Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân tiếp tục gây ra các phản ứng từ nhiều phía. I. Media của Ý có bài nhận định nhan đề “L’arresto del cardinale Zen è una sfida per il Vaticano”, nghĩa là “Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Quân là một thách đố đối với Vatican”. Bản dịch sang tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Vụ bắt giữ vị Hồng Y ủng hộ dân chủ đặt ra nhiều câu hỏi về chiến lược cải thiện quan hệ với Trung Quốc của Giáo Hội Công Giáo.

Bị bắt và sau đó được tại ngoại vào ngày 11 tháng 5 năm 2022, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục hiệu tòa của Hương Cảng, xuất hiện hơn bao giờ hết như là hiện thân của sự phản kháng của Hương Cảng trước sự bóp nghẹt ngày càng chặt chẽ của Bắc Kinh. Bản cáo trạng nhắm vào ngài bởi cơ quan tư pháp địa phương về tội “thông đồng với một thế lực nước ngoài” đang gây ra “mối quan ngại lớn” từ phía Vatican, nơi đã gặp nhiều khó khăn trong mối quan hệ hợp tác với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong những năm gần đây.

Đức Hồng Y Quân bị buộc tội cùng với bốn thành viên khác trong hội đồng quản trị của “Quỹ cứu trợ nhân đạo 612”, một hiệp hội ban đầu nhằm tài trợ cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng. “Các cá nhân bị nghi ngờ có âm mưu và cấu kết với nước ngoài hoặc lực lượng nước ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia - một hành động có tính chất nghiêm trọng”, Văn phòng Ủy viên, cơ quan đại diện Bộ Ngoại giao Bắc Kinh tại Hương Cảng, cho biết trong một tuyên bố.

Phản hồi chính thức của Giáo hội

Tuyên bố của Tòa Thánh, được đưa ra vài giờ sau khi thông báo về việc bắt giữ Hồng Y Quân, cho biết Tòa Thánh đang theo dõi vụ việc “rất chặt chẽ” nhưng không bình luận gì thêm. Giáo phận Hương Cảng, do Giám mục Dòng Tên 62 tuổi Stêphanô Châu Thủ Nhân (Chow Sau-yan, 周守仁 ), đứng đầu kể từ tháng 12 năm 2020, đã mất hơn 20 giờ để đưa ra một tuyên bố chính thức, là một dấu hiệu cho thấy tính chất tế nhị của vụ việc. Giáo phận cho biết họ “vô cùng lo ngại” và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý “sự việc” theo cách “tôn trọng luật pháp” và duy trì tự do tôn giáo “theo Luật Cơ bản”.

Khung pháp lý của Đặc khu hành chính Hương Cảng so với “Đại lục”, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là trung tâm của cuộc đấu tranh quyền lực căng thẳng giữa những người ủng hộ cho dân chủ và ngoại lệ Hương Cảng, bao gồm cả Đức Hồng Y Quân, và những người mà kể từ năm 2014 đã chủ trương gắn bó dần dần với đại lục.

Một bước quan trọng trong cuộc đối đầu này là việc nhà cầm quyền Hương Cảng thông qua luật an ninh quốc gia vào ngày 30 tháng 6 năm 2020. Đạo luật này, do Bắc Kinh áp đặt, đã mở ra cánh cửa cho một cuộc đàn áp các phong trào ủng hộ dân chủ, một xu hướng từ đó đến nay. Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Quân chỉ là vụ bắt giữ mới nhất trong một danh sách dài các vụ bỏ tù, trong đó nổi tiếng nhất là vụ bắt giữ Ông Jimmy Lai, chủ của tờ báo chống Bắc Kinh Apple Daily (bị chính quyền đóng cửa vào năm 2021) và là người hỗ trợ tài chính lớn cho giáo phận Hương Cảng và Đức Hồng Y Quân.

Trong trường hợp bắt giữ này, cũng như nhiều lần trong những năm gần đây, một số nhà hoạt động Hương Cảng đã chỉ ra sự rụt rè rõ ràng của Giáo Hội Công Giáo khi đối phó với Bắc Kinh về vấn đề Hương Cảng. Cần lưu ý một sự thật oái oăm là người đứng đầu chính quyền Hương Cảng hiện nay, Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-ngor, 林鄭月娥) và người kế nhiệm bà ta là ông Lý Gia Siêu (John Lee, 李家超), người được bầu vào ngày 8 tháng 5 mà không có ứng viên đối thủ, đều là người Công Giáo.

Phê bình Tòa Thánh

Tòa Thánh đã bị chỉ trích vì chính sách “Ostpolitik” kể từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô. Chính sách này được thể hiện cụ thể bởi Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, một tín đồ của Hồng Y Casaroli. Sự hợp tác này của Vatican với Trung Quốc Cộng sản - hoạt động trên cơ sở tương tự như những gì đã được thông qua trong những năm gần đây với Việt Nam – bị Đức Hồng Y Quân cho là làm suy yếu sự ủng hộ của Tòa Thánh đối với các đối thủ của Bắc Kinh, đặc biệt là Đài Loan và Hương Cảng, và cả đối với những người thuộc “Giáo hội thầm lặng”, một Giáo Hội tử đạo và có tính lịch sử của Giáo Hội Công Giáo chống lại Giáo hội yêu nước, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Việc ký kết vào năm 2018 các thỏa thuận mục vụ - với các điều khoản vẫn còn bí mật cho đến ngày nay - giữa đại đế Tập Cận Bình và Tòa Thánh về việc bổ nhiệm các giám mục đã kích động sự giận dữ của vị giám mục cấp cao Hương Cảng, người từng lên án sự hợp tác này là “phản bội” và “thỏa hiệp.” Ngài liên tục công kích Đức Hồng Y Parolin trên báo chí, thậm chí cáo buộc Hồng Y Parolin là “nói dối không chớp mắt”. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Quân đã cố gắng không thành công trong việc trình bày lý lẽ của mình với Đức Giáo Hoàng.

Hương Cảng và Tòa Thánh

Hương Cảng đóng một vai trò quan trọng đối với Tòa Thánh, nơi đã thiết lập “cơ sở” ngoại giao của mình ở đó để thảo luận kín đáo với Bắc Kinh. Điều đáng chú ý là thông qua chiếc ăng-ten kín đáo này, tin tặc Trung Quốc đã thành công trong việc thực hiện một cuộc tấn công mạng vào hệ thống nội bộ của Vatican trong mùa hè năm 2020, một sự thật đã được một nhà ngoại giao Vatican xác nhận với I.MEDIA.

Việc bắt giữ Đức Hồng Y Quân đặt ra một vấn đề lớn đối với Tòa Thánh. Tòa Thánh có nghĩa vụ phải bảo vệ quyền lợi của vị giáo phẩm cấp cao, một thành viên của Hồng Y Đoàn. Hơn nữa, Đức Hồng Y Quân có nhiều người ủng hộ ở Hoa Kỳ, nơi vấn đề tự do tôn giáo là một trong những trục lịch sử giữa các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa nhằm phản đối sự trỗi dậy của đối thủ Trung Quốc. Mối quan hệ của ngài với Hoa Kỳ đã được những người ủng hộ chế độ cộng sản chỉ ra như một bằng chứng cho cáo buộc “cấu kết với thế lực nước ngoài”.

Đồng thời, Tòa Thánh lại không muốn mất đi một số tiến bộ đã đạt được trong bốn năm qua - đã cho phép bổ nhiệm 13 giám mục, chỉ sáu trong số 13 vị này được bổ nhiệm sau khi thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc được ký kết. Điều này càng quan trọng hơn vì thỏa thuận phải được hai bên gia hạn vào tháng 10 tới, và Tòa Thánh đã thông báo rằng các ngài muốn ký một thỏa thuận “dứt khoát”.

Không giống như tình hình ở Ukraine?

Được I.MEDIA liên hệ, hai nhà ngoại giao của Tòa Thánh đã so sánh tình hình ở Trung Quốc với tình hình mà Tòa Thánh ở Ukraine phải đối mặt, khi Tòa Thánh bị mắc kẹt giữa những người Công Giáo Ukraine và mong muốn tăng cường quan hệ với Chính thống giáo Nga. Đức Hồng Y Quân dường như cũng có mối liên hệ này: Trong những tuần gần đây, ngài đã đăng nhiều bài báo về tin tức Ukraine, trong đó đặt câu hỏi về chính sách không lên án Nga của Tòa Thánh.

Phản ứng về vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nhà nghiên cứu người Ý Francesco Cisci cho rằng đó là một sai lầm lớn của Bắc Kinh: “Có lẽ không phải là điều khôn ngoan nhất khi bắt một người đàn ông 90 tuổi, người, bất kể tình trạng của người ấy thế nào đi chăng nữa, cũng không thể quá nguy hiểm và thực sự chỉ trở nên nguy hiểm sau vụ bắt giữ này.” Theo quan điểm của ông, chính phủ Trung Quốc đang liều lĩnh làm căng thẳng thêm tình hình ở Hương Cảng sau vụ bắt giữ, nhằm đặt Tòa Thánh - thực thể duy nhất có thể kiên trì đối thoại trong mọi hoàn cảnh - vào một vị trí nhượng bộ khi nối lại các cuộc đàm phán.

Một dấu hiệu, xảy ra vài giờ sau vụ bắt giữ, có thể hỗ trợ phân tích này: chính quyền Hương Cảng khăng khăng rằng việc bắt giữ Hồng Y Quân “hoàn toàn không liên quan đến nghề nghiệp hoặc nguồn gốc tôn giáo của những người bị bắt.”

Khi rời đồn cảnh sát Sài Loan(Chai Wan, 柴灣) của Hương Cảng vào cuối ngày 11 tháng 4, Đức Hồng Y Quân không nói một lời nào trước đám đông nhà báo. Giờ đây, những lời của ngài, tại Công Nghị Tấn Phong Hồng Y năm 2006, thúc giục đổ “máu đào để phát triển đức tin Kitô” có thể có tác động thực sự trong những tuần tới, vượt xa cả Vịnh Hương Cảng.
Source:Aleteia