Chương trình đào tạo Tông đồ Giáo dân - Khóa I.2003

Đề tài 18

Vai trò của việc giảng dạy giáo lý

& của các giáo lý viên


I. Tiếp cận vấn đề

Thiết tưởng sẽ là một thiếu sót lớn nếu chúng ta không dành một đề tài để trình bày về vai trò của việc giảng dạy giáo lý và của các giáo lý viên trong khóa bồi dưỡng tông đồ giáo dân về truyền giáo này. Đó là lý do chúng ta bổ sung đề tài 18 vào chương trình huấn luyện tông đồ giáo dân Khóa I -về truyền giáo- này:

Vậy các anh chị hãy trao đổi với nhau về 3 câu hỏi sau:

1.1 Các anh chị hãy xác định vị trí của việc giảng dạy giáo lý trong toàn bộ sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội.

1.2 Giáo hội Việt Nam nói chung, giáo phận và giáo xứ của chúng ta nói riêng, đã quan tâm như thế nào đến việc giảng dạy giáo lý cho trẻ em? cho thanh thiếu niên? cho dự tòng? cho tân tòng? cho những người sắp lập gia đình? cho mọi tín hữu?

1.3 Giáo hội Việt Nam nói chung, giáo phận và giáo xứ của chúng ta nói riêng, đã quan tâm như thế nào đến việc đào tạo giáo lý viên cho các lứa tuổi và đối tượng khác nhau?

II. Học hiểu giáo lý

1. Tương quan giữa việc giảng dạy giáo lý và việc thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng (hay Phúc Am hóa) của Giáo hội.

1.1 Suốt 20 thế kỷ qua, Giáo Hội vẫn không ngừng nỗ lực thực thi mệnh lệnh của Chúa Giêsu Kitô: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16,15). "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thày đã truyền cho anh em. Và đây, Thày ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,19-20). "Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thày tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất."(Cv 1,8).

1.2 Sứ mạng Loan báo Tin Mừng hay Phúc âm hóa của Giáo hội thường được thực hiện thông qua tiến trình sau đây:

Chứng từ Kitô giáo >> Đối thoại và hiện diện của tình bác ái yêu thương >> Việc loan báo Tin Mừng và mời gọi hoán cải >> Giai đoạn dự tòng và khai tâm Kitô giáo >> Giai đoạn hình thành cộng đoàn Kitô qua việc cử hành các bí tích và các thừa tác vụ.

(Xem Sắc lệnh Truyền giáo của Công đồng Vatican II, 11-18).

1.3 Trong công cuộc loan báo Tin Mừng hay Phúc Am hóa của Giáo hội thì thừa tác vụ Lời Chúa là thừa tác vụ quan trọng nhất. Thừa tác vụ Lời Chúa bao gồm các chức năng chính sau đây: Mời gọi đón nhận đức tin, khai tâm, thường huấn đời sống đức tin, chức năng phụng vụ, chức năng thần học. Thừa tác vụ Lời Chúa có những hình thái quan trọng như: Loan báo đầu tiên hay lời giảng truyền giáo; học giáo lý trước và sau khi chịu phép rửa; cử hành phụng vụ và tìm hiểu thần học. Do đó, việc giảng dạy giáo lý chỉ là một khâu, nhưng là một khâu rất quan trọng, trong tiến trình loan báo Tin Mừng hay Phúc Âm hóa và trong việc thực hiện thừa tác vụ Lời Chúa được trình bày ở trên.

1.4 Trước khi Giáo hội và nhân loại bước vào ngàn năm thứ ba, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã có sáng kiến tuyệt vời là tổ chức Năm Thánh 2000 với hai mục đích:

(1o) để toàn thể Giáo hội mừng trọng thể 2000 năm biến cố Thiên Chúa nhập thể sinh ra làm người và đi vào thế giới của con người để yêu thương và cứu chuộc mọi người; và đồng thời

(2o) để Giáo hội - ở các cấp: toàn cầu, châu lục và địa phương - kiểm điểm công cuộc loan báo Tin Mừng hay Phúc Am hóa (hay Truyền giáo) và canh tân các nỗ lực thực thi công cuộc loan báo Tin Mừng ấy trong thế kỷ XXI và ngàn năm thứ III. Vì sau hai ngàn năm, ai nấy trong Giáo hội đều phải nhìn nhận rằng công cuộc loan báo Tin Mừng hay Phúc Âm hóa (hay Truyền giáo) chưa đạt được kết quả mong muốn. Bằng chứng là: (a) tỷ lệ người công giáo trên tổng dân số thế giới vẫn còn rất khiêm tốn; và (b) những giá trị nhân bản và Kitô giáo như phẩm giá con người, hòa bình, tình liên đới, tương trợ... vẫn chưa được tôn trọng đúng mức; trái lại đó đây trên thế giới phẩm giá của con người, nhất là của người nghèo, của phụ nữ và trẻ em, của các sắc tộc... vẫn bị chà đạp; xung đột và chiến tranh vẫn thường xẩy ra; tình liên đới và sự tương trợ lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc vẫn không đáp ứng được yêu cầu và sự mong đợi của các nước và các dân tộc nghèo.

Nhờ sáng kiến trên của Đức Thánh Cha mà mỗi Giáo hội châu lục có một Thượng Hội đồng Giám mục và sau đó có một Tông huấn do Đức Thánh Cha ban hành cho châu lục ấy và cho Giáo hội toàn cầu. Riêng Châu Á chúng ta có "Thượng Hội đồng Giám mục Á châu", họp tại Roma từ ngày 18.4 đến ngày14.5.1998 với 252 tham dự viên, trong đó có 188 giám mục đại biểu từ khắp các miền trên thế giới, và "Tông huấn Giáo hội tại Á châu" của Đức Gioan Phaolô II được ban hành tại New Delhi, ngày 6.11.1999 nhân chuyến viếng thăm An Độ của Đức Thánh Cha.

Muốn hiểu quan điểm của các Giáo hội Á châu và Việt Nam về sứ mạng loan báo Tin Mừng ngày hôm nay, chúng ta không thể không học hỏi, tìm hiểu hai văn kiện quan trọng là Tông huấn "Giáo hội tại Á châu" của Đức Gioan Phaolô II và Thư Chung 2001 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Chúng ta cũng phải xác định lại những điều cốt yếu của việc dạy Giáo lý của Giáo hội.

2. Bản chất, mục đích và nhiệm vụ của việc giảng dạy giáo lý của Giáo hội

Giảng dạy giáo lý có phải là nhồi nhét một mớ kiến thức, dù đó là kiến thức về Thiên Chúa, cho người học giáo lý không? hay giảng dạy giáo lý là giúp học viên - người lớn cũng như trẻ nhỏ - gặp được Đức Giêsu Kitô & Thiên Chúa và sống mật thiết, gắn bó với Người và sống theo Người? Tài liệu Hướng dẫn tổng quát về việc dạy giáo lý (Directoire général pour la catéchèse) của Thánh bộ Giáo sĩ được ban hành ngày 15 tháng 8 năm 1997 xác định bản chất, mục đích và nhiệm vụ của việc dạy Giáo lý như sau:

2.1 Bản chất của việc giảng dạy giáo lý:

"Tự bản chất việc dạy giáo lý là hoạt động của Giáo hội với tư cách là cộng đoàn được mời gọi để trở nên nhà giáo dục đức tin, khi Giáo hội tiếp tục sứ mạng của Thày Giêsu và dưới tác động của Thánh Thần" (tlđd, số 78).

2.2 Mục đích của việc giảng dạy giáo lý:

"Mục đích quyết định của việc dạy giáo lý không chỉ là giúp người học giáo lý tiếp cận với Đức Giêsu Kitô mà còn là giúp người ấy đi vào mối tương quan hiệp thông, mật thiết với Người" (tlđd, số 80).

2.3 Nhiệm vụ chính của việc giảng dạy giáo lý là:

2.3.1 Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hiểu biết về đức tin:

Ai đã gặp Chúa Kitô thì ước mong biết Người nhiều hơn nữa; người ấy cũng ước mong hiểu biết kế hoạch của Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã biểu lộ. Hiểu biết nội dung của đức tin là điều cần thiết cho việc gắn bó với đức tin. Việc đào sâu hiểu biết về đức tin đem lại cho cuộc sống một ánh sáng mới, nuôi dưỡng đời sống đức tin, và giúp hiểu cái lý lẽ của đức tin trong cuộc sống.



2.3.2 Giáo dục về phụng vụ:

Thật ra "Đức Ki-tô luôn hiện diện trong Hội Thánh, nhất là trong các hoạt động phụng vụ" Sự hiệp thông với Đức Giêsu Kitô dẫn tới việc cử hành sự hiện diện cứu độ của Người trong các bí tích và nhất là trong bí tích Tạ Ơn. Giáo hội hết sức ước mong các tín hữu tham dự cách trọn vẹn, ý thức và tích cực vào sự hiện diện này. Vì thế, việc giảng dạy giáo lý không những phải giúp người học giáo lý hiểu ý nghĩa phụng vụ và các bí tích mà còn phải huấn luyện các môn đệ Đức Giêsu Kitô về "cầu nguyện, tạ ơn, sám hối; về sự tin tưởng phó thác trong cầu nguyện và về ý nghĩa cộng đoàn...".

2.3.3 Huấn luyện về luân lý:

Quay về với Đức Giêsu Kitô bao hàm việc đi theo Người. Vì thế việc giảng dạy giáo lý phải truyền đạt cho các môn đệ những thái độ của Thày. Nhờ đó họ sẽ theo một tiến trình biến đổi nội tâm mà qua tiến trình ấy họ "chuyển từ con người cũ sang con người mới trong Đức Kitô" nhờ việc họ tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh của Người. Bài giảng trên núi, đang đó Đức Giêsu lặp lại Mười Giới Răn và tinh thần Tám Phúc Thật, là một qui chiếu cần thiết trong việc giáo dục về luân lý.

2.3.4 Dạy cầu nguyện:

Sự hiệp thông với Đức Giêsu Kitô khiến các môn đệ có cung cách và thái độ cầu nguyện và chiêm niệm giống như Thày. Tập cầu nguyện với Đức Giêsu là cầu nguyện với những tâm tình mà Người đã diễn tả ra khi Người cầu nguyện với Cha: đó là tâm tình thờ phượng, ngợi khen, cảm tạ, tin cậy phó thác, cầu xin, ngưỡng mộ trước vinh quang của Cha. Các tâm tình ấy được phản ánh trong Kinh Lạy Cha, kinh mà Đức Giêsu đã dạy các môn đệ và là mẫu mực của kinh nguyện Kitô giáo (tlđd, só 85).

2.4 Mấy nhiệm vụ khác của việc giảng dạy giáo lý:

Ngoài ra việc giảng dạy giáo lý giúp người Kitô hữu có khả năng sống cộng đoàn và tham dự tích cực vào đời sống và vào sứ mạng của Giáo hội. Công đồng Vatican II nhấn mạnh với các mục tử, về nhu cầu “phát triển tinh thần cộng đoàn” và với các tân tòng, về việc tập "cộng tác tích cực vào việc Phúc Am hóa và vào việc xây dựng Giáo hội". Vì thế việc giảng dạy giáo lý còn có một vài nhiệm vụ khác, đó là khai tâm và giáo dục về đời sống cộng đoàn và về truyền giáo.

2.4.1 Giáo dục đời sống cộng đoàn:

"Đời sống cộng đoàn Kitô không phải tự nhiên mà có, trái lại cần phải giáo dục cẩn thận. Trong việc thực tập sống cộng đoàn, giáo huấn của Đức Giêsu về đời sống cộng đoàn được Mátthêu tường thuật lại trong Tin Mừng, nêu lên một số thái độ mà việc giảng dạy giáo lý phải tập luyện: tinh thần đơn sơ khiêm tốn (Mt 18,3); sự quan tâm đến những người bé nhỏ nhất (Mt 18,6); đặc biệt quan tâm đến những người lạc đường (Mt 18,12); việc sửa lỗi huynh đệ(Mt 18,15); cầu nguyện cộng đoàn (Mt 18,19); sự tha thứ lẫn cho nhau (Mt 18,22). Tình yêu huynh đệ thống nhất tất cả các thái độ kể trên" (Ga 13,34).

2.4.2 Khai tâm về truyền giáo:

"Việc giảng dạy giáo lý cũng tạo động lực cho việc truyền giáo. Việc giảng dạy giáo lý giúp các môn đệ Đức Giêsu biết hiện diện với tư cách là Kitô hữu, trong xã hội, trong đời sống nghề nghiệp, trong lãnh vực văn hóa và xã hội. Việc giảng dạy giáo lý cũng chuẩn bị họ biết đóng góp vào nhiều công việc của Giáo hội, tùy theo ơn gọi riêng của mỗi người. Việc dấn thân truyền giáo nơi người giáo dân xuất phát từ các bí tích khai tâm Kitô giáo và từ tính “trần thế” trong ơn gọi của họ.

Những thái độ Kitô mà Đức Giêsu đã đề nghị cho các môn đệ của Người khi Người hướng dẫn họ vào sứ vụ truyền giáo cũng là những thái độ mà việc giảng dạy giáo lý phải cổ võ: tìm kiếm chiên lạc; cùng lúc loan báo và chữa lành; sống khó nghèo, không vàng bạc không túi bị; biết chấp nhận sự ruồng bỏ và bách hại; đặt niềm tin tưởng vào Cha và vào sự trợ giúp của Thánh Thần; lấy niềm vui được hoạt động cho Nước Trời làm phần thưởng" (tlđd, số 85)

3. Vai trò giáo lý viên.

3.1 Tài liệu Hướng dẫn của Thánh bộ Giáo sĩ năm 1997 đã nhắc đến ở trên trình bày về vai trò của giáo lý viên như sau:

"Dù xử dụng bất kỳ phương pháp đã được chứng nghiệm bằng thực hành nào đi chăng nữa thì giáo lý viên cũng vẫn phải đầu tư làm việc trong mọi giai đoạn của tiến trình giảng dạy giáo lý.

"Đặc sủng của Chúa Thánh Thần, một đời sống tâm linh vững chắc, một chứng tá đời sống trong sáng là linh hồn của tất cả mọi phương pháp và chỉ có những đức tính nhân bản và Kitô giáo của giáo lý viên mới bảo đảm việc xử dụng tốt các bản văn và các dụng cụ làm việc khác.

Giáo lý viên tự thân là trung gian tạo điều kiện cho sự hiệp thông giữa con người với mầu nhiệm Thiên Chúa, giữa người với người, giữa người với cộng đoàn. Vì thế giáo lý viên phải làm sao để tầm nhìn văn hóa, hoàn cảnh xã hội và cách sống của mình không cản trở hành trình đức tin, bằng cách tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm, đón nhận và đào sâu Sứ diệp Kitô giáo.

Giáo lý viên không được quên rằng sự gắn bó của con người là hoa trái của ân sủng và tự do; việc quan trọng là hoạt động của giáo lý viên phải luôn được lòng tin vào Thánh Thần và đời sống cầu nguyện nâng đỡ.

Sau cùng mối tương quan giữa giáo lý viên và người học giáo lý rất ư là quan trọng. Mối tương quan ấy phải được ghi đậm dấu ấn của lòng yêu mến giáo dục, của tính sáng tạo độc đáo, của sự thích ứng và đồng thời của lòng tôn trọng sự tự do và sự trưởng thành của người học giáo lý.

Bằng sự đồng hành khôn ngoan, giáo lý viên chu toàn một trong những công việc phục vụ quí báu nhất của hoạt động giáo lý: giáo lý viên mời gọi người học giáo lý nhận ra ơn gọi mà Thiên Chúa dành cho họ”
"(tlđd, số 156).

3.2 Theo Tài liệu Hướng dẫn của Thánh bộ Phúc Am hóa các dân tộc năm 1992, (số 3) thì Giáo lý viên là "những giáo dân có trình độ và đời sống đạo hạnh, dưới sự hướng dẫn của nhà truyền giáo, hiến thân lo giảng dạy Giáo lý Tin Mừng và tổ chức các cử hành phụng vụ cũng như các việc bác ái" (Giáo luật khoản 785, 1).

3.3 Định nghĩa trên của Tài liệu Hướng dẫn của Thánh bộ Phúc Am hóa các dân tộc năm 1992, phù hợp với quan điểm của Hội nghị khoáng đại năm 1970 của Thánh bộ này: "Giáo lý viên là một giáo dân được Giáo hội đặc cử, tùy theo nhu cầu địa phương, để làm cho Chúa Kitô được nhận biết, yêu mến và noi theo, nơi những người chưa biết Chúa cũng như nơi các tín hữu"

4. Những định hướng và tiêu chuẩn cho việc huấn luyện giáo lý viên.

Việc huấn luyện giáo lý viên nhằm mục đích giúp giáo lý viên trở thành một Kitô hữu vừa hồng (có phẩm chất đạo đức) lại vừa chuyên (có chuyên môn). Tài liệu Hướng dẫn dành cho giáo lý viên năm 1992 của Thánh bộ Phúc Am hoá các dân tộc có những chỉ dẫn khá chi tiết về việc huấn luyện giáo lý viên, theo những tiêu chuẩn sau đây:

4.1 Cần có sự huấn luyện thích đáng:

"Để các giáo đoàn có đủ giáo lý viên xứng hợp, ngoài việc tuyển chọn cách cẩn trọng, cần nhắm tới việc chuẩn bị, vì chất lượng giáo lý viên tùy thuộc vào sự chuẩn bị này.

Huấn quyền của Hội thánh luôn đòi hỏi và nhất quyết đòi hỏi sự chuẩn bị cho giáo lý viên, vì mọi hoạt động tông đồ “nếu không được đảm nhận bởi những người có đào tạo, thì chắc chắn sẽ thất bại
"



Cũng nên biết rằng các tài liệu của Huấn quyền đều nhấn mạnh đến việc đào tạo "toàn diện" và "chuyên biệt"cho giáo lý viên. Toàn diện nghĩa là bao gồm mọi chiều kích của nhân cách giáo lý viên. Chuyên biệt nghĩa là phù hợp với các đặc tính của công việc mà giáo lý viên được mời gọi thực hiện giúp các mục tử, như loan báo Lời Chúa cho mọi người xa gần, hướng dẫn cộng đoàn, linh hoạt và nếu cần, chủ tọa cộng đoàn cầu nguyện, phục vụ anh chị em theo nhu cầu khác nhau về tinh thần và vật chất. Điều này đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II minh định: "Ưu tiên cho chất lượng, nghĩa là ưu tiên cho việc huấn luyện căn bản thích hợp và việc cập nhật hóa luôn. Để bảo đảm cho sứ vụ của Hội thánh có nhân sự xứng hợp, cốt thiết phải có chương trình đầy đủ và cơ chế thích hợp để đảm nhận việc huấn luyện giáo lý viên về các mặt, từ huấn luyện nhân bản đến huấn luyện thiêng liêng, tín lý, tông đồ và chuyên môn" (Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, 73, Tông huấn Người Kitô hữu giáo dân, 60; Xem Sắc lệnh Truyền giáo của Công đồng Vatican II, 17)

"Như thế, đây là một sự huấn luyện bắt buộc đối với các đương sự và vất vả cho những ai phải góp phần vào việc huấn luyện ấy. Thánh bộ Phúc hóa các dân tộc ghi nhận đây là công việc của các đấng bản quyền" (tlđd, số 19).

4.2 Giáo lý viên có một đời sống thống nhất và hài hòa:



"Để thực hiện ơn gọi của mình, giáo lý viên, cũng như mỗi Kitô hữu giáo dân, “phải được huấn luyện để thống nhất đời sống của mình, đời sống của một người vừa là phần tử của Giáo hội, vừa là công dân của xã hội loài người". Trong cuộc sống của giáo lý viên, không thể có nhiều cuộc sống song hành: một đàng là đời sống "thiêng liêng" với những gía trị và đòi hỏi riêng; đàng khác là đời sống "trần thế "với những tương quan của nó; rồi đến đời sống "tông đồ" với những dấn thân của nó... (Tông huấn Người Kitô hữu giáo dân của Đức Gioan Phaolô II, 59).

Để có được sự thống nhất và hài hòa nơi con người của mình, điều quan trọng là giáo lý viên phải cất đi những rào cản về mặt tính khí, tri thức, tình cảm v.v... gây trở ngại cho sự tăng trưởng và tuân theo một chương trình sống có trật tự; nhưng dứt khoát phải đi vào chiều sâu và chạm đến nguyên lý hay nguồn mạch căn tính của chính tác vụ giáo lý viên, đó là "con người" Đức Giêsu Kitô.

Đối tượng chính yếu và đầu tiên của Huấn giáo, như chúng ta đã biết, chính là Đức Giêsu Nadarét, "Con Một của Chúa Cha đầy ân sủng và chân lý"(Ga 1,14), "Người là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Ga 14,6). Trọn "mầu nhiệm Đức Kitô" (Ep 3,4) "ẩn giấu từ bao thế kỷ và bao thế hệ"(Cl 1,26), cần phải được mạc khải. Do đó, giáo lý viên phải quan tâm thông truyền, qua lời dạy và cách sống của mình, đạo lý và cuộc đời Đức Giêsu. Con người và hành động của giáo lý viên tùy thuộc vào con người và hành động của Đức Kitô. Sự thống nhất và hài hòa trong cuộc sống của giáo lý viên được nhìn theo hướng qui Ki-tô và xoay quanh "sự gắn bó mật thiết với Chúa Kitô và Chúa Cha" trong Chúa Thánh Thần (Tông huấn giảng dạy giáo lý của Đức Gioan Phaolô II, số 5-6, 9). Chúng ta chưa bao giờ nhấn mạnh đủ về điểm này, để canh tân bộ mặt của giáo lý viên vào thời điểm quyết định cho sứ vụ của Hội thánh"(tlđd, số 20).

4.3 Giáo lý viên phải trưởng thành về mặt nhân bản:

"Trong việc tuyển chọn, chúng ta đã lưu ý rằng giáo lý viên phải có tối thiểu các đức tính nhân bản, hoặc ít là những tiềm năng có thể được đào tạo và phát triển trong tiến trình huấn luyện. Trên bình diện này, mục tiêu phải đạt tới là giáo lý viên phải trưởng thành về mặt nhân bản và thích hợp cho một trách vụ cộng đoàn.

Do đó, có vài khía cạnh nhất định cần phải quan tâm: trước hết là lãnh vực nhân bản bao gồm: sự quân bình tâm sinh lý, sức khỏe tốt, có trách nhiệm, thật thà, năng động, đạo đức trong sinh hoạt nghề nghiệp và gia đình, tinh thần hy sinh, mạnh bạo, kiên trì v.v... Kế đến, giáo lý viên cần có khả năng thích hợp cho công tác như dễ dàng tiếp xúc gặp gỡ, đối thoại với các tôn giáo khác và với một nền văn hóa đặc thù, khả năng truyền đạt, sẵn sàng cộng tác, thận trọng khi hướng dẫn, phán đoán minh bạch, hiểu biết và thực tế, có khả năng an ủi và khơi dậy niềm hy vọng v.v...Sau cùng là một phẩm tính thích hợp cho các tình hình đặc biệt: là người xây dựng hòa bình; có khả năng thăng tiến, phát triển, linh hoạt văn hóa xã hội; nhạy bén trước những vấn đề công lý, y tế v.v...

Được phát triển nhờ khoa sư phạm lành mạnh, những phẩm tính trên đây tạo nên một nhân cách trưởng thành và trọn vẹn, lý tưởng cho một giáo lý viên
" (tlđd, số 21).

4.4 Giáo lý viên cần có đời sống thiêng liêng sâu sắc:



"Sứ mạng của người giáo dục đức tin đòi hỏi giáo lý viên phải có một đời sống thiêng liêng sâu sắc. Đây là khía cạnh cao nhất và quý gía nhất của nhân cách; do đó, cũng là chiều kích ưu tiên của việc huấn luyện. Giáo lý viên đích thực là một vị thánh (xem Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế của Đức Gioan Phaolô II, 90).

Trọng tâm đời sống thiêng liêng của giáo lý viên là sự hiệp thông sâu xa trong niềm tin vào Đức Ki-tô và mến yêu Ngài, Đấng đã mời gọi và sai họ đi (xem Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, 428). Như Đức Giêsu, vị Thày duy nhất (Mt 23,8) giáo lý viên phục vụ anh chị em qua lời giảng dạy và những việc làm vốn là những cử chỉ yêu thương (Cv 1,1). Chu toàn ý Cha yêu thương cứu độ loài người, là lương thực của giáo lý viên, như đã là lương thực của Đức Giêsu (Ga 4, 34). Lý tưởng cần đạt tới trong khi thi hành nhiệm vụ giáo lý viên, là đời sống thánh thiện được thực hiện theo căn tính người giáo dân và tông đồ (xem Hiến chế Anh sáng muôn dân của Công đồng Vatican II, 41).



Việc huấn luyện thiêng liêng diễn ra trong tiến trình trung thành với "Đấng là nguyên lý khởi hứng cho cả Huấn giáo và cho những ai làm Huấn giáo, tức Chúa Thánh Thần - Thánh Thần của Chúa Cha và của Chúa Con
" (Tông huấn giảng dạy giáo lý của Đức Gioan Phaolô II, 72).

Cách thuận lợi nhất để đạt được sự trưởng thành nội tâm là đời sống bí tích và cầu nguyện sốt sáng (Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 2742-2745).

Từ những kinh nghiệm có ý nghĩa và thực tế nhất, phát sinh lý tưởng về đời sống cầu nguyện mà thánh bộ Phúc Am hóa các dân tộc đề nghị, ít nhất là cho giáo lý viên điều khiển cộng đoàn hoặc làm trọn thời gian hoặc cộng tác chặt chẽ với linh mục, nhất là những người được coi là "cán bộ khung" của cộng đoàn giáo xứ.

Tài liệu đề cập đến các thực hành của đời sống thiêng liêng mà giáo lý viên cần phải quan tâm là siêng năng tham dự thánh lễ, sống phụng vụ, đọc một phần Phụng vụ các giờ kinh, suy niệm Lời Chúa hàng ngày, kinh nguyện cá nhân, bí tích hòa giải, tĩnh tâm (tlđd, số 22).

4.5 Chuẩn bị về giáo lý:

"Chuẩn bị về giáo lý cho giáo lý viên hẳn là điều cần thiết, nhằm giúp họ nắm vững nội dung cốt yếu của giáo lý công giáo, truyền đạt rõ ràng và sống động, không sai sót hay lệch lạc.

Đối với tất cả ứng sinh, chúng ta đòi hỏi họ phải có trình độ văn hóa căn bản, tất nhiên là so với tình trạng chung của xứ sở. Thiếu trình độ văn hóa sẽ nẩy sinh nhiều khó khăn. Do đó, phải liệu cách giải quyết những khó khăn này. Trước hết, để được chấp nhận, tất cả các ứng sinh phải nâng trình độ học vấn căn bản lên bằng cách theo học khóa “văn hóa cao về tôn giáo”, bằng không họ sẽ có mặc cảm tự ti đối với người đã học và thực sự cảm thấy kém khả năng khi phải giáp mặt với một số lãnh vực hay khi phải giải quyết các vấn đề mới.

Nội dung huấn luyện hiện vẫn có giá trị là việc “huấn luyện về thần học tín lý, nhân chủng học, phương pháp luận” như được trình bày trong Bản Hướng dẫn Huấn giáo tổng quát, do Thánh bộ Giáo sĩ xuất bản năm 1971. Nhưng tại các miền truyền giáo, cần phải có những minh định đặc biệt và bổ sung mà Thánh bộ Phúc Am hóa các dân tộc đã trình bày phần nào trong hội nghị khoáng đại năm 1970 và giờ đây Thánh bộ lập lại và triển khai dựa trên căn bản Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế.
"

Sau đó Tài liệu đề cập đến nội dung và các lãnh vực thần học mà giáo lý viên cần được huấn luyện (tlđd, số 23).

4.6 Ý thức mục vụ:

"Chiều kích mục vụ của việc huấn luyện liên quan đến sự vận dụng ba chức năng: ngôn sứ, tư tế và mục tử của người giáo dân. Như thế, giáo lý viên phải được hng dẫn để loan báo Tin Mừng, dạy giáo lý, giúp đỡ anh chị em sống đức tin và thờ phương Thiên Chúa cho phải đạo, chu toàn các công tác mục vụ được giao phó cho mình trong cộng đoàn.

Những thái độ chính yếu cần huấn luyện cho giáo lý viên là tinh thần trách nhiệm mục vụ và thuật lãnh đạo, quảng đại phục vụ, năng động và sáng tạo; hiệp thông với Hội thánh và vâng phục các vị mục tử.

Việc huấn luyện này đòi hỏi có sự hướng dẫn về lý thuyết, nhằm minh họa các lãnh vực tông đồ chính yếu mà giáo lý viên có thể tham dự; nhờ đó, nắm bắt được các đòi hỏi và những cách đáp ứng lại các đòi hỏi này. Cũng cần giải thích cho giáo lý viên hiểu đặc điểm của từng hạng người thụ giáo là trẻ em, giới trẻ hoặc người lớn, sinh viên hoặc công nhân, đã lãnh phép Thánh Tẩy hay chưa, thuộc cộng đoàn nhỏ hay thuộc các phong trào, v.v... và những cách thức khác nhau để quan hệ với họ.

Việc huấn luyện mục vụ còn đòi hỏi phải thực tập, đặc biệt lúc đầu, dướisự hướng dẫn của các thày dạy hoặc một linh mục hoặc một giáo lý viên khác có nhiều kinh nghiệm.

Cách riêng phải dạy cho giáo lý viên biết chuẩn bị mục vụ các bí tích, để họ có thể giúp các tín hữu hiểu rõ hơn ý nghĩa tôn giáo của các dấu chỉ và tin tưởng đến với các nguồn mạch sự sống siêu nhiên không hề vơi. Đừng quên một việc qua trọng là giúp các tín hữu đang đau khổ, sống hồng ân của bí tích Xức dầu bệnh nhân.

Việc giảng dạy lý thuyết và thực hành phải luôn hòa hợp với nhau, sao cho việc khai tâm về sự dấn thân tông đồ được tiệm tiến và đầy đủ.

Trong quá trình chuẩn bị cho giáo lý viên làm công tác huấn giáo nên nhắc lại cho giáo lý viên
"Chỉ thị tổng quát về Huấn giáo", nhất là phần thứ tư "Những yếu tố của phương pháp luận" (Xem Hướng dẫn của Thánh Bộ Giáo sĩ năm 1971, 70) (tlđd, số 24).

4.7 Sự nhiệt thành truyền giáo:

"Chiều kích truyền giáo thuộc về căn tính giáo lý viên và định tính mỗi một hoạt động tông đồ. Do đó, phài ưu tiên huấn luyện cho giáo lý viên về truyền giáo bằng cách quan tâm đảm bảo cho mỗi giáo lý viên được khai tâm thích hợp, cả lý thuyết lẫn thực hành, về việc dấn thân với tư cách là giáo dân, thông qua các giai đoạn tiệm tiến vốn là các đặc điểm của hoạt động truyền giáo:

- Hiện diện một cách tích cực trong xã hội bằng chứng tá đời sống, đối thoại thẳng thắn và cởi mở với mọi người, cộng tác trong đức ái để giải quyết các vấn đề chung (xem Sắc lệnh Truyền giáo của Công đồng Vatican II, 12; Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế của Đức Gio-an Phao-lô II, 42-43; Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, 854).

- Loan báo cách thẳng thắn (Cv 4,13; 28,31) sự thật về Chúa và về Đấng được Chúa Cha sai đến để cứu độ mọi người, là Đức Giêsu Kitô (2 Tm 1,9-10), làm thế nào để những người ngoài Kitô giáo, được Chúa Thánh Thần mở trí mở lòng (Cv 16,14), có thể tin và tự do trở lại với Chúa (xem Sắc lệnh Truyền giáo của Công đồng Va-tican II, 13; Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế của Đức Gioan Phaolô II, 44-45; Giáo lý Hội thánh Công giáo, 854).

- Gặp gỡ tín đồ của các tôn giáo khác, không thiên kiến mà đối thoại chân thành, cởi mở.

- Chuẩn bị cho người dự tòng đến với mầu nhiệm Cứu độ, thực hành các giáo huấn Tin Mừng, sống đời Ki-tô hữu, phụng vụ và bác ái của dân Thiên Chúa (xem Sắc lệnh Truyền giáo của Công đồng Vatican II, 14; Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế của Đức Gioan Phaolô II, 46-47; Giáo lý Hội thánh Công giáo, 854).

- Xây dựng cộng đoàn bằng cách chuẩn bị cho các ứng sinh lãnh nhận phép Thánh tẩy và các bí tích khai tâm khác, để gia nhập Hội thánh Chúa Kitô, Đấng là ngôn sứ, tư tế và mục tử (xem Sắc lệnh Truyền giáo của Công đồng Vatican II, 15; Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế của Đức Gioan Phaolô II, 48; Giáo lý Hội thánh Công giáo, 854).

- Dưới quyền các mục tử và cộng tác với các tín hữu khác, chu toàn các trách vụ, xét trên bình diện mục vụ - hướng về sự trưởng thành của giáo hội địa phương. Các việc phục vụ này gắn liền với những nhu cầu riêng của mỗi Giáo hội, và xác định tính cách của giáo lý viên trong các miền truyền giáo. Hệ quả là các hoạt động huấn luyện phải giúp giáo lý viên nhạy bén về truyền giáo, bằng cách giúp giáo lý viên khám phá mọi hoàn cảnh thuận lợi để loan báo Tin Mừng và dấn thân vào đó" (tlđd, số 25).

4.8 Ý thức về Giáo hội:

"Giáo hội tự bản chất là truyền giáo và được sai đi để rao giảng Tin Mừng cho mọi người; điều này dẫn đến hai xác tín: xác tín thứ nhất: hoạt động tông đồ không phải là hành vi cá nhân và đơn độc; xác tín thứ hai: hoạt động tông đồ được hoàn tất trong sự hiệp thông Hội thánh, khởi đầu từ giáo hội địa phương với Giám mục của mình.

Những gì Đức Phaolô VI nhận xét về những người rao giảng Tin Mừng (xem Tông huấn Loan báo Tin Mừng của Đức Phaolô VI, 60) đều có thể áp dụng thích đáng cho các giáo lý viên, những người mà vai trò của họ thực sự thuộc về Hội Thánh và do đó mang tính cộng đoàn (xem Tông huấn việc giảng dạy Giáo lý của Đức Gioan Phaolô II, 24). Quả thế, giáo lý viên được các vị mục tử ủy nhiệm và chu toàn sứ mạng đã lãnh nhận từ Hội thánh và nhân danh Hội thánh. Giáo lý viên không phải là người thày mà là đầy tớ khiêm hạ, nên hành động của họ nối kết với hành động của toàn Hội thánh, trên bình diện thể chế và ân sủng
"

Sau đó Tài liệu Hướng dẫn còn đề cập đến các thái độ căn bản cần huấn luyện cho giáo lý viên theo chiều kích cộng đoạn là: sẵn sàng vâng phục các vị mục tử, khả năng cộng tác ở nhiều cấp độ khác nhau (tlđd, số 26).

III. Ứng dụng thực hành

3.1 Có một hiểu biết đầy đủ về vai trò quan trọng của việc giảng dạy giáo lý cvà của các giáo lý viên tron vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội Việt Nam hiện nay.

3.2 Cầu nguyện thường xuyên cho công việc giảng dạy giáo lý và cho các giáo lý viên của Giáo hội Việt Nam nói chung, của giáo phận và giáo xứ nói riêng.

3.2 Tích cực dấn thân vào công việc giảng dạy giáo lý của giáo xứ: cho trẻ em và người lớn, cho dự tòng, tân tòng và cho các bạn trẻ sắp lập gia đình.

IV. Trao đổi chia sẻ



4.1 Làm thế nào giáo xứ có nhiều giáo dân tình nguyện trở thành giáo lý viên phục vụ công tác giảng dạy giáo lý cho trẻ em và người lớn, cho giáo dân, tân tòng và dự tòng, cho các an trẻ sắp lập gai đình?

4.2 Muốn anh chị em giáo lý viên của giáo xứ hoàn thành tốt trách nhiệm được giao, giáo xứ phải làm gì hơn nữa để hỗ trợ họ?

4.3 Anh chị có nhận xét và đóng góp gì cho các giáo lý viên của giáo xứ? Anh chị nguyện sẽ giúp đỡ họ và cộng tác với họ như thế nào?

V. Cầu nguyện truyền giáo

5.1 Cầu nguyện cho công cuộc rao giảng Tin Mừng và giảng dạy giáo lý của Giáo hội Việt Nam nói chung, của giáo phận và giáo xứ của chúng ta nói riêng.

5.2 Cầu nguyện cho các giáo lý viên của Giáo hội Việt Nam nói chung, của giáo phận và giáo xứ của chúng ta nói riêng.

5.3 Cầu xin Thiên Chúa ban cho Giáo hội Việt Nam nói chung, cho giáo phận và giáo xứ của chúng ta nói riêng, nhiều giáo lý viên nhiệt thành và đạo đức.

VI. Quyết tâm cá nhân và cộng đoàn

6.1 Quan tâm đến công việc giảng dạy giáo lý của giáo xứ cho người lớn và trẻ em, cho cựu, tân và dự tòng, cho các bạn trẻ sắp lập gia đình.

6.2 Tùy theo khả năng và hoàn cảnh, tích cực đóng góp vào việc giảng dạy giáo lý của giáo xứ bằng nhiều cách khác nhau: hoặc hỗ trợ tài chánh, sách vở; hoặc cộng tác với các giáo lý viên; hoặc đôn đốc con em trở thành giáo lý viên; hoặc tự nguyện trở thành giáo lý viên?

Ngày 10 tháng 04 năm 2003