Theo định nghĩa cổ điển, khi nói tới phái tính hay giới tính là người ta cố ý nói tới nam và nữ, hay đàn ông và đàn bà và dĩ nhiên sự dị biệt giữa hai thực tại này, hai thực tại đã được trình thuật Sáng Thế nhắc tới ngay những dòng đầu của Sách Thánh và ca ngợi là “rất tốt”.
Sự kỳ diệu của phái tính
Linh mục Nguyễn Văn Qúy, Dòng Đa Minh, có một bài rất hay về chủ đề này đăng trên Trang Mạng Dòng Đa Minh Việt Nam: “Phái Tính, Điều Kì Diệu và Bi Kịch”. Theo cha, phái tính là một hồng ân Thiên Chúa, trở thành một thực tại thuộc cơ cấu hiện hữu của con người. Chính phái tính làm nên sự khác biệt hiện hữu giữa người nam và người nữ. Phái tính là một phần dệt nên toàn bộ cấu trúc của đời người. Nó giúp ta cảm nhận sự khác biệt với tha nhân và cho con người cảm nhận sự khác biệt giữa họ và Thiên Chúa.
Sự khác biệt phái tính cho chúng ta nhận thấy rõ phái tính không phải là xấu xa, bất hạnh, tội lỗi. Sự khác biệt này không hề làm người đàn ông và người đàn bà trở nên xa lạ nhưng được mời gọi sống kết hiệp với nhau : “Người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà sống với vợ mình, cả hai sẽ trở nên một xương một thịt” (St 2,24). Trong tình yêu cao ngất của tình chồng vợ, sự trao hiến trọn vẹn xác hồn của hai người nam và người nữ, đã làm phát sinh sự sống là kết quả trao ban của tình yêu Thiên Chúa. Đó cũng chính là năng lực phát sinh sự sáng tạo, đóng góp vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa mà đôi bạn cảm nghiệm được khi họ sống triệt để sự khác biệt phái tính của mình trong mối tương quan. Sự khác biệt này bổ túc cho nhau, hổ trợ nhau. “Đàn ông ở một mình không tốt”. Cái “tốt” của việc kết hợp nam nữ phải đưa về cái tốt của công trình sáng tạo, vì phái tính là dấu chỉ của sự khác biệt, của tha thể, qua đó Thiên Chúa mặc khải sự khác biệt của Người.
Phái tính thiết lập ra mối tương quan, tương quan cả với Thiên Chúa (giao ước cắt bì). Khi phái tính được nhìn nhận trọn vẹn, con người sẽ đón nhận người khác trong đối tác của một giao ước. Giao ước ấy là giao ước tương quan, trong đó mỗi người được nhìn nhận và yêu thương. Trong giao ước này, không ai bị giản lược và đánh mất chính mình, dẫu rằng “cả hai nên một xương một thịt” (Mt 19,5). Vì sự gặp gỡ của con người đặt trên sự gặp gỡ của sự khác biệt phái tính.
Phái tính giúp hoàn trọn nhân cách con người, qua việc nhìn nhận tha nhân, mở rộng vòng tay đón nhận mọi người, biết loại đi mọi ích kỷ hẹp hòi, khép kín, thể hiện được căn tính của mình là sống yêu thương trong mối tình tương thân tương ái. Vả lại, “người đàn ông phải lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt”: muốn thành nhân, con người phải ngang qua phái tính, từ một thiếu nam, thiếu nữ, họ trở thành đàn ông, đàn bà, dứt khỏi tình trạng ấu trĩ (lìa bỏ cha mẹ). Phái tính là một khả năng, và là một kết quả của việc từ bỏ tình trạng ấu trĩ, như con đường dẫn đến trưởng thành để cùng chung chia trách nhiệm cuộc sống lứa đôi, gia đình và xã hội.
“Như thế phái tính là một yếu tố cơ bản làm nên nhân cách, là cách thế hiện hữu giúp con người thể hiện bản thân và liên lạc với tha nhân, là cách thế cảm nhận, bày tỏ và sống tình yêu nhân loại… Phái tính không chỉ làm nên người nam hay người nữ trên bình diện thể lý, nhưng còn trên bình diện tâm lý và thiêng liêng, tạo cho mỗi người có một dấu ấn riêng. Phái tính làm nên vị thế siêu hình của con người trong hiện hữu, làm nên ơn gọi độc đáo của mỗi nhân vị qua cách thức thể hiện chính mình và liên lạc với tha nhân. Và tất cả những cách thức thể hiện trên đây đều được thực hiện qua cơ cấu thể lý đặt nền trên phái tính của mỗi người” (Dionigi Tettamanzi & Guy Durand, Tân đạo đức sinh học Kitô, dg. Nguyễn Văn Tuyến, Đại chủng viện Huế 2003, tr. 220).
Bảo vệ phái tính
Theo cha Qúy, khi hai thực tại và sự dị biệt của chúng bị hiểu và làm cho méo mó, thì thảm kịch sẽ xẩy ra, như lịch sử con người từ đầu đến nay đã chứng tỏ. Chính vì thế, Giáo Hội luôn sử dụng mọi diễn đàn có thể có để bênh vực hai thực tại này và sự dị biệt “rất tốt” của chúng, kể cả diễn đàn Liên Hiệp Quốc, một diễn đàn đang bị lèo lái bởi nhiều ý thức hệ độc hại.
Thực vậy, năm 2010, tại phiên họp lần thứ 54 của Ủy Ban Về Địa Vị Phụ Nữ của Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội Liên Hiệp Quốc, Đức Tổng Giám Mục Celestino Miggiore, Đại Diện Tòa Thánh, đã lên tiếng chỉ trích điều ngài gọi là “Ý Thức Hệ Phái Tính”, một ý thức hệ không hề phục vụ sự thăng tiến của phụ nữ. Theo ngài, nhiều văn kiện mới đây của LHQ đã dùng ý niệm phái tính để “tiêu hủy mọi tính đặc thù và bổ túc cho nhau giữa người đàn ông và người đàn bà”.
Ý thức hệ phái tính hay lý thuyết phái tính là ý niệm chủ chốt trong các ý thức hệ duy nữ và đồng tính luyến ái. Nó đưa ra ý niệm “phái tính” khác biệt với giới tính sinh học (biological sex) và cho rằng phái tính là một bộ các tác phong hay mẫu mực học được và do đó, có thể thay đổi tùy ý hay do các yếu tố môi trường tạo ra. Các nhà ý thức hệ phái tính này cho rằng đối với con người, không phải chỉ có hai mà ít nhất 11 phái tính. Họ duy trì niềm tin cho rằng việc đồng hóa “phái tính” với giới tính sinh học chính là nền tảng của chủ nghĩa kỳ thị người đồng tính. Gabrielle Kuby, một tác giả Đức, còn đi xa đến nỗi viết trong một bài báo năm 2008 rằng: ý thức hệ phái tính đang tạo ra một con người mới, mà tự do của họ bao gồm việc chọn lựa giới tính và xu hứng tính dục của mình”.
Rồi cuối tháng 3 này, tại Ủy Ban về Địa Vị Phụ Nữ của cơ quan UNESCO, Đức Tổng Giám Mục Francis Chullikatt, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh, lên tiếng đả kích xu hướng của một số quốc gia hội viên đang mưu toan lôi cuốn LHQ vào một định nghĩa mới về phái tính.
Theo Đức Tổng Giám Mục, kể từ đầu thập niên 1990, hạn từ phái tính đã dần dần được đưa vào các văn kiện không có tính trói buộc của Liên Hiệp Quốc và thường dùng để chỉ hai giới tính nam và nữ. Về luật hiệp ước, định nghĩa duy nhất có tính bắt buộc các nước hội viên về phái tính là định nghĩa của Qui Chế Rôma Về Tòa Án Hình Sự Quốc Tế. Qui Chế này định rằng: “Từ ngữ phái tính chỉ hai giới tính nam và nữ, trong ngữ cảnh xã hội. Từ ngữ này không cho thấy bất cứ nghĩa gì khác ngoài định nghĩa vừa dẫn” (Điều 7.3).
Đáng ghi nhớ là tại Hội Nghị Thế Giới Lần Thứ Tư năm 1995 về Phụ Nữ, một lối hiểu khác và cấp tiến về phái tính đã được lan truyền trong các buổi thảo luận không chính thức, nhưng đã bị bác bỏ. Đàng khác, Chủ Tịch Hội Nghị này, theo khuyến cáo của đại đa số các nước hội viên, đã minh nhiên tuyên bố rằng tại hội nghị này, “từ ngữ phái tính vốn thông thường được sử dụng và được hiểu theo lối dùng thông thường, đã được nhìn nhận một cách phổ quát”. Nghĩa là, phái tính có ý chỉ nam và nữ, một cách dùng đã được chấp nhận trong văn hóa và lịch sử. Lời tuyên bố này nhấn mạnh rằng Hội Nghị không có ý định đưa ra “một nghĩa hay một hàm nghĩa nào mới, khác với lối sử dụng đã được chấp nhận trước đây cho hạn từ phái tính” (Phúc Trình Của Hội Nghị Thế Giới Lần Thứ Tư về Phụ Nữ tại Bắc Kinh, 4-5 tháng 9 năm 1995). Dịp đó, Tòa Thánh đã nhất quán tái quả quyết lối hiểu của mình về phái tính. Và hôm nay, xin lặp lại một lần nữa.
Bất hạnh thay, trong diễn trình thương thảo về bản tuyên ngôn lần này, một số đại biểu đã mưu toan đẩy mạnh một lần nữa, qua ngả “những cuộc nghiên cứu về phái tính”, một lời tuyên bố cho rằng bản sắc phái tính có thể được thích ứng bất tận để phù hợp với các mục đích mới và khác nhau, chưa được luật quốc tế nhìn nhận. Đáp ứng mưu toan này, lời nói đầu của bản tuyên bố lần này đã loại bỏ mọi nghi ngờ liên quan tới việc cổ vũ cho một định nghĩa mới về “phái tính”. Đức Cha Chullikatt nhận định rằng: Hiện nay, một nghị trình như thế chưa hề có trong bất cứ bản văn nào của Liên Hiệp Quốc, chứ đừng nói tới một văn kiện đề cập tới phụ nữ và thiếu nữ. Phần lớn các đại biểu khác vẫn duy trì việc dùng hạn từ “phái tính” để chỉ “đàn bà và đàn ông” hay nam và nữ, theo lối dùng thông thường xưa nay.
Mưu toan tái định nghĩa phái tính cũng bỏ không nhắc tới Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền trong hình thức hiện nay. Bản tuyên ngôn được dùng làm văn kiện nền tảng cho hệ thống nhân quyền này nhìn nhận phẩm giá và giá trị bình đẳng của mọi con người, bất luận là nam hay nữ. Nhưng nguyên tắc này đã bị những người cổ vũ cho một định nghĩa mới về phái tính làm ngơ, rõ ràng họ muốn phá đổ nền tảng của hệ thống nhân quyền.
Ngoài ra, những người này còn bỏ qua không nhắc gì tới quyền của cha mẹ, nhất là quyền được lựa chọn nền giáo dục cho con cái họ, trong đó, có việc giáo dục về tình yêu nhân bản đích thật, về hôn nhân và gia đình. Các quyền này đã được Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Công Ước Quốc Tế Về Quyền Dân Sự và Chính Trị cũng như Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Kinh Tế, Xã Hội Và Văn Hóa minh nhiên nhìn nhận. Một số cố gắng đã được đưa ra nhằm bao gồm quyền cha mẹ cũng như trách nhiệm cha mẹ, nhưng không thành công. Đây là một vấn đề nghiêm trọng hơn, vì quyền và trách nhiệm cha mẹ đã bắt rễ rất sâu vào luật quốc tế (Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền điều 26.3; Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính trị, điều 18; Công Ước Về Quyền Trẻ Em, điều 3.2, 5; 14.2).
Quan Điểm của Liên Hiệp Âu Châu
Hãng tin C-FAM, ngày 17 tháng 3, đưa tin: chủ đề tại Hội Nghị của Ủy Ban Về Phụ Nữ không có chi gây tranh cãi, vì bàn tới vai trò của phụ nữ trong khoa học và kỹ thuật. Nhưng rồi, bất ngờ, các cuộc thảo luận lâm vào ngõ bí vì những bất đồng có tính ý thức hệ xoay quanh định nghĩa về phái tính.
Trong phiên họp cuối cùng, Liên Hiệp Âu Châu và Tòa Thánh đã cho công bố hai bản tuyên bố trái ngược nhau, gây ra tranh cãi tại Hội Nghị. Liên Hiệp Âu Châu tỏ ý hài lòng với văn kiện sau cùng của Hội Nghị, nhất là việc văn kiện này bao gồm hai chủ đề “giáo dục giới tính” và “sức khỏe tính dục và sinh sản” (2 chủ đề không được Tòa Thánh ủng hộ) nhưng tỏ ra quan tâm khi thấy ngôn từ về phái tính còn bị tranh cãi. Theo Liên Hiệp Âu Châu, ngôn từ này đã trở thành “ngôn từ thỏa thuận” và từng được sử dụng từ Hội Nghị Bắc Kinh về Phụ Nữ năm 1995. Liên Hiệp cho rằng mình không muốn trở lại thời kỳ trước Bắc Kinh và hy vọng rằng các cuộc thương thảo trong tương lai sẽ tiến bộ mà không cần phải bàn cãi chi nữa.
Dù Liên Hiệp Âu Châu cho rằng vấn đề ngôn từ phái tính đã được giải quyết rồi, nhưng nhiều phái đoàn khác tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy Liên Hiệp, Cuba và Mexico cực lực chống lại việc lồng vào đó câu định nghĩa đã được Liên Hiệp Quốc nhìn nhận về phái tính, dù đề nghị lồng vào này được sự ủng hộ rộng rãi của các nước Phi Châu, Carribean và Hồi Giáo.
Như trên đã nói, Tòa Thánh không ủng hộ định nghĩa mới về phái tính vì nó đưa đến chủ trương coi bản sắc phái tính như một điều có thể thích ứng bất tận tùy theo mục tiêu. Rồi đến một lúc nào đó, người ta không còn có ý niệm gì chính xác về phái tính nữa.
Cho đến nay, phái tính của một người có một ý nghĩa luật pháp. Nó thường được chỉ rõ trên các văn kiện của chính phủ, và luật lệ có những dự trù khác nhau cho đàn ông và đàn bà. Nhiều hệ thống hưu bổng cũng có hạn tuổi khác nhau cho nam và nữ. Hôn nhân thường chỉ xẩy ra giữa những người khác phái tính. Vấn đề chỉ trở nên phức tạp, khi đề cập tới những trường hợp liên giới (intersexual) hay đổi phái (transgender). Liên giới là trường hợp sinh ra với một bộ phận sinh dục không được coi là nam hay nữ một cách rõ ràng. Đổi phái là trường hợp sinh ra với một bộ phận sinh dục rõ ràng là nam hay nữ, nhưng lại cảm thấy mình như sinh ra trong một “thân xác không đúng”. Luật lệ các quốc gia rất khác nhau về những trường hợp này. Có quốc gia coi một trẻ sơ sinh tuy có các sắc nhiễm thể XY nhưng có bộ phận sinh dục nữ là con gái từ lúc mới sinh. Những người như thế hiện được nhiều quốc gia cho phép thay đổi phái tính theo luật. Có điều, sự thay đổi này đem lại nhiều hiện tượng kỳ quặc, như cùng một người có thể có nhiều phái tính khác nhau tùy theo phạm vi của luật pháp. Ở Úc, chẳng hạn, trước năm 1999, tức trước vụ Kevin (đổi giống thành đàn ông, lấy vợ là Jennifer), người đổi giống được nhìn nhận có phái tính như họ đã nhận trong nhiều phạm vi của luật pháp, kể cả luật lệ về an sinh xã hội, nhưng đối với luật hôn nhân thì không. Lại còn trường hợp: dưới luật liên bang, một người có thể có phái tính này, nhưng dưới luật tiểu bang, lại có một phái tính khác.
Nhưng không trường hợp nào oái oăm bằng trường hợp trung phái, nghĩa là không phải đàn ông mà cũng không phải đàn bà về phương diện pháp luật. Đó là trường hợp Norrie May-Welby, người Úc, thuộc Tiểu Bang New South Wales. Tòa án xác định tính trung phái của người này vào tháng 3 năm 2010. Phán quyết này biến Úc thành quốc gia đầu tiên trên thế giới nhìn nhận một phái tính “bất định”. Thực ra May-Welby sinh tại Scotland, rồi di cư qua Perth, Western Australia, lúc 7 tuổi. Năm 1989, người này được giải phẫu để đổi phái từ nam qua nữ, nhưng sau đó không cảm thấy mình là đàn bà. Đầu thập niên 1990, người này di chuyển qua Sydney và tiếp tục xin tòa phán quyết về phái tính của mình. Tháng Giêng năm 2010, các bác sĩ tuyên bố rằng May-Welby là một người trung phái, không phải nam hay nữ, về tâm lý, người này cũng coi mình là trung phái, hoóc-môn của người này không giống hoóc-môn của đàn ông hay đàn bà, và người này không có bộ phận sinh dục.
Chính phủ New South Wales nhìn nhận người này không phải là đàn ông mà cũng không phải đàn bà về phương diện hoóc-môn, tâm lý và thể lý. Từ đó, người ta dùng “zie” (hay “ze” hay “sie”) thay cho “she/he”, và “hir” (hay “zir”) thay cho “his/him/her” khi nói về May-Welby. Tuy nhiên, Văn Phòng Đăng Ký Khai Sinh, Khai Tử và Hôn Phối New South Wales rút lại lời hứa, không cấp cho người này tờ khai sinh với chi tiết “không xác định” ghi ở cột phái tính. Người này đã nhận được giấy khai sinh đó một ngày trước Mardi Gras, nhưng sau đó đã được Văn Phòng điện thoại báo là sẽ hủy tờ khai sinh đó. Anh ta nhận được thư hủy vào ngày 17 tháng 3 năm 2010. Điều ấy cho thấy những phức tạp khi chấp nhận một định nghĩa quá lỏng lẻo về phái tính.