TÒA GIÁM MỤC
9 Nguyễn Thái Học
Đàlạt – Lâm Đồng
Đàlạt, ngày 21 tháng 02 năm 2009
Kính gửi: Quý Cha, các Tu sĩ – Chủng sinh
và Anh Chị Em giáo dân trong Gia Đình Giáo Phận
THƯ MÙA CHAY 2009
Tái khám phá ý nghĩa kitô giáo của việc thực hành chay tịnh
Quý Cha và Anh Chị Em thân mến,
Mầu Nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh của Đức Kitô là cao điểm và là nguồn suối cho tất cả đời sống kitô hữu của chúng ta, đời sống của những người tin vào Chúa và dứt khoát đi theo Chúa.
Vì thế, tôi gửi đến anh chị em Lá Thư Mùa Chay này, với mong muốn tất cả chúng ta, mỗi người, mỗi gia đình trong Giáo phận chuẩn bị cách tốt nhất để tham dự sâu xa vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, đồng thời kín múc cho mình những ân sủng thiêng liêng cần thiết, để đời sống kitô hữu chúng ta ngày càng lớn lên, ngày càng trưởng thành và mạnh mẽ, sẵn sàng dấn thân trong đời sống đức tin và đức mến, trên con đường mà Đức Kitô đã mở ra cho chúng ta.
Như anh chị em biết, thời gian Mùa Chay trải dài trong 40 ngày với cao điểm là Canh Thức Phục Sinh, trong đó chúng ta ca hát quyền năng của Thiên Chúa là Đấng ”đã chiến thắng sự dữ, rửa sạch lỗi lầm của chúng ta, ban lại cho tội nhân sự trong trắng, niềm vui cho người sầu khổ, làm tan biến hận thù, mang lại cho chúng ta bình an và hạ thấp sự kiêu ngạo của thế gian”. Lời loan báo Mầu Nhiệm Vượt Qua này đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô nêu lên ngay đầu Sứ Điệp Mùa Chay 2009 của Ngài, nhằm kêu gọi các kitô hữu trên toàn thế giới suy nghĩ và khám phá lại ý nghĩa kitô giáo của việc thực hành chay tịnh. Hiệp với ý nguyện đó, tôi cũng kêu gọi anh chị em đào sâu ý nghĩa và thực hành việc chay tịnh trong Mùa Chay Thánh năm nay cách đặc biệt hơn, phù hợp với hoàn cảnh sống đạo của chúng ta.
1. Chay tịnh – phương thế tham dự vào cuộc chiến chống lại sự dữ, trưởng thành trong đời sống thiêng liêng: Thời gian chay tịnh 40 ngày nhắc lại cho chúng ta cuộc xuất hành của Dân Chúa ra khỏi đất Ai Cập về miền Đất Hứa. Thời gian 40 năm lang thang trong sa mạc đã giúp họ trưởng thành trong đời sống thiêng liêng, thực sự dứt bỏ với quá khứ nô lệ. Thật vậy, nhờ thời gian thiếu thốn trong sa mạc mà họ nhận ra con người thực của mình: được giải thoát nhưng vẫn dính bén với đời sống vật chất dễ dãi trong quá khứ, tiến về miền Đất Hứa mà lòng vẫn tiếp tục gắn bó với đủ thứ ngẫu tượng. Và chính nhờ sống trong thiếu thốn mà họ học được thế nào là dứt khoát với những dính bén trần tục và thế nào là khao khát lương thực thần thiêng của Thiên Chúa. Nhắc lại điều này là để tất cả chúng ta nhớ rằng: chay tịnh không phải chỉ là nhịn ăn nhịn uống bên ngoài mà là phương thế cần thiết giúp chúng ta, những người đi theo Chúa, có cơ hội ý thức hơn về thực trạng đời sống tinh thần của mình. Thật vậy, chúng ta sống dính bén với tội lỗi, với những lợi lộc trần gian, với những tham vọng thế tục nhiều hơn chúng ta tưởng. Vì thế, ước mong anh chị em hãy coi trọng việc chay tịnh, và hơn nữa mang lấy tinh thần chay tịnh, nghĩa là dứt khoát với ”ma quỷ, mọi việc làm và mọi sự sang trọng của ma quỷ”, tự nguyện loại bỏ hay bớt đi những nhu cầu không cần thiết, hoặc xử dụng một cách chừng mực hơn, chính đáng hơn những phương tiện hoặc sở hữu của mình, để nhờ đó, tâm hồn và đời sống của chúng ta nhẹ nhàng hơn, tự do hơn trong việc hướng tới những “của cải tinh thần” mà Thiên Chúa sẵn sàng ban cho chúng ta trong Đức Kitô.
2. Chay tịnh – phương thế giúp cảm thông với người sầu khổ. Việc chay tịnh không chỉ nhằm thanh luyện bản thân mà hơn nữa còn là phương thế giúp chúng ta mở rộng lòng ra với tha nhân. Thật vậy, đọc lại lịch sử Dân Chúa, chúng ta thấy các tiên tri đã không ngừng lên tiếng cảnh tỉnh Dân Israel hãy biết thương đến người nghèo khổ, thiếu thốn bởi lẽ chính họ cũng là những kẻ đã từng phải khốn khó, tha hương. Thánh Gioan cũng cảnh giác các kitô hữu: ”nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 3,17). Như thế, chay tịnh đích thực luôn gắn liền với “bố thí”, nói khác đi, tự nguyện sống nghèo khó là để cho anh em mình được nên giầu có ! Quả thực đây mới là ý nghĩa đặc trưng của chay tịnh theo tinh thần kitô giáo, bởi lẽ nó vừa giúp chúng ta ý thức mình chỉ là kẻ nghèo trước mặt Chúa, vừa là cơ hội để chúng ta đi theo con đường mà Đức Kitô đã đi, như lời thánh Phaolô nói với giáo đoàn Côrintô, nhân dịp lạc quyên giúp đỡ người đói khát, hoạn nạn: ” Anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em mình trở nên giàu có” (2Cr 8,9). Như thế, ăn chay sẽ không có bao nhiêu ý nghĩa nếu điều đó không làm cho mỗi người, mỗi gia đình chúng ta biết sống rộng rãi hơn, thông cảm hơn trong đời sống của mình với người khác. Ăn chay là để tấm lòng chúng ta trở nên giàu có, như Đức Kitô.
3. Chay tịnh – con đường dẫn đến Thiên Chúa: Chay tịnh giúp chúng ta nhận ra con người thực của mình, dứt khoát với tội lỗi, mở lòng ra với tha nhân, và sâu xa hơn nữa ”mở ra nơi tâm hồn tín hữu con đường dẫn đến Thiên Chúa… thánh Phêrô Kim Ngôn viết: Việc chay tịnh là linh hồn của việc cầu nguyện, lòng thương xót là sức sống của việc chay tịnh. Vì thế ai cầu nguyện thì phải ăn chay; ai ăn chay thì phải có lòng thương xót” (trích sứ điệp Mùa Chay 2009). Thực vậy, suy gẫm lại 40 ngày chay tịnh của Đức Giêsu cũng như ba cơn cám dỗ Ngài trải qua sau đó, chúng ta thấy tất cả đều qui về một mục đích: đón lấy Thánh Ý Cha làm lương thực cho tất cả đời sống và sứ vụ của mình. Vì thế mục đích cuối cùng của chay tịnh là giúp chúng ta, mỗi người, mỗi gia đình biết sẵn sàng đón nhận Thánh Ý Chúa làm kim chỉ nam và làm lương thực cho đời sống của mình. Điều này cũng có nghĩa là, thời gian chay tịnh phải trở thành thời gian để mỗi người, mỗi gia đình ý thức hơn, khám phá nhiều hơn về lòng mến của Thiên Chúa dành cho chúng ta cũng như lòng mến của chúng ta dành cho Thiên Chúa, qua việc suy gẫm Lời Chúa, tham dự các cử hành Phụng Vụ cũng như các thực hành đạo đức thiêng liêng khác.
Quý Cha và Anh Chị Em thân mến,
Chay tịnh không chỉ là thực hành đạo đức theo lòng sốt sắng cá nhân nhưng là điều mà Kinh Thánh cũng như tất cả truyền thống kitô giáo đề ra cho chúng ta và đã đem lại bao nhiêu hoa quả cho đời sống người kitô hữu trong suốt dòng lịch sử. Nhưng phải nhìn nhận rằng, trong thế giới hiện tại của chúng ta, một thế giới đề cao giá trị vật chất cùng với tất cả những tiện nghi mà phương tiện vật chất mang lại, việc chay tịnh dần dần mất đi ý nghĩa, ngay cả đối với người kitô hữu, và cũng vì thế mà đời sống tinh thần, đời sống tâm linh có nguy cơ cạn kiệt. Do đó, khi lập lại những giá trị thiêng liêng của việc chay tịnh theo tinh thần kitô giáo, tôi hết sức mong mỏi anh chị em hãy ý thức lại những giá trị đó. Hãy tôn trọng và thực hành việc chay tịnh theo lời dạy của Giáo Hội, nhưng với ý thức của con người trưởng thành, nghĩa là hiểu biết và thấm thía lý do sâu xa của điều mình làm. Đặc biệt là các bậc cha mẹ, xin anh chị em hãy giải thích cặn kẽ cho con cái ý nghĩa và sự cần thiết của chay tịnh, và anh chị em hãy làm gương trong sự dứt khoát với tội lỗi, sốt sắng tham dự các cử hành phụng vụ cũng như dấn thân trong việc bác ái, vì nhờ đó, anh chị em có thể thực hiện cách hữu hiệu điều mà Giáo Hội Việt Nam đề ra cho năm mục vụ 2009: ”Canh tân môi trường giáo dục gia đình công giáo”.
Thân mến,
Giám Mục Giáo Phận Đàlạt
9 Nguyễn Thái Học
Đàlạt – Lâm Đồng
Đàlạt, ngày 21 tháng 02 năm 2009
Kính gửi: Quý Cha, các Tu sĩ – Chủng sinh
và Anh Chị Em giáo dân trong Gia Đình Giáo Phận
THƯ MÙA CHAY 2009
Tái khám phá ý nghĩa kitô giáo của việc thực hành chay tịnh
Quý Cha và Anh Chị Em thân mến,
Mầu Nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh của Đức Kitô là cao điểm và là nguồn suối cho tất cả đời sống kitô hữu của chúng ta, đời sống của những người tin vào Chúa và dứt khoát đi theo Chúa.
Vì thế, tôi gửi đến anh chị em Lá Thư Mùa Chay này, với mong muốn tất cả chúng ta, mỗi người, mỗi gia đình trong Giáo phận chuẩn bị cách tốt nhất để tham dự sâu xa vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, đồng thời kín múc cho mình những ân sủng thiêng liêng cần thiết, để đời sống kitô hữu chúng ta ngày càng lớn lên, ngày càng trưởng thành và mạnh mẽ, sẵn sàng dấn thân trong đời sống đức tin và đức mến, trên con đường mà Đức Kitô đã mở ra cho chúng ta.
Như anh chị em biết, thời gian Mùa Chay trải dài trong 40 ngày với cao điểm là Canh Thức Phục Sinh, trong đó chúng ta ca hát quyền năng của Thiên Chúa là Đấng ”đã chiến thắng sự dữ, rửa sạch lỗi lầm của chúng ta, ban lại cho tội nhân sự trong trắng, niềm vui cho người sầu khổ, làm tan biến hận thù, mang lại cho chúng ta bình an và hạ thấp sự kiêu ngạo của thế gian”. Lời loan báo Mầu Nhiệm Vượt Qua này đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô nêu lên ngay đầu Sứ Điệp Mùa Chay 2009 của Ngài, nhằm kêu gọi các kitô hữu trên toàn thế giới suy nghĩ và khám phá lại ý nghĩa kitô giáo của việc thực hành chay tịnh. Hiệp với ý nguyện đó, tôi cũng kêu gọi anh chị em đào sâu ý nghĩa và thực hành việc chay tịnh trong Mùa Chay Thánh năm nay cách đặc biệt hơn, phù hợp với hoàn cảnh sống đạo của chúng ta.
1. Chay tịnh – phương thế tham dự vào cuộc chiến chống lại sự dữ, trưởng thành trong đời sống thiêng liêng: Thời gian chay tịnh 40 ngày nhắc lại cho chúng ta cuộc xuất hành của Dân Chúa ra khỏi đất Ai Cập về miền Đất Hứa. Thời gian 40 năm lang thang trong sa mạc đã giúp họ trưởng thành trong đời sống thiêng liêng, thực sự dứt bỏ với quá khứ nô lệ. Thật vậy, nhờ thời gian thiếu thốn trong sa mạc mà họ nhận ra con người thực của mình: được giải thoát nhưng vẫn dính bén với đời sống vật chất dễ dãi trong quá khứ, tiến về miền Đất Hứa mà lòng vẫn tiếp tục gắn bó với đủ thứ ngẫu tượng. Và chính nhờ sống trong thiếu thốn mà họ học được thế nào là dứt khoát với những dính bén trần tục và thế nào là khao khát lương thực thần thiêng của Thiên Chúa. Nhắc lại điều này là để tất cả chúng ta nhớ rằng: chay tịnh không phải chỉ là nhịn ăn nhịn uống bên ngoài mà là phương thế cần thiết giúp chúng ta, những người đi theo Chúa, có cơ hội ý thức hơn về thực trạng đời sống tinh thần của mình. Thật vậy, chúng ta sống dính bén với tội lỗi, với những lợi lộc trần gian, với những tham vọng thế tục nhiều hơn chúng ta tưởng. Vì thế, ước mong anh chị em hãy coi trọng việc chay tịnh, và hơn nữa mang lấy tinh thần chay tịnh, nghĩa là dứt khoát với ”ma quỷ, mọi việc làm và mọi sự sang trọng của ma quỷ”, tự nguyện loại bỏ hay bớt đi những nhu cầu không cần thiết, hoặc xử dụng một cách chừng mực hơn, chính đáng hơn những phương tiện hoặc sở hữu của mình, để nhờ đó, tâm hồn và đời sống của chúng ta nhẹ nhàng hơn, tự do hơn trong việc hướng tới những “của cải tinh thần” mà Thiên Chúa sẵn sàng ban cho chúng ta trong Đức Kitô.
2. Chay tịnh – phương thế giúp cảm thông với người sầu khổ. Việc chay tịnh không chỉ nhằm thanh luyện bản thân mà hơn nữa còn là phương thế giúp chúng ta mở rộng lòng ra với tha nhân. Thật vậy, đọc lại lịch sử Dân Chúa, chúng ta thấy các tiên tri đã không ngừng lên tiếng cảnh tỉnh Dân Israel hãy biết thương đến người nghèo khổ, thiếu thốn bởi lẽ chính họ cũng là những kẻ đã từng phải khốn khó, tha hương. Thánh Gioan cũng cảnh giác các kitô hữu: ”nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 3,17). Như thế, chay tịnh đích thực luôn gắn liền với “bố thí”, nói khác đi, tự nguyện sống nghèo khó là để cho anh em mình được nên giầu có ! Quả thực đây mới là ý nghĩa đặc trưng của chay tịnh theo tinh thần kitô giáo, bởi lẽ nó vừa giúp chúng ta ý thức mình chỉ là kẻ nghèo trước mặt Chúa, vừa là cơ hội để chúng ta đi theo con đường mà Đức Kitô đã đi, như lời thánh Phaolô nói với giáo đoàn Côrintô, nhân dịp lạc quyên giúp đỡ người đói khát, hoạn nạn: ” Anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em mình trở nên giàu có” (2Cr 8,9). Như thế, ăn chay sẽ không có bao nhiêu ý nghĩa nếu điều đó không làm cho mỗi người, mỗi gia đình chúng ta biết sống rộng rãi hơn, thông cảm hơn trong đời sống của mình với người khác. Ăn chay là để tấm lòng chúng ta trở nên giàu có, như Đức Kitô.
3. Chay tịnh – con đường dẫn đến Thiên Chúa: Chay tịnh giúp chúng ta nhận ra con người thực của mình, dứt khoát với tội lỗi, mở lòng ra với tha nhân, và sâu xa hơn nữa ”mở ra nơi tâm hồn tín hữu con đường dẫn đến Thiên Chúa… thánh Phêrô Kim Ngôn viết: Việc chay tịnh là linh hồn của việc cầu nguyện, lòng thương xót là sức sống của việc chay tịnh. Vì thế ai cầu nguyện thì phải ăn chay; ai ăn chay thì phải có lòng thương xót” (trích sứ điệp Mùa Chay 2009). Thực vậy, suy gẫm lại 40 ngày chay tịnh của Đức Giêsu cũng như ba cơn cám dỗ Ngài trải qua sau đó, chúng ta thấy tất cả đều qui về một mục đích: đón lấy Thánh Ý Cha làm lương thực cho tất cả đời sống và sứ vụ của mình. Vì thế mục đích cuối cùng của chay tịnh là giúp chúng ta, mỗi người, mỗi gia đình biết sẵn sàng đón nhận Thánh Ý Chúa làm kim chỉ nam và làm lương thực cho đời sống của mình. Điều này cũng có nghĩa là, thời gian chay tịnh phải trở thành thời gian để mỗi người, mỗi gia đình ý thức hơn, khám phá nhiều hơn về lòng mến của Thiên Chúa dành cho chúng ta cũng như lòng mến của chúng ta dành cho Thiên Chúa, qua việc suy gẫm Lời Chúa, tham dự các cử hành Phụng Vụ cũng như các thực hành đạo đức thiêng liêng khác.
Quý Cha và Anh Chị Em thân mến,
Chay tịnh không chỉ là thực hành đạo đức theo lòng sốt sắng cá nhân nhưng là điều mà Kinh Thánh cũng như tất cả truyền thống kitô giáo đề ra cho chúng ta và đã đem lại bao nhiêu hoa quả cho đời sống người kitô hữu trong suốt dòng lịch sử. Nhưng phải nhìn nhận rằng, trong thế giới hiện tại của chúng ta, một thế giới đề cao giá trị vật chất cùng với tất cả những tiện nghi mà phương tiện vật chất mang lại, việc chay tịnh dần dần mất đi ý nghĩa, ngay cả đối với người kitô hữu, và cũng vì thế mà đời sống tinh thần, đời sống tâm linh có nguy cơ cạn kiệt. Do đó, khi lập lại những giá trị thiêng liêng của việc chay tịnh theo tinh thần kitô giáo, tôi hết sức mong mỏi anh chị em hãy ý thức lại những giá trị đó. Hãy tôn trọng và thực hành việc chay tịnh theo lời dạy của Giáo Hội, nhưng với ý thức của con người trưởng thành, nghĩa là hiểu biết và thấm thía lý do sâu xa của điều mình làm. Đặc biệt là các bậc cha mẹ, xin anh chị em hãy giải thích cặn kẽ cho con cái ý nghĩa và sự cần thiết của chay tịnh, và anh chị em hãy làm gương trong sự dứt khoát với tội lỗi, sốt sắng tham dự các cử hành phụng vụ cũng như dấn thân trong việc bác ái, vì nhờ đó, anh chị em có thể thực hiện cách hữu hiệu điều mà Giáo Hội Việt Nam đề ra cho năm mục vụ 2009: ”Canh tân môi trường giáo dục gia đình công giáo”.
Thân mến,
Giám Mục Giáo Phận Đàlạt