HIỆP THÔNG NHÂN VỊ VÀ QUẢN LÝ TẠO VẬT (5)

CHƯƠNG HAI

Theo Hình Ảnh Thiên Chúa: Hiệp Thông Ngôi Vị

II. Nam và Nữ

32. Trong Tông Huấn về Gia Đình ‘Familiaris Consortio’ (FC), ĐTC Gioan Phaolô II xác nhận rằng: “Là một tinh thần nhập thể, nghĩa là một linh hồn tự biểu lộ qua một thân xác, và một thân xác được phú ban cho một tinh thần bất tử, con người được mời gọi sống yêu thương trong toàn thể duy nhất tính của mình. Tình yêu bao hàm thân xác, và thân xác được tạo dựng để thông chia tình yêu thiêng liêng” (số 11). Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người được mời gọi sống yêu thương và hiệp thông. Lời mời gọi này vì được thể hiện một cách nổi bật qua sự kết hợp mang tính sáng tạo giữa vợ và chồng, thế nên sự dị biệt nam nữ trở thành một yếu tố căn cốt trong việc cấu thành nhân vị, vốn đuợc tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa.

33. “Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài; Ngài tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa; Ngài tạo dựng họ có nam có nữ” (Gen 1:27; x. Gen 5:1-2). Như thế, theo Thánh kinh, ‘imago Dei’ được biểu lộ ra bên ngoài, qua sự dị biệt phái tính. Có thể nói rằng con người chỉ hiện hữu như là nam hay nữ, bởi vì thực tại thân phận con người nằm ngay ở chỗ dị biệt tính và đa tính nam nữ. Do đó, phái tính chính là cấu tố của căn tính con người, chứ không phải là khía cạnh thứ yếu hay tùy phụ của nhân cách. Mỗi người chúng ta đều sở hữu một cách thế hiện diện trong trần gian, từ nhìn xem, nghĩ suy, cảm nhận, cho đến cách nhập cuộc trao đổi hỗ tương với người khác vốn cũng được định tính bằng căn bản phái tính của mình. Theo sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo thì: “Dục tính ảnh hưởng đến tất cả mọi khía cạnh của nhân vị trong duy nhất tính của hồn và xác. Nó đặc biệt tác động trên cảm tính, vốn là khả năng yêu thương cũng như sinh sản, và một cách tổng quát hơn, là khả năng thích ứng để tạo thành những mối dây hiệp thông với người khác” (2332). Các vai trò gán ghép cho nam hay nữ có thể thay đổi tùy theo thời gian và không gian, thế nhưng căn bản phái tính của nhân vị không phải là cấu trúc của văn hóa hay xã hội. Nó thuộc về chính cách thức hiện hữu biệt loại của ‘imago Dei.’

34. Việc Ngôi Lời nhập thể càng xác nhận loại biệt tính này. Chúa Kitô mặc lấy thân phận con người trong toàn thể tính của nó, mang lấy một phái tính, thế nhưng ngài trở thành con người theo cả hai ý nghĩa của từ ngữ: là thành viên của công đoàn nhân loại, và là một nam nhân. Tương quan của mỗi người chúng ta với Chúa Kitô được minh định qua hai cách thức: tùy thuộc vào căn bản phái tính từng người và căn bản phái tính của chính ngài.

35. Hơn nữa, việc nhập thể và phục sinh đã đẩy đưa căn bản phái tính nguyên thủy của ‘imago Dei’ vào tận miền vĩnh cửu. Chúa Kitô phục sinh vẫn là một con người, ngay cả khi ngài đang ngự bên hữu Chúa Cha. Ta cũng có thể ghi nhận rằng cá vị được thánh hóa và tôn vinh của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, tuy nay đã lên trời cả hồn lẫn xác, vẫn tiếp tục là một người nữ. Trong thư gửi giáo đoàn Galata 3: 28, khi thánh Phaolô loan báo rằng trong Chúa Kitô, tất cả mọi dị biệt—kể cả dị biệt nam nữ--đều phải xoá bỏ, ngài có ý nói rằng không một dị biệt nhân loại nào có thể cản trở ta tham dự vào mầu nhiệm của Chúa Kitô. Tuy thánh Gregorio Nyssa và một vài giáo phụ khác chủ trương rằng các dị biệt phái tính nam nữ sẽ bị triệt tiêu khi xác người ta sống lại, nhưng Giáo hội vẫn chưa đi theo lập trường này. Các dị biệt nam nữ, cho dù biểu lộ các thuộc tính thể lý, vẫn thực sự siêu vượt cái thuần tuý thể lý, và chạm tới chính cái mầu nhiệm của con người vậy.

36. Thánh Kinh không hề ủng hộ chủ trương cho rằng, một cách tự nhiên, nam vượt trội hơn nữ. Cho dù khác biệt, nam và nữ đều phải được đối xứ công bình một cách cố hữu. Như ĐTC Gioan Phaolô II đã viết trong Tông Huấn FC: “Trước tiên, điều quan trọng cần nhấn mạnh là phẩm gía và trách nhiệm bình đẳng của nữ với nam. Sự bình đẳng này được thể hiện một cách độc đáo trong sự tự hiến hỗ tương, nam cho nữ và nữ cho nam, cũng như cả hai tự hiến cho con cái trong khung cảnh hôn nhân và gia đình…Khi tạo dựng con người có nam có nữ, Thiên Chúa đã ban cho họ phẩm giá cá nhân bình đẳng, cùng với các quyền lợi và trách nhiệm bất khả nhượng, chỉ riêng con người mới có” (22). Cả nam lẫn nữ đều được tạo dựng bình đẳng theo hình ảnh Thiên Chúa. Cả hai đều là nhân vị có trí tuệ và ý chí, có khả năng sử dụng tự do để điều hướng cuộc sống mình. Nhưng mỗi bên đều làm theo cách thức riêng và phù hợp với căn bản phái tính của mình, đến độ truyền thống Kitô giáo có thể nêu bật lên tính hỗ tương và bổ túc của nam và nữ. Cho dù mới đây đã gây ra chút ít tranh cãi, nhưng các từ ngữ này vẫn hữu dụng để xác nhận rằng nam và nữ cần đến nhau thì mới làm cho đời sống trở thành sung mãn được.

37. Hẳn nhiên, tình bạn nguyên thủy giữa nam và nữ đã bị tội lỗi làm băng hoại một cách sâu xa. Qua phép lạ tại tiệc cưới Cana (Jn 2:1 ff), Chúa Kitô cho thấy rằng ngài đã đến để phục hồi sự hòa hợp mà Thiên Chúa đã có ý định ngay từ khi tạo dựng con người có nam có nữ.

38. Hình ảnh Thiên Chúa, vốn được tìm thấy ngay chính trong bản tính con người, có thể được thể hiện một cách đặc biệt trong sự kết hợp của con người với nhau. Do bởi sự kết hợp này được quy hướng về sự toàn hảo của tình yêu Thiên Chúa, thế nên truyền thống Kitô giáo đã luôn luôn xác nhận giá trị của đức đồng trinh và độc thân bởi vì chính nó nuôi dưỡng một tình bạn thanh khiết giữa con người với nhau, đồng thời nó còn trỏ về sự hoàn tất cánh chung của mọi tình yêu được-tạo-dựng trong tình yêu không-hề-được-tạo- dựng của Chúa Ba Ngôi. Chính vì khía cạnh này mà Công Đồng Vaticanô II đã nói đến một điểm loại suy giữa sự hiệp thông của chính các Ngôi Vị Thiên Chúa với nhau, và đó là điều con người được mời gọi để tạo lập trên trần gian” (GS 24).

39. Tuy đoan chắc rằng sự kết hợp giữa con người với nhau có thể được thể hiện bằng nhiều cách thức khác nhau, nhưng thần học Công giáo ngày nay còn xác nhận rằng hôn nhân chính là một hình thức cao cả của việc con người hiệp thông với nhau và là hình ảnh loại suy tốt đẹp nhất so sánh với đời sống Tam Vị. Khi một người nam và một người nữ kết hợp thân xác và tinh thần trong một thái độ rộng mở và hoàn toàn tự hiến, họ đã tạo ra một hình ảnh mới của Thiên Chúa. Việc họ nên một thịt một xương không hề chỉ tương ứng với một tất yếu sinh lý, mà còn hướng mở trước ý định của Đấng Tạo Hóa muốn đem họ đến thông chia niềm hạnh phúc là được tạo dựng theo hình ảnh Ngài. Truyền thống Kitô giáo đề cập đến hôn nhân như là một lối nên thánh cao cả. “Thiên Chúa là tình yêu, và nơi chính mình, Ngài sống một mầu nhiệm hiệp thông cá vị đầy yêu thương. Khi tạo dựng con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa đã khắc ghi nơi nhân tính người nam và người nữ một ơn gọi, và từ đó, một khả năng và trách nhiệm để yêu thương và hiệp thông” (Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo 2331). CĐ Vaticanô II cũng nhấn mạnh đến ý nghĩa sâu xa của hôn nhân: “Nhờ bí tích hôn phối, đôi vợ chồng Kitô hữu biểu tỏ và thông chia mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu trổ sinh hoa trái vốn có giữa Chúa Kitô và Hội Thánh Ngài (x. Eph 5:32). Nhờ đó, vợ chồng hỗ trợ nhau đạt đến sự thánh thiện của đời sống hôn nhân và qua việc nuôi dậy con cái” (LG 11; x. GS 48).

(còn tiếp)