Phil Lawler, giám đốc trang mạng CatholicCulture.org có một loạt bài về 5 điều tệ hại nhất và 5 điều khích lệ nhất của năm 2005 và 5 điều được ông chờ mong nhất cho năm 2010.

I. Năm điều tệ hại nhất: Năm điều tệ hại nhất này được Phil Lawler kể theo thứ tự từ từ dưới đi lên.

5. Sự thất sủng của Giám Mục Raymond Lahey

Trong Mùa Thu, sau nhiều tuần lễ tin tức sôi động, giáo dân giáo phận Antigonish được biết về việc đền bù 13 triệu Gia Kim cho các nạn nhân bị xách nhiễu tình dục. Nhưng tin sau đó còn làm họ bối rối hơn nữa, đó là tin Đức Cha Raymond Lahey xin từ chức vì bị cưỡng bức phải làm vậy. Lý do: chính ngài cũng sẽ bị khởi tố về tội ấu dâm.

Câu hỏi được họ nêu ra là tại sao các viên chức chấp pháp biết rõ tác phong không đẹp của vị giám mục này trong khi các đồng nghiệp của ngài lại không hay biết gì? Còn nếu các đồng nghiệp của ngài biết rõ tác phong ấy, thì tại sao lại không đưa ra biện pháp để ngăn cản tác phong đầy thất sủng ấy đối với riêng ngài và đối với Giáo Hội nói chung?

4. Sự thất sủng của Linh Mục Marcial Maciel

Từ những ngày đầu của Đạo Binh Chúa Kitô (Legion of Christ), các đoàn viên vốn ngưỡng mộ vị sáng lập của họ như một vị thánh sống đáng mô phỏng. Kể cả sau khi Tòa Thánh yêu cầu cha Maciel cao niên lui về sống ẩn dật những năm tháng cuối đời, tiếp theo nhiều đơn tố cáo các hành vi tính dục sai trái của ngài, các đoàn viên của Đạo Binh vẫn lên tiếng bênh vực vị sáng lập của mình. Bởi thế, vào tháng Hai, khi các nhà lãnh đạo của Đạo Binh chính thức thừa nhận tác phong xấu xa của Cha Maciel, thì các đoàn viên hết sức ngỡ ngàng. Vụ xì-căng-đan này chỉ được thông tin đầy đủ trong năm 2009, với nhiều đơn tố cáo hơn về việc Cha Maciel biển thủ công qũy, có con rơi và còn đạo văn nữa.

Một phong trào tu trì do một người lầm lỗi đến thế sáng lập có thể nào sống còn được không? Các đoàn viên ngày nay còn có thể tin tưởng được những nhà lãnh đạo từng che chở cha Maciel khỏi bị điều tra hay không? Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã ra lệnh tiến hành một cuộc thanh tra của Tòa Thánh (apostolic visitation) để giải quyết các vấn đề ấy; năm vị giáo chủ đã bắt đầu cuộc thanh tra ấy vào mùa hè vừa qua.

3. Sự cực đoan đầy phá hoại của Giám Mục Richard Williamson

Một trong những sự việc tích cực nhất trong năm 2009 là việc Đức Giáo Hoàng vươn tay ra chào đón Hội Thánh Piô X (SSPX) do TGM Lefèbre sáng lập. Nhưng cử chỉ ấy đã bị báo chí đời làm lu mờ do cách Vatican vụng về xử lý một trong các giám mục của nhóm này, tức Đức Cha Richard Williamson. Người ta còn nhớ ngay trong tuần Đức Giáo Hoàng công bố những biện pháp đầy cởi mở để dọn đường cho Nhóm tìm về hiệp nhất, thì một đài truyền hình của Thụy Điển cho phát hình cuộc phỏng vấn trong đó Đức Cha Williamson cho hay ngài hoài nghi tầm mức của cuộc Diệt Chủng chống người Do Thái trong Thế Chiến II. Quan điểm của vị giáo chủ này rất phổ biến nơi giáo dân của ông, nhưng các viên chức Tòa Thánh có nhiệm vụ thương thảo với Nhóm SSPX thì xem ra lại không hay biết gì. Điều ấy làm giới truyền thông cũng như các nhà lãnh đạo Do Thái ngỡ ngàng. Cuộc tranh cãi nhân vụ này đã ảnh hưởng xấu đối với kế hoạch hòa giải của Đức Giáo Hoàng. Và vấn đề không ngưng ở đấy. Vì gần cuối năm, Đức Cha Williamson vẫn chống lại một quyết định của tòa án Đức phạt ngài về tội xét lại cuộc Diệt Chủng; ngài yêu cầu được có cơ hội giải thích các quan điểm của mình một lần nữa.

2. Cuộc phản loạn của hàng giáo sĩ Áo

Khi Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm một linh mục bảo thủ là Đức Ông Gerhard Wagner làm giám mục phụ tá giáo phận Linz, các linh mục của giáo phận này đã thực sự nổi loạn chống lại việc bổ nhiệm ấy. Tệ hơn nữa, các vị giám mục của Áo, thay vì ủng hộ quyết định của Đức Giáo Hoàng, đã lên tiếng chỉ trích Tòa Thánh không chịu tham khảo các nhà lãnh đạo Giáo Hội Áo trước khi công bố quyết định. Trước sự chống đối không thể nào vượt qua, Đức Ông Wagner đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng rút lại việc bổ nhiệm mình. Và sau một thời gian suy nghĩ, Đức Giáo Hoàng đã chấp nhận lời yêu cầu của Đức Ông. Nhưng sau đó, ngài đã cho mời các giám mục Áo tới Rôma dự phiên họp đặc biệt. Nhiều phúc trình cho hay nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng đã biểu lộ sự ngỡ ngàng của ngài trước thái độ làm ngơ của các giám mục Áo đối việc nổi loạn công khai và các lạm dụng về phụng vụ.

Câu hỏi chủ chốt tại Áo là liệu Tòa Thánh có áp dụng kỷ luật đối với Giáo Hội này hay không. Câu hỏi ấy cũng đang xuất hiện tại nhiều nơi khác. Như tại Ba Tây chẳng hạn, TGM José Cardoso Sobrinho đã phản đối mạnh mẽ khi quan điểm phò sự sống của ngài khiến nhiều giới chức Tòa Thánh lên tiếng chỉ trích trên tờ L’Osservatore Romano. Ngài than phiền rằng các chỉ trích đó không chính xác nhưng ngài lại không được cơ hội trả lời trên tờ báo của Tòa Thánh. Cuối cùng, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã lên tiếng bênh vực ngài, nhưng việc bênh vực này chỉ xẩy ra sau khi việc ngài từ chức đã được công bố.

Tại Hoa Kỳ, Đức Cha Joseph Martino đột ngột từ chức sau khi bị nhiều người chỉ trích về chủ trương phò sự sống quá mạnh mẽ của ngài. Lý do việc từ chức này chưa bao giờ được giải thích thỏa đáng. Có lẽ có một lý do gì đó khá vững chắc nhưng không tiện công bố cho mọi người cùng biết. Hiệu quả thuần của việc từ chức này hiện đang làm nhiều người tin rằng Giáo Hội không nhân nhượng các cố gắng đòi áp dụng kỷ luật đối với những người ủng hộ phá thai.

1. “Mùa chay dài” của Giáo Hội Ái Nhĩ Lan

Cố linh mục Richard Neuhaus (mà cái chết cũng là một truyện buồn đã xẩy ra trong năm 2009) từng gọi vụ xì-căng-đan xách nhiễu tình dục của năm 2002 là “mùa chay dài” của Giáo Hội Hoa Kỳ, với thật nhiều các câu truyện làm cho cả những người vững mạnh nhất cũng phải nản lòng. Năm nay, Giáo Hội Ái Nhĩ Lan cũng đang kinh qua một kinh nghiệm như thế. Nó bắt đầu với một phúc trình về việc lạm dụng “kinh niên” các trẻ em trong các định chế Công Giáo trong thế kỷ 20; sự việc càng trở nên nghiêm trọng qua một phúc trình khác, đề cập tới việc lạm quyền và phá hoại lòng tin do cách hàng giáo phẩm Dublin xử lý các vụ lạm dụng tình dục. Rồi tiếp theo các phát hiện sau cùng, liên tiếp 4 vị giám mục lần lượt từ chức. Áp lực mỗi ngày một gia tăng đòi vị giám mục thứ 5 từ chức khiến nhiều giáo phận khác không thoát khỏi nạn bị điều tra. Và kết quả các cuộc điều tra này đã làm đức tin nhiều tín hữu Công Giáo giao động. Bất hạnh thay, chưa có lý do nào khiến các phát hiện xấu xa thuộc loại này chấm dứt.

II. Năm điều tích cực nhất của năm 2009: Năm điều tích cực này cũng được xếp theo thứ tự từ dưới đi lên.

5. Tòa Thánh điều tra các cộng đoàn nữ tu Hoa Kỳ

Tháng 11 năm 2008, Đức Hồng Y Franc Rodé cho hay: “Nhiều năm qua, Thánh Bộ Dòng Tu vốn theo dõi các lắng lo do nhiều nhân vật Công Giáo Hoa Kỳ (tu sĩ, giáo dân, giáo sĩ và giáo phẩm) bày tỏ liên quan đến phúc lợi của các nữ tu sĩ và những người sống cuộc sống tận hiến nói chung”. Và cuối cùng, vào năm nay (2009), Tòa Thánh đã hành động.

Tháng Hai, Tòa Thánh công bố sẽ thanh tra các dòng nữ của Hoa Kỳ. Cuộc thanh tra này được Thánh Bộ Dòng Tu ủy nhiệm cho Mẹ Clare Millea, ASCJ, đảm trách, người từng tuyên bố sẽ thực hiện một cuộc tìm hiểu nghiêm chỉnh và mạnh mẽ.

Trong khi bề trên một số dòng nữ lên tiếng phản đối cuộc điều tra này, thì một tin khác đã được công bố: Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ tiến hành một cuộc điều tra khác về tín lý đối với Hội Đồng Lãnh Đạo Các Dòng Nữ, tức cơ quan đầu não các dòng nữ chính của Hoa Kỳ.

Trong các năm sau Vatican II, các nữ tu Hoa Kỳ càng ngày càng trở nên qúy hiếm. Con số các Nữ Tu Hoa Kỳ hiện nay chỉ bằng nửa con số năm 1965. Tuổi trung bình của các nữ tu còn lại này mỗi ngày một lên cao. Ấy thế nhưng, truyện nghịch thường là các cộng đoàn chiêm niệm và các cộng đoàn hoàn toàn dấn thân bước theo các mẫu sống cổ truyền của cuộc sống tu trì thì lại dồi dào ơn gọi. Chỉ duy những cộng đoàn được coi là “chính dòng đời”, nghĩa là những dòng tu một thời vốn cung cấp đoàn viên cho các trường nhà xứ và các bệnh viện khắp quốc gia, là đang biến mất đi. Điều đáng lo ngại là càng ngày càng có chứng cớ cho thấy họ tự gây họa cho chính mình; họ không còn khả năng thu hút các thiếu nữ, chỉ vì họ đã đánh mất chính căn tính tu trì rõ nét của mình. Như Đức Hồng Y Rodé từng nói trong một cuộc nói truyện thẳng thắn với một cử tọa Hoa Kỳ trong năm 2008, một số nữ tu “chưa bao giờ ta thán về việc đời sống tu trì hay ít nhất cộng đoàn họ đang dần dần biến mất đi”.

Nếu các con số thống kê về cuộc sống tu trì đủ để chứng tỏ sự cần thiết phải có cuộc thanh tra trên, thì phản ứng giận dữ của một số nữ tu nổi tiếng của Hoa Kỳ đã nói lên bản chất thực sự của vấn đề. Một nhóm nữ tu có ảnh hưởng đã lên tiếng hô hào một cuộc phản kháng bất bạo động đối với động thái của Tòa Thánh, và tháng 11 vừa qua, tờ National Catholic Reporter cho hay các cộng đoàn chính dòng đã phát động một “cuộc phản kháng gần như toàn diện” chống lại cuộc thanh tra của Tòa Thánh. Chỉ có 1% các dòng nữ đã giữ đúng hạn chót trả lời các câu hỏi điều tra. Bề trên các tu hội lớn nhất dường như coi Tòa Thánh là đích thủ của họ. Sự kiện ấy đủ nói lên nhu cầu cần Tòa Thánh phải chặn đứng các nữ tu này.

4. Các giám mục Ái Nhĩ Lan đã nắm được vấn đề

Như trên đã nói, các tiết lộ về xách nhiễu tình dục tại Ái Nhĩ Lan được kể là một trong 5 điều tệ hại nhất của năm 2009, nhưng cuộc thống nạn của Giáo Hội Ái Nhĩ Lan cũng đem lại một kết quả khá tích cực. Không giống các đồng nghiệp Hoa Kỳ của mình, các giám mục Ái Nhĩ Lan đã biết nhìn nhận phần trách nhiệm của mình.

Trong vòng một tháng sau khi công bố phúc trình Murphy, 4 vị giám mục Ái Nhĩ Lan đã xin từ chức. Các vị từ nhiệm một phần do công luận gây áp lực. Mà áp lực này phần lớn do ảnh hưởng của Đức TGM Diarmuid Martin của Dublin, người đã lên tiếng minh nhiên kêu gọi bất cứ vị giám mục nào của Dublin có liên quan đến vụ việc phải nghiêm chỉnh xét lại vị trí của mình, tuy không chính thức kêu gọi các vị từ nhiệm.

Đức Cha James Moriarty, một trong các vị từ nhiệm, bác bỏ lời tố cáo cho rằng ngài làm ngơ các đơn khiếu nại về xách nhiễu tình dục, nhưng nhìn nhận rằng: “đáng lẽ ra tôi phải thách thức nền văn hóa đương thịnh mới đúng”. Đúng như thế. Bất cứ vị giám mục nào dễ dãi đối với việc xách nhiễu tình dục, hay làm ngơ đối với những vị tỏ ra dễ dãi như thế, là tự chứng tỏ mình thiếu khả năng phán đoán mục vụ một cách lành mạnh. Vị giám mục nào giải quyết vụ xì-căng-đan bằng cách che đậy chứng cớ thì một là tỏ ra hoàn toàn dửng dưng đối với phúc lợi các linh hồn đã được trao phó cho ngài chăm sóc hai là làm méo mó một cách nghiêm trọng khuôn mặt đích thực của Giáo Hội. Trong cả hai trường hợp, ngài đã tự biến mình thành thất sủng và làm người ta hoàn toàn mất tin tưởng vào khả năng lãnh đạo mục vụ của ngài. Từ chức do đó là giải pháp hay nhất.

Tại Hoa Kỳ, nơi hàng tá các giáo phận có liên lụy tới các vụ xách nhiễu tình dục trong thập niên qua, chỉ có một giám mục đã đệ đơn từ chức. Trong khi đó, chỉ trong vòng non một tháng, 4 vị giám mục Ái Nhĩ Lan đã liên tiếp theo nhau từ chức khi chỉ có một giáo phận bị tiết lộ là có vấn đề. Quả các vị giám mục Ái Nhĩ Lan chứng tỏ được một nhậy cảm mục vụ mà các đồng nghiệp Hoa Kỳ của các vị xem ra đang thiếu. Đối với câu truyện đáng buồn này, người ta còn thấy một khía cạnh tích cực khác. Đức Bênêđíctô XVI đã hứa sẽ ban hành một thư mục vụ về cuộc khủng hỏang Ái Nhĩ Lan. Việc Đức Thánh Cha khéo léo xử lý vụ xì-căng-đan xách nhiễu tình dục tại Hoa Kỳ nhân cuộc tông du hồi tháng Tư năm 2008 tại đó khiến người ta hy vọng rằng ngài sẽ rút ra được nhiều bài học quan trọng từ vấn nạn Ái Nhĩ Lan.

3. Các động thái nhằm hòa giải Hội Thánh Piô X

Cả câu truyện này nữa cũng đi đôi với một trong năm điều tệ hại nhất của năm 2009. Nhưng không giống trường hợp trên, trong đó, câu truyện buồn đã tạo ra nhiều khía cạnh tích cực, trong trường hợp này, truyện buồn hầu như che khuất toàn bộ các khía cạnh tích cực. Các dấu hiệu tích cực của Ái Nhĩ Lan ví như viền bạc chiếu qua làn mây đặc. Trái lại, cuộc tranh cãi chung quanh vụ việc của Đức Cha Williamson gần như đã thu hút mọi chú ý, khiến không ai còn có dịp để ý tới các sáng kiến rất tích cực của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nhằm hòa giải Hội Thánh Piô X.

Còn nhớ hồi tháng Giêng, Đức Bênêđíctô XVI quyết định bãi bỏ các sắc lệnh phạt vạ tuyệt thông 4 vị giám mục của Hội Thánh Piô X sau khi họ được tấn phong giám mục bất hợp pháp bởi TGM Marcel Lefèbre. Khi làm thế, Đức Giáo Hoàng, người trước đó đã cho phép việc sử dụng rộng rãi nền phụng vụ Latinh truyền thống, đã loại bỏ trở ngại quan trọng cuối cùng khiến Hội Thánh Piô X ngần ngại không về hiệp nhất với Tòa Thánh.

Cử chỉ mạnh dạn của Đức GH sau đó không lâu đã bị che mờ bởi tính thời sự tiêu cực do vụ việc Williamson tạo ra. Động thái của Đức Thánh Cha đã mất đi tác động đều tiên của nó; cả Tòa Thánh lẫn Hội Thánh Piô X đều lâm vào thế thủ. Sandro Magister, quan sát viên Tòa Thánh của tờ L’Espresso nhận xét rằng vụ việc này cho thấy rõ “sự cô lập của Đức Bênêđíctô XVI, sự thiếu khả năng của Giáo Triều, và sự tịt ngòi (misfires) của Văn Phòng Quốc Vụ Khanh”. Tất cả những buộc tội trên đều quá đúng.

Với một đức khiêm nhường và nhẫn nại cao độ, Đức Bênêđíctô XVI sau đó đã ban hành một lá thư nói rõ mục đích trong động thái của ngài, và gần như van nài các vị giám mục hoàn cầu hỗ trợ kế hoạch hoà giải của ngài. Lá thư này cũng nhấn mạnh đến quyết tâm của Đức Bênêđíctô XVI. Ngài giải thích rằng ngài là người đầu tiên thấy rõ: việc hòa giải với nhóm Công Giáo bướng bỉnh này sẽ mang lại ích lợi cho toàn thể Giáo Hội: “việc trở về với Giáo Hội vĩ đại, rộng khắp và của chung này sẽ thắng vượt tính một chiều và làm nhẹ các căng thẳng, khiến cho từ nay họ trở thành lực lượng tích cực cho toàn thể Giáo Hội”.

Đức GH Bênêđíctô XVI hiển nhiên đã nhìn ra vai trò như thế của Hội Thánh Piô X. Và mặc dù có sự chống đối đối với động thái đầu tiên này của ngài, người ta thấy các tiến bộ hướng tới hòa giải vẫn tiếp tục xẩy ra. Vào tháng 10 vừa qua, các đại diện của Nhóm đã họp với các viên chức của Tòa Thánh để thảo luận loạt vấn đề đầu tiên của dự án liên quan tới khía cạnh tín lý. Các cuộc thảo luận này nhằm mục tiêu làm sáng tỏ việc giải thích đúng đắn Công Đồng Vatican II. Về lâu về dài, nhờ thiết lập được các giới hạn cho điều người Công Giáo phải chấp nhận, và điều được phép thảo luận, các cuộc thảo luận này sẽ giúp hàng ngàn người duy truyền thống hay thủ cựu nói trên tìm được đường về hiệp nhất trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo.

2. Vươn tay chào đón anh em Anh Giáo

Tháng 10, Đức GH Bênêđíctô XVI đưa ra một quyết định táo bạo khác, đó là việc công bố sẽ ban hành một tông hiến ấn định điều kiện cho anh em tín hữu Anh Giáo gia nhập hiệp thông trọn vẹn với Tòa Phêrô mà vẫn giữ được truyền thống tổ chức và truyền thống phụng vụ riêng của họ. Đức Thánh Cha một lần nữa cũng giải thích rằng sáng kiến của ngài là một phương tiện làm giầu thêm Giáo Hội hoàn vũ, nhờ hòa giải với các anh chị em ly khai.

Trong trường hợp này, sự ly khai đã kéo dài nhiều thế kỷ. Và vì nhiều vấn đề nội bộ có tính nghiêm trọng mà anh chị em Anh Giáo đang phải đương đầu, người ta coi lời mời gọi của Đức GH là hết sức hợp thời và do đó, được mọi người chào đón.

Kế hoạch của Đức GH hết sức đơn giản; và hành động của ngài hết sức dứt khoát. Nhiều năm qua, các người Anh Giáo theo khuynh hướng bảo thủ vẫn mong chờ viễn tượng cả nhóm được gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Nhưng lòng mong chờ ấy đã gặp nhiều phản ứng không thuận lợi từ phía những nhà đại kết chuyên nghiệp, là những người vốn lo ngại sẽ bị phía TGM Canterbury nổi giận cũng như từ phía các giám mục Anh là những người không mấy hứng khởi trước viễn tượng phải tiếp nhận hàng ngàn những người Công Giáo mới có khuynh hướng thần học bảo thủ gia nhập giáo phận của mình. Rất may, chỉ cần một nghĩa cử độc nhất của Đức Giáo Hoàng, là những quan ngại ấy đã được dẹp qua một bên. Điều đáng lưu ý là cả những nhà đại kết chuyên nghiệp hàng đầu của Tòa Thánh lẫn hội đồng giám mục Anh đều đã không trực tiếp can dự vào việc soạn thảo bản tuyên bố sau cùng của Đức Bênêđíctô XVI.

Khi được công bố chính thức, hiến chế nói trên tỏ ra hết sức nhạy cảm đối với các cử tọa Anh Giáo, hết sức tôn trọng và kính phục truyền thống Anh Giáo. Các thái độ ấy chắc chắn sẽ gây nhiều ấn tượng mạnh mẽ nơi các Kitô hữu khác, nhất là anh chị em Chính Thống Giáo, những người đang dò dẫm khả thể hiệp thông trọn vẹn với Rôma.

Cũng như đối với Hội Thánh Piô X, việc hợp nhất của Anh Giáo chắc chắn sẽ diễn tiến một cách chậm chạp; còn rất nhiều chi tiết phải được giải quyết. Nhưng sau 400 năm chờ đợi, ai cũng thấy diễn trình hòa giải đã chính thức khai diễn dưới triều Đức Bênêđíctô XVI.

1. Các giám mục Hoa Kỳ tìm được tiếng nói công cộng

Việc trường đại học Công Giáo nổi danh nhất của Hoa Kỳ quyết định vinh danh Tổng Thống Barack Obama qua việc trao tặng ông bằng tiến sĩ danh dự quả là một chuyện kỳ quặc. Rất may, khá nhiều giám mục Hoa Kỳ đã lên tiếng nhận định như thế.

Vị bản quyền sở tại là Đức Cha John D’Arcy đã khơi mào việc lên án bằng cách cho rằng lời mời của ĐH Notre Dame là một phá lệ đáng tiếc của điều đáng ra phải là trận tuyến thống nhất của người Công Giáo chống lại nạn phá thai. Khi vị chủ tịch của Trường từ khước không chịu xét lại việc trao bằng danh dự nói trên, Đức Cha D'Arcy đã chính thức công bố tẩy chay, không tham dự buổi lễ. Việc ấy tự nó rất đáng lưu ý. Vì trước đó, chưa bao giờ có một vị giám mục Hoa Kỳ nào lên tiếng công khai và trực diện chỉ trích một đại học Công Giáo như thế.

Tuy nhiên, Đức Cha D’Arcy không chiến đấu đơn độc; hơn 70 vị giám mục Hoa Kỳ khác đã cùng góp tiếng chỉ trích ĐH Notre Dame. Và chính Hội Đồng GM Hoa Kỳ cũng đã thông qua một nghị quyết nhằm hỗ trợ Đức Cha D’Arcy.

Một câu truyện khác xẩy ra trong năm 2009 cũng đáng được đặc biệt nhắc đến. Khi Đức Cha Thomas Tobin của Giáo Phận Providence, Rhode Island, kêu gọi dân biểu Patrick Kennedy “hồi tâm và thống hối”, lúc ngài lên tiếng thắc mắc không hiểu nhà lập pháp trẻ tuổi của dòng họ chính trị nổi danh nhất nước Mỹ này có chu toàn bổn phận căn bản của một người Công Giáo hay không, thì lời kêu gọi hoàn toàn mạnh bạo ấy đã trở thành liều thuốc bổ đối với những người Công Giáo vốn đợi cả mấy chục năm qua mới nghe được một câu đầy thách thức như vậy.

Đức Cha Tobin không khởi xướng cuộc tấn công đối với ông Kennedy; chính vị dân biểu Rhode Island này đã lên tiếng đánh phủ đầu hàng giáo phẩm trước và sau đó còn leo thang bằng cách tiết lộ rằng chính Đức Cha Tobin đã yêu cầu ông đừng rước lễ. Tuy nhiên, Đức Cha Tobin đã không rút lại cuộc tấn công. Thái độ của ngài cho thấy các vị giám mục Hoa Kỳ không còn nấn ná nữa, nhưng đã dứt khoát trở nên cứng rắn đối với các chính trị gia Công Giáo phò “văn hóa sự chết”.

III. Năm điều chờ mong trong năm 2010: Sau khi đưa ra 5 điều tệ hại nhất và 5 điều khích lệ nhất của năm 2009, Lawler tiên đoán 5 điều sau đây sẽ xẩy ra trong năm 2010, cũng theo thứ tự từ dưới đi lên. Theo ông, những tin tức hàng đầu để có thể chạy hàng tít lớn không dễ gì mà tiên đoán được. Ngược với triều đại Đức Gioan Phaolô II, các công bố lớn dưới thời Đức Bênêđíctô XVI thường xẩy ra mà không có báo trước. Dinh tông tòa hình như không có lỗ hổng nào; các nhà báo không được dành một tuần lễ nào để thảo luận hay “vặn vẹo”một tài liệu trước khi được công bố. Ngay cả khi một chủ đề nào đó đã được các giới bao quanh Vatican thảo luận hàng tháng trước, thì Đức Bênêđíctô XVI vẫn có khả năng làm cho các nhà báo chưng hửng về ngày giờ công bố chủ đề ấy. Trong năm 2009 chẳng hạn, việc ngài bãi bỏ vạ tuyệt thông cho các giám mục của Hội Thánh Piô X và việc ngài mời gọi anh chị em Anh Giáo đều là những việc bất ngờ, cho dù các phúc trình về mối liên hệ của Tòa Thánh với Nhóm Duy Truyền Thống và với các người Anh Giáo bảo thủ đã được bàn tán cả mấy năm trước. Cũng thế, dù người ta biết rõ Bộ Phong Thánh đã sọan sẵn sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Đức Piô XII, nhưng không nhà báo nào tại Vatican dự đoán được việc Đức Giáo Hoàng cho công bố sắc lệnh đó vào tháng 12 vừa qua.

Rõ ràng là Đức Bênêđíctô XVI đưa ra động thái về chính sách khi ngài cho đã đến lúc thuận tiện để làm việc đó, chứ không hẳn để chiều theo “tiên đoán” của báo chí. Bởi thế, tiên đoán các biến cố chính có tính tin tức cho năm 2010, người ta chỉ làm một cố gắng để đọc ra tâm tư của Đức Giáo Hoàng mà thôi.

5. Đức Bênêđíctô XVI sẽ đưa ra các đề nghị mới nhằm phục hưng nền phụng vụ Latinh.

Nhiều năm trước đây, khi còn là Hồng Y Ratzinger, Đức Bênêđíctô XVI vốn được nhận diện là một trong những người cổ vũ hăng say nhất việc“canh tân cuộc canh tân”. Ngài hay viết về phụng vụ và luôn nhấn mạnh đến nhu cầu phải phục hưng cảm thức về thánh thiêng. Khi được bầu làm Giáo Hoàng, những người thuộc một khuynh hướng phụng vụ với ngài vốn mong đợi sẽ có những thay đổi quan trọng về phụng vụ. Từ ngày đó đến nay, các thay đổi như thế rất ít. Nhưng Đức Bênêđíctô hành động một cách hết sức có tính toán, và không có lý do gì để tin là ngài hết quan tâm tới việc canh tân phụng vụ. Trái lại, khi ngài cho công bố tông thư Summorum Pontificum, cho phép việc sử dụng rộng rãi nền phụng vụ Latinh cổ truyền, ngài đã cho hay việc sử dụng rộng rãi hình thức cử hành ngoại thường này chắc chắn sẽ sản sinh ra một phong trào hướng tới cuộc canh tân mà nhiều người đang mong chờ đối với Novus Ordo (Phần Thường Lễ).

Trong suốt mùa hè năm 2009, tại Rôma từng có nhiều lời đồn đãi cho rằng Bộ Thờ Phượng Thánh đang nghiên cứu các đề nghị mới về phụng vụ. Những lời đồn đại này được phao truyền rộng rãi đến độ Phòng Báo Chí Tòa Thánh phải ra thông cáo khéo léo đính chính đại loại như sau: hiện không có “đề nghị có tính định chế” nào đang được xem sét.

Nhưng sau đó, Andrea Tornielli, một nhà báo chuyên về Vatican vốn được coi là chính xác một cách nhất quán nhất, đã quả quyết trên tờ Il Giornale rằng dù Tòa Thánh bác bỏ, nhưng nhiều đề nghị nhằm “canh tân cuộc canh tân” đang được xem sét. Mấy tuần sau, phúc trình của Tornielli, trong yếu tính, đã được một thẩm quyền rất giá trị của Vatican xác nhận, đó chính là Đức HY Antonio Cañizares Llovera, bộ trưởng thánh bộ Thờ Phượng Thánh.

Hẳn có điều gì đó đang sắp xẩy ra. Người ta không biết rõ hình dạng của nó ra sao và ngày giờ nó ra đời lúc nào, nhưng họ có quyền chờ đợi nó trong năm 2010.

4. Đức GH Gioan Phaolô II và Đức HY John Henry Newman sẽ được phong chân phước

Theo Lawler, đây không hẳn là một tiên báo táo bạo. Vì ai cũng biết Đức Gioan Phaolô II đã được nâng lên hàng Đáng Kính, chỉ cần một phép lạ được công nhận nữa là ngài được phong chân phước. Mà phép lạ gán cho lời cầu bầu của ngài thì nhiều và hiện đang được nghiên cứu. Vả lại, hàng triệu tín đồ Công Giáo khắp thế giới đang khao khát cho việc nghiên cứu này tiến hành mau chóng. Tất cả những yếu tố ấy khiến người ta đủ lý do để tin rằng mùa thu này, Đức Gioan Phaolô II sẽ được phong chân phước.

Việc phong chân phước cho Đức HY Newman cũng thế, chỉ còn là vấn đề thời gian. Tòa Thánh đã xác nhận tính chân thực của một phép lạ do sự cầu bầu của ngài đem lại. Có chăng chỉ còn việc ấn định ngày phong chân phước mà thôi. Vì phép lạ đã được nhìn nhận hồi tháng 7, nên việc phong chân phước đáng lẽ đã xẩy ra rồi. Tại sao có sự trì hoãn này? Một số giới chức Công Giáo Anh cho rằng Đức Bênêđíctô XVI có thể dành vinh dự chủ tọa lễ phong chân phước này cho chính ngài, dịp ngài qua thăm Anh Quốc vào tháng 9 năm 2010.

3. Tòa Thánh sẽ có một tranh chấp lớn về chính sách với Liên Hiệp Âu Châu

Ít người lưu ý tới việc năm 2009 khi Hiệp Ước Lisbon có hiệu lực, thì Liên Hiệp Âu Châu đã trở thành một cơ cấu có chủ quyền, được trao cho nhiều quyền lực mới vượt trên các quốc gia hội viên.

Dù Tòa Thánh luôn mạnh mẽ hỗ trợ chính nghĩa hiệp nhất Âu Châu, nhưng cơ quan đầu não của Liên Hiệp Âu Châu luôn chống lại Giáo Hội trong các vấn đề như phá thai, hôn nhân đồng tính, giáo dục tôn giáo và cả việc đối xử với tôn giáo trong các văn kiện thành lập Liên Hiệp. Cả hàng thập niên qua, Tòa Thánh luôn đấu tranh chống lại các nhà lãnh đạo chính trị duy tục của Âu Châu trong nhiều vấn đề đặc thù, trong khi vẫn hỗ trợ mục tiêu tổng quát của Liên Hiệp này. Nay, một khi Liên Hiệp Âu Châu đã mang hình thức một cơ chế có chủ quyền, một kình chống trực diện thế nào cũng xẩy ra.

Cuộc kình chống ấy sẽ xẩy ra nhân dịp tòa án Âu Châu lên án việc Ái Nhĩ Lan ngăn cấm phá thai chăng? Việc lên án này quả là chuyện nghịch thường phi lý vì các giám mục Ái Nhĩ Lan đều là những người từng mạnh mẽ ủng hộ hiệp ước Lisbon. Hay sự kình chống ấy sẽ được khai triển đối với quyết định vốn đã được Tòa Nhân Quyền của Âu Châu phán quyết: tức phán quyết cho rằng việc trưng tượng chịu nạn trong các lớp học ở Ý là vi phạm nhân quyền? Hay cũng có thể là một vấn đề khác hẳn. Cuộc kình chống ấy khó lòng tránh được.

2. Đức Bênêđíctô XVI sẽ có động thái đại kết ngoạn mục đối với các giáo hội Đông Phương.

Ta biết Đức Bênêđíctô XVI vốn quan tâm đến việc hòa giải với các người Công Giáo duy truyền thống và tháng Giêng năm ngoái, ngài đã có động thái ngoạn mục qua việc bãi bỏ vạ tuyệt thông cho các giám mục của Hội Thánh Piô X. Ta cũng biết ngài rất quan tâm đến việc lôi cuốn các anh chị em Anh Giáo có tinh thần truyền thống trở về với Giáo Hội Công Giáo, và tháng 10 năm ngoái, ngài từng đưa ra một đề nghị ngoạn mục. Và ta còn biết là ngài rất quan tâm đến việc xích gần lại các giáo hội Chính Thống. Nên hãy chờ xem.

Với việc bầu cử Thượng Phụ Kirill đứng đầu Giáo Hội Chính Thống Nga, Đức Bênêđíctô XVI hiện đang có một người đối thoại ở Mạc Tư Khoa cũng quan tâm chẳng kém đối với việc đại kết như mình. Dù toà thượng phụ Mạc Tư Khoa vẫn tiếp tục đưa ra nhiều lời chỉ trích chống lại điều họ gọi là cố gắng lôi kéo người ta vào đạo của Công Giáo, nhưng giọng điệu trong các lời chỉ trích này đã bớt phần chua cay hơn trước nhiều, ngầm cho thấy ý muốn sẵn sàng đối thoại thường xuyên và có chất lượng hơn.

Trong trường hợp có sự kình chống lớn với Liên Hiệp Âu Châu, phần chắc là Giáo Hội Chính Thống Nga sẽ hỗ trợ Giáo Hội Công Giáo. Vì nhiều năm qua, giới lãnh đạo Chính Thống Nga công khai bày tỏ ý muốn được liên minh với Công Giáo trong cố gắng chống lại chủ nghĩa thế tục tại Âu Châu.

Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhiều lần bày tỏ ý nguyện được viếng Mạc Tư Khoa. Nhưng mỗi lần có kế hoạch họp thượng đỉnh với Thượng Phụ Alexei II, thì các giới chức Nga lại ngăn cản. Đức GH Bênêđíctô chưa công khai bày tỏ ý nguyện du hành qua Nga, nhưng thượng phụ Mạc Tư Khoa đã bắt đầu đưa ra gợi ý về một cuộc họp thượng đỉnh gần đây. Trong năm 2010 chăng?

1. Đức Bênêđíctô sẽ cử nhiệm thêm nhiều hồng y

Tiên đoán này khá dễ dàng. Cơ mật viện cuối cùng để cử nhiệm hồng y là tháng 11 năm 2007. Tuổi tác và cái chết đã dần dần làm con số các vị hồng y có tư cách đầu phiếu thưa dần, và một số vị giáo chủ đang phải đảm nhiệm các chức vụ, cả ở Vatican lẫn địa phương, mà thường ra vốn dành cho các vị hồng y.

Hiện có 112 hồng y dưới tuổi 80 nghĩa là có thể tham dự việc bầu giáo hoàng. Đến cuối tháng 3 này, con số ấy sẽ xuống còn 108, vì 4 vị hồng y nữa sẽ vượt qua tuổi 80. Qua tháng 9, con số ấy chỉ còn 103, ấy là chưa kể trường hợp có vị qua đời. Chắc chắn Đức Bênêđíctô XVI phải nghĩ đến viễn ảnh ấy. Có tin cho rằng Đức TGM Raymond Burke, hiện đứng đầu Tòa Án Tối Cao (Apostolic Signatura) sẽ là lãnh mũ hồng y trong cơ mật viện tới. Cũng có nguồn tin cho hay trước khi triệu tập cơ mật viện sắp tới, Đức GH có thể sẽ có những thay đổi lớn trong Giáo Triều. Trong đó, có việc thay thế Đức HY Giovanni Battista Re, bộ trưởng Thánh Bộ Giám Mục. Có tin đồn cả năm nay cho rằng sau khi đã làm việc tại Giáo Triều cả 20 năm nay, Đức HY Re sẽ được thay thế nhân dịp ngài 76 tuổi vào ngày 30 tháng Giêng này.