(CNS) Cuối năm 2003, tờ La Civilta Cattolica của dòng Tên tại Rôma đăng một bài của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger chỉ trích thái độ đa văn hóa mất gốc “thường xuyên được cổ võ cuồng nhiệt, khích lệ và nâng đỡ” tại Âu Châu vì nó “dẫn đến sự từ bỏ và chối từ bản sắc của mình”.

Bài báo chỉ ra rằng “trong gần suốt một ngàn năm qua Châu Âu thường xuyên dưới sự đe dọa thường trực của Hồi Giáo, mà trong hai lần đã đe dọa sự sống còn của lục địa này”. Bài báo cũng nêu bật việc đối xử tàn tệ người Kitô Giáo tại các nước nơi Hồi Giáo chiếm đa số.

Chính vì thế, khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được bầu vào ngôi vị Giáo Hoàng, các nhà bình luận tin rằng đường lối ngoại giao của Đức Bênêđíctô XVI sẽ có những nét khác biệt hơn với Đức Gioan Phaolô II phản ánh những lo ngại của Đức Bênêđíctô XVI trước sự bành trướng của chủ nghĩa Hồi Giáo cuồng tín, sự phát triển chóng mặt của Hồi Giáo tại Âu Châu và nạn khủng bố trên thế giới.

Cuộc chiến tại Li Băng đang làm nhiều quan sát viên ngạc nhiên nhận ra rằng đường lối ngoại giao của Đức Bênêđíctô XVI có thể nói được là đồng nhất gần như hoàn toàn với vị tiền nhiệm của ngài.

Việc Tòa Thánh liên tục kêu gọi ngưng bắn tức khắc và vô điều kiện làm rõ sự bất đồng căn bản giữa Vatican với Hoa Kỳ và các nước phương Tây. Ủng hộ Do Thái, Hoa Kỳ chủ trương một cuộc ngưng bắn với những điều kiện mà tối hậu nhắm vào việc giải giới lực lượng Hezbollah. Trong khi đó, Đức Thánh Cha và Đức Hồng Y Angelo Sodano yêu cầu ngưng bắn tức khắc, không một điều kiện nào vì chẳng có thể đạt được điều gì qua cuộc chiến này.

Khi ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Condoleeza Rice tuyên bố vào cuối tháng 7 vừa qua rằng cuộc chiến tại Li Băng tiêu biểu cho “cơn chuyển bụng của một Trung Đông mới sắp chào đời” (the new birth pangs of a new Middle East). Tòa Thánh lập tức chú ý đến câu nói này. Một tuần sau đó, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đưa ra một đánh giá khác biệt hoàn toàn khi cho rằng cuộc chiến này chỉ gây thêm thù hận và lòng ao ước trả thù.

Đức Thánh Cha nói: “Quý vị không thể tái lập công lý, xây dựng một trật tự mới và kiến tạo một nền hòa bình chân chính bằng cách quay sang sử dụng các phương tiện bạo lực”.

Đức Thánh Cha đưa ra những lời kêu gọi ngưng bắn còn cấp bách hơn nữa sau khi Do Thái bắt đầu tấn công vào cả thường dân vô tội tại Qana.

“Mắt chúng ta phải nhìn thấy những hình ảnh rùng rợn của các thây người – đặc biệt của trẻ em – bị xé tan ra từng mảnh. Tôi muốn lặp lại rằng không một điều gì có thể biện minh cho cho việc đổ máu người vô tội, bất kể bên nào gây ra”.

Trong các phiên đàm phán với Hoa Kỳ, Vatican đã yêu cầu Hoa Kỳ dùng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn bàn tay của Do Thái. Đối với Do Thái, Vatican nêu rõ rằng việc nước này tấn công vào Li Băng là một phản ứng không tương xứng.

Trong một cuộc điện đàm với thông tấn xã Công Giáo Hoa Kỳ, đại sứ Do Thái tại Tòa Thánh, ông Ben Hur, đã phản ứng như sau:

“Tôi muốn nói hai điểm này: thứ nhất mức độ (phản ứng của chúng tôi) tùy thuộc vào mức độ đe dọa, và Hezbollah đang đặt miền bắc Do Thái, gồm cả triệu người, dưới sự đe dọa của hỏa tiễn”.

Tỏ ra mất bình tĩnh, ông Ben Hur nói tiếp như sau: “Thứ hai là, hãy nói cho tôi biết thế nào là tương xứng mười – năm? Một – một? Một trăm cho một ngàn? Không có chuyện đó”.