Chúa Nhật Thứ 22 Mùa Thường Niên, Năm C
Mở đầu phần Lời Chúa Chúa Nhật 22 năm C, với đoạn trích sách Huấn Ca thật nhẹ nhàng nhưng chất chứa cả kho tàng của Nước Thiên Chúa – Nước Thiên Chúa được thiết lập trên nền tảng là Đức Giêsu Khiêm Hạ và Tự Hủy hoàn toàn. Khiêm hạ vì đã chấp nhận trở nên “người-tôi-tớ-đau-khổ” của Thiên Chúa để phục vụ chương trình Thiên Chúa cứu chuộc loài người. Tự hủy hoàn toàn nên hiến lễ tinh tuyền đẹp lòng Thiên Chúa Cha, không giữ lại điều gì cho mình kể cả mạng sống, và được Thiên Chúa Cha siêu tôn. Lời vàng ấy như sau:
“Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa” ( Hc 3, 19 – 21 ).
Thư Thánh Phaolô lại hướng chúng ta đến đỉnh cao của ơn cứu độ, không phải là đỉnh cao của danh vọng hư ảo có thể sờ mó được ngay như ta vẫn đang thèm thuồng… nhưng là đỉnh cao của núi Sion, của Đền Thánh Thiên Chúa, của niềm vui tuyệt hảo, của ơn cứu chuộc, của những người công chính… Nơi ấy, chính Đức Giêsu Kitô đã tiến lên nhờ sự khiêm hạ tuyệt đối và tự hủy hoàn toàn của Ngài:
“Anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên Trời, tiến đến giữa muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên Trời, và đến cùng Thiên Chúa, Đấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Đấng trung gian của giao ước mới là Đức Giêsu” ( Dt 12, 22 – 24a ).
Cả hai đoạn trích đều dẫn chúng ta tới ý chính của Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay là hãy phục vụ Nước Thiên Chúa trong tinh thần khiêm nhường tuyệt đối. “Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên" ( Lc 14, 11 ).
Lời căn dặn của Chúa trong bối cảnh một bữa tiệc, có nhiều người biệt phái được mời đến dự tiệc và họ tranh nhau ngồi vào chỗ nhất.
Tranh giành một chỗ nhất vì họ nghĩ đến cái thế giá của họ trong đạo cũ, chỉ chuộng hình thức bên ngoài mà bên trong đầy dẫy những gian tham độc ác, những điều tệ hại vô luân bất chính. Họ cũng làm việc, nhưng làm việc là để người khác phải phục vụ mình, không phải mình phục vụ người khác. Chúa không tỏ ra ghét họ đâu, nhưng Chúa muốn cho họ một bài học của tinh thần khiêm tốn phục vụ, và phục vụ vô vị lợi, cho dù chỉ là một chỗ ngồi cao trọng trong bàn tiệc cuộc đời.
Chúa Giêsu đã dạy: “Ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên" ( Lc 14, 11 ). Lời dạy này là cả một thực tế đời sống Con Thiên Chúa trên trần gian. Quả thật, Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ của Ngài cách hiền hòa như lời dặn của sách Huấn Ca. Ngôi Con Thiên Chúa Toàn Năng, đã trở nên “hiền lành như con chiên bị đem đi giết”. Ngài biểu lộ đức Khiêm Nhường và Hiền Lành của Thiên Chúa, Đấng không tru diệt loài người tội lỗi bằng quyền phép vô biên của Ngài, nhưng cứu chuộc loài người bằng tình yêu thương bao la vĩ đại. Tình yêu thương ấy thôi thúc Đức Giêsu khiêm nhường tự hạ đi trong kiếp nghèo, kiếp khổ, kiếp lầm than của nhân loại và tự hủy cuộc đời mình để những người cùng đi với Ngài trong đau thương sẽ cùng về với Ngài trong vinh quang.
Mỗi tín hữu chúng ta hôm nay cũng được mời gọi bước theo con đường Khiêm Hạ của Đấng Cứu Thế để chiếm đoạt Nước Thiên Chúa cho mình và đưa dẫn mọi người vào với Nước Thiên Chúa..
Trong khi có tin rằng một số nơi trên thế giới, người ta đang rao bán những Nhà Thờ, người ta không còn tham dự Thánh Lễ ngày thường, người ta không còn tổ chức Giáo Xứ cách chặt chẽ với những sinh hoạt Tông Đồ Giáo Dân, thì ngược lại, thật đáng vui mừng, ở Việt Nam người vẫn còn đáp lại ơn gọi Linh Mục Tu Sĩ khá đông; và đặc biệt hơn nữa, số tín hữu Việt Nam làm việc cho Nước Thiên Chúa trong vai trò Tông Đồ Giáo Dân hiện nay đang rất nhiều, rất nhiều… Mỗi người mỗi công việc: Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, Ông Câu, Ông Biện, Ông Trùm, Hội viên các hội đoàn Legio, Bà Mẹ Công Giáo, Gia Trưởng, Ca Đoàn, Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể, Thanh Niên Phụng Sự, Giáo Lý Viên, Ban Trợ Liệt, Trợ Táng, Bảo Vệ Sự Sống, người chuyên cầu nguyện và khuyên răn người nguội lạnh trở lại, an ủi và mở đường hy vọng cho những kẻ ngã lòng v.v…
Nhưng, Lời Chúa hôm nay gợi ý cho mỗi người chúng ta hãy thử hỏi lại lòng mình rằng “chúng ta đang làm việc cho Thiên Chúa để danh Chúa được cả sáng hay là để danh mình được ca tụng, để thu hồi về cho Thiên Chúa những linh hồn hay để đem lại cho mình những vinh quang trần thế, những mối lợi chóng qua !?!”
Chúng ta đang sống trong tinh thần của Tin Mừng Chúa Giêsu, trong Đạo của Chúa Giêsu khiêm nhường và tự hủy. Sao ta có thể vẫn còn loay hoay mãi trong cách sống của những người Pharisêu 2.000 năm trước: cố tìm cho mình một chỗ đứng, một chỗ ngồi trong Đạo Thánh Chúa. Thỉnh thoảng lại nghe vài tin buồn không đáng có đã xảy ra từ những tranh chấp vụn vặt về quyền hành của ông kia bà nọ trong Giáo Hội, Giáo Xứ, của hội đoàn này, hội đoàn nọ, vì ảnh hưởng cá nhân hay ảnh hưởng của những sinh hoạt nổi trội, thật đáng tiếc. Hãy hỏi lại lòng mình là mình đang phục vụ Nước Chúa hay phục vụ cho vinh quang của mình ?
Thay vì tranh giành với nhau chút uy tín thì thiết tưởng hãy khiêm tốn và nhanh nhẹn xắn tay áo lên phục vụ những vị khách lạ lùng của Thiên Chúa kia kìa: “những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù” ( Lc 14, 13 ). Còn phải kể đến những vị khách quí khác cũng là bạn hữu của Chúa Kitô đang bị áp bức từng ngày từng đêm, những bạn hữu Chúa Kitô đang phải chiến đấu cho công bằng, cho sự thật, cho tự do, cho cơm áo, cho chính nghĩa… mà không thấy một bóng dáng ông kia bà nọ nào cảm thương hay tiếp sức.
Thay vì tranh công đổ lỗi thì hãy khiêm tốn mà chu toàn bổn phận theo như sứ vụ đã nhận lãnh:
- tiếp đón và phục vụ những vị khách đau khổ, đói tình thương, khát chân lý, và nhìn nhận họ là bạn hữu chí thiết của Chúa Giêsu.
- nhìn nhận sự can thiệp của Ơn Chúa tác động vào công việc của mình chứ không phải tự sức mình có thể.
- Vui mừng và hãnh diện vì có sức phù trợ của Chúa, chứ không vui mừng và hãnh diện vì khả năng tuyệt vời của mình.
- Và cũng thế, nếu ta có làm được những gì tốt đẹp là cho vinh quang Thiên Chúa chứ không phải cho uy tín hay danh dự cá nhân mình.
Niềm vui khi chu toàn sứ vụ, chắc chắn không phải là niềm vui đến từ những lời khen tặng, ca tụng, tôn vinh của những con người trần thế. Bởi vì, những lời khen tặng ấy cũng chẳng thật thà gì trong một thế giới đang đua nhau về kỷ thuật quảng bá cá nhân này, tẩy chay cá nhân nọ.
Niềm vui của người làm việc cho vinh quang Thiên Chúa là niềm vui nghe được tiếng thì thầm mãn nguyện của Chúa Giêsu, Đấng Khiêm Nhường, Đau Khổ đã cùng đồng hành với mình trên mọi nẻo đường sứ vụ.
Trong buổi tĩnh huấn các Giáo Lý Viên tháng qua, nhân mừng Lễ Thánh Anrê Phú Yên Bổn Mạng Giáo Lý Viên, tôi được nghe một chia sẻ:
“Xong một ngày làm việc, hay xong một buổi dạy Giáo Lý, em vẫn thường đến với Thánh Thể Chúa và được nghe những lời thầm thì rất trầm ấm, rất thân thương, rất chân thành của Chúa Giêsu. Ôi những lời vàng hạnh phúc quý giá tuyệt đối trong đời em.
Nhưng điểm hẹn gặp Chúa Giêsu để được nói và được nghe những lời thầm thân thương ấy, cũng không nhất thiết là ở Nhà của Cha, nơi Đức Giêsu Ngự trong Nhà Tạm, nhưng là bất cứ nơi đâu. Tâm hồn em là chính Nhà Tạm của Chúa Giêsu đang ngự thật, và chỉ cần một khoảng lặng nhỏ em cũng đủ lắng nghe tiếng Người.
Có lần em trên đường đi dạy Giáo Lý về, em kể với Chúa “Chúa nghe con nói nà, hôm nay em Định không thuộc bài, con định phạt em ấy, nhưng hỏi ra mới biết, ba của em ấy có đạo mà không đi Nhà Thờ, còn bà nội em thì không cho học Giáo Lý ở nhà, vì “ở nhà tao không có cái đạo nớ, đạo của mẹ con mày”. Con rất buồn nà ! Vậy mà, em thấy như Chúa đang mĩm cười, và thì thầm với em: “Vui lên đi nà, Anh Hai đã hiểu em rồi ! Để đó Anh liệu”. Thế là em không buồn gì nữa. Ra về, lòng nhẹ thênh”...
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được làm mọi việc với Chúa, để mỗi việc con làm không phải là của con nữa, mà là của Chúa đang thực hiện nơi con người yếu đuối hèn kém của con. Thành công của con là thành công bởi Chúa, và niềm vui của con là được nghe tiếng Chúa thì thầm mỗi khoảng lặng riêng Chúa và con. Amen.
Mở đầu phần Lời Chúa Chúa Nhật 22 năm C, với đoạn trích sách Huấn Ca thật nhẹ nhàng nhưng chất chứa cả kho tàng của Nước Thiên Chúa – Nước Thiên Chúa được thiết lập trên nền tảng là Đức Giêsu Khiêm Hạ và Tự Hủy hoàn toàn. Khiêm hạ vì đã chấp nhận trở nên “người-tôi-tớ-đau-khổ” của Thiên Chúa để phục vụ chương trình Thiên Chúa cứu chuộc loài người. Tự hủy hoàn toàn nên hiến lễ tinh tuyền đẹp lòng Thiên Chúa Cha, không giữ lại điều gì cho mình kể cả mạng sống, và được Thiên Chúa Cha siêu tôn. Lời vàng ấy như sau:
“Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa” ( Hc 3, 19 – 21 ).
Thư Thánh Phaolô lại hướng chúng ta đến đỉnh cao của ơn cứu độ, không phải là đỉnh cao của danh vọng hư ảo có thể sờ mó được ngay như ta vẫn đang thèm thuồng… nhưng là đỉnh cao của núi Sion, của Đền Thánh Thiên Chúa, của niềm vui tuyệt hảo, của ơn cứu chuộc, của những người công chính… Nơi ấy, chính Đức Giêsu Kitô đã tiến lên nhờ sự khiêm hạ tuyệt đối và tự hủy hoàn toàn của Ngài:
“Anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên Trời, tiến đến giữa muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên Trời, và đến cùng Thiên Chúa, Đấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Đấng trung gian của giao ước mới là Đức Giêsu” ( Dt 12, 22 – 24a ).
Cả hai đoạn trích đều dẫn chúng ta tới ý chính của Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay là hãy phục vụ Nước Thiên Chúa trong tinh thần khiêm nhường tuyệt đối. “Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên" ( Lc 14, 11 ).
Lời căn dặn của Chúa trong bối cảnh một bữa tiệc, có nhiều người biệt phái được mời đến dự tiệc và họ tranh nhau ngồi vào chỗ nhất.
Tranh giành một chỗ nhất vì họ nghĩ đến cái thế giá của họ trong đạo cũ, chỉ chuộng hình thức bên ngoài mà bên trong đầy dẫy những gian tham độc ác, những điều tệ hại vô luân bất chính. Họ cũng làm việc, nhưng làm việc là để người khác phải phục vụ mình, không phải mình phục vụ người khác. Chúa không tỏ ra ghét họ đâu, nhưng Chúa muốn cho họ một bài học của tinh thần khiêm tốn phục vụ, và phục vụ vô vị lợi, cho dù chỉ là một chỗ ngồi cao trọng trong bàn tiệc cuộc đời.
Chúa Giêsu đã dạy: “Ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên" ( Lc 14, 11 ). Lời dạy này là cả một thực tế đời sống Con Thiên Chúa trên trần gian. Quả thật, Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ của Ngài cách hiền hòa như lời dặn của sách Huấn Ca. Ngôi Con Thiên Chúa Toàn Năng, đã trở nên “hiền lành như con chiên bị đem đi giết”. Ngài biểu lộ đức Khiêm Nhường và Hiền Lành của Thiên Chúa, Đấng không tru diệt loài người tội lỗi bằng quyền phép vô biên của Ngài, nhưng cứu chuộc loài người bằng tình yêu thương bao la vĩ đại. Tình yêu thương ấy thôi thúc Đức Giêsu khiêm nhường tự hạ đi trong kiếp nghèo, kiếp khổ, kiếp lầm than của nhân loại và tự hủy cuộc đời mình để những người cùng đi với Ngài trong đau thương sẽ cùng về với Ngài trong vinh quang.
Mỗi tín hữu chúng ta hôm nay cũng được mời gọi bước theo con đường Khiêm Hạ của Đấng Cứu Thế để chiếm đoạt Nước Thiên Chúa cho mình và đưa dẫn mọi người vào với Nước Thiên Chúa..
Trong khi có tin rằng một số nơi trên thế giới, người ta đang rao bán những Nhà Thờ, người ta không còn tham dự Thánh Lễ ngày thường, người ta không còn tổ chức Giáo Xứ cách chặt chẽ với những sinh hoạt Tông Đồ Giáo Dân, thì ngược lại, thật đáng vui mừng, ở Việt Nam người vẫn còn đáp lại ơn gọi Linh Mục Tu Sĩ khá đông; và đặc biệt hơn nữa, số tín hữu Việt Nam làm việc cho Nước Thiên Chúa trong vai trò Tông Đồ Giáo Dân hiện nay đang rất nhiều, rất nhiều… Mỗi người mỗi công việc: Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, Ông Câu, Ông Biện, Ông Trùm, Hội viên các hội đoàn Legio, Bà Mẹ Công Giáo, Gia Trưởng, Ca Đoàn, Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể, Thanh Niên Phụng Sự, Giáo Lý Viên, Ban Trợ Liệt, Trợ Táng, Bảo Vệ Sự Sống, người chuyên cầu nguyện và khuyên răn người nguội lạnh trở lại, an ủi và mở đường hy vọng cho những kẻ ngã lòng v.v…
Nhưng, Lời Chúa hôm nay gợi ý cho mỗi người chúng ta hãy thử hỏi lại lòng mình rằng “chúng ta đang làm việc cho Thiên Chúa để danh Chúa được cả sáng hay là để danh mình được ca tụng, để thu hồi về cho Thiên Chúa những linh hồn hay để đem lại cho mình những vinh quang trần thế, những mối lợi chóng qua !?!”
Chúng ta đang sống trong tinh thần của Tin Mừng Chúa Giêsu, trong Đạo của Chúa Giêsu khiêm nhường và tự hủy. Sao ta có thể vẫn còn loay hoay mãi trong cách sống của những người Pharisêu 2.000 năm trước: cố tìm cho mình một chỗ đứng, một chỗ ngồi trong Đạo Thánh Chúa. Thỉnh thoảng lại nghe vài tin buồn không đáng có đã xảy ra từ những tranh chấp vụn vặt về quyền hành của ông kia bà nọ trong Giáo Hội, Giáo Xứ, của hội đoàn này, hội đoàn nọ, vì ảnh hưởng cá nhân hay ảnh hưởng của những sinh hoạt nổi trội, thật đáng tiếc. Hãy hỏi lại lòng mình là mình đang phục vụ Nước Chúa hay phục vụ cho vinh quang của mình ?
Thay vì tranh giành với nhau chút uy tín thì thiết tưởng hãy khiêm tốn và nhanh nhẹn xắn tay áo lên phục vụ những vị khách lạ lùng của Thiên Chúa kia kìa: “những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù” ( Lc 14, 13 ). Còn phải kể đến những vị khách quí khác cũng là bạn hữu của Chúa Kitô đang bị áp bức từng ngày từng đêm, những bạn hữu Chúa Kitô đang phải chiến đấu cho công bằng, cho sự thật, cho tự do, cho cơm áo, cho chính nghĩa… mà không thấy một bóng dáng ông kia bà nọ nào cảm thương hay tiếp sức.
Thay vì tranh công đổ lỗi thì hãy khiêm tốn mà chu toàn bổn phận theo như sứ vụ đã nhận lãnh:
- tiếp đón và phục vụ những vị khách đau khổ, đói tình thương, khát chân lý, và nhìn nhận họ là bạn hữu chí thiết của Chúa Giêsu.
- nhìn nhận sự can thiệp của Ơn Chúa tác động vào công việc của mình chứ không phải tự sức mình có thể.
- Vui mừng và hãnh diện vì có sức phù trợ của Chúa, chứ không vui mừng và hãnh diện vì khả năng tuyệt vời của mình.
- Và cũng thế, nếu ta có làm được những gì tốt đẹp là cho vinh quang Thiên Chúa chứ không phải cho uy tín hay danh dự cá nhân mình.
Niềm vui khi chu toàn sứ vụ, chắc chắn không phải là niềm vui đến từ những lời khen tặng, ca tụng, tôn vinh của những con người trần thế. Bởi vì, những lời khen tặng ấy cũng chẳng thật thà gì trong một thế giới đang đua nhau về kỷ thuật quảng bá cá nhân này, tẩy chay cá nhân nọ.
Niềm vui của người làm việc cho vinh quang Thiên Chúa là niềm vui nghe được tiếng thì thầm mãn nguyện của Chúa Giêsu, Đấng Khiêm Nhường, Đau Khổ đã cùng đồng hành với mình trên mọi nẻo đường sứ vụ.
Trong buổi tĩnh huấn các Giáo Lý Viên tháng qua, nhân mừng Lễ Thánh Anrê Phú Yên Bổn Mạng Giáo Lý Viên, tôi được nghe một chia sẻ:
“Xong một ngày làm việc, hay xong một buổi dạy Giáo Lý, em vẫn thường đến với Thánh Thể Chúa và được nghe những lời thầm thì rất trầm ấm, rất thân thương, rất chân thành của Chúa Giêsu. Ôi những lời vàng hạnh phúc quý giá tuyệt đối trong đời em.
Nhưng điểm hẹn gặp Chúa Giêsu để được nói và được nghe những lời thầm thân thương ấy, cũng không nhất thiết là ở Nhà của Cha, nơi Đức Giêsu Ngự trong Nhà Tạm, nhưng là bất cứ nơi đâu. Tâm hồn em là chính Nhà Tạm của Chúa Giêsu đang ngự thật, và chỉ cần một khoảng lặng nhỏ em cũng đủ lắng nghe tiếng Người.
Có lần em trên đường đi dạy Giáo Lý về, em kể với Chúa “Chúa nghe con nói nà, hôm nay em Định không thuộc bài, con định phạt em ấy, nhưng hỏi ra mới biết, ba của em ấy có đạo mà không đi Nhà Thờ, còn bà nội em thì không cho học Giáo Lý ở nhà, vì “ở nhà tao không có cái đạo nớ, đạo của mẹ con mày”. Con rất buồn nà ! Vậy mà, em thấy như Chúa đang mĩm cười, và thì thầm với em: “Vui lên đi nà, Anh Hai đã hiểu em rồi ! Để đó Anh liệu”. Thế là em không buồn gì nữa. Ra về, lòng nhẹ thênh”...
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được làm mọi việc với Chúa, để mỗi việc con làm không phải là của con nữa, mà là của Chúa đang thực hiện nơi con người yếu đuối hèn kém của con. Thành công của con là thành công bởi Chúa, và niềm vui của con là được nghe tiếng Chúa thì thầm mỗi khoảng lặng riêng Chúa và con. Amen.