Mọi phía đây dĩ nhiên là phía Công Giáo bảo thủ, cấp tiến và ôn hòa. Trong vụ Đức Tổng Giám Mục Viganò tố cáo Đức Phanxicô che đậy hành vi lạm dụng tình dục của cựu Hồng Y McCarrick, cả ba phía này đều đã lên tiếng. Đông nhất và lớn tiếng nhất, lẽ dĩ nhiên, là hai phía đối lập nhau 180 độ, đó là cấp tiến và bảo thủ. Với phe cấp tiến ủng hộ Đức Phanxicô đến phớt lờ mọi khía cạnh khác để tập trung vào thứ luận điểm mà người Latinh gọi là ad hominem, nhằm vào con người địch thủ mà đánh, chứ không nhằm vào lý chứng của người này. Còn phe bảo thủ thì không hẳn ủng hộ cá nhân Tổng Giám Mục Viganò, nhưng cho rằng các điều vị tổng giám mục tiết lộ có nền tảng đáng tin cậy và muốn Đức Giáo Hoàng mở cuộc điều tra. Còn phía ôn hoà, dĩ nhiên, rất ít, sợ đếm không hết 5 đầu ngón tay. Nhóm này vừa đánh Đức Tổng Giám Mục Viganò vừa cho lời chứng của ngài khả tín và do đó, cũng muốn có cuộc điều tra.



Phía cấp tiến

Có điều đặc biệt là từ nhóm cấp tiến bỗng xuất hiện một người muốn Đức Phanxicô cho mở cuộc điều tra. Người đó là linh mục Thomas Reese, cựu chủ bút tập san America của các cha Dòng Tên Hoa Kỳ, một trong các tập san bênh vực Đức Phanxicô hầu như trong mọi vấn đề. Sở dĩ chúng tôi xếp linh mục Reese vào phía cấp tiến là do những bài viết hồi ngài còn là Chủ Bút tờ America, mà chính vì những bài này, ngài bị Tòa Thánh thời Đức Bênêđíctô XVI yêu cầu rời chức vụ. Còn nay, thì căn cứ vào giọng điệu đả kích “ad hominem” của linh mục đối với Đức Tổng Giám Mục Viganò.

Trong bài “Doubts about Viganò's accusations aside, Pope Francis needs a better response” (để bên ngoài các hoài nghi đối với các lời tố cáo của Viganò, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cần có một đáp ứng tốt đẹp hơn) do Religion News Service công bố ngày 28 tháng Tám và được tờ America đăng lại, linh mục Reese dành phần lớn nội dung để đả kích bản thân Đức Tổng Giám Mục Viganò, để đến mãi mấy dòng cuối cùng của bài viết mới có chữ “nhưng” dẫn đến câu kết luận: “refusing to answer that question does not enhance his credibility” (từ chối trả lời câu hỏi ấy không nâng cao khả tín tính của ngài).

Lập trường như trên của linh mục Reese đã được chính linh mục nói tới ngay ở dòng đầu tiên của bài viết: “khó biết phải nghĩ gì về trái bom do Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò thả”.

Tuy nhiên ngay sau đó, linh mục Reese cho hay: coi Viganò như một nhân viên bất mãn là điều có lẽ không khó; việc ngài muốn làm chủ tịch cơ quan quản trị Thị Quốc Vatican vốn bị Đức Bênêđíctô XVI bác bỏ và do đó, mộng mũ đỏ cũng đi đoong. Từ lúc Đức Phanxicô lên làm giáo hoàng, Tổng Giám Mục Viganò càng bất mãn khi các khuyến cáo của ngài về việc bổ nhiệm các giám mục bị làm ngơ.

Linh mục Reese kể thêm và không trưng bằng chứng: nhiều người bị Tổng Giám Mục Viganò tố cáo cũng là những người có tranh chấp với ngài ở Vatican; không phải lần đầu, Tổng Giám Mục Viganò chỉ trích Đức Giáo Hoàng, ngài từng tham gia với Đức Hồng Y Burke phê phán Tông Huấn "Amoris Laetitia".

Điều còn đáng trách hơn nữa là thành tích của chính Tổng Giám Mục Viganò liên quan đến tai tiếng lạm dụng tình dục ở Hoa Kỳ: ra lệnh hủy bỏ bằng chứng tố cáo vị tổng giám mục của St. Paul và Minneapolis phạm tội xách nhiễu tình dục.

Kể ra các thiếu sót trên của Tổng Giám Mục Viganò, linh mục Reese chỉ lặp lại những điều phe cấp tiến đã nói cả rồi. Có điều mới là linh mục “bới” thêm việc Tổng Giám Mục Viganò không chịu khai tội của Thánh Gioan Phaolô II: McCarrick vốn được cử làm Tổng Giám Mục Washington năm 2000, dưới thời vị thánh này còn khỏe mạnh.

Nhưng các chỉ trích “ad hominem” như trên vẫn không ngăn cản linh mục Reese phê phán Đức Phanxicô về cung cách trao trách nhiệm đọc và phê phán chứng từ 11 trang của Tổng Giám Mục Viganò cho báo chí. Linh mục viết: “Đức Giáo Hoàng đúng khi khuyến khích các nhà báo khảo sát tài liệu của Viganò để thấy điều gì đúng điều gì không đúng. [Nhưng] giới báo chí không phải là giới phải phê phán từng dòng của tài liệu... Nhưng còn việc Viganò cho rằng ngài có nói với Đức Giáo Hoàng về McCarrick thì sao? Vì Đức Giáo Hoàng là nhân chứng duy nhất khác của cuộc gặp gỡ này, chỉ ngài mới có thể chứng thực hay bác bỏ điều [Tổng Giám Mục] Viganò nói, và từ chối trả lời câu hỏi này không nâng cao khả tín tính của ngài. Các cố vấn truyền thông đáng lẽ nên nói với ngài như thế ngay sau cuộc họp báo và trả lời các phóng viên với một lời minh xác trước khi xếp hồ sơ câu truyện”.

Phía bảo thủ

Phần lớn các thành viên khác của phe cấp tiến không có được nhận định ngắn ngủi nhưng kịp thời như linh mục Reese. Còn phe bảo thủ thì như John Allen cho hay hiện có ít nhất 6 giám mục ủng hộ Tổng Giám Mục Viganò (Konderla của Tulsa, Olmsted của Phoenix, Strickland của Tyler, Texas, Chaput của Philadelphia, Schneider của Kazakhstan và Morlino). Và mới đây thêm hai vị Giám Mục Hoa Kỳ nữa là Thomas John Paprocki, Giám Mục Springfield, Illinois,và Salvatore J. Cordileone, Tổng giám mục San Francisco. Rồi thứ Ba vừa qua, thêm Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley của Oklahoma City: dù nhận rằng không biết rõ thực chất các lời tố cáo, nhưng ngài cho biết ngài rất kính trọng Tổng Giám Mục Viganò và sự liêm khiết của ngài”. Ngài cho rằng “tài liệu này xứng đáng, thực ra, đòi phải được khảo sát và chứng thực sâu xa hơn từng lời một”. Theo John Allen, Đức Hồng Y DiNardo, đương kim Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đứng trung lập. Tuy nhiên, ai cũng thấy ngài thừa nhận tính đáng tin trong các lời tố cáo của Đức Tổng Giám Mục Viganò, tuy không nhận định gì về cá nhân vị này, và, do đó đã khẩn khoản xin Đức Phanxicô trả lời và mở cuộc điều tra.

Trong các nhận định của phía bảo thủ, điều đáng lưu ý là Đức Cha Robert C. Morlino không ngại chỉ trích thẳng Đức Phanxicô về cung cách “đá balông” của ngài. Đức cha viết: “Tuy nhiên, tôi phải thú nhận sự thất vọng của tôi rằng trong những phát biểu của ngài trên chuyến bay từ Dublin về Rôma, Đức Thánh Cha đã chọn đường lối ‘miễn bình luận’ đối với bất kỳ kết luận nào có thể rút ra từ những cáo buộc của Tổng Giám mục Viganò. Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục nói rõ ràng rằng những kết luận như vậy nên được dành cho ‘sự trưởng thành chuyên nghiệp’ của các nhà báo. Ở Hoa Kỳ và các nơi khác, trên thực tế, sự trưởng thành chuyên nghiệp của các nhà báo là vấn đề đáng đặt nghi vấn hơn bất cứ chuyện nào khác. Sự thiên vị trong các phương tiện truyền thông chính thống là quá rõ ràng và hầu như ai cũng nhận thấy như thế. Chẳng hạn, tôi sẽ không bao giờ gán sự trưởng thành chuyên nghiệp về báo chí cho tờ National Catholic Reporter. (Và, có thể dự đoán trước được, họ đang dẫn đầu một chiến dịch phỉ báng chống lại Đức Tổng Giám Mục Viganò)”.



Phía cực bảo thủ

Như đã thấy, đó cũng là nhận định của linh mục Thomas Reese. Chưa kể phía bảo thủ cực hữu như Hội Thánh Lễ Latinh hay nhóm Rorate Coeli thuộc Hội Thánh Piô X của cố Tổng Giám Mục Lefèbre. Hai nhóm này cho rằng chứng từ của Tổng Giám Mục Viganò không những đáng tin mà còn đúng sự thật. Họ cho rằng những người bác bỏ chứng từ này không tìm cách chứng minh sự sai lầm của các lời tố cáo, mà chỉ nhằm chế giễu bản thân Tổng Giám Mục Viganò. Người Công Giáo, theo họ, không quan tâm đến các việc làm nói là xấu xa của Tổng Giám Mục Viganò, mà là lưu ý đến các việc làm nói là xấu xa của các vị Hồng Y và của chính Đức Giáo Hoàng. Những tố cáo này không nặc danh, mà là của một người từng giữ các chức vụ cao trong Giáo Triều và có liên hệ mật thiết với các vấn đề được đề cập tới. Ít nhất, Đức Phanxicô nên bác bỏ chúng, rồi ra lệnh cho thuộc cấp cung cấp các bằng chứng để bác bỏ.

Họ cũng cho rằng việc Đức Phanxicô giữ im lặng, không giải thích hay ít nhất bác bỏ “còn trầm trọng hơn chính tai tiếng do Tổng Giám Mục Viganò đưa ra ánh sáng”.

Phía ôn hoà

Còn phe ôn hoà? John Allen nổi tiếng là một quan sát viên kỳ cựu của Vatican, ngay trước khi ông đứng đầu tờ Crux, và ông cũng nổi tiếng là người luôn nhìn Vatican, trong đó, có Đức Phanxicô, dưới nhãn quan “và...và; vừa là...vừa là”, nhứ không “hoặc là...hoặc là”, nên ta có thể coi ông là người ôn hòa.

Quả thế, ông tường thuật cuộc khủng hoảng này một cách hết sức ôn hòa, có lúc chê có lúc ủng hộ Tổng Giám Mục Viganò, nhưng kết luận ông vẫn về phe với những người yêu cầu Đức Phanxicô trả lời và cho mở cuộc điều tra. Ngày 29 Tháng Tám, Allen cho rằng “Bất chấp điều gì khác sẽ xẩy ra, câu trả lời liên quan đến Viganò trên máy bay chở Đức Giáo Hoàng trên đường từ Dublin trở về Rôma đêm Chúa Nhật có lẽ không đủ về lâu về dài.

“Trong yếu tính, Đức Giáo Hoàng chọn giải pháp ‘không bình luận’, dù ngài nói quá đủ để cho thấy ngài không thấy tài liệu ấy đáng tin. Tuy nhiên, ngài không đi vào tâm điểm sự việc, tức việc ngài biết gì về McCarrick và biết khi nào. Ta hãy nắm rõ: đây là lời tố cáo cho rằng Đức Giáo Hoàng đích thân liên lụy tới một vụ che đậy lạm dụng tình dục bởi một cựu giới chức Tòa Thánh, người đã nằm ở một vị thế biết chuyện. Nếu bất cứ ai nghĩ rằng các cơ quan truyền thông khắp thế giới sẽ không lục lọi câu truyện này với tối đa năng nổ, vì biết rằng hạ bệ một giáo hoàng chắc chắn sẽ vô cùng lớn lao hơn điều tờ Boston Globe đã làm năm 2003 khi hạ bệ Đức Hồng Y Bernard Law, và được giải Pulitzer và gợi hứng cho một cuốn phim của Hollywood, thì người ấy đúng là hoang tưởng”

Bởi thế, Allen nghĩ rằng “áp lực phải đưa ra một giải thích gần như chắc chắn trở thành không cưỡng lại được. Do đó, theo cái nhìn của Vatican, chuẩn bị sẵn sàng cho lời giải thích đó nay chắc chắn là cách dùng thì giờ khôn ngoan hơn cả”.

Trong bài báo ngày hôm sau, 30 tháng 8, Allen nhắc lại một lần nữa quan điểm của ông: “xét vì Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Galveston-Houston, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đã công bố rằng các viên chức của Hội Đồng sẽ qua Rôma nay mai để tìm kiếm sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng đối với kế hoạch điều tra vụ tai tiếng McCarrick, Đức Phanxicô và đội ngũ của ngài khó có thể tránh né việc phải can thiệp vào một cách thấu đáo hơn bao giờ hết”. Cũng trong bài báo này, Allen thuật lại cuộc điện đàm giữa Đức Tổng Giám Mục Viganò, đang ở một nơi không được tiết lộ, và một trong những người phổ biến chứng từ của ngài, theo đó, Đức Bênêđíctô XVI từng muốn trao mũ Hồng Y cho ngài, nhưng ngài xin hoãn, hình như để có thì giờ cha7m sóc người em bệnh hoạn.



Chín ngàn nữ lưu của Giáo Hội

Yêu cầu có câu trả lời của Đức Phanxicô cũng là của gần 9 ngàn phụ nữ Hoa Kỳ, những người hãnh diện tuyên xưng “chúng con là các bà vợ, bà mẹ, phụ nữ độc thân, phụ nữ thánh hiến, và nữ tu. Chúng con là các bà mẹ và chị em của các linh mục, chủng sinh, các linh mục và tu sĩ tương lai của ngài. Chúng con là các lãnh tụ giáo dân của Giáo Hội, và các bà mẹ của thế hệ kế tiếp. Chúng con là các giáo sư trong các chủng viện của ngài, và là các lãnh tụ trong các tòa án và định chế Công Giáo. Chúng con là các thần học gia, nhà truyền giảng Tin Mừng, nhà truyền giáo và sáng lập các phong trào tông đồ Công Giáo. Chúng con là những người hy sinh để tài trợ việc làm tốt của Giáo Hội. Chúng con là xương sống của các giáo xứ, các trường học và các giáo phận Công Giáo. Chúng con là đôi tay, đôi chân và trái tim của Giáo Hội. Tóm lại, chúng con là Giáo Hội, hoàn toàn giống như các Hồng Y và giám mục chung quanh ngài. Thưa Đức Thánh Cha, chúng con là ‘sự hiện diện sắc sảo’ mà Giáo Hội cần, và chúng con cần các câu trả lời của ngài”.

Vì theo họ, “tuyên bố gần đây của Đức Tổng Giám Mục Viganò buộc chúng con phải trực tiếp vươn tới ngài để có câu trả lời. Chứng từ của của Đức Tổng Giám Mục tố cáo ngài, thưa Đức Thánh Cha, và các vị Hồng Y cao cấp đã làm ngơ đối với hành vi quá xấu của cựu Hồng Y McCarrick và đã thăng cho kẻ phạm pháp này làm phát ngôn viên hoàn cầu và nhà lãnh đạo tâm linh. Điều này có thực không?”

Họ cho rằng câu trả lời của Đức Phanxicô với các nhà báo trong chuyến bay từ Dublin trở về Rôma: “tôi sẽ không nói một lời nào cả về vụ này” là không thỏa đáng. Nó “châm chích, khiến người ta nhớ đến chủ nghĩa giáo sĩ trị mà mới gần đây, ngài hết sức lên án. Chúng con cần sự lãnh đạo, sự thật và sự trong sáng. Chúng con, đàn chiên của ngài, xứng đáng có câu trả lời của ngài ngay lúc này”.

Họ chỉ đòi có thế. Họ cho biết họ chỉ đồng ý với Đức Hồng Y DiNardo ở đòi hòi trả lời này mà thôi. Họ không đồng ý mở cuộc điều tra dài dòng cũng như chứng cớ cụ thể. Họ “chỉ đòi câu trả lời trực tiếp của ngài, thưa Đức Thánh Cha”.

Và cũng như các nhà bảo thủ, không ai trong số họ đòi Đức Phanxicô từ chức. Một vị giáo hoàng phải buộc từ chức là một chuyện vượt trí tưởng tượng của mọi người vì nhiều hệ luận hết sức phức tạp, chỉ có thể gây hại cho Giáo Hội mà thôi. Về khía cạnh này, hình như Đức Tổng Giám Mục Viganò đi hơi quá xa.