NỖI NIỀM NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO

Trong văn học Trung Hoa, có câu “Nhất niên chi kế, mạc như thọ cốc, thập niên chi kế, mạc như thọ mộc, bách niên chi kế, mạc như thọ nhân.” Nghĩa là: “Kế hoạch cho một năm, không gì bằng trồng lúa, kế hoạch cho mười năm, không gì bằng trồng cây, kế hoạch cho trăm năm, không gì bằng trồng người.”

Trồng người quả là khó ! Cần thời gian, cần chất lượng, cần kiên nhẫn và quan trọng nhất là có nền tảng giáo dục cho con người.

Thế nhưng, thực trạng giáo dục ngày nay đã được lên tiếng không phải mới đây nhưng nhiều năm gần đây. Một nền giáo dục có vấn đề vẫn cứ oằn vai trồng người để rồi nhiều hậu quả kèm sau đó.

Mới đây, một thầy giáo dạy Toán ở Hà Tĩnh làm một cuộc khảo sát nhanh với quy mô nhỏ của thầy để hiểu thêm về những hiểu biết của trò mình về các kỹ năng sống. Nhìn vào kết quả khảo sát ta thấy có gì đó đăng đắng từ miệng và cay cay từ hai hàng nước mắt khi suy ngẫm về giáo dục.

Thầy đã làm một điều tra “xã hội học” nhỏ về học sinh một lớp chọn 12 của trường đang dạy.

Kết quả khảo sát như sau :

1.Có 45/45 em đi học bằng xe đạp. Trong đó: Có 3 em phân biệt được líp và đĩa, có 10 em phân biệt được săm và lốp. Và không có em nào biết sửa xe.

2.Có 41/45 em, thường đi qua sông suối. Trong đó, chỉ có 4 em biết bơi, kiểu bơi “chó ngoi nác lụt” (Chó ngoi nước lụt – PV). Số còn lại, chỉ biết lặn, kiểu lặn “xuống nước, ba ngày sau mới nổi”.

3.Có 45/45 em thường xuyên ăn cơm. Trong đó chỉ có 15 em biết nấu cơm, nhưng trong 15 em biết nấu thì chỉ có 5 em thường xuyên nấu cơm cho gia đình. Có 17/45 em thỉnh thoảng có rửa bát.

4.Có 45/45 em nhớ sinh nhật của 3 người bạn thân trở lên. Trong đó, chỉ có 4 em là nhớ ngày sinh của bố mẹ mình.

5.Có 45/45 em đọc sách, (nhưng là đọc các sách giáo khoa). Trong đó có 5 em có đọc sách truyện, nhưng lại bị bố mẹ cấm đoán, phải đọc lén. Có 2 em đã đăng kí mượn sách thường xuyên tại tủ sách miễn phí của thầy Trợ, nhưng sau khi bị bố mẹ phát hiện, lại xin thôi.

6.Có 45/45 em thường xuyên đi học thêm. Có 45/45 em có khả năng vào ĐH và 45/45 em mong muốn trở thành cán bộ nhà nước.

Bảng kết quả thật buồn và đáng suy gẫm.

Qua bảng khảo sát, nhìn chung ta thấy các em thiếu kỹ năng sống nhưng điều đáng nói hơn nữa là kiến thức căn bản cũng chẳng ra chi.

Thực tế là kiến thức bị nhồi nhét nhưng kết quả chẳng là bao.

Một cô giáo gần nhà than phiền với tôi về thực tại việc giáo dục mà cô phải đối diện.

Nhà trường có 2 sổ điểm : 1 giữ trong trường và 1 đưa cho phụ huynh. Sổ điểm đưa cho phụ huynh điểm thật thấp để ép con em đi học thêm, sổ để ở trường thật cao để báo cáo thành tích. Năm nào cũng lên lớp 100% nhưng thật sự khả năng thì quá yếu. Ngay cả giáo viên cũng không dám cho học trò của mình ở lại lớp vì bị cắt thi đua ???

Thử hỏi giáo dục như thế thì giáo dục sẽ đi về đâu ?

Vì chạy theo thành tích nên học thêm học bớt đủ thứ để rồi các em không còn thời gian để vui chơi, thời gian sống với xã hội, sống với gia đình của các em. Các em chỉ biết học và học để rồi những quy tắc ứng xử trong gia đình, phép xã giao bình thường không ít em cũng không biết.

Và, hiện tại ta thấy nền giáo dục lại chạy theo nhu cầu giả tạo của dân (học để thoát cảnh lao động chân tay) bằng cách mở thêm nhiều trường Cao Đẳng và Đại Học đào tạo nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ,… mà không có công việc cho họ sau khi ra trường, sẽ dẫn đến cảnh thất nghiệp tràn lan.

Thật là buồn cười khi một đất nước mà có hơn 70.000 cử nhân ra trường không có việc làm, điều này có phải là hoàn toàn lãng phí không? Một trong những chức năng cơ bản của giáo dục là “nâng cao dân trí”. Vậy thì khi mà 70.000 người được nâng cao cái “trí” thì tức là giáo dục đã có một phần công lao. Và tiền bỏ ra cho việc đó không phải hoàn toàn vô ích.

Mới đây thật giật mình khi có ý tưởng xuất khẩu tiến sĩ ! Tiến sĩ của ta là tiến sĩ gì mà lại can đảm đi xuất khẩu !

Theo khảo sát, sau khi tốt nghiệp cử nhân thì chỉ có 30% đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Số còn lại sẽ làm gì sau khi ra trường ? Thế nên hiện tượng thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học không phỉa là điều khó hiểu.

Chuyện lạ vừa xảy ra khi Bộ giáo dục viết bộ sách giáo khoa : người ta vừa cầm còi vừa chơi bóng. Làm như thế, không biết bao nhiêu hệ lụy sẽ đổ dồn trên con cháu.

Gọi là mừng ngày nhà giáo Việt Nam nhưng còn điều gì đó đượm buồn với nền giáo dục hiện tại của nước nhà.

Micae Bùi Thành Châu