NĂM PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
I. KHAI MẠC
1. Hát kính Thánh Thể.
2. Lời nguyện mở đầu của chủ sự hay người hướng dẫn:
“Hỡi những ai vất vả, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các con”1. Chính Chúa Giêsu đã mời gọi các gia đình Công Giáo đến với Ngài nơi Bí Tích Thánh Thể để nhận ơn an ủi, sức nâng đỡ cho những vất vả, lo âu, gánh nằng trong đời sống gia đình.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chính lúc này đây, lời Chúa mời gọi mỗi thành viên trong gia đình chúng con đi vào huyền nhiệm tương giao ân tình với Chúa, để Chúa nâng đỡ bổ sức cho gia đình của mỗi người chúng con.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin thật Chúa đang hiện diện khiêm tốn và đích thực trong dấu chỉ tấm bánh. Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa, chúng con chúc tụng, tri ân cảm tạ và yêu mến Chúa. Xin Chúa quy tụ gia đình chúng con lại bên Chúa, như Chúa đã quy tụ muôn dân trong gia đình Hội Thánh. Xin ban cho chúng con Thánh Thần để soi lòng mở trí chúng con biết lắng nghe, yêu mến và đón nhận Lời Chúa trong giờ cầu nguyện này cũng như trong đời sống gia đình của chúng con.
Đêm nay, tưởng nhớ việc Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức linh mục thừa tác, chúng con muốn đến với Chúa trong tâm tình ngưỡng mộ, chúc tụng tôn vinh và cảm tạ tri ân. Nguyện xin Chúa tuôn đổ sức sống mới cho tất cả các thành phần dân Chúa, cách riêng ơn hiệp nhất và bình an cho các gia đình trong “Năm Phúc Âm Hóa đời sống gia đình”.
Xin “mở mắt đức tin” cho gia đình mỗi người chúng con, để chúng con nhận ra Chúa đang đồng hành với chúng con trên mọi nẻo đường của cuộc đời, như Chúa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau vào buổi chiều Phục Sinh và giải thích Kinh Thánh cho họ. Xin làm cho lòng chúng con bừng cháy lòng yêu mến Lời Chúa như hai môn đệ làng Emmau . Nhờ Mầu nhiệm Thánh Thể và sức mạnh thánh hóa của Lời Chúa, xin Chúa thánh hiến mỗi thành viên trong gia đình chúng con để chúng con trở thành những môn đệ đích thực của Chúa, tỏa chiếu đời sống đức tin và đức bác ái trước mặt mọi người. Amen.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA, SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN
1. Lời dẫn trước khi đọc Lời Chúa:
Trong bầu khí thánh thiện của đêm nay, Chúa quy tụ chúng ta ở lại bên Chúa như các môn đệ tại bàn Tiệc Ly. Đêm nay, chúng ta cùng canh thức với Chúa, lắng nghe và đáp trả tình yêu Chúa. Xin cho giờ cầu nguyện, tôn thờ, chúc tụng, cảm tạ và chiêm ngưỡng Thánh Thể trong đêm thánh này được ánh sáng Lời Chúa toả chiếu. Xin Chúa Thánh Thần ngự đến mở trí soi lòng, chiếu dọi vào tâm hồn chúng ta khuôn mặt và giáo huấn của Đức Giêsu, Đấng đã chết và phục sinh vì chúng ta và đưa chúng ta tới sự thật trọn vẹn.
2. Hát: “Lắng nghe Lời Chúa”
3. Bài đọc I: Ga 2, 1-12
"Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa"
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Gioan.
Khi ấy có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi". Chúa Giêsu nói với mẹ: "Hỡi bà, tôi với bà có can chi đâu, giờ tôi chưa đến". Mẹ Người nói với những người giúp việc: "Hễ Người bảo gì, phải làm theo". Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy đổ nước đầy các chum". Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: "Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc", và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: :Ai cũng đều đem rượu ngon ra trước, khi khách đã ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon cho tới giờ này". Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người. Ðó là Lời Chúa.
4. Suy niệm 1:
Như tại tiệc cưới Cana, ngày nay Chúa Giêsu cũng muốn hiện diện trong cuộc sống của vợ chồng; Ngài đến gặp gỡ họ qua Bí Tích Hôn Nhân và ở lại với họ qua Bí Tích Thánh Thể để họ có thể yêu thương nhau suốt cả cuộc đời.
Khung cảnh câu chuyện chúng ta vừa nghe là một đám cưới ở làng Cana xứ Galilê. Cũng như tại nhiều nơi khác, lễ cưới tại xứ Palestina là một thời điểm thật sự quan trọng. Vợ chồng mới cưới ở tại nhà tiếp đãi khách suốt cả tuần lễ. Họ đội vương miện và mặc y phục hôn lễ. Họ được đối xử như vua và hoàng hậu. Đó quả là dịp vui hiếm có của đời người.
Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã hiện diện ở tiệc cưới Cana để chia sẻ niềm vui và cảm thông. Cách riêng Mẹ Maria đã rất quan tâm đến gia cảnh của đôi tân hôn. Họ thiếu điều rất cần trong đám tiệc, họ thiếu rượu. Bởi như các Ra-bi vẫn thường nói: “Không rượu thì không vui”. Tuy say rượu là một điều xấu hổ với họ nhưng thiếu rượu để tiếp khách trong tiệc cưới là một điều xấu hổ và nhục nhã cho cả cô dâu lẫn chú rể.
Đây là lúc cấp bách, Mẹ Maria đã thông báo cho Chúa Giêsu cả khi giờ của Ngài chưa tới. Mẹ đã biết phải cậy dựa vào Ngài để đưa họ ra khỏi tình thế gian nan, không hẳn chỉ là việc thiếu rượu nhưng còn nguy cơ của sự thiếu vắng niềm vui, của sự chia rẽ. Qua lời nói của Mẹ, chúng ta nhận ra uy quyền của Mẹ trong việc đòi hỏi người ta phải nghe theo lời của Chúa Giêsu.
Ước gì hôm nay, Mẹ cùng với Chúa Giêsu cũng “hiện diện trong mọi tổ ấm Kitô giáo, để thông ban cho nó ánh sáng và niềm vui, sự bình an và sức mạnh.” Và ước gì việc Chúa Giêsu hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể trở nên nguồn mạch và trung tâm của đời sống gia đình Kitô hữu. Như đôi tân hôn tại tiệc cưới Cana năm xưa được Chúa Giêsu và Mẹ Maria trao ban niềm vui qua sự hiện diện của các Ngài; ngày hôm nay các gia đình cũng cần có sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong gia đình của mình. Có hình ảnh nào đẹp hơn cho gia đình Công Giáo khi họ cùng nhau tham dự việc cử hành Thánh Thể, cùng nhau rước Chúa. Hội Thánh luôn tôn thờ Thánh Thể không những trong mà còn ngoài Thánh Lễ nữa. Hội Thánh ý thức ý nghĩa của sự thinh lặng tôn thờ Đức Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Vì thế, gia đình được khuyến khích thường xuyên cùng tham gia giờ Chầu Thánh Thể và rước kiệu Thánh Thể cùng cộng đoàn .
5. Cầu nguyện 1:
Năm Phúc Âm hóa đời sống gia đình là thời gian mời gọi mỗi thành viên gia đình nên thánh vang lên rõ ràng và thúc bách hơn bao giờ hết. Thiên Chúa muốn chúng ta sống thánh thiện (1Tx 4,7; 3,12; 1P 2,15). Đức Kitô muốn chúng ta phúc âm hóa chính cuộc sống mình trước khi loan báo Tin Mừng cho mọi người chung quanh, và Chúa Thánh Thần vẫn luôn thực hiện việc thánh hóa chúng ta bằng muôn vàn ân sủng. Trong niềm tin tưởng, chúng ta hãy cảm tạ Chúa Giêsu và kêu cầu Ngài:
1) Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin giúp chúng con xây dựng gia đình thành một cộng đoàn cầu nguyện, luôn sống trong sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa và làm cho chính đời sống gia đình trở thành lời kinh sống động.
Đáp: Xin tình yêu Chúa thánh hiến gia đình chúng con.
2) Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin giúp các đôi vợ chồng sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống, để tình yêu gia đình trở thành dấu chỉ sống động của Tình yêu Thiên Chúa.
Đáp: Xin tình yêu Chúa thánh hiến gia đình chúng con.
3) Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin giúp các bậc cha mẹ ý thức giáo dục con cái, để gia đình trở thành ngôi trường đầu tiên dạy dỗ giáo lý đức tin và thực hành các đức tính nhân bản, nên như thành trì bảo vệ sự sống thể lý cũng như tinh thần của con cái trước sự tấn công của cái ác và cái xấu trong cuộc sống.
Đáp: Xin tình yêu Chúa thánh hiến gia đình chúng con.
4) Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin giúp cả gia đình chúng con hăng say loan báo Tin Mừng, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể, để đời sống yêu thương hiệp nhất hiện diện trong gia đình Công Giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, trở thành lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng.
Đáp: Xin tình yêu Chúa thánh hiến gia đình chúng con.
Thinh lặng. (Đêm nay, cần nhiều giây phút thinh lặng để chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn)
6. Chúc tụng và tung hô:
Người hướng dẫn: Giờ đây, chúng ta cùng chúc tụng tung hô Chúa:
- X/ Chúc tụng Chúa đã tỏ vinh quang Người nơi tiệc cưới Cana.
- Đ/ Đó là niềm hy vọng cho gia đình chúng con.
- X/ Chúc tụng Chúa đã chiến đấu và đem lại sự sống cho chúng con trên Thánh Giá.
- Đ/ Đó là sức mạnh và nguồn sống của gia đình chúng con .
- X/ Chúc tụng Chúa đã ban Lời hằng sống có sức biển đổi trần gian.
- Đ/ Đó là nguồn ánh sáng và là ơn cứu độ của gia đình chúng con.
- X/ Chúc tụng Chúa là sự sống và là sự sống lại của chúng con.
- Đ/ Đó là nguồn vui và hạnh phúc của gia đình chúng con
7. Hát về Thánh Thể hay về Tình yêu Chúa.
8. Bài đọc 2: Ep 5, 21-33
"Mầu nhiệm này thật lớn lao; trong Ðức Kitô và trong Hội Thánh".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, anh em hãy phục tùng nhau trong sự kính sợ Ðức Kitô. Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Ðức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Ðấng Cứu Chuộc thân thể mình. Nhưng như Hội Thánh phục tùng Ðức Kitô thể nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy.
Hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh để thánh hoá Hội Thánh, khi Người dùng nước và lời hằng sống rửa sạch Hội Thánh, ngõ hầu bày tỏ cho mình một Hội Thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo, hay phải điều gì khác tương tự, nhưng thánh thiện và vẹn tuyền.
Cũng thế, người chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình. Ai yêu thương vợ mình, là yêu thương chính mình. Vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và nâng niu nó, như Ðức Kitô đối với Hội Thánh: vì chúng ta là chi thể của thân xác Người, do xương thịt Người. "Bởi thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình: và cả hai nên một thân xác". Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh. Dù sao, mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như bản thân mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng. Ðó là lời Chúa.
9. Suy niệm 2:
Với đoạn văn chúng ta vừa nghe, thánh Phaolô đối chiếu hôn nhân Kitô giáo với mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh. Tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh là nền tảng và khuôn mẫu cho tình yêu của đời sống vợ chồng. Tương quan giữa vợ chồng phải là dấu chỉ và là cách trình bày mầu nhiệm của Chúa Kitô và Hội Thánh. Tình yêu của Chúa Kitô đối với Hội Thánh đã trở thành nền móng cho Bí Tích Hôn Phối. Hơn nữa, thánh Phaolô còn đề cập đến mối tương quan trong gia đình theo tinh thần Kitô giáo: vợ - chồng, cha mẹ - con cái, phải sống trong tinh thần tùng phục lẫn nhau và khiêm tốn.
Thật vậy, hôn nhân của những người đã chịu phép rửa tội trở nên biểu tượng thật của giao ước mới và vĩnh cửu được ký kết trong máu Đức Kitô. Chúa Thánh Thần ban cho họ một trái tim mới và làm cho cả người nam và người nữ có khả năng yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh. Nhờ đó, tình yêu vợ chồng tham dự vào tình yêu của Đức Kitô, Đấng trao ban chính mình trên thập giá, và cũng nhờ đó họ được mời gọi sống tình bác ái của Người.
Giáo phụ Tertulianô đã diễn tả tuyệt vời nét cao cả và vẻ đẹp của đời sống hôn nhân trong Đức Kitô: "Tôi sẽ múc đâu ra sức mạnh để nói cho thỏa về niềm hạnh phúc của cuộc hôn nhân được Hội Thánh nối kết, được Thánh lễ thừa nhận, được lời chúc lành niêm ấn; được các Thiên Thần công bố và được Cha trên trời chuẩn y ... Có đôi bạn nào đẹp bằng đôi bạn Kitô hữu, được kết hợp do cùng một niềm hy vọng, cùng một ước nguyện, cùng một nề nếp, cùng một công việc phục vụ. Cả hai cùng là con một Cha, cùng phục vụ một Chúa; không gì phân rẽ họ nổi, trong tinh thần cũng như trong xác thịt; ngược lại, họ là hai trong cùng một thể xác. Ở đâu có cùng một thể xác, ở đó cũng có cùng một tinh thần" .
Vậy, để giữ được nét đẹp và sự cao cả của đời sống hôn nhân trong Chúa Kitô, các gia đình Công Giáo được mời gọi hãy tìm đến Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch cho đời sống hôn nhân của họ. Quả thế, hy lễ Thánh Thể diễn lại giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh, vì giao ước ấy đã được ký kết bằng máu của Người trên thập giá . Chính trong hy lễ của Giao ước mới và vĩnh cửu ấy mà các đôi bạn Kitô hữu tìm được nguồn mạch tuôn trào làm cho giao ước hôn nhân của họ được sinh động bền bỉ và là nguồn năng lực cho hoạt động thừa sai và tông đồ.
10. Cầu nguyện 2:
Giờ đây, chúng ta cùng hiệp lời cầu nguyện cách chung cho mọi thành phần trong Hội Thánh và một cách đặc biệt cho các gia đình:
X/ Lạy Chúa, xin cho các gia đình luôn sống trong Chúa như Chúa sống trong Chúa Cha – để đời sống gia đình được trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện
Đ/ Lạy Chúa, xin Chúa ở trong gia đình chúng con.
X/ Lạy Chúa, Chúa muốn rằng Chúa ở đâu thì những môn đệ của Chúa ở đó - Xin cho các tín hữu trong Năm Phúc Âm hóa đời sống gia đình được thấm nhuần đời sống cầu nguyện.
Đ/ Lạy Chúa, xin Chúa ở trong gia đình chúng con.
X. Chúa đến ban ánh sáng chiếu soi mọi người và làm Thầy dạy đường thánh thiện – Xin cho Lời Chúa nên ánh sáng chiếu soi gia đình chúng con.
Đ/ Lạy Chúa, xin Chúa ở trong gia đình chúng con.
X/ Chúa đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hy sinh mạng sống cho muôn người - Xin cho vợ chồng biết sống quên mình mà phục vụ nhau và lưu tâm đến việc giáo dục con cái.
Đ/ Lạy Chúa, xin Chúa ở trong gia đình chúng con.
X/ Còn những gia đình đang gặp thử thách gian truân - xin cho họ được nâng đỡ nhờ tình thương của Chúa.
Đ/ Lạy Chúa, xin Chúa ở trong gia đình chúng con.
11. Lời cầu nguyện của chủ sự hay người hướng dẫn.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con siêng năng tìm đến Chúa qua việc tham dự Thánh Lễ, viếng Thánh Thể và rước lễ thiêng liêng. Vì một khi có Chúa, lòng chúng con được sưởi ấm, tình yêu của chúng con được mặn nồng. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
12. Hát: “Đâu có tình yêu thương”
III. KẾT THÚC
Lời nguyện kết thúc của chủ sự hay người hướng dẫn:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho gia đình mỗi người chúng con biết đem trót cả tâm tình tri ân cảm tạ, lòng tin sốt sắng tham dự việc cử hành mầu nhiệm Chúa chịu khổ hình hầu đáng hưởng ơn tha thứ của Chúa. Xin gìn giữ gia đình chúng con trong tình thương của Ngài. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.