Phương pháp học



Linh mục J. Michael Byron, giáo sư phụ giảng về thần học hệ thống tại Trường Thần Học Thánh Gioan ở Collegeville, Minnesota, thì thuật lại việc phương pháp học đã lên khuôn thừa tác vụ của ngài ra sao.

Cha kể rằng tại lễ tang của thân phụ, một linh mục tới gần để lớn tiếng cho hay ngài rất ngạc nhiên khi nhờ chuyện trò mà khám phá ra rằng thân phụ của cha, một ông lão 80 tuổi, cả đời thực hành đức tin Công Giáo, lại là một người “cấp tiến” (liberal). Cha cho rằng nhãn hiệu này khó có thể áp dụng vào thân phụ mình. Cả nhãn hiệu “bảo thủ” cũng thế. Thân phụ ngài đơn giản tiếp nhận nền giáo dục chính thức tại các trường Công Giáo trong các thập niên 1930 và 1940. Cụ chưa hề ba hoa về các ơn phúc hay các tệ hại của Vatican II, về các vị giáo hoàng hay về phụng vụ. Cụ chỉ cầu nguyện theo lối hoàn toàn Công Giáo, đi lễ mỗi Chúa Nhật, phục vụ giáo xứ và tổng giáo phận trong một vài chức vụ lãnh đạo nào đó và lo lắng sao cho các con được dưỡng dục và được giáo dục trong đức tin. Có gì mà “cấp tiến” hay “bảo thủ” trong đó? Thuần túy chỉ là Công Giáo.

Tuy nhiên, theo cha Byron, vẫn có một thứ phương pháp thần học nằm dưới cái bề ngoài ấy, dù thân phụ cha, một người suy nghĩ sáng chói cha từng biết được, chưa bao giờ có khả năng thuyết trình chính thức về nó. Mà không phải chỉ riêng thân phụ cha, mọi giáo sĩ, mọi thừa tác viên mục vụ, và thực ra mọi Kitô hữu Công Giáo dấn thân, đều đã tiếp cận các tình thế mục vụ với một phương pháp thần học hữu hiệu nào đó. Hầu hết rất có thể không biết cách nhận diện ra phương pháp ấy và do đó, không có khả năng phát biểu nó ra và lượng giávề nó. Ấy thế nhưng, kiểu loại của phương pháp thần học có lẽ là định mức căn bản nhất cho thấy người ta sống ơn gọi của mình ra sao, bất luận là giáo sĩ hay giáo dân.

Người Công Giáo ngày nay phải tự hỏi liệu một phương pháp thần học đặc thù nào đó có giải thích được cách thỏa đáng các dữ kiện của kinh nghiệm hay, nói cách khác, liệu kinh nghiệm có tương quan gì hay không. Nói cách khác nữa, trách vụ đức tin và thừa tác vụ hiện nay có giải đáp các nan đề tri thức hay chỉ là một cái gì khác thế? Người ta có đối diện với các tình huống mục vụ ngõ hầu giải thích “cái tại sao” của các biến cố, hay chỉ hiện diện một cách mục vụ đối với “cái gì” của các biến cố ấy, mà không có bất cứ một học lý tức khắc nào? Việc người ta trả lời các câu hỏi này ra sao sẽ cho ta thấy phương pháp thần học hay “các nguyên tắc đệ nhất” của họ là gì.

Ta lượng giá ra sao?

Nói tới phương pháp thần học, nhiều người cho là chuyện trừu tượng và chẳng đáng lưu ý chút nào. Nhưng thực ra, đây là một việc tìm hiểu khá cụ thể và nhiều thông tri. Có lẽ từ ngữ “phương pháp” làm ta hiểu lầm chăng, vì dường như nó muốn gợi ý rằng thừa tác viên cố tình suy tư về các nguyên tắc đệ nhất của mình và đã cố ý chọn cho mình nguyên tắc này hay nguyên tắc nọ. Thực ra không phải thế. Một phương pháp học được suy tư cách có phê phán rất có thể bị coi như có thiên kiến, thậm chí như một ý thức hệ nữa vì nó đưa ra một loạt các giả thuyết bất biến cố tình được chọn lựa, được định sẵn trước về việc phải đưa ra quyết định như thế nào trong thừa tác vụ, phải đánh giá các ưu tiên ra sao và phải lượng định những dữ kiện nào và tại sao. Một phương pháp thần học, bất kể hữu thức hay không, chủ yếu là một phán đoán về các xác tín và thiên hướng nền tảng mà người ta phải có khi bước vào hoạt động mục vụ.

Không ai trong chúng ta tránh được việc phải sử dụng một phương pháp nào đó, mà chúng ta cũng không nên tránh việc này; thứ phương pháp tồi tệ nhất đương nhiên là phương pháp thiếu phê phán bởi không ai chọn thứ phương pháp này. Thí dụ, bất kể người ta nghĩ gì về những thứ thần học giải phóng khác nhau đang có mặt trong Giáo Hội, một trong các đóng góp của chúng đối với việc suy tư có phê phán là ai cũng sẵn sàng xông tới (up-front) để nói ra hàng loạt các nguyên tắc đệ nhất đẳng vốn hướng dẫn các suy tư và các thảo luận của họ. Thường thường các nguyên tắc này có bổn phận giải quyết các đau khổ hay áp bức hiện nay trong lịch sử. Một phương pháp nào đó có thể bị coi là thiếu thỏa đáng, nhưng phán đoán này đòi người phê phán phải nói rõ phương pháp của mình và tại sao phương pháp của mình hay hơn.

Ngày nay, một số người sử dụng một trong các phương pháp học thường được gọi là “siêu việt” (“transcendental”). Những phương pháp loại này dựa vào một loạt xác tín trong phạm vi nhân chủng học và chúng thuộc nhiều loại khác nhau: hữu thể học về con người nhân bản, cấu trúc phổ quát của nhận thức và trí hiểu nhân bản, v.v… Những nhà thần học lớn như Karl Rahner S.J., Bernard Lonergan S.J., đã nhận diện được các xác tín này ngay từ đầu, nhưng rất nhiều thừa tác viên mục vụ sử dụng các giả thuyết này mà không bao giờ nghĩ tới lý do tại sao chúng thỏa đáng hay liệu chúng có thỏa đáng hay không.

Nhiều hình thức bảo thủ cực đoan (fundamentalisms) cũng đưa ra một phương pháp học khác, càng ngày càng hiện diện nhiều hơn trong mọi tôn giáo ngày nay. Xét chung, các thuyết này bênh vực một nguồn thẩm quyền duy nhất mà không xem xét thẩm quyền này dưới cái nhìn phê phán. Nguồn này có thể là Thánh Kinh, là Kinh Kôrăng, là giáo hoàng, là Bộ Giáo Luật hay một nguồn chân lý không bị tra hỏi khác được chọn lựa. Với chủ thuyết cực đoan, chỉ cần nại tới một bản văn hay một giáo huấn nào đó là có thể giải quyết được các vấn đề thuộc thừa tác vụ.

Như ta biết, Chúa Giêsu chưa bao giờ cung cấp cho các môn đệ của Người một khóa hội học nào về phương pháp thần học và nếu trung thực đọc các bản văn Tân Ước, ta sẽ thấy chúng trình bày một loạt nhiều phương pháp khác nhau. Thí dụ, đôi lúc Chúa Giêsu cảnh giác các môn đệ đừng nại vào lề luật và thay vào đó, thúc giục họ phải có lòng cảm thương. Đó thẩy đều là những phương pháp hành động khác nhau. Các thần học gia mục vụ cần phải biết đưa ra các phán đoán trong các phạm vi này. Thực vậy, suốt trong lịch sử Công Giáo, một loạt các phương pháp học khác nhau đã được sử dụng, dù cố ý hay không, bởi truyền thống thần học và huấn quyền.

Thí dụ, nhiều thần học gia giáo phụ tin rằng chỉ cần trích dẫn lời lẽ của các bậc anh thư tiên khởi của Kitô Giáo cũng đủ để giải quyết các cuộc tranh cãi. Thánh Tôma Aquinô ít làm việc này nhưng đã tạo ra việc kinh viện thích nại tới luật tự nhiên và triết học Aristốt. Ngài quả có nại tới một số cơ sở khác cho thẩm quyền thần học, và ngài chú ý tới một số vấn nạn nhiều hơn các thần học gia khác. Các phát biểu khả tín nhất về tín lý, luật lệ và ý kiến thần học đều tự biết rằng có một phương pháp đứng đàng sau mình. Phần lớn các ác ý hiện nay trong các cuộc tranh cãi của Công Giáo về tín lý và thực hành mục vụ không hẳn là vì đức tin vào Chúa Kitô hay vào Giáo Hội, cho bằng vì phương pháp học.

Xét trong yếu tính, nói tới phương pháp trong thừa tác vụ là đặt ra câu hỏi này: Thông tri, dữ kiện và thẩm quyền nào có tính thuyết phục nhất trong việc nêu ra các phán đoán mục vụ, và tại sao? Chú ý tới phương pháp có thể giúp ta tránh được những phản xạ không thể giải quyết, hoàn toàn vô nghĩa và đôi lúc thiếu bác ái của rất nhiều người trong hai thế hệ vừa qua: đó là đặt người Công Giáo “cấp tiến” chống lại người Công Giáo “bảo thủ” hay “chính thống”, bất luận là giáo sĩ hay giáo dân. Những nhãn hiệu này không bao giờ nên dùng trong thừa tác vụ vì chúng không đóng góp được gì cho việc hiểu biết. Chúng là những nhãn hiệu chính trị, mà thừa tác vụ thì trong căn bản đâu có gì là chính trị, theo nghĩa đang được tranh cãi hiện nay.

Trình thuật bị thách thức

Thân phụ Cha Byron được dưỡng dục trong một gia đình và một hệ thống học đường Công Giáo truyền thống của tiền bán thế kỷ 20. Truyền thống ấy là truyền thống trong đó các giả thuyết không bị ai thách thức, truyền thống ấy tin rằng tín lý Công Giáo có khả năng giải thích được siêu trình thuật (metanarrative) về thế giới, về văn hóa và về con người khắp mọi nơi. Nói cách khác, các kinh nghiệm đôi khi rối mù và mơ hồ trong cuộc sống của người “sống trên mặt đất” được coi như không đặt ra bất cứ thách thức nào đối với câu truyện thịnh hành của Công Giáo; chúng không phải là các vấn đề cần được câu truyện Công Giáo, vốn được các định chế và huấn quyền phát biểu ra, phân xử.

Điều ấy không ngạc nhiên chút nào. Phối cảnh thần học và phương pháp học lúc đó được kiểm soát, giống như hàng bao thế ký trước đó, bởi một phương thức mà ngày nay ta gọi là “Tân Tôma” (neo-Thomism), một phương pháp không được Thánh Kinh chúc lành hay kết án, vì nó xuất hiện mãi hơn một nghìn năm sau khi Chúa Giêsu qua đời và sống lại. Trong thời kỳ tiếp theo sau Cách Mạng Pháp và Phong Trào Ánh Sáng, thuyết Tôma được nhiều vị giáo hoàng và giám mục ủng hộ, nhất là Đức Piô IX. Nhưng cũng như bất cứ phương pháp nào trước đó và kể từ đó, thuyết Tôma không phải là Tin Mừng. Nó chỉ là một trong những cách người ta cố gắng hiểu nghĩa của Tin Mừng nhờ một số lựa chọn có tính giải thích mà thôi. Thuyết Tôma (và cả thuyết Tân Tôma) rất nổi về trừu tượng. Nó theo luận lý học của các đề xuất tri thức (intellectual propositions), giống như trong tác phẩm Summa Theologiae (Tổng Lược Thần Học) của Thánh Tôma, và do đó đạt tới các phân biệt rõ ràng trong quan niệm về tín lý sau khi nghiên cứu một số câu hỏi, như “Sự hiện hữu của Thiên Chúa có tự hiển nhiên hay không?”

Đối với thân phụ của Cha Byron, khúc rẽ quan trọng xẩy ra khi cụ cảm thấy có sự bất tương hợp giữa siêu trình thuật Công Giáo và kinh nghiệm sống của cụ, nhất là khi một số con cháu của bạn bè cụ tiết lộ: chúng bị lôi cuốn bởi người cùng phái tính. Điều này gây trở ngại cho thế giới quan thần học của chủ thuyết Tân Tôma mà trước đây cụ thường giả dụ. Một thí dụ khác: cụ gặp nhiều người Do Thái Giáo và một số người vô thần trong vòng nghề nghiệp của cụ, và cụ phải xác định xem mình nên trả lời những người này ra sao. Lúc cụ đương đầu với tình thế này, thì cụ vào khoảng 50 hay 60 gì đó, và lúc này là lúc cụ buộc phải có một quyết định về phương pháp, dù cụ không nhận diện nó như thế. Cụ phải quyết định: kinh nghiệm, cả kinh nghiệm xúc cảm nữa, quan trọng tới mức nào khi suy nghĩ về Thiên Chúa, về Giáo Hội, về ơn cứu rỗi và về việc hiện diện với người ta? Theo nền đào tạo và các thiên hướng Tân Tôma, thì cụ sẽ được dẫn tới một cách trả lời. Còn nếu chú ý tới kinh nghiệm, tới xúc cảm và chủ trương của bạn bè và đồng nghiệp cụ sẽ được dẫn tới một hướng khác. Điểm quan trọng ở đây không phải là xác định xem chọn lựa nào tốt hơn, mà là làm sáng tỏ điều này: đây là một chọn lựa không thể tránh được, dựa trên các tiêu chuẩn khác, để có được một phương pháp thần học mục vụ thỏa đáng.

Cha mẹ Cha Byron đã quyết định để các quan điểm của bạn bè và con cháu họ giúp lên khuôn các quan điểm của các ngài về Thiên Chúa và thánh ý Người. Các ngài để các kinh nghiệm cụ thể đối thoại với và thậm chí tương đối hóa các trừu tượng của nền thần học Tôma. Đây là một quyết định, dù không có chủ đề, về phương pháp thần học. Nó là một quyết định nhằm tra vấn các giả định của siêu trình thuật. Cha Byron cho rằng khi vị linh mục bạn nói rằng thân phụ ngài “cấp tiến” chắc hẳn vì cụ cung kính lắng nghe người khác, tiếp nhận các viễn tượng của họ cách nghiêm túc và có lẽ để các viễn tượng này lên khuôn các niềm tin của mình. Đó không hẳn là “cấp tiến”. Mà chỉ là dành chỗ ưu tiên cho đối thoại khi khai triển thần học.

Nói một cách phổ quát hơn, các xúc cảm, các tâm cảm, các kinh nghiệm bản thân, ngữ cảnh hay các chủ trương bất đồng về tôn giáo của người khác quan trọng tới mức nào trong việc lên khuôn hay thiết lập ra “các nguyên tắc đệ nhất đẳng” của ta để thực hiện các phán đoán thần học và mục vụ? Theo qui luật của thuyết Tôma, không một điều nào trong số này quan trọng cả, và có lẽ chúng không nên quan trọng gì hết. Đây không phải là cuộc bàn luận về thiên hướng “cấp tiến” chống lại thiên hướng “bảo thủ” trong thần học mục vụ. Mà là về vấn đề dữ kiện nào nên là đệ nhất đẳng, và lý do tại sao, để xác định được thực hành mục vụ thỏa đáng nhất. Câu hỏi này giúp ta có được cuộc bàn luận chừng mực, thông minh và vô tư dựa trên các điểm mạnh yếu của từng chủ trương, một thứ bàn luận giúp ta tiến lên phía trước.

Những cái nhìn thông sáng bất ngờ



Đức Cha Robert F. Morneau, giám mục phụ tá đã về hưu của giáo phận Green Bay, Wisconsin, thì cho hay đã tìm thấy nơi William James nhiều cái nhìn thông sáng bất ngờ trong tác phẩm “The Varieties of Religious Experience: A Study in Human Nature” tức loạt 20 bài thuyết trình của triết gia này tại Edinburgh năm 1901-1902. Ai cũng biết William James là cha đẻ của nền luân lý thực dụng Mỹ, một thứ triết lý cho rằng muốn biết một ý tưởng đúng hay sai phải dựa vào kết quả thực nghiệm của nó. Thứ triết lý này chắc chắn nằm trong quĩ đạo của cây dù tương đối thuyết, không thể được Giáo Hội Công Giáo ủng hộ.

Nhưng điều ấy vẫn không ngăn cản Đức Cha Morneau tìm thấy trong tác phẩm này nhiều cái nhìn sáng suốt về các chủ đề như thánh thiện, huyền nhiệm và hồi hướng (conversion). Ngài đặc biệt lưu ý tới việc James sử dụng các đoạn văn nhiều khi cực đoan và kỳ dị của những người có trải nghiệm tôn giáo để phân tích cách tinh thần con người cố gắng đi vào mầu nhiệm của tính siêu việt thần linh. Sau đây, là một số cái nhìn thông sáng đó (những chữ in nghiêng là lời của chính William James).

1. Thân phận con người không trừ ai

Những người tỉnh trí và thông minh nhất trong chúng ta cũng từ một chất đất sét với người mất trí và người trong tù, và sự chết cuối cùng sẽ hạ bệ những người khỏe mạnh nhất trong chúng ta.

Ở trên đời này, có một phổ quát tính; tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền. Không ai được miễn trừ khỏi mỏi mệt, khỏi thất bại luân lý (tội lỗi), khỏi buồn bực tâm lý, khỏi acedia (trầm cảm), khỏi các giới hạn thể lý, tri thức và tâm linh. Tất cả chúng ta cùng từ một chất đất sét mà ra. Thứ đất sét ấy được tạo khuôn nên tốt nên xấu thế nào là tùy cách ta sử dụng tự do nhân bản và các hoàn cảnh đời sống và văn hóa. Nhưng ở thẳm sâu, tất cả chúng ta, dù tỉnh trí hay mất trí, dù tự do hay đang bị cầm tù, cũng đều sẽ đối diện với xuống dốc và chết chóc. Do đó, cảm thương hẳn phải là lệnh sống ở trên đời.

2. Cảm quan ảnh hưởng tới cá tính

Cả tư tưởng lẫn cảm quan đều xác định ra tác phong, và cùng một tác phong có thể được xác định hoặc bởi cảm quan hoặc bởi tư tưởng. Khi chúng tôi khảo sát toàn bộ lãnh vực tôn giáo, chúng tôi thấy tính đa dạng rất lớn về tư tưởng; nhưng các cảm quan một bên và bên kia là tác phong thì gần như giống hệt nhau, vì các bậc thánh nhân của Khắc Kỷ, của Kitô Giáo hay của Phật Giáo đều khó phân biệt nhau trong lối sống thực tế của họ.

Dĩ nhiên cần phải bênh vực tính chính thống, sự suy nghĩ đúng đắn. Nhà phê bình kịch nghệ Walter Kerr nhắc nhở ta rằng “sự lây nhiễm khởi sự từ tâm trí sẽ lan tới mọi tứ chi”. Và đúng như thế. Nhưng quan điểm của James đáng lưu ý ở chỗ cho rằng nơi những người thực sự tốt lành trong lịch sử (các thánh nhân), cảm quan của họ và tác phong của họ chủ yếu giống nhau: đời sống yêu thương, cảm thương và tha thứ chắc chắn mô tả được một phần cuộc hiện sinh của họ. Còn về suy nghĩ, các tín hữu và triết gia quan niệm khác nhau xiết bao về thế giới, và do đó, về sự thật. Nói như thế để thấy rằng tư tưởng cực kỳ quan trọng, và cả các cảm quan nữa, trong việc lên khuôn tác phong của ta. Cộng vào đó, ta nên thêm ý nghĩa của hình ảnh và của các câu truyện vào việc lên khuôn đời sống nội tâm và tác phong ta.

3. Chủ nghĩa duy tự nhiên không đủ

Với chủ nghĩa duy tự nhiên, được gầy dựng dựa trên các suy đoán vũ trụ học gần đây, nhân loại hiện đang ở một tình huống tương tự như tình huống của loại người đang sống trên một hồ nước đông đá bao quanh bởi các vách núi đá dựng đứng không hề có lối thoát qua, ấy thế nhưng họ biết rằng đá sẽ từ từ tan đi, và cái ngày không thể tránh được đang tới gần lúc mà lớp đá cuối cùng sẽ biến mất, thì chết đuối một cách nhục nhã chắc chắn sẽ là phần số của tạo vật nhân sinh. Trượt băng càng vui vẻ, mặt trời ban ngày càng nóng hơn và càng chói lọi hơn, lửa trại về đêm càng hồng, nỗi buồn càng thấm thía khi con người xét tới ý nghĩa của toàn bộ tình thế.

Trong Inferno của Dante, hỏa ngục không phải là lửa mà là đá băng; băng làm cho mọi phát triển đều bất khả. Đối với người duy tự nhiên, thế giới chúng ta giống hồ nước đóng băng, đôi lúc đem lại nhiều trải nghiệm vui chơi, nhưng kết cục sẽ chỉ đem đến hủy diệt, đem đến hư vô. Không lạ gì trong truyền thống cổ xưa, u sầu là mối tội đầu thứ tám. Chủ nghĩa duy tự nhiên loại bỏ viễn kiến về một sự sống tương lai hay bất cứ thực tại vô hình nào vốn là đối tượng của đức tin và thờ phượng. Ở đây, James đã nắm được một cách sáng suốt và một cách đầy xúc cảm số phận của nhân loại khi họ bị tước mất bất cứ thực tại nào bên ngoài thời gian và không gian.

4. Thánh nhân là người mang đuốc sáng, người truyền sức sống và là người lên sinh lực

Thánh nhân, với sự tràn trề tình âu yếm nhân bản, là những người mang đuốc sáng vĩ đại của niềm tin vào tính thánh thiêng của mọi người, là đầu chiếc nêm, là người xua tan bóng tối. Giống những giọt nước đơn độc sáng lên dưới ánh mặt trời khi được tóe ra từ đầu một ngọn sóng lớn hay một trận lụt đang xấn tới, họ chỉ đường và là những nhà tiền hô. Thế giới chưa theo kịp họ, nên đôi khi họ bị coi như ngược đời giữa cảnh ngược xuôi của thế giới. Ấy thế nhưng họ là người làm mầu mỡ thế giới, người truyền sức sống và người lên sinh lực cho mọi khả thể tốt lành là những khả thể nếu không có họ sẽ mãi mãi ngủ mê. Khi họ đã đi qua trước chúng ta, ta không thể còn hèn hạ như ta tự nhiên vốn là. Ngọn lửa này cháy sáng ngọn lửa kia; và nếu không có cái lòng quá tin vào giá trị nhân bản mà họ vốn biểu lộ, tất cả chúng ta sẽ mãi mãi ở trong trạng thái đình đốn tâm linh.

Một số cá nhân, được ơn biết quên mình và dấn thân làm điều tốt, đã được nhìn nhận như là người thánh hiện hay thánh nhân. Đam mê của họ là phát biểu tình yêu, là rõi sáng thế giới tối tăm, là đem sự sống đến những người chung quanh. James nói tới các thánh như là “những tác giả, những người sản sinh ra, những người làm gia tăng sự tốt lành”. Niềm xác tín căn để của họ là: mọi con người đều thánh thiêng và xứng đáng không những được ta tôn trọng mà còn được ta tích cực quan tâm. Vì cuộc đời họ có đặc điểm trách nhiệm và đại lượng, nên họ chiếu tỏa một niềm vui và một niềm an bình sâu xa. Chính vì thế, tất cả chúng ta nên có cái lòng “quá tin” của các thánh.

5. Ta cần giải quyết vấn đề lớn

Đâu là quan tâm chính của đời người?

Cuối cùng, điều gì thực sự quan trọng trong cuộc hành trình đầy phức tạp và rối mù này? Triết gia Paul Tillich sử dụng kiểu nói “quan tâm tối hậu”. William James giúp ta chỉ đơn giản bằng các đặt ra một câu hỏi ngắn gọn và trực tiếp. Các quan tâm của ta ở trên đời thì nhiều lắm: an vui thể lý, ổn định chính trị, bảo đảm kinh tế, cơ hội giáo dục, các mối liên hệ bền bỉ và thân ái v.v… Nhưng vì phải đặt điều trước nhất lên trước nhất, nên điều gì đứng đầu trong nghị trình của ta? Trong truyền thống Kitô Giáo, quan tâm chính là kết hợp với Thiên Chúa và hợp nhất giữa mọi người. Chính sự hợp nhất và kết hợp này đem lại một chút an bình và hân hoan.

6. Mọi người chúng ta đều phải chịu một điều gì đó

Nhân loại chịu ảnh hưởng và gây ảnh hưởng theo các chiều đối nghịch nhau, và sự tranh chấp giữa các ảnh hưởng là điều không bao giờ ngưng.

Một số cá nhân dễ bị mắc lừa, sẵn sàng chấp nhận bất cứ ý tưởng nào hay tác phong sống nào. Điều chắc chắn là: ai cũng chịu ảnh hưởng tới mức nào đó và ai cũng gây ảnh hưởng tới một độ nào đó. Ta chú ý tới điều gì, điều ấy sẽ lên khuôn ngày sống của ta. Điều khiến cuộc sống và diễn trình đưa ra quyết định thành khó khăn là do ta bị bủa vây bởi hàng ngàn ảnh hưởng khác nhau, bất luận là từ các phương tiện truyền thông xã hội hay từ hệ thống gia đình, từ thầy cô lớp ba hay từ một giáo sư đại học, từ cuốn sách ta mới đọc nhất hay từ một bài xã luận của tờ báo buổi sáng. Và dĩ nhiên, những tiếng nói man vàn này thường trái ngược nhau. Ta phải làm gì? Ở đây, ta thấy rõ nghệ thuật biện phân, phải lọc lựa xem sự thật nằm ở chỗ nào.

7. Ta phải biến Thiên Chúa thành việc bận bịu của ta

Chúng ta và Thiên Chúa có nhiều việc bận bịu (business) đối với nhau; và nếu chịu mở lòng ra đón nhận ảnh hưởng của Người, cùng đích sâu xa nhất của ta sẽ thành toàn.

Nói tới các ảnh hưởng, tinh thần con người mở ra chào đón Đấng Thần Linh ra sao mà với Người nó vốn có việc phải bận bịu? Thiên Chúa có nói với nhân loại không và nói cách nào? Có người cho rằng ta gặp gỡ Đấng Thần Linh trong các bản văn thánh (Thánh Kinh), người khác lại cho rằng Thiên Chúa nói qua cộng đoàn và kinh nghiệm hàng ngày. Lại có người bảo rằng chính trong cõi sâu thẳm của bản ngã ta, tức lãnh vực vô thức (mơ…), Thiên Chúa sẽ làm ta cảm nhận được sự hiện diện của Người. James quan tâm tới “cùng đích sâu xa nhất” của ta. Nếu không có những giao tiếp qua lại giữa Thiên Chúa và tinh thần con người, thì mọi chuyện đều sẽ không còn.

8. Vẻ bề ngoài có thể lừa dối

Gốc rễ nhân đức của một người là điều ta không thể nắm được. Không dáng vẻ bề ngoài nào là bằng chứng bất khả ngộ của ơn thánh cả. Việc thực hành của ta là chứng cớ chắc chắn duy nhất, ngay cả với chính chúng ta, cho thấy ta thực sự là các Kitô hữu thực sự.

Một trong các đặc tính của tinh thần con người là việc không ai nắm được nó cả. Ta cười mỉm khi nhìn trở lui cuốn phim trinh thám “The Shadow” của thập niên 1930. “Ai biết sự dữ nào lấp ló trong trái tim con người ta? The Shadow biết!” Người anh hùng vô hình chiến đấu với tội ác này đã tự hào làm được những điều mà ít có nhà tâm lý hay triết lý nào dám có hoài mong làm. Vẻ bề ngoài không tiết lộ mọi việc; các nhân đức và thói hư nội tâm của ta được chôn rất sâu. Trong xác tín của ông, James cho rằng sự thật được tìm thấy trong tính thực dụng của nó, nghĩa là theo ông, các việc ta làm cũng như tác phong của ta mới chứng minh được là liệu ta có phải là người Kitô hữu thật hay không. Thực thế, đó là ý nghĩa của cảnh Phán Xét cuối cùng trong Tin Mừng Mátthêu. Chiên và dê được tách biệt theo điều họ đã làm hoặc đã không làm cho người khác.

9. Ta phải chọn điều then chốt cho đời ta

Không sự kiện nào trong bản chất con người có đặc điểm nhiều hơn là sự sẵn sàng của nó sống theo cơ hội. Như Edmund Gurney từng nói, sự hiện hữu của cơ hội tạo ra sự khác biệt giữa một cuộc đời trong đó điều then chốt là nhẫn nhục và một cuộc đời trong đó điều then chốt là hy vọng.

Môsê từng đặt trước dân của ông sự lựa chọn này: sống hay chết. Trước mặt ta là nhẫn nhục hay hy vọng, yêu thương hay giận ghét, hân hoan hay sầu thảm. Người hy vọng nhìn tương lai với cảm thức có thể. Họ sẵn sàng liều mình và chấp nhận may rủi dù không biết chắc điều gì đang chờ đợi họ. Người hy vọng có cảm thức tín thác lâu bền và có khả năng chấp nhận hứa hẹn. Giải pháp ngược lại không lôi cuốn bao nhiêu: tối mặt nhẫn nhục. Điều gì xẩy tới hẳn sẽ xẩy tới. Emily Dickinson nói rằng hy vọng là coi sự vật như lông tơ. Cuốn Without Feathers của Woody Allen kêu gọi người nhẫn nhục, không kêu gọi người hy vọng.

10. Tiếng cười mở rộng linh hồn

Ngay một mở rộng linh hồn trong giây lát nhờ tiếng cười, dù đến một mức nhỏ nhoi, cũng là một thực hành tôn giáo.

Trong cuốn tự thuật của mình tựa là “Truyện Một Linh Hồn”, Thánh Têrêxa thành Lidiơ nói tới việc co thắt và dãn nở của con người nội tâm. Đối với bà, ơn thánh của Thiên Chúa tạo ra sự dãn nở và một sinh lực lớn lao, trong khi đó, sự co thắt làm cuộc sống nhỏ hẹp lại và đó không phải là dấu chỉ của Chúa Thánh Thần. Nếu thực sự tiếng cười làm linh hồn dãn nở và đem tới sự giải thoát, thì ta có quyền coi nó như một trải nghiệm tôn giáo. Dù chỉ mỉm cười mà thôi, ta cũng có thể liệt nó vào cùng một phạm trù và là một dụng cụ của ơn thánh. G. K. Chesterton viết trong The Everlasting Man rằng: “giữa muôn vật, chỉ có con người là lắc lư với cái điên dại đẹp đẽ có tên là tiếng cười; như thể họ thoáng thấy một chút huyền nhiệm gì đó trong chính khuôn hình vũ trụ bị dấu kín đến chính vũ trụ cũng không thấy”.

William James suy tư không những về mầu nhiệm con người nhân bản mà còn cả về khả thể có một Thiên Chúa biết lắng lo cho một tạo vật đã được tạo nên cách diệu kỳ đến thế. Suy nghĩ về những suy nghĩ này sẽ giúp ta có được một chút thông sáng nào đó về bản chất nhân loại của chính chúng ta và về cách Thiên Chúa can thiệp ra sao vào sự việc của con người.

Còn tiếp