Một nhân học và một nền chính trị phong phú hơn: Ích chung bổ túc cho công lý

Nếu luận chứng của ta đúng, thì không nên ngạc nhiên khi thấy tư tưởng xã hội Công Giáo đưa ra một lượng định mơ hồ về các nền dân chủ tự do Tây Phương. Tuy nhiên, trong truyền thống tư tưởng xã hội Công Giáo, phản ứng trên không phải là một cuộc rút chân ra khỏi đời sống công, trong tư thế kết án nó (40). Nhưng, cũng không đơn giản tham gia mạnh mẽ vào đời sống công theo những điều kiện đã thành ước lệ. Đúng hơn, các bế tắc của nền dân chủ tự do kia đem lại nhiều cơ hội quan trọng để ta tin mừng hóa các nền văn hóa. Trong các bài nói chuyện nhân dịp các Giám Mục Hoa Kỳ viếng mộ hai Thánh Phêrô và Phaolô, Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhất quán nói lên chủ đề ấy: “Thách đố này hết sức lớn lao, nhưng thời điểm đã đúng lúc rồi. Vì các lực lượng tạo văn hóa khác đã kiệt quệ, hết sức thuyết phục, và thiếu hẳn các tài nguyên trí thức thoả đáng để thỏa mãn các hoài mong chân thực của con người muốn được giải phóng, dù các lực lượng này vẫn còn đang cọ quậy để trình diễn một màn lôi cuốn ngoạn mục, nhất là qua các phương tiện truyền thông” (41).

Điểm quan trọng ở đây là nhận ra các cách thế trong đó môi trường chính trị và văn hóa đương thời đang tạo ra một loạt các bế tắc mà nó không thể giải quyết được, đồng thời nhận ra rằng tư tưởng xã hội Công Giáo có thể cung ứng cho ta các tài nguyên, giúp ta hiểu và phản ứng được tình thế ấy. Đây là một chiến lược rất hữu hiệu trong việc mời gọi các đồng đạo Công Giáo nghiêm chỉnh sử dụng tư tưởng xã hội Công Giáo trong các cuộc đối thoại. Sứ điệp nhất quán của tư tưởng xã hội Công Giáo là: Giáo Hội sẵn sàng phục vụ nhân loại. Để đạt mục đích này, tư tưởng ấy đưa ra một nền nhân thần học (theological anthropology) có thể giúp nền dân chủ Hoa Kỳ cũng như nhiều nền dân chủ khác vượt qua các bế tắc hiện nay. Đứng trước các phong trào hiện đại đang thu gọn con người nhân bản vào các động lực sinh học và kinh tế, hay các mạng lưới quyền lực đóng kín, tư tưởng xã hội Công Giáo cho rằng trái tim con người là lực đẩy của lịch sử. “Con người được hiểu một cách trọn vẹn hơn khi họ được định vị qua ngôn ngữ, lịch sử, và chủ trương của họ đối với các biến cố nền tảng của sự sống, như sinh ra, yêu thương, làm việc và chết. Ở tâm điểm mọi nền văn hóa đều có thái độ của con người đối với mầu nhiệm vĩ đại nhất: mầu nhiệm Thiên Chúa. Xét về căn bản, các nền văn hóa khác nhau đều chỉ là các cách khác nhau trong việc đương đầu với vấn đề ý nghĩa cuộc hiện sinh bản vị” (42).

Về phương diện chính trị, điểm quan trọng là nhìn nhận rằng việc tìm kiếm công lý là một với cuộc tìm kiếm các lối nhìn phong phú hơn về sự triển nở nhân bản và hỏi xem lối nhìn của Tin Mừng và truyền thống phát sinh từ lối nhìn đó đã ảnh hưởng ra sao đối với vấn đề này. Tư tưởng xã hội Công Giáo được trình bày như một khuynh hướng hướng về cuộc sống chung của ta, làm ta xa rời các quan điểm có tính ước lệ và hướng ta về một cái hiểu phong phú hơn đối với đời sống bản thân và xã hội. Nó cung cấp cho ta các nguyên tắc để hướng dẫn các suy tư của ta về văn hóa, giúp ta vừa suy nghĩ cẩn thận các vấn đề đang gặp vừa tiến lên phía trước một cách khôn ngoan thực tiễn. Nó làm được thế, nhờ dựa vào một số chủ trương về con người nhân bản.

Đối với tư tưởng xã hội Công Giáo, con người nhân bản được dựng nên như những chủ thể liên lập và hữu lý. Ta đòi hỏi công lý vì ta được dựng nên để trung tín với nhau và trợ giúp lẫn nhau. Liên lập là sao? Nó có nghĩa: chúng ta là những tạo vật biết phát triển. Chúng ta không tự tạo ra mình. Chúng ta cậy nhờ cha mẹ và xã hội giúp ta phát triển các khả năng làm chúng ta là chúng ta. Chúng ta liên lập vì chúng ta cần đủ thứ. Chúng ta cần thức ăn, nhà ở, áo quần, một sinh hoạt kinh tế chung, v.v… Ta dựa vào các hoạt động hợp tác khác nhau một cách hết sức căn bản để thỏa mãn các nhu cầu này. Liên lập cũng có nghĩa: ta phải chia sẻ các tài nguyên của trái đất để thoả mãn các nhu cầu của mình. Ta phải nhất trí với các qui luật của hợp tác và chia sẻ, ngõ hầu có thể liên lập một cách năng động.

Chúng ta còn có lý trí nữa. Đầu tiên, điều này ít có nghĩa: ta nắm được các nguyên tắc trường cửu của tác phong, đúng hơn, nó có nghĩa: ta ít bị xác định hơn (underdetermined). Thiên nhiên ít xác định chúng ta, và việc ít xác định này mở lối cho khả năng suy luận của ta. Hơn bất cứ con vật nào khác, con người nhân bản ước muốn và hành động do hậu quả của tập thành (habituation) và suy tư, chứ không hẳn chỉ là các bản năng được thừa kế. Ngược với các con vật khác, con người nhân bản có thể sống một cách có suy nghĩ bao gồm việc chọn lựa có ý thức các mục tiêu của mình. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa các phẩm tính nhân bản độc đáo kia đòi phải có việc xã hội hóa thâm hậu. Thí dụ, việc xã hội hóa của ta giúp ta, nhờ bàn thảo, khám phá ra các loại mục tiêu nhờ đó ta có thể tổ chức và giải thích các hành động cũng như cuộc đời ta. Bởi thế, ta cần tới các con người nhân bản khác ngay cả để có thể khai triển được một quan niệm về điều con người nhân bản nên cố gắng trở nên và thi hành. Đàng khác, ta cần suy nghĩ và theo đuổi một cách có ý thức các đức tính nhân bản như trung thành, can đảm, vô tư trong các ngữ cảnh và hoàn cảnh khác nhau. Những đức tính ấy không dễ hiểu và dễ dàng thu lượm, nên có thể nói, việc của lý trí là tìm hiểu qua cái mớ bòng bong gồm rất nhiều những nét đặc thù của cá nhân ấy để biện phân được đúng điều phải làm trong các hoàn cảnh đặc biệt. Điều này hàm nghĩa: cần phải dành chỗ xoay chuyển cho tri thức thực tiễn tự do làm việc để tự tìm ra các giải pháp cho các vấn đề bản thân và xã hội. Ta sẽ không có ngay tức khắc cách nào đúng để cấu trúc hóa xã hội nếu không có việc làm của lý trí. Ta có thể hình dung ra nhiều cách hợp pháp để thỏa mãn các nhu cầu của ta: có nhiều cách tốt để kết hôn và nuôi dưỡng con cái, hay tham gia vào sinh hoạt kinh tế, ăn mặc hay kết bằng hữu, được giáo dục. Có lẽ đó chính là một trong các lý lẽ khiến Giáo Hội nhấn mạnh rằng Giáo Hội không nên tự trói buộc mình vào bất cứ trật tự chính trị và xã hội nào; bởi vì làm thế là dành ít chỗ xoay sở hơn cho tri thức thực tiễn tự do hành động. Như thế, tư tưởng xã hội Công Giáo là lời mời đối thoại và suy tư có trách nhiệm; nó không phải là một chương trình chính trị.

Sau cùng, sự thiếu thốn và liên lập khiến ta đòi công lý. Công lý là một nhân đức liên ngã nhằm điều hướng sự liên lập này. Ta nên tương phản quan niệm coi công lý như một nhân đức liên ngã này với quan niệm khác coi công lý như một nhân đức nội ngã (intrapersonal). Giả thuyết có tính điều hướng trong lý thuyết chính trị tự do là: không ai phán đoán sự thiện riêng của tôi tốt hơn chính tôi. Thành ra, tôi sở hữu một số quyền có trước chính trị, các quyền mà tôi có thể coi như con bài tẩy chống lại các cá nhân, các nhóm hay cấu trúc quyền lực muốn buộc tôi phải hành động trái với ý muốn của tôi. Vấn đề vì thế trở thành: làm cách nào cung cấp cho các cá nhân một động lực để họ hành động vì thiện ích của người khác. Về phương diện này, nguồn gốc của bất công là việc người ta không thể hay không muốn quan tâm tới người khác. Bất công là do thiếu mẫn cảm. Người bất công thích vi phạm quyền của người khác hay quan niệm của họ về sự thiện vì không tôn trọng hay không đánh giá người khác như họ đáng được. Phương thuốc chữa trị thái độ này thường là một hình thức huấn luyện nào đó về mẫn cảm, nhờ đó, người vi phạm sẽ hiểu thấu thế giới quan của những người họ xúc phạm. Nếu người ta gắn bó với thiện ích của người khác cũng nhiều như họ gắn bó với chính các thiện ích của bản thân mình thì đâu còn cần cái nhân đức từ tâm (benevolence) cho bằng nhân đức yêu mình. Và nếu người ta quan tâm tới quyền người khác cũng như tới quyền của chính mình thì đâu cần tới nhân đức công lý nữa (43).

Quan điểm trên khiến công lý trở thành một nhân đức nội ngã nhằm trước nhất làm cho các cá nhân nguyên phân bớt vị kỷ đi. Nhân học tiềm ẩn trong quan niệm công lý này là nền nhân học của chủ nghĩa tự do cổ điển. Con người nhân bản là các cá nhân có thể được xem sét một cách tách biệt khỏi các liên hệ tùy thuộc như truyền thống, tôn giáo, gia đình, hay văn hóa. Họ được phân biệt với mọi phần khác của thiên nhiên nhờ việc sở hữu một ý chí tự lập, nhờ đó, họ tạo ra giá trị. Tuy nhiên, những ý chí này thường ở thế kình chống nhau, nên bổn phận của nhà nước phải qui định ra lãnh vực các quyền để các ý chí cá nhân có thể cùng hiện hữu. Vấn đề chính trong chính trị là: làm thế nào giữ cho các ý chí này ở trong giới hạn, làm thế nào chuyển được người ta từ chủ nghĩa vị kỷ cố ý qua chủ nghĩa vị tha biết quan tâm tới người khác.

Tư tưởng xã hội Công Giáo có khác. Theo tư tưởng này, vì nhấn mạnh tới bản chất thụ tạo, liên lập, nên công lý dứt khoát có chiều kích liên ngã. Nghĩa là, công lý có một ý nghĩa rộng rãi hơn nhiều, một ý nghĩa vươn tới việc phải cấu trúc hóa xã hội ra sao để đảm bảo sự triển nở của mọi thành phần. Công lý nhằm phối trí mọi hoạt động khác nhau ta cần thực hiện trong xã hội để trở thành nhân bản một cách chân chính. Đó không phải chỉ là việc buộc các tính khí của ta phải vị tha hơn; mà còn là việc tạo ra các mối liên hệ năng động để giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau giữa những con người liên lập trong cộng đồng.

Theo chiều hướng ấy, ta nên chú ý điều này: một trong các vấn đề chính đối với các ý niệm dân chủ qui ước về chính trị là: các ý niệm này thu nhỏ các tham vọng riêng của chính trị. Công dân các nền dân chủ tự do thừa hưởng phần lớn triết lý buổi đầu của lý thuyết khế ước, là lý thuyết coi con người nhân bản là phi xã hội (asocial) và coi chính trị có tính dụng cụ. Trong truyền thống này, chính trị là một hệ thống giả tạo (artificial) nhằm cung cấp các tiện ích như an ninh và thịnh vượng, có thể dành cho bất cứ việc sử dụng tư riêng nào. Nền chính trị dựa vào các nhóm quyền lợi xác định việc phân phối các tiện ích này và gánh nặng phải trả các phí khoản của chúng. Cạnh tranh, chứ không phải tinh thần cùng vui sống (conviviality), là luật của rừng xanh. Trái lại, đối với tư tưởng xã hội Công Giáo, chính trị là hoạt động phối trí có trách nhiệm bảo vệ và phát huy công ích mà mọi người cùng chia sẻ và nên hợp tác để tạo ra. Trong truyền thống này, công lý không phải chỉ là làm cho các cá nhân vị kỷ biết quan tâm tới người khác. Hơn nữa, chính trị cũng không phải chỉ có tính dụng cụ; nó không phải chỉ là một dụng cụ để mở rộng chọn lựa cá nhân. Mà nó cũng không phải chỉ là việc giữ cho người ta được an ninh trong man vàn cách thế. Công lý và chính trị vun sới ích chung của toàn thể cộng đồng bằng cách cấu trúc hóa cộng đồng ấy một cách hợp lý để bảo đảm việc triển nở của mỗi thành phần.

Về khía cạnh đó, nó thừa hưởng được điều tốt nhất từ truyền thống cổ điển của triết lý chính trị. Trong truyền thống này, chính trị có tính hệ thống hóa (architectonic) vì nó nhằm phát huy và bảo vệ một lối sống; trong ngôn từ của Aristốt, nó đi tìm một quan niệm về sự triển nở nhân bản. Như thế, nó là một chế độ dứt khoát ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của nhân sinh, gồm cả việc đào luyện các cá nhân (44). Trong kiến trúc, chẳng hạn, các nhà thầu phụ và các thợ lành nghề khác nhau đều phải nhận chỉ dẫn từ viên kiến trúc sư. Ông ta mới là người quyết định hình dáng và chức năng của tòa nhà. Ông ta phối trí công việc của các nhà thầu phụ chịu trách nhiệm về ánh sáng hay cống rãnh theo mục đích mà tòa nhà này sẽ được sử dụng. Cũng thế, chế độ phối trí hình dáng và hướng đi toàn bộ cho các thành phần cấu tạo ra một cộng đồng, vì các bên tham dự luôn hành động dựa trên một quan niệm riêng nào đó về việc đâu là sự thiện mà con người nhân bản cần phải trở nên và phải làm khi họ thông qua luật lệ hay đưa ra các thực hành tốt đẹp. Sự liên lập nhân bản đòi phải có phân công lao động, tin tưởng, hùn hạp (partnership), và hợp tác. Sự hợp tác hòa điệu đòi sự phối trí có tính khôn ngoan thực tiễn của nhiều hành động khác nhau trong xã hội. Cơ quan khoanh vùng giúp tạo ra hình thù cho một cộng đồng. Luật lệ thuế khóa ảnh hưởng tới các thực hành của gia đình, công lý, và sự đại lượng. Luật lệ hình sự phản ảnh cách ta quan niệm về tính dục, về tính mau chết của ta, về nhu cầu ta cần phải chừng mực và có tinh thần trách nhiệm. Như thế, mọi hành vi chính trị đều hàm nghĩa một câu trả lời cho câu hỏi: “Làm thế nào ta cùng trở nên nhân bản với nhau?” (45).

Lý trí ta vun sới sự thiện nhân bản bằng hành động chính trị trong muôn vàn cách thế khác nhau mà người ta nên để các chính khách có thiện chí được tự do sử dụng tri thức thực tiễn quyết định. Các chính khách có thể tạo ra các nghi thức tưởng niệm nhắc ta nhớ tới những điển hình sáng chói về đức hạnh để ta noi theo. Thí dụ, khi lập ra Ngày Martin Luther King, ta có thể tưởng niệm và cử hành một con người mà hành động từng giúp uốn nắn cộng đồng ta quanh các nhân đức được ông thể hiện. Các chính trị gia khuyến khích một số nhân đức và khuyên ta tránh một số thói hư bằng cách dựng lên một hệ thống gồm thưởng và phạt đối với các tác phong, từ việc cung cấp miễn thuế cho các đóng góp bác ái tới việc thông qua các đạo luật hình sự.

Các chính trị gia cũng không tránh khỏi việc phối trí các hoạt động khác nhau trong xã hội. Chính trị lên khuôn sinh hoạt kinh tế của ta, như qua cách qui định những gì ta được bán hay không được bán, chẳng hạn. Chính trị ảnh hưởng tới các thực hành tôn giáo của ta bằng rất nhiều cách. Tóm lại, công lý là một nhân đức liên ngã nhằm phối trí các hoạt động khác nhau trong xã hội cách nào đó để có thể đạt tới một đời sống năng động chung. Dĩ nhiên, chính trị có thể bị lạm dụng. Tất cả chúng ta đều có thể kể ra những đảng viên mù quáng (party hacks) chỉ biết đến mình, chuyên sử dụng thẩm quyền chính trị để thu tích của cải cho chính mình và bè lũ (46). Ấy thế nhưng, đó chính là một lạm dụng mà ta có lý để khinh bỉ dựa vào các trực giác của ta về phẩm giá cố hữu của hành động chính trị.

Tất cả những điều ấy chính là lý do khiến tư tưởng xã hội Công Giáo chủ trương rằng công lý có mục đích phục vụ tình thân hữu và tình liên đới. Công lý và chính trị không những chỉ là việc giữ cho các cá nhân an ninh và tự do. Chính trị chân chính luôn luôn là việc tạo ra một cuộc sống năng động chung với nhau. Có được một nền nhân học biết nhấn mạnh tới bản chất thụ tạo, hữu lý và liên lập là đã đang ở trên đường tiến tới một nền chính trị biết cảm thương, chuyên lo phục vụ ích chung. Dưới ánh sáng nền nhân học ấy, chính trị không thể chỉ là việc phục vụ kẻ quyền thế, được tổ chức và được tài trợ tốt. Cũng không thể chỉ là việc làm dễ sự chọn lựa cá nhân. Đúng hơn, nó là việc bảo vệ cuộc sống năng động chung trong đó, mọi người đều được chia sẻ các thiện ích công cộng.

Theo chiều hướng này, tư tưởng xã hội Công Giáo nhất quán nhấn mạnh rằng chính trị có nhiệm vụ đặc biệt phải bảo vệ những người và những thiện ích công cộng mà thị trường không thể và không muốn bảo vệ. “Nhà nước thị trường” dân chủ không thể chỉ phá bỏ luật lệ rồi ngồi đó hy vọng thị trường sẽ đảm nhiệm thay và giải quyết được mọi vấn đề xã hội bằng bàn tay vô hình (47). Ta không thể giản đơn coi trái đất và con người nhân bản như các vật liệu thô. Thành thử ra, không thể có dân chủ mà không có lòng kính trọng mọi con người. Hơn nữa, nhà nước có nhiệm vụ đặc biệt phải săn sóc người yếu thế và người kém thế. Do đó, kính trọng phẩm giá mọi người, chứ không phải chỉ người giầu có và quyền thế, là hết sức quan yếu trong một nền dân chủ thực sự. Bạn không thể xác định các quyền chỉ bằng cách vận động hành lang (lobbying) hay tố tụng hay cách gì khác trong đó, kẻ quyền thế luôn thắng và người yếu thế luôn thua. Các chính phủ phải ưu tiên chọn người nghèo khi đưa ra các chính sách về xã hội và kinh tế. Đối đầu với việc xuất hiện của nhà nước thị trường, một nhà nước chỉ biết nhấn mạnh tới việc mình nên phá bỏ luật lệ rồi để mặc nền kinh tế muốn tăng trưởng hay đi hoang thế nào mặc lòng, tư tưởng xã hội Công Giáo tuyên bố rằng kinh tế là vì dân, chứ không ngược lại. Điều này có nghĩa: ta phải đặt hiện hữu ưu tiên hơn chiếm hữu; vấn đề không phải chỉ là ta sở hữu được bao nhiêu, mà là ta đang làm gì với cái ta sở hữu được.

Cho đi và hỗ trợ hỗ tương, liên đới, đại lượng, nhất là đối với người yếu thế, không ai chống đỡ, vô tư không thiên vị đều là các biểu hiện của công lý. Cần phải có những gì để khai triển các phẩm tính ấy? Các phẩm tính này tùy thuộc một cái hiểu và đánh giá đứng đắn mọi sự kiện trên thế giới. Đối với tư tưởng xã hội Công Giáo, thẩm quyền chính trị là để phục vụ chứ không phải để được phục vụ; nó hiện hữu để phối trí các thực hành của toàn bộ cộng đồng cách nào đó hòng có thể phát huy sự triển nở chân chính của mọi thành phần chứ không phải là sự phóng đại cho giai cấp cai trị. Thành thử ra, linh đạo và sinh hoạt chính trị chân chính không thể tách biệt nhau.

Đàng khác, thẩm quyền chính trị cần phải có một cảm thức khôn ngoan thực tiễn về toàn bộ hình thù và mục đích của xã hội như một toàn thể, về nhu cầu và tiềm năng của các thành phần cấu tạo ra mình, và một khả năng biết dệt các thành phần này thành một cộng đồng hòa hợp, hợp nhất, đặt căn bản trên các xác tín vững chắc về ý nghĩa của phẩm giá con người. Khi phối trí hành động của các cộng đồng trong xã hội, một chính khách Kitô Giáo nhất quán phải đặt câu hỏi: “Các thực hành và các định chế của ta muốn hàm nghĩa ra sao trong ý niệm triển nở nhân bản và thân phận con người?”. Nói cách khác, người Kitô hữu dấn thân vào hành động chính trị phải tìm mọi cách để khai triển cho bằng được một lượng định thực tiễn về nhân đức và thói hư trong chế độ của mình và một ý niệm về cùng đích riêng của chế độ ấy.

Kết luận

Mấy dòng trên đây đã tóm lược một số chủ đề chính trị trong tư tưởng xã hội Công Giáo. Ấy thế nhưng, xét dưới ánh sáng vấn đề nền dân chủ Hoa Kỳ cần gì nhưng không thể cung ứng cho mình được, thì các chủ đề kia có một ánh sáng hơi khác. Xét vì lịch sử lâu dài nghi kỵ lẫn nhau và đôi khi thẳng thừng thù nghịch nhau giữa Giáo Hội Công Giáo và nền dân chủ hiện đại, người ta thấy quả là nghịch lý khi bảo Giáo Hội ấy có thể có những tài nguyên giúp nền chủ kia thoát được các bế tắc do chính nó tạo ra. Theo tư tưởng xã hội Công Giáo, mọi triết lý hành động xã hội đều chứa đựng một ý niệm mặc nhiên về số phận tối hậu của con người; mọi hành động chính trị, bất kể hủ hóa đến mức nào, cũng nói lên một hoài mong sâu sắc nào đó đối với sự hiệp thông phước hạnh mà tự nhiên ai trong chúng ta cũng thèm muốn. Dưới ánh sáng điều ấy, việc trình bày về phương diện thần học của tư tưởng xã hội Công Giáo không mở đường cho một chủ nghĩa cực đoan chính trị có tính duy luân lý vốn phá hoại sinh hoạt chính trị qua việc lên án toàn bộ phương cách thực hành chính trị ngày nay. Thay vào đó, nó nhấn mạnh một lúc cả cảm thức sống động về giới hạn của chính trị lẫn nét cao cả trong sứ mệnh của chính trị. Tóm lại, nó đi tìm một nền chính trị ôn hòa nhưng cao quí, một nền chính trị mời gọi đối thoại để tìm ra ý niệm phong phú hơn cho tự do, triển nở và sự sống con người hơn là ý niệm đã thành ước lệ đang thịnh hành tại những nước như Hoa Kỳ.

Chúng ta đã phác họa chiến lược tốt đẹp để bước vào cuộc đối thoại với đồng bào mình, hòng cố gắng khám phá ra cách thế mời gọi họ ngiêm chỉnh xem sét giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Vấn đề nghiêm trọng nhất đối với chiến lược này là: nó có thể dẫn các tín hữu Kitô Giáo tới chỗ không những lấy các bế tắc hiện nay của nền dân chủ tự do làm khởi điểm mà còn làm chân trời cuối cùng cho các suy tư của mình về thực tại xã hội và chính trị. Nếu các suy tư chính trị Công Giáo trong thế kỷ 19 bị cám dỗ muốn lên án nền dân chủ tự do, thì ngày nay ta đang bị cám dỗ muốn tiếp nhận triết lý sống của nền dân chủ này làm chân trời dứt khoát cho các suy tư của ta về công lý. Ngày nay, Đức Tin Kitô Giáo không bị khủng hoảng nhiều bằng niềm tin vào nền dân chủ tự do. Chỉ mấy thế hệ vừa qua thôi, những nhà bênh vực nền dân chủ tự do còn có thể giả dụ rằng lịch sử giống như một băng sơn đơn nhất đang xuôi chẩy một cách tất yếu về một tương lai tươi sáng hơn bao giờ hết. Lúc ấy, người Kitô hữu có lý để mà sợ rằng các niềm tin của mình sẽ bị nghiền nát thành tro bụi dưới sức nặng của băng sơn này, vì sức mạnh của nó được cấu thành bởi những xu hướng không bị thách thức, rõ ràng củng cố lẫn nhau như khoa học tự nhiên hiện đại, kỹ thuật, chính trị dân chủ, và việc ca tụng giá trị cá nhân của Phong Trào Ánh Sáng. Tuy nhiên, băng sơn ấy đã tan rã trên mặt biển hỗn loạn của các cuộc thế chiến, của việc dẹp tan chủ nghĩa thực dân Âu Châu, của các phê phán nặng nề đối với Phong Trào Ánh Sáng, của các đại nạn môi sinh, của vũ khí nguyên tử, và của việc hiểu ra rằng dân chủ không tự động bảo đảm được nhân phẩm. Ngày nay, các người duy thế tục chuyên bào chữa cho nền dân chủ tự do thấy mình đang chới với lèo lái các mối liên hệ qua thật nhiều đỉnh băng văn hóa đôi khi rất nguy hiểm. Tệ hại hơn nữa, họ lèo lái như thế mà không hề có la bàn, vì họ trót tham gia một nền văn hóa ngày càng phá hoại các tài nguyên tâm linh cần thiết để đương đầu với sự phân mảnh này. Thực vậy, vì mải mê đi tìm sự ủng hộ của quần chúng qua việc theo đuổi một quan niệm duy vật về phát triển, các xã hội cuối thời tự do đã ra xa lạ đối với những người mẫn cảm về tâm linh.

Tuy nhiên, ta sẽ thiếu sót, nếu chỉ sử dụng tư tưởng xã hội Công Giáo để cứu nền dân chủ tự do thoát khỏi các bế tắc do nó tạo ra. Dù cần thiết phải làm cho những người ủng hộ nền dân chủ tự do thay đổi bằng cách nghiêm chỉnh coi tư tưởng xã hội Công Giáo như một giải pháp thay thế, thì chủ đề của ta vẫn chưa kết thúc. Vì chủ điểm vẫn là hướng về Nước Thiên Chúa. Không thể định nghĩa đầy đủ được con người nhân bản chỉ bằng việc họ tham gia vào đời sống chính trị, dù đời sống này có quan yếu bao nhiêu đối với việc hoàn tất bản chất liên lập của ta. Đời sống con người có những chiều kích vượt lên trên việc đó. Bởi thế, tư tưởng xã hội Công Giáo thúc giục ta sử dụng trí tưởng tượng và sự khôn ngoan thực tiễn của mình để tích cực đưa ra những giải pháp thay thế hợp lý, lành mạnh trong Giáo Hội và xã hội, trong khi nhìn nhận rằng công việc xây dựng này, xét từ căn gốc, luôn luôn có tính bất toàn và cần đến ơn thánh Chúa. Muốn hữu ích cho đồng bào mình, trước nhất ta không nên lo lắng về tính hữu dụng của giáo huấn xã hội Công Giáo. Đây không phải là một chiến lược kết án và đối kháng. Chiến lược của ta tìm kiếm đối thoại để học hỏi và phục vụ người khác. Tư tưởng xã hội Công Giáo thúc giục ta phải có thứ khôn ngoan bất qui ước và một sự táo bạo đầy hy vọng phát sinh từ lòng cậy trông và tình yêu Nước Thiên Chúa.

Phóng dịch bài Catholic Social Thought and Modern Liberal Democracy, của Thomas W. Smith, Logos 11:1 Mùa Đông năm 2008, tạp chí tư tưởng Công Giáo của Đại Học Thánh Thomas, Minnesota, Hoa Kỳ.

Ghi chú
40. Theo chiều hướng này, các Kitô hữu phải ráng để ý lời khuyên của Tariq Ramadan nói với các đồng đạo Hồi Giáo đang gặp những vấn đề tương tự trong việc tìm cách sống trong các nền dân chủ tự do. Xem Western Muslims and the Future of Islam [Oxford: Oxford University Press, 2004], 53).
41. John Paul II, Ad Limina addresses: The Addresses of His Holiness John Paul II to the Bishops of the United States During Their Ad Limina Visits (Washington, DC: United States Catholic Conference, 1984), 36.
42. John Paul II, Centesimus Annus, no. 24.
43. Trích trong David O’Connor, “Aristotelian Justice as a Personal Virtue,” Midwest Studies in Philosophy, Peter French và Theodore Uehling chủ biên, vol. 3 (Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press), 49.
44. Aristotle, Nicomachean Ethics, 1141b 21; 1141b 24–28; Politics 1252a 1–8; 1260a 17–19. Xem thêm Thomas W. Smith, Revaluing Ethics: Aristotle’sDialectical Pedagogy (Albany: State University of New York Press, 2001), chaps. 1, 6.
45. Aristotle, Nicomachean Ethics, 1093a 27–1094b 10.
46. Như Rowan Williams từng nhấn mạnh, điều này có nghĩa: các quan tâm tâm linh và chính trị không phải là các quan tâm tách biệt; quan tâm tâm linh thực sự là quan tâm chính trị. (“Politics and the Soul: A Reading of the City of God,” Milltown Studies 19, no. 20 [1987]: 58).
47. “Nhiệm vụ Nhà Nước là cung ứng sự bảo vệ và duy trì các thiện ích chung như môi trường thiên nhiên và nhân bản, các thiện ích vốn không thể được bảo vệ duy bằng lực lượng thị trường” Centesimus Annus, no. 40.