Giữa lúc tôn giáo bị coi là có hại cho xã hội hiện đại, thì Đức Hồng Y Francis George của Chicago, Hoa Kỳ, lại xuất bản một cuốn sách với luận đề: tôn giáo đóng góp một cách độc đáo ra sao cho ích chung. Cuốn sách tựa đề là "God in Action: How Faith in God Can Address the Challenges of the World," (Doubleday), xuất bản trong tháng Năm vừa qua.

Ở đầu sách, Đức Hồng Y George minh xác rằng ngài không nói tới khía cạnh tôn giáo gây ảnh hưởng trên lối suy nghĩ và hành động của người ta, hay tôn giáo như một triết lý sống ra sao. Thay vào đó, ngài muốn biện phân cách Thiên Chúa hành động trong thời đại ta. Nói cách khác, giúp người Công Giáo đọc ra “các dấu chỉ của thời đại” như khuyến cáo của Công Đồng Vatican II.

Cùng với đà tự lập của con người trở thành giá trị siêu việt và tiến bộ thay thế cho quan phòng, vai trò của Thiên Chúa phần lớn đã biến khỏi ý thức quần chúng. Đức HY George cũng cho rằng khuynh hướng đề cao ý chí hơn lý trí của triết học hiện đại đã ảnh hưởng tới phản ứng của người ta khi đứng trước các hoàn cảnh trong đó ý chí của Thiên Chúa đi ngược với ý muốn riêng của họ. Thay vì coi việc tuân theo ý chí của Thiên Chúa như mẫu mực dẫn tới thánh thiện và niềm vui, người ta coi việc tuân phục Thiên Chúa như một thứ tôi đòi trước một quyền lực độc đoán nào đó.

Kể từ hai thế kỷ 17 và 18, các nhà tư tưởng cận đại từng rút gọn Thiên Chúa thành đệ nhất nguyên nhân, không đóng một vai trò sinh tử nào trong xã hội. Với quan điểm ấy, tôn giáo trở thành việc tư riêng, không hề có một giá trị định chuẩn nào. Bước vào ngả đường đó, tất yếu sẽ trơn tuột xuống chủ nghĩa duy thần (deism) và mô tả Thiên Chúa như một biểu tượng trống rỗng. Từ đó, chỉ còn một bước ngắn đến chỗ coi Thiên Chúa như một đe dọa đối với sự triển nở nhân bản, như từng xẩy ra với Feuerbach, Marx, và Freud. Đức HY George bảo rằng: “Không chóng thì chày, những người chắc chắn rằng mình được hoàn toàn tự do xác định lấy bản sắc và hành động của mình, không cần tới Thiên Chúa, những người ấy sẽ bác bỏ sự hiện hữu của Người”.

Tự Do

Sau đó, Đức HY George tự hỏi: làm thế nào để chứng minh được là hành động của Thiên Chúa, thay vì đe dọa tự do của con người, thực ra đã củng cố nó. Dựa vào Thánh Thomas Aquinô, Đức Hồng Y giải thích rằng Thiên Chúa không chỉ sáng tạo, mà Người còn duy trì mọi điều Người đã sáng tạo nên. Và điều này nữa: các tạo vật hành động theo cách đặc thù của chúng vì Thiên Chúa vốn ban cho chúng một bản chất đặc thù.

Hành động tự do nào miễn nhằm một mục đích phù hợp với bản tính con người đều được thực hiện dưới sự quan phòng của Thiên Chúa, bất kể hành động ấy tầm thường hay sâu sắc bao nhiêu. Nhìn dưới ánh sáng này, ảnh hưởng của Thiên Chúa không nằm ngoài cấu trúc hành động của ta hay là một áp đặt lên sự tự do của ta. Ngược lại, hành động vì một mục đích trái với thiện ích của bản tính nhân loại không phải là tự do chân chính, vì, theo Thánh Thomas Aquinô, tự do nhằm sự thiện.

Ngoài ra, Đức HY George cho rằng ta sẽ tiến tới chỗ coi Thiên Chúa như bằng hữu của tự do nhân bản nếu ta tìm lại được cái nhìn của Thánh Kinh coi Thiên Chúa như người đang lên tiếng và đang hành động, như Đấng đã nhập thể trong Chúa Giêsu và trong Người, hai ý chí, ý chí nhân bản và ý chí thần thiêng, cùng hành động thống nhất với nhau. Ngài bảo: “Tự do nhân bản được sắp đặt thích đáng của Chúa Giêsu không phải là một trở ngại đối với tự do Thiên Chúa nhưng là một hình ảnh của tự do này”.

Sau nhận định khởi đầu này, Đức Hồng Y George dành trọn cuốn sách cho nhiều chủ đề dài hàng chương để thăm dò vai trò của Thiên Chúa trong xã hội, việc đi tìm chân lý, thân xác con người và các lãnh vực kinh tế và liên hệ quốc tế.

Trong chương nói về tự do và chân lý, ngài nhấn mạnh rằng Thiên Chúa hành động cách tự do khi dựng nên con người, cả nam lẫn nữ. Đến lượt mình, con người cũng tham dự vào hồng ân này bằng cách hành động tự do. Tuy nhiên, nếu ta bị giam hãm trong sai lầm, thì hành vi nhân bản của ta sẽ ngăn không cho ta hợp tác với Thiên Chúa, Đấng vốn là chân lý.

Chân lý

Theo Đức HY George, ngược với con người chủ trương tự lập, mà các chọn lựa do họ tự đưa ra chỉ dựa duy nhất vào các ham muốn cá nhân, còn có một cảm thức khác về con người, dựa cả trên đức tin lẫn lý trí. Khoa học và kỹ thuật có thể đem lại cho ta các giải đáp cho nhiều câu hỏi, nhưng ta cũng phải đạt cho được việc tự biết mình. Việc biết này chỉ xuất hiện khi ta tự đặt ra những câu hỏi như: Tôi là ai? Tôi phải làm gì? Câu giải đáp cho các câu hỏi này không thể diễn dịch từ luật vật lý được, mà phải từ các nguồn tâm linh do chân lý cai quản và hoàn thiện.

Trong nguồn tâm linh này, ta tìm ra thứ chân lý thuyết phục được ta và mở cửa để ta thấy ta, thấy người khác và thấy thế giới. Đức Hồng Y viết: “Phẩm giá làm người của ta có gốc rễ trong sự tự do vốn là hình ảnh của Thiên Chúa và là thứ tự do được đem tới để ta tự ý thức về chính mình nhờ lý trí tự nhiên và nhờ đáp ứng trước việc Thiên Chúa tự ý tỏ mình ra cho ta”. Bất hạnh thay, Đức Hồng Y viết tiếp, trong phán quyết của Tối Cao Pháp Viện nhân vụ cơ quan Planned Parenthood kiện Casey, một phán quyết đã ấn định ra quyền hợp hiến được phá thai, các chánh án cho rằng yếu tính tư cách nhân vị là khả năng kiểm soát và xác định cho mình ý nghĩa và mục đích của sự sống. Phán quyết ấy đã lồng vào luật chủ trương coi tự do như ly dị hẳn mọi mối liên hệ. Nói cách khác, “đó là một thứ tự do ly dị hẳn chân lý sự vật”.

Phục hồi chân lý cho phạm vi này là điều sinh tử nếu ta muốn đương đầu với các thách đố do các vấn đề đạo đức sinh học đặt ra. Đây là chủ đề cho một chương khác trong sách. Không thể hy vọng có được một cuộc thảo luận về phẩm giá con người nếu ta bắt đầu bằng một cái nhìn coi con người chỉ như một bộ yếu tố di truyền (genes). Thay vào đó, ta phải coi phẩm giá con người như một phẩm tính trong bản tính nhân loại, một phẩm tính không thể nào mất được. Phẩm giá cũng đến với ta nhờ biết chấp nhận hồng phúc cứu rỗi của Thiên Chúa và sự sống trong Người.

Kinh doanh

Đầu chương nói về kinh tế, Đức Hồng Y George cho hay: việc tách rời đức tin khỏi công việc bình thường của cuộc sống không phải là một vấn đề mới đối với người Công Giáo. Nếu ta coi kinh doanh như một ơn gọi, thì kinh doanh có thể trở thành một phương cách để ta đạt được sự thánh hóa bản thân, và giúp người khác cũng đạt được điều này. Theo chiều hướng này, việc làm không còn chỉ là phù hợp với các tiêu chuẩn và qui định của công ty mà thôi. Trái lại, việc làm được thực hiện trong cộng đồng những con người để phục vụ chính cộng đồng ấy. Người ta được đem lại với nhau để phục vụ xã hội. Thương trường cung cấp nhiều cơ hội để ta trở nên sáng tạo và có năng xuất cũng như tạo ra của cải. Điều đó tốt, nhưng cũng quan trọng nữa.

Các sách dạy về kinh doanh cho ta hay: các công ty tốt nhất chính là các công ty biết tôn trọng và chăm sóc công nhân của mình. Tuy nhiên, đó là một suy tư mang theo sự thật sâu sắc, đó chính là sự thật này: tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa dựng nên như những chủ thể xã hội. Thành thử, quả là sai lầm khi giải thích Sách Sáng Thế theo nghĩa coi việc làm là lời chúc dữ. Thay vào đó, theo Đức HY George, việc làm là một hoạt động sáng tạo và ta làm việc để phản ảnh hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa. Như thế, đối với tín hữu, làm việc là tham dự vào kế hoạch của Thiên Chúa dành cho thế giới. Ngài viết: “Việc làm là một phần của việc biến ta thành tạo vật của Thiên Chúa, biết lao công phù hợp với mục tiêu của Người và biết lập thành mục tiêu đạt tới những gì là tốt đối với chính ta và người khác”.

Cuộc khủng hoảng tài chánh mới đây khiến một số người tôn giáo nói năng như thể sinh lời là một điều xấu. Đức Hồng Y George cho rằng nói như thế lài sai vì khi một công ty sinh lời là nó đã sử dụng các tài nguyên một cách đúng đắn và nhờ thế, các nhu cần nhân bản được thoả mãn. Tuy nhiên, lợi nhuận không phải là tiêu chuẩn để phán kết tư cách của một công ty. Rất có thể trương mục một công ty hết sức ngon lành, nhưng cùng một lúc, những con người tạo thành cộng đồng công nhân ở đấy lại bị nhục mạ và xúc phạm. Thiên Chúa không đọc để ta viết ra các quyết định trong phạm vi xã hội, kinh tế và chính trị, nhưng khi ta sắp xếp công việc đời mình, hoạt động quan trọng nhất là ngắm nhìn hoạt động của Thiên Chúa, không nên lấy mình làm tâm điểm lưu tâm.

Theo Cha John Flynn, LC, Zenit 5 tháng 6 năm 2011.