Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 9 giờ rưỡi tối Chúa Nhật 26-11, ĐTC đã ra phi trường Fiumicino, đáp máy bay Airbus 330 của hãng Alitalia lên đường đi Miến Điện. Cùng đi với ngài có đoàn tùy tùng gồm 30 người, đứng đầu là ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo và khoảng 50 ký giả Italia và quốc tế.
ĐHY Oswald Gracias, TGM Mumbai Ấn độ, Chủ tịch Liên HĐGM Á châu và là thành viên Hội đồng 9 HY cố vấn của ĐTC, đã đến thẳng thủ đô Yangoon và sẽ cùng tháp tùng ĐTC trong chuyến viếng thăm tại Miến Điện và Bangladesh.
Máy bay cất cánh lúc 22 giờ 10 phút giờ Roma và trực chỉ phi trường Yangoon cách đó gần 8.600 cây số.
Trên máy bay, ĐTC chào thăm các ký giả cùng đi và nói: ”Cám ơn anh chị em thật nhiều vì sự đồng hành và vì công việc của anh chị em gieo vãi bao nhiêu điều tốt lành.. Chúc anh chị em làm việc tốt và ngủ ngon. Họ nói rằng công việc rất nóng bỏng, nhưng ít là nó có thành quả!”.
Lúc 13 giờ 30 trưa ngày 27-11, giờ địa phương Miến Điện, ĐTC Phanxicô đã đến phi trường thành phố Yangoon, sau gần 10 tiếng rưỡi đồng hồ bay suốt đêm từ Roma, để bắt đầu chuyến viếng thăm 6 ngày tại hai nước Miến Điện và Bangladesh.
Đây cũng là chuyến viếng thăm thứ 21 của ngài tại nước ngoài và là lần thứ 3 ngài đến Á châu.
Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được Bộ Trưởng đặc ủy của Tổng thống Cộng hòa Miến Điện, Đức Sứ Thần Tòa Thánh và hàng chục GM địa phương, cùng với 100 trẻ em, một toán nữ tu thuộc nhiều dòng, vui mừng đón tiếp, đơn sơ nhưng rất nồng nhiệt. Đây không phải là nghi thức đón tiếp chính thức, nên ĐTC chỉ tiến qua hàng quân danh dự, chào thăm mọi người hiện diện và lên xe về tòa TGM Yangoon cách đó 18 cây số rưỡi.
Gần tòa TGM có hàng ngàn tín hữu Công Giáo chờ đón 2 bên đường để chào mừng ĐTC.
Lúc 6 giờ chiều giờ địa phương ngày 27-11-2017, ĐTC đã gặp Tướng Min Aubg Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Miến Điện và được coi là trong những người có thế lực nhất tại nước này.
Đến tòa TGM Yangoon vào lúc 9 giờ, ĐTC dâng thánh lễ riêng và nghỉ ngơi sau 1 đêm dài trên máy bay.
Tuy Miến Điện đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh từ tháng 5 năm nay, nhưng tại Miến Điện chưa có Tòa Sứ Thần Tòa Thánh. Đức TGM Phaolô Trương Nhân Nam (Tshang In Nam) Sứ thần Tòa Thánh tại Bangkok Thái Lan, được cử kiêm nhiệm chức vụ Sứ Thần Tòa Thánh tại Miến Điện. Vì thế, tòa TGM Yangoon được biến thành nơi ĐTC cư ngụ trong thời gian ngài viếng thăm nước này.
Miến Điện đang phải đối mặt với hàng chục cuộc xung đột sắc tộc, và chiến tranh vẫn đang diễn ra ở Kachin giữa dân địa phương và quân đội.
Nhưng bất chấp hàng chục năm tranh đấu nội bộ, cuộc di dân gần đây của hơn 620.000 người Rohingya Hồi giáo ở miền bắc bang Rakhine đã thúc đẩy Đức Giáo Hoàng Phanxicô vài tháng trước đây quyết định công khai nói về họ đã thu hút sự chú ý của thế giới.
Ngay trong chiều ngày đầu tiên đến Miến Điện, ĐGH Phanxicô đã gặp gỡ với Tư lệnh quân đội Min Aun Hlaing. Tòa thánh Vatican đã không cung cấp chi tiết về nội dung cuộc viếng thăm lịch sử trong 15 phút ĐGH Phanxicô gặp với tướng Min Aung Hlaing và ba quan chức từ văn phòng điều hành đặc biệt. Cuộc gặp mặt diễn ra trong Tòa Tổng giám mục ở Yangon. Tuần trước, Hồng Y Charles Bo, người chống lại việc lên án quốc tế "làm sạch sắc tộc" qua hoạt động của quân đội đối với người Rohingya.
Văn phòng của tướng Min Aung Hlaing nói trong một tuyên bố trên Facebook rằng ông sẵn sàng có "hòa bình, đoàn kết và công lý". Ông nói thêm rằng không có cuộc đàn áp hay phân biệt tôn giáo hoặc sắc tộc ở Miến Điện, chính phủ cho phép các nhóm tín ngưỡng khác nhau được quyền tự do tín ngưỡng.
Nói về chuyến viếng thăm của ĐGH Phanxicô, Cha Maria Mariano Soe Naing, người phát ngôn của Hội đồng Giám mục Miến Điện nói rằng: "Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi bây giờ là an ninh của Đức Thánh Cha.”
Moses U Kyar, thuộc bộ tộc Kayah ở giáo phận Taunggyi, cho biết chuyến viếng thăm đầu tiên của Đức Giáo Hoàng đến một nước nghèo như Miến Điện là một phước lành đặc biệt và sẽ mang lại sức mạnh cho người Công Giáo thiểu số.
U Kyar, một giáo viên của chính phủ nói rằng "Phương châm của Ngài là tình yêu và hòa bình, vì vậy ngài chắc chắn sẽ nói về hòa bình.
Chị Bambina, một nữ tu Dòng Thánh Giuse tại Yangon, nói chị rất vui mừng trước chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng mà không thể diễn tả niềm vui của mình. Chị nói thêm rằng: "Chuyến thăm sẽ mang lại hòa bình và thịnh vượng cho đất nước và nó sẽ làm sâu sắc thêm niềm tin của chúng tôi”.
Kính thưa qúi vị, Trước khi lên đường đến Miến Điện, theo thói quen, chiều thứ bẩy, 25-11, ngài đã đến Đền thờ Đức Bà Cả và cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma, để xin ơn phù trợ của Mẹ Thiên Chúa và phó thác cho Đức Mẹ cuộc viếng thăm của ngài tại Miến Điện và Bangladesh.
Tiếp đến, vào cuối buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 26-11, ĐTC nói với các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô rằng:
“Tối hôm nay, tôi sẽ bắt đầu chuyến tông du tại Miến Điện và Bangladesh. Tôi xin anh chị em tháp tùng tôi bằng lời cầu nguyện, để sự hiện diện của tôi nơi các dân tộc ấy là dấu chỉ sự gần gũi và hy vọng.”
Tín hữu Công Giáo Miến Điện tị nạn tặng ĐTC Phanxicô cây gậy mục tử bằng gỗ
Trong chuyến tông du Miến Điện những ngày này, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dùng cây gậy mục tử bằng gỗ, được làm bằng tay, do các tín hữu Công Giáo tị nạn thuộc dân tộc thiểu số Kachin tặng.
Anh Joseph Myat Soe, một giáo dân trong vùng Kachin giải thích với hãng tin Fides rằng các tín hữu Kachin đang ở trong trại tị nạn ở Winemaw vì cuộc chiến giữa quân đội Miến Điện và nhóm võ trang Kachin, một trong những xung đột xuất phát từ sắc tộc.
Các người tị nạn Kachin tặng Đức Thánh Cha cây gậy mục tử như một mong muốn mang lại hòa bình cho bang Kachin, xét vì họ không thể tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ tế ở Yangon.
Đức cha phụ tá của giáo phận Yangon John Saw Han, xác nhận với hãng tin Fides là dù cho cuộc nội chiến đang xảy ra, dù cho các vấn đề kinh tế, sẽ có khoảng 5 ngàn tín hữu Công Giáo Kachin đến Yangon để gặp gỡ với Đức Thánh Cha và cầu nguyện cho hòa bình trong vùng của họ. Đặc biệt, các người trẻ Kachin cố gắng mọi cách để có thể đến Yangon dịp này vì họ hiểu đây là cơ hội không thể lập lại để nhìn thấy Đức Thánh Cha và cầu nguyện với ngài.
Cuộc chiến giữa quân đội độc lập Kachin và quân chính phủ khiến cho hàng trăm ngàn người Kachin chạy trôn và trú ẩn trong các trại tị nạn. Giáo Hội Công Giáo địa phương đang trợ giúp cho họ: tại giáo phận Myitkyina có 8 ngàn người di cư không thể trở về quê quán, Caritas trợ giúp họ, tìm cơ hội cho họ có đất đai canh tác để có thể tự mưu sinh. Các giám mục đã lên án cuộc chiến đã gây nên những mất mát thương đau, trẻ em bị bỏ rơi trong trại tị nạn, nạn buôn người gia tăng, nạn ma túy gây nên cái chết cho ngừoi trẻ Kachin, tài nguyên bị cướp phá.