LỜI MỜI GỌI VÀO HÀNH TRÌNH THANH LUYỆN NỘI TÂM

Kính thưa quí Cha rất thân mến,

Từ kinh nghiệm của những lần gặp gỡ và những lời chia sẻ của giáo dân trong những tháng vừa qua, tôi nghĩ đến một nhu cầu quan trọng của đời sống Linh mục và muốn chia sẻ với quý Cha đôi suy tư về nhu cầu này theo đề tài “Lời mời gọi vào hành trình thanh luyện nội tâm

1. Nhu cầu thanh luyện nội tâm

Tôi muốn bắt đầu bài chia sẻ bằng mấy dòng từ lá thư của một giáo dân :

“Thưa Cha, con cưới vợ đã nhiều năm. Vợ con là người đạo gốc, lại có bố là ông trùm và vợ con cũng là ca viên ca đoàn nhà thờ... Từ đó, con đã gạt bỏ các mối quan hệ khác để sống chung thủy với vợ con. Cuộc sống yên ổn, sinh được 5 người con. Dù cuộc sống nghèo khổ, vợ chồng vẫn thương nhau được 30 năm.

Gần 10 năm nay, kể từ ngày cho đi làm công đức nhà thờ, vợ con hay đi họp đêm, về đến nhà thường hay mắng chồng, rồi đóng sầm cửa phòng riêng lại, con thì ở ngoài, vì vợ con đem lòng thương yêu người đàn ông khác... Thời gian sau này, ra vào cô ấy tránh nhìn mặt con, lại thấy hay bấm điện thoại nhắn tin cho ai đó. Vợ chồng cứ sống giằng co như vậy, con thấy rõ ràng người đàn ông cũ vẫn còn đó. Con đau đớn và xấu hổ vô cùng.

Giờ đây, chịu đựng đã lâu, con quyết định ly dị vợ theo luật đạo, trả tự do lại cho vợ con muốn làm gì thì làm. Xin nhờ Đức Cha giải quyết giùm con
.”


Mấy dòng tâm sự trên đây của người giáo dân nhắc chúng ta nhớ đến nhu cầu chữa lành và hoà giải trong sứ vụ Linh mục của chúng ta. Tuy nhiên, mục đích chính yếu của việc trích lại lá thư trên đây không nhắm đến nhu cầu mục vụ, nhưng nhắm đến chính đời sống của chúng ta.

Đôi vợ chồng được nói đến trong lá thư đã chung sống hạnh phúc trong tình thương yêu 30 năm trời, cả trong hoàn cảnh nghèo khổ và đã có được với nhau 5 mụn con. Thế mà bây giờ bà vợ lại đem lòng thương yêu một người đàn ông khác, còn ông chồng thì đau khổ buồn bực và muốn xin ly dị. Những hoàn cảnh tương tự chắc không thiếu trong kinh nghiệm mục vụ của nhiều anh em Linh mục chúng ta. Thực ra, các đôi vợ chồng hạnh phúc không phải là những đôi vợ chồng không có vấn đề, nhưng là những đôi vợ chồng biết chiến thắng những vấn đề của cuộc đời và nhất là chiến thắng chính mình ; các vị thánh không phải là những người không có yếu đuối hay khuynh hướng xấu, nhưng là những người biết chiến đấu và chiến thắng các khuynh hướng tội lỗi của mình.

Từ những nhận xét trên đây về hoàn cảnh chung của con người, tôi muốn có đôi suy tư về đời sống linh mục của chúng ta. Có lần, khi còn ở Roma, tôi tham dự bữa cơm mừng sinh nhật 60 tuổi của một Cha dòng, giáo sư Thánh Kinh. Khi chào và chúc mừng ngài, tôi hỏi : “Hôm nay cha mừng sinh nhật 60 tuổi, cha cảm thấy thế nào ?” Ngài trả lời hết sức tự nhiên : “Bê bối hơn !” Câu trả lời có vẻ như một lời nói chơi, nhưng lại có thể là sự thật. Điều này có thể xảy ra đối với những ai không cẩn trọng điều khiển con người của mình và không chiến đấu để thanh luyện, những khuynh hướng xấu từ từ xuất hiện trong cuộc đời của mình. Trong trường này, thay vì như Con Trẻ Giêsu, “càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan và ơn thánh trước mặt Thiên Chúa và loài người” (Lc 2,51) thì người ta lại càng thêm tuổi, càng thêm tật xấu.

Đôi khi có xảy ra trường hợp một vị gây ra nhiều khó khăn cho người khác, nhưng hỏi lại thì thấy là thời kỳ được huấn luyện trong Chủng viện, không ai thấy có gì trầm trọng đáng quan tâm. Đây không nhất thiết là trường hợp “nín thở qua cầu”, nhưng chỉ vì trong Chủng viện không có hoàn cảnh để các khuynh hướng biểu lộ hoặc có thể vì luôn được nhắc nhở và vì có môi trường Chủng viện trợ lực, đương sự đã cố gắng giữ gìn. Tuy nhiên, vì đã không thực sự luyện tập để làm bật rễ khuynh hướng không trong lành, khi ra môi trường mục vụ, gặp sức lôi cuốn của hoàn cảnh và đương sự không tiếp tục chiến đấu với chính mình thì khuynh hướng đó lại chồi lên và bành trướng rõ ràng. Vì vậy, điều căn bản trong cuộc sống là luôn ý tứ nhận diện các tình cảm và ý tưởng thầm kín trong tâm hồn để, nếu cần, chiến đấu và thanh luyện để tâm hồn được hoàn toàn tự do, thanh thoát.

2. Nhận diện và thanh luyện nội tâm

a/ Tính cách hỗn độn của nội tâm


Trong lòng mỗi người, có thể có nhiều ao ước thánh thiện và quảng đại, nhưng đồng thời cũng thấy những sức mạnh của dục vọng, của tự ái, của tư lợi, v.v. Lòng con người có khác chi thửa đất trong đó có giống tốt và cỏ lùng cùng mọc lên (x. Mt 13,24-30). Chính tính cách hỗn độn này của nội tâm làm cho người ta dễ tự mâu thuẫn và nhiều khi lời nói và việc làm không ăn khớp với nhau. Vấn đề này có thể được cắt nghĩa bởi dụ ngôn Chúa nói về những người làm việc nhân danh Chúa : “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : ‘Lạy Chúa ! lạy Chúa !’ là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng : ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao ?’ Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ : ‘Ta không hề biết các ngươi ; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác !’ ” (Mt 7,21-23).

Lời trách mắng của Chúa thật dễ sợ, nói lên tất cả tính cách trầm trọng của vấn đề. Có điều lạ là Chúa quở trách rất nặng nề những người, nói cho cùng, đã làm những điều thiện, điều tốt có ích cho tha nhân. Tại sao vậy ? Lý do là vì việc làm thì tốt, nhưng lòng không tốt. Có thể họ đã lấy danh Chúa để phục vụ chính mình, đã dùng công việc của Chúa để thực hiện một tham vọng cá nhân. Lý do rất đơn giản, nhưng lại là cái cốt tủy của tất cả cuộc đời phục vụ của Linh mục. Nhiều người có thể cùng làm một công việc, nhưng lý do, mục đích và tinh thần thì rất khác, có thể còn trái ngược nhau nữa. Việc cử hành Thánh Lễ và các Bí tích là việc thánh thiêng, nhưng tâm tư thầm kín của vị Linh mục biết đâu lại không thánh thiêng ? Cũng thế, việc giúp đỡ phục vụ, tự bản tính, là một diễn tả của tình yêu, nhưng trong thực tế, có người phục vụ vì tình yêu Chúa thúc đẩy, người khác phục vụ chỉ vì tính tự nhiên thích phục vụ, người khác nữa phục vụ để trục lợi, để được khen ngợi, v.v. Chính vì vậy mà công việc từ thiện bác ái tự bản tính là công việc tốt và có tính cách xây đắp cuộc đời, trong thực tế lắm khi không những không xây đắp mà còn gây chia rẽ. Nhiều người suốt đời vất vả phục vụ người nghèo đói, bệnh tật mà trong tâm hồn vẫn đầy dẫy kiêu căng, hờn giận, áp bức, trục lợi. Công việc phục vụ của họ chẳng đem ơn ích cho chính họ, mà cũng chẳng xây đắp cuộc đời những người họ phục vụ. Chính vì vậy, việc thanh luyện nội tâm hết sức cần thiết nếu chúng ta muốn cho sứ vụ linh mục được tinh tuyền và làm lan toả hương thơm của tình yêu cứu độ của Chúa.

b/ Thanh luyện nội tâm

- Nhìn nhận sự yếu đuối và lỗi lầm

Bước căn bản đầu tiên trong hành trình thanh luyện nội tâm là khiêm nhường nhìn nhận trong lòng mình có những yếu đuối và những hướng chiều không lành mạnh. Nhưng chính đây lại là điểm khó khăn đầu tiên. Con người thường ngại nhìn nhận những yếu đuối của mình và nhiều khi còn tìm lý lẽ để bào chữa cho mình. Ngoài ra, người ta thường dễ nhìn thấy những sai sót của người khác và chỉ trích, nhưng lại không nhìn ra những sai sót của mình (x. Mt 7,1-5). Thực ra, đây là vấn đề chung của mọi người vì phát xuất từ bản tính loài người đã bị ô nhiễm bởi tội nguyên tổ. Ông Adam khi được Chúa hỏi vì sao ăn trái cấm, thay vì nhận tội mình, lại đổ tội cho bà Evà (x. St 3,13) để chạy tội, còn bà Evà thì đổ thừa cho con rắn (x. St 3,14).

- Thành thực với lòng mình

Tất cả mọi hoạt động của cuộc đời Linh mục chỉ nhắm có một mục đích duy nhất là đem Chúa đến cho đoàn Dân Chúa để xây đắp cuộc đời của họ để “họ được sống sung mãn” (Ga 10,10) theo gương Chúa Giêsu mục tử ; phục vụ Chúa và làm vinh danh Chúa, hay nói theo khẩu hiệu của thánh Ignazio Loyola : "Để Thiên Chúa được vinh hiển hơn". Trong thực tế, lắm khi một người nói là vì Chúa, tình thực Chúa chỉ là một lý do nhỏ hay chỉ là cái cớ, như đã được cắt nghĩa ở trên về dụ ngôn những người phục vụ nhân danh Chúa (x. Mt 7,21-23). Vì vậy, cần phải thành thực với lòng mình. Dám nhìn thẳng vào những động cơ thúc đẩy các lựa chọn và hành động của mình. Trong kinh nghiệm mục vụ, có khi một người lao mình làm việc trối chết, xả thân phục vụ xem ra rất quảng đại ; nhưng lắm khi lý do chính yếu lại là cạnh tranh hay vì hư danh hoặc một lợi lộc nào đó. Vì vậy, cần phải trở về nội tâm để dò hỏi lòng mình và gọi mỗi lý do, tâm tình và ý tưởng thầm kín với chính tên của nó. Nếu không chân thành nhìn nhận sự thật của lòng mình, chúng ta sẽ không thể bắt đầu hành trình dấn thân để thanh luyện cõi lòng được thanh thoát và tự do.

- Thanh thoát khỏi tất cả, kể cả những điều tốt

Để được hạnh phúc trong cuộc đời Linh mục và toàn tâm, toàn lực lo cho đoàn Dân Chúa, vị Linh mục cần phải thanh luyện cho lòng mình được tự do thanh thoát trước tất cả thụ tạo, kể cả những điều tốt. Các sách Tin Mừng cho thấy Chúa đòi các môn đệ Chúa phải từ bỏ những điều thật tốt : “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,26-27). Nếu vị Linh mục không làm cho lòng mình thanh thoát trước cả những điều tốt thì lòng của vị Linh mục đó sẽ rất hỗn độn và một vài điều tốt nào đó sẽ trở thành tuyệt đối và chiếm chỗ của Chúa trong lòng ngài. Chính vì thế, thánh Phaolô đã coi “tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,8-9).

Thực ra, nếu Linh mục nào dám chấp nhận “mất tất cả”, thì sẽ không mất gì, nhưng tìm lại được tất cả một cách trung thực. Tất cả sẽ trở lại đúng vị trí của chúng trong con tim của ngài. Đó là ý nghĩa lời Chúa trong sách Tin Mừng thánh Matthêu : "Ai yêu cha, yêu mẹ hơn Thầy, không đáng thuộc về Thầy... Ai muốn bảo vệ mạng sống mình thì sẽ mất mạng sống ; còn ai thí mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng, thì lại giữ được mạng sống" (Mt 10,37-39). Nói cho cùng thì vấn đề không phải do các thực tại gây ra, nhưng tại con tim của con người làm cho chúng ra méo mó. Không phải là các thực tại xấu, nhưng vì con tim của con người sa đọa.

Chính vì vậy, đời sống thiêng liêng của Linh mục thường được ví von như cuộc hành trình xuyên qua sa mạc. Khách lữ hành muốn băng qua sa mạc phải lên đường với ít hành trang. Nhưng rồi trong cuộc hành trình sẽ thấy là số ít hành trang mang theo vẫn còn quá nặng, quá cồng kềnh và cản trở cuộc lữ hành. Do đó, từ từ phải vất bỏ tất cả những gì không tối cần thiết, và sau cùng phải vất tất cả, chỉ giữ lại một vật duy nhất. Đó là nước. Có thể thiếu tất cả, nhưng nếu thiếu nước thì sẽ chết khô trong sa mạc.

Hành trình thanh luyện cõi lòng đòi phải quyết tâm và cố gắng để chiến đấu với nhiều điều luôn tìm cách quyến rũ tâm trí. Xin hãy tin tưởng là với sức mạnh của ơn thánh và sự cố gắng của bản thân, chúng ta sẽ chiến thắng. Xin Đức Mẹ là Mẹ của các Linh mục, là Đấng đã nói lời “Xin vâng” và đã hiến dâng trọn cuộc đời để thực hiện thánh ý Thiên Chúa đồng hành và hướng dẫn chúng ta trong nỗ lực chiến đấu để thanh luyện lòng trí cho tinh tuyền.

Với lòng quý mến và tin tưởng, xin chào quí Cha.