Rà soát nhà đất có nguồn gốc tôn giáo

Bộ Xây dựng vừa có công văn yêu cầu các địa phương rà soát tình hình sử dụng nhà đất có nguồn gốc tôn giáo trong khi có 'diễn biến phức tạp' trong lĩnh vực này.

Công văn số 1878 / BXD-QLN ra ngày 04/09 do Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam ký yêu cầu 23 tỉnh thành báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng nhà, đất có nguồn gốc tôn giáo.

Trong các địa phương này có Hà Nội và Quảng Bình là những nơi gần đây đã xảy ra một số vụ tranh chấp đất đai lớn mang yếu tố tôn giáo.

Công văn của Bộ Xây dựng nhận định: " Hiện nay tình hình quản lý, sử dụng nhà, đất có nguồn gốc tôn giáo trong cả nước đang có những diễn biến phức tạp."

"Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng nhà, đất có nguồn gốc tôn giáo của các địa phương đang gặp nhiều khó khăn."

Bộ Xây dựng từ ngày 08/12/2008 đã có công văn số 2437/BXD-QLN yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê và tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng nhà, đất có nguồn gốc tôn giáo và báo cáo về Bộ trước ngày 30/12/2008 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên thời hạn đó đã qua trên sáu tháng mà chưa thấy hồi âm gì.

Công văn mới của Bộ Xây dựng do đó "đề nghị địa phương cần thực hiện nghiêm túc", "khẩn trương gửi báo cáo" về nhà đất có nguồn gốc tôn giáo cho Bộ trước ngày 15/09/2009.

Vấn đề nan giải

Nhà, đất có nguồn gốc tôn giáo và các bất đồng, tranh chấp có thể nảy sinh liên quan tới nhà đất thuộc diện này là vấn đề khó giải quyết cho các cấp chính quyền.

Một hội nghị Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản vài năm trước đã nhận định nguyên nhân là do đất đai có nguồn gốc rất phức tạp, chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ lịch sử và quản lý đất đai chuyển từ hành chính, bao cấp sang cơ chế thị trường kết hợp với biện pháp hành chính, đặt ra nhiều vấn đề mới.

Nguyên nhân chủ yếu được nói là: một số chủ trương, chính sách lớn rất quan trọng của Đảng chưa được thể chế hóa. Văn bản pháp luật về đất đai đã ban hành nhiều nhưng thiếu đồng bộ.

Tuy nhiên, theo tiến sỹ luật Nguyễn Vân Nam thuộc văn phòng Luật Nam Hùng, TP Hồ Chí Minh, mấu chốt của khó khăn nằm ở chỗ có sự khác biệt trong quan niệm về sở hữu.

"Do yếu tố lịch sử, đất đai của Nhà thờ hay các cơ sở tôn giáo được bên tôn giáo coi như sở hữu gần như của tư nhân, thí dụ của Tòa thánh."

"Thế nhưng, nguyên tắc chủ đạo kể từ khi thành lập nhà nước XHCN là toàn bộ đất đai thuộc sở hữu toàn dân."

Luật pháp Việt Nam quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; Nhà nước giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn theo quy định của pháp luật.

Luật cũng không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai.

Tiến sỹ Nguyễn Vân Nam cho rằng đây là vấn đề khó vì nó mang tính chất vô cùng tế nhị, khi "Nhà thờ cũng là công dân, nhưng là công dân đặc biệt".

"Phải tính đến ảnh hưởng quốc tế của Nhà thờ với tư cách chủ sở hữu."

Thời gian gần đây, đã xảy ra một số vụ khiếu kiện, tranh chấp lớn khi người Công giáo muốn "đòi lại" đất đai mà họ cho là thuộc sở hữu của Nhà thờ.

Các vụ Nhà Chung, Thái Hà hay Tam Tòa đã gây đau đầu cho giới chức khi xử lý.

Tuy chính quyền khẳng định "kiên quyết lập lại trật tự về đất đai phù hợp với đường lối chính trị của Đảng", cách giải quyết duy nhất trong các trường hợp này, theo tiến sỹ Nam, là chuyển các đất đai đó sang sử dụng công.

Thế nhưng, ông nhận định rằng chỉ có thể giải quyết rốt ráo các tranh chấp đất đai có nguồn gốc tôn giáo nếu chuyển sang chấp nhận sở hữu tư nhân trong lĩnh vực đất đai.