Không tương cảm với “những tên chiến đấu bất hợp pháp”

Sau khi hiểu rõ mối liên hệ giữa tương cảm và liên đới, ta hãy xét xem chính phủ Hoa Kỳ đã sử dụng hạn từ người chiến đấu không hợp pháp và khủng bố ra sao trong chiều hướng bất lợi cho tương cảm và liên đới.

Ngay sau các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9, chính phủ Bush đã phải đối diện với câu hỏi phải xử lý ra sao với những người Taliban và al Quaeda bị giam giữ. Đầu năm 2002, các viên chức chính phủ tranh luận việc Công Ước Genève có áp dụng cho những người bị giam giữ này hay không. Tất cả mọi người từ Bộ Trưởng Tư Pháp John Ashcroft, các luật sư của Bộ Tư Pháp, đến Alberto Gonzales (lúc đó là cố vấn của tổng thống) đều chủ trương rằng Công Ước Genève không bảo vệ những người này. Sau khi Bộ Trưởng Ngoại Giao Colin Powell mạnh mẽ nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ phải áp dụng Công Ước Genève cho những người Taliban, Tổng Thống Bush đã kết luận: Công Ước Genève có bảo vệ những người này nhưng không bảo vệ các phần tử al Quaeda. Ông thêm rằng dù Công Ước Genève không che chở al Quaeda, nhưng “như một vấn đề chính sách, Quân Lực Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục đối xử nhân đạo với những người bị giam giữ, và đến một qui mô thích đáng và nhất quán với nhu cầu quân sự, theo cách thế nhất quán với các nguyên tắc của Genève” (22). Rõ ràng ông muốn nói: Hoa Kỳ sẽ tuân giữ tinh thần của Công Ước Genève chỉ khi nào việc đó không mâu thuẫn với nhu cầu quân sự. Tổng Thống Bush cũng mô tả Taliban là những người chiến đấu bất hợp pháp. Nhãn hiệu này ít khi xuất hiện trong luật quốc tế; Hoa Kỳ lấy nó từ luật quốc nội của mình (23).

Dù sử dụng hạn từ “người chiến đấu bất hợp pháp”, nhưng chính phủ Bush cũng bắt đầu sử dụng các nhãn hiệu khác để mô tả những người bị giam giữ. Họ thường thay thế nó bằng các nhãn hiệu “những gã xấu xa” (bad guy) hay “quân khủng bố”. Thí dụ, trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Meet the Press” của Đài NBC, ít ngày sau cuộc tấn công 11 tháng 9, Phó Tổng Thống Cheney phát biểu rằng “nếu bạn chỉ đi làm việc với những người tốt, được chính thức thừa nhận, chứng thực, thì bạn không thể hiểu được những gã xấu này làm điều gì”. Ông nói tiếp: “bạn sẽ phải trả lương cho những gã rất ghê tởm. Đây là một thứ làm ăn đê tiện, xấu xa, nguy hiểm, dơ dáy. Chúng ta đang phải hành động trong vũ trường ấy” (24). Tháng 11 năm 2003, khi thảo luận việc làm cách nào Hoa Kỳ có thể khai triển được một lực lượng an ninh Iraq, Bộ Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld tuyên bố rằng “một khi người ta thấy người trong cảnh sát v.v…, sẽ có người tới và cho biết, ‘coi kìa, các ông nhận lầm người rồi. Thằng đó là một trong những gã xấu xa’. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ xem sét điều ấy và đưa ra hành động” (25). Rumsfeld, Cheney, và các viên chức dân sự cũng như quân sự kém vai vế hơn thường vẫn có thói quen gọi những người nổi dậy của al Quaeda và Iraq là “những gã xấu xa”. Họ thường dùng hạn từ này lẫn lộn với hạn từ “quân khủng bố”, để củng cố quyết định của chính phủ mở “cuộc chiến chống khủng bố” (26). Trong các cuộc tranh luận công cộng, “quân khủng bố” trở thành cách thông thường nhất để gắn nhãn hiệu cho cả các thành viên al Quaeda lẫn những người nổi dậy tại Iraq. Cùng với đà tiếp tục của trận chiến chống khủng bố, chính phủ Bush sử dụng các nhãn hiệu này để biện minh cho các đối xử bạo hành đối với các người giam giữ. Ta có thể thấy diễn trình này rõ ràng hơn cả trong điều tự gọi là “thông tư tra tấn” (torture memos). Giữa năm 2002, Alberto Gonzales yêu cầu các luật sư Bộ Tư Pháp cho ý kiến về việc phải thẩm vấn các người bị giam giữ ra sao. Phụ tá Bộ Trưởng Tư Pháp là Jay S. Bybee viết hai thông tư góp ý kiến trong đó, ông định nghĩa lại chữ tra tấn, phần lớn đi ra ngoài luật quốc tế và nhân quyền của thế kỷ 20. Ông cho rằng: tra tấn xẩy ra không phải lúc ta giáng đau đớn hay đau khổ trầm trọng lên một ai đó để lấy tư liệu nhưng chỉ là lúc ta chuyên biệt cố ý cho nạn nhân phải “kinh qua cơn đau đớn hay đau khổ cùng cực thuộc loại tương đương với cái đau thường được liên kết với thương tích thể lý nghiêm trọng, nghiêm trọng đến độ có thể xẩy ra cái chết, cơ quan cơ thể hết hoạt động, hay bị thiệt hại vĩnh viễn do mất một chức năng quan yếu của cơ thể” (27). Bybee thận trọng soạn thảo từng thành tố của câu định nghĩa này, bằng cách trích dẫn luật Hoa Kỳ và nhiều nguồn khác. Ông kết luận rằng tra tấn sẽ không xẩy ra nếu thiếu một trong các thành tố đó.

Khi tài liệu này bị tiết lộ, những người quen thuộc với luật quốc tế và nhân quyền nhanh chóng nhận ra những gì nó cho phép. Thứ nhất, nếu một thẩm vấn viên chuyên biệt chỉ có ý thu lượm tư liệu chứ không nhằm gây đau đớn hay đau khổ dài hạn cho tâm trí, thì người này không phạm tội tra tấn. Thứ hai, nếu người này chỉ cố ý gây thiệt hại ngắn hạn, họ cũng không phạm tội tra tấn. Thứ ba, ngay cả người này có ý gây thiệt hại dài hạn, nhưng nếu hậu quả không phải là mất một chức năng quan yếu của cơ thể, họ không phạm tội tra tấn. Chỉ cần một chút tưởng tượng cũng thấy loại hành vi nào được thông tư của Bybee hợp pháp hóa. Thí dụ, một thẩm vấn viên có thể nhận chìm đầu một người bị giam giữ xuống nước mà không gây thiệt hại dài hạn như một cơ phận nào đó hết hoạt động chẳng hạn. Người này cũng có thể dùng kìm rút một cách có hệ thống các móng tay của nạn nhân. Hay anh ta có thể nhổ những chiếc răng hư của nạn nhân mà không dùng thuốc mê. Những người quen thuộc với việc tra tấn dễ dàng cung cấp nhiều điển hình khác về những hành động khủng khiếp được thông tư của Bybee cho phép.

Bị đối chất về thông tư gây bối rối này trong cuộc điều trần để được bổ nhiệm vào chức Bộ Trưởng Tư Pháp, Alberto Gonzales nhất mực cho rằng thông tư của Bybee chỉ là ý kiến pháp lý rất ít tác động trên chính sách của chính phủ. Tuy nhiên, rõ ràng ông bị thông tri sai này ảnh hưởng, vì trên thực tế, thông tư này tác động sâu đậm đối với chính sách của chính phủ.

Mùa thu năm 2002, Bộ Quốc Phòng bị áp lực nặng nề phải làm sao lấy được tư liệu quan yếu từ các người bị giam giữ tại Guantánamo Bay và các nơi khác. Các tư lệnh quân sự yêu cầu được Bộ Quốc Phòng cho phép sử dụng cách thẩm vấn nhiều cưỡng ép hơn. Họ đề nghị một loạt các kỹ thuật thẩm vấn, trong đó có việc duy trì những người bị giam giữ trong các thế bị căng thẳng kéo dài, tháo bỏ các món đồ thuộc tôn giáo (được định nghĩa là “các món đồ để ủi an”), và lợi dụng những nỗi sợ của cá nhân để gia tăng căng thẳng. Họ khuyến cáo 4 kỹ thuật cưỡng ép mới: “sử dụng các viễn cảnh nhằm thuyết phục người bị giam giữ rằng cái chết hay các hậu quả đau đớn khủng khiếp sẽ xẩy ra tức khắc cho họ và gia đình họ”; “cho nạn nhân ra thời tiết lạnh hay bắt họ xuống nước lạnh” (có dụng cụ y khoa thích hợp để theo dõi); “sử dụng khăn ướt hay nhiễu nước để tạo cảm tưởng giả bị ngộp”; và “sử dụng những tiếp xúc thể lý nhẹ không gây thương tích như nắm bắt, lấy ngón tay thọc vào ngực, và đẩy nhẹ” (28). Trung tá Diane Beaver thuộc Văn Phòng Luật Sư Công Tố (judge advocate) của Liên Toán Đặc Nhiệm 170 tại Guantánamo cho rằng không có luật quốc tế hay quốc nội nào ngăn cấm việc sử dụng các kỹ thuật này. Bà phản ảnh định nghĩa của Bybee về tra tấn khi cho rằng tạo ra cảm giác bị ngộp không hề là hành động tra tấn nếu thẩm vấn viên chỉ có ý gây hại ngắn hạn (29). Bằng một giọng lạnh lùng, tính toán kiểu bàn giấy, bà khuyến cáo “nên chấp thuận các phương pháp thẩm vấn được đề nghị và nên huấn luyện các thẩm vấn viên một cách thích đáng để họ biết sử dụng các phương pháp thẩm vấn đã được nhìn nhận” (30).

Tháng 12 năm 2002, khi trả lời các khuyến cáo của Trung Tá Beaver, Bộ Trưởng Quốc Phòng Rumsfeld chấp thuận các kỹ thuật do bà đề nghị, trừ 3 kỹ thuật đầu. Ông cho rằng ba kỹ thuật đó chưa thích hợp vào lúc này, nhưng gợi ý là ông có thể chấp thuận chúng sau này (31). Tuy nhiên, ít tuần lễ sau, người ta cho rằng vì có những quan tâm từ phía các luật sư quân đội, Rumsfeld đã rút lại thông tư hồi tháng 12 năm 2002. Ông cho phép các thẩm vấn viên đề nghị các kỹ thuật có tính cưỡng ép hơn miễn là cung cấp được một “biện minh thấu đáo” và một” kế hoạch chi tiết” để triển khai chúng (32). Sau đó, ông ủy nhiệm cho một nhóm làm việc của Bộ Quốc Phòng khảo sát các kỹ thuật thẩm vấn.

Điều đáng buồn là thay vì bác bỏ các kỹ thuật cưỡng ép tại Guantánamo, nhóm làm việc của Bộ Quốc Phòng phần lớn đã lặp lại các kết luận của Bybee. Nhóm này phân tích luật quốc tế và luật quốc nội và đã không de dặt chấp nhận định nghĩa của Bybe về tra tấn. Sau khi mô tả những người bị giam giữ là những người chiến đấu bất hợp pháp, nhóm làm việc chủ trương rằng họ không được Công Ước Genève bảo vệ (33). Khi đánh giá các kỹ thuật thẩm vấn của Bộ Quốc Phòng, nhóm làm việc đề nghị rằng “bất cứ quyết định có nên cho phép một kỹ thuật nào đó hay không chủ yếu là một phân tích về rủi ro và ích lợi (risk benefit analysis), một phân tích có tính tới tính hữu dụng mong chờ nơi kỹ thuật đó, khả thể có thể vi phạm luật quốc tế và luật quốc nội, và nhiều xem sét về chính sách khác” (“Working Group Report,” 343). Nhóm này cung cấp một phân tích chi tiết về rủi ro và ích lợi của các kỹ thuật thẩm vấn, gồm cả kỹ thuật bắt người ta đứng lâu, mất ngủ, đe dọa đày sang một nước khác, và lột quần áo. Nhóm làm việc cũng chủ trương rằng trong những trường hợp ngoại lệ, Hoa Kỳ có thể sử dụng các kỹ thuật bất hợp pháp. Các viên chức công sử dụng chúng có thể dựa vào “nhu cầu quốc phòng” để đòi cho được sự nhất thiết phải dùng tra tấn. Hay họ có thể cho rằng mình chỉ bảo vệ quyền lợi quốc gia. Xét chung lời phân tích của họ, nhóm này không bao giờ loại bỏ việc sử dụng các kỹ thuật dữ dằn hơn, tuy có cho biết họ rất thận trọng khảo sát các kỹ thuật này (“Working Group Report,” 354).

Rumsfeld chấp thuận các khuyến cáo của nhóm làm việc, với rất ít sửa đổi. Chủ yếu, ông quan tâm tới việc các quốc gia khác nghĩ gì về Hoa Kỳ và luôn cảnh giác về các phản ứng tiêu cực có thể có đối với quốc gia mình. Ông cũng nhấn mạnh rằng phải đối xử “nhân đạo” với các người bị giam giữ, nhưng cũng như Tổng Thống Bush, ông bảo việc đối xử nhân đạo này phải phù hợp với “nhu cầu quân sự” (34). Sau cùng, ông tuyên bố rằng ông sẽ xem xét việc sử dụng các kỹ thuật thẩm vấn khác không có trong bản liệt kê của nhóm làm việc: “nếu, theo ý các bạn, các bạn cần có thêm các kỹ thuật thẩm vấn đối với một người bị giam giữ cá biệt nào đó, thì các bạn có thể, qua Chủ Tịch Tham Mưu Liên Quân, cung cấp cho tôi lời yêu cầu bằng giấy bút mô tả rõ kỹ thuật được đề nghị, các hạn chế được khuyến cáo, và lý lẽ áp dụng kỹ thuật này vào người bị giam giữ cá biệt đó” (35). Thay vì kết án các kỹ thuật dữ dằn hơn, Rumsfeld đã cho phép các thẩm vấn viên đề nghị ra các kỹ thuật ấy.

Rõ ràng, việc tái định nghĩa tra tấn của nhóm làm việc và của Bybee vẫn không bị thách thức ở bình diện cao nhất trong chính phủ Bush hơn 1 năm trời. Thực vậy, sau khi vụ tai tiếng ở nhà tù Abu Ghraib nổ ra, ta thấy một số viên chức trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và Văn Phòng Phó Tổng Thống Cheney đã xem sét kỹ thông tư của Bybee (36). Khi thông tư này trở thành công khai, thì chính phủ tìm cách tránh xa nó. Tổng Thống Bush bác bỏ tra tấn nhưng không bao giờ giải thích một cách chính xác ông muốn nói gì (37). Tháng 12 năm 2004, chính phủ âm thầm rút lại thông tư Bybee, bác bỏ lý luận của nó về tra tấn và quyền hành của tổng thống (38). Tuy nhiên, chính phủ không bác bỏ các kết luận của nhóm làm việc, để người ta mù mờ về điều chính phủ coi là các hình thức thẩm vấn hợp pháp.

Để tóm tắt, bất kể điều được Alberto Gonzales chủ trương về chủ thuyết nhân vị và cuộc chiến chống khủng bố tại cuộc điều trần bổ nhiệm, thông tư Bybee đã gây ảnh hưởng quan trọng cho chính sách của chính phủ về thẩm vấn. Việc thông tư này định nghĩa lại tra tấn đã trở thành một phần trong lý lẽ của Bộ Quốc Phòng (39). Không đơn thuần chỉ là ý kiến cố vấn, thông tư của Bybee thực sự đã lên khuôn cho chính sách công mà chính phủ Bush chỉ thoái lui khi Quốc Hội và công chúng tỏ phản ứng bất bình.

Thẩm vấn và sự mù quáng luân lý

Các nối kết phức tạp có tính nhân quả quả có hiện hữu giữa các thông tư của Bybee và của nhóm làm việc cũng như cáo bạo hành người bị giam giữ tại Guantánamo, Abu Ghraib, và nhiều nơi khác. Những tài liệu này có thể đã hợp pháp hóa các kỹ thuật thẩm vấn dữ dằn của C.I.A., trong đó, có việc giả vờ làm chết đuối và nhiều bạo hành khác (40). Phúc trình Schlesinger, do Bộ Quốc Phòng ủy nhiệm sau vụ tai tiếng ở Abu Ghraib, chủ trương rằng các kỹ thuật độc hiểm do Bộ Trưởng Quốc Phòng chấp thuận đối với Guantánamo đã được đem qua Iraq, góp phần tạo ra các biến cố tại Abu Ghraib. Các binh lính ở đó bị đặt vào một tình thế họ hoàn toàn không được chuẩn bị để đương đầu với số lượng tù binh quá lớn.

Trong môi trường ấy, các thẩm vấn viên tại Iraq đã sử dụng các kỹ thuật cưỡng chế chỉ được dự trù cho Guantánamo mà thôi (41). Tháng 2 năm 2004, Ủy Ban Hồng Thập Tự Quốc Tế tường trình nhiều vụ bạo hành người bị giam giữ tại Iraq. Phúc trình này mô tả các binh sĩ Hoa Kỳ đã cách ly người ta khỏi gia đình rồi giam giữ họ mà không cho thân nhân họ hay. Phúc trình cũng mô tả chi tiết các hành động nhục mạ, đánh đập và trùm đầu một thời gian lâu. Ủy Ban Hồng Thập Tự Quốc Tế kết luận rằng các “phương pháp cưỡng chế thể lý và tâm lý này được cơ quan tình báo quân đội sử dụng một cách có hệ thống để thu lượm những lời thú tội và tư liệu hay các hình thức hợp tác khác từ những người bị bắt vì hồ nghi có liên quan tới các tội phạm an ninh hay suy đoán là có “giá trị tình báo” (42).

Sau cùng, sử dụng Đạo Luật Tự Do Thông Tri, Hiệp Hội Dân Quyền Hoa Kỳ đã vào được hàng chục nghìn trang tài liệu phúc trình về các bạo hành tù nhân tại Iraq và Guantánamo Bay. Trong số này, có các tài liệu quân sự và của cơ quan FBI. Các tài liệu này xác nhận rằng các bạo hành quả có diễn ra (43). Xét về phương diện đạo đức, các thông tư tra tấn đã hoàn toàn làm ngơ tư cách làm người của những người chiến đấu bất hợp pháp. Một khi chính phủ kết luận rằng các nghi phạm al Quaeda không được Qui Ước Genève bảo vệ, thì việc lạnh lùng thảo luận làm cách nào gây cho họ đau đớn và khổ sở trở thành chấp nhận được về luân lý. Ta hãy xét nhiệm vụ của Văn Phòng Cố Vấn Luật Pháp tại Bộ Tư Pháp, cơ quan từng đưa ra các thông tư tra tấn: “trợ giúp Bộ Trưởng trong chức năng cố vấn luật pháp của ông cho tổng thống và mọi cơ quan hành pháp khác” và mọi “lệnh và công bố của hành pháp được đề nghị để Tổng Thống ban bố đều được duyệt xét về hình thức và tính hợp pháp bởi Văn Phòng Cố Vấn Luật Pháp, cũng như các vấn đề khác nhau khác cần được tổng thống chính thức chấp thuận” (44).

Xét nhiệm vụ chính này, người ta thật ngỡ ngàng khi Văn Phòng Cố Vấn Luật Pháp bất cần lưu ý tới giá trị của một con người. Bybee chỉ nhắc đến chiều kích luân lý khi tìm cách bảo vệ các viên chức chính phủ khỏi bị truy tố về tội tra tấn (45). Ông không bao giờ xem xét tới tư cách làm người của những người bị giam giữ kia và tra tấn có nghĩa gì với họ. Ngược lại, ông giữ khoảng cách đối những con người này bằng cách sử dụng nhãn hiệu người chiến đấu bất hợp pháp, một nhãn hiệu tước bỏ hết liên hệ liên đới và tương cảm với những người bị giam giữ.

Tuy nhiên, có lẽ Văn Phòng Cố Vấn Luật Pháp nên tránh việc đưa ra các phán đoán luân lý. Một số người cho rằng Bybee và các viên chức khác đã hành động một cách hoàn toàn thích đáng vì luật sư nên cung cấp cho thân chủ mình ý kiến luật pháp và tránh đưa ra lượng định luân lý. Tuy nhiên việc bênh vực cho thông tư của Bybee này đã ủng hộ một cách đáng lo ngại sâu xa sự tách biệt giữa luân lý tính và hợp pháp tính. Nó hàm nghĩa rằng một cơ quan trung ương bên trong Bộ Tư Pháp, có trách nhiệm cố vấn cho tổng thống Hoa Kỳ, nên hoàn toàn làm ngơ việc lý luận luân lý. Những người bênh vực luận điểm đạo đức học luật pháp này cũng đã làm ngơ đặc tính luân lý của thông tư Bybee. Ông ta đâu có trung lập về phương diện luân lý nhưng đã khởi đi từ những quan tâm tới quyền lợi lâu đời của con người vốn được luật quốc tế tuyên dương. Trong suốt thông tư của mình, ông giả thiết rằng ngoại trừ Hoa Kỳ nhất trí với các qui phạm luân lý quốc tế, những qui phạm này không có ảnh hưởng gì tới chính sách ngoại giao của mình. Luận điểm này làm ngơ các qui phạm luân lý phổ quát vốn nhìn nhận phẩm giá con người và khẳng định tình liên đới giữa mọi người. Luận điểm này bác bỏ khả thể trong đó các nhân quyền phổ quát hay luật tự nhiên có thể được dùng làm qui phạm cho luật thực định (positive law). Tóm lại, Bybee không trung lập về luân lý nhưng bị mù về luân lý, do đó, những người bênh vực ông ta không thể bào chữa cho ý niệm ông ta chỉ cung cấp cho tổng thống một ý kiến trung lập về luân lý.

Nhóm làm việc của Bộ Quốc Phòng cũng cho thấy một sự mù lòa sâu xa về luân lý. Theo sự biện phân của ta, nhóm làm việc này có sự tham gia của các nhân viên quân sự mang đồng phục, các viên chức dân sự Quốc Phòng và cả các luật sư nữa. Trong khi tranh luận bàn cãi, tất cả đều đã có một âm sắc lạnh lùng và sử dụng các tiêu chuẩn đạo đức hoàn toàn có tính thực dụng. Đối với nhóm này, nên đánh giá các phương pháp thẩm vấn không phải bằng cách xét xem chúng ảnh hưởng ra sao đối với người ta mà là bằng cách sử dụng lối phân tích căn cứ vào phí tổn và lợi ích (cost-benefit). Nhóm không bao giờ nhìn nhận rằng những người bị giam giữ có một cuộc sống bên trong, có lịch sử và hoài mong. Trong lối phân tích dựa vào phí tổn và lợi ích, nhóm này không bao giờ tính đến phí tổn của việc gây hại cho người ta. Lặp lại các quan tâm trong thông tư của Bybee về tính cấp thiết và việc tự vệ, nhóm này coi luân lý tính chỉ là phương tiện để phát huy quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ (46).

Theo ta, trong các cuộc thảo luận của Bộ Quốc Phòng, người ta nghĩ không nên dành một vai trò nào cho các xem sét về luân lý. Tuy nhiên, một tầm nhìn như thế đã võ đoán loại quân đội ra khỏi đời sống luân lý. Tại sao các sĩ quan quân đội và các viên chức dân sự của Bộ Quốc Phòng lại nghĩ là nên loại tất cả các xem sét luân lý ra khỏi các cuộc bàn định của họ? Tại sao họ có thể quên đi nhân tính của những người bị người Hoa Kỳ giam giữ, chỉ coi họ như những kẻ chiến đấu bất hợp pháp vô danh vô tính? Tất nhiên, nhóm làm việc tại Bộ Quốc Phòng có nhiệm vụ phải cố vấn cho Tổng Thống Bush về phí tổn và lợi ích của các kỹ thuật thẩm vấn hay lấy cung. Tuy nhiên, họ đâu có buộc phải bỏ qua mọi giá trị của những người này, hay mặc tình miễn chước cho Hiệp Chúng Quốc thoát khỏi các qui phạm luân lý phổ quát.

Thật đáng buồn, sự mù lòa về luân lý này cũng đang gây phiền phức cho một số câu trả lời đối với vụ tai tiếng ở nhà tù Abu Ghraib. Thí dụ, ngay sau khi vụ tai tiếng nổ ra, cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng James Schlesinger và nhiều người khác bèn đưa ra Phúc Trình Schlesinger, một tài liệu soạn thảo công phu, lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích chính phủ Bush (47). Phúc trình này cho thấy: các nhà quân sự đã không được chuẩn bị chu đáo đối với việc giam giữ và thẩm vấn các số lượng lớn tù binh Iraq. Phúc trình này chỉ trích chính phủ Bush thiếu kế hoạch đối với thời gian sau những cuộc hành quân lớn tại Iraq. Nó cũng lên án các nhà chỉ huy quân sự tại Iraq đã đáp ứng một cách nghèo nàn các lời tố cáo vụ tai tiếng này. Tuy nhiên, điều làm ta bối rối chính là việc Phúc Trình Schlesinger không nhận ra đặc tính có vấn đề về luân lý trong các thông tư tra tấn. Phúc trình này ghi nhận rằng nhiều nhân viên quân sự mặc đồng phục có bất đồng với quan điểm của Văn Phòng Cố Vấn Pháp Luật về tra tấn và có gợi ý rằng Bộ Trưởng Quốc Phòng Rumsfeld có thể được lợi điểm hơn nếu có được một cuộc tranh luận vững mạnh hơn về các kỹ thuật thẩm vấn. Phúc trình cũng bao gồm một phần đáng lưu ý, nói về các nguyên nhân xã hội và tâm lý của việc bạo hành các tù nhân, cùng với một phần khác chuyên nói về các vấn đề đạo đức. Tuy nhiên, phúc trình Schlesinger không hề phê phán luận điểm méo mó của Bybee. Phúc trình này tuyệt đối không nói gì về câu tái định nghĩa tra tấn, không thể nào chấp nhận được về phương diện luân lý. Sự im lặng của nó quả là một dấu chỉ sự mù loà về luân lý hết sức đáng lo ngại.

Ở Văn Phòng Cố Vấn Pháp Luật và nhóm làm việc tại Bộ Quốc Phòng, và ở một mức độ kém hơn, cả Phúc Trình Schlesinger nữa, ta thấy hiện tượng đáng lo ngại này là những con người thông minh, thành đạt đã đánh mất khả năng tương cảm với người khác. Khi nghĩ cách phải thẩm vấn các tình nghi khủng bố ra sao, họ cho thấy họ không hề ý thức chút nào về viễn tượng hỗ tương, vốn cần cho sự tương cảm. Chỉ có một viễn tượng trước mắt họ, đó là viễn tượng của chính phủ Hoa Kỳ và các quyền lợi do họ đề ra. Các người bị giam giữ không còn là những hữu thể không thể hoán đổi được với ý chí tự do và các giá trị tinh thần riêng. Thay vào đó, họ chỉ là những đối tượng để ta thao túng hòng lấy được tín liệu cho an ninh quốc gia. Bước ra khỏi nhân phẩm và tình liên đới, ta chỉ còn thấy một thế giới hãi hùng của những phân tích hẹp hòi về phí tổn và lợi ích.

Ghi chú

22. “Humane Treatment of al-Qaeda and Taliban Detainees,” 7 tháng 2, 2002, trong Karen J. Greenberg và Joshua L. Dratel, eds., The Torture Papers: The Road to Abu Ghraib (Cambridge: Cambridge University Press, 2005), 134–35.

23. Xem Michael H. Hoffman, “Terrorists are Unlawful Belligerents, Not Unlawful Combatants: A Distinction with Implications for the Future of International Humanitarian Law,” Case Western Reserve Journal of International Law 34, số 2 (Xuân 2002), 227–31.

24. Xem NBC Meet the Press with Tim Russert, 16 tháng 9, 2001, có tại http:// www.whitehouse.gov/vicepresident/news-speeches/speeches/vp20010916.html.

25. Có tại http://usinfo.state.gov/xarchives/display.html?p=washfile-english&y=2003&m=November&x=20031102202110aegi0.4442713&t=usinfo/wf-latest.html.

26. Có thể định nghĩa đầy đủ về chủ nghĩa khủng bố, nhưng không phải là chủ đề ở đây.

27. “Standards of Conduct for Interrogation under 18 U.S.C., 2340–2340A,” trong The Torture Papers, 183.

28. Lieutenant Colonel Jerald Phifer, “Memorandum for Commander, Joint Task Force 170,” 11 tháng 10, 2002, trong The Torture Papers, 227–28.

29. Lieutenant Colonel Diane E. Beaver, “Memorandum for Commander, Joint Task Force 170,” 11 tháng 10, 2002, trong The Torture Papers, 235.

30. Ibid.

31. “Memorandum for the Secretary of Defense,” 27 tháng 11, 2002, trong The Torture Papers, 237.

32. “Memorandum for Commander USSOUTHCOM,” 15 tháng 1, 2003, trong The Torture Papers, 239.

33. “Working Group Report on Detainee Interrogations in the Global War on Terrorism: Assessment of Legal, Historical, Policy, and Operational Considerations,” 6 tháng 3, 2003, trong The Torture Papers, 288.

34. “Memorandum for the Commander, US Southern Command,” 16 tháng 4, 2003, trong The Torture Papers, 360.

35. Ibid.

36. “CIA puts harsh tactics on hold,” The Washington Post, 24 tháng 6, 2004.

37. “Statement by the President, United Nations International Day in Support of Victims of Torture,” 26 tháng 6, 2003, có tại http://www.whitehouse.gov/news/releases/2003/06/20030626–3.html.

38. United States Department of Justice, Office of Legal Counsel, “Memorandum for James B. Comey,” 30 tháng 12, 2004, có tại http://www.usdoj.gov/olc/dagmemo.pdf.

39. Michael Isikoff, Daniel Klaidman, và Michael Hirsh, “Torture’s Path,” Newsweek, 27 tháng 12, 2004, có tại http://www.msnbc.msn.com/id/6733213/site/newsweek; “Human Rights Watch Opposes Gonzales Nomination,” Human Rights News, 24 tháng 1, 2005, có tại http://hrw.org/english/docs/2005/01/24/usdom10064.htm.

40. “Human Rights News,” 24 tháng 1, 2005, có tại http://hrw.org/english/docs/2005/01/24/usdom10064.htm

41. “The Schlesinger Report,” trong The Torture Papers, 941.

42. “Report of the International Committee of the Red Cross (ICRC) on the Treatment of Coalition Forces of Prisoners of War and Other Protected Persons by the Geneva Conventions in Iraq during Arrest, Internment and Interrogation,” Tháng 2, 2004, trong The Torture Papers, 393.

43. Thí dụ, xem các tài liệu trên trang mạng của American Civil Liberties tháng 3 năm 2005, http://www.aclu.org/torturefoia/.

44. Xem trang mạng của Văn Phòng Cố Vấn Pháp Luật http://www.usdoj.gov/olc/.

45. “Standards of Conduct for Interrogation under 18 U.S.C., 2340–2340A,” 1 tháng 8, 2002, trong The Torture Papers, 209.

46. Xem Jane Mayer, “The Memo: How an internal effort to ban the abuse and torture of detainees was thwarted,” The New Yorker 27 tháng 2, 2006, có tại http://www.newyorker.com/fact/content/articles/060227fa_fact.

47. “The Schlesinger Report,” trong The Torture Papers, 909–76.