Ngay khi số phiếu 216 được rao lên trong đêm Chúa Nhật, đó là số tối thiểu cần thiết để thông qua đạo luật “Bảo vệ Bệnh nhân và Cung cấp dịch vụ Y tế với giá phải chăng“ ("Đạo luật "), thì những nhân viên tòa Bạch Cung đã hò reo và vỗ vai nhau uống mừng chiến thắng. Nhưng có lẽ đó chỉ là một trong những cuộc ăn mừng ít ỏi diễn ra kể cả cuộc lễ màu mè để phê chuẩn Đạo Luật sẽ diễn ra vào thứ Ba. Tỷ số sít sao 219/212 để thông qua Đạo Luật cho thấy đây là một đạo luật gây chia rẽ nhất trong lịch sử. Không hề có một phiếu của Công Hòa và ngay cả trong nội bộ Dân Chủ, nếu nhóm DB Stupak đã không nhập hội thì đạo luật đã bị đánh bại thảm thương.

Nhóm Stupak, một nhóm DB Công Giáo phò sự sống đã có công đưa ngôn ngữ chống phá thai vào dự luật của Hạ Viện trong tháng 11 vừa qua, nhưng khi đưa lên Thượng Viện thì tòan thể dự luật Hạ Viện đã bị lọai và Thượng Viện đưa ra một dự luật mới trong đó những ngôn ngữ chống phá thai hòan tòan bị gạt ra ngòai.

Dự luật của Thượng Viện bị nhiều chỉ trích, nào là có nhiều khỏan tài trợ cho phá thai, thuế mới không đánh vào giới nhà giầu mà lại nhắm vào quyền lợi của các nghiệp đòan (Cadillac plan), quyền lợi Medicare sẽ bị giảm và thuế đánh trên Medicare lại gia tăng.

Trước một đạo luật nhiều khuyết điểm như thế thì không thể trách đảng Cộng Hòa thừa cơ dồn đảng Dân Chủ vào ngõ bí. Chiến lược của họ là ép cho Dân Chủ vào một tình huống tiến thóai lưỡng nan, ủng hộ đạo luật thất nhân tâm thì sẽ bị cử tri chống trong kỳ bầu cử sắp tới, mà thất bại sau một cuộc bàn cãi kéo dài gần một năm trời thì sẽ bị tê liệt không thể thông qua bất kỳ một đạo luật nào khác.

Vì thế cố gắng của Obama tìm một đồng thuận lưỡng đảng đã thất bại, và trong tình thế đảng Dân Chủ đã mất đa số tuyệt đối để chống filibuster (60 phiếu), thì phương cách để thông qua một đạo luật còn dang dở là dùng tiến trình hòa giải ngân sách (reconciliation), nghĩa là Hạ Viện phải thông qua nguyên văn dự luật nhiều khuyết điểm của Thượng Viện, sau khi luật đó được ban hành thì Hạ Viện và Thượng Viện sẽ thông qua những sửa đổi về ngân sách, những hòa giải ngân sách này thì chỉ cần đa số tương đối là 216 phiếu ở Hạ Viện và 51 phiếu trên Thượng Viện là đủ.

Bài tóan là làm sao tìm ra số sửa đổi tối đa, nghĩa là bỏ hay thêm nhiều điều khỏan mà vẫn duy trì đủ túc số 51 trên Thượng Viện và 216 dưới Hạ Viện. Nhưng cho tới những ngày cuối cùng túc số này vẫn chưa đạt được. Giải pháp là thuyết phục nhóm Stupak bằng nhiều cách, thứ nhất là dùng sức ép chính trị và tuyên truyền, và đã tìm thêm được vài phiếu, và thứ hai là đưa vào đạo luật ngôn ngữ chống phá thai. Nhưng việc đưa ngôn ngữ chống phá thai là không khả thi vì đó không thuộc phạm vi ngân sách. Và nếu đề nghị một tu chánh án thì may lắm chỉ kiếm được có 55 phiếu ở Thượng Viện mà thôi.

Trong những giờ cuối của cuộc tranh luận quốc gia về Cải Tổ Y Tế, Obama đã nhượng bộ nhóm Stupak bằng cách đồng ý ký một sắc lệnh ngăn cấm dùng tiền Liên Bang cho chi phí phá thai và duy trì những điều khỏan bảo vệ quyền lương tâm.

Với sự nhượng bộ vào phút chót này, Đạo luật đã được thông qua.

Nhưng hầu như không có ai nhẩy mừng.

Những nhóm đầu tiên đáng lẽ phải vui mừng là nhửng nhóm phò phá thai ồn ào như NOW (National Organization for Women), NARAL Pro-Choice America và Catholic for Choice, nhưng họ đều ra thông cáo phản đối mạnh mẽ Sắc Lệnh của Obama, với những lời lẽ nặng nề như “Obama đã làm mất lòng tin của giới phụ nữ” (Obama Breaks Faith with Women) hoặc “nguyên tắc cấp tiến đang phải trực diện xung đột với các nhượng bộ” (progressive principles are in direct conflict with many of the compromises) hoặc các dân biểu “đã quay lưng lại giới phụ nữ nghèo” ("turned their backs on poor women.")

Còn trên chiến tuyến phò sự sống, ngay lập tức hội The Susan B. Anthony List đã tuyên bố hủy bỏ huy chương "Defender of Life" (“Người bảo vệ sự sống”) dự định trao cho DB Stupak. Ủy ban National Right to Life Committee gạt bỏ tầm quan trọng của lời hứa của Obama như là một cách để tìm tác dụng chính trị mà thôi. Và tuy các Giám Mục Công Giáo chưa tuyên bố gì, nhưng Richard Doerflinger phó chủ tịch ủy ban phò sự sống cho biết “Chúng tôi kết luận là một Sắc Lệnh hành pháp thì không đủ để gác lên trên hoặc sửa đổi những vấn đề của một đạo luật, cho nên điều chúng ta cần là thay đổi luật”.(”our conclusion has been that an executive order cannot override or change the central problems in the statute. Those need a legislative fix,")

Một sắc lệnh của hành pháp có hiệu lực gì không? Dĩ nhiên là có, đó là ý kiến của Timothy Stoltzfus Jost, giáo sư luật của Washington and Lee University School of Law. “Một lệnh của hành pháp thì có hiệu lực của một luật” và sẽ không thể bị kiện chừng nào mà “vị tổng thống hành sử đúng quyền hạn là người đứng đầu các cơ quan hành pháp và không đi ngược với thể lệ hiện hành”.

Nhưng một vị tổng thống có thể đổi ý và thay đổi sắc lệnh tùy tiện. Dựa vào những lời hứa cuội trong quá khứ, không ai có thể tin rằng Obama sẽ trung thành với Stupak một cách lâu dài.

Cho nên về lâu về dài, cuộc chiến giữa sự sống và phá thai sẽ còn nhiều gay cấn.