Xem hình ảnh



Lần này về thăm mộ phần cuả cha mẹ tại Lagi Bình Tuy, tôi may mắn được ông Cố Minh, thân phụ cuả cha xứ Bùi Quang Tuấn, cựu chánh xứ Gx DMHCG, chở honda đi thăm các xứ đạo ở quanh vùng.

Có được nhìn tận mắt thì mới thấy việc sống đạo cuả những người ở bên quê nhà là sâu xa. Chả thế mà sau nhiều thập niên khó khăn, lại ở một vùng gọi là 'xâu và xa' mà sức sống Công Giáo vẫn mãnh liệt và sôi động.

Tối thứ Ba về khuya đèn đường đã tắt, tại Gx Vinh Tân, trước tượng Thánh Tâm Chuá vẫn có nhiều em nhỏ cùng với cha mẹ làm việc phạt tạ; trước hang đá Lộ đức, một đoàn thể đang lần chuỗi Mân Côi và trong phòng hội cuả giáo xứ, nhiều người mặc đồng phục aó đen đang làm một giờ thánh; họ thuộc về một 'tu hội tại gia' nào đó mà ở bên Mỹ chúng tôi chưa được biết...

Khi chúng tôi tới giáo xứ Bình An vào ngày hôm sau thì trời đã xế chiều, làn 'nắng quái' nhạt nhoà làm cho hình bóng cuả nhiều người đang làm việc tại đây trở thành lung linh huyền ảo. Họ đang nỗ lực cưa cây để dựng lại một máng cỏ Giáng Sinh.

Giáo xứ Bình An có lẽ là giáo xứ sinh sau đẻ muộn nhất trong Giáo Phận Phan Thiết, giáo dân phần lớn là những người di cư từ miền Bắc và Campuchia, kinh tế thuộc vùng nông nghiệp, nhưng lại là nơi cát trắng bạc màu, thủy lợi chỉ mong chờ có nước mưa, thế mà mỗi khi mưa tới thì nhiều vùng lại bị úng.

Phải mất 10 năm họ mới dựng xong một ngôi nhà thờ như ngày nay.



Chúng tôi hân hạnh được Cha Phú giới thiệu các cơ sở cuả Giáo Xứ, Ngài dẫn tới căn hội trường rộng rãi đang dựng, chỉ cho thấy những bức minh hoạ tuyệt tác do một hoạ sĩ trong vùng thực hiện. Một hệ thống lọc nước cung cấp nước sạch miễn phí cho dân quanh vùng và một căn nhà bếp rộng rãi để cho các bà mẹ có thể nấu cơm cho con em mỗi khi có lớp học giáo lý hoặc sinh hoạt.

"Mới đầu tôi chỉ muốn có một thực đơn đơn giản cho các em, nhưng các bà mẹ cứ thêm thắt vào mãi, mỗi người một thứ, bây giờ thì trở thành một bữa thịnh xoạn..." Cha Phú cho biết.

Nghe quen quen làm sao ! ở Gx DMHCG ở Garland TX bên Mỹ cũng y như thế.

Nhân tiện nói về Mỹ, Ngài cho biết đã đi du học được 6 năm trước khi về đây.

"Có vốn liếng đi du học thì sẽ có sẵn một cái thế đối với chính quyền ở đây, nhưng đừng nên xử dụng nó", Ngài lưu ý.

Dù thế, tôi nhận ra ngay đã có một sự giao lưu văn hoá đang biểu lộ rõ ràng trên nhiều chiếc bia đá dựng quanh khuôn viên cuả giáo xứ. Có một chiếc bia khắc 10 điều răn. ..bằng tiếng Anh và ngay cổng là một tấm bia khắc câu 7:36-50 cuả tin mừng thánh Luca bằng 2 thứ tiếng Việt và Anh. Ngài hỏi tôi: "Bác thấy mình dịch như thế có đúng không?"

Tôi lẩm nhẩm đọc câu tiếng Anh rất ngắn gọn "In God's Grace with peace, joy and hope" và câu tiếng Việt rất là dài dòng "Ra về trong hy vọng và mừng vui. Ra về trong an bình cuả Thiên Chuá."

Tôi chợt đề nghị: "Nếu là con, thì con sẽ tra khảo Kinh Thánh cuả Cha Nguyễn Thế Thuấn hay bản mới cuả toà Tổng Giám Mục Saigon mà dùng cho chắc ăn, chứ không tự dịch làm gì."

Ngài đồng ý, nhưng chỉ ra đây là những bài hát quen thuộc để cho mọi người nhớ ra ngay lập tức. Các tấm bia khác cũng y như thế, là những bài hát mà ai cũng đã biết, và cứ như thế, từ câu hát này đến câu hát nọ, người ta tuần tự sống qua những đoạn cuả thánh kinh.

"Một sáng kiến tuyệt vời" tôi bỗng thốt lên, nhớ lại ngày xưa các nhà truyền giáo đã sáng tác ra những câu vè thể 'lục bát' để cho người Việt Nam có thể học đạo dễ dàng. Tôi tự nghĩ Giáo Hội sẽ cần rất nhiều sáng kiến như thế này để có thể đem đạo vào đời một cách hữu hiệu trong hoàn cảnh tân thời.

Một giáo sĩ với vốn liếng du học nhiều năm, liệu có thể đưa một giáo xứ nhỏ ở xâu ở xa như thế này 'tiến vọt' lên phiá trước được không? Tôi vẫn tự hỏi.

Những vườn cảnh và những chủ đề bằng tiếng Anh, rõ ràng là một lời khẳng định, rằng giáo xứ này không muốn đi trễ một bước nào, trước một xu hướng đổi mới đang đâm rễ ở bên quê nhà.