1. Các tân Hồng Y và Đức Giáo Hoàng Phanxicô viếng thăm Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI

Đức Thánh Cha Phanxicô và các tân Hồng Y đã đến thăm Giáo hoàng Danh dự Bênêđictô XVI tại Tu viện Mẹ Giáo Hội sau thánh lễ tấn phong Hồng Y được tổ chức vào chiều thứ Bảy tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đầy xúc động, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào Đức Bênêđíctô XVI một cách đầy tình cảm và làm dấu thánh giá trên trán ngài. Sau đó, các tân Hồng Y lần lượt giới thiệu về mình và trao đổi những thông điệp ngắn gọn.

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết “sau khi nhận được phép lành, cùng với lời chúc của Đức Thánh Cha Phanxicô và cùng nhau đọc Kinh Salve Regina tức là Kinh Lạy Nữ Vương, các vị tân Hồng Y đã đến Dinh Tông Tòa hoặc Hội trường Phaolô Đệ Lục để tiếp các vị khách đến chúc mừng”.

Đức Bênêđíctô XVI, 95 tuổi, đã đích thân tham gia vào hai trong số công nghị tấn phong Hồng Y được Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập: ngày 22 tháng 2 năm 2014 và ngày 15 tháng 2 năm 2015.

Kể từ năm 2015, sau khi tham gia mở Cửa Thánh cho Năm Thánh Ngoại thường Lòng Chúa Thương Xót, sự hiện diện công khai của Đức Bênêđíctô XVI đã giảm đi đáng kể và kể từ công nghị tấn phong Hồng Y 2016, các tân Hồng Y luôn đến thăm Đức Giáo Hoàng Danh dự tại Tu viện Mẹ Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô có phong tục viếng thăm Đức Bênêđíctô XVI vào Lễ Phục sinh và Lễ Giáng Sinh. Chuyến thăm cuối cùng của ngài là vào ngày 13 tháng 4 năm 2022, vào đêm trước Lễ Phục sinh và ba ngày sau sinh nhật lần thứ 95 của Giáo hoàng Danh dự.
Source:Catholic News Agency

2. Cuộc đàn áp dữ dội của Ortega đối với Giáo Hội đã đặt vấn đề đối với 'Giao thức Gallagher' của Vatican

Để đối phó với cuộc đàn áp Giáo Hội ở Nicaragua, Tòa Thánh đang tuân thủ nghiêm ngặt Giao thức Gallagher.

Nhưng Giao thức Gallagher không được tuân theo ở những nơi khác, thậm chí ngay cả ở Ý. Khi các Hồng Y từ khắp nơi trên thế giới đến Rôma trong tuần này, liệu chính Đức Tổng Giám Mục Gallagher có thể thuyết phục họ kiềm chế các cuộc phản đối liên quan đến một giám mục anh em bị chế độ của Daniel Ortega bắt đi không?

Vào tháng 6 năm 2021, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh đã giải thích lý do tại sao Tòa Thánh im lặng trước cuộc đàn áp khốc liệt đối với Giáo Hội ở Hương Cảng.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói: “Ta có thể nói rất nhiều, có thể nói được là, những từ thích hợp để được báo chí quốc tế và nhiều nơi trên thế giới đánh giá cao, nhưng tôi - và nhiều đồng nghiệp của tôi – thấy vẫn chưa thuyết phục rằng lên tiếng như thế sẽ tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào”.

Hãy gọi đó là Giao thức Gallagher. Giao thức ấy có nghĩa là những người Công Giáo dưới sự đàn áp của các chế độ không bị lay chuyển bởi các phản đối ngoại giao đừng nên mong đợi sự ủng hộ hùng hồn từ Vatican. Cuộc đàn áp càng khốc liệt, Vatican càng im lặng.

Giao thức Gallagher giải thích tại sao Tòa Thánh lại mở rộng, nếu không muốn nói là cuồng nhiệt, trong các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, nhập cư, vũ khí thông thường và hạt nhân, đầu cơ tài chính, giảm nợ, sử dụng nhựa và thất nghiệp. Nó cũng có thể giải thích tại sao một số cuộc xung đột trên thế giới - ví dụ như trường hợp người Rohingya ở Miến Điện - được Đức Giáo Hoàng lên án, nhưng sự đàn áp ở Trung Quốc, Venezuela và Nicaragua thì không. Các nhà ngoại giao của Tòa Thánh, dẫn đầu bởi Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Tổng giám mục Gallagher, không tin rằng điều đó sẽ tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào.

Đó là một tuyên bố khó thuyết phục đối với lời khai của những người bất đồng chính kiến, những người báo cáo đã được nâng đỡ tinh thần bởi sự minh bạch của các nhà lãnh đạo ở nước ngoài. Ví dụ, hãy xem xét trường hợp Natan Sharansky giải thích cách anh ta nghe thấy trong một nhà tù của Liên Xô rằng Tổng thống Ronald Reagan đã gọi Liên Xô là một “đế chế xấu xa”. Khi đó anh biết rằng chủ nghĩa cộng sản đã đến hồi kết thúc.

Tuy nhiên, Giao thức Gallagher ngự trị ở Rôma, như đã thấy rõ khi Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân bị bắt vào tháng Năm. Các quan chức cấp cao của Vatican đã im lặng, và văn phòng báo chí của Tòa Thánh chỉ lưu ý rằng họ “quan tâm đến vụ bắt giữ” và đang “theo dõi diễn biến của tình hình với sự chú ý cao độ”.

Chế độ của Daniel Ortega ở Nicaragua đã gia tăng các cuộc tấn công vào Giáo Hội trong nhiều năm, với việc chính Ortega tố cáo các giám mục của đất nước là “những kẻ khủng bố”. Các ngài đã phản đối những nỗ lực của ông nhằm nâng cao quyền lực hơn bao giờ hết cho bản thân bằng cách thay thế một cách hiệu quả nền dân chủ của Nicaragua bằng một nhà nước độc đảng.

Đức Cha Rolando Álvarez của Matagalpa là giám mục nổi bật nhất phản đối sự đàn áp của Ortega ở một quốc gia mà theo báo The New York Times, “Giáo Hội Công Giáo Rôma là thể chế duy nhất đã thoát khỏi sự kiểm soát của Ortega sau 15 năm cai trị không ngừng nghỉ”.

Ortega đang cố gắng thay đổi điều đó. Ông ta đã đóng cửa các đài phát thanh Công Giáo, bắt giữ các giáo sĩ và thậm chí còn đuổi đoàn Thừa sai Bác ái của Mẹ Teresa ra khỏi đất nước. Tòa Thánh đã chọn một thái độ im lặng, điều đó cũng đã được báo trước khi Ortega trục xuất sứ thần Tòa Thánh, là Tổng giám mục Waldemar Sommertag, vào tháng 3 năm 2022.

Đức Cha Álvarez đã bị giam lỏng hai tuần trong Tòa Giám Mục của mình, không được phép vào nhà thờ chính tòa của ngài. Vào thứ Sáu, ngày 19 tháng 8, cảnh sát đột kích vào nhà của Đức Cha, bắt ngài và tám người bạn đồng hành, bao gồm cả các chủng sinh, và quản thúc họ tại Managua.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã từ chối không đề cập đến tên vị giám mục hoặc việc bắt giữ ngài, mà chỉ giới hạn trong việc kêu gọi “đối thoại cởi mở và chân thành”. Giao thức Gallagher đã có hiệu lực đầy đủ.

Tuy nhiên, ở những nơi khác, Giao thức Gallagher không được tuân thủ.

Rõ ràng là từ chối thẳng những lời kêu gọi “đối thoại” của Đức Giáo Hoàng, Giám mục Nicaragua Silvio Báez nói, “Cần phải đòi hỏi tự do. Chúng ta không được thương lượng với Ortega. Chúng ta phải đòi tự do, vì họ vô tội “.

Giám mục Báez là Giám Mục Phụ Tá của Managua. Vào năm 2019, sự phản đối thẳng thắn của ngài đối với sự đàn áp của Ortega khiến ngài liên tục bị đe dọa tử vong. Đáp lại, và trái với ý muốn của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra lệnh lưu đày Đức Cha Báez vì sự an toàn của bản thân. Ngài hiện sống ở Miami.

Với việc Đức Cha Báez bị lưu đày và Đức Cha Álvarez bị quản thúc tại gia, Ortega đã đối phó với hai nhà phê bình thẳng thắn nhất của ông ta trong số các giám mục. Các giám mục anh em của họ sẽ tiếp nhận sự nghiệp của họ - và không chỉ ở Nicaragua mà thôi.

Thật vậy, trong một tuyên bố đáng chú ý, Đức Hồng Y Matteo Zuppi - một cộng sự viên thân cận của Đức Thánh Cha Phanxicô, vừa được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý - đã xé toạc Giao thức Gallagher trong một bản tố cáo chi tiết về cuộc đàn áp tôn giáo của Ortega.

“Với sự thất vọng và hoài nghi, chúng tôi nhận được tin tức về những cuộc đàn áp khắc nghiệt mà dân Chúa và các mục tử của họ đang phải trải qua vì lòng trung thành với Phúc âm của công lý và hòa bình,” Đức Hồng Y Zuppi viết trong một bức thư công khai gửi các giám mục Nicaragua. “Trong những tuần gần đây, chúng tôi lo ngại về các quyết định của chính phủ đối với cộng đồng Kitô giáo, cũng được thực hiện thông qua việc sử dụng vũ lực của quân đội và lực lượng cảnh sát. Gần đây, chúng tôi đã biết về việc bắt giữ Đức Cha Rolando José Álvarez Lagos, Giám mục của Matagalpa, cùng với những người khác, bao gồm các linh mục, chủng sinh và giáo dân.”

Gọi đó là “hành động hết sức nghiêm trọng”, các giám mục Ý kêu gọi khôi phục quyền tự do tôn giáo hoàn toàn ở Nicaragua.

Các giám mục Tây Ban Nha cũng đã đưa ra một tuyên bố tương tự.

Đức Hồng Y Leopoldo Brenes của Managua sẽ ở Rome khi Hồng Y Đoàn nhóm họp. Các Hồng Y anh em của ngài sẽ muốn nghe về chuyến thăm của ngài đến gặp Đức Cha Álvarez đang bị quản thúc tại gia. Và họ sẽ muốn nghe về việc liệu Giao thức Gallagher là một niềm an ủi hay một gánh nặng cho người Công Giáo Nicaragua.
Source:National Catholic Register

3. 'Đêm đen' của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở Nicaragua

Vào ngày 7 tháng 2 năm 1996, trong chuyến công du thứ hai đến Nicaragua, khi đó, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi chuyến thăm của ngài vào năm 1983 là một “đêm đen vĩ đại”.

“ Tôi nhớ buổi lễ 13 năm trước; nó diễn ra trong bóng tối, trong một đêm đen vĩ đại,” vị Giáo Hoàng hành hương nói trong thánh lễ mà ngài cử hành ở Managua với các gia đình của đất nước.

Trong thánh lễ năm 1996, Đức Giáo Hoàng Ba Lan đã nâng nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội El Viejo lên hàng vương cung thánh đường, nơi người dân Nicaragua tôn kính “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Cực Thanh Cực Tịnh” để “Mẹ luôn là Mẹ Maria của Nicaragua.”

Ở đất nước Trung Mỹ - và như đã được nghe gần đây ở Managua - cụm từ “Đức Maria đến từ Nicaragua và Nicaragua thuộc về Đức Maria” là phổ biến, do tình yêu lớn lao mà người Công Giáo ở đó dành cho Mẹ Thiên Chúa, một tình cảm không cúi đầu xuống sự đàn áp của chế độ độc tài.

Đêm tối

Chiếc máy bay Alitalia đưa Đức Gioan Phaolô II đến Nicaragua hạ cánh lúc 9:15 sáng theo giờ địa phương ngày 4/3/1983.

Tại Managua, các nhà chức trách của Ủy ban Hành Pháp Sandinista đang chờ đợi Đức Giáo Hoàng, bao gồm cả điều phối viên quân sự, Daniel Ortega, người cùng với vợ là Rosario Murillo, hiện đang lãnh đạo chế độ độc tài Nicaragua hiện tại.

Đức Giáo Hoàng Ba Lan đến một đất nước đang bên bờ vực nội chiến.

Theo tin tức trực tuyến Nicaragua Investiga, có một biểu ngữ tại sân bay với nội dung “Chào mừng đến với Nicaragua tự do, cảm ơn Chúa và cuộc cách mạng.” Trong bối cảnh này, Ortega đã có một bài phát biểu ủng hộ chế độ Sandinista.

Đức Gioan Phaolô II đã gửi lời chào đến các nhà chức trách khác đang chờ đợi ngài, cũng như Ernesto Cardenal, một linh mục và nhà hoạt động thần học giải phóng ảnh hưởng chủ nghĩa Marx, người đang giữ chức vụ bộ trưởng văn hóa của chế độ, một điều không phù hợp với sứ vụ của các linh mục Công Giáo.

“Khi ngài đến chỗ tôi, tôi đã làm những gì tôi đã định làm trong trường hợp này: cởi mũ nồi và quỳ xuống hôn chiếc nhẫn của ngài. Ngài không cho tôi hôn nó, và vẫy ngón tay như thể nó là một cây gậy, ngài nói với tôi bằng giọng trách móc: Anh phải điều chỉnh hoàn cảnh của mình. Vì tôi không trả lời bất cứ điều gì, ngài đã lặp lại điều đó một lần nữa,” Cardenal kể lại trong cuốn sách “Cuộc cách mạng đã mất”.

Trong bài diễn văn khai mạc, Đức Gioan Phaolô II nói rằng ngài sẽ đến Nicaragua “nhân danh Đấng đã hiến mạng sống mình vì tình yêu vì sự giải phóng và cứu chuộc mọi người. Tôi muốn đóng góp phần mình để sự đau khổ của những người dân vô tội trong khu vực này trên thế giới chấm dứt; để những xung đột đẫm máu, hận thù và những lời buộc tội vô ích chấm dứt, để lại không gian cho những cuộc đối thoại chân thực.”

Ngoài Cardenal, các linh mục khác cũng là một phần của chính phủ: anh trai của ông là Fernando là Bộ Trưởng Thanh niên Cách Mạng Sandinista, Miguel d'Escoto là bộ trưởng ngoại giao, và Edgar Parrales là một nhà ngoại giao.

Hugo Torres, khi đó là người đứng đầu lãnh đạo chính trị của Quân đội Nicaragua trong những năm đó, nhớ lại rằng có một lực lượng an ninh nghiêm ngặt để bảo vệ giáo hoàng, cũng bởi vì một ngày trước khi giáo hoàng đến, 17 người Sandinistas trẻ tuổi đã bị giết bởi phe “Contras”, là nhóm được tài trợ bởi Hoa Kỳ đã tham gia vào một cuộc nội chiến với Sandinistas trong một thập kỷ.

Sau đó, Đức Gioan-Phaolô II đã đi trực thăng đến León, nơi ngài nói một vài lời ngắn gọn với các tín hữu hiện diện trước khi trở về Managua.

Những gián đoạn trong Thánh lễ và phản ứng của Đức Thánh Cha

Vào đầu thánh lễ và trước hàng trăm ngàn người hiện diện, tổng giám mục lúc bấy giờ của Managua, là Đức Tổng Giám Mục Miguel Obando Bravo, đã chào mừng Đức Gioan Phaolô II và so sánh chuyến thăm của ngài với một cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII tới một nhà tù ở Rôma.

Trong bài giảng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngoài việc các tín hữu cổ vũ giáo hoàng và Obando - người sau này trở thành Hồng Y - các nhóm Sandinistas cũng hô vang các khẩu hiệu ủng hộ cuộc cách mạng của họ.

“Giữa Kitô giáo và cách mạng không có mâu thuẫn,” “Quyền lực thuộc về nhân dân”, “Nhân dân đoàn kết sẽ không bao giờ bị đánh bại”, “Giáo Hội của nhân dân” và “Chúng tôi muốn hòa bình” là một số khẩu hiệu mà họ hô vang.

Tiếng la hét khiến Đức Giáo Hoàng tức giận. Ngài đã nhiều lần yêu cầu im lặng và cuối cùng nói với họ: “Im lặng. Giáo Hội là những người đầu tiên muốn có hòa bình”.

Theo tờ El País của Tây Ban Nha, Đức Gioan-Phaolô II cũng đã bỏ ngang bài giảng đã dọn sẵn và nói: “Hãy coi chừng những tiên tri giả. Họ khoác lên mình bộ áo cừu, nhưng bên trong lại là những con sói hung dữ”.

Vào cuối thánh lễ, các Sandinistas chơi bài ca của họ, sau đó Đức Giáo Hoàng được đưa đến sân bay, nơi ngài được đón tiếp bởi nhà độc tài hiện tại Ortega, người đã trách móc ngài vì đã bỏ đi mà không cầu nguyện cho 17 thanh niên bị giết bởi Contras và biện minh cho tiếng la hét của Sandinistas trong Thánh lễ.

“Đức Giáo Hoàng đã không cầu nguyện cho những người đã chết bởi vì, theo tôi, ngài nghĩ rằng bất kỳ từ nào ngài nói về vấn đề đó có thể được hiểu là một từ ủng hộ cuộc cách mạng,” Hugo Torres nhớ lại.

Trong bài phát biểu từ biệt của mình, John Paul II đã không đáp lại các cuộc tấn công của Ortega mà thay vào đó bày tỏ lời cảm ơn về sự chào đón mà ngài đã nhận được và khuyến khích các Kitô hữu.

“Hãy trung thành với đức tin của anh chị em và với Giáo Hội, tôi ban phước cho anh chị em từ trái tim tôi - đặc biệt là người già, trẻ em, người bệnh và những người đau khổ - và tôi cam đoan với anh chị em về lời cầu nguyện bền bỉ của tôi với Chúa, để Ngài có thể giúp anh chị em tại mọi thời điểm,” vị giáo hoàng hành hương nói.

“Xin Chúa phù hộ cho Giáo Hội này. Chúa phù hộ và bảo vệ Nicaragua! Xin được như thế”, ngài kết luận.
Source:Catholic News Agency