Thưa cha, Thiên Chúa có tha thứ tội lỗi của con?

“Hy vọng là nhân đức Kitô giáo và là món quà lớn lao của Thiên Chúa, cho phép chúng ta nhìn vượt lên trên các vấn đề, đau đớn, khó khăn và trên cả tội lỗi của chúng ta. Nó cho phép chúng ta thấy vẻ đẹp của Thiên Chúa.”

Bài giảng trong thánh lễ sáng tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến sự kết nối giữa tự do và sức mạnh của người có hy vọng để vượt qua những thời điểm tệ hại cũng như mở ra những chân trời và trao ban cho chúng ta tự do.

Suy niệm bài Tin mừng hôm nay về câu hỏi của những thượng tế chất vấn Chúa Giêsu và hỏi về quyền năng mà Người hành động, ĐTC nói: “Họ không có những chân trời, họ là con người khóa chặt mình trong những tính toán, họ là những nô lệ cho tính nết khắt khe, cứng nhắc.”

Đức Giáo Hoàng cảnh báo rằng “Tính toán của phàm nhân sẽ đóng chặt cửa tâm hồn và dập tắt tự do”, trong khi đó “hy vọng cho chúng ta sự thanh thản”.

Từ gợi hứng của bài đọc một trong sách Dân Số nói về ông Ba-la-am –một tiên tri được một ông vua thuê để gây tai họa cho Israel, Đức Giáo Hoàng thấy ông Ba-la-am “có những lỗi lầm và đầy tội lỗi vì tất cả chúng ta đều có tội. Chúng ta là những tội nhân.”

Đừng sợ hãi

Đức Giáo Hoàng nói rằng chúng ta đừng sợ hãi, và nhắc thêm rằng: “Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của chúng ta!”

Đức Thánh Cha lưu ý rằng “tại một thời điểm nhất định, ông Ba-la-am gặp được sứ thần của Đức Chúa và thay đổi cõi lòng và hiểu những lầm lỗi của ông. Ba-la-am đã mở rộng cõi lòng mình để sám hối và thấy được chân lý, vì với người thiện chí sẽ luôn được nhìn thấy chân lý. Chân lý trao cho chúng ta niềm hy vọng.”

Trong khi ĐTC suy niệm về nét đẹp của tự do, của hy vọng nơi chúng ta là người con của Giáo Hội, nam cũng như nữ, ngài cũng lên tiếng phê bình thái độ khiêm khắc đối với tha nhân trong Giáo Hội và “những giáo sĩ khắt khe thì chẳng có hy vọng.”

Hai con đường

“Trong năm Lòng Thương Xót này”, ĐTC nói, “Có hai con đường: một là cho những người hy vọng vào lòng thương xót của Chúa và biết Thiên Chúa là Cha; và hai là cho những ai bám víu, nô lệ vào sự cứng nhắc và chẳng biết về lòng thương xót của Chúa.”

Trước khi kết lễ, ĐTC nhớ lại một sự kiện diễn ra trong một thánh lễ dành cho bệnh nhân tại Buenos Aires năm 1992. Ngài nhớ lại rằng khi ngài đang giải tội trong nhiều giờ thì ngài gặp một bà cụ với “ánh mắt đầy lòng trông cậy.”

“Cha nói rằng: ‘Thưa bà, có phải bà đang muốn xưng tội?’ Vì cha chuẩn bị ra về rồi. ‘Dạ’- bà ấy trả lời cha và cha nói: ‘Con không phạm tội.’ Bà ấy nói: ‘Thưa cha: Chúng ta đều có tội – nhưng Thiên Chúa luôn tha thứ tất cả.’ Cha hỏi lại: “Làm thế nào mà con biết được?” và bà ấy nói: ‘Vì nếu Thiên Chúa không tha thứ tất cả thì thế giới này không thể tồn tại.’”

Vì vậy, ĐTC nhấn mạnh, trước hai loại người này, “một là người tự do với niềm hy vọng cậy trông vào lòng thương xót của Chúa,” và “một là người đóng kín, chủ trương nô lệ cho sự khắc nghiệt của mình”, chúng ta “hãy nhớ lời của bà lão trên đây và bài học mà bà trao cho cha: ‘Thiên Chúa tha thứ tất cả, Người luôn chờ đón bạn đến gần với Người’.”

(Zenit, 14-12-2015)

Chuyển ngữ: Phạm Đình Ngọc, S.J.