DALLAS - Đấy là danh xưng mà nhiều nơi vẫn đặt cho những buổi quy tụ của các ca đoàn trong Giáo hạt hoặc Giáo phận, để giao kết thân thiện và trình diễn Thánh ca, nhưng anh chị em trong vùng Dallas - Fort-Worth (DFW) chỉ gọi sinh hoạt này bằng một cách khiêm tốn: Ngày Truyền Thống Liên Ca Đoàn. Và, lần này đã là lần thứ 14, một chặng đường khá dài kể từ ngày ý tưởng “gom nhau lại “ nhen nhúm trong lòng một vài ca trưởng kỳ cựu.

Nhạc Sĩ Đỗ Vi Hạ đang tổng dợt
Ngày Truyền Thống năm nay, tôi cũng phải lái một đoạn đường dài hơn để về Giáo xứ Thánh Phê-rô tham dự. Sự tập tành vui thú điền viên của tôi chưa biết sẽ đi về đâu, nhưng đã thấy mình bị cách ly ra khỏi thành thị và xem chừng lại phải sống lại cái thời đi Kinh tế mới. Nhưng dù vất vả thế nào thì chiều hôm qua - Thứ Bảy, 16 tháng Năm 2009, tôi như bác nông dân Chung Tử Kỳ đen đúa cũng lại về để … nghe hợp xướng Thánh ca, một đam mê đã gần 40 năm nặng nợ.

Hơn 45 phút lái xe dưới bầu trời mây vây bốn hướng, tôi cầu mong trời đừng sập mưa, đừng kẹt xe để tôi được tham dự trọn vẹn. Nhớ ngày còn ở quê nhà, mỗi lần được người anh họ nhờ tài khéo ngoại giao trong giới tu sĩ, xin được vé tham dự những buổi trình diễn của ca đoàn Hồn Nước, hoặc của Giáo phận Sài Gòn là hai anh em tôi phải đi từ sáng sớm. Tuy vậy, cũng có lần chúng tôi đến vừa kịp để nghe Đức cha Phao-lô ban huấn từ trước khi… bế mạc, rồi lại cưỡi tiếp con ngựa sắt cọc cạch chạy về Hố Nai, trên đoạn xa lộ bụi bặm nắng cháy.

Ca Đoàn Giáo Xứ CTTĐVN - Arlington
Tôi đến nơi kể ra cũng còn khá sớm, tuy không kịp dự phần ôn tập chung để hát trong Thánh lễ, nhưng cũng vừa đủ để cảm nhận lại tâm tình của một ca viên, đã một thời gắn bó với sinh hoạt tốt lành này. Cầm tập tiền dẫn trong tay, tôi lướt qua chương trình và phải giựt mình khi biết là năm nay, có tới mười ca đoàn tham dự. Không ngờ trong vùng DFW, số giáo dân Việt Nam đã tăng nhanh đến thế! Hai mươi bốn năm trước, khi gia đình tôi đặt chân lên đất nước này, thì cả quận Dallas mới có một ca đoàn - Ca đoàn Têrêsa, phục vụ trong cộng đoàn Công giáo Việt Nam tiên khởi được thành lập cuối năm 1976. Nay, chỉ riêng trong giáo xứ tân lập là xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Garland cũng có tới ba ca đoàn thuộc hàng cự phách đã về tham dự đại hội.

Trước khi Thánh lễ khai mạc được cử hành, khi chăm chú theo dõi anh ca trưởng ca đoàn Trinh Vương thân mật sắp xếp chỗ ngồi cho các ca đoàn, tôi nhận thấy một điều là đa số các ca viên đều ở độ tuổi trên dưới ba mươi. Thành phần hạng “lão tướng” sắp có cháu nội ngoại thì cũng không phải là ít so với các ca đoàn bên quê nhà, nhưng riêng các ca viên ở lứa tuổi đôi mươi, thì dường như có sự thiếu vắng đáng quan tâm! Hơn nữa, ngoài một số thân nhân các ca viên, số giáo dân đến tham dự sao quá ít ỏi ? Dấu chấm hỏi cứ lởn vởn mãi trong đầu tôi cho tới khi nhạc sĩ Đỗ Vi Hạ bước lên bục để điều khiển ca Nhập lễ.

Hơn ba trăm tiếng hát cùng cất lên. Hai bè của mười ca đoàn hát đều như một. Tôi liên tưởng đến sự điêu luyện của ca đoàn Tổng hợp Giáo phận Sài Gòn vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Bài ca Nhập lễ trầm hùng này tuy chưa biết tên, nhưng tôi đã nhận ra ngay rằng, nó đã lọt qua cánh cửa thẩm âm nhỏ li ti khó tính của mình. Mới đầu, tôi cứ ngỡ đây là một bản nhạc xưa cũ mà tôi chưa biết đến. Ở lứa tuổi mà đã một thời được hát những bài hát “lớn” của
Ca Đoàn “chủ nhà” Têrêsa
những nhạc sĩ tên tuổi thì không ít người, trong đó có tôi đã khép lại cánh cửa cảm nhận âm nhạc trong lòng mình. Sự khép lại này chẳng biết là do tính tự nhiên, hay do tính tự … kiêu của một người cho rằng mình thuộc giới “ nhà sang mang hàng hiệu” nhưng chỉ biết rõ rằng, đến độ tuổi nào đó, thì lòng mình chỉ còn rung động với những bài hát cũ, và lòng cứ trơ như đá với những tác phẩm mới - cả nhạc đời lẫn nhạc đạo, nhất là những sáng tác của các nhạc sĩ “hàng xóm” mà mình quen biết.

Bài ca Nhập lễ vừa dứt, tôi nhìn ca trưởng Đỗ Vi Hạ của giáo xứ lân cận bước xuống bục mà thầm khen là anh đã khéo chọn nhạc. Ắt hẳn đây nếu không phải là một bản nhạc ngoại chuyển lời Việt, thì cũng được viết bởi một nhạc sĩ tài danh ? Tôi tự tin vào nhận xét của mình và mở tập dẫn lễ ra để kiểm lại: Chúa Đã Sống Lại của Đỗ Vi Hạ. Ồ ! Thật vậy sao ? Của Đỗ Vi Hạ ? Tôi thầm trách mình… Ôi ! Xưa Chúa đã than thở rằng: ” Không có tiên tri nào được trọng vọng nơi quê hương mình” thì nay, cái thành kiến “Bụt nhà không thiêng” đã lừa tôi một vố thật đậm ! Tôi chợt nhớ rằng, vùng DFW này còn có thêm một nhạc sĩ khác được nhiều người biết đến: Anh Trần Đại Phước, tác giả của Dấu Chân Trên Cát sẽ do ca đoàn Hồng Ân hợp xướng trong đại hội này.

Như một làn gió mới thổi vào lòng mình, tôi chợt nhớ đến anh Trần Đại Nghĩa vừa mới ra đi, nghĩ đến Trần Đại Phước rồi nhớ đến cha Ngô Duy Linh, thày trò của những cuộc đời gắn bó với Thánh nhạc mà tin tưởng rằng rồi “tre già măng mọc“. Đại thụ cũng phải nhú ra từ hạt mầm và hạt giống chẳng nở hoa. Tôi ước mong và tin tưởng những nhạc sĩ “hàng xóm” vùng DFW của tôi một ngày không xa, sẽ nối tiếp ngọn đuốc sáng ngời của các bậc tiền bối trong kho
Ca Đoàn Augustine - GX ĐMHCG
báu Thánh nhạc Việt Nam. Rồi đến thế hệ mai sau, biết đâu lại sẽ có những người nghèo mà …chảnh, chuyên xài “hàng hiệu” như tôi cũng khép kín cánh cửa âm nhạc trong tâm hồn mình, chỉ giữ lại những “bất hủ và bất tử“; trong số đó có những Hải Linh, Kim Long, Ngô Duy Linh… và, có cả Đỗ Vi Hạ cùng Trần Đại Phước, hai nhạc sĩ “Bụt nhà” vùng Dallas,Fort-Worth của tôi ngày hôm nay.

Trong niềm hân hoan vô bờ, nhiều lúc tôi cảm thấy như mình không còn ngồi nơi hàng ghế cuối, mà đang bước cùng các ca đoàn, lần lượt lên bục trình diễn sau Thánh lễ. Mười nhạc phẩm, mười ca trưởng, mười ca đoàn và mười nét điêu luyện riêng. Tuyệt vời! Từ phía cuối nhà thờ nhìn lên, các ca trưởng như những cánh én chao nhịp, làm bừng lên âm vang của mùa Xuân hoà cùng nét rạng ngời lộ trên từng khuôn mặt. Tôi ngồi lặng yên để lòng mình trôi về dĩ vãng, hồi nhớ những năm tháng hồn nhiên, cất chung tiếng hát từ cõi lòng bình an, những năm tháng mà chính lòng mình cảm nghiệm được lời thánh Augustine: “ Hát là cầu nguyện gấp đôi”. Vâng, đúng như thế. Có những người đến với Chúa bằng sự lặng thinh chiêm niệm, nhưng cũng có những người đến với Chúa bằng lời hát hoà trong cung bậc nhịp nhàng. Và chúng con, những người tìm đến với Chúa, đến với nhau qua Thánh nhạc đang có mặt nơi đây để cất lên ngàn lời ca nhưng chung một nhịp - Nhịp đập của trái tim.

Mọi người nắm tay hát bài “Đâu có tình yêu thương”
Ôi ! Lạy Chúa. Trong nguồn ân sủng cảm nhận được từ Thánh nhạc, ngày hôm nay bản thân con không còn điều kiện thuận tiện để cất chung tiếng hát cùng anh em, nhưng con biết rằng, cho dù thánh Augustine dạy: hát là cầu nguyện…, nhưng từ những cảm rung tận đáy lòng, con tin rằng nghe hát cũng là cầu nguyện, vì tim con đang đập như nhanh hơn đôi lần.

Trong Thánh nhạc, chúng con tìm đến nhau. Có những anh chị đến từ Garland, Grand Prairie lân cận và từ Arlington, Fort-Worth xa xôi để về đây cất cao lời tán tụng Hồng ân, Và, cũng có con đây tìm về để lắng đọng tâm hồn trong một buổi tối cuối tuần sau những tháng ngày bôn ba, tìm lại những năm tháng con đến với Chúa bằng con đường êm ái điểm những nốt nhạc dễ thương như những bông hoa dại bên đường.

Nhưng, bên những rung cảm hân hoan vẫn là những ưu tư !

Ca đoàn Trinh Vương GXĐMHCG trình bầy Hội Nghị Diên Hồng
Tại sao ngoài sự hiện diện của các ca đoàn, số người đến để hoà chung niềm vui sao quá ít ỏi ? Phải chăng đã thiếu sự quảng bá hay chủ trương của Ban Tổ chức là giới hạn trong sinh hoạt nội bộ ? Có rất nhiều giáo dân đã nghĩ rằng danh xưng Ngày Truyền Thống Liên Ca Đoàn có nghĩa là ngày chỉ dành riêng cho những ai đang hát trong các ca đoàn, nên cũng ngại đến để nghe. (?) Tiếc thật ! Một Đại hội Thánh nhạc tuyệt vời như thế mà quá ít giáo dân biết tới để đến thưởng lãm và cảm thông. Hy vọng rằng trong Ngày Truyền Thống Liên Ca Đoàn thứ 15, số giáo dân tham dự sẽ đông gấp bội.

Thêm một ưu tư nữa. Tại sao số ca viên lứa tuổi đôi mươi quá ít ỏi ? Vì các em thuộc vào thế hệ sinh trưởng ở hải ngoại, nên vấn đề tiếng mẹ đẻ đang là một trở ngại, hay các em đang bị cuốn hút vào cơn xoáy của xã hội đầy đảo điên này ?. Rồi lớp cha anh qua đi, người mới đến định cư không còn, thì ai sẽ là người nối tiếp phục vụ Giáo hội qua những sinh hoạt tốt lành này?

Trong sự quý mến chân thành, người đang trải những giòng tâm tình này xin cầu chúc sự bình an của Chúa đến cùng quý anh chị đang dấn thân phục vụ trong các ca đoàn khắp nơi, và quý anh chị vùng DFW nói riêng. Ước mong mỗi tấm lòng là một đoá hoa dâng lên Mẹ Maria trong Tháng Hoa này.

Xin Chúa Thánh thần luôn soi sáng, kiên vững con đường mà quý anh chị đang phục vụ Giáo hội, dẫn dắt mọi người đến với Chúa qua Thánh nhạc.

Tháng Hoa, 2009