Chương trình đào tạo tông đồ giáo dân - Khoá I.2003

Đề tài 13

Đời sống cầu nguyện của Kitô hữu

I. Tiếp cận vấn đề

Mỗi tổ trao đổi với nhau về một trong năm câu hỏi sau đây:

1.1 Anh chị có thấy tôn giáo nào mà không có việc thờ cúng, khấn vái, cầu kinh không? Tại sao vậy?
1.2 Anh chị thấy những người theo đạo Ông Bà và các tín đồ Phật giáo cầu nguyện như thế nào? Anh chị có biết tại sao họ cầu nguyện như thế không?
1.3 Đại đa số giáo dân Việt Nam cầu nguyện như thế nào? Anh chị cho biết tại sao họ cầu nguyện như thế?
1.4 Theo anh chị thì giáo xứ của anh chị đã quan tâm đủ đến việc huấn luyện cầu nguyện cho giáo dân chưa? Giáo xứ cần phải làm gì hơn nữa trong công tác Mục vụ quan trọng này?
1.5 Anh chị đã tham dự một khóa huấn luyện về cầu nguyện nào chưa? Nếu đã có tham dự, thì xin cho biết ích lợi của khóa huấn luyện ấy? Còn nếu chưa, thì cho biết tại sao?

II. Học hiểu giáo lý

Người Công giáo thừa kế một truyền thống cầu nguyện ngàn đời từ Cựu Ước. Cầu nguyện là một phần rất quan trọng và không thể thiếu trong đời sống Kitô hữu, như Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo đã xác định:
"Mầu nhiệm đức tin thật cao cả. Hội Thánh tuyên xưng mầu nhiệm đức tin trong kinh Tin Kính và cử hành trong phụng vụ Bí tích để đời sống người Kitô hữu nên đồng hình đồng dạng của Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần nhằm tôn vinh Thiên Chúa Cha. Người tín hữu phải tin, cử hành và sống mầu nhiệm đức tin trong tương quan sống động và thân tình với Thiên Chúa hằng sống và chân thật. Cầu nguyện giúp người tín hữy sống tương quan này" (GLHTCG, 2558).

2.1 Thế nào là cầu nguyện Kitô giáo?

"Đối với tôi, cầu nguyện là sự hứng khởi của tâm hồn, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là lời kinh trị ân và yêu mến giữa cơn thử thách cũng như lúc tâm hồn hân hoan." (Thánh Têrêxa Hài Đồng, tự truyện)
* Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên Chúa hay cầu xin Người ban cho những ơn cần thiết. Khi cầu nguyện, chúng ta bắt đầu với tâm tình nào? Với lòng kiêu hãnh và ý riêng ta hay với tâm tình khiêm nhườg và thống hối 'thẳm sâu' (Tv 130,14)? "Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (x.Lc 18,14). Khiêm nhường là tâm tình phải có để đón nhận được ơn cầu nguyện: trước mặt Thiên Chúa, con người chỉ là kẻ van xin (Thánh Âutinh). (GLHTCG, 2559).
* Cầu nguyện là giao ước:"Khi cầu nguyện, người Kitô hữu sống tương quan giao ước với Thiên Chúa trong Đức Kitô. Kinh nguyện vừa là hoạt động của Thiên Chúa vừa là hoạt động của con người, phát xuất từ Chúa Thánh Thần và từ con người. Kinh nguyện hoàn toàn hướng về Chúa Cha, nhờ hiệp nhất với ý chí nhân trần của Con Thiên Chúa làm người" (GLHTCG, 2564).
* Cầu nguyện là hiệp thông: "Trong Giao Ước Mới, khi cầu nguyện, người tín hữu sống tương quan sinh động của con cái Thiên Chúa với Người Cha nhân lành vô cùng của mình, với Con của Người là Đức Giêsu Kitô và với Chúa Thánh Thần. Hồng ân Nước Trời là "sự kết hợp của Ba Ngôi Chí Thánh với toàn thể tâm linh con người" (Thánh Grêgôriô thành Naz). Sống đời cầu nguyện là luôn hiện diện trước tôn nhan Thiên Chúa Chí Thánh và hiệp thông với Người. Sự hiệp thông đời sống này lúc nào cũng có thể thực hiện được, vì chính nhờ Bí tích Thánh Tẩy chúng ta đã được nên một với Đức Kitô (x. Rm 6,5). Lời cầu nguyện mang đặc tính Kitô giáo khi được hiệp thông với lời cầu nguyện của Chúa Kitô và được triển khai trong Hội Thánh là Thân Thể Người. Cầu nguyện có cùng kích thước như Tình yêu Chúa Kitô (Ep 3,18-21)" (GLHTCG, 2565).
Nói một cách đơn sơ dễ hiểu:
"Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên tới Chúa, là nghĩ tưởng đến Chúa trong tâm tình chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ, sám hối, quyết tâm và cầu xin."
"Cầu nguyện là sống thân mật với Chúa, là nói chuyện với Chúa, tức nghe Chúa nói và nói với Chúa, là đón nhận ánh sáng và sức mạnh của Chúa, là hơi thở của tâm hồn".
Trong Kinh Lạy Cha, Đức Giêsu dạy chúng ta rằng: Thiên Chúa thực sự là Cha của chúng ta và trong tình con thảo trước hết chúng ta phải biết quan tâm tới những gì liên quan tới Người và cầu nguyện cho những điều ấy được thực hiện; rồi chúng ta mới quan tâm đến những điều cần thiết cho sự sống (thể lý, tâm linh) của chúng ta và và cầu xin Cha ban cho chúng ta những ơn cần thiết ấy. Những điều liên quan tới Cha là: (1) Danh Cha được vinh hiển, (2) Triều đại Cha ngự trị, (3) Ý Cha được mọi người thực hiện. Những nhu cầu chính đáng của chúng ta là: (4) Lương thực hằng ngày, (5) Ơn tha tội, (6) Không nghe theo cám dỗ và (7) Thoát khỏi sự dữ.

2.2 Mặc khải về cầu nguyện.

2.2.1 Con người đi tìm Thiên Chúa. Khi sáng tạo, Thiên Chúa kêu gọi vạn vật từ hư vô bước vào hiện hữu. "Được ban vinh quang vinh dự làm mũ triều thiên, con người có khả năng nhận biết Danh Chúa lẫy lừng trên khắp địa cầu" (Tv 8,2.6). Mọi tôn giáo đều nói lên khát vọng tìm kiếm căn bản này của con người (GLHTCG, 2566).

2.2.2 Thiên Chúa kêu gọi con người trước. Dù con người quên lãng Đấng Sáng Tạo hay trốn xa Nhan Người, dù họ chạy theo các ngẫu tượng hay than trách Thiên Chúa đã bỏ rơi mình, Thiên Chúa hằng sống và chân thật vẫn không ngừng kêu gọi mọi người đến gặp Người cách huyền nhiệm trong cầu nguyện. Trong cầu nguyện, Thiên Chúa trung tín và yêu thương luôn đi bước trước; phần con người luôn chỉ là đáp lời. Khi Thiên Chúa từng bước tỏ mình ra và mặc khải cho con người biết về chính họ, thì cầu nguyện như là một cuộc trao đổi lời mời, một diễn tiến giao ước. Qua lời nói và hành vi, diễn tiến này là cam kết của con tim. Diễn tiến này đã diễn ra trong suốt lịch sử cứu độ (GLHTCG, 2567).

A. Trong Cựu ước:
(1) Con người nhờ thụ tạo để cầu nguyện (Sáng thế, chương 1-9), (GLHTCG, 2569).
(2) Thiên Chúa hứa và con người tin tưởng cầu nguyện: cầu nguyện thiết yếu là lắng nghe Lời Chúa và quyết định theo ý Người: trường hợp Apraham, (GLHTCG, 2570-2573).
(3) Lời cầu nguyện của vị trung gian: trường hợp Môsê. (GLHTCG, 2574-2577).
(4) Lời cầu của vị vua: trường hợp Đavít. (GLHTCG, 2578-2580).
(5) Cầu nguyện và việc hoán cải tâm hồn: trường hợp Elia và các ngôn sứ. (GLHTCG, 2581-2584).
(6) Lời cầu nguyện của cộng đoàn trong các Thánh vịnh (GLHTCG, 2585-2589).

B. Trong Tân Ước:
(1) Đức Giêsu cầu nguyện (GLHTCG, 2599-2605):
* Đức Giêsu học cầu nguyện theo tâm tình nhân loại, học những công thức cầu nguyện nơi Mẹ Maria là người hằng ghi nhớ và suy niệm trong lòng về những điều cao cả Đấng toàn năng đã thực hiện (x. Lc 1, 49; 2,19; 2,51).
* Đức Giêsu đã học từ những lời kinh và những cách thức cầu nguyện của dân tộc, tại hội đường Nadarét và tại Đền thờ. Nhưng kinh nguyện của Người còn xuất phát từ một nguồn mạch bí ẩn khác (Lc 2,49).
* Đức Giêsu cầu nguyện trước những thời điểm quyết định của sứ vụ (Lc 3,21; 9,28; 6,12; 9,18-20; 22,32).
* Đức Giêsu lớn tiếng dâng lời tạ ơn (Mt 11,25-27; Lc 10,21-23).
* Đức Giêsu dâng lời vâng phục và tự hiến trong cuộc Khổ Nạn Thập gía (Lc 22.42).
* Đức Giêsu cầu xin Cha tha thứ cho những kẻ giết hại Người (Lc 23,34), hứa Thiên đàng cho anh trộm lành (Lc 24,43), nói lên khát vọng thâm sâu của lòng mình (Ga 19,26.27.28) và nỗi cô đơn khủng khiếp trong cơn đau khổ (Mc 15,34; Tv 22,2), tuyên bố công trình Cứu độ đã hoàn tất (Ga 19,30) và phó thác mình trong tay Cha rồi tắt thở (Lc 23,46; Mc 15,37; Ga 19,30b).
(2) Đức Giêsu dạy cầu nguyện (GLHTCG, 2607-2615):
(a) Cầu nguyện kín đáo, không cần nhiều lời:
"Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.
"Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin
.
(b) Lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa nhất:
Vậy anh em hãy cầu nguyện như thế này:
"Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
xin tha tội chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con;
xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ
" (Mt 5,5-13).
(c) Kiên trì và tin tưởng khi cầu nguyện:
"Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ được mở cho. Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người" (Mt 7.7-11).
(3) Đức Giêsu nhận lời cầu nguyện (GLHTCG, 2616).
(4) Kinh nguyện của Đức Trinh Nữ Maria (GLHTCG, 2617).

C.Trong thời của Giáo hội (GLHTCG, 2623-2624): Chúc tụng và thờ lạy (GL HTCG, 2626-2628), khẩn cầu (GLHTCG, 2629-2633), kinh nguyện chuyển cầu (GL HTCG, 2634-2636), kinh nguyện tạ ơn (GLHTCG, 2637-2638), kinh nguyện ca ngợi (GLHTCG, 2639-2643).

2.3 Tầm quan trọng của cầu nguyện trong đời sống Kitô hữu.
Cầu nguyện rất quan trọng trong đời sống các tín đồ, nhất là các tín hữu Kitô giáo vì đó là cách chúng ta thờ phượng, ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa. Đó cũng là chúng ta sống thân mật với Thiên Chúa, đi sâu vào tâm hồn và thế giới của Người, kết hiệp với Người. Cầu nguyện còn giúp chúng ta đón nhận được ánh sáng và sức mạnh của Chúa. Cầu nguyện được ví như là hơi thở, là dưỡng khí của tâm hồn.

2.4 Những cách cầu nguyện khác nhau.
2.4.1 Cầu nguyện phụng vụ: Tham dự cử hành Phụng vụ Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể.
2.4.2 Cầu nguyện với Thánh vịnh (chung và riêng).
2.4.3 Nghe/Đọc một đoạn hay một vài câu Thánh Kinh: lắng nghe, tìm hiểu, đón nhận sứ điệp của Chúa, để Lời Chúa chất vấn và đáp trả bằng lời cầu nguyện thích hợp và bằng hành động cụ thể sau đó.
2.4.4 Đọc kinh, nhất là Kinh Mân Côi (chung và riêng): miệng đọc, tâm trí tập trung vào lời kinh, lòng suy gẫm. Quan tâm đặc biệt đến cách đọc kinh trong gia đình: Vợ/chồng, cha mẹ/con cái cầu nguyện với nhau, để nói lên mối liên kết, hiệp thông, đồng tâm, đồng nguyện giữa những người cùng một gia đình. Vợ/chồng, cha mẹ/con cái cầu nguyện cho nhau, để thể hiện trách nhiệm, tình liên đới, lòng yêu thương của những người cùng một gia đình đối với nhau.
2.4.5 Cầu nguyện tự phát: Nói với Chúa những tâm tình thật của mình: chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ, xin lỗi, quyết tâm, cầu xin ... bằng những câu nói tự phát, đơn sơ vắn gọn. Ví dụ: "Lạy Chúa, con yêu mến Chúa, con chúc tụng, ngợi khen Chúa, vì...", "Lạy Cha, con dâng ngày hôm nay, công việc này cho Cha", "Xin Cha chúc lành cho ngày hôm nay, cho công việc này. Xin cho con biết sống đẹp lòng Cha", "Cha ơi, con sung sướng được làm con của Cha", "Xin Cha giúp con sống hy sinh quên mình, bác ái", "Xin Cha chúc lành cho gia đình con, cho mọi người sống chung quanh con", "Xin Cha thứ tha sự ươn lười, tội lỗi của con"v.v..

2.5 Không gian và thời gian thích hợp cho cầu nguyện.

2.5.1 Không gian:
Những nơi chốn thích hợp: nhà thờ, phòng khách, phòng ngủ, nhà ăn..., bờ sông, góc phố...
2.5.2 Thời gian:
* Bất cứ lúc nào trong ngày, nhưng nhất là khi mới thức dậy ban sáng, trước khi bắt tay vào việc, trước và sau bữa ăn, trước khi đi ngủ.
* Vào những ngày, những dịp đặc biệt: Ngày Chủ nhật hay lễ lớn; ngày có bầu, sinh con, đầy tháng, thôi nôi của các con; ngày kỷ niệm thành hôn, sinh nhật của vợ chồng, con cái;
* Khi gặp khó khăn, hoạn nạn cũng như trong các niềm vui lớn của gia đình.

Ghi chú: Mỗi người, mỗi gia đình, cộng đoàn chọn một cách cầu nguyện thích hợp với hoàn cảnh riêng (khả năng, tập quán, sở thích, thời gian và không gian) của mình.

III. Ứng dụng thực hành

3.1 Có một hiểu biết đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, cách thực hành cầu nguyện Kitô giáo.
3.2 Tích cực xử dụng nhiều cách cầu nguyện khác nhau để đời sống đức tin được nuôi dưỡng một cách phong phú, đa dạng.
3.3 Trong lãnh vực cầu nguyện: quan tâm đến việc học hỏi (cho bản thân mình) và huấn luyện (cho con cái, con em và tân tòng trong giáo xứ)

IV. Trao đổi chia sẻ

4.1 Trong cuộc sống, anh chị có gặp được một người nào đó mà anh chị phải nhìn nhận đó là một con người cầu nguyện không? Anh chị có nhận xét gì về con người cầu nguyện đó không?
4.2 Anh chị ý thức như thế nào về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong đời sống Kitô hữu? Và anh chị thường cầu nguyện như thế nào?
4.3 Anh chị có quan tâm đến việc dạy cầu nguyện cho những người trong gia đình và trong giáo xứ không? Anh chị gặt hái được kết quả gì trong việc dạy cầu nguyện ấy?

V. Cầu nguyện

5.1 Cho mọi Kitô hữu, nhất là các Kitô hữu Việt Nam biết cầu nguyện một cách đẹp lòng Chúa và sinh ích cho đời sống xã hội cũng như đời sống gia đình và đời sống riêng của họ.
5.2 Cho những người có trách nhiệm hướng dẫn các buổi cầu nguyện của giáo xứ, giáo họ, hội đoàn để họ biết cách chuẩn bị và hướng dẫn, hầu buổi cầu nguyện được sốt sáng và sâu sắc.
5.3 Cho những người phụ trách việc huấn luyện cầu nguyện cho con em và cho anh chị em tân tòng trong giáo xứ để việc huấn luyện của họ đạt được kết quả mong muốn.

VI. Quyết tâm cá nhân và cộng đoàn

6.1 Nâng cao sự hiểu biết về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc cầu nguyện trong đời sống Kitô hữu.
6.2 Tích cực thực hành việc cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn để cho cuộc sống được phong phú và sâu sắc hơn.
6.3 Nỗ lực giúp đỡ người khác (con cái trong nhà, con em trong giáo xứ, anh chị em tân tòng) biết cách cầu nguyện cho hợp với tinh thần Phúc âm và truyền thống của Giáo hội Công giáo.

Ngày 04 tháng 03 năm 2003