Nhân ngày môi trường thế giới ngày 5-6-2009

Chúng ta đang ở vào thiên niên kỷ thứ ba, một thiên niên kỷ đang mở ra cho chúng ta biết bao những hứa hẹn, nhưng đồng thời cũng đặt nhân loại chúng ta đối diện với biết bao vấn đề. Một trong những vấn đề đang được bàn luận một cách sôi nổi là vấn đề sinh thái. Vấn đề này đã trở nên phổ biến và quen thuộc với mọi người mọi nơi vì nó không còn là vấn đề bàn chơi cho vui, hay là vấn đề phòng ngừa nữa. Nó đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đến mức báo động đối với nhân loại chúng ta rồi. Câu: “Hãy cứu lấy hành tinh của chúng ta!” đã trở nên phổ biến ở rất nhiều nơi trên thế giới. Nó không còn là một lời báo động nữa nhưng đã trở thành tiếng kêu cứu khẩn thiết để mỗi người hãy nhìn vào thực trạng của môi trường sinh thái mà ý thức vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và bảo vệ “ngôi nhà chung” của chúng ta này. Các quốc gia đều đã đưa ra những bộ luật bảo vệ môi trường vì họ thấy Môi trường đang là mối đe doạ đến tính mạng của con người. Là một con người, tuy có vượt trên mọi tạo vật khác nhưng chúng ta không độc lập với vũ trụ, với thế giới. Chúng ta thuộc về thế giới. Chúng ta là thành viên trong “căn nhà vũ trụ” này. Căn nhà sụp đổ thì ta cũng không có chỗ dung thân. Vì thế ta không thể dửng dưng trước vấn nạn này. Thực trạng môi trường như thế nào?

Trước tiên là vấn đề không khí, một yếu tố cần thiết để con người tồn tại. Con người không có không khí thì cũng giống như cá không có nước, vậy mà bầu khí ta thở đang bị ô nhiễm một cách trầm trọng. Chỉ riêng năm 1990, những hoạt đôïng của con người đã thải vào trong bầu khí quyển 99 triệu tấn khí độc lưu huỳnh, 68 triệu tấn khí azôz, 57 triệu tấn các chất bụi bặm khác, 117 triệu tấn khí carbonnic. Đó là những nguyên nhân quan trọng làm cho trái đất nóng lên nhanh chóng, do hiệu ứng nhà kính, thủng tần ozon….

Hiện tượng ô nhiễm không khí ở Việt Nam cũng đang ở mức báo động. Theo tư liệu của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển của Canada cho biết không khí ở một số khu công nghiệp ở Hà nội đang bị ô nhiễm, những nơi này, tổng số CO2, SO2 và NO2 đã lan tỏa trong không khí với hàm lượng 1.700g/s, 15g/s, 16g/s và 0,18g/s. Với những con số này cho thấy rằng có nơi hàm lượng SO2 đã vượt mức cho phép tới 14 lần, hàm lượng CO2 gấp 2,2 lần.

Ở TPHCM có khoảng 1.000 nhà máy công nghiệp, 30.000 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Những cơ sở này hằng năm thải vào không khí trong thành phố khoảng 42.000 tấn CO2, trong đó có khoảng 98% là do đốt cháy các nhiên liệu hoá thạch.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học Công Nghệ và Môi trường Việt nam, năm 1994, cho biết trong những năm qua có nhiều sự cố trong sản xuất gây ra ô nhiễm môi trường nặng nề, ví dụ như sự cố bộ lọc tĩnh điện của nhà máy xi măng Hoàng Thạch (Hải Phòng) bị nổ đã gây ảnh hưởng môi trường đến hai năm sau mới khắc phục được.

Theo điều tra của Viện Khoa học Kỹ thuật Giao thông Vận tải, Việt Nam hiện nay có khoảng 56.181 xe tải; 26.500 xe buýt; 11.500 xe lam; 21.000 xe chở khách; 35.000 xe buýt mini sử dụng cá nhân; 17.500 xe con và gần 700.000 xe gắn máy. Trong số đó có khoảng 44% các loại xe đã được sử dụng trên 10 năm, 6% trên 20 năm, tình trạng kỹ thuật xuống cấp nên hoạt động gây ô nhiễm môi trường càng nhiều.

Vấn đề thứ hai là vấn đề rừng sinh thái. Nó vẫn được coi là lá phổ của con người. Năm 1996, Qũy Quốc Tế Bảo Vệ Thiên Nhiên (WWF) đã phát hành rộng rãi bản đồ rừng thế giới với thông điệp kêu gọi hành động khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng mất rừng. Bản đồ cho thấy trong số 33 triệu km2 rừng trên toàn thế giới chỉ có 6% diện tích được đưa vào bảo vệ, còn 94% bị để mặc tàn phá. Rừng nhiệt đới chiếm 1,2 tỷ hecta, tức 8% diện tích trái đất. Mỗi năm 11 triệu hecta bị phá huỷ lấy đất trồng, lấy gỗ hoặc làm chất đốt. Từ năm 1972 gần 20 tỷ hecta rừng đã bị biến mất. Hệ sinh thái đang che chở cho khoảng 50% đến 70% các giống loài trên cạn của thế giới bị phát quang và suy thoái nhanh hơn bao giờ hết. Riêng ở vùng Tây Nguyên Việt Nam, từ năm 1990 đến nay mỗi năm có 20.000 hecta rừng bị tàn phá và cho đến nay, vùng này có tới 1,5 triệu hecta đất trồng, đồi trọc. Nguy cơ là rất tiềm tàng.

Vấn đề rừng bị tàn phá đang ảnh hưởng trực tiếp đến thiên nhiên cũng như tất cả mọi sinh vật và cả con người trên trái đất này. Tính vào thời điểm 1992, cứ 12 phút lại có một sinh vật biến mất. Đó là môi trường sinh sống tự nhiên của chúng bị phá huỷ hoặc bị biến đổi. Sự mất đi một loài sinh vật là một sự mất mát không thể bù đắp được, và mang lại nhiều hậu quả ghê gớm. Nó là nghèo đi di sản di truyền của trái đất. Gây mất cân bằng trầm trọng cho các hệ sinh thái. Mỗi chủng loại sinh vật chứa những gien di truyền cho một loài sinh vật làm tăng thêm sức thích nghi của loài đó đối với sự ô nhiễm, bệnh tật và các thay đổi của môi trường. Sự đa đạng sinh học chính là một bảo đảm an toàn cho môi trường và cho con người.

Vấn đề ô nhiễm không khí và nạn phá rừng cũng đang ảnh hưởng đến nguồn nước của chúng ta.

Hiện nay chính phủ các nước đều công nhận rằng lượng nước ngọt trên thế giới đang khan hiếm dần. Theo tổ chức LHQ, có khoảng 80 quốc gia đang khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt. Ở các nước đang phát triển, có hơn một tỉ người không có nước sạch để dùng và khoảng 1,7 tỉ không có tiện nghi vệ sinh xứng đáng.

Hiện tượng thiếu nước ngọt phần lớn là do nguồn nước bị ô nhiễm nên không thể sử dụng được. Số lượng nước ngọt chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với lượng nước mặn (3 - 4%). Phần lớn lượng nước này lại ở trạng thái “dự trữ” dưới dạng băng tuyết, mạch ngầm. Với số lượng nhỏ như vậy nhưng nước ngọt cũng chịu số phận ô nhiễm tương tự như nước biển và đại dương.

Việt Nam là quốc gia có nguồn nước ngọt tương đối dồi dào với hơn 2.500 dòng sông, tổng chiều dài 52.000 km. Lượng nước mưa trung bình khoảng 1.900mm/năm. Nhưng hiện nay các nguồn nước của Việt Nam cũng đang bị ô nhiễm ở mức báo động đỏ. Đặc biệt là ở các thành phố lớn, hầu hết nước trên các con kênh đã không thể sử dụng được nữa vì đã quá ô nhiễm do các chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp….

Có lẽ ta không thể thống kê hết những con số hay trình bày hết những tình trạng ô nhiễm môi trương sinh thái như thế nào. Nhưng những gì đã trình bày trên đây đã phần nào cho chúng ta một viễn tượng về tình hình môi trường hiện nay. Có thể nói là có bao nhiêu môi trường thì có bấy nhiêu sự ô nhiễm. Tác nhân gây ra những loại ô nhiễm này không ai khác hơn là con người. Hằng ngày con người đã không ngừng tác động vào môi trường xung quanh làm thay đổi môi trường sống. Tác động này gọi là tác động nhân quyển (homonosphère). Khi con người càng văn minh thì tác động nhân quyển càng mạnh mẽ. Ngày xưa con người tác động chủ yếu bằng tay chân hay dụng cụ thô sơ, ngày nay tác động dưới sự hỗ trợ của kỹ thuật; ngày xưa, con người tác động với tính cách cá nhân hay những nhóm nhỏ, ngày nay, với khuynh hướng toàn cầu hoá, tác động của con người mang tính cách tập đoàn và xã hội. Với những tác động vừa mang tính chuyên sâu của kỹ thuật vừa mang tính tập thể xã hội thì chắc chắn môi trường sinh thái bị ảnh hưởng rất lớn, gây ra những hiện tượng thiên tai.

Xem qua tình trạng ô nhiễm mà con người đang gây ra cho thiên nhiên, chúng ta có cảm tưởng như con người và thiên nhiên đang ở trong thế đối kháng nhau: một mặt con người vẫn tra tay “đàn áp” thiên nhiên, mặt khác lại lo sợ thiên nhiên nổi dậy chống lại con người; một mặt con người như kẻ có quyền thế thống trị thiên nhiên, mặt khác xem ra lại quá yếu đuối trước những trận cuồng phong, bão tố cướp đi hằng ngàn sinh mạng và bao nhiêu của cải… Nhưng tự bản chất, các thụ tạo có như vậy không? Đâu là vai trò của con người trong công trình tạo dựng ?

Trước tình hình ô nhiễm môi trường như thế, thế giới đã không ngừng lên tiếng kêu gọi mỗi người hãy ý thúc vai trò trách nhiệm của mình vào việc xây dựng và bảo vệ “ ngôi nhà chung” của chúng ta. Giáo Hội của chúng ta cũng đãù bắt đầu ý thức vai trò và trách nhiệm của mình trước vấn đề môi trường. Mặc dù bước đầu Giáo Hội chưa đền cập trực tiếp đến môi trường sinh thái mà chỉ chú trọng đến vấn đề con người và quyền con người. Cũng chính vì thế mà người ta đã kết án cho Giáo Hội, với giáo lý dạy con người được quyền bá chủ mọi loài đã góp phần tạo nên tình trạng khai thác thiên nhiên một cách “dã man”. Tuy nhiên, điều đó là một sự hiểu lầm hoặc sai lạc về Giáo lý Công giáo. Giáo Hội chỉ chưa khai triển đúng mức bản Tin Mừng Sáng Thế. Mãi cho đến giáo hoàng Phaolô VI năm 1967, trong thông điệp “ Bát Thập Niên”, ngài mới đề cập đến vấn đề môi sinh: “đôït nhiên con người hôm nay nhận thức rằng, do khai thác thiên nhiên một cách vô đôï và vô ý thức, mình bị đặt trước nguy cơ phá huỷ thiên nhiên và trở thành nạn nhân của chính hành động phá hoại có tác động dội lại trên con người (số 21). Ngài xác nhận: vấn đề môi sinh liên quan tới toàn thể gia đình nhân loại. Và ngài kêu gọi các kitô hữu hãy kề vai sát cánh với mọi anh em đồng loại gánh vác trách nhiệm về định mệnh chung của cả thế giới. Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cũng ý thức đến vấn đề sinh thái và môi trường khi tôn phong thánh Phaxicô Assisi làm bổ mạng các nhà sinh thái học. Ngài chọn quan điểm luân lý và tôn giáo để nhìn vấn đề môi sinh. Ngài triển khai đề tài thành ba thái độ nhận thức cụ thể:

Con người không được tuỳ tiện sử dụng các tạo vật trong thế giới theo nhu cầu kinh tế riêng của mình, nhưng phải quan tâm tới bản tính tự nhiên của mỗi vật thể và mối quan hệ hỗ tương giữa các vật thể trong hệ thống tổng thể của vũ trụ.

Con người phải khẩn trương nhận thức rằng tài nguyên thiên nhiên thì có hạn, trong số đó có những tài nguyên không thể tái tạo, nếu cạn kiệt. Vậy phải bảo tồn chúng cho thế hêï hiện tại và nhất là cho thế hệ tương lai.

Sự phát triển bằng con đường công nghiệp hoá thường gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường và phương hại tới chất lượng cuộc sống và sức khoẻ của dân chúng. Do đó, bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình và bảo vệ anh chị em đồng loại trong tinh thần liên đới. Nói cách khác, để thi hành quyền làm chủ trái đất do Đấng Tạo Hoá trao phó, con người đừng nghĩ rằng mình có quyền tuyệt đối, nhưng phải chấp nhận theo những nguyên tắc luân lý, trong khi vận dụng những qui luật vật lý và sinh học. (x. số 34).

Theo ngài, cuộc khủng hoảng môi sinh là hậu quả của chủ nghĩa tiêu thụ và khai thác môi trường thiên nhiên một cách vô tội vạ, phát xuất từ triết lý lệch lạc về con người, theo đó con người tự coi mình chúa tể, là ông chủ tuyệt đối của thế giới, mà quên rằng Thiên Chúa ban tặng thế giới này cho con người quản lý, nghĩa là làm chủ bằng bằng việc “canh tác và canh giữ mảnh vườn Eđen”- biểu tượng của thế giới hữu hình. (x. St 2,15)

Công đồng Vaticanô II, đã có một trực giác mang tính tiên tri về nhiệm vụ Thiên Chúa giao cho con người khi nói: “Canh tác trái đất với hai bàn tay hoặc với phương tiện kỹ thuật, để trái đất nẩy sinh hoa quả và trở thành nơi cư ngụ xứng đáng cho toàn thể gia đình nhân loại” (MV 57,b)

Từ môi sinh thiên nhiên, Đức Gioan Phaolô II Nhìn sang “môi sinh nhân bản” với chân lý nền tảng: “con người là ân huệ của Thiên Chúa ban cho chính con người”. Do đó, mỗi người phải biết tự đón nhận mình và đón nhận tha nhân như quà tặng Thiên Chúa ban cho. Quà tặng ấy mang trong mình những định hướng, những cơ cấu tự nhiên mà con người phải tôn trọng. Nếu thân xác con người cần một môi trường vật lý trong sạch để có thể tồn tại và tăng trưởng, thì tinh thần con cũng cần một môi trường luân lý lành mạnh để phát triển nhân cách và thành người theo mô hình Thiên Chúa phác hoạ trong chương trình tạo dụng. (x. Bách chu niên, số 38). Cuối cùng, Đức Gioan Phaolô II khẳng định rằng môi sinh thiên nhiên và môi sinh nhân bản là những tài sản tập thể mà mọi người phải bảo vệ.

Như vậy Giáo Hội cũng đã ý thức vai trò, trách nhiệm của mình trong vấn đề bảo vệ môi sinh. Vì Giáo Hội dã thâm tín rằng Thiên Chúa đã dựng nên vạn vật từ hư không, và hơn nữa, hằng liên tục dựng nên muôn vật. Mục đích của sáng tạo là làm vinh danh Thiên Chúa, để tỏ lộ sự hoàn hảo của Thiên Chúa qua những phúc lộc Người ban tặng cho tạo vật. (DS. 3002). Ngoài ra, Thiên Chúa tạo dựng vạn vật và cho con người làm chủ muôn loài thọ tạo (x. St 1,28), nhưng không phải là không có giới hạn (x. St Hs B: ,16). Thiên Chúa đặt con người ở giữa vường Êđen không phải là để là bá chủ nhưng là để quản lý. Do đó, lạm dụng thiên nhiên là ăn cắp của công. (x. Sách Giáo lý Công Giáo, số 2415). Như vậy con người được phép sử dụng tạo vật. Điều đó không có nghĩa là con người muốn sử dụng nó như thế nào tuỳ thích, mà con người phải có bổn phận giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên để người khác cũng được hưởng.

Tuy Giáo Hội đã ý thức được vai trò của mình trong vấn đề môi sinh nhưng điều đó hình như chưa được khai triển một cách rộng rãi cho mọi thành phần trong Giáo Hội. Có chăng mới chỉ được khai triển một cách nào đó trong các lớp thần học. Nhưng ai may mắn được học môn thần học tạo dựng thì có cơ hội hiểu rõ hơn vai trò của mình trong vũ trụ này. Đã đến lúc chúng ta cần phải chú trọng đến việc giáo dục cho mọi tín hữu của mình hiểu về vai trò cũng như bổn phận của mình trong việc bảo vệ môi sinh, bảo vệ ngôi nhà chung mà Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Bảo vệ môi trường sinh thái không có nghĩa là ta chỉ bảo vệ môi trường sinh thái của ta mà thôi mà đây còn là việc cộng tác vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa không chỉ tạo dựng một lần là hoàn tất, nhưng công trình đó vẫn còn đang tiếp tục được tạo dựng mỗi ngày. Mặt khác, chúng ta cũng phải hướng dẫn để mọi người ý thức rằng dù con người có trổi vượt hơn các tạo vật khác thì con người cũng chỉ là một thụ tạo. Con người vẫn thuộc về về thế giới này, vẫn thuộc về vũ trụ này. Mọi thay đổi trong vũ trụ đều có ảnh hưởng đến con người. Ngoài ra, con người còn là một sinh vật tinh thần. Do đó, con người phải sống liên đới với với đất và trời, phải giữ trác nhiệm đối với mọi tạo vật, cách riêng đối với người đồng loại, và trên hết đối với Chúa tể càn khôn. Không phải tự nhiên mà sách Sáng Thế Ký lại nói đến ngày thứ bảy là này Thiên Chúa nghỉ ngơi sau sáu ngày tạo dựng vũ trụ vạn vật. Điều đó muốn dạy chúng ta rằng con người phải sống thuận hoà với mọi loài thọ tạo. Ngày hưu lễ trong Cựu Ước cũng nói lên mối hoà thuận này. Bảo vệ môi trường sạch đẹp là để mọi người được hưởng dùng đồng thời qua đó con người tôn vinh Thiên Chúa.

Chúng ta không thể nói rằng mình rao giảng Lời Chúa, rao giảng Tin Mừng cứu độ muôn người mà lại không quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Vì ngày nay, vấn đề giải thoát con người không chỉ là giải thoát con người khỏi tội lỗi mà con nhằm giải thoát con người toàn vẹn, nghĩa là không chỉ giải thoát họ khỏi tội lỗi để họ xứng đáng được hưởng phúc đời sau mà còn giải thoát họ khỏi sự khốn khổ ngay ở đời này, là giúp cho họ được sống xứng đáng với nhân phẩm của mình ở đời này. Để có thể làm được điều đó, mọi thành phần trong Giáo Hội phải có bổn phận xây dựng thế giới này, vì mọi người đều đã lãnh sứ vụ rao giảng ngay từ ngày lãnh bí tích thanh tẩy. Ngày nay, tuy Giáo Hội đã ý thức được vai trò của mình trong việc bảo vệ môi sinh, nhưng thiết nghĩ, điều đó chưa đủ, chúng ta cần phải xây dựng một nền luân lý môi sinh. Vì thế giới thiên nhiên là do Thiên Chúa tạo dựng cho con người nói chung sử dụng, chứ không phải là cho riêng ta. Vì thế Giáo lý công giáo mới nó, lạm dụng thiên nhiên quá đáng là lỗi công bằng, là phạm vào điều răn thứ bảy: “Chớ lấy của người”, và một cách gián tiếp, con người đang phạm vào điều răn thứ năm: “Chớ giết người”. (Xc. Giáo Hội học của Felipe Gomez, tr. 436). Ngoài ra, các tạo vật là những ân huệ mà Thiên Chúa ban cho con người để giúp con người hướng tâm hồn về với Thiên Chúa.

Thánh Anphongsô, Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, tuy không đề cập trục tiếp đến vấn đề môi sinh như Thánh Phansicô Assisi, Ngài chỉ đưa ra một nền linh đạo cho toàn Dòng là rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, tất bạt. Điều đó khi được nhìn trong viễn cảnh của việc rao giảng Tin Mừng Cứu Độ ngày nay, nghĩa là giải thoát con người một cách toàn diện, thì linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế đã bao gồm việc xây dựng cho mọi người một môi trường lành mạnh để mọi người được sống xứng đáng với nhân phẩm của mình.