Hôm nay, 24/11/2009, Giáo hội Công Giáo Việt Nam chính thức khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội, mừng kỷ niệm 350 năm thiết lập hai Giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Đây là một biến cố quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Giáo Hội tại Việt Nam. Một bạn trẻ chia sẻ với tôi rằng mới chỉ nghĩ đến việc được đi tham dự Thánh Lễ khai mạc là con đã cảm thấy rạo rực trong tâm hồn. Chắc hẳn cũng nhiều người có cùng tâm trạng như bạn trẻ này và đang hướng về Giáo Hội Mẹ trên quê hương Việt Nam yêu dấu. Thật tiếc là tôi đã không thể về tham dự Đại lễ này nhưng tôi hướng lòng về Sở Kiện để cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện.

Năm Thánh dĩ nhiên là phải sống thánh rồi. Nhưng sống thánh là gì? Sống thánh là sống thật. Chỉ trong sự thật mới có tình yêu đích thực. Vì thế mà Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã viết thông điệp “Bác ái trong chân lý” (Caritas in veritate). Không có sự thật, tất cả đều vô nghĩa. Những nụ cười, những ánh mắt, những cái bắt tay, thậm chí cả những nụ hôn, nếu như giả tạo thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Con người dường như đã quá quen sống theo vỏ bọc nên dần họ coi những chuyện đó như chuyện xã giao cần phải có.

Năm Thánh được gọi là năm hòa giải canh tân đời sống, trở về với Thiên Chúa, trở về với tha nhân và trở về với chính mình. Tôi nghĩ rằng mọi nghi thức cử hành trong phụng vụ, mọi cuộc xưng thú tội lỗi, mọi hình thức bề ngoài, nếu như không có những việc làm cụ thể, không có những dấn thân thực sự thì tất cả những cử hành kia không có ý nghĩa gì nhiều. Thông thường, nói đến cử hành Năm Thánh, người ta hay nghĩ đến việc ra tài liệu nọ kia cho dân Chúa học hỏi. Các mục tử hay lo biến đổi đoàn chiên nên đôi khi quên đi nghĩa vụ bản thân mình phải biến đổi. Vì thế, tôi có một vài ước mơ cho Năm Thánh, nhưng chủ yếu là nơi những người lãnh đạo Giáo Hội.

Tôi ước mong Giáo Hội Việt Nam sẽ thực sự có một chỗ đứng trong lòng dân tộc Việt Nam. Giáo Hội đã chủ trương đồng hành với dân tộc thì đây quả là cơ hội thuận tiện để hiện thực hóa chủ trương ấy. Bao nhiêu năm chung sống với chế độ cộng sản, chúng ta vẫn chưa có một tiếng nói nhất định. Chúng ta mới chỉ có tiếng nói trên phạm vị nội bộ tôn giáo của mình. Chúng ta chưa có được tầm ảnh hưởng trên toàn thể xã hội. Đã đến lúc Giáo Hội tạm quên đi quyền lợi của riêng mình và chăm lo cho quyền lợi của mọi người dân Việt Nam. Giáo Hội hãy đặt lợi ích của Quốc Gia và dân tộc lên trên lợi ích của nhóm mình. Để làm được việc đó, Giáo Hội hãy sống quảng đại và cho đi. Giáo Hội hãy tạm ngưng việc đòi lại cho mình đất đai và các cơ sở tôn giáo bị Nhà Nước tịch thâu. Nhưng, Giáo Hội hãy lên tiếng chính thức đòi Nhà Nước phải sử dụng tất cả những cơ sở đó vào mục đích công ích phục vụ hạnh phúc của nhân dân. Hãy công khai cho mọi người biết tất cả các cơ sở hiện đang bị chiếm dụng và được dùng cho tư nhân. Chúng ta có quyền yêu cầu Nhà Nước biến tất cả những cơ sở đó phục vụ hạnh phúc của người dân nghèo. Giáo Hội hãy đứng về phía người dân lên tiếng bênh vực cho sự thật. Biết bao những người dân nghèo khổ đang bị tước đoạt, bị chèn ép, họ đang cần tiếng nói nâng đỡ của Giáo Hội. Giáo Hội hãy lên tiếng bênh vực họ.

Tôi ước mong các Giám Mục Việt Nam can đảm hơn trong việc làm chứng cho sự thật. Giáo Hội tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô là làm chứng cho sự thật. Chúa Giêsu đã trả lời quan Philatô rằng nước Tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã sinh ra và đã đến trong thế gian cốt để làm chứng cho sự thật. Những ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi (x.Ga, 18,35-37). Đức Tổng Giám Mục Hà Nội đã can đảm làm chứng cho sự thật. Ngài đã nói công khai với chính quyền để khẳng định cái quyền làm người. Ngài đã bị truyền thông nhà nước đánh cho tơi bời, nhưng trong sâu thẳm của lòng mình, Đức Tổng có thể mỉm cười vì Ngài đã làm những gì phải làm. Ngài không phải hổ thẹn với lương tâm của mình. Vì thế, tôi ước mong các mục tử khác cũng hãy làm như vậy. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng: Các con đừng sợ !(Mc 5,36). Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn(Mt 10,28). Đừng sợ bị mất đi những đặc quyền đặc lợi. Đừng sợ đoàn chiên của Chúa tan tác khi mình công khai bày tỏ lập trường của mình. Trái lại, đoàn chiên sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi thấy các vị lãnh đạo Giáo Hội can đảm. Giáo Hội không làm chính trị vì Nước Chúa có ở thế gian này đâu, nhưng Giáo Hội có nghĩa vụ bênh vực cho sự thật và công lý.

Tôi ước mong các linh mục hãy thương yêu đoàn chiên hơn trong Năm Thánh này. Các linh mục đừng làm khổ giáo dân. Người giáo dân đã quá đau khổ rồi. Chúng ta đừng chất lên vai người giáo dân những gánh nặng mà chính chúng ta cũng không mang nổi. Linh mục được coi là một Chúa Kitô khác. Hãy bắt chước Chúa để can đảm giải thoát cho giáo dân những gánh nặng lương tâm, những dằn vặt trong tâm hồn. Hãy dám chịu trách nhiệm thay cho dân trước mặt Chúa. Nói một cách mạnh mẽ hơn là linh mục hãy dám chết thay cho đoàn chiên. Có một linh mục đã nói với tôi rằng mình sẵn sàng xuống hỏa ngục thay cho giáo dân. Tôi ước mong tất cả các linh mục cũng hãy làm như thế. Hãy quan tâm đến đời sống không chỉ của người đồng đạo mà là của hết mọi người dân trong vùng mình coi sóc. Hãy đến với dân để lắng nghe tiếng nói của họ. Hãy bắt đầu bài giảng đi từ cuộc sống và nỗi đau của con người. Đừng chỉ giảng lý thuyết suông cứng nhắc. Hãy nói bằng tiếng nói của con tim, của cõi lòng thinh lặng. Hãy đưa người dân đến gặp Thiên Chúa đang hiện diện trong trái tim họ. Hãy cùng đồng hành và chia sẻ với dân trong niềm vui và cả nỗi buồn của cuộc sống. Và sau khi đã làm tất cả những việc đó, hãy tự nói với chính mình rằng: Tôi chỉ là một đầy tớ vô dụng. Tôi chỉ làm những gì phải làm mà thôi.

Tôi ước mong có nhiều những sáng kiến của cá nhân và tập thể, đặc biệt trong việc bác ái và xây dựng con người toàn diện. Những người nghèo lúc nào cũng ở bên cạnh chúng ta. Cứ 6 giây qua đi thì có một trẻ em chết vì thiếu ăn. Cuộc sống của người dân Việt Nam vẫn còn quá nghèo. Tôi ước mong có nhiều các hoạt động từ thiện bác ái cụ thể trong Năm Thánh này như: Thành lập các quỹ khuyến học, quỹ bác ái trên bình diện các giáo xứ, nhất là những nơi có linh mục ở trực tiếp. Hãy cổ võ mọi người đến với những người nghèo, những bệnh nhân, những người đau khổ cách này hay cách khác, nhất là dịp lễ Giáng sinh và lễ Tết cổ truyền của dân tộc sắp tới. Đừng chờ đợi bởi chúng ta không biết phải chờ đến bao giờ.

Ước mơ bao giờ cũng đẹp. Nhưng thực tế cuộc sống thường không như thế. Và vì không như thế nên ta mới ước mơ. Tôi nghĩ rằng mọi thay đổi phải bắt đầu từ chính bản thân mình. Sứ điệp lớn lao nhất Đức Giêsu Kitô gửi cho nhân loại là Tình yêu. Sứ điệp ấy không chỉ được nói bằng lời mà bằng chính cuộc sống hiện thân tình yêu của Ngài. Con người luôn mang những tham vọng và hoài bão lớn lao. Con người ôm ấp trong mình mộng bá chủ thế giới. Con người luôn muốn điều khiển người khác, muốn chỉ huy họ và không muốn ai chỉ huy mình. Bi kịch của cuộc đời cũng hệ tại ở chỗ đó. Con người luôn mong ước người khác biến đổi còn chính mình thì không. Vì thế chỉ khi bản thân tôi biến đổi, tôi mới có quyền hy vọng thế giới thay đổi, bởi khi tôi thay đổi thì ít ra tôi đã góp cho thế giới một công dân tốt. Và nếu như trong Năm Thánh này, ai cũng bắt đầu thay đổi từ chính bản thân mình, tôi tin chắc Giáo Hội sẽ có một mùa gặt bội thu. Và ước mơ của tôi sẽ không trở nên hão huyền. Mong thay!