡ những người xung quanh. Ngài là một ông Trùm họ, cho nên ngài luôn nhiệt thành cho những công việc chung, đôi khi bị hiểu lầm nhưng ngài vẫn vui vẻ hy sinh vì Chúa và vì Hội Thánh. Nhất là ngài đã trải qua thử thánh cam go, nhưng vẫn một mực trung thành với Chúa, nhất quyết không chịu bước qua Thánh Giá và sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho đức tin.

Cuối cùng, Đức Cha mời gọi cộng đoàn hiện diện trong Thánh lễ: “Hãy trung kiên, yêu thương tha thứ cho anh chị em đồng loại, và sẵn sàng bước đi theo con đường của Chúa Giêsu như thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh đã đi. Chúng ta xin với ngài giúp cho chúng ta luôn luôn noi gương ngài bước theo Chúa Giêsu cho đến cùng”.

Đôi nét về giáo họ Yên Lễ:

Yên Lễ là một giáo họ có truyền thống lâu đời nằm ở vùng đồi núi trung du phía Bắc thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, cách Tòa Giám Mục Bắc Ninh 50 Km về phía Bắc. Vùng này đã từng là nơi đóng quân của Hùm Xám Yên Thế (Hoàng Hoa Thám) trong những năm cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20. Chính ngôi nhà thờ Yên Lễ đã được nghĩa quân Đề Thám giúp đỡ xây dựng, tuy nhiên ngôi thánh đường này đã bị phá hủy trong thời chiến tranh.

Người dân ở Giáo họ Yên Lễ rất tự hào về thánh Giuse Hoàng Lương cảnh, người con ưu tú nhất của giáo họ và Giáo phận Bắc Ninh, mà theo một số người thì ngài đã lớn lên và sinh sống tại giáo họ Yên Lễ này.

Ngày nay, giáo họ Yên Lễ thuộc giáo xứ Tân An, giáo hạt Bắc Giang, có hơn 1000 giáo dân nằm xen kẻ với những người lương dân trong địa bàn khoảng 5 Km2. Giáo dân ở đây rất nghèo vì đời sống của họ thuần túy là nông nghiệp.Về đời sống đức tin, cho dù có những lúc giảm sút vì từ 1954 đến nay không có cha xứ trực tiếp coi sóc, và đời sống kinh tế cũng ảnh hưởng nhiều đến đời sống đức tin, nhưng các giáo hữu ở đây vẫn giữ được truyền thống đức tin và duy trì các buổi cầu nguyện sớm tối tại nhà thờ.

Đức Cha Cosma đã trở về Tòa Giám Mục lúc 11g30, kết thúc chuyến đi với ước vọng qua lời cầu bầu của thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh, đời sống đức tin của người dân Yên Lễ luôn thăng tiến và họ sẵn sàng làm chứng cho Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh như ngài.

Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh (Trùm họ, dòng Ba Đaminh: 1763-1838)

*Lời kinh thắp sáng cuộc đời:

Đã là Kitô hữu thì ai cũng thuộc một số kinh để cầu nguyện. Thế nhưng số người sống theo lời kinh mình đọc không phải là nhiều. Đối với cụ lang Giuse Cảnh, thì lời kinh chính là hơi thở của cuộc đời mình. Lời kinh là nến sáng soi dẫn hành trình dương gian tiến về Nước Chúa. Đọc chuyện tử đạo của cụ, ta thấy rất rõ điều đó.

Giuse Hoàng Lương Cảnh sinh ra dười thời chúa Trịnh Doanh năm 1763 tại làng Ván, tỉnh Bắc Giang. Sống ở làng Thổ Hà, huyện Việt Yên, ông được mọi người quý mến, nổi tiếng hiền lành và bác ái. Là một lang y, ông tận tụy với các bệnh nhân, thường chữa trị miễn phí cho người nghèo. Tuy không đi tu, nhưng trọn ngày sống của ông được dệt bằng kinh nguyện và các việc tông đồ. Ông đã rửa tội nhiều người trong giờ hấp hối, đặc biệt cho trẻ em. Giáo dân Thổ Hà tín nhiệm và bầu ông làm Trùm họ. Từ đó, ông càng hăng say hơn với việc truyền giáo và phục vụ cộng đoàn dân Chúa.

Đầu tháng 07 năm 1838, đang khi quân lính bao vây bắt các giáo hữu làng Thổ Hà, có người mời ông đến chữa bệnh và rửa tội cho con họ. Dù rất nguy hiểm, ông Trùm vẫn tìm cách lén đi giúp đỡ, nhưng khi đến bên đó, quân lính phát giác ra, bắt ông đeo gông và giải về Bắc Ninh với cha Tự, thầy Úy, ba ông Trùm xứ khác và một số giáo dân.

*Sức Mạnh Của Lời Kinh:

Ngày 12-07 quan đưa tất cả ra tòa, để dọa và bắt họ bước qua Thánh Giá. Ba ông Trùm kia và một giáo dân nhát gan đã nghe lời để được tha về. Chỉ còn bảy người tuyên xưng niềm tin là cha Tự, cụ lang Cảnh, hai thầy Úy và Mậu, cùng ba thanh niên Mới, Đệ, Vinh. Xét rằng cụ Giuse ở chức vụ Trùm họ lại cao niên, nên có ảnh hưởng lớn đến giáo dân, qua kết án xử tử cụ như cha Tự, còn năm người kia chỉ bị án phát lưu.

Dù tuổi già sức yếu, cụ lang Cảnh vẫn giữ lòng trung kiên, vui lòng chấp nhận mọi khổ hình, không than van, không oán trách. Những lần quan bắt bước qua Thánh Giá cụ quỳ xuống hôn tượng Chịu Nạn và thầm thĩ đọc kinh. Thấy thế, quan bảo cụ đọc to lên, cụ liền đọc lớn tiếng những lời kinh nguyện cầu thay cho những lời giải thích lý luận. Khi thấy cụ đọc kinh Chúa Thánh Thần: “… Xin yên ủi chúng con, dạy dỗ chúng con làm những việc lành…” Khi thì đọc kinh Thánh Danh Chúa Giêsu: “… Chúa Giêsu là đường nẻo thật, ai theo đường này thì sẽ sống mãi vui vẻ chẳng cùng…” Đặc biệt có lần cụ đọc một lời kinh làm cho các quan ngạc nhiên phá lên cười: “Cầu Chúa Giêsu cho các vua trị nước cho yên, càng ngày càng thịnh”. Họ hỏi sao cụ lại cầu cho kẻ hành hạ mình như thế. Cụ bình tĩnh trả lời các quan về giới luật yêu thương của đạo Chúa.

Một lần khác quan hỏi ý kiến cụ về những kẻ bỏ đạo hoặc tố cáo linh mục, cụ chậm rãi kể tích chuyện Giuđa phản thày vì 30 đồng bạc, rồi cụ thêm: “Thực ra lính cũng chẳng bắt được Chúa Giêsu, vì khi Chúa nói chính Ta đây, toán lính Do Thái bị té ngã xuống hết, chính Chúa đưa tay cho họ trói để hoàn tất việc chuộc tội thiên hạ, trong đó có cả các quan nữa đấy”.

*Vinh phúc nghìn thu:

Quan tỉnh Bắc Ninh thấy tội nghiệp người già yếu, nên tìm hết cách khuyên dụ cụ bỏ đạo về với con cháu. Nhưng cụ trả lời: “Xin quan cứ làm án cho tôi được chết với cha Tự của tôi, thì tôi mừng rỡ bội phần”. Ngày 15.09.1838, tỉnh Bắc Ninh nhận được bản án từ kinh đô ra. Thay vì án xử giảo như các quan đề nghị, bản án quyết định: “Đạo trưởng Nguyễn Văn Tự và Đạo mục Hoàng Lương Cảnh phải trảm quyết ngay tức khắc”.

Khi biết tin sắp bị xử tử, vị linh mục và cụ Trùm họ liền vui vẻ chào giã biệt các bạn tù. Viên cai ngục kêu riêng cụ Cảnh ra, có ý cho uống chén nước trà để lấy sức, cụ đáp: “Xin cám ơn, tôi chẳng thiết ăn uống gì nữa, chỉ mong theo cha tôi ra pháp trường thôi”. Thấy cha Tự mặc bộ tu phục trắng toát trên mình, cụ cũng khoác tấm áo Dòng Ba, như biểu hiện nỗi lòng người con Cha Thánh Đaminh. Cụ nâng niu trên tay ảnh Chuộc Tội nhỏ mà trong hai tháng tù vừa qua cụ đã hôn kính cả nghìn lần, giờ đây là nguồn trợ lực quý giá của cụ trong cơn thử thách cuối cùng.

Đường ra pháp trường nô nức như ngày hội. Cha Tự thong thả vừa đi vừa xướng kinh Cầu Các Thánh, cụ lang Cảnh bước đi vất vả hơn vì yếu sức, nhưng vẫn đều đặn thưa đáp: “Cầu cho chúng tôi”. Hai vị như thấy lòng mình ấm lại vì như thấy toàn thể chư thánh đều hiện diện đâu đây sẵn sàng đón mình về trời cao. Đến nơi xử, vị chứng nhân đức tin và cha Tự quỳ xuống hai chiếc chiếu nhỏ. Lý hình theo lệnh trống thi hành phận sự, đưa cụ về hưởng Thánh Nhan Chúa muôn đời. Hôm đó là ngày 05.09.1838, cụ Trùm Cảnh đã quá thất tuần, 75 tuổi.

Thi hài cụ Giuse Cảnh được chôn táng dưới một ngọn đồi gần đấy. Sau giáo dân làng Thổ Hà rước về họ mình.

Ngày 27.05.1900, Đức Lêo XIII suy tôn cụ Trùm Giuse Hoàng Lương Cảnh lên bậc Chân phước của Giáo hội. Ngày 19.06.1988 Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên Bậc Hiển Thánh.

(Trích theo Uống Nước Nhớ Nguồn – Lm Fx. Đào Trung Hiệu, OP.)