SỐNG NĂM THÁNH PHAOLÔ 2008-29.06-2009

Bài 11: Tại sao gọi Phaolô là tông đồ dân ngoại?

Câu trả lời một cách ngắn gọn là vì trong thư gởi tín hữu Galata, Phaolô đã tự nhận danh hiệu này cho mình: “Tôi đã được uỷ thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người không được cắt bì, cũng như Phêrô được uỷ thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người được cắt bì. Thật vậy, Đấng đã dùng ông Phêrô hoạt động tông đồ cho những người được cắt bì, cũng đã dùng tôi hoạt động cho dân ngoại” (Gal 2: 7-8).

Về mặt lịch sứ, bối cảnh của giáo đoàn Galata mà Phaolô viết những lời này giúp ta hiểu hơn về vai trò tông đồ dân ngoại của ông.

Trong chuyến hành trình đến Galata lần thứ hai, khi còn dừng chân ở Ephêsô, Phaolô đã nghe biết một số người loan tin rằng Phaolô không phải là Tông Đồ, và sứ mạng ông rao giảng không được Chúa Kitô hay các Tông đồ trao phó (Gal 1:1, 7, 12). Hơn nữa, Phaolô rao giảng ngụy tin mừng (không là tin mừng thật) (Gal 1:7) vì ông cho phép những người theo Kitô giáo không cần phải giữ luật Môisê, như không giữ những ngày lễ ghi trong lịch Do Thái và không chịu cắt bì chẳng hạn (Gal 4:10; 6:12). Nhiều người còn vu cáo ông là người “đón gió trở cờ” hay theo cơ hội, vì có lúc ông chấp nhận phép cắt bì cho tân tòng (Gal 5:11), nay thì dạy là không cần cắt bì để nhằm có thêm nhiều tân tòng gia nhập đạo.

Những tin đồn và vu cáo này là nguyên nhân khiến Phaolô viết thư khẳng định giáo huấn thần học Ngài dạy và vai trò “Tông Đồ Dân Ngoại” của mình.

Trước hết, với những người Do thái trung thành với luật Môisê mà nay tin theo Chúa Kitô, Phaolô tôn trọng những luật lệ họ giữ, và nêu rõ là Phêrô được sai đến với họ, “những người chịu cắt bì này” (Gal 2:7-8). Với những người ngoại (không chịu cắt bì như người Hy Lạp, Roma, Ai cập…), Phaolô rao giảng rằng họ không cần phải chịu cắt bì hay giữ tất cả luật Môisê khi tin theo Đức Giêsu Kitô. Quyết định này không là ý kiến cá nhân Phaolô mà kết qủa của công đồng Jerusalem trong đó thánh Giacôbê, Giám mục Jerusalem, thay mặt các Tông đồ công bố (Cvtd 15:1-21).

Vì thế Phaolô đã phản bác những tuyên truyền sai lạc của những người mà Ngài gọi là “kẻ phá rối” (Gal 1:7), và khẳng định rằng Ngài chính là Tông đồ, được sai bởi Thiên Chúa, và tin mừng Ngài rao giảng được Thiên Chúa mặc khải qua Đức Giêsu Kitô (Gal 1:1, 12). Và với tính khẳng khái, Phaolô công bố rằng tin mừng Ngài nhận là từ Thiên Chúa chứ không phải từ loài người. Do đó, nếu có ai đến rao giảng những gì nghịch lại với tin mừng Ngài dạy, ngay cả các tông đồ hay các thiên thần từ trời xuống, Phaolô cảnh báo giáo dân không được tin theo (Gal 1:8-9).

Câu hỏi đặt ra là: khi xưng mình là tông đồ dân ngoại, Phaolô có từ bỏ căn tính Do Thái của mình để theo người ngoại hay không?

Có hai trường phái cắt nghĩa khác nhau. Một số người cho rằng Phaolô đã bỏ quyền ưu tiên làm người Do Thái để lãnh nhận căn tính Kitô hữu có tính cách rộng lớn và bao quát hơn. Những người này còn cho là Phaolô đã nhiều lần phê bình chủ nghĩa độc tôn Do Thái khi cho rằng dân tộc Do Thái là trên hết, và chỉ có người Do Thái mới được cứu rỗi.

Một số đông hơn ngày nay tin rằng Phaolô không hề từ chối căn tính Do Thái để mặc lấy căn tính Kitô hữu vì tính phổ quát của nó vì những lý do: (1) thời kỳ đó (những năm 50-60), Phaolô không rao giảng Kitô giáo như một tôn giáo mới tách hẳn ra khỏi Do Thái giáo; (2) Phaolô không hề từ chối căn tính Do Thái của mình mà còn tự hào và nhắc nhở các Tông đồ: “Chúng ta bẩm sinh là người Do Thái, chứ không phải hạng người tội lỗi gốc dân ngoại.” (Gal 2:15); hay “chính tôi đây cũng là người Israel thuộc dòng dõi Ápraham, thuộc chi tộc Bengiamin.” (Rom. 11:1).

Tư tưởng Phaolô thay đổi theo cuộc sống. Khi còn bắt bớ đạo Chúa Kitô, Phaolô tin rằng chỉ có người Do Thái tin và làm theo Ngũ Thư (Luật Môisê) mới được cứu rỗi, còn dân ngoại sống không có hy vọng trong tương lai.

Sau khi Trở Lại, Phaolô tin Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Thế cho người Do Thái cũng như dân ngoại. Giờ đây Đức Kitô, chứ không phải Ngũ Thư, là đối tượng đức tin và việc làm cho mọi người dân thuộc về Thiên Chúa.

Với tư tưởng này Phaolô tự nhận mình là Tồng Đồ Dân Ngoại khi Ngài rao giảng cho mọi người biết Đức Kitô đến để được cứu rỗi loài người. Hơn nữa, công việc rao giảng có tính cách cấp bách vì Ngài (cũng như nhiều người đương thời) tin rằng Chúa Kitô sắp đến lần thứ hai (hay tận thế gần kề) (1 Thes 4:16-17).

Nếu bạn có câu hỏi liên hệ, xin viết về các địa chỉ sau đây:
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S. – hnguyen@stmarys.edu