ĐÊM TỌA ĐÀM-THƠ-NHẠC
PHÁT HUY VĂN HỌC-NGHỆ THUẬT ANRÊ PHÚ YÊN



Trung Tâm Mục Vụ Anrê Phú Yên, 15.06.2006


NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH


Từ 19.00 – 21.00 giờ đêm 15.06.2006
_________

*Ổn định, giới thiệu thành phần.
*Giới thiệu lý do và ý nghĩa trọng tâm (Bùi phương Hạc)
*Hợp ca khai mạc : Tình yêu đáp trả tình yêu (Lớp Thanh Khiết giáo lý thiếu nhi)
*Lời mở đầu : Truyền thống văn học Công Giáo Qui Nhơn từ Anrê Phú Yên tới hôm nay (Cha TĐH)
- Ngâm thơ : Trầm Hương (Nhóm thơ TH)
- Đơn Ca : Bất Diệt (Kim Tuyến)
*Một phương thức phát huy văn học nghệ thuật trong bối cảnh mục vụ hôm nay : Báo Tường (Cha TTT)
- Hợp Ca : Từ lòng Đất mẹ (CĐ Hiện Xuống)
- Ngâm thơ : Ra Đời (Nhóm thơ TH)
*Phát biểu của tham dự viên
- Ngâm thơ : Đức Mẹ khóc con (nhóm thơ TH)
- Đơn ca : Đời con là chiếc bóng của Ngài (Trần thị Sương)
*Công bố thể lệ giải thưởng Báo Tường Hạt Phú yên lần thứ I
- Song Ca : Ngợi ca Chân Phước Anrê (Hạnh Giao – Kim Loan)
- Ngâm thơ: Bất diệt (Nhóm thơ Tuy Hòa)
- Tốp ca : Tôn vinh Á Thánh Anrê Phú yên
*Cảm tạ - Phép lành bế mạc : (Cha TĐH)
- Kinh Á Thánh Anrê Phú yên
- Đồng ca kết thúc : Nhớ về tiên tổ chứng nhân
___________

GIỚI THIỆU LÝ DO VÀ Ý NGHĨA TRỌNG TÂM


Phêrô Bùi Phương Hạc

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
Hiểu theo môt ý nghiã hiện thực câu ca dao trong xã hội hôm nay. Người ta can tâm “múc ánh trăng vàng đổ đi” một cách hoài phí. Ngay cả những người Công Giáo đôi khi ánh trăng vàng không còn vấn vương trong kiếp nhân sinh.
Hôm nay thật là một ngày lịch sử của Giáo xư. Tiếp tục truyền thống các vị tiền nhân. Từ bia đá chữ quốc ngữ, biết bao công trình văn chương Công Giáo để lại cho đời. Các vị mục tử trong Giáo xứ trăn trở thao thức” Muốn đem đạo Thiên Chúa ở xứ này tạo nên một không khí kết tinh thành thơ’’, như lời giới thiệu của Hoài Thanh Hoài Chân về bài Ave Maria của Hàn mặc Tử :
Maria Linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run Thần tử thấy long nhan
Run như run Hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn triều mến
Có thể nói hôm nay chúng ta muốn ánh trăng vàng rọi chiếu lòng tin của chúng ta. Hơn thế nữa và là lý do cao sau nhất, không phải đề cao một tác phẩm một tác giả nào, mà làm giàu một phong cách Văn Dĩ Tải Đạo. Dùng văn chương nghệ thuật để chuyển tải Tin mừng đến cho mọi người, như lời mở đầu Sứ Điệp Tình Thương của Cha Nguyễn xuân Văn.
Ta muốn đem lời Chúa
Lời Thơ tình thương
Ghép thành vần
Đặt lên miệng các bà mẹ
Để từ đó
Chảy vào tai các em bé
Đang nằm trong nôi
Hay trên cánh tay dịu hiền của các bà mẹ
Như dòng sữa ngọt
Chứa đày chất dinh dưỡng siêu phàm
Đễ nuôi các em lớn lên
Trong tình thương của Chúa
Văn Chương Nghệ thuật Công Giáo có thể ví như thuyền trăng chuyên chở lòng tin thấm nhập vào máu thịt văn chương nhân loại.
Như một tiếp nối “buổi sáng Ngày lễ Ngũ Tuần năm nào”, và “một ngày nhạt nắng trên đỉnh đồi Galilê của hai ngàn năm trước”, hôm nay chúng ta cùng cất bước lên đường, để trăng được rọi chiếu, khung trời nhấp nháy sao đêm, hơi ấm, nụ cười nở hoa trong lòng người đóng băng khô cằn tẻ nhạt, trống vắng.
Vì đôi mắt không còn biết trông lên
Tôi sẽ đọc Thượng đế thành bài thơ
Phổ thành bài ca cho em hát
Viết thành điệu nhạc để em ngâm
Họa thành bức tranh cho em ngăm
Vì em là người
Đôi mắt trông lên
(Cho em Thượng Đế Của Trăng Thập Tự)
Vâng tất cả Vì Muốn Chúng Ta Làm Người Đôi Mắt Biết Trông lên.

________________

TRUYỀN THỐNG VĂN HỌC CÔNG GIÁO
TỪ ANRÊ PHÚ YÊN ĐẾN NAY


Bài tham luận của Lm. Giuse Trương Đình Hiền
Nhân dịp tổ chức đêm “Tọa đàm-thơ-Nhạc phát huy văn học nghệ thuật Anrê phú Yên” tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Hợp Anrê Phú yên Giáo xứ Tuy Hòa, xin được khái quát đôi nét về một “Truyền Thống Văn Học Công Giáo từ Anrê Phú yên đến nay”
I. CÓ HAY KHÔNG MỘT TRUYỀN THỐNG VĂN HỌC CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM ?
Để trả lời cho câu hỏi nầy, có lẽ chúng ta phải bắt đầu từ một khái niệm bao quát hơn, vượt ra ngoài phạm vi “văn chương, học thuật”, đó là khái niệm “văn hóa Công Giáo”.
1. Có chăng một nền văn hóa Công Giáo tại Việt Nam ? ( [1]).
Vấn nạn nầy, thực ra đã được các nhà nghiên cứu chuyên môn về lãnh vực văn hóa tôn giáo, đặc biệt “văn hóa Công Giáo” tại Việt nam đem ra bàn luận và mổ xẻ. Cụ thể, chúng ta có thể tìm thấy một số nhận định có liên quan đến đề tài nầy trong cuộc “Tọa Đàm về Văn Hóa Công Giáo từ khởi thủy đến đầu thế kỷ 20” được UBGM về giáo dân tổ chức tại tòa TGM Huế từ ngày 24 đến 27 tháng 10 năm 2000.
Câu trả lời của LM. Thiện Cẩm ( [2]):
Câu hỏi thật khó trả lời. Nếu khẳng định là có, thì xem ra rất là mạo hiểm, bởi vì không dễ gì chứng minh được. Nhưng nếu khẳng định rằng không, thì xem ra phủ nhận một thực tại, tuy có thể không rõ nét, nhưng vẫn ẩn hiện đâu đây, không chối cãi được; nó cũng giống như không khí chúng ta thở, tuy không hình thù màu sắc, và không có thể nhìn thấy được nhưng không thể phủ nhận…
Trong các nghệ thuật khác như văn chương, thi ca, hội họa, tuy có lẽ người Công giáo chưa để lại được gì nhiều, so với nghệ thuật Phật Giáo, nhưng một Hàn Mặc Tử, cũng đã tạo ra được một sắc thái Công Giáo Việt nam khá nổi bật…
Người Việt nam Công giáo dã tạo ra cho mình những nét văn hóa đặc thù, ăn sâu vào mọi phạm vi của dời sống. Từ làng xã đến thơ văn, nghệ thuật và kiến trúc, âm nhạc v.v..So với các tôn giáo khác, khách quan mà nói, người Công Giáo đã cống hiến cho dân tộc một kho tàng âm nhạc độc đáo và phong phú, tới mức ở nhiều địa phương, nhất là các vùng quê, các ca doàn nhà thờ nhiều khi đã trở thành “chủ lực” trong phong trào ca nhạc quần chúng…
Về những mặt khác, như hội họa, kiến trúc, tuy chưa có được nhiều những tác phẩm, như đáng lẽ phải có, nhưng một nhà thờ Phát Diệm, một bức tranh sơn mài Giáng Sinh của danh họa Nguyến Gia Trí, cũng đủ chứng minh cho khả năng của nghệ thuật Công Giáo, tuy ít, nhưng lại đạt tới những đỉnh cao không thể nào chối cãi”
Trong khi đó, một nhà nghiên cứu ngoài Công giáo, PGS Nguyễn Văn Kiệm, trong tác phẩm “Sự du nhập của Đạo Thiên Chúa vào Việt nam” đã khẳng định:
Tôn giáo nầy cũng tập hợp các giáo hữu của mình thành những cộng đồng có nếp sống văn hóa đặc trưng : văn hóa Kitô giáo. Đó là một cộng đồng gắn bó với nhau rất chặt chẽ trong một đức tin không thể lay chuyển, trong một hệ thống giáo luật không thể vi phạm, trong một tổ chức nhân sự chặt chẽ, cùng với những lễ nghi tôn nghiêm, những sinh hoạt tâm linh mang tính quy phạm và thống nhất rất cao, tạo nên trong mỗi người giáo hữu một cuộc sống tinh thần ổn định, thăng bằng, tin tưởng vào cuộc sống hiện tại cũng như ở thế giới bên kia, một ý thức tự tu dưỡng về phẩm cách để xứng đáng được hưởng phúc trong cuộc sống nơi trần thế cũng như trong cõi vĩnh hằng…”( [3])
Sau đó Giáo sư Nguyễn Văn kiệm đã liệt kê những đóng góp cụ thể của Đạo Công Giáo cho nền văn hóa Đất Nước qua các lãnh vực :
§ Từ thiện bác ái : “Trong những điều kiện hoàn cảnh cho phép, người Thiên chúa Giáo không quản khó khăn, tốn kém, để cưu mang những người ngoại đạo trong cơn hoạn nạn bằng nhiều hình thức khác nhau, và luôn khuyến dụ người bên đời cải giáo để được hưởng ơn cứu rỗi của Chúa, với một động cơ rất chân thành và vô tư”
“Ở những vùng có những trung tâm Thiên Chúa giáo mạnh, những hoạt động từ thiện của Nhà thờ Thiên Chúa giáo đã có một đóng góp không nhỏ vào việc làm dịu nỗi đau của dân chúng lao động trước những bất hạnh của cuộc đời. Những cuộc từ thiện nầy của nhà thờ Thiên chúa Giáo cũng đã góp phần vào việc củng cố sự thân thiện giữa bên đạo và bên đời, làm giảm nhẹ sự đối lập về tín ngưỡng và tập tục sinh hoạt giữa cộng đồng Thiên Chúa giáo và không Thiên chúa giáo, giúp cho hai cộng đồng sống hòa bình bên nhau” ( [4])
§ Du nhập các thành tựu văn minh phương tây ( [5]) :
Chữ quốc ngữ : “Cần nhấn mạnh thêm rằng, trong khi xã hội chưa quan tâm tới chữ “quốc ngữ” thì nó vẫn được Giáo Hội Thiên Chúa sử dụng, nuôi dưỡng, cải tiến, không để nó bị mai một và khi có cơ hội xuất hiện, nó đã đạt tới trình độ khá hoàn hảo. Công lao đó của Giáo hội Thiên chúa đối với chữ “quốc ngữ” cần phải được trân trọng ghi nhận”
Kiến thức khoa học : “Những kiến thức khoa học phương Tây, chủ yếu là khoa học tự nhiên (cơ khí, toán học, vật lý, thiên văn, y học, v.v…) sớm được giới thiệu ở Việt nam”
Công nghệ in ấn : “Nhằm hỗ trợ cho Giáo Hội Thiên chúa giáo Việt nam được ổn định và thịnh vượng, các giáo sĩ thừa sai đã triển khai nhiều họat động quan trọng trong đó có việc du nhập và phát triển một số ngành công nghệ phục vụ trực tiếp cho việc truyền giáo và củng cố Giáo Hội, đặc biệt là sự du nhập của ngành in hiện đại : In thạch bản, in bằng các con chữ rời…”
Nghệ thuật kiến trúc : “Từ sau điều ước Giáp tuất (1874), trong đó có điều khoản bảo đảm cho Thiên chúa giáo được truyền bá tự do, các giáo phận mới nghĩ đến việc xây dựng các nhà thờ kiên cố, kiến trúc đẹp, phục vụ sinh hoạt tâm linh của giáo dân…”
Văn hóa giáo dục : “Tính tiên tiến của phương pháp học tập Phương Tây cũng lại được du nhập vào Việt nam khá sớm qua con đường truyền giáo…Các thừa sai cũng rất quan tâm tới việc mở những trường học theo kiểu phương tây, dạy các môn khoa học thực dụng….Vậy là trong lãnh vực giáo dục kiểu mới, Giáo Hội Thiên Chúa Giáo Việt nam cũng vẫn đi đầu và rất có uy tín trong việc bảo đảm chất lượng học tập của học sinh trường mình ngay cả sau khi các trường công của chính phủ bảo hộ đã được mở đồng loạt vào đầu thế kỷ XX”.
Chúng ta có thể mượn ý tưởng của giáo sư Chương Thâu, trong bài tham luận “Vài ý kiến về Công Giáo với Văn Hóa Việt nam” trong cuộc “Tọa Đàm về Văn Hóa Công Giáo từ khởi thủy đến đầu thế kỷ 20” đã được nhắc đến ở trên để kết thúc vấn nạn được nêu lên từ đầu : “Có chăng một nền văn hóa Công Giáo?”
“Mặt khác về tôn giáo tín ngưỡng mà nói thì trong truyền thống Việt nam vốn chưa có tôn giáo thờ Đức Chúa Trời. Nhưng từ thế kỷ XVII trở về sau, ở Việt Nam đã du nhập thêm tôn giáo nầy với tất cả tín điều, lễ tiết, giáo luật của nó. Đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc Việt Nam, từ đây có thêm một tín ngưỡng tôn giáo mới và ngày càng phát triển. Số lượng giáo dân ngày càng đông.” ( [6])
Người Việt nam Công Giáo, ngoài chức phận là công dân, họ còn là người tín hữu và có một sinh hoạt tôn giáo riêng. Đạo Công Giáo với những đức tin của nó, với những nét đặc thù của nó, dần dần trở thành có một “tập quán” phong tục riêng của công chúng giáo dân trong xã hội Việt Nam…Những tính chất đa dạng và phong phú đó, một cách tất yếu, từ đây được hội nhập vào nền văn hóa Việt nam, làm phong phú thêm đời sống văn hóa của Dân tộc ta. Đó là một thực tế khách quan không thể phủ nhận được. Những yếu tố văn hóa Công Giáo này được hội nhập vào nền văn hóa truyền thống khác, và đó cũng chính là qui luật chung trong đời sống văn hóa của toàn nhân loại”
2. Có chăng một truyền thống văn học Công Giáo Việt nam :
Nói tới văn học là đề cập tới phạm vi tư tưởng, tác phẩm. Khi đặt vấn nạn : “Có chăng một truyền thống văn học Công Giáo Việt nam”, GS Chương Thâu trong bài tham luận đã nêu đưa ra nhận xét : “Có ý kiến cho rằng, trong cả mấy thế kỷ, tư tưởng Thiên chúa giáo đã không thấm được vào văn học, nghệ thuật, học thuật của nước ta, cũng không nổ ra cuộc tranh luận ồn ào, gay gắt về lý thuyết giữa các tôn giáo Nho, Phật, Lão với tôn giáo nầy. Nhưng gần đây, qua một số “phát hiện mới” (thực ra là một sự nhận thức lại) đối với một số tác phẩm văn thơ của các tác giả người Công Giáo dưới thời cận đại, nhất là từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 40 của thế kỷ nầy…trong đó có đậm nét “tư duy đạo”.( [7])
Để trả lời cho câu vấn nạn được đặt ra và còn bỏ lững của GS Chương Thâu, xin được trích dẫn một đoạn trong bài tham luận “Ngôn Ngữ Tin Mừng mang dáng đứng Việt nam” trong cuộc tọa đàm kỷ niệm lễ giỗ hai năm qua đời của cố linh mục thi sĩ Nguyễn Xuân Văn (10.01.2004). Đây chỉ là khái quát về những đóng góp của công Giáo trong lãnh vực văn học mà theo ngôn ngữ mục vụ thần học hôm nay đó là công tác “Hội Nhập Văn Hóa”. Nói cách khác, trong dòng chảy Văn học Việt nam, đã có một Truyền thống văn học Công Giáo.
“Không đợi phải có “Công đồng chung Vatican II với định hướng của Hiến Chế “Vui Mừng và Hy vọng”, không đợi đến những chỉ thị cụ thể có tính mục vụ thực tiển của Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu”, ngay từ đầu, khi Tin Mừng được gieo trồng trên Đất Việt, Cha Ông ta đã biết thế nào là “Hội nhập văn hoá”, thế nào là “diễn tả Tin Mừng bằng ngôn ngữ và văn hoá bản địa”, thế nào là “trình bày ngôn ngữ Tin Mừng trong dáng đứng Việt Nam”. Chúng ta thử đọc lại chứng từ của Cha Đắc Lộ, một Nhà truyền giáo vĩ đại, một nhà văn hóa lớn khi nói về công nương Catarina, một tín hữu của giai đoạn Tin Mừng mới đi vào Đất Nước ta : “Còn con gái Bà, công nương Catarina (cùng mang thánh dánh như mẹ) rất ham học biết và suy gẫm các mầu nhiệm của đạo, và vì công nương rất giỏi về thi ca bản xứ, nên đã soạn bằng thơ rất hay tất cả lịch sử giáo lý, từ tạo thiên lập địa cho đến Đức Ki-tô giáng thế, cuộc đời, sự thương khó, Phục sinh và Lên trời của Người. Lại còn thêm ở cuối tập thơ một đoạn tường thuật việc chúng tôi tới Đàng Ngoài và công cuộc khởi sự rao giảng Tin Mừng. Tác phẩm nầy rất có ích vì không những giáo dân tân tòng từng ngâm nga trong nhà, nơi thành thị cũng như chốn thôn quê, mà cả nhiều lương dân, khi ca hát và thích thú với lời ca dịu dàng, thì cũng học biết được những mầu nhiệm và chân lý đức tin” (A. De Rhodes- Histoirre du Royaume de Tunquin. Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài). Nhà học giả Phạm Đình Khiêm, trong bài tham luận tại cuộc TỌA ĐÀM “MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ VĂN HÓA CÔNG GIÁO VIỆT NAM TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ XX”, đã nhận xét thêm về sự kiện nầy bằng những dòng trân trọng : “Thế là khi đức tin vừa gieo vào lòng đất chốn kinh kỳ (1627), thì từ một lá ngọc cành vàng đã nảy sinh thiên trường ca vang dội khắp xứ, nhờ phương tiện phổ biến là những bản in khắc gỗ mà đất Thăng Long rất sở trường. Đất nghìn năm văn vật có khác!”. (Nhìn qua những chặng đường thi ca Công Giáo Việt Nam. Phạm Đình Khiêm).
- Trước hết, chúng ta nên dành riêng sự trân trọng và biết ơn đến các Thừa sai tiên phong đem Tin Mừng Đạo Chúa đến quê hương nầy, và đã vận dụng ngôn ngữ Việt Nam để chuyển tải Tin Mừng cho dân Việt chúng ta. Dấu ấn đặc biệt nhất có lẽ là tác phẩm giáo lý bằng chữ quốc ngữ đầu tiên : “PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY” do Cha A. De Rhodes chủ biên và xuất bản năm 1651) cùng với cuốn tự điển Việt-Bồ-La.
Kế tiếp những công trình “hội nhập văn hóa” mang tính đột phá và tiên phong đó, Hội Thánh non trẻ Việt Nam tiếp tục lên đường chuyển tải Tin Mừng và chân lý cứu độ qua những công trình văn học mà cho đến mãi hôm nay chúng ta chỉ biết cúi đầu bái phục :
- Giáo sĩ Majorica (Dòng Tên) : với trên 50 tác phẩm vừa dịch, biên soạn, sáng tác bằng văn xuôi hay văn vần chữ Nôm chuyển tải giáo lý, hạnh các thánh…
- Thầy Phanxicô, cựu hòa thượng : Với tác phẩm Hán-Nôm là bản Kinh Nguyện Giỗ CẢM TẠ NIỆM TỪ, quen gọi là PHỤC DĨ CHÍ TÔN
- Thầy giảng Gioan Thanh Minh : Với 15 phẩm bằng chữ Nôm ca ngợi các danh nhân, các Thánh
- Linh mục Lữ –Y Đoan (1613-1678): Với tác phẩm SẤM TRUYỀN CA bằng thể thơ lục bát
- Ông Raphael Đắc Lộ (1611-1687) : Với các tác phẩm thi ca : VÃN THÁNH GIUSE và VÃN ÔNG TOBIA
- Tác phẩm lục bát trường thi INÊ TỬ ĐẠO VÃN với 563 câu thơ lục bát kể chuyện tử đạo của Bà Inê năm 1700
- Linh mục Philipphê Bỉnh viết nhiều tác phẩm với nhiều thể loại : trước tác, biên soạn, dịch thuật, hồi ký, thơ… đặc biệt với tác phẩm SÁCH SỔ SANG CHÉP CÁC VIỆC
- Linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874) : Nhiều tác phẩm Hán-Nôm : VIỆT NAM GIÁO SỬ DIỄN CA, LÂM NẠN PHỤC QUỐC HÀNH, MINH DÂN VỆ ĐẠO KHÚC, VĂN TẾ GIÁO DÂN TỬ NẠN, VĂN TẾ CÁC ĐẲNG LINH HỒN, GIÁO NẠN TRONG QUỐC BIẾN…
- Thánh Phan văn Minh : Với thi phẩm “PHI NĂNG THI TẬP”
-Linh mục Trần Lục (1825-1899) : Với các tác phẩm thi ca lục bát : HIẾU TỰ CA (1088 câu), NỮ TẮC THƯỜNG LỄ (1016 câu), NỊCH ÁI VONG ÂN (440 câu).
- Ngoài những tác giả với tác phẩm, tư liệu mang tính chuyên môn về thần học, giáo lý, tu đức…, còn có nhiều loại hình “hội nhập văn hóa khác” trong các lãnh vực khác như : chính trị (Các bản điều trần của LM. Đặng Đức Tuấn, Nguyễn Trường Tộ (1830-1871); kiến trúc : (các nhà thờ Hảo Nho, Bình Sa (Ninh Bình), An Vân, Đốc Sơ, An Truyền (Huế), Trung Lao, Thôn Đông (Nam Định), Ba Làng (Thanh Hóa), đặc biệt là quần thể kiến trúc Nhà Thờ Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình); sử học (Đại Nam quốc sử diễn ca của Trương vĩnh Ký (1837-1898), tiểu thuyêt (Truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1887); kịch (Kịch thơ Mùa Xuân Thánh, Quần Tiên Hội của thi sĩ Đơn Phương 1991); múa (Các loại hình Dâng Hoa tháng Đức Mẹ); Biên khảo, nghiên cứu (Phạm Đình Khiêm, Võ Long Tê (Mai Hoa Công Chúa, Minh Đức Vương Thái Phi, Người chứng Thứ Nhất : biên khảo lịch sử của học giả Phạm Đình Khiêm; riêng Võ Long Tê có trên 50 công trình nghiên cứu và sáng tác. Trong số đó phải kể các công trình nghiên cứu thơ ca Hàn Mặc Tử…); báo chí (Thánh Thể báo, 1919 địa phận Phát Diệm, Thánh Giáo Tuần Báo Bắc Kỳ (1920-1923), Trung Hòa Nhật Báo (Hà Nội, 1924-1943), nhật báo Công Giáo Đồng Thinh, 1927-1937 và tờ tuần báo Công Giáo Tiến Hành, 1936-1938, tạp chí Sacerdos indosinensis (1927, tạp chí Dức Bà Hằng Cứu Giúp (1929 của ĐP Hà Nội, tuần báo Văn Côi (Nam Định), Vì Chúa (Huế), Lời Thăm (Qui Nhơn)…; thi ca (Thơ Nôm Phước Môn tuyển tập thơ của Nguyễn Hữu Bài do Nguyễn Thức sưu tập (1959), Sảng Đình thi tập của linh mục J.M. Nguyễn Văn Thích (1943). Trong lãnh vực thi ca, chúng ta làm sao không nhắc đến những tên tuổi lừng danh trên thi đàn Việt Nam như :
- Hàn Mặc Tử (1912-1940) với những bài thơ bất hủ như Thánh Nữ Đồng Trinh, Ra Đời,
- Bàng Bá Lân (1912-1988), một Kitô hữu tân tòng, với các bài thơ “Đêm Giáng Sinh”, “Cầu nguyện với Đức Mẹ”, “Cảm hóa.
- Hồ Dzếnh (1916-1991), một Kitô hữu tân tòng, với tuyển tập thơ “Tác Phẩm Đầu Xuân (1944) với nhiều bài thơ Công Giáo.
- Phạm Đình Tân (1913-1933) : với tập thơ “Lời Thiêng”
- Linh mục thi sĩ Xuân Ly Băng (1936) : Với nhiều tập thơ đạo như Thơ Kinh, Hương Kinh, Hiến Chương Nước Trời, Bài Ca Thương Khó…
- Lê Đình Bảng (1942) : với các thi phẩm : Hành Hương, Lời tự tình của bến trần gian, Quỳ trước đến vàng…
- Linh mục Trăng Thập Tự : Trường ca Anrê Phú Yên, Tiên Tri, Quỳ Hoa và tuyển tập ‘có ai về Cát minh”.
Chúng ta còn phải ghi nhận nhiều đóng góp khác trong việc diễn tả Lời Chúa, Thánh Kinh bằng ngôn ngữ Việt Nam, cho dù không phải là những tác phẩm được phổ biến sâu rộng, nhưng đã góp phần không nhỏ trong tiến trình Hội Nhập Văn Hóa của Giáo Hội Việt Nam. Đó là các nỗ lực của các tác giả như Tống Viết Toại (Phúc Âm diễn ca, 1956), Mai Lâm (Thánh Vịnh Toàn tập, 1958), Long Giang Tử (Phúc Âm diễn ca, 1975), Linh mục An Sơn Vị (Ngủ Kinh, Thánh Vịnh thánh ca, Tân ước), Linh mục Giuse Đinh Cao Thuấn (Trường ca cứu độ, Ca vang Lời Chúa, đường về Đất hứa,), linh mục Cao Vĩnh Phan (Trường ca Dân Chúa : giáo lý bằng thơ lục bát), linh mục Lê quang Trình (Kinh thánh Khởi nguyên, Thánh Vịnh bằng thơ lục bát)…và hôm nay, chúng ta đang tưởng niệm, đang nhắc nhớ đến một con người, một linh mục và một thi sĩ đã góp phần to lớn trong tiến trình Hội Nhập Văn Hóa của Hội Thánh Việt Nam : đó là Cha F.X. Nguyễn Xuân Văn với đại thi phẩm trường thiên lục bát 9764 câu thơ, thi phẩm về cuộc đời Chúa Cứu Thế qua bốn Tin Mừng : “SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG”. ( [8])

II : TRUYỀN THỐNG VĂN HỌC CÔNG GIÁO QUI NHƠN TỪ ANRÊ PHÚ YÊN ĐẾN NAY:
1. NHỮNG VIÊN ĐÁ NỀN MÓNG : CHA ĐẮC LỘ - ANRÊ PHÚ YÊN VÀ CỘNG ĐOÀN THẦY GIẢNG :
Để nhận rõ vai trò quan trọng của Cha Đắc Lộ, Thầy giảng Á Thánh Anrê Phú Yên và cộng đoàn Thầy Giảng (do Cha Đắc Lộ thiết lập) trong việc đặt nền móng cho công cuộc truyền giáo, hội nhập văn hóa và xây dựng nền văn học Công giáo Việt nam, chúng ta thử lắng nghe những nhận xét thâm thúy sau đây của Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Soạn trong bài giảng lễ mừng Á Thánh Anrê Phú Yên tại Mằng Lăng ngày 26.07.2000 :
“Riêng về cha Đắc Lộ, cuộc đời và sự nghiệp của cha đã gắn liền với lịch sử Việt Nam. Trong lãnh vực loan báo Tin Mừng, mãi đến ngày nay Giáo Hội vẫn còn loay hoay tìm một đáp số cho cuộc gặp gỡ giữa sứ điệp Tin Mừng và văn hóa các dân tộc, mà khoa thần học gọi là tiến trình “Hội Nhập Văn Hóa”, thì gần 4 thế kỷ trước đây, cha Đắc Lộ đã có trực giác nhạy bén nếu không muốn nói là ân huệ lạ lùng – tìm thấy đáp số cho cuộc gặp gỡ nầy trên quê hương Việt Nam. Khi nói đến điều nầy, người ta nghĩ đến chữ Quốc Ngữ đã được thành hình do công lao đóng góp to lớn của cha, đến “Nhà Đức Chúa Trời” hay còn gọi là Hội Thầy Giảng do cha thành lập như một sáng kiến độc đáo thích nghi việc loan báo Tin Mừng trong bối cảnh xã hội khó khăn. Nhưng đáp số đầu tiên và chính xác nhất trên tiến trình hội nhập văn hóa nơi mảnh đất Việt Nam là cuộc sống và cái chết của Thầy giảng Anrê Phú Yên, Người Chứng Thứ Nhất của Giáo Hội Việt Nam.” ( [9])
Để bổ túc cho nhận xét tổng quát trên và nhất là để có cái nhìn rõ hơn về vai trò và vị trí độc đáo của Thầy Giảng Á Thánh Anrê phú Yên và các kitô hữu vô danh khác, chúng ta thử nghe linh mục Roland Jacques OMI, chuyên viên sử học trong Ủy Ban Sử Học của HĐGMVN về vụ án phong Á Thánh cho Thầy giảng Anrê phát biểu :
“Khi nói đến lịch sử khởi công xây dựng Giáo Hội tại Việt Nam, người ta có thói quen đưa ra một vài nhân vật lịch sử lớn, đặc biệt là nhân vật Đắc Lộ. Điều nầy không có gì cần phải cải chính. Nhưng lịch sử của Anrê còn chứng tỏ rằng Giáo Hội cũng đã được xây đắp nhờ vào những nỗ lực của số đông giáo dân Việt Nam thuộc những thế hệ đầu tiên. Ở vào thời của Anrê, thừa sai chỉ thỉnh thoảng mới có thể đến, và không thể sống thường xuyên ở trong nước. Chính vì lý do nầy mà những thầy giảng phải lên phiên thay thế họ. Anrê là tiêu biểu cho tất cả những thừa sai Việt Nam vô danh nầy, là những anh hùng trong cuộc sống trước khi tỏ ra anh hùng trong khi chết. Người ta không thể không nghĩ rằng chính họ là những thừa sai thực sự, vì chỉ có họ mới đủ sức bảo đảm cho sự liên tục và sự tiến triển của cộng đồng công giáo. Thử hỏi tình trạng nầy không phải giống như tình trạng ngày nay tại nhiều nơi mà sự lui tới của linh mục bị hạn chế đó sao?( [10])
2. LINH MỤC ĐẶNG ĐỨC TUẤN (1806-1874) ( [11]):
Để có cái tổng quan về linh mục Đặng Đức Tuấn và những đóng góp to lớn của Ngài cho nền văn học công Giáo Qui Nhơn, xin được trích đăng bài tiểu sử sau đây của học giả Phạm Đình Khiêm, trong bài tham luận “NHÌN QUA NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG THI CA CÔNG GIÁO VIỆT NAM” trong cuộc “Tọa Đàm về Văn Hóa Công Giáo từ khởi thủy đến đầu thế kỷ 20” được UBGM về giáo dân tổ chức tại tòa TGM Huế từ ngày 24 đến 27 tháng 10 năm 2000.
Linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874)n là người Quy Hà, sau gọi là Quy Thuận, huyện Mộc Sơn nay là Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, nơi có xứ đạo kỳ cựu và đông đảo bậc nhất miền Trung : địa sở Gia Hựu. Ông thuộc dòng dõi nho phong, dòng dõi Đặng Đức Siêu theo truyền tụng.
Sớm nổi danh Nho học tuy chưa đỗ đạt cao, ông được Đức Giám Mục Cuénot Thể giới thiệu đi Pinang (Mã Lai á) dạy Hán văn cho các chủng sinh. Nơi đây ông học thông các tiếng Anh, Pháp, La-tinh, mở rộng kiến thức nhờ kho sách của Đại chủng viện. Sau ông trở thành chủng sinh thực thụ, học trọn bảy năm triết lý, thần học. Đến chức Sáu, được gởi về thuộc quyền Đức Giám Mục địa phận và rồi được thụ phong linh mục tại Tòa Giám mục Gò Thị.
Năm 1861 đời Tự Đức, cuộc cấm đạo khốc liệt, khiến ông trốn tại Quảng Ngãi, bị bắt ở đó với hai bản điều trần chữ Hán nằm trong khăn gói. Thế là người tù vì Chúa Kitô được triệu về kinh, trình lên Vua Tự đức bản điều trần thứ nhất dâng kế hoạch chống Pháp, và bản thứ hai làm sáng tỏ vấn đề tôn giáo, chưa kể một bản khác trình cho các quan ở bộ Binh cũng về tôn giáo và thời cuộc. Sau đó ông được vua Tự Đức cử tham gia phái đoàn Lâm Duy Hiệp-Phan Thanh Giản vào Gia Định thương thuyết hòa ước với Pháp và Tây ban Nha.
Hòa ước ký rồi, vua Tự Đức lần lần tháo gỡ cuộc cấm đạo, cha Tuấn trở về tiếp tục nhiệm vụ linh mục cùng với sứ mạng thi ca.
Điều may mắn là toàn bộ thi ca của ông lưu truyền trong dòng họ và dân gian, nay đã được tin thành sách dưới nhan đề : Đặng Đức Tuấn, tinh hoa Công giáo ái quốc Việt nam, với những chú thích và bình luận của hai tác giả : Võ ngọc Nhã linh mục và Lam Giang giáo sư, xuất bản năm 1970, 570 trang. Các sáng tác của Đặng Đức Tuấn chủ yếu gồm :
- Việt nam giáo sử diễn ca (Từ khởi thủy đến cuộc bách hại đời vua Tự Đức).
- Lâm nạn phục quốc hành (Ghi lại thời kỳ lâm nạn, lai kinh điều trần và Nam du nghị hòa).
- Minh dân vệ đạo khúc (Chỉ đường sáng cho dân và bảo vệ chính đạo. Bài nầy trả lời cho bài “Hoán Mê khúc” của Án sát Ngụy khắc Đản coi giáo dân mê lầm cần hoán cải)
- Văn tế giáo dân tử nạn
- Văn tế các đẳng linh hồn
- Đại loạn năm Ất Dậu 1885.
- Giáo nạn trong quốc biến; tác phẩm nầy cùng với tác phẩm kể trên đều ghi lại những ngày lưu huyết nhất do biến loạn sát tả bình tây.
- Giải sầu ca (An ủi giáo dân sau khi phân sáp trở về)
- Cải quá tự tân luận …
Mỗi cuốn sách kể trên đều là một thiên trường ca.
Sau cùng xin ghi nhận cuốn sách Đặng Đức Tuấn, tinh hoa Công giáo ái quốc Viẹt nam, lần đầu tiên đã công bố ba bản điều trần của Đặng Đức Tuấn, nguyên văn chữ hán với phần phiên âm và dịch Việt Ngữ của giáo sư Lam Giang. Một đóng góp quan trọng cho lịch sử tôn giáo, chính trị và thi ca Việt nam.
Có thể xem thêm tiểu sử của linh mục Đặng đức Tuấn trong trang web Giáo hạt phú Yên (www.ghphuyen.com)
3. NHÀ IN LÀNG SÔNG - QUI NHƠN ẤN QUÁN – BÁO “LỜI THĂM”:
Nói đến truyền thống văn học Công Giáo qui Nhơn, không thể không nhắc đến NHÀ IN LÀNG SÔNG-ẤN QUÁN QUI NHƠN VÀ BÁO NGUYỆT SAN “LỜI THĂM”.
Sau đây là một vài nét khái quát.( [12])
Trước Văn Thân, nhà in Làng Sông đã có, nhưng không quy mô, nhà in nầy đã bị Văn Thân tiêu hủy cùng với Toà Giám Mục và Chủng Viện.
Để tái lập lại nhà in Làng Sông, Đức Cha Grangeon cho Cha Paul Maheu sang học kỷ thuật tại nhà in Nazareth, Hồng Kông. Tháng 7/1904, nhà in Làng Sông được tái lập với sự điều hành của Cha P. Maheu. Nhà in nầy đã xuất bản nhiều sách đạo-đời, ở đây chỉ nêu lên một vài đầu sách đạo: Thánh Giáo yếu lý, Thánh Đạo Đại Nguyên, Sách kinh mục lục, Sách gẫm, tạp chí Mémorial, tạp chí Lời Thăm ( 02 tháng một số, nội dung đặc biệt dành cho các Thầy giảng dùng làm tài liệu trong việc giảng dạy... sách giáo dục văn hóa như : Phép đánh vần, Con nít học nói, Ấu học, Trung học, Địa dư sơ lược, Chuyện đời xưa, tiểu thuyết Hai chị em lưu lạc..., tạp chí Tuổi xanh...
Ngày 01-11-1933, một trận bão lớn đã làm sập nhà in Làng Sông, cùng với xu thế phát triển thị xã Quy Nhơn, Đức Cha Tardieu (Phú) cũng như Cha Quản lý quyết định dời nhà in của Giáo phận xuống Quy Nhơn. Năm1934, Nhà in Quy Nhơn được khởi công thành lập thay cho nhà in Làng Sông, năm 1935 hoàn thành. Nhà in Quy Nhơn được kiến trúc nhằm đáp ứng với nhu cầu in ấn lúc bấy giờ, hằng ngày trên dưới 30 người làm việc dưới sự điều hành của Cha Perreaux. Nhà in nầy vẫn tiếp tục in những loại sách như nhà in Làng Sông, ngoài ra Cha Perreaux còn cho xuất bản một tạp chí bằng tiếng Pháp : “Lectures”.
Năm 1946-1947, tiêu thổ kháng chiến, nhà in Quy Nhơn bị tàn phá. Lúc bấy giờ cha Antôn Nguyễn Anh Thuận làm giám đốc nhà in. Cha dời máy móc lên Vĩnh Minh, thuộc xứ Nam Bình. Cha Bề trên Huy giao máy móc cho các thầy Dòng Thánh Giuse quản lý trong thời gian ngắn, sau đó ly loạn, thất lạc.
4. THI SĨ HÀN MẶC TỬ : (1912-1940)
Để đánh giá thi tài của Hàn Mặc Tử, xin trích lại lời nói đầy xúc động của thi sĩ Chế lan Viên, khi nghe tin Hàn Mặc Tử vừa mất ở Qui Hòa : “Mai sau, những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại ở cái thời kỳ này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc tử” ( [13]).
Quả thật, đã có quá nhiều bài viết, khảo luận, sách báo nói về thi sĩ Công Giáo Hàn Mặc Tử, một nhà thơ Công giáo tài danh. Chỉ xin giới thiệu khái quát về thân thế và các tác phẩm thơ của thi sĩ tài danh mệnh yểu nầy như một chứng tích hùng hồn về sự đóng góp của người Công Giáo trong lãnh vực văn học :
Nhà thơ với cuộc đời đau thương có một không hai này, tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22-9-1912 ở Lệ Mỹ (Đông Hới), mang thánh hiệu Phêrô Phanxicô. Ông làm thơ từ thuở nhỏ. Lấy hiệu là Phong Trần và Lệ Thanh, trong những năm 16 tuổi. Cuộc đời của thi sĩ phần lớn gắn liền với mảnh đất Qui Nhơn. Cha mất sớm, nhà nghèo. Đau thương nhất và cũng là nét bi tráng để lại dấu ấn đậm nét trong cuộc đời làm thơ của Hàn Mặc Tử chính là những tháng năm đau đớn với bịnh hủi. Thi sĩ đã sống những ngày cuối đời tại nhà thương Qui Hòa rồi mất ở đó, ngày 11-10-1940.
Sau đây là các tác phẩm của Hàn Mặc Tử.
- Gái quê (Tập thơ)
- Đau thương (Còn có tên thơ Điên)
- Xuân như ý (Tập thơ)
- Thượng Thanh Khí (Tập thơ)
- Cẩm châu duyên, gồm một số bài thơ lẻ và hai vở kịch : Duyên Kỳ Ngộ và Quần Tiên Hội (đang viết dỡ)
- Chơi giữa mùa trăng…
5. LINH MỤC F.X. NGUYỄN XUÂN VĂN (1922-2002)
Hôm nay chúng ta lại có dịp được nhắc tới Cha F.X. Nguyễn Xuân Văn, linh mục giáo phận Qui Nhơn và là vị chủ chăn của giáo xứ Tuy Hòa, hạt trưởng Phú Yên từ năm 1986-2002.
Cha F.X. Nguyễn Xuân Văn với đại thi phẩm trường thiên lục bát 9764 câu thơ, thi phẩm về cuộc đời Chúa Cứu Thế qua bốn Tin Mừng : “SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG”.
Chính Cha Nguyễn Xuân Văn đã bộc lộ ý định “ĐEM ĐẠO VÀO ĐỜI”, biến Lời Chúa thành ngôn ngữ dung dị của đời thường để thấm sâu vào cuộc sống khi Ngài nhắn gởi chúng ta trong lời Phi lộ của tác phẩm :
Tôi muốn đem Lời Chúa
Lời thơ Tình Thương
Ghép thành vần
Đặt lên miệng các bà mẹ
Để từ đó
“Chảy vào tai các em bé,
Đang nằm trong nôi.
Hay trên cánh tay dịu hiền của các bà
Như dòng sửa ngọt
Chứa đầy chất dinh dưỡng siêu phàm
Để nuôi các em lớn lên
Trong tình thương của Chúa…
“Tôi ước ao Lời Chúa,
đến với các bạn
với những kẻ khó nhọc và gánh nặng
Những người mất niềm tin
Mất hy vọng trên cõi đời nầy.
Hỡi các bạn ! Hãy lắng nghe
“Đây là Sứ Điệp Tình Thương,
Ngân vang muôn thuở, vấn vương muôn lòng”
(Sứ điệp Tình Thương, Lời Phi lộ)
Nhưng để đánh giá sâu sát hơn về thi sĩ linh mục Nguyễn Xuân Văn và đại thi phẩm “Sứ Điệp Tình Thương” của ngài, có lẽ những nhận xét sau đây của nhà thơ Đình Bảng là trung thực ( [14]) :
“Tôi nói đến 9764 câu thơ lục bát của SĐTT vì chúng đã ở trên đỉnh cao có thể ngang tầm với ca dao, đồng dao và những nhà thơ phù thuỷ về lục bát như Nguyễn Du, Tản Đà, Huy Cận, Nguyễn Bính. Đây là một trường hợp đặc biệt nhất trong cõi thi ca nhà đạo mình. Tôi chọn lục bát vì nó là hơi thở, là máu thịt, là tần số trái tim người Việt Nam. Cứ ung dung, nhẩn nha, đủng đỉnh. Chả cần hối hả, khúc mắc, vội vàng gì. Nói như nhà thơ Nguyễn Đình Thi, lục bát là hơi thở của người Việt. Nói tự nhiên như hơi thở con người, bởi thế thơi mới so le câu dài, câu ngắn, khong đều nhưng đi bằng đôi nhân nhịp chẵn (thường là hai từ một 2/2/2). Hít sâu vào thì ngắn, thở ra thì dài. Hít sâu vào huyệt đan điền. Thở ra tới cõi vô biên đời người. Đây là một thể thơ thông dụng, rất dễ viết, ai cũng viết được, mở miệng là nói được, kể cả những người ít học, thậm chí nhiều bà mẹ quê không biết chữ cũng nói thơ, thuộc thơ lục bát hơn cả những bậc tài trí uyên thâm. Nhưng viết lục bát cho hay, cho đẹp, cho bay bướm, cho thành thi ca thì khó vô cùng. Những tưởng sau truyện Kiều, với “lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”, lục bát đã khép lại, đã đụng trần, không ai dám bén mảng đến chân đến cái toà lâu đài cao ngất và sang trọng ấy nữa. Nhưng không phải thế. Nó còn mở ra bao nhiêu cánh cửa bát ngát để thử tài, thử bút lực, thử thi pháp của các thi sĩ cùng những người yêu mến, muốn thưởng thức nó. Nói một cách thông thái như nhà văn Nguyễn Tuân thì, anh bảo anh là nhà thơ Việt Nam ư? Vậy anh hãy cho tôi đọc vài câu thơ lục bát của anh, tôi sẽ nói cho anh là hạng bậc thi sĩ thế nào.
SĐTT và Nguyễn Xuân Văn xứng đáng để tôi khẩu phục tâm phục ở chỗ nó dám góp mặt, góp với lời với cõi thi ca lục bát tài hoa của các bậc tiền bối mà không sợ kém cạnh hay mặc cảm tự ti.
Hơn nữa, cái hay, cái đẹp, cái giá trị của SĐTT không chỉ ở câu chữ, ở độ dày, ở chiều dài gần gấp ba lần Truyện Kiều, mà còn ở cái thần, cái hứng, cái ý, cái tứ làm nên hồn vía phảng phất, bàng bạc hoặc sâu lắng ở đằng sau, ẩn sâu bên trong những con chữ, những vần điệu kia. Đúng như nỗi khát khao cháy bỏng của tác giả Nguyễn Xuân Văn gửi gắm rất nhiều trong SĐTT là dùng thi ca, thơ lục bát để trao gởi lời Chúa đến mỗi người. Chẳng phải chuyện tầm phào, trà dư tửu hậu của thế nhân thường tình, mà là chở đạo đến chổ nước sâu, xa bờ, xa khơi, mong cho thuyền đầy cá. Chỉ cần đọc lại một trích đoạn:
“Lời sao nặng cả ngàn cân
nghe êm như suối hồng ân chảy về
Lời sao thắm thiết tình quê
Nghe rưng nước măt, nghe mê mẫn người
Lời sao như vọng từ trời
Nghe ra như gọi, như mời tội nhân
Lời sao như gột lòng trần
Như lôi đất thấp đến gần trời cao”. (SĐTT lời phi lộ)
6. LINH MỤC TRĂNG THẬP TỰ (VÕ TÁ KHÁNH)
Không dễ dàng để nói về một người đang còn sống và lại đang hiện diện. Tuy nhiên, nếu chúng ta đa từng hãnh diện đối với thế hệ cha ông của Giáo Phận Qui Nhơn “cây cao bóng cả”, thì chúng ta lại càng phải trân trọng những bậc cháu con trung thành hiếu đạo giữ gìn cách cẩn trọng “ngôi từ đường văn học Công Giáo” để không hề “vang bóng một thời” mà còn phải được gia cố tài bồi cho uy nghi rạng rỡ hơn. Tôi muốn nói đến linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự, tức Võ Tá Khánh, một đứa con của gia đình giáo xứ Tuy Hòa, đã từng có những tháng năm tiểu học trên ghế trường Quân Dân Chính nay là trường Bình Nhạn; sau đó là những tháng năm tu học tại cái nôi văn học Công Giáo Qui Nhơn : Tiểu chủng viện Làng Sông. Phải chăng linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh thuộc thế hệ những cháu con hiếu để đó, khi gồng mình lặn lội trong lãnh vực văn học từ độ tuổi thiếu niên cho đến mãi hôm nay khi tóc đã hai màu. Ngoài những tác phẩm thơ như Tiên Tri, Quỳ Hoa, Trường ca Anrê Phú Yên…, và nhất là tuyển tập thơ mới nhất vừa được xuất bản “Có ai về Cát minh”, cha Trăng Thập Tự còn thao thức băn khoăn chuyển tải giáo lý, tu đức, kinh nguyện…sao cho đức tin phải là đức tin sống động, lời chứng phải trở thành lời chứng thuyết phục. Và hình như nổi day dứt băn khoăn tha thiết nhất của linh mục thi sĩ lại là làm sao cho nền văn học Công Giáo phát triển, làm sao cho giới cầm bút và văn nghệ sĩ Công giáo chiếm một vị trí xứng đáng trong làng văn học nước nhà. Chúng ta có thể kết thúc những chia sẻ về những ưu tư về văn học Công giáo bằng chính những trăn trở của linh mục Võ tá Khánh trong bài tham luận VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CÔNG GIÁO:
“Chúng con mong tìm được nhiều khuôn mặt trẻ quan tâm tới văn học nghệ thuật Công Giáo, nhưng không biết hỏi ở đâu. Một phần là do những năm qua con không có dịp giao lưu… Tuy nhiên, không riêng con, con đã nhờ các vị khác và cũng thật hiếm hoi…. Chắc hẳn là vẫn có một số nào đó, nhưng dù sao ta vẫn không tránh được ấn tượng rằng có một sự cách quãng đáng ngại… Làm thế nào để trong tương lai không còn sự thiếu vắng quá đáng ?” ( [15])
7. NHỮNG CỐ GẮNG VỀ MỤC VỤ VĂN HÓA-NGHỆ THUẬT HIỆN NAY TẠI GIÁO HẠT PHÚ YÊN :
Trong hoàn cảnh không mấy thuận lợi và dễ dàng trong việc đầu tư và dán thân hoạt động trong lãnh vực văn hóa, văn học, giáo xứ Tuy Hòa, giáo hạt Phú Yên cũng đã vận dụng những phương tiện sẵn có trong tầm tay để một chút nào đó gọi là bắt nhịp với thời đại và cũng để “kế thừa truyền thống phát huy văn học” của Cha ông. Cụ thể có mấy việc :
- Đang lưu hành ba trang web thông tin và diễn đàn mục vụ “giáo hạt Phú yên, Giáo xứ Tuy Hòa và Anrê Phú yên :
- (www.ghphuyen.com; www.phuyencatholic.net; www.andrephuyen.org)
- Chuẩn bị xuất bản 4 cuốn sách : một về Anrê phú Yên, hai cuốn về Linh mục thi sĩ Nguyễn Xuân Văn và tác phẩm Sứ điệp tình thương, một cuốn khảo luận về Tính danh học Việt nam.
III. NHIỆM VỤ HÔM NAY :
Xin được nêu lên mấy gợi ý mục vụ :
1. Tiếp nối truyền thống văn học-nghệ thuật trong toàn giáo hạt, giáo phận.
Chúng ta có được cái may mắn là đang sống trên mãnh đất mang tên của Vị Á Thánh thuộc thế hệ xây dựng nền móng cho “ngôi đền văn học Công Giáo Việt nam” : Anrê Phú Yên. Trung tâm hành hương Mằng Lăng và Trung Tâm mục vụ tổng hợp Anrê Phú Yên Tuy Hòa phải chăng là hai “điểm nhấn” cụ thể để nhắc nhở chúng ta về công cuộc tiếp nối truyền thống của Cha ông trong lãnh vực hội nhập văn hóa và diển tả đức tin bằng ngôn ngữ của thời đại hôm nay.
2. Hiện thực hóa định hướng mục vụ văn học-nghệ thuật qua tổ chức mục vụ giáo xứ : Ủy viên mục vụ văn học-nghệ thuật trong các Hội Đồng Giáo xứ.
3. Tạo mặt bằng cho giáo dân, đặc biệt các bạn trẻ có điều kiện phát huy sáng tác : Báo tường, tập san liên lạc, kỷ yếu…
4. Giải thưởng Báo tường hạt Phú yên 2006.
Xin được kết thúc bài chia sẻ “Truyền thống văn học Công Gáo Qui Nhơn” tại đây. Có lẽ chúng ta sẽ có dịp chia sẻ với nhau nhiều hơn và rõ hơn đề tài “BÁO TƯỜNG” với linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh trong một bài tham luận kế tiếp.
Xin kính cám ơn.
_____________

BÁO TƯỜNG

Một phương thức giản dị
giúp phát huy khả năng cầm bút

Chia sẻ của linh mục Trăng Thập Tự

Cha Hạt Trưởng Giuse Trương Đình Hiền đã có một bản nghiên cứu công phu, xác đinh những cột mốc chính của hành trình văn học nghệ thuật từ ba thế kỷ qua trên địa bàn Giáo Phận Qui Nhơn nói chung và Giáo Hạt Phú Yên nói riêng. Thế rồi từ bài nghiên cứu công phu ấy, ngài gói ghém lại hai chữ “báo tường” quá giản dị và chuẩn bị cho cuộc thi báo tường của Giáo Hạt. Phải chăng là đầu voi đuôi chuột? Không đâu! Chúng ta dò dẫm không phải để trở về số không nhưng để khởi động lại từ số một. Số một hết sức quan trọng, vì nó khởi đầu cho những số khác.
BÁO TƯỜNG LÀ SỐ 1 KHỞI ĐỘNG
Người Công Giáo Việt Nam đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ và đã dùng nó để ghi chép và phổ biến kinh sách từ buổi đầu. Thế nhưng khi quốc ngữ trở thành phương tiện chuyển tải văn học, người Công Giáo đã tụt lại phía sau. Kể từ Đông Dương Tạp Chí và Nam Phong Tạp Chí tới nay, khoảng 90 năm, về thơ, ta chỉ có một tác giả chen vai được với đời là Hàn Mạc Tử, còn về tiểu thuyết, ta không thấy một tác giả Công Giáo nào.
Công cuộc truyền giáo đòi phải có nhiều nhà văn nhà báo Công Giáo, những người viết kịch bản cho truyền thanh, truyền hình và phim ảnh, thế nhưng lại thiếu vắng trầm trọng. Nguyên do sự thiếu vắng này là vì ta chưa ý thức vai trò quan trọng của những người sáng tác và, do đó, chưa đầu tư chuẩn bị.
Việc chuẩn bị này không khó. Ta có thể thực hiện ngay từ hôm nay tại địa bàn các giáo xứ. Giáo xứ nào cũng có nhiều đơn vị và đoàn thể. Nếu ta biết động viên, sinh hoạt các đơn vị và đoàn thể ấy sẽ là cơ hội cho mọi người tập cầm bút, để rồi từ đó sẽ phát xuất những cây bút có chất lượng cao. Những tờ báo thủ công niêm yết lên tường vách các phòng hội chính là một phương tiện rất giản dị và hữu hiệu cho sinh hoạt sáng tạo ấy.
Nơi kinh nghiệm các tác giả Việt Nam, rất nhiều nhà văn nhà thơ đã khởi đầu sự nghiệp sáng tác của mình từ các trang báo tường của lớp hoặc của đoàn thể. Bản thân chúng tôi cũng đã bắt đầu như thế. Từ năm 1960, với những trang báo tường của Lớp Sáu, Tiểu Chủng Viện Làng Sông, Qui Nhơn.
Như thế, báo tường thực sự là số một để khởi động.
HƯỚNG TỚI SỐ 2, 3, 4: TIẾN BƯỚC, GIAO LƯU, LIÊN KẾT
Nổ máy rồi chúng ta lăn bánh bằng số 1 nhưng sau đó sẽ phải sang số lớn để chạy đường trường. Báo tường giúp phát hiện những cây bút có nhiều hứa hẹn và thúc đẩy họ hướng tới tương lai, chí thú với việc viết lách, với những sáng tác có chất lượng.
Ở Trung Học, có những lớp chuyên văn, lên cao hơn, có trường Đại Học Viết Văn, nhưng muốn tiến trong việc cầm bút, chủ yếu là tự luyện. Bạn có thể tự luyện bằng cách viết nhật ký, hồi ký hoặc những đoạn ghi lại sinh hoạt hằng ngày. Bạn cũng có thể viết những đoạn suy tư, những bài chia sẻ ngắn, những bài kể lại đức tin và đức mến cho nhau nghe, bạn cũng có thể viết về những người tốt việc tốt quanh mình… Cùng với việc học sinh ngữ, bạn cũng có thể tập dịch thuật… Câu văn tiếng Việt cụ thể, rõ nghĩa, nhưng khi chuyển từ văn nói sang văn viết, bạn cần thêm tính gãy gọn và hợp luận lý. Nhờ học theo cấu trúc câu văn nước ngoài, văn viết của bạn sẽ sáng rõ hơn.
Tiến xa hơn, bạn sẽ thử gửi những bài viết của bạn cho các nội san vi tính trong Giáo Xứ, Giáo Hạt, Giáo Phận hoặc Liên Giáo Phận. Cũng có thể gửi lên những trang mạng bạn quen biết… Dần dần bạn sẽ gặp được những người đồng cảm để cùng chia sẻ. Từ đó sẽ có thể nẩy sinh những bút nhóm, thi văn đòan, câu lạc bộ văn chương không phân biệt tuổi tác. Những liên kết ấy rất cần để nâng đỡ hành trình cầm bút của bạn. Thật vậy, khi viết ra, bạn vẫn muốn có ai đó đọc và phản hồi. Thế nhưng không phải mọi người đều đọc. Chính trong bút nhóm và câu lạc bộ, bạn có thể gặp được một số người vui lòng đọc kỹ điều bạn viết và cho ý kiến nhận xét.
NHỜ SỐ 5 VÀ SỐ 6: GIÁO LÝ VÀ KINH NGUYỆN
Xe môtô chỉ đi tới chứ không đi vào chiều sâu. Còn ở đây chúng ta có số 5 và số 6 để xoáy vào chiều sâu. Số 5 là đào sâu giáo lý, còn số 6 là đào sâu kinh nghiệm gặp Chúa bằng cầu nguyện và tĩnh tâm, gặp Chúa trong cuộc sống cá nhân và trong đời sống Hội Thánh.
Để đào sâu giáo lý, bạn nên có một chương trình đọc và suy niệm Thánh Kinh mỗi ngày. Mỗi ngày chừng 15-20 phút. Bên cạnh đó, nên ôn lại kiến thức giáo lý dựa trên một quyển giáo lý dành cho người trưởng thành. Bạn có thể học tập trung theo một giáo trình mà cũng có thể học lai rai hằng tuần dựa trên các bài đọc Lời Chúa, bài giảng của linh mục và các bài chia sẻ nhận được từ đó đây. Hãy hỏi thêm nơi cha sở của bạn.
Về việc gặp Chúa trong cầu nguyện và tĩnh tâm, xin đan cử một chứng từ: Đầu thập niên 1980, cố nhạc sĩ Hùng Lân dự một khoá Cầu Nguyện Thánh Linh. Suốt 10 ngày, ông chẳng có gì để chia sẻ với mọi người, thế nhưng chỉ mấy tuần lễ sau khoá ấy, ông đã ọc ra một loạt bài hoàn toàn mới, mới từ hứng nhạc, ý thơ và ca từ. Một Hùng Lân thoát xác với tập Trầm Thiêng Nhạc Thánh, với khoảng 30 bài mới, ký tên Nam Hoa.
Sự suy tư cầu nguyện trong thinh lặng sẽ đem lại chiều sâu cho bài viết. Bạn có thể tự trắc nghiệm như sau: Lần đầu, gặp một ý tưởng lý thú, bạn ngồi xuông viết thành bài ngay. Lần sau, cũng gặp một ý tưởng lý thú, nhưng thay vì viết ngay, bạn làm xong các việc bổn phận rồi dành chút thời giờ suy tư nghiền ngẫm trước rồi mới viết. Nhìn lại, sẽ thấy hai kết quả khác hẳn nhau: Bài đầu, có thể rất sôi nổi nhưng nội dung không mạch lạc và thiếu sâu sắc; bài thứ hai ít sôi nổi hơn nhưng có nội dung vừa sâu xa vừa dễ hiểu, nói cách khác là có sức xây dựng cho độc giả hơn.
Để đào sâu kinh nghiệm gặp Chúa, bạn có thể vận dụng hai tập giáo trình lớp Vào đời 2 của Chương trình Giáo Lý Phổ Thông. Giáo trình cũ mang tên “Bước theo Thầy Giêsu” giúp bạn một kinh nghiệm cầu nguyện giữa đời theo Linh Thao I Nhã; còn giáo trình mới mang tên “Đây, Thiên Chúa ở cùng chúng ta” giúp bạn cầu nguyện theo Năm Phụng Vụ và theo tinh thần Cát Minh. Ở cả hai tập đều có những minh hoạ thơ văn nho nhỏ, của những tác giả Kitô hữu đã múc cảm hứng từ Lời Chúa.
Hãy thử xem và bạn sẽ tìm được những nguồn cảm hứng vô tận.
NÀO, TA HÃY KHỞI ĐỘNG TỪ SỐ 1
Tới đây, xin trở lại với chương trình mục vụ của Giáo Hạt: Cuộc thi báo tường 2006, và xin chia sẻ đôi nét về hình thức và nội dung một tờ báo tường để quý vị và các bạn dễ hưởng ứng và cổ võ cho cuộc thi.
- Hưởng ứng cuộc thi báo tường:
Cuộc thi báo tường ở Hạt chúng ta mở rộng cho mọi đối tượng trong Giáo Hạt. Nhóm của bạn là giáo lý viên, là huynh trưởng, là một lớp giáo lý, là ca đoàn, là ban lễ sinh, là một đơn vị trong một đoàn thể, là một bút nhóm tự phát,… những tư cách ấy đủ để bạn đăng ký dự thi. Hãy đăng ký với cha sở của bạn.
Mỗi tháng, nhóm của các bạn sẽ thực hiện một số báo và niêm yết tại nơi quy định chừng 2 tuần lễ. Sau đó, các bạn gỡ xuống, nộp cho cha sở, xin ngài ký nhận và chuyển về cho Trung Tâm Mục Vụ của Giáo Hạt. Chỉ cần gửi 3 số trong các số báo từ đây tới cuối năm là đủ để dự thi. Ban Giám Khảo sẽ chấm từng số báo và tổng kết cả 3 số để lấy điểm phát thưởng.
- Hình thức báo tường:
Hình thức của tờ báo tường rất giản dị. Bạn dùng một tờ giấy dày làm nền. Nếu không có một tờ giấy mới, bạn có thể dùng mặt sau của những tờ lịch tường, dán lại cho vừa kích cỡ bạn muốn. Thông thường, nên lấy chiều ngang 100cm, chiều đứng 60cm.
Ở góc trên bên phải hoặc giữa trang giấy, bạn ghi tên tờ báo bằng chữ lớn. Phía dưới tên báo là tên đơn vị hay đoàn thể, thuộc giáo xứ nào. Bên cạnh đó, bạn ghi số của tờ báo (số thứ tự của lần ra báo) và số báo ấy ra ngày nào.
Ở phần còn lại, bạn muốn chia bao nhiêu cột báo hoặc bao nhiêu ô, tuỳ ý. Cốt sao cho cân xứng và thẩm mỹ.
Các bài báo có thể chép trực tiếp lên tờ giấy dày hoặc viết trên những trang rời rồi dán lên. Nếu cần, mỗi cột báo có thể là một xấp nhiều trang.
Cần có một số hình ảnh minh họa cũng như tựa đề các bài báo nên trình bày sao cho đẹp mắt, ưa nhìn.
Cần thay đổi cách trình bày cho phong phú. Bạn nên chọn những hình thức lôi cuốn được sự chú ý của người đọc.
Đó là hình thức tờ báo. Ngoài ra còn có vấn đề hình thức bài viết. Bài viết nên ngắn gọn, vì độc giả phải đứng mà đọc, họ chỉ dừng lại trong chốc lát. Những bài nào sưu tầm từ các sách báo khác, cần ghi rõ là sưu tầm.
Bạn nghĩ gì viết nấy, đó là một cách. Thế nhưng thường thì nên suy nghĩ để điều bạn viết có được kết quả tốt nhất. Bạn có một ý tưởng muốn truyền đạt và bạn chọn truyền đạt cách nào cho dễ đi vào lòng người nhất: Bạn viết như một lời khuyên, một chia sẻ gợi ý, một chuyện nghiêm túc hoặc một chuyện hài, hay là một câu thơ gãy gọn? Bạn hãy đến với Chúa Thánh Thần của ơn ngôn ngữ, Ngài sẽ dạy bạn biết chọn ngôn ngữ mà độc giả dễ cảm nhận nhất.
- Nội dung báo tường:
Mỗi tờ báo nên có một chủ nhiệm và một chủ bút. Chủ nhiệm là người chịu trách nhiệm chung. Chủ bút là người lo về nội dung tờ báo, mời người viết bài cho đủ, kiểm tra và chọn những bài được đăng. Cũng có những bài cần sửa chữa hoàn chỉnh trước khi đăng. Tựa đề bài báo cần gói ghém được nội dung bài.
Nội dung trang báo sẽ tuỳ nơi hướng đi của nhóm bạn. Báo của ca đoàn sẽ có những tiết mục khác với báo của các lễ sinh. Tuy nhiên, để dễ bố trí cho nhau viết bài, các bạn có thể dựa vào mùa phụng vụ, mùa thiên nhiên, những dịp lễ mừng tại địa phương, bổn mạng nhóm…
Viết gì? Viết theo lời Chúa Giêsu đã căn dặn trước khi từ giã môn đệ về trời: “Hãy đi.. rao giảng Tin Mừng cho mọi lòai thọ tạo…”
Một vài người có thể nhận viết chuyên đề: Suy niệm, chia sẻ, chuyện vui, hỏi đáp,
Chủ đề chung của năm 2006: Sống đạo tại gia đình, tuy nhiên bạn cũng có thể viết theo bất cứ đề tài nào của đức tin và cuộc sống Kitô hữu, cách riêng là đề tài bạn tâm đắc, muốn chia sẻ.
Bạn hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Ngài là Thánh Thần sự thật, Ngài sẽ đem bạn vào những chiều sâu mầu nhiệm. Ngài sẽ cho bạn được nếm cảm ngây ngất và giúp bạn biết phải nói gì hoặc viết gì cho nhân thế.
KẾT
Với cuộc thi báo tường Giáo Hạt, chúng ta khởi sự một vụ gieo trồng rồi. Ở đây là báo tường, đàng kia là những người cầm bút có năng lực để phụng sự Thiên Chúa và Hội Thánh Ngài. Ta gieo xuống, hạt giống âm thầm mọc, rồi một lúc nào đó, ta sẽ thấy lúa trổ đòng đòng và, tiếp theo, mùa gặt không xa.

________________

Trầm Hương

Phóng tác bài thơ Thầy Antonio de Torres dòng Tên viết bằng tiếng Bồ Đào Nha tại Ma Cao, ngày 05 tháng 10 năm 1644, để kính mừng Giáo Lý Viên Anrê Phú Yên, tử đạo ngày 26.07.1644

Phú Yên rừng thẳm non cao,
Xin gìn giữ lấy khác nào trầm hương.
Trầm hương ngây ngất mười phương,
Trầm hương ẩn khuất giữa Trường Sơn kia.
Rừng ơi, giữ lấy, giấu đi,
Bởi vì quan ước, bởi vì vua mong.
Rừng ơi, đem cất vào lòng,
Này đây mới mọc giữa đồng Phú Yên:
Đồng đang non mạ khắp miền,
Giáp Thân giữa Hạ (1) bổng đâu mọc trầm
Một cây vươn toả hương thầm,
Xe thiên ý với đạo tâm, ai ngờ.
Máu hồng nhuộm xuống đất thơ,
Anrê dân Việt, lễ thờ trời Nam.
Thôn chiều vương vấn khói lam,
Trầm men theo gió dâng làm toàn thiêu.
Trường Sơn sương quyện hương yêu…
Montpellier, Pháp, 16-11-1999
Mừng lễ Các thánh Tử Đạo Việt Nam
Trăng Thập Tự


Bất Diệt

Có những trái tim muôn đời vẫn đập,
Vẫn sáng qua bao thế kỷ mịt mù.
Dù mưa đông hay gió lạnh chiều thu,
Dòng máu thắm nhịp đều theo tiếng thở.
Có những bước chân muôn đời ghi nhớ,
Núi không quên và sông vẫn ngắc hoài.
Bước ngày xưa về đổ lại hôm nay
Cho quán vắng sáng lên niềm hy vọng
Có những ánh sao muôn đời vẫn sáng
Đêm qua đêm thức mãi hẹn người về.
Sao gọi ai bừng tỉnh giữa cơn mê
Khăn gói bước lên đường theo dấu cũ.
Có những ý thơ đã đi vào tuyệt đối,
Thơ kết bằng muôn giọt máu tin yêu.
Lời thơ vang theo tiếng nhạc dặt dìu,
Đang vẫy gọi hồn ai theo lý tưởng.
Vâng, tất cả đã trở thành thần tượng,
Những con người sống trọn nghĩa Chứng Nhân,
Đem máu tim đền đáp nghĩa thiên ân,
Viết khúc nhạc tình yêu bằng hy tế.
Những người ấy qua muôn ngàn thế hệ,
Vẫn sáng lên như tinh đẩu rạng ngời.
Như đuốc thiêng bừng sáng khắp muôn nơi,
Những người ấy, chứng nhân, muôn đời bất diệt…


RA ĐỜI
Hàn Mặc Tử

Một chiều xanh, một chiều xanh huyền hoặc,
Sáng bao la vây lút khỏi thiên không.
Xuất thế gian chưa có tại trong lòng,
Muôn ý tứ say chìm trong bất giác.
Hương cám dỗ mê người trong khoái lạc.
A ! A ! A !
Thiên địa đắm hoang mang…
Là đương khi thờ lạy cả thiên đàng.
Bay những tiếng tung hô thánh đức,
Muôn thần phẩm trong lâng lâng chầu chực,
Ánh hào quang chan chói ngất lưu ly.
Ôi cao sang khôn ví trọng ai bì…
Trên nước cả có vô vàn châu báu,
Trí rất ngớp bởi chưng xuân hồn hậu
Đã ra đời theo lệnh của Ngôi Hai…
Ôi ! Thánh tai, thánh tai và thánh tai
Cả trời bổng nổi lên muôn điệu nhạc
Rất trọng vọng, rất thơm tho man mác,
Rất phương phi trên hết cả anh hoa.
Xuân ra đời…
Điềm ngọc ấm như ngà,
Thơ có tuổi và chiêm bao có tích,
Và tâm tư có một điều rất thích,
Không nói ra vì sợ bớt say sưa !
“Chàng ơi ! Chàng ơi, sự lạ đêm qua !
Mùa xuân tới mà không ai biết cả…”

Đức Mẹ khóc Con

Hỡi ôi ! Đức Mẹ Đồng Trinh,
Ôm Con yêu dấu thống tình khóc than.
Mạch sầu núi lở khó hàn,
Dòng sầu đá chảy tuyết tan khôn cầm.
Ai ngăn nổi giọt lệ thầm !
Ai cầm nổi máu tim bầm ứa ra !
Nhìn Con lòng Mẹ xót xa,
Thương Con lòng mẹ hải hà khóc Con.
Khóc cho sầu thảm nước non,
Cho dòng huyết lệ chảy mòn đôi mi.
Chảy mờ mắt, Mẹ sầu bi,
Lời Kinh về Mẹ đã ghi đúng lời.
Khóc cho vang dội cõi đời,
Cho hoa ứa lệ, cho trời nhỏ sương,
Cho ngơ ngẩn khách qua đường
Cho tim Con Mẹ thấm hương tình Người.
Trông Con thảm quá Con ơi !
Ngọc sa vũng lấm, châu rơi bãi sình.
Nào người đồng tử đồng sinh,
Nào người thân nghĩa thân tình ở đâu ?
Ai xui Con Mẹ dãi dầu,
Cho buồn tử biệt cho sầu sinh ly.
Con đi Mẹ ở làm chi !
Mất Con Mẹ sống làm gì hỡi Con !
Đêm nay dưới bóng trăng tròn,
Mẹ ru Con ngủ cho ngon cho lành.
Đêm nay Mẹ thức cầm canh,
Ru Con an giấc cho thanh thản lòng.
Qua rồi đinh sắt lưỡi đòng,
Con ơi cứ ngủ cho nồng cho say.
Mẹ ngồi thức trắng đêm nay,
Để Con dệt mộng trên tay Mẹ hiền.
Ru Con, Con ngủ cho yên,
Để Con quên hết ưu phiền, Con ơi !
Đau thương Con trải qua rồi,
Qua rồi Thập Giá trên đồi sọ khô.
Giờ đây Con sắp xuống mồ,
Hôn Con vĩnh biệt, Mẹ vô cùng buồn.
Hôn bao nhiêu dấu máu tuôn,
Nụ hôn Mẹ kết bằng muôn tơ lòng.
Hôn thương tích, cạnh nương long,
Hôn đầu tóc rối, mấy vòng gai đan.
Mặt Con như đóa hoa tàn,
Đôi môi Mẹ thấm lệ tràn ấp yêu.
Đêm nay lòng đất quạnh hiu,
Chôn theo Con biết bao nhiêu là buồn.
Đêm nay lai láng sầu tuôn,
Mẹ ngồi canh mộ với muôn sao trời.
Lắng nghe gió thổi lá rơi,
Lắng nghe tiếng nói giọng cười ngày xưa.
Con ơi ! kể mấy cho vừa,
Cuộc đời còn chút hơi thừa vấn vương.
Kéo dài kiếp sống đoạn trường,
Để than, để khóc, để thương nhớ ngày.
Ngày Con chết đắng, chết cay,
Chết đau, chết nhục, chết thay cho đời.
Mẹ sầu khổ lắm Con ơi !
Vì người, Con chết, ai người thương Con !
_______________

GIẢI THƯỞNG BÁO TƯỜNG HẠT PHÚ YÊN
Dù chỉ là một thiếu niên, Chân Phước An Rê Phú Yên đã góp phần với cha Đắc Lộ trong việc kiến tạo chữ Quốc Ngữ, mở đầu cho sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật Công Giáo. Cuối thế kỷ XX, sự nghiệp này tại Phú Yên đã đạt tới một đỉnh cao nơi tuyệt tác Sứ Điệp Tình Thương của linh mục thi sĩ Nguyễn Xuân Văn.
Tiếp nối truyền thống ấy, Trung Tâm Mục Vụ Tổng Hợp An Rê Phú Yên cố gắng tạo mặt bằng giúp các bạn trẻ phát huy tài năng văn chương nghệ thuật. Trong bước đầu, Trung Tâm sẽ tổ chức GIẢI THƯỞNG BÁO TƯỜNG, theo thể lệ sau đây:
I. CHƯƠNG TRÌNH GIẢI THƯỞNG
Giải thưởng được tổ chức mỗi năm hai lần, một lần phát thưởng vào dịp Lễ Á Thánh An Rê Phú Yên (26-7) và một lần vào dịp lễ giỗ Linh Mục Thi Sĩ Nguyễn Xuân Văn (10-01).
II. THÀNH PHẦN, HÌNH THỨC VÀ THỜI HẠN THAM GIA
1. Tất cả mọi đơn vị đoàn thể tại các giáo xứ thuộc Giáo Hạt Phú Yên đều có thể đăng ký tham gia, ví dụ: Một ca đoàn, một lớp giáo lý, tập thể giáo lý viên giáo họ hoặc giáo xứ, vv..
2. Mỗi đơn vị tham gia sẽ thực hiện đều đặn hai tháng một tờ báo tường cỡ 100cm x 60cm, có trưng bày tại giáo xứ mình.
3. Cuối tháng 5 hoặc cuối tháng 11, mỗi đơn vị sẽ gửi về Trung Tâm Mục Vụ An Rê Phú Yên 5 số báo tường liên tục, mặt sau có ấn ký của Cha Sở chứng nhận báo đã có trưng bày tại giáo xứ.
III. GIẢI THƯỞNG LẦN THỨ NHẤT VÀ CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG
1. Giải thưởng này được phát động lần thứ nhất kể từ hôm nay, dành cho nửa năm sau của năm 2006, với 10 giải thưởng cho các đơn vị và 10 giải thưởng cho những bài xuất sắc.
2. Mười giải thưởng dành cho những đơn vị có tác phẩm báo tường xuất sắc về hình thức (30 điểm) và nội dung (70 điểm):
- 1 giải nhất: 5.000.000 $
- 2 giải nhì: 2.000.000 $
- 7 giải khuyến khích: 500.000 $
3. Mười giải thưởng dành cho những sáng tác xuất sắc hoặc thơ, truyện ngắn, ký mang nội dung Kitô giáo:
- 1 giải nhất: 5.000.000 $
- 2 giải nhì: 2.000.000 $
- 7 giải khuyến khích: 500.000 $
IV. THỜI HẠN THAM GIA VÀ VIỆC PHÁT THƯỞNG
1. Cuối tháng 11-2006, mỗi đơn vị tham dự sẽ gửi về Trung Tâm Mục Vụ An Rê Phú Yên 5 số báo tường liên tục, mặt sau có ấn ký của Cha Sở chứng nhận báo đã có trưng bày tại giáo xứ.
2. Kết quả trúng thưởng sẽ được công bố vào Lễ Giáng Sinh 2006.
3. Lễ phát thưởng sẽ được tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ An Rê Phú Yên nhân dịp Giỗ 5 năm Linh Mục Thi Sĩ Nguyễn Xuân Văn (10-01-2007).
4. Những bộ báo trúng thưởng sẽ được trưng bày và lưu giữ tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Hợp An Rê Phú Yên.
5. Những bài trúng thưởng sẽ được in vào một tuyển tập phát hành nhân dịp lễ Giỗ 5 năm Linh Mục Thi Sĩ Nguyễn Xuân Văn.
Mong rằng mọi đơn vị đoàn thể trong Giáo Hạt Phú Yên sẽ nhiệt tình tham gia.
Tuy Hoà, ngày 15.05.2006….
Lm Hạt Trưởng
Giuse Trương Đình Hiền









________________________________________