Sáng thứ hai 30.6.2009, mọi người báo cho chúng tôi biết có một bài viết trên báo CAND Online liên quan đến chuyện cái laptop của chúng tôi đang bị “người ta” thu giữ. Chúng tôi vào Internet và tìm được bài viết với tựa đề: Ông “linh mục” và những hoạt động vi phạm pháp luật, đọc đến những hàng cuối cùng thấy có ghi như sau: “Chiều 29/6, khi làm việc với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, ông Lê Quang Uy đã ký vào biên bản, thừa nhận hành vi vi phạm luật pháp của mình”.

Vậy chúng tôi thấy là cần thiết phải lên tiếng ngay trước công luận về nội vụ. Trước hết tôi xin tường thuật mọi việc theo trình tự thời gian:

Ngày thứ bảy 6.6.2009:

Khi từ Mỹ quá cảnh Đài Bắc, về đến sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi được mời vào phòng làm việc của Chi Cục Hải Quan. Có một Linh Mục quen biết ngẫu nhiên đi chung chuyến bay này, ngài cũng bị mời vào để khám xét toàn bộ hành lý, nhưng các cán bộ Hải Quan chỉ khám qua loa trong khoảng 10 phút rồi cho về, không thu giữ bất cứ hành lý nào. Đến phiên khám xét hành lý của tôi thì người ta làm kỹ lắm, phải đến cả tiếng đồng hồ mỗi người xăm xoi đọc từng trang sổ tay, mở từng quyển sách... Thì ra, người ta đã chuẩn bị sẵn, biết rõ ngày giờ về nước của mình để đón lõng ở sân bay.

Cuối cùng người ta giữ lại 10 CD và 1 máy laptop của chúng tôi, bỏ vào trong một thùng carton, dán niêm lại. Họ hẹn chúng tôi sáng thứ hai 8.6 sẽ làm việc tại Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch để giám định về văn hóa nội dung các vật thu giữ nói trên.

Ngày thứ hai 8.6.2009:

10g sáng, như đã hẹn, chúng tôi cùng với một số Linh Mục anh em trong DCCT mặc áo Dòng cùng ra Sở Văn Hóa ở đường Đồng Khởi. Chúng tôi thấy ngoài các cán bộ của Sở còn có anh Tâm của Sở Công An Thành Phố cũng loanh quanh gần đó cùng với một số người mà sau này các cán bộ Sở Văn Hóa để lộ cho chúng tôi biết chính là các “trinh sát”.

Người ta chỉ cho một mình cha Đinh Hữu Thoại vào phòng trong cùng với chúng tôi, các cha còn lại phải ngồi đợi bên ngoài. Người ta mở máy laptop của chúng tôi để kiểm tra, nhưng chỉ được một lúc thì điện dự trữ trong máy cạn mà lại không có giây cắm điện. Cũng đến giờ phải nghỉ, nên người ta lại cho máy laptop vào thùng niêm lại.

Buổi chiều, chúng tôi quay trở lại làm việc tiếp, cũng chỉ có cha Thoại được vào trong với chúng tôi. Các cha khác phải ngồi ngoài. Họ mở các dữ liệu trong máy và chọn chép riêng ra một số bài viết liên quan đến các sự kiện Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tây Nguyên Bauxite, Bảo Vệ Sự Sống – Chống Phá Thai, nói chung là những gì liên quan đến Công Lý và Sự Thật. Họ còn lấy thêm một ổ cứng để định sao chép toàn bộ dữ liệu trong máy sang, nhưng loay hoay mãi không xong. Đến 16g30 thì chúng tôi yêu cầu ngưng hết để ra về.

Khi trở ra đến bên ngoài, chúng tôi đang đi bộ ngược về phía Nhà Thờ Đức Bà để đón xe Taxi, có cha phát hiện một anh trinh sát Công An đã leo phía trong bờ tường Sở Văn Hóa để chụp hình lén anh em chúng tôi xuyên qua hàng rào kẽm gai. Chúng tôi cũng giơ máy lên chụp lại thì anh ta thụp đầu xuống.

Ngày thứ hai 22.6.2009:

9g sáng, chúng tôi được mời đến Sở Văn Hóa làm việc tiếp. Có cha Hữu Thoại cùng vào phòng. Cán bộ Nguyễn Thiếu Sơn đã đưa ra cho chúng tôi tất cả những bài viết chép từ trong máy laptop đã được in ra giấy, và yêu cầu chúng tôi ký xác nhận trên từng trang giấy in. Chúng tôi đã sai lầm khi đặt bút ký tên theo đề nghị của họ, cứ nghĩ đơn giản là xác nhận như vậy trên những trang bài viết đúng là của mình thì sẽ tránh được chuyện rủi ro là người ta sẽ có thể đưa thêm những “tài liệu bậy bạ” nào đó vào và bảo là của mình. Không ngờ, đây chính là chứng cứ để người ta buộc tội chúng tôi vi phạm sau này.

Ngày thứ tư 24.6 hay thứ năm 25.6.2009 ( không nhớ đích xác ):

Cán bộ Nguyễn Thiếu Sơn gọi điện thoại cho chúng tôi báo tin là đã hoàn tất việc giám định, tất cả 10 CD và máy laptop đã được trả lại cho bên yêu cầu giám định là Chi Cục Hải Quan, chúng tôi sẽ không cần phải đến Sở Văn Hóa làm việc nữa.

Ngày thứ sáu 26.6.2009:

Khoảng 14g trưa, Chúng tôi mới đi công việc về thì nghe báo có khách, ra phòng khách Nhà Dòng thì thấy có hai anh cán bộ không mặc quân phục nhưng tự giới thiệu là bên Hải Quan. Một anh tên Lê Minh Tuấn đưa cho chúng tôi giấy mời đến Chi Cục Hải Quan vào chiều thứ hai 29.6.2009 để kết thúc hồ sơ về vụ cái laptop.

Ngày thứ hai 29.6.2009:

Đúng hẹn 2g30 chiều ngày thứ hai 29.6.2009 mới đây, chúng tôi có đến Chi cục Hải Quan Tân Sơn Nhất, có một anh em Linh Mục DCCT và một người bạn Giáo Dân cùng đi. Cán bộ Lê Minh Tuấn ra ngoài đón, đưa cho chúng tôi 1 cái thẻ đeo cổ. Đến khi vào qua cửa an ninh, chúng tôi mới hiểu đây là biện pháp người ta ngăn không cho ai vào theo, chỉ một mình chúng tôi có thẻ thì mới được vào trong.

Vậy là lần này chỉ có một mình chúng tôi vào làm việc. Thật là một điều quá thất thế mà bây giờ chúng tôi mới nhận ra mình đã hết sức khờ khạo, đáng lẽ chúng tôi phải đặt vấn đề cả đoàn 3 người phải được cùng vào, nếu không thì thôi, sẽ bỏ về hết.

Đến khi làm việc thì chúng tôi lại bị rơi vào chủ quan khi thấy các cán bộ Lê Thị Minh Nguyệt, Võ Thị Thu Hà và Lê Minh Tuấn, ai cũng nói chuyện niềm nở, lịch sự, tử tế. Họ lại cho thấy họ cũng muốn nhanh chóng kết thúc để họ được tan sở sớm, còn chúng tôi thì kịp về Nhà Thờ để dâng Thánh Lễ chiều kính hai Thánh Phêrô và Phaolô.

Trong khi cán bộ Minh Tuấn ngồi viết Biên Bản Vi Phạm Hành Chính Trong Lĩnh Vực Hải Quan thì cán bộ Thu Hà thẩm vấn chúng tôi cho cán bộ Minh Nguyệt ghi một biên bản viết tay khác. Họ hỏi phần đầu như là lý lịch: họ tên, năm sinh, tên cha tên mẹ, địa chỉ, nghề nghiệp, nơi làm việc. Phần sau hỏi là máy laptop này dùng đã mấy năm ( chúng tôi bảo ít là 4 năm ), hỏi đi Mỹ làm gì, từ ngày nào đến ngày nào, máy laptop ngoài chúng tôi ra có thêm ai sử dụng nữa không ( chúng tôi bảo có, nhưng nhiều lắm, không nhớ là những ai và tên gì, lúc ở Việt Nam cũng như khi qua Mỹ, người ta thường mượn laptop của chúng tôi để đánh một văn bản, để vào gửi và nhận E-Mail, để truy cập Internet... ). Lại hỏi là các bài có trong laptop là do ai viết ( chúng tôi bảo bài nào chúng tôi viết thì chúng tôi ghi tên ở dưới, còn bài nào của người khác viết thì có đề tên người khác ). Họ hỏi thế chúng tôi có biết là nội dung những bài viết ấy vi phạm Pháp Luật không ( chúng tôi bảo không, vì đó toàn là những góp ý, cảnh báo trước các tệ nạn bất công xã hội, chỉ cốt xây dựng quê hướng đất nước mà thôi ).

Cuối cùng cán bộ Minh Tuấn đưa các biên bản cho chúng tôi ký vào. Chúng tôi lại sai lầm nghiêm trọng một lần nữa khi đặt bút ký. Mọi người đã nhắc nhở chúng tôi nhiều lần, bản thân chúng tôi từ lâu cũng luôn luôn cảnh giác, thế mà bây giờ chính mình lại mất cảnh giác, không còn tỉnh táo sáng suốt, đến nỗi lọt bẫy người ta một cách dễ dàng. Chúng tôi không biện bạch, tuy nhiên rõ ràng lúc ấy chúng tôi hoàn toàn bị cô lập với anh em của mình bên ngoài, lại bị thúc hối cho mau xong công việc để ra về kịp giờ Thánh Lễ.

Mặt khác, các cán bộ Hải Quan lúc ấy rất đông, quây chung quanh, đưa hết giấy này đến giấy kia để yêu cầu chúng tôi ký, tíu tít cả lên vì ai cũng muốn ra về sớm vì hết giờ làm việc. Họ bảo đây chỉ là biên bản thôi, còn đến ngày 2.7.2009, hẹn chúng tôi ra trụ sở Hải Quan số 2 Hàm Nghi, quận 1, gặp phòng Tham Mưu Xử Lý Vi Phạm, khi ấy mới bàn đến chuyện thế nào là vi phạm hay không vi phạm và vi phạm thế nào.

Chúng tôi có đọc thấy trong Biên Bản có nói nội dung các bài viết trong laptop vi phạm khoản 1, 2 và 4 trong điều 10 về Luật Xuất Bản. Chúng tôi hỏi luật ấy thế nào, người ta đưa cho chúng tôi đọc một xấp giấy, thì các khoản ấy nguyên văn như sau:

Điều 10. Những hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản

Tuyên truyền chống lại Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.

Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Chúng tôi có khẳng định là chúng tôi đâu có làm gì viết gì mà phạm vào những tội tày đình như thế, nhưng các cán bộ nhún vai tỏ ra vẻ đồng cảm, thậm chí xuề xòa như thể là nói thế thôi chứ không đến nỗi gì mà to chuyện đâu, đừng lo, bất quá thì đóng tiền phạt.

Chúng tôi cũng nghĩ thấy có chuyện kỳ cục, tư liệu trong máy laptop mà sao lại khép vào tội liên quan đến Luật Xuất Bản, trong khi cả một xấp tài liệu về Luật Xuất Bản lại chỉ nói về chuyện in ấn, hoạt động phát hành sách báo, xuất bản phẩm. Trong đầu chúng tôi đã nghĩ đơn giản là đến ngày 2.7.2009 mình sẽ ra trụ sở Hải Quan để tranh luận tới nơi tới chốn về vấn đề này. Thế là chúng tôi đã sai lầm mà vội vàng đặt bút ký vào dưới biên bản.

Bây giờ khi ngồi trong Nhà Dòng, các anh em trong Dòng xúm lại, đọc kỹ tờ Biên Bản mới phân tích là chúng tôi đã bị lừa một quả thật to rồi. Chúng tôi đã vô tình hấp tấp đặt bút ký ngay vào dưới hàng chữ Người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm !

Vừa ký xong, người ta thu dọn các hồ sơ rất nhanh, cán bộ Minh Tuấn đưa chúng tôi ra khỏi phòng hết sức vội vã rồi quay ngoắt rất nhanh vào trong. Chúng tôi đi tìm mấy anh em Linh Mục cùng đi, lòng thở phào, nghĩ là xong một phần quan trọng, đợi đến ngày đi làm việc tiếp với bên Hải Quan. Nào ngờ...

Vâng, nào ngờ chúng tôi đã quá dại dột khờ khạo. Chúng tôi nhớ đến những bài học kinh nghiệm đắt giá của các anh em Linh Mục DCCT ở các nơi, nhất là ở Thái Hà, đó là:

1. Không bao giờ đi làm việc một mình ở cửa quan, luôn luôn phải đi đông người, ít là phải có thêm người thứ hai, để có được sự bàn hỏi, góp ý sáng suốt trước từng lời nói, từng quyết định. Nếu không thì tất cả sẽ cùng bỏ về, không làm việc nữa.

2. Không bao giờ đặt bút ký tên vào bất cứ một văn bản nào mà người ta đưa ra, vì luôn luôn thế nào cũng có một cạm bẫy, rồi người ta sẽ hô hoán lên trên các phương tiện truyền thông là mình đã nhận tội.


Chúng tôi viết lại tất cả những diễn tiến nói trên để công nhận duy nhất một điều, đó là chúng tôi đã bị lừa cho lọt bẫy một cách quá dễ dàng ! Đây sẽ là bài học nhớ đời, hết sức đắt giá cho bản thân chúng tôi khi phải đối chất trước một Nhà Nước có quá nhiều thủ đoạn xảo quyệt nhằm hại người, ghép tội cho người, bịt miệng không cho bất cứ ai có thể thẳng thắn lên tiếng trước các bất công xã hội.

Chúng tôi cũng khẳng định rằng: Chúng tôi không hề vi phạm vào các khoản 1, 2 và 4 của điều 10 Luật Xuất Bản, như người ta đã muốn gài chúng tôi, nghĩa là:

Chúng tôi không hề làm gì gọi là tuyên truyền chống lại Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; không phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngược lại, chúng tôi thật sự yêu quý quê hương đất nước, đồng bào của chúng tôi, nhất là những người nghèo chịu những nỗi bất công oan khuất.

Chúng tôi cũng không hề tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; không kích động bạo lực; không truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục. Ngược lại chúng tôi đã và đang nỗ lực mời gọi một lối sống yêu thương, lành mạnh, trung thực, nói không với tệ nạn phá thai

- Chúng tôi lại càng không hề xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; không hề vu khống, xúc phạm uy tín cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Chúng tôi hết sức trân trọng Chân Lý, cố gắng nói và làm theo Chân Lý.

Cuối cùng, chúng tôi phải thú nhận rằng, đến bây giờ, khi chính mình bị lừa, bị lọt bẫy, bị đưa vào cuộc, chúng tôi mới thấm thía, cảm thông với tất cả những ai đã từng được các báo đài thông tin rằng họ đã nhận tội, đã “thừa nhận hành vi vi phạm luật pháp”, như cha Nguyễn Văn Lý, như luật sư Lê Công Định, và nhiều người khác nữa trong những ngày sắp tới...

Rất mong mọi người, tất cả những ai quan tâm đến vấn đề, những ai có một chút quý mến nào đó dành cho chúng tôi, xin tiếp tục hiệp thông cầu nguyện đặc biệt cho chúng tôi được... khôn ra, được luôn vững vàng can đảm trước các khó khăn có thể sẽ xảy đến cho mình !

Trưa thứ ba 30.6.2009