Cuộc hành trình “Thắp sáng Trại phong Di Linh”



Di Linh, Lâm Đồng - “Thắp sáng Trại phong Di Linh” là chủ đề mà các ca viên của các ca đoàn giáo xứ Xóm Chiếu, Quận 4, Sài Gòn chọn cho cuộc hành trình của mình để đến với những người bệnh phong cùi trong hai ngày 23 – 24/08/2008.

Xem hình ảnh Thắp Sáng Trại Phong Di Linh

Sáu mươi tám năm về trước, ngày 30/10/1940, thi sĩ Hà Mặc Tử, một thi sĩ Công Giáo với những bài thơ đời và thơ đạo nổi tiếng đã qua đời ở tuổi 28 vì mắc căn bệnh phong cùi không thể chữa trị. Ngày hôm nay, với sự tiến bộ của y khoa, bệnh phong (cùi, hủi) hoàn toàn có thể chữa khỏi, nhưng vì mức độ tàn phá cơ thể cũng như những biến chứng tai ác, nên dù người ta có kiến thức nhiều hơn về căn bệnh này, các bệnh nhân phong vẫn phải gánh chịu nhiều thành kiến xã hội, bị xa lánh, cô lập, và thậm chí bị hắt hủi.

Đặt chân lên Cao Nguyên Di Linh cũng là lúc bầu trời đã tối mịt, con đường quanh co ghập ghềnh đồi dốc từ thị trấn vào Trại Phong lại càng tối hơn vì chúng tôi đến đây đúng vào lúc cúp điện. Bước xuống xe cũng là lúc chúng tôi cảm nhận được cái không khí lạnh của vùng cao 1.000 mét so với mực nước biển này. Sự chu đáo của ban tổ chức tỏ ra hữu hiệu, máy phát điện mang theo cũng có chỗ sử dụng rồi đây, và chủ đề của anh em ca viên các ca đoàn chúng tôi dường như cũng đúng theo nghĩa đen: “Thắp sáng Trại phong Di Linh”.

Khi mọi công tác chuẩn bị cho công việc ngày hôm sau hoàn tất cũng là lúc mọi người đã vã mồ hôi và cái nóng lại ngập tràn cơ thể. Lúc chúng tôi ngã lưng nghỉ ngơi sau một chuyến đi mệt nhoài cũng là lúc các dì (các nữ tu trong Trại phong) phải thức thay chúng tôi đến một hai giờ sáng để chuẩn bị bữa ăn sáng cho 330 phần ăn. Các dì là thế đó, luôn hy sinh vì tha nhân, và điều đó có lẽ luôn đúng đối với 9 nữ tu Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn phục vụ trong Trại phong này.

Trở lại với các phần ăn sáng, những phần ăn tưởng chừng bình thường của người Sài Gòn nhưng lại là ao ước của biết bao người ở Trại phong này: Một hộp xôi với một cái đùi gà chiên! Các dì cho biết, đối với các gia đình sống trong trại thì nhu cầu ăn uống của họ rất là đơn giản, chủ yếu là gạo để họ có thể sinh sống, thức ăn thì chủ yếu là rau. Đối với những người bệnh nặng, đủ tiêu chuẩn trợ cấp của nhà nước thì mỗi tháng cũng chỉ được hưởng 200.000 đồng (200.000 đồng thời bão giá thì thật là con số nhỏ nhoi!), còn những người không có tiêu chuẩn chủ yếu sống nhờ vào tình thương của các mạnh thường quân và đặc biệt sự chăm sóc, nuôi nấng của các dì nơi đây.

Khi bình minh ló dạng cũng là lúc chúng tôi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi nhà thờ gỗ mà vị sáng lập trại, Đức Cha Cassaigne, đã xây dựng lên từ mấy mươi năm về trước. Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay mang một sắc thái đặc biệt mà lần đầu tiên trong đời chúng tôi được tham dự: kinh Mân Côi đầu lễ được thay phiên từng chục kinh Kính Mừng, Kinh Lạy Cha, Kinh Sáng Danh bằng tiếng Việt và tiếng K’Ho, Thánh Lễ với bài đọc 2, Kinh Tin Kính, Kinh Cám Ơn sau lễ bằng tiếng K’Ho.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật nói đến việc Thánh Phêrô tuyên xưng đức tin: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Trong bài giảng lễ Cha chủ tế cũng nói đến đức tin, ngài nói rằng gần 50 ca viên chúng tôi đến đây “đã làm cho bầu khí phụng vụ của chúng ta trở nên ấm áp hơn, và có thể nói làm cho Thánh Lễ này thực sự đem lại rất nhiều ấn tượng cho chúng ta. Không những họ chia sẻ cùng một đức tin với chúng ta trong niềm tin vào Đức Giêsu Kitô con Thiên Chúa hằng sống mà chính chúng ta cũng đang chia sẻ một đức tin mạnh mẽ của chúng ta cho họ nữa. Không phải họ đến với chúng ta trong tư cách của những người là ân nhân chia sẻ tình thương, chia sẻ những gì họ có cho chúng ta mà thôi, nhưng họ cũng trao ban cho chúng ta một niềm tin để chúng ta thấy rằng tất cả mọi nơi, mọi lúc, tất cả mọi người đều là con cái của Thiên Chúa và họ cũng trao ban đức tin đó cho chúng ta. Không những chúng ta đón nhận, chúng ta cũng đã và sẽ trao ban cho họ một trong những điều căn bản mà đời sống của chúng ta hằng ngày, chúng ta vẫn đang sống và làm chứng tá, chính là niềm tin mạnh mẽ của chúng ta trong đau khổ, đây có thể nói là sự nâng đỡ rất lớn, sự chia sẻ đức tin rất lớn cho chính bản thân của họ, là những người trẻ trong hoàn cảnh sống phồn hoa và có nhiều biến động hơn tất cả chúng ta. Chúng ở trong khung cảnh rất đầm ấm, bình an, còn chính họ phải qua nhiều thử thách gian nan trong môi trường sống đầy sôi động cũng như thách thức khắc nghiệt. Và vì vậy khi trở về với hoàn cảnh sống của mình, chính niềm tin và sự nâng đỡ đức tin của chúng ta là những người đã trải qua rất nhiều năm tháng trong đau đớn của bệnh tật về tinh thần cũng như thể xác, sẽ là một sự nâng đỡ rất lớn đức tin của họ để chính trong những thử thách gian nan đó, chính trong những giờ phút khủng hoảng niềm tin nơi Chúa và nơi con người họ nhìn đến Thánh Lễ hôm nay, nó là một ấn tượng để chia sẻ và trao ban niềm tin đến cho họ”.

Sau Thánh Lễ, tất cả mọi người tập trung về sân chính trước khu hành chính của Trại, tất cả mọi người tham dự Thánh Lễ, từ các cụ già cho đến các trẻ nhỏ đều được tham dự một buổi ăn sáng trong huynh đệ. Các em nhỏ được tập trung thành vòng tròn và sự tận tụy của các ca viên đã mang đến cho các em một buổi ăn sáng ngon lành dưới cái nắng dịu nhẹ của vùng cao, các chị xé từng thớ thịt cho các em nhỏ, chăm chút từng li từng tí cho các em để các em có thể hoàn tất phần ăn của mình.

Theo các dì, đã lâu rồi mới có một cuộc quy tụ thật đông đảo như hôm nay vì thường thì các đoàn công tác xã hội lên đây vào ngày thường nên các em người đi học, người đi làm. Chính vì đông đảo thiếu nhi như vậy, khoảng 90 em, nên sau khi ăn sáng các em tham dự vào các trò chơi vận động rất hết mình, nét hớn hở vui tươi lộ rõ trên khuôn mặt của các em và theo nhận xét của các anh chị thành viên trong đoàn thì bọn trẻ đã chơi hết mình. Chẳng những trẻ con, thiếu niên mà một vài người lớn mang bệnh thiểu năng, trí tuệ kém phát triển cũng tham gia trò chơi một cách hứng thú.

Sau gần một tiếng đồng hồ vui vầy bên nhau, các trẻ em lại được cười vui thích thú vì được xem phim Tom và Jerry trên màn ảnh máy chiếu của đoàn trang bị mang theo. Trong khi trẻ con xem phim, thì một Việt kiều tên Phương và một người bạn Pháp cũng đến đây chia sẻ những phần quà cho các gia đình bệnh nhân trong trại. Thật là quý báu khi có sự chung sức tài trợ hiện vật, hiện kim của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài để những gia đình bệnh nhân phong có thể có cái ăn cái mặc.

Theo lời các dì ở đây, thì dẫu cho một số người còn có thể lao động được khi cơn bệnh không còn bộc phát hay như con em họ cũng không nhiễm bệnh do đây là căn bệnh không di truyền và các dì cũng đã chăm sóc để con cái họ không bị lây nhiễm thì họ cũng chỉ có thể gieo trồng vườn tượt nhỏ để có chút ít rau để sống thôi chứ trong trại hoàn toàn không thể trồng trọt, sản xuất gì được. Bởi lẽ một điều thật đơn giản là sản phẩm của trại phong thì không có nơi tiêu thụ! Con em của các gia đình trong trại cũng đi làm thuê làm mướn khi mùa vụ thu hoạch cà phê, nhưng số tiền kiếm được cũng nhỏ nhoi do xuất thân của họ. Do hoàn cảnh như thế nên đa số quần áo, trang phục của họ đều phải dựa vào những người hảo tâm, khi thì quần áo cũ, khi thì chăn màn chiếu, khi thì đồ mới… cái nào vừa vặn thì mặc bằng không thì các dì sửa lại cho họ có cái mặc. Nhưng có một điều các dì đã lam được là hầu hết trẻ nhỏ trong trại đều lễ phép, đều được tài trợ đi học hết cấp 3 và tùy theo nguyện vọng mà các em cũng được tài trợ cho học đại học. Thành quả đạt được là đã có 02 bác sĩ là con cái bệnh nhân về phục vụ tại trại và 01 giáo viên cấp ba hiện đang dạy tại Di Linh.

Xem phim xong, các em mỗi người một phần quà ra về và 152 gia đình trong trại cũng được chúng tôi gởi đến những phần quà nghĩa tình chia sẻ. Từ ba tháng trước, ban tổ chức đã bắt đầu kêu gọi tất cả các ca viên trong các ca đoàn dành dụm, bớt chi xài để có tiền giúp các bệnh nhân cũng như ai có điều kiện thi kêu gọi quyên góp trong anh em, bè bạn.

Những ngày cuối trước chuyến đi, ngoài tiền bạc ra, từng thùng hàng, từng bao đồ cũ nhưng còn sử dụng được của anh chị em được gởi tới tấp, và chúng tôi cũng đã mua thêm cho mỗi gia đình một áo mới hay xấp vải để giúp họ có cái mặc. Gạo, mì, nuớc tương, dầu ăn, quần áo, tập vở, bút viết… những thứ tưởng chừng bình thường đối với chúng tôi ở xứ Sài Gòn phồn hoa đô hội nhưng lại là những thứ mà biết bao người nghèo khổ khốn cùng nói chung, các gia đình bệnh nhân phong nói riêng cần đến và trông chờ sự trợ giúp của những người con cái Chúa cũng như các vị hảo tâm muôn phương. Cái nắng chói chang của buổi trưa đã làm các ông, các bà thấm mệt vì mới nhận quà của anh Việt kiều rồi quay sang nhận quà của chúng tôi. Một người trong đoàn chúng tôi nhận xét rằng họ nhận quà cũng thật khổ sở, mệt nhọc. Đa số trong họ hoặc già cả, hoặc thương tật hoặc mất sức hay là phụ nữ nên khi nhận một bao gạo mười ký cộng một số đồ lỉnh kỉnh cũng là quá sức.

Khi thăm các bệnh nhân nặng đang nằm điều trị trong bệnh viện chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự sạch sẽ, khang trang nơi đây. Bệnh viện cho bệnh nhân phong mà còn sạch sẽ, tươm tất hơn rất nhiều bệnh viện ở Sài Gòn mà chúng tôi có dịp ghé qua. Ngạc nhiên là thế nhưng trong lòng tôi không khỏi cảm phục công sức của các dì đã tận tụy chăm sóc cho các bệnh nhân.

Trong giờ nghỉ ngơi chờ cơm trưa chúng tôi được trò chuyện cùng Dì Bề trên nơi đây, Sr. Mai Thị Mậu. Chỉ mới tối hôm qua thôi, dì nói với một người trong ban tổ chức chúng tôi rằng dì hơi đau chân, nhưng từ sáng đến trưa hôm nay, từ trước Thánh Lễ đến lúc trò chuyện, dì cứ thoăn thoắt chạy ngược chạy xuôi, giọng nói sang sảng, rõ ràng mạch lạc làm cho chúng tôi thật nể phục, không ai nghĩ rằng dì đã ở độ tuổi 68, ở độ tuổi mà dì có thâm niên 40 năm quản lý Trại phong này. Dì đã cho chúng tôi có dịp tìm hiểu về những phong tục của người K’Ho, trong đó đáng chú ý nhất là phong tục theo mẫu hệ, người dì hoặc người cậu rất quan trọng đối trong gia đình. Khi người vợ chết đi thì người người chồng phải trở về gia đình sinh sống, các con phải ở lại bên vợ. Người chồng muốn sinh sống bên vợ, và nuôi dưỡng con mình thì phải làm một lễ xin phép và có sự đồng ý của người dì hoặc cậu. Dì cũng kể rằng có những tục lệ bồi thường rất khắc nghiệt, nhiều tiền của, dì phải quyết liệt và giảng giải về tình thương trong Chúa Kitô họ mới bỏ những luật tục đó.

Tại trại phong, chúng tôi cũng được tiếp xúc với các nữ tu khác, các dì luôn cởi mở, thân tình trong trò chuyện và thường nhắc đến những đau đớn và khổ sở mà người bệnh và gia đình của họ phải gánh chịu. Có những nữ tu còn rất trẻ, đến nỗi một số anh trong đoàn chúng tôi phải trầm trồ: “Dì sao mà xinh đẹp thế!?!”. Con cái Chúa là thế đó, bỏ qua tất cả, tiền tài, danh vọng, nhan sắc để dấn thân phục vụ những người bị xã hội khinh khi, miệt thị khi mắc trong người căn bệnh nan y. Điều này làm tôi nhớ một câu mà một linh mục đã viết trên mạng: “Yêu chính là hy sinh, bạn có dám yêu chăng?”. Cầu xin Chúa ban cho các dì ở đây luôn yêu thương các bệnh nhân nghĩa là hy sinh tất cả để đền đáp tình yêu mà Chúa đã ban cho chính mỗi con người.

Cuộc hành trình kết thúc, nhưng đọng lại trong chúng tôi là một câu nhắc nhở của chị Hạnh trong Ban tổ chức: “Hãy chắp nối những cuộc hành trình như thế này để tạo nên cuộc đời đi tìm ‘kho báu’”.

Thay mặt ban tổ chức, qua bài viết này, tôi xin cám ơn các ân nhân đã đóng góp tiền bạc, hiện vật để anh em chúng tôi thể thực hiện hành trình đến với các bệnh nhân phong. Xin cám ơn Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện Sài Gòn, Cha Sở và Quý Cha trong Giáo Xứ Xóm Chiếu luôn nâng đỡ tinh thần, khích lệ chúng con thực hiện chuyến công tác này. Xin cám ơn Ba Mẹ anh Minh đã thu xếp chỗ ở cho gần 50 người chúng tôi thật chu đáo. Xin cám ơn Cha Sở Giáo xứ Di Linh đã đến dâng Thánh Lễ và khích lệ chúng con, cũng như các Dì đã giúp sức chúng con rất nhiều để chúng con có cơ hội tiếp xúc, trò chuyện, tìm hiểu, giúp đỡ gia đình các bệnh nhân và vui đùa cùng các em nhỏ.

Cầu mong sao các ca đoàn, các hội đoàn trong các giáo xứ có điều kiện cũng đến với những người nghèo khổ, bệnh tật, khốn cùng để họ được ủi an, chia sẻ cũng như chúng ta, những người con cái Chúa, thực hiện Lời Chúa dạy: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han". (Mt 25,35-36).