Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ công kích chính quyền Síp, cáo buộc nước này vi phạm thềm lục địa của mình bằng cách cấp giấy phép cho Exxon Mobil và Qatar Petroleum để thăm dò vùng biển dầu và khí đốt tự nhiên.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ankara cho biết nước này “sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ quốc gia, công ty hoặc tàu nước ngoài nào thực hiện các hoạt động thăm dò hydrocacbon trái phép trong phạm vi lãnh hải của mình”.
Cuộc đối đầu mới nhất này xảy ra ngay sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Síp và Hy Lạp để khởi động lại các giá trị của lòng khoan dung, đối thoại, chào đón người di cư và hòa bình ở Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp lại chuyến tông du này bằng một mặt trận căng thẳng mới đang mở ra giữa giới lãnh đạo Ankara và Nicosia.
Ankara cáo buộc người Síp vi phạm biên giới trên biển và nhắc lại rằng họ không sẵn sàng dung thứ cho việc khoan và thăm dò bất hợp pháp ở khu vực mà họ coi là “vùng đặc quyền kinh tế” ở phía đông Địa Trung Hải.
Khu vực này đã trở thành một khu vực trọng tâm trong cuộc chạy đua khai thác khí đốt và hydrocacbon cho Síp, Israel và Ai Cập, với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đụng độ trực tiếp giữa các đối thủ kình chống nhau hàng thế kỷ. Hơn nữa, yếu tố kinh tế được kết hợp bởi yếu tố tôn giáo, cụ thể là sự chia rẽ sâu sắc giữa các Kitô hữu ở phần Hy Lạp và người Hồi giáo ở phần Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đã có dấu hiệu “Hồi giáo hóa” mọi cư dân.
Liên Hiệp Âu Châu đã nhiều lần kêu gọi chính phủ Ankara xoa dịu căng thẳng, tái khẳng định ý định bảo vệ lợi ích của các nước thành viên là Síp và Hy Lạp. Câu trả lời của Thổ Nhĩ Kỳ rất nhanh chóng, vì họ không có ý định lùi một bước nào trong các khẳng định liên quan đến các lợi ích kinh tế, chính trị và thương mại, cũng như bảo vệ các lợi ích trong khu vực họ chiếm đóng trái phép của Síp.
Trong số các nút thắt chưa được giải quyết là thiếu một thỏa thuận về giới hạn các thềm lục địa giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ
Source:Asia News