BÁ LINH - Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, ai hơn ai kém, đó là câu hỏi và cũng là cuộc chiến ý thức hệ rất gay gắt trong gần một thế kỷ qua, còn hơn thế nữa hàng 100 triệu sinh mạng phải trả giá cho cuộc đối đầu này. Nước Đức năm nay kỷ niệm 20 năm thống nhất, cùng đồng nghĩa chủ nghĩa cộng sản tại Đông Đức bị sập đổ hoàn toàn về chính trị lẫn kinh tế. Nước Đức thay đổi thế chế dân chủ trong an bình và trật tự, cho dù họ gặp vô vàn khó khăn về kinh tế, xây dựng quy mô cơ sở hạ tầng cũng như tìm cách thay đổi quan điểm độc đảng sang nền tự do dân chủ. Cộng sản Đông Đức đã hướng dẫn 16,5 triệu dân cùng đồng lòng đi chung „bên lề phải“ ròng rã trong 40 năm qua (thành lập 07/10/1949). Nay tập tành một mình bước qua „bên lề trái“ quả là khó khăn cho những đôi chân đã đi theo thói quen và ít chịu nghe theo sự điều khiển từ nhận thức tư duy mới của chính mình. Từ 1989 đến nay miền Đông Đức đã hoàn toàn được lột xác, thí dụ, bây giờ tìm đỏ mắt vẫn không ra 1 chiếc xe Trabi xấu xí (chỉ có một kiểu và một màu trắng đục duy nhất) do Đông Đức chế tạo, mà thời cộng sản phải là người có thế lực mới sắm được một chiếc riêng cho mình. Cửa nhà đường phố không còn nhìn thấy được những cảnh nghèo nàn, nhếch nhác, lạc hậu của thời đi „bên lề phải“ nữa rồi. Ai trong thâm tâm cũng ngầm cám ơn cho việc thống nhất. Tuy nhiên qua những thống kê mới nhất cho biết người Đông Đức vẫn mơ tưởng về thời xa xưa của đảng cộng sản lên đến 59%, cho đó là một xã hội tốt như hiện nay. Người Đức thật ngạc nhiên về con số thống kê mới lạ này.

Bây giờ có đầy đủ vật chất và hưởng tự do dân chủ mà người dân Đông Đức vẫn chưa hài lòng? Họ hài lòng lắm chứ! Đã 20 năm khoảng 16,5 triệu dân Đông Đức không còn bị rình rập bởi mạng lưới mật vụ quy mô dầy đặc hơn 1 triệu nhân viên, cho đến một con kiến cũng khó thoát được sự dòm ngó của mật vụ Stasi ác ôn này. Đã 20 năm không còn cảnh phải dậy sớm sắp hàng mua đường sữa, không còn bị ngăn cấm về phát biểu bất đồng chánh kiến, không còn cảnh chờ đợi được cấp phép cho qua biên giới thăm phần Tây Đức anh em tư bản giàu có, không còn cảnh tham nhũng, hối lộ công quyền… Tuy nhiên theo các nhà xã hội học phân tích cho biết: người Đông Đức vẫn ưa chuộng kiểu ra lệnh từ trung ương, vì tư duy như thế làm cho họ đỡ phải nhức đầu suy nghĩ. Đối với họ, khi làm sai, tất cả tội vạ phủi tay đổ lỗi cho chủ trương chính sách là xong. Thứ hai, chạy theo kinh tế thị trường làm cho họ mệt nhoài hụt hơi vì phải tự chịu trách nhiệm riêng cho chính mình. Dân chủ tự do nghĩa là phải kèm theo trách nhiệm từ việc bé đến việc lớn làm người dân Đông Đức không quen và khó chịu. Thứ ba khi nói đến cộng sản thì người Đông Đức luôn cảm thấy như bị dị ứng nói về chính cá nhân họ, theo các nhà âm lý cho biết đây là „sự tự ti mặc cảm“ vì nghèo đói. Kết cục ghét cộng sản nhưng vẫn thích bào chữa cho họ.

Có thể với cách tư duy một chiều này mà đa số các nước Đông Âu vẫn ỳ ạch chạy theo đàng sau khối tự do dân chủ chăng? Như thế chủ nghĩa cộng sản theo Mác-Lênin đã đi trật đường, xây dựng một xã hội trong những điều mơ tưởng hão huyền?

Chủ nghĩa cộng sản chưa bao giờ là một chủ nghĩa để xây dựng một quốc gia có độc lập. Nó là chủ nghĩa cá lớn hiếp cá bé một cách tàn bạo, thí dụ sự can thiệp thô bạo của Xô Viết vào Tiệp Khắc, Ungarn, Đông Đức và Ba Lan, sự lấn chiếm biển Đông của giặc Tàu đang xảy ra quanh bờ cõi VN… Chủ nghĩa cộng sản còn là chủ nghĩa của hận thù và nội chiến. Nó là chủ nghĩa của tù đày, dối trá, gian lận tham ô, hối lộ hà hiếp. Nó đồng tình với chủ nghĩa trên bảo dưới không nghe, luôn tạo ra cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Nó là một hệ thống mafia tham nhũng không phải của một người mà trở thành đường dây từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Nó xem nhân cách, nhân phẩm của con người chỉ là hạng hai và xây dựng giai cấp đảng đứng trên pháp luật. Nó là một guồng máy công an và mạng lưới mật vụ bao trùm trên cuộc sống nhân dân, chúng dùng bàn tay sắt được bọc nhung. Nó còn là một hệ thống tôn sùng cá nhân cho dù đó là những tên sát nhân của thế kỷ, những tên ác độc xảo trá, trọn đời là những chuỗi dài thủ đoạn hiểm độc như Stalin, Mao, Hồ, Ceauşescu, Kim Jong-il, Fidel Castro, Pol-Pốt… Nó là một chế độ phong kiến thối nát bám chặt vào ngôi vua như cha con Kim Jong-il hoặc anh em Fidel Castro hàng chục năm, về điểm này ở VN chơi nổi nhất dám so sánh với Phật, vì chốn ăn chơi giải trí có vườn thú của “Đại Nam thế giới du lịch” tại Thủ Dầu Một thuộc tỉnh Bình Dương, người ta còn đặt ông Hồ được mạ vàng trong Đại Nam Quốc tự để thờ chung với tượng đức Phật và vua Hùng Vương. Chủ nghĩa cộng sản còn là một hệ thống không có nhân cách chính trị, chưa bao giờ có một quan lớn cộng sản đủ can đảm bước ra từ chức cho những sai lầm chính trị của mình (kể cả việc tàn ác giết người) trong thế giới cộng sản Đông-Tây hơn 70 năm qua, nếu có chỉ là cảnh phe nhóm hạ bệ lẫn nhau. Nó luôn là sự vắt chanh bỏ vỏ, một chế độ luôn tạo ra một kiểu dân chủ hình thức có quốc hội có bầu cử mà thực chất là độc đoán cực đoan, hành sự hết sức tùy tiện và đổ vạ cáo gian cho người bày tỏ chính kiến đối lập.

Các đảng cs hầu như muốn tước đoạt hết quyền yêu nước của người dân, rồi từ đó họ mê hoặc quần chúng là chỉ có họ mới là người yêu nước chân chính. Ai chống lại họ tức là phản bội quốc gia. Đối với họ chỉ có 2 giai cấp duy nhất: giai cấp đảng csVN và giai cấp nhân dân. Chẳng khác gì phân biệt giữa chủ và đầy tớ, điều này còn tồi tệ hơn trong thời Pháp thuộc. Bây giờ chỉ có 3 triệu đảng viên làm ông chủ, phần còn lại hơn 80 triệu dân VN làm đầy tớ cho chúng. 3 triệu đảng viên này tự nhận là những con người ưu tú, được hưởng mọi bổng lộc, được sống trên nhung lụa, được hưởng tất cả mọi quyền lợi của con người. Ngược lại, những người đầy tớ đã bị tước đoạt hết mọi quyền nhân bản của con người về tự do, về tôn giáo, về quyền lao động, về ruộng đất… Những người đầy tớ này cũng không phép được biểu lộ lòng yêu nước chống ngoại xâm, vì đó là một xa xỉ, một tội phạm quốc gia. Chỉ có 3 triệu đảng viên nhưng họ đã ghi khắc lại những dấu chân nhơ bẩn đậm nét vào niềm tự hào dân tộc chống giặc Tàu ngàn năm.

Ngoài ra những người đầy tớ bị khinh bỉ và chỉ chờ sự bố thí từ giai cấp đảng ban cho. Số phần của những người đầy tớ được giai cấp đảng ban cho ai thì người ấy chịu, thí dụ cuộc sống của Điếu Cầy, Ls Lê Công Định phải lấy cảnh ngục tù làm vui.

Vì thế, chẳng lạ gì khi chúng ta kiểm chứng những thông tin hàng ngày trên các tờ báo của csVN, nếu tinh ý và chịu khó nhìn về cuộc sống an sinh thường ngày, cuộc sống xã hội của người dân chúng ta sẽ khám phá ra giai cấp đảng cộng sản VN đang cỡi trên đầu trên cổ người dân, đang lộng quyền sinh sát. VN đang tạo ra quá nhiều quyền lợi riêng cho giai cấp đảng. Bọn này đang tàn phá tinh thần Việt tộc yêu nước thương nòi, đưa dân tộc đến sự phá hủy đạo nghĩa con người bằng những căn bệnh giả dối. Chúng nó tự tạo ra luật pháp như một mê hồn trận, khi cần nói trắng thì thành trắng, khi phải đen thì là đen (viết đến suy tư này chúng ta tội nghiệp linh mục Lê Quang Uy, một vị tu trì chân thành, có thể ngây thơ vừa được ăn quả lừa to tướng của lũ quỷ dữ qua những nữ cán bộ văn hóa vì chiếc máy tính xách tay của ngài).

Theo dõi các bản tin chi tiết do báo đảng cung cấp, độc giả có thể nhìn thấy những tinh hoa ưu hạng đen tối, lừa lọc, quái đản, vô luân, vô chính phủ, vô tổ quốc, vô trách nhiệm… của giai cấp đảng csVN từ trung ương đến địa phương, luộm thuộm từ việc tiểu mô cho đến vĩ mô về việc: người dân lầm than, môi trường độc hại, người chết nằm không yên, phụ nữ được bán như một món hàng, công an tàn ác đánh người, tự nguyện hiến đất nếu không sẽ bị cướp, bệnh giả dối trở thành quốc nhục, ăn gì cũng sợ ngộ độc và ung thư, nắng nóng là điện mất, ngập nước là do trời…

- 50 cô gái „trình diễn“ cho 5 người Hàn Quốc tìm vợ: Trưa nay (7-7-2009), hơn 50 cô gái đang trình diễn cho những người đàn ông Hàn Quốc chấm điểm tại căn nhà ở hương lộ 2, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM thì cảnh sát bất ngờ xuất hiện. Nhiều cô gái nháo nhác, hoảng loạn khi thấy bóng dáng của những người mặc sắc phục. Trong chốc lát, họ cùng chủ môi giới, phiên dịch viên và các chú rể ngoại quốc bị đưa về trụ sở công an phường làm việc. Tại đây, các cô cho biết đều đến từ các vùng quê nghèo khó, chỉ ở độ tuổi 20, nhiều cô không biết chữ. Trong khi đó, những chú rể đều ở độ tuổi 40. Theo điều tra ban đầu, chủ đường này là Vũ Thị Bạch Yến (26 tuổi)… Khai nhận ban đầu với cơ quan điều tra, "bà mai" Yến khai nhận, mỗi "chú rể" khi chọn được vợ phải chi 10.000 USD. Trong đó, gia đình cô gái này chỉ được trả 500 USD, những kẻ "giúp việc" trong phi vụ môi giới, mỗi người được hưởng gần hai triệu đồng. Số tiền còn lại đều thuộc về Yến.

- Hơn 280.000 thí sinh bỏ thi đợt 2: Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo thi (Bộ GD-ĐT), đến hết ngày 8/7, cả nước có trên 583.000 thí sinh đến các hội đồng thi làm thủ tục dự thi ĐH đợt 2 trong số 870.000 lượt hồ sơ đăng ký. đạt tỷ lệ 67,03%. Nhận định ban đầu, lượng thí sinh "sửa sai" không nhiều. Tuy nhiên, vẫn tái diễn sai sót trong Giấy báo dự thi.

- Công an hành xử với dân bằng dùi cui, roi điện: Từ nguồn tin tố cáo của nhân dân đêm 28/6, Trưởng Công an Xã Ya Chiêm-TP Kon Tum đánh trọng thương một người phải nhập viện. Chỉ vài giờ xác minh tại Ya Chiêm, hàng chục người vây lại kể tội Trưởng Công an xã đánh họ thừa sống thiếu chết. Anh Phạm Văn Đảng 32 tuổi, trú ở thôn Plei Bua-Ya Chiêm-TP Kon Tum-Kon Tum, đang nằm bệnh viện Kon Tum kể với chúng tôi trong ngắt quãng cơn đau: Chiều 28/6 Đảng chở Tuyển về đến thôn Plei Plei -Ya Chiêm thì gặp tổ kiểm tra trật tự giao thông do Trưởng Công an (CA) Ya Chiêm Nguyễn Minh Hùng chỉ huy. Ông Hùng đưa gậy, thổi còi yêu cầu dừng xe kiểm tra, anh Đảng chấp hành ngay. Do không có bằng lái, không giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực nên Công an xã lập biên bản phạt anh Đảng. Trong lúc chờ xử phạt, hai bên lời qua tiếng lại. Anh Đảng bỏ đi thì bất ngờ bị ông Hùng nắm tay giật quay người lại vung dùi cui lên đánh thẳng mặt, khiến anh Đảng ngã xuống ngất xỉu, máu ra bê bết. Trao đổi với chúng tôi (phóng viên) ông Nguyễn Minh Hùng cho rằng, sở dĩ có vết thương trên mặt Đảng là do anh tự ngã, ông Hùng không đánh, không đẩy.

- Đến cả nghĩa trang cũng bị... thu hồi: “Sống ở làng Do Lộ, chết về khu sau chùa”, đó là tâm niệm bao đời nay của người dân thôn Do Lộ. Thế nhưng, nghĩa trang duy nhất của thôn nay đã bị chính quyền xã thu hồi giao lại cho các doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa người dân sẽ không còn chỗ nào để “trú ngụ” sau khi họ qua đời. Nghĩa trang thôn Do Lộ (xã Yên Nghĩa, TP. Hà Đông, Hà Nội) được hình thành từ trước Cách mạng tháng Tám. Đến nay, diện tích nghĩa trang ngày một thu hẹp dần. Người Do Lộ phải dè sẻn từng tấc đất nghĩa trang để còn có chỗ cho những người đời sau “nương náu”. Vậy mà từ ngày 20/1/2006, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ra quyết định 153 thu hồi khu đất nghĩa trang này để giao cho công ty TNHH Đức Việt. Tổng diện tích đất nghĩa trang bị thu hồi là 14.353m2, trong đó giao cho Công ty Đức Việt 11.174,9m2. Điều đáng nói là sau khi ra quyết định thu hồi khu đất nghĩa trang này, phía cơ quan chức năng không lập dự án di dời hay xây dựng một khu nghĩa trang khác khiến bà con trong thôn vô cùng bức xúc. Hơn 4/5 diện tích đã bị thu hồi khiến cho toàn bộ người dân thôn Do Lộ khi có người chết, họ buộc phải chôn chen chúc giữa các ngôi mộ còn sót lại. Tình trạng đó đến nay đã kéo dài suốt 4 năm, đất đã hết chỗ trống để có thể chen thêm một vài ngôi mộ nữa. Trong khi chính quyền vẫn chưa có giải pháp để xây dựng khu nghĩa trang mới.

- Gần 100 công an bị xử lý do có dấu hiệu tham nhũng: Sáng 8/7, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến cho biết, Bộ Công an đã phát hiện, xử lý 13 cán bộ, chiến sĩ tham nhũng; 80 trường hợp có dấu hiệu tham nhũng... 5 lãnh đạo, chỉ huy bị kỷ luật do liên đới trách nhiệm để xảy ra tham nhũng tại đơn vị được giao phụ trách. Cũng trong 6 tháng qua, hàng loạt cán bộ tại nhiều địa phương bị phát hiện có hành vi tham nhũng. Tại Kiên Giang, 33 đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, ở Đồng Nai là 4 người. Thủ quỹ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cà Mau bị phát hiện đã tham ô gần 300 triệu đồng… Hà Nội, TP HCM là hai địa phương đã phát hiện, khởi tố nhiều vụ án tham nhũng nhất, cùng 22 vụ, tiếp sau là Quảng Ngãi (14 vụ) và Kiên Giang (12 vụ)... "Một bộ phận cán bộ trong giải quyết công việc có liên quan tới người dân, doanh nghiệp còn phiền hà, nhũng nhiễu gây bức xúc trong xã hội", Chánh văn phòng Ban chỉ đạo nhận xét. Ông Chiến cũng lo ngại có một số địa phương thời gian qua không khởi tố một vụ án nào về các tội tham nhũng như Lai Châu, Quảng Trị, Hà Giang, Khánh Hòa... Ông cho rằng việc này cần được xem xét thận trọng, khắc phục tình trạng né tránh, thiếu quyết tâm trong phòng chống tham nhũng.

- Một dự án "thảm sát" gần 80 cây xanh 20 năm tuổi: Hàng chục cây xanh, trong đó có những cây có đường kính trên 50cm, cao trên 10m, được trồng hơn 20 năm đã bị chặt bỏ không thương tiếc để phục vụ một dự án không cần thiết phải "chạm" đến cây xanh - cống hoá mương Nghĩa Đô. Trong 3 ngày gần cuối tháng 5/2009, khi Hà Nội đang giữa mùa nóng, người dân ra đường tranh nhau từng bóng mát thì khoảng 80 cây xanh dọc mương Nghĩa Đô (cạnh đường Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) đã bị triệt hạ một cách chóng vánh. Hàng trăm hộ dân thuộc các tổ 2, 34, 35, 36 thuộc phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy đến giờ vẫn còn xót xa hai hàng cây xanh cao ngang ngôi nhà 3 - 4 tầng, chạy dọc bên đường Nguyễn Khánh Toàn (đoạn từ Công viên Nghĩa Đô đến sông Tô Lịch) với những tán cây rộng cả chục mét. Nay, hai bên vệ đường chỉ còn trơ ra những gốc cây và ngổn ngang thân. Khi PV VietNamNet đến thì vẫn còn nhiều cành cây chưa kịp dọn đi. Chỗ thì chỉ còn lại những cái hố sâu, đường kính đến cả mét bởi người ta chặt cây xong rồi bứng luôn cả gốc.

- 'Móc ruột' sông Hậu: Gần hai tháng nay, hàng trăm sà lan, tàu loại lớn cùng máy móc, cần cẩu hạng nặng, tập trung dày đặc trên một đoạn sông Hậu dài mấy chục cây số để khai thác cát. Đứng trên cồn Ấu, dưới chân cầu Cần Thơ, nhìn chếch về phía Vĩnh Long, thấy các cần cẩu hạng nặng nhả khói đen ngòm. Những chiếc mỏ ngoạm đu đưa trên cần cẩu rồi cắm xuống dòng sông, móc lên từng khối cát nhả vào sà lan xung quanh. Rất nhiều thuyền loại nhỏ có ống cắm xuống sông Hậu hút cát. Lừng lững những chiếc sà lan hàng trăm tấn, lặc lè bên trên một núi cát dập dìu giữa sông. Cứ khoảng một phút có một núi cát như thế đi về các ngả. Đại công trường này kéo dài cho đến tận cù lao Tân Lộc ở quận Thốt Nốt, giáp Đồng Tháp. Hàng trăm chiếc sà lan trọng tải lớn chở đầy cát, đủ biển kiểm soát của TP Cần Thơ, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang… có cả những tàu lớn từ miền Trung, miền Bắc như Bình Thuận, Đà Nẵng, Hải Dương. Nhiều tàu quốc tế như Singapore, Malaysia, Indonesia, neo đậu túc trực để chờ ăn cát. Trong tháng 6/2009, Công an quận Thốt Nốt kiểm tra phát hiện 38 phương tiện khai thác trái phép. Tuy nhiên, việc kiểm tra xử phạt của Phòng CSGT Đường thủy Nội địa chỉ dừng lại ở những vi phạm giao thông như quá tải trọng, chạy sai luồng tuyến. Việc khai thác cát và vận chuyển cát lậu lại thuộc thẩm quyền của Cảnh sát Môi trường. Trong khi đó, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Cần Thơ, do thiếu phương tiện nên mỗi lần kiểm tra phải đi nhờ CSGT. Mỗi lần kiểm tra chỉ được khoảng năm phương tiện. Hầu hết các phương tiện đều sai phạm. Tuy nhiên, do không có bến bãi và người trông coi nên không thể giữ phương tiện. “Sở TN&MT cấp phép khai thác cát nhưng không hề thấy tổ chức thanh tra, kiểm tra các phương tiện”, ông Thượng tá Lê Văn Chì, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, cho biết.

- Truy tố 5 cựu cán bộ Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ): Liên quan đến vụ sai phạm lập quỹ trái phép tại Nông trường Sông Hậu (cũ), Viện KSND huyện Cờ Đỏ vừa tống đạt cáo trạng truy tố năm cá nhân liên quan đến vụ sai phạm nghiêm trọng này. Đó là bà Trần Ngọc Sương - nguyên giám đốc nông trường, Trương Hồng Nhung - nguyên phó giám đốc, Đặng Thế Quốc Hưng - nguyên kế toán trưởng, Hoàng Thị Bình - nguyên kế toán và Nguyễn Văn Sơn - nguyên thủ quỹ. Trong thời gian từ 2003-2007, giám đốc và phó giám đốc nông trường đã lợi dụng chức vụ lập quỹ đen gần 9,5 tỉ đồng từ nhiều nguồn thu trong hoạt động của nông trường. Từ nguồn quỹ trái phép này, các đối tượng đã chi vô tội vạ như: chi sinh nhật, quà tết, mua sắm, kinh doanh bất động sản... với số tiền trên 4 tỉ đồng. Ngoài ra, vị giám đốc này còn chỉ đạo trả lương cho hai lãnh đạo nông trường đã chết trong thời gian dài với số tiền trên 320 triệu đồng.

- "Tôi đi kiểm tra, chỉ thấy… 2 con ruồi": GĐ Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM Đào Anh Kiệt nhận được khá nhiều chất vấn về mức độ ô nhiễm của bãi rác Đa Phước, mà theo ông khẳng định, đây là bãi rác có công nghệ chôn lấp "tốt nhất Việt Nam". “Không chỉ kiểm tra ban ngày mà chúng tôi còn kiểm tra ban đêm. Khi đi từ Phú Mỹ Hưng về bãi rác Đa Phước, tôi mở kính cửa xe thì không thấy mùi… Tôi không phủ nhận ruồi xuất phát từ bãi rác Đa Phước nhưng đã được giải quyết. Khi tôi đi kiểm tra, chỉ còn… 2 con ruồi”, ông Kiệt nói.

- 'Nếu giám đốc sở không có giải pháp, hãy để tôi': "Nếu Giám đốc Sở giao thông vận tải TP HCM chỉ trả lời chung chung, sẽ không giải quyết được các vấn đề về ngập nước, tắc đường... Để tôi đưa ra một số biện pháp khả thi", đại biểu Võ Văn Sen bức xúc trước phần trả lời chất vấn của lãnh đạo Sở Giao thông công chính. Đề cập sự trì trệ trong tiến độ thực hiện dự án, đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân minh chứng về con đường Lê Văn Lương đi qua xã Phước Kiểng, Huyện Nhà Bè bị trễ hạn 1 năm so với dự kiến. Lẽ ra, dự án phải hoàn thành xong trong tháng 7/2008 nhưng đến nay vẫn còn dang dở. "Xin tạ lỗi với hương hồn đồng chí Lê Văn Lương, con đường mang tên ông đã được người dân Nhà Bè gọi là đường "Thê Lương" vì xuống cấp trầm trọng", ông Xuân nói. Còn ông Lê Văn Trung tỏ ra bức xúc hơn khi con đường Tân Hóa đã bị bỏ quên gần 19 năm. "Yêu cầu sở trả lời chính xác có tiến hành hay không? Nếu có là khi nào?", vị đại biểu này gay gắt… Tỏ ra lúng túng, người đứng đầu ngành giao thông công chính TP HCM, Giám đốc Trần Quang Phượng ngập ngừng: "sẽ tiếp thu và hứa trả lời cụ thể bằng văn bản".

- Ô nhiễm 50 năm vì nhà máy xi măng trong khu dân cư: Từ trung tâm Hà Nội chạy xe khoảng 20km theo đường Láng - Hòa Lạc, ai cũng có thể nhìn thấy cảnh tượng cột khói của Nhà máy Xi măng Sài Sơn đang cuồn cuộn “nhả” lên trời. Bình thường là vậy nhưng mỗi khi có đợt gió tạt qua thì khói từ cột khói này bỗng dưng đổi hướng tràn sát xuống nhà dân. Nhà máy Xi măng Sài Sơn nằm trong khu dân cư thuộc thôn Khánh Tân (xã Sài Sơn, Hà Nội). Thôn Khánh Tân là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng khói bụi từ Nhà máy Xi măng Sài Sơn nên còn được gọi với cái tên “xóm bụi”. Khi mới bước chân vào thôn này, cảnh tượng mờ mờ của khói bụi và tiếng ầm ầm của nhà máy xi măng đang hoạt động khiến chúng tôi cảm thấy kinh hoàng. Thế nhưng, hơn 50 năm nay, người dân thôn Khánh Tân luôn phải sống chung với tình trạng này. Chị Vũ Thị H., một người dân đang sinh sống trong “xóm bụi” than vãn: “Chính khói, bụi của nhà máy đã gây ra rất nhiều bệnh liên qua đến hô hấp. Trẻ con trong làng luôn phải chịu cảnh ho hen kéo dài". Các thôn khác của xã Sài Sơn hàng ngày phải chịu cùng cảnh ngộ với thôn Khánh Tân là thôn Đa Phúc và Năm Trại. Nhưng hai thôn này mức độ ô nhiễm không nặng nề bằng thôn Khánh Tân. Tuy nhiên vẫn chưa có cơ quan chức năng nào vào cuộc để giải quyết tình trạng này.

- Vụ hối lộ 10 triệu đô la Úc in tiền Polymer: Úc tiếp tục điều tra, csVN tại Hà Nội vẫn im lặng. Công ty Securency của Úc bị cáo buộc đưa hối lộ tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vụ này gắn liền với con trai cựu Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, Lê Đức Thúy, người quyết định cho Việt Nam sử dụng tiền polymer của công ty Securency. Nơi đây chúng ta cũng đừng quên tên Huỳnh Ngọc Sỹ, Phó Giám đốc Sở Giao thông công chính với dự án Đại lộ Đông-Tây nhận tiền hối lộ của Nhật. Chỉ khi nào Nhật truy tố ông Sỹ thì csVN mới đủng đỉnh nhập cuộc.

- Hà Nội thiệt hại hơn 542 tỉ đồng do tham nhũng: Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng TP Hà Nội, năm 2008, Công an TP đã khám phá 24 vụ tham nhũng (tham ô tài sản; đưa, nhận hối lộ; lạm dụng chức quyền...). Tổng thiệt hại lên đến trên 542 tỉ đồng. 24 vụ việc này liên quan đến 45 đối tượng, trong đó 20 đối tượng tham ô tài sản, 3 đối tượng nhận hối lộ, 2 đối tượng đưa hối lộ, 11 đối tượng lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và 9 đối tượng lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Trong tổng số thiệt hại lên tới hơn 542 tỉ đồng, tính đến hết năm ngoái mới thu hồi được hơn 162 tỉ đồng, 70.907 USD và 2.750 euro. Ngoài ra, 38 vụ việc liên quan hành vi tham nhũng khác (cả cũ và mới) đang được thụ lý điều tra với 78 nghi can, tội danh chủ yếu là tham ô.

- Sửa đường kiểu “thủng đâu vá đó”: Theo lời của một dân cư kể như sau: Tôi là một trong những người dân cư ngụ tại P.12, Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Tôi rất bức xúc về việc sửa chữa đường Chu Văn An (P.12, Q.Bình Thạnh). Đây là một đoạn đường dài chừng 500 mét. Tôi chuyển về đây sinh sống được 10 năm thì đoạn đường này được sửa chữa cũng ngót nghét 10 lần, nhưng vẫn không được lắp đặt cống thoát nước. Người ta sửa đường theo kiểu “thủng đâu vá đó”… Chúng tôi là cư dân đô thị nhưng phải sống trong điều kiện mất vệ sinh trầm trọng: nước thải lênh láng ngoài đường, hẻm. Nhiều con hẻm thấp hơn đường, nước thải đọng thành ao.

- Chuyện quái đản về giấy mời tiệc chia tay tiễn lãnh đạo đi học 3 tháng tại quốc nội Tây Nguyên. Chỉ có thế mà giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Nông Sơn làm văn thư có con dấu đỏ chói như là một lệnh truyền mời mọi người đến dự tiệc (nhằm hưởng quà tặng của khách mang đến), trong khi đó Nông Sơn là huyện miền núi có tỉ lệ hộ gia đình đói nghèo gần 68 phần trăm. Đâu rồi chủ trương về tiết kiệm, chống lãng phí?

- Hồ Cao Vân là nguồn cung cấp nước cho thị xã than Cẩm Phả, thành phố Hạ Long, huyện đảo Vân Đồn - những trung tâm công nghiệp, du lịch văn hóa của tỉnh Quảng Ninh. Hiện, hồ bị ô nhiễm nặng và cạn dần khiến lòng dân không yên. Chỉ ba, bốn năm than “thổ phỉ” hoành hành, hàng ngàn hecta rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh xanh tốt ngút ngàn tại các xã Quang Hanh, Dương Huy… bị chặt phá tanh bành. Đồi núi bị đào bới toang hoác, đất đá trút xuống ngổn ngang, xe vận tải chở than đủ các loại khuấy đảo, gầm rú suốt ngày đêm, tạo ra những đường hào ngang dọc, lầy lội khủng khiếp, như bãi bom B52 hủy diệt khổng lồ! … Nhưng chỗ này san lấp, chỗ kia lại đào bới. Lán cũ vừa phá, hôm sau lại mọc lên lán mới…

- Cần đến 63 năm cầm quyền nhà nước VN mới nghĩ ra cách giáo dục nhân viên của mình: Cảnh sát giao thông phải nói “cảm ơn” sau khi thực thi nhiệm vụ. Nội dung trên vừa được đưa ra qua thông tư 27/2009/ TT- BCA, của Bộ Công an về quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ (CSGT). Khi kiểm tra xe khách, trường hợp không phát hiện vi phạm, CSGT cũng phải thông báo với lái xe, các hành khách và nói: “Cảm ơn ông bà... đã giúp đỡ lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ”. (Sic!)

- Nắng nóng là điện mất: Nóng nực trở lại từ ngày hôm qua (19/6) đã ngay lập tức kèm theo sự cố mất điện. Những người dân Hà Nội sống tại các điểm nóng quá tải thấp thỏm lo âu trước kịch bản cứ nắng nóng là điện mất! Mấy ngày qua, các tuyến phố Hà Nội như Xã Đàn 2, Tôn Thất Tùng, Yên Hòa (Cầu Giấy), Khương Thượng... mất điện liên tục. Trời nóng hầm hập, buổi tối, người dân kéo nhau ngồi la liệt vỉa hè, phành phạch quạt tay. Đêm về, họ ngủ vạ vật ngoài hè hay ban công. Những nhà có trẻ con, người lớn thay nhau quạt, bế, lau mồ hôi, xách quần áo, chai nước… Song, trên website của Cty Điện lực Hà Nội cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, không thấy bất cứ một dòng thông báo nguyên nhân hay xin lỗi của Cty này gửi các khách hàng của họ. Chúng ta cũng không quên được câu nói về mùa mưa: „Cứ mưa là những con đường trở thành dòng sông“.

- Không thể “ngập do trời”: Báo cáo của TP.HCM về nguyên nhân ngập nước do diễn biến bất thường của thời tiết không được ĐB Nguyễn Văn Hiệp đồng tình. Ông nói cái chính là công tác dự báo lưu lượng mưa, giám sát đầu tư các dự án “có vấn đề” khiến hệ thống thoát nước bị tắc nghẽn. Ông đề nghị bỏ cụm từ này trong báo cáo vì lâu nay khi tiếp xúc cử tri luôn đặt câu hỏi: trách nhiệm cơ quan chức năng đâu không thấy nhưng rốt cuộc lại đổ lỗi do ông trời? Theo ĐB Phạm Minh Trí, nếu nói ngập tại trời mưa, kẹt xe do xe nhiều thì cuối cùng trở thành... huề vốn.

- Doanh nghiệp VN thua đau bởi hàng Trung Quốc giá rẻ. Bà Phạm Chi Lan một chuyên gia kinh tế nhận định: Những ngày gần đây, tôi thực sự thấy rất bứt rứt, sốt ruột và đau lòng vô cùng về hàng chất lượng thấp của nước ngoài, đặc biệt là của Trung Quốc tràn vào VN. Không những nó làm hại cho người tiêu dùng mà còn làm hại cho nền sản xuất VN ở mức độ rất to lớn… Tôi rất lo sợ do chúng ta thiếu sự chuẩn bị thì có thể trong cuộc chơi mới, chúng ta háo hức hòa nhập với mong muốn chiến thắng, nhưng lại thua trong quá trình hội nhập ở mặt này hay mặt khác, kể cả trên sân nhà”.

- Không tự nguyện hiến đất sẽ bị (cướp) giải tỏa trắng: Những ngày qua, nhiều người dân ở thị trấn Tân Trụ (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) rất bức xúc chuyện UBND huyện Tân Trụ bắt dân phải tự nguyện hiến trên 22 tỉ đồng (quy đổi từ giá trị đất bị giải tỏa) để mở rộng, nâng cấp 2,3 km tỉnh lộ 833 đi qua thị trấn Tân Trụ. Nếu ai không tự nguyện hiến đất sẽ bị giải tỏa trắng theo chỉ đạo của tỉnh. Ông Nguyễn Văn E kể: “Mấy ông ở huyện, thị trấn đến nhà kêu tui phải tự nguyện hiến 250m2 đất mặt tiền để làm đường. Tui không đồng ý, vậy mà mấy ổng vẫn cứ ngang nhiên cho thi công”. Theo ông E, chỉ tính giá đất 1,3 triệu đồng/m2 theo bảng giá đất năm 2009 của tỉnh Long An đối với đoạn đường này, số đất của ông tương đương với 325 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Ngọc, người cùng xóm với ông E, nói: “Gia đình tôi có hơn 800m2 đất, vậy mà mấy ổng kêu hiến không 215m2”. Người dân cho biết, huyện muốn 166 hộ dân trên đoạn đường này phải tự nguyện hiến đất, nếu ai không chịu sẽ bị giải tỏa trắng. Có lẽ, sợ bị giải tỏa trắng nên một số hộ ký tên vào danh sách “tự nguyện” hiến đất, nhưng vẫn ghi câu “thòng”: “Nếu sau này có bồi thường thì phải bồi thường cho tôi”. Ông Nguyễn Thanh Chánh, bí thư Huyện ủy Tân Trụ, khẳng định: “Huyện, thị trấn Tân Trụ làm như thế là đúng theo tinh thần quyết định 883 ngày 1/4/2004 của tỉnh. Nếu vận động mà dân không tự nguyện hiến đất thì phải giải tỏa trắng”.

- Philippines „bác lệnh“ cấm đánh cá của Trung Quốc: Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Orlando ercado hôm 11/6/2009 bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về một lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài 2 tháng từ 1/6 - 31/7 tại Biển Đông và nói Bắc Kinh trước tiên cần phải cấm đánh bắt cá bằng chất Xyanua nếu thực sự nghiêm túc trong chiến dịch bảo vệ các nguồn tài nguyên biển. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nhấn mạnh lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc sẽ không có hiệu lực đối với ngư dân nước này. Ông cũng tố cáo mạnh mẽ: "Chúng tôi đang đánh bắt cá trong vùng lãnh hải của chúng tôi. .. Họ (TQ) mới chính là người xâm phạm lãnh thổ của chúng tôi". Đấy mới là tiếng nói yêu nước chân chính để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Còn VN thì sao? csVN chỉ biết thỏ thẻ kiểu con thỏ run rẩy trước miệng rắn như Bộ Ngoại giao Việt Nam đã "đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản trở hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam". Nơi đây thế giới tự do nhận thức được sự khác biệt rõ ràng về từ ngữ ngoại giao „bác lệnh“, „bác bỏ“, „không có hiệu lực“ là những lời mạnh mẽ và tỏ thái độ quyết liệt với đôi phương, còn từ ngữ „đề nghị“ đúng là phát xuất từ cửa miệng của một kẻ tôi đòi hoặc hèn nhát. Chính vì thế theo tin ngày 21-6-2009 lực lượng tuần tra Trung Quốc không thèm để ý đến „kẻ đề nghị“ lãi ngang nhiên bắt thêm 3 tàu cá gồm 37 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi khi các tàu này đang đánh cá bình thường tại khu vực vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thuộc chủ quyền của „kẻ đề nghị“. Trái ngược lại Philippines đã có lần anh dũng bắt giữ các tàu cá của Trung Quốc khi lấn vào hải phận của họ. Một nỗi nhục đang được bếu xấu dân tộc VN trên xa lộ thông tin, xin hãy xem tin mới nhất của Tàu bắt thuyền đánh cá VN trong You Tube do bọn phóng viên „bên lề phải“ của Tàu cộng tuyên truyền phát đi để cho thế giới thấy VN phạm pháp ngay trong hải phận của mình. Hình ảnh người ngư dân chấp tay lạy lục bọn giặc phương Bắc làm đau lòng cho những ai có lòng ái quốc, còn giai cấp đảng chỉ biết né tránh gọi bọn Tàu là những „thuyền lạ nước ngoài“ mà thôi để tránh làm mất lòng người anh lớn cũng là ông chủ của bọn chúng: http://www.youtube.com/watch?v=P9kPsRhG37U&eurl=http%3A%2F%2Ftinparis.net%2Ftinvn09%2F2009_07_07_TinVN.html&feature=player_embedded

- Vừa thông xe đường hầm Kim Liên, Hà Nội đã ngập nước thành sông: Sáng 16/06/2009, sau gần 3 năm thi công với tổng mức đầu tư 467 tỷ đồng, hầm cơ giới nút giao thông Kim Liên (Hà Nội) đã chính thức thông xe. Tuy nhiên chỉ sau 2 tiếng, đường hầm đã phải đóng cửa vì bị ngập nước mưa. Đến 14h chiều nay, hầm mới thông xe trở lại. Được biết, hầm bị ngập nước trong cơn mưa bất ngờ sáng nay là do hệ thống bơm thoát nước vẫn chưa đi vào hoạt động. Dự án nút giao thông Kim Liên được thai nghén từ 9 năm trước đây. Hầm cơ giới tại nút giao thông Kim Liên là hầm chui cơ giới đầu tiên tại Hà Nội. Chiều dài đường hầm 644m, rộng 18,5m m, chiều cao trong hầm 6,25m. Trong tổng chiều dài hầm có 140m hầm kín, 405m hầm nổi và 99m đường dẫn.

- „Bệnh giả dối đang trở thành quốc nhục“, đó là nhận định của giáo sư Hoàng Tụy, nhà toán học số một của Việt Nam nói vệ hệ thống giáo dục VN: Sự giả dối hiện nay đang có nguy cơ trở thành nỗi nhục trong khi truyền thống dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc giả dối. Ngành giáo dục càng không thể là ngành giả dối. Thế nhưng đã có hơn một nhà khoa học nước ngoài nói thẳng với tôi rằng, điều thất vọng lớn nhất mà ông ta cảm thấy là sự giả dối đang bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở các tầng nấc (của VN).

- Sân golf và cây lúa: Theo thống kê của bộ Tài nguyên và môi trường, trong vòng 5 năm (2001 – 2005), diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị biến thành đất phi nông nghiệp là 366.000ha. So với những năm 70 của thế kỷ 20 đất nông nghiệp từ 9 triệu hecta nay chỉ còn 4,2 triệu hecta! Theo thông tấn xã Reuters, các sân golf đang “xé nát những cánh đồng lúa” ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Dĩ nhiên cụm từ “sân golf” được hiểu là tốc độ đô thị hoá ào ạt, thiếu kế hoạch, thiếu tầm nhìn. Một nhà khoa học mới đây nhận xét: “Việt Nam phát triển nhưng nông thôn vẫn lạc hậu, nông nghiệp cực kỳ bấp bênh và nông dân thì thua thiệt đủ đường”. Thí dụ chỉ riêng cho sân golf Vân Trì, Hà Nội được cấp phép thuê 128ha đất từ năm 1995 nhưng “treo” mãi cho đến gần đây mới được “động đậy”. Hơn 10 năm, 128ha đất đó không hề sinh lợi một đồng nào, trong khi 93/128ha là đất “bờ xôi ruộng mật” của lúa (!). Không chỉ vậy, chỉ trong hai tháng 4 và 5.2009, UBND TP Hà Nội đã hai lần gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị được lấy đất sân golf Vân Trì cho tập đoàn Noble Việt Nam xây 100 biệt thự với 100 triệu USD đầu tư! (?). Đường đi vòng vèo của cây lúa tới sân golf rồi đi tiếp đến các biệt thự là sự cài cắm lợi ích nhóm khó biện minh. Bản thân sân golf không có lỗi, nhưng nếu một nước nghèo như nước ta mà có đến 144 sân golf thì quả là điều khó hiểu. Khó hiểu hơn nữa là “biệt thự hoá” sân golf một cách ngang nhiên, bất chấp quy hoạch dài lâu. Các nhà khoa học cho rằng: Sân golf là một "trò chơi tốn đất", bởi diện tích bình quân của mỗi dự án hiện nay là 203ha, nhưng cả nước mới chỉ có khoảng 5.000 thành viên chơi golf, chưa đến một nửa số này chơi thường xuyên - mà trong đó chỉ khoảng 10% là người Việt Nam.

- Lâm tặc vào chặt phá vườn quốc gia Vũ Quang như... đi chẩy hội: Từ những lời kể về thực trạng ở Vườn Quốc gia (QG) Vũ Quang của một số người dân sống ở đây, chúng tôi đã tìm đến và chứng kiến những cảnh tượng thật đau xót. Những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá trở thành bụi rậm, còn lâm tặc ngang nhiên vào rừng phá rừng vận chuyển gỗ về… Từ xóm 4, xã Hoà Hải (Hương Khê, Hà Tĩnh) chúng tôi cắt rừng, tìm dấu vết phá rừng của lâm tặc để lại. Men theo sông Rào Nổ đã thấy bè gỗ nối nhau trôi theo sông, trâu kéo gỗ nối nhau đi hai bên bờ. Càng lên thượng nguồn con sông, tiếng máy cưa gầm rú inh ỏi giữa rừng sâu, đã có nhiều cánh rừng bị triệt hạ. Theo nhiều người dân ở đây cho biết, cách đây không lâu thì cứ vào chiều tối, gỗ lại được thả trôi về trắng cả một khúc sông… Để có thể vận chuyển được qua trạm kiểm lâm ở Hoà Hải thì phải làm luật. Thông thường mỗi bê gỗ được ấn định tiền luật là 70 nghìn đồng, nếu loại gỗ tạp, ít giá trị thì có thể ít hơn. Cây rừng được đưa về khi trời tối hoặc tờ mờ sáng. Theo những lâm tặc thì chuyện khai thác gỗ trong rừng Vũ Quang đã diễn ra nhiều năm nay. Nhiều người dân từ từ chỗ làm ruộng đã chuyển sang làm gỗ vì lợi nhuận cao hơn. Đến hiện nay thì nhiều loại gỗ quý hiếm đã “sạch bóng”. Nhiều người dân ở xã Hoà Hải nói rằng họ thường gặp cảnh tượng cứ đến chừng chiều tối, gỗ từ trên thượng nguồn sông Rào Nổ “chảy” về làm trắng cả khúc sông qua xóm 4. Rồi sau đó, số bè gỗ trên không biết bằng cách nào đó đã được đi qua khu vực Trạm kiểm lâm ở xã Hoà Hải một cách khá dễ dàng. Con đường chính dẫn vào Vườn QG Vũ Quang về đêm đã trở thành con đường của lâm tặc. Khi đêm đến, cảnh xe tự chế, xe khách 12 chỗ lột hết ghế chở gỗ ngang nhiên “qua mặt” các lực lượng chức năng.

- Ăn gì cũng sợ ngộ độc, ung thư: đây là nhận định của đại biểu Đào Xuân Nay (Bình Thuận), khi Quốc hội đã dành trọn ngày 10-6 để thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tâm trạng lo lắng chung nhất của người dân hiện nay là ăn cái gì cũng sợ ngộ độc, sợ ung thư. Nguyên nhân của “căn bệnh” là quản lý kém, chồng chéo trách nhiệm lên nhau…, tức là luật pháp đã bị vô hiệu hoá một cách tự nhiên.

- Trên 5.000 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại Hà Nội. Đây là kết quả sơ bộ từ 15/4 - 15/5 sau khi lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cùng các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra trên 20.000 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chế biến hàng thực phẩm, ăn uống trên cả nước. Chẳng lạ gì khi hàng ngày vẫn có hàng trăm bệnh nhân bị nhiễm trùng tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm phải nhập viện trên toàn quốc.

- Lao động Trung Quốc "làm chui" ở công trường Công Thanh: 200 lao động phổ thông người Trung Quốc vừa bị thanh tra lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai phát hiện là "lao động chui" tại công trường xây dựng nhà máy xi măng Công Thanh huyện Nhơn Trạch. Mức xử phạt là 5 triệu đồng/người và buộc phải hồi hương. Chúng tôi vẫn thấy thấy khá nhiều công nhân Trung Quốc cưỡi xe máy hoặc đi bộ trên đường dẫn đến các quán cafe, quán nhậu. Có khoảng 5.700 lao động nước ngoài đang làm việc tại Đồng Nai, trong quá trình thanh tra, Sở LĐ&TBXH đã phát hiện 1.960 trường hợp lao động “chui”- Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai. Thượng tá Nguyễn Vân Anh - Trưởng phòng xuất, nhập cảnh Công an TPHCM cho biết, nếu đối chiếu thủ tục xuất nhập cảnh thì việc cấp thị thực cho người nước ngoài rất dễ nhưng khi đối chiếu với những quy định khác về lao động nước ngoài thì hai quy định này chọi nhau. Theo ông, vì thế việc cấp thị thực cho lao động nước ngoài tại Việt Nam giống như tình trạng thả gà ra đuổi.

- Tái định cư ở dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm: Mịt mù cho 12.500 căn hộ. Đã hơn một năm rưỡi kể từ khi Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải chỉ đạo gấp rút xây 12.500 căn hộ tái định cư (TĐC) khi xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT), đến nay người dân bị giải tỏa vẫn chưa biết căn hộ của mình sẽ như thế nào. Nhưng đến sáng 25/6/2009, có mặt tại hai lô đất đã khởi công xây chung cư, chúng tôi nhận thấy bên lô đất có treo bảng dự án trên hoàn toàn im ắng và cỏ vẫn mọc đầy, lô đất cách đó hơn 100 m thì đang trong giai đoạn ép cọc!? Những dự án khác liên quan tái định cư KĐTMTT như dành gần 70 ha ở phường Bình Khánh, 2.000 nền tại Bắc Rạch Chiếc... đến giờ vẫn chưa khởi công. Ông Nguyễn Cư, Phó Chủ tịch UBND Q.2 từng khẳng định, chính quyền sẵn sàng đáp ứng nhu cầu TĐC của bà con tại 12.500 căn hộ TĐC. Nhưng cả ông Cư và Ban Bồi thường và Giải phóng mặt bằng Q.2, Ban Quản lý KĐTMTT… đều không trả lời được câu hỏi khi nào có căn hộ TĐC và giá một mét vuông là bao nhiêu.

Nơi đây được nhắc thêm về các cơ sở tôn giáo vùng Thủ Thiêm: Mấy năm gần đây, Bí thư Thành uỷ Lê Thanh Hải và các cán bộ tham nhũng của TP HCM, đã xé nát quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm, giải toả trắng các hộ gia đình đang định cư ở đây và âm mưu chiếm luôn phần nhà đất tôn giáo gồm có Giáo xứ Thủ Thiêm đã được thành lập từ 150 năm nay, đây là một trong vài giáo xứ cổ kính nhất của Tổng giáo phận Sài Gòn. Và Tu viện Mến Thánh Giá Thủ Thiêm được thành lập từ 169 năm nay, đây cũng là tu viện cổ kính nhất và xinh đẹp nhất Sài Gòn. Cha xứ Thủ Thiêm cho biết: Ngài phản đối việc giải toả nhà thờ Thủ Thiêm và ngài quyết tâm sống chết với nhà thờ giáo xứ này. Hơn 400 nữ tu MTG đồng lòng không di dời.

- Chủ nghĩa trách nhiệm là „đá bóng“ xuống địa phương: Đại biểu Lê Văn Cuông, Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa đã "chấm điểm" kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc vào tháng 6 như sau với câu hỏi: Vậy đặt ra chuyện hậu giám sát sau mỗi kỳ họp để làm gì nếu tất cả những vấn đề nóng trên diễn đàn Quốc hội đã không được làm rõ đến nơi đến chốn? ĐB địa phương, ngoài những người vì khả năng, điều kiện có hạn, còn một số khác là lãnh đạo mà quyền lợi gắn với địa phương nên né tránh, ngại đụng chạm. Có nắm được vấn đề cũng không dám truy đến cùng. Một là đứng ngoài cuộc, hai là chỉ nêu nhẹ nhàng, kiểu nói ra cho biết, còn truy đến cùng thì rất hiếm. Có những người dám lại không nói được vì nếu không nắm vấn đề thì đôi khi đuối lý và thua cuộc. Trong khi lẽ ra phải giao trách nhiệm rõ ràng, phân công ai giám sát, kèm theo cơ chế báo cáo, xử lý và đưa ra QH xem xét. Cứ hô hào chung chung, ai tự giác thì làm không thì thôi. Vẫn như thế này thì đến hết nhiệm kỳ sau cũng thế thôi. Chỉ là những lời kêu gọi mang tính cổ vũ. Có người muốn được làm nhưng không ai giao cho, hoặc lại nghĩ không giao mà dính vào thêm mệt. Như kỳ này, QH báo cáo kết quả giám sát về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng có làm rõ được trách nhiệm của ai hay xử lý thế nào đâu, cũng chỉ là cảnh báo. Vẫn theo một truyền thống là sao chép văn bản, kiến nghị chung chung rồi thực hiện hay không cũng không có đánh giá quy trách nhiệm.

- Về những nổi cộm vĩ mô thì „Bộ trưởng cứ ghi nhận... rồi vậy thôi“: Đại biểu Lê Văn Cuông cho thấy sự tê liệt của các quan lớn, khi các đại biểu nêu bức xúc đòi hỏi Chính phủ khắc phục các khó khăn như sân golf, điều hành xuất khẩu gạo, khai thác bôxít Tây Nguyên, lãng phí đất công... Các Bộ trưởng cũng nói chung chung là ghi nhận, quan tâm, sắp tới cũng sẽ như thế này, thế kia... rồi vậy thôi!

- Tình trạng vô chính phủ từ cấp địa phương: Những việc nổi cộm như đất đai, sân Golf vẫn chưa đi được đến cùng? Cũng theo đại biểu Lê Văn Cuông trả lời cho câu hỏi: quanh chuyện sân golf, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói rất đúng về việc bùng nổ do phân cấp cho địa phương. Nhưng phân cấp mà lại không có cơ chế quản lý thì sẽ dẫn đến tình trạng vô chính phủ (như hiện nay). Đúng như vậy! Nhiều “đầy tớ của dân” thời gian qua lợi dụng chức quyền chiếm đất đai hoặc ban phát cho người thân. Họ bưng bít thông tin, không công khai những việc làm của mình. Có thể nói, thời gian qua, ở bất cứ địa phương nào cũng có chuyện tham nhũng về đất đai khiến quần chúng bức xúc: Đồ Sơn, Hóc Môn, Khánh Hòa, hay Tam Đảo... Thêm vài ví dụ cụ thể: vụ cấp đất sai nguyên tắc ở Phú Quốc cho thấy được mức độ nghiêm trọng khủng khiếp về diện tích đất đai của việc tùy tiện sử dụng tài sản quốc gia. Đã phải thu hồi toàn bộ các lô đất rừng phòng hộ rộng 744.000m2 ở khu vực Bãi Vòng, xã Hàm Ninh; 408.000m2 đất rừng ở khu vực cây số 10, xã Dương Tơ; 38 lô đất cấp cho cán bộ tỉnh, huyện ở ấp Vũng Bầu, xã Cửa Cạn... Vụ án Nguyễn Đức Chi và khu nghỉ dưỡng Rusalka, những dự án đầu tư vào Bãi Dài - bắc bán đảo Cam Ranh hay tại Vườn Dừa - Sông Lô cũng là những dẫn chứng về tình trạng vô chính phủ ở cấp địa phương. Nạn nhân của các vua con địa phương là những gia đình nghèo đói bị cưỡng bách phải di dời, không còn đất đai canh tác nuôi sống cho mình và gia đình.

Kết luận: Khi cần thiết để bênh vực cho giai cấp đảng csVN thì một tên nào đó ba hoa chích chòe trên báo chí, tìm những từ ngữ nhằm mê ngủ người dân, như một lần Nguyễn Tiến Dũng đã lên giọng cương quyết: “Tôi xin nói suy nghĩ riêng của mình. Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực, ghét nhất, giận nhất là sự giả dối!”, đó là tâm niệm cá nhân, tin là sự chân thành đi, nhưng lời nói và thực hành đã cách xa hàng vạn dặm đối với tư cách của ông Dũng. Rồi độc giả có dịp nhớ thêm tâm tình của Lê Khả Phiêu, khi còn là Tổng Bí thư của giai cấp đảng dịp nhắc về tệ nạn tham nhũng: “Công cuộc phòng chống tham nhũng của chúng ta có kết quả, có răn đe song chưa triệt được tận gốc. Mà chưa triệt tận gốc thì nó lại xì chỗ này, chỗ khác và xì trầm trọng hơn. Trầm trọng hơn ở chỗ: tham nhũng không phải một người mà trở thành đường dây từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Mình trị chỗ này, chỗ này chựng lại một chút; trị chỗ kia, chỗ kia chựng một chút. Nhưng số tinh vi đông hơn nhiều, nó che chắn thành dây, mình khó phát hiện”.

Ồ! Ở điểm này, có lẽ đồng chí Phiêu thật thà hơn vị thủ tướng một chút ít vì dám đụng chạm vào vết ghẻ lây lan tham nhũng bất trị của giai cấp đảng csVN: „Tham nhũng không phải một người mà trở thành đường dây từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới… nó che chắn thành dây, mình khó phát hiện”. Chúng ta hiểu rõ rằng tham nhũng ở VN bắt đầu từ những dây mắt xích được quyện chung thật dài với nhau của giai cấp đảng từ đồng chí lãnh đạo Nông Đức Mạnh đến Dũng, Triết, Phiêu, Mười, Lương, Khải, Duyệt, Sang, Cầm, Trọng, Trà, Nghị… kéo chằng chịt đến các quan dưới địa phương như ở Đồ Sơn, Hóc Môn, Khánh Hòa, Tam Đảo, Sông Hậu hay tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An hoặc ở vườn quốc gia Vũ Quang.

Công tâm nhận định chưa có quốc gia nào có sự tương phản về giàu nghèo đến mức kinh hoàng quá nhanh chóng như ở VN, nhất là nhìn vào quyền lợi và tài sản của 3 triệu đảng viên. Của chìm của nổi của họ kể đâu cho hết. Có thể nói cứ mỗi một dự án kinh tế, xây dựng, nhà đất là có sự chấm mút của từng đứa to xuống đứa bé, từ địa phương lên đến trung ương. Một ví dụ qua cửa miệng của ông Lê Khả Phiêu khi còn giữ chức vị Tổng bí thư đảng csVN trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ số báo ra ngày 25-5-2005: „Có người đến với mình với động cơ cầu thị, trong sáng như xin ý kiến để thực hiện công việc được tốt hơn. Song cũng có người đến với động cơ không trong sáng, muốn tìm chỗ nương tựa hay tiếp tay gì đó. Mình phải hết sức cảnh giác. Phải luôn răn mình là đầy tớ của dân. Tôi nói thật có chuyện họ đến biếu tiền, 5.000, 10.000 (đô la mỹ) chứ không ít đâu… Lúc tôi còn thường trực (Thường trực Bộ Chính trị -PV) đã có rồi, lúc làm tổng bí thư càng có (nhiều hơn nữa). Đối với tôi, họ đến đút tiền không dám đưa thẳng đâu. Thường là có bó hoa xong để cái gói trên bàn rồi về. Mở ra thấy có năm nghìn, mười nghìn tôi gọi anh Hoan (ông Trần Đình Hoan, khi ấy là chánh Văn phòng Trung ương Đảng - PV) và cậu Dần (ông Nguyễn Giáp Dần - thư ký nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu - PV) lên, nói: “Cái này của ông A, ông B... Giao các cậu mời các ông đó lên xem thái độ thế nào. Tại sao lại có phong bì thế này? Đồng chí tổng bí thư nhắc như thế là không được, từ nay trở đi không được làm thế”. Vậy mà có ông trả lời rằng “đồng chí Phiêu không nhận thì tôi xin biếu các anh”. Cả cậu Dần, anh Hoan về báo cáo lại tôi. Thế thì không được rồi. Tôi phải gọi lên cảnh cáo.“

Đấy chỉ là một cảnh vén màn rất bé nhỏ để một tia sáng yếu ớt rọi vào hậu trường chính trị tham nhũng của đảng csVN mà bí thư Phiêu lỡ miệng khai ra cho bàn dân thiên hạ chiêm ngắm. Còn muôn vàn bì thư chuyền đi trong tăm tối của 63 năm nay có thể lên đến một con số không hề tính ra hết được. Nếu dân gian đồn thổi rằng những tay đầu nậu nắm quyền tại trung ương Hà Nội đang ngồi trên núi đô la của tiền triệu, tiền tỷ Mỹ kim thì cũng có thể tin được đấy. Cũng không lạ gì khi người dân búc xúc được biết về số tiền hối lộ khủng khiếp của PMU 18 và của Huỳnh Ngọc Sỹ. Câu chuyện mới nhất vào ngày 17/4/2009 về chị hai của đương kim thủ tướng Dũng, bà Hai Tâm với nguồn lợi về đất đai vườn cao su vẫn còn rân ran tại Bình Dương vì một người thân của đương kim thủ tướng đã bị “áp giải ra khỏi hiện trường” khi chính quyền huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương tiến hành cưỡng chế thu hồi hơn 280ha cao su còn lại ở xã An Tây để làm khu công nghiệp vào tháng tư vừa qua. Khu đất này quy ra tiền để đâu cho hết!

Ký giấy cho phép giặc Tàu phương Bắc vào khai khẩn bô-xít tại Tây Nguyên là cùng lúc đồng chí thủ tướng Dũng rủng rỉnh bỏ vào túi riêng 150 triệu đô la Mỹ qua con đường chuyển nạp vào hệ thống kinh doanh của gia đình thủ tướng Dũng, không biết điều này đúng hay là tin đồn vu oan thất thiệt?

Điều khôn ngoan quỷ quyệt của giai cấp đảng csVN là bên ngoài khuôn mặt rất liêm minh và còn ra vẻ cần kiệm nữa nhưng chúng ta có thể để ý đến người thân của họ thì mới thấy những gia tài kếch sù hàng chục, hàng trăm triệu đô sờ sờ trước mắt: các cổ phần lớn nhỏ trong địa ốc, khách sạn, sân golf, các loại resort nghỉ hè thượng hạng, ngân hàng, kinh doanh, thầu khoán xây dựng mặt đất, trên không dưới biển, điện lực, dầu khí, khoáng sản… Chỉ một điều rất đơn giản về quy tắc làm ăn của giai cấp đảng csVN là không cho chúng tao góp cổ phần hoặc chia chác vào các dự án thì chúng mày chẳng bao giờ có phép tắc cho công việc đó.

Khi nào người dân Việt Nam mới thực sự hưởng được nền tự do dân chủ như người Đức hiện tại, không phải lo bị đàn áp, không bị quan lại hành chánh vòi vĩnh ngửa tay xin tiền? Nơi đây người Đức được hưởng quyền lợi hiến pháp và luật pháp ngang nhau cho dù là người nông dân hay tổng thống. Nơi đây không có cảnh quan to cúi đầu chịu nhục với nước “đồng chí nhớn” nhưng lại hống hách đe dọa bỏ tù người dân nước mình vì có tinh thần yêu nước chống đối sự xâm lăng của ngoại bang.

Người dân Đức ngày nay sống trong một xã hội tiên tiến xem như hoàn toàn đối nghịch và tưởng chừng là kẻ thù truyền kiếp của giai cấp đảng csVN, thế vậy các cậu ấm cô chiêu của giai cấp đảng csVN xoành xoạch đi qua đi lại nơi chốn này để hưởng thụ mua sắm từ những đồng tiền hối lộ dơ bẩn. Cực kỳ phản động hơn thế nữa khi cô „con gái rượu“ của thủ tướng Dũng đã biết tìm bãi đáp thật an toàn bên người chồng Việt kiều tại Mỹ, một nơi bọn csVN đã từng nguyền rủa và đánh cho giặc Mỹ bỏ chạy lấy thân, tuy vậy có thể ông bố biết nhìn xa chuẩn bị cho hậu sự sau này khi bị thất sủng và cũng có thể chính tư bản Mỹ sẽ là lô cốt đảm bảo nhất để cất giấu đồng tiền hối lộ của gia đình thủ tướng Dũng.

Thật buồn cho quê hương Việt Nam dịp 2009 nhìn vào cuộc kỷ niệm 20 năm chủ nghĩa cộng sản tàn ác vô luân tại Đông Đức và toàn Đông Âu đã bị phá sản hoàn toàn!