Thời gian qua, người ta đọc được nhiều thông tin trên Internet về những cơn mưa rừng xối xả, những trận bão lũ tàn phá nặng nề và những đợt núi sạt lở gây nhiều thương đau cho người dân ở các tỉnh Tây Bắc. Nhưng chỉ khi đến tận nơi, chúng ta mới thấy được hậu quả của những cơn thiên tai, và cả nhân tai ấy, khủng khiếp như thế nào.

Xem Hình

Trong giáo phận Hưng Hóa, một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là giáo họ Sùng Đô, thuộc giáo xứ Vĩnh Quang, giáo hạt Nghĩa Lộ. Giáo họ Sùng Đô là giáo họ người H’Mông được thành lập từ năm 1999, ở trên sườn núi cao. Cha Giuse Nguyễn Trọng Dưỡng là quản hạt Nghĩa Lộ, chánh xứ Nghĩa Lộ kiêm chánh xứ Vĩnh Quang, quản nhiệm giáo họ Sùng Đô. Cộng tác với ngài có cha Antôn Nguyễn Tân Hợi, phó xứ.

Cha quản nhiệm Giuse Nguyễn Trọng Dưỡng cho biết hiện nay giáo họ gồm có 91 hộ gia đình với 601 giáo dân. Đời sống giáo dân còn rất nhiều khó khăn vất vả, việc đi lại đầy trắc trở. Ở Sùng đô, nhiều em thiếu nhi không có điều kiện để đi học văn hóa, tiếng phổ thông không biết đọc, biết viết. Tuy vậy, đời sống đức tin của giáo họ vẫn được duy trì, các em thiếu nhi vẫn được học giáo lý bằng tiếng dân tộc của mình.

Đường đi từ chân núi lên đến giáo họ khoảng 25 km, khúc khuỷu, gồ ghề và nhỏ hẹp, một bên là vách núi và một bên là vực sâu. Trong mùa sạt lở này, đất bùn từ trên núi cứ tuôn xuống làm ngăn trở lối đi.

Ngày 27/7/2018 vừa qua, theo chương trình thì có Đại Hội Giới Trẻ giáo hạt Nghĩa Lộ. Nhưng trước những thiên tai dồn dập gây đau khổ cho giáo dân và dân trong vùng nói chung, Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám Mục Phụ Tá giáo phận Hưng Hóa và Cha Quản hạt cùng quý Cha đã quyết định hoãn ngày đại hội.

Trong ngày hôm ấy, Đức Cha Anphong đã lên thăm mục vụ giáo họ Sùng Đô. Cùng đi với ngài có các Cha, các dì Mến Thánh Giá và một số giáo dân. Cả đoàn phải mất hơn hai tiếng đồng hồ đi bằng xe gắn máy trên con đường đầy trắc trờ và nguy hiểm ấy.

Cảnh tượng Sùng Đô thật đau lòng. Ngôi nhà nguyện nhỏ của giáo họ khánh thành chưa được bao lâu đã sụp đổ không thể dựng lại được. Giáo dân hiện không có nơi thờ phượng xứng hợp, mà hoàn cảnh giáo dân ở đó thì sức xây dựng lại chỉ là con số không.

Cha quản nhiệm Giuse cũng thông tin chi tiết: có khoảng 20 hộ mất nhà, mất ruộng rẫy. Đặc biệt có một hộ (ông Cứ A Chu) gồm 13 người con, mất hết nhà cửa ruộng vườn. Người dân trong cơn bão lũ phải ăn cơm cầm chừng, chan nước suối mà ăn.

Thiên tai xảy ra nhiều nơi (bão, lũ, sạt lở). Nhân tai ở VN cũng quá nhiều (phá rừng gây lũ và sạt lở, xả nước hồ thủy điện. Tai nạn cũng xảy ra hàng ngày. Nhưng có lẽ chưa ở đâu mà mức độ thiệt hại cho một bản làng khiến người ta rưng rưng, đau xót như ở Sùng Đô.

Thánh Lễ tạ ơn do Đức Cha và các Cha cử hành tại Sùng Đô trưa hôm ấy ở một tư gia, quả là sốt sắng và cảm động. Sau Lễ, Cha con cùng đến cầu nguyện ở sân nhà thờ bị sập. Tiếng cầu kinh bằng tiếng H’Mong cứ vang vang nghe rất mủi lòng mà cũng đầy mến yêu.

Bài viết ngắn này không mong diễn tả hết những gì xảy ra cho giáo họ trên núi cao ấy, nhưng xin được mọi người đồng cảm và cầu nguyện cho các vị mục tử và anh chị em mình.

Gioan Lê Quang Vinh

Ảnh: Lm. Giuse Nguyễn Trọng Dưỡng