Bất cứ cuộc can thiệp quân sự nào vào một quốc gia khác, dù có chính nghĩa đi chăng nữa, nhưng càng kéo dài, càng có những nhận định khác nhau và trái ngược nhau. Tuy nhiên, trường hợp Libya có hơi khác, ngay tuần lễ thứ hai, nhiều tiếng nói có thẩm quyền đã chính thức tỏ ý lo ngại trước sự can thiệp quân sự của Đồng Minh vào nước này.
Theo tin AsiaNews ngày 27 tháng 3, Đức Bênêđíctô XVI nói với 30,000 khác hành hương tụ tập tại công trường Nhà Thờ Thánh Phêrô rằng: “Trước những tường thuật ngày càng bi thảm từ Libya, tôi hết sức lo lắng đối với sự an toàn và an ninh của thường dân và mối âu lo của tôi đối với tình thế đang diễn biến, hiện được đánh dấu bằng việc sử dụng vũ khí, mỗi lúc một gia tăng. Vào những thời điểm căng thẳng cực kỳ nhất, nhu cầu phải sử dụng mọi phương thế ngoại giao có thể có càng trở nên khẩn thiết hơn và phải hỗ trợ những dấu hiệu cởi mở và sẵn sàng dù yếu ớt nhất từ hai phía để hòa giải hòng tìm ra các giải pháp hoà bình và lâu dài. Vì vậy, tôi xin dâng lên Chúa lời cầu nguyện của tôi, xin Người cho hòa hợp trở lại trên Libya và toàn vùng Bắc Phi. Tôi cũng xin kêu gọi các tổ chức quốc tế và tất cả những ai có trách nhiệm về quân sự và chính trị hãy lập tức khởi sự đối thoại và dẹp bỏ việc sử dụng vũ khí”.
Cũng hãng tin AsiaNews, ngày 28 tháng 3, phát đi một bài nhận định của Linh Mục Piero Gheddo tựa đề là “Libya-Vatican: Gaddafi, a controversial dictator” (Libya-Vatican: Gaddafi, nhà độc tài gây tranh cãi). Tác giả bài này không hẳn bênh vực chủ nghĩa độc tài của Gaddafi, nhưng muốn nhấn mạnh hai điểm tích cực của ông ta: a) Gaddafi đã mở trường và đại học cho phụ nữ, cho họ được tự do ra khỏi nhà không cần “hộ vệ”, bãi bỏ đa hôn, và phát triển kinh tế cho xứ sở (dùng tiền dầu hỏa, mở đường, trường học, bệnh viện, đại học, nhà ở rẻ tiền, kỹ nghệ hóa xứ sở và phát triển nông nghiệp bằng cách dẫn nước từ sa mạc về, người dân no ấm: không một ai rời bỏ Libya kể cả trong cuộc khủng hoảng lần này); b) tương đối cởi mở với Kitô Giáo (hơn 100,000 Kitô hữu, trong đó, 10,000 là y tá), hơn nhiều quốc gia Hồi Giáo; với sự ra đi của ông, Hồi Giáo quá khích có nguy cơ thắng thế. Ngài cũng trích dẫn Đức Cha Giovanni Martinelli, giám mục Tripoli, người từng cho rằng: “Đáng lẽ ra cuộc chiến tranh đã được tránh né. Vài ngày trước khi Sarkozy quyến định oanh tạc, đã có một vài tia hy vọng về một trung gian thực sự. Nhưng các trái bom đã làm tiêu tan mọi sự”.
Trách nhiệm luân lý
Trong khi ấy, các giám mục Hoa Kỳ, ngày 28 tháng 11, lên tiếng thúc giục các nhà lãnh đạo chính phủ xem sét việc sử dụng lực lượng quân sự tại Libya theo các nguyên tắc trách nhiệm luân lý và bảo vệ sự sống con người.
Đức Cha Howard Hubbard của Giáo Phận Albany, New York, chủ tịch Ủy Ban Công lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, vừa viết cho Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Thomas Donilon một bức thư nhấn mạnh đến những điều vừa nói. Ngài nhìn nhận lý do can thiệp, dựa trên các báo cáo về việc thảm sát thường dân và các cuộc oanh tạc lực lựng nổi dậy của chế độ Gaddafi, và nghị quyết 1973 của Hội Đồng Bảo An LHQ, nhưng nhân cơ hội này, ngài nhắc lại giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo rằng: “Việc sử dụng lực lượng phải luôn luôn phục vụ chính nghĩa”. Đối với ngài, nghị quyết 1973 đã thoả mãn tiêu chuẩn này, nghĩa là hành động dự trù nhằm bảo đảm đình chiến, chấm dứt bạo lực và mọi tấn công chống thường dân, quả là có chính nghĩa. Nhưng vì việc bảo vệ thường dân là điều tối quan hệ, nên câu hỏi chủ chốt cần nêu lên là: “Liệu hành động của liên quân có luôn tập chú vào mục tiêu và sứ mệnh có giới hạn đó hay không?”. Bởi thế, theo ngài, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cần phải tiếp tục theo dõi cẩn thận sứ mệnh và việc sử dụng vũ lực tại Libya. Về việc này, ngài cho rằng: các câu hỏi quan trọng cần được đặt ra, tỷ dụ như: Làm thế nào việc sử dụng vũ lực có thể che chở được thường dân tại Libya? Liệu lực lượng sử dụng có tương xứng với mục tiêu bảo vệ thường dân hay không? Liệu việc tạo ra sự xấu có trầm trọng hơn chính sự xấu mà nó hy vọng diệt trừ hay không? Đâu là hệ lụy của việc sử dụng vũ lực đối với phúc lợi trong tương lai của nhân dân Libya và sự ổn định trong vùng?
Ngoài ra, Đức Cha Hubbard cũng nhấn mạnh rằng: Công lý của một chính nghĩa không làm giảm trách nhiệm luân lý đòi ta phải hành động phù hợp với các tiêu chuẩn bảo vệ thường dân và tương xứng. Về phương diện này, Đức Cha nêu ra các cau hỏi: liệu vũ lực có được sử dụng một cách nhằm bảo vệ mạng sống thường dân hay không? Liệu có thể tránh được các thương vong cho thường dân hay không? Liệu việc tiêu hủy sự sống và tài sản có tương xứng với điều tốt thực hiện được qua việc cứu các mạng sống thường dân hay không?
Nhân danh các giám mục khác, Đức Cha Hubbard cho rằng các ngài chưa đưa ra các phán đoán dứt khoát, vì tình thế trên bộ còn khá phức tạp, đòi hỏi nhiều quyết định khôn ngoan, nằm ngoài khả năng chuyên môn của các ngài. Những câu hỏi nêu lên trên không dễ trả lời nhưng không lúc nào được quên, như một quốc gia, ta nên nghiêm khắc xem sét việc sử dụng lực lượng quân sự dưới nguyên tắc bảo vệ sự sống và phẩm giá con người.
Chiến tranh không giải quyết được gì
Còn đối với các giám mục Công Giáo Bắc Phi, thì theo Zenit ngày 28 tháng 3, các ngài kêu gọi chấm dứt bạo lực trong vùng, vì chiến tranh không giải quyết được gì. Các ngài tỏ ý quan ngại cho các nạn nhân.
Các giám mục Bắc Phi, tụ tập nhau dưới danh xưng Hội Đồng Giám Mục Bắc Phi gồm các giáo hội Morocco, Algeria, Tunisia và Libya, vừa ra một tuyên cáo tái xác nhận “lời kêu gọi khẩn cấp tìm một kết thúc cho cuộc tranh chấp đau lòng này, một kết túc công bình và danh dự cho mọi người. Các ngài lưu ý tới việc bùng nổ bạo lực gần đây tại Yemen, Jordan, Egypt. Libya, Morocco, Syria và Bahrain. Tại căn gốc các biến cố này, người ta thấy một số đòi hỏi chính đáng về tự do, công lý và nhân phẩm, nhất là của giới trẻ. Các đòi hòi này được diễn dịch thành ý nguyện muốn được nhìn nhận là những công dân có trách nhiệm, có cơ hội tìm được việc làm, cho phép họ sống cách xứng đáng, loại bỏ mọi hình thức tham nhũng và bè phái.
Tuy nhiên, các ngài thấy chiến tranh không giải quyết được gì và khi đã bùng nổ, thì không ai có thể kiểm soát được nó, y hệt một nhà máy hạch nhân. Các nạn nhân đầu tiên luôn là những người nghèo khổ và kém thế nhất. Đàng khác, dù ta muốn hay không, cuộc chiến tranh tại Cận Đông, cũng như nay tại vùng Bắc Phi này, luôn bị coi là một cuộc thập tự chinh. Điều này gây nhiều hậu quả đáng buồn đối với các liên hệ tốt đẹp mà Kitô hữu và người Hồi Giáo từng bồi đắp được và đang ra sức bồi đắp. “Chúng tôi cầu xin Đấng Quyền Năng soi sáng các nhà lãnh đạo các quốc gia tìm ra đường dẫn tới công lý và hòa bình”.