Cuộc gặp gỡ giữa Đức Hồng Y Matteo Zuppi và Thượng Phụ Kirill tại Mạc Tư Khoa.
Hôm 29 tháng 6, tại Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa và cũng là nơi đặt trụ sở Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga trong Tu viện Danilov, Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga đã tiếp Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, người đã đến Nga trong một sứ mệnh hòa bình đặc biệt thay mặt cho Đức Thánh Cha Phanxicô.
Cuộc họp cũng có sự tham dự của Đức Tổng Giám Mục Anthony của Volokolamsk, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, linh mục trưởng Nikolai Balashov, Cố vấn của Thượng phụ Mạc Tư Khoa, và linh mục Filaret Bulekov, Phó Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa.
Tháp tùng Đức Hồng Y Matteo Zuppi có Đức Tổng Giám Mục Giovanni D'Agnello, Sứ thần Tòa Thánh tại Liên bang Nga, Đức ông Peter Tarnavsky, Tham tán tại tòa Sứ thần Tòa Thánh tại Liên bang Nga, Đức ông Paul Butnaru, thành viên Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Giáo sư Adriano Roccucci, Phó Chủ tịch Cộng đoàn Thánh Egidio.
Người đứng đầu Giáo hội Chính thống có ảnh hưởng của Nga, Thượng phụ Kirill, nói với đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Năm rằng các giáo hội nên làm việc cùng nhau để ngăn chặn “những diễn biến chính trị tiêu cực và phục vụ sự nghiệp hòa bình và công lý”.
Kirill là người ủng hộ mạnh mẽ quyết định của Tổng thống Vladimir Putin đưa quân vào Ukraine, trong khi Đức Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột vốn đã phá hủy các làng mạc và thị trấn của Ukraine, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và khiến hàng triệu người khác phải rời bỏ quê hương và nhà cửa của họ.
“Tôi nghĩ rằng ngày nay các Giáo Hội có thể thông qua những nỗ lực chung của họ để ngăn chặn sự phát triển tiêu cực của các sự kiện chính trị và phục vụ cho hòa bình và công lý,” Kirill nói với Đức Hồng Y Matteo Zuppi.
“Điều rất quan trọng là trong thời điểm khó khăn này, các cộng đồng Kitô giáo ở phương Đông và phương Tây tham gia vào quá trình hòa giải này,” Thượng phụ nói thêm.
Đức Hồng Y Zuppi, người đang trong ngày thứ hai của chuyến đi đến Mạc Tư Khoa, nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha Phanxicô rất muốn nghe trực tiếp quan điểm của Kirill về tình hình Ukraine.
Quan điểm của Thượng Phụ Kirill được trình bày trong cuộc gặp gỡ là hòa bình sẽ được lặp lại một khi các quốc gia phương Tây ngưng tức khắc các viện trợ khí tài chiến tranh cho Ukraine. Với tất cả sự tôn trọng cần thiết, cần phải nói thẳng rằng Thượng Phụ Kirill nói chuyện như một thằng trẻ con. Người Ukraine đã nhiều lần nói thẳng rằng nếu không có viện trợ của phương Tây, họ sẽ mất nước trước một quốc gia xâm lược mà tất cả mọi chỉ số từ nhân lực đến các khí tài chiến tranh đều ít nhất là gấp 10 lần họ. Tuy nhiên, sau khi mất nước họ sẽ tiếp tục đánh chiến tranh du kích. Nền hòa bình mà Thượng Phụ Kirill đề cập đến không phải là một nền hòa bình công chính và cũng chẳng lâu dài. Nếu nói chuyện như một người lớn trưởgng thành, Thượng Phụ Kirill phải nói rằng quân đội của Putin phải rút hết về nước. Hòa bình sẽ đến ngay ngày hôm nay.
Trước đó, Đức Hồng Y Zuppi đã thảo luận các vấn đề nhân đạo liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và bảo vệ nhân quyền với Ủy viên phụ trách trẻ em của Nga Maria Lvova-Belova.
Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, vào tháng 3 đã ban hành lệnh bắt giữ cả Lvova-Belova và Tổng thống Vladimir Putin, cáo buộc họ phạm tội ác chiến tranh là trục xuất trái phép hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine.
Mạc Tư Khoa cho biết lệnh này vô hiệu về mặt pháp lý vì Nga không phải là thành viên của ICC. Nó cũng phủ nhận cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Ukraine.
Nga đã không che giấu một chương trình đưa hàng nghìn trẻ em Ukraine đến Nga, nhưng thể hiện đó là một chiến dịch nhân đạo để bảo vệ trẻ mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi trong vùng chiến sự.
Đức Hồng Y Zuppi đã có cuộc hội đàm hôm thứ Tư với một trong những cố vấn của Putin, Yuri Ushakov, mà Vatican cho biết đã diễn ra tốt đẹp.
Phát ngôn nhân của Putin, Dmitry Peskov, hôm thứ Năm cho biết Điện Cẩm Linh “đánh giá cao những nỗ lực và sáng kiến của Vatican nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine”.