SAIGÒN - Chiều ngày thứ năm, 19/11/2009, giáo xứ Phú Trung, hạt Phú Thọ, Sài Gòn, đã tổ chức dâng thánh lễ cầu nguyện cho các thầy cô giáo nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam.

Đây là lần thứ ba, cha chánh xứ Phú Trung, Giuse Maria Lê Quốc Thăng, đã tỏ tấm lòng quí mến, trân trọng các thầy cô giáo đang làm công giảng dạy trên địa bàn giáo xứ bằng cách gởi thiệp mời giáo viên Trung học cơ sở, Tiểu học, lớp Tình Thương, giáo viên hưu trí và các bạn trẻ đang dạy giáo lý cho các thiếu nhi đến cùng cầu nguyện trong thánh lễ, họp mặt giao lưu trong bữa tiệc thân mật.

Nhìn tấm thiệp mời, có lẽ các thầy cô dễ xúc động vì thiệp in đẹp có chữ ký của cha chánh xứ và ông Giuse Bùi Đức trưởng Ban Khuyến Học. Nhưng đặc sắc nhất là bài giảng trong thánh lễ mà ba năm qua, cha đều xoáy vào đề tài giáo dục dựa trên bối cảnh xã hội hiện tại.

Nền của bài giảng hôm nay dựa trên Tám Mối Phúc Thật. Qua người thầy đầu tiên là thầy Giêsu, nhiều thế hệ đã được đón nhận Tin Mừng. Có một nguồn sức mạnh, sức sống rất dồi dào nơi những người giáo dân, nhưng chắc chắn người giáo dân biết sống đức tin mạnh mẽ là nhờ giáo dục. Chính vì thế, Giáo Hội luôn mong có những thế hệ biết kế thừa và sống tinh thần của Chúa Kitô.

Mỗi người Kitô hữu, mỗi gia đình Công giáo nên chọn một mối phúc trong tám mối phúc thật để trở nên chứng nhân cho Tin Mừng. Vì bốn mối phúc đầu nói đến đức tính của một người môn đệ Đức Kitô, tương ứng với một lời mời gọi từ bỏ, để theo gương người thầy Giêsu sống giản dị, yêu thương, khiêm nhường, hiền lành (hiền lành ở đây là không có một phương tiện nào khả dĩ mang lại cách sống thống trị người khác). Bốn mối phúc sau tương ứng với một lời mời gọi vác thập giá theo Chúa, một lời mời gọi mang tính tích cực làm cho người ta biết sống dấn thân, yêu thương, nỗ lực xây dựng hòa bình.

Trong không gian rộng của nhà thờ, các thầy cô lặng yên, lòng như thấm đậm từng lời của linh mục, trên ngực mỗi người là bông hoa có màu tươi thắm, bông hoa đó mang ý nghĩa tri ân hay biểu hiện cho một sứ mạng làm thầy?

Dù những bông hoa tươi thắm trong ngày nhà giáo mang lại niềm vui thế nào thì phần lớn các thầy cô cũng mang tâm tư có những điểm chung, có những điểm riêng vì sự nghiệp giáo dục hiện nay như đang đi trên một đôi chân khập khiễng, dù chính phủ và mọi người đã nỗ lực hết sức nhưng các hạt sạn vẫn còn nhiều, quá nhiều!

Nhiều phương tiện truyền thông đã cảnh báo về các tiêu cực khiến cho điều người ta khắc khoải là làm sao đào tạo nên một con người tốt? Việc giáo dục nhân cách và nhân bản là quan trọng thế mà lại bị coi thường, việc giáo dục đức tin bị bỏ mặc, thậm chí bị loại trừ. Chúng ta phải làm gì khi sống trong một bầu khí sư phạm chưa trung thực, có người chưa yêu trẻ yêu nghề, một sự giả dối trong học tập qua hiện tượng quay cóp, chất lượng kiến thức không ứng với bằng cấp, bằng giả bằng thật; hiện tượng vô đạo đức khi trò tạt át-xít vào thầy; sinh viên có mặt trong nhiều loại tội phạm hình sự…? Chắc là mỗi người không mơ ước gì lớn, chỉ mong làm những khả năng trong tầm tay của mình.

Tiệc mừng tổ chức gọn trong nhà xứ. Cha đến từng bàn chào hỏi từng người. Có cô giáo đã trên bảy mươi tuổi, tóc bạc óng như sợi cước cười hiền hòa: “Con đi dự tuy ăn không được nhiều nhưng thấy rất vui. Chỉ còn chờ ngày về với Chúa mà vẫn được cha quan tâm thế này!” Một cô rất vui tính: “Còn hai tháng nữa là con về hưu, thế là được Nhà Nước nuôi, con cứ vô tư đi làm việc tông đồ cho Chúa!”. Một thầy giáo khác cũng không kém phần hài hước: “Trong bài giảng, cha có nói về những đau khổ của nhà giáo, nào là khổ vì học trò, phải hy sinh nhiều thứ, trước đây phải sống nghèo vì lương ít…con còn có những đau khổ mà khi lên Thiên Đàng con mới dám nói ra với Chúa, nói ra bây giờ “văng miểng” nhiều lắm!”

Kết thúc ngày gặp gỡ tại giáo xứ Phú Trung, chắc là nhiều thầy cô cảm thấy rằng chỉ có thấm nhuần Tám Mối Phúc Thật mới làm cho người ta sống đúng là người Kitô hữu, nhất là một người mang sứ mạng giáo dục, đào tạo con người cho xã hội, Giáo hội và gương người thầy Giêsu mãi là một khuôn mẫu cho các thầy cô giáo Công giáo.